Truyện không rõ xuất xứ. Chỉ biết từ lâu đã được truyền tụng trong dân gian, nhiều người kể, nhiều người nghe. Nội dung không khác nhau mấy, duy tên người, tên địa phương và nhất là phần cuối truyện thì tùy theo tâm trạng người kể, mỗi người kết một khác. Có người gọi tên nhân vật là Trương, sống cuối đời tiền Lê, có người gọi Trấn hay Phạm Trân, người đời Trần hoặc cuối đời Trịnh Nguyễn. Còn sự khác nhau ở phần kết thì có người kể rằng, khi chán ngán lũ sáo, Trương đã mở lồng thả cả ra và bỏ nhà vào núi tu tiên rồi mất tích hẳn. Có người lại nói trước khi bỏ đi, Trương đã nổi giận, bẻ cổ vặt lông tất thảy, chén một bữa no say. Người khác lại kể... Như vậy, về đoạn kết này, tuy mỗi người một khác, nhưng chung cục ta thấy nhân vật có hai thái độ. Một là Trương bỏ mặc lũ sáo yêu quí, sau bao nhiêu năm mớm mồi, dạy lời phỉnh nịnh mình, bỏ đi vô trách nhiệm. Hai là, trong cơn phẫn nộ đã có hành động tàn ác đối với lũ chim. Truyện tôi được nghe, đoạn kết có phần tế nhị hơn, nhưng tựu trung, lũ sáo vẫn không thoát khỏi số phận bi thảm dành cho chúng. Tôi đem kết truyện này kể lại với một nhà phê bình văn học. Ông cho rằng cả hai cách kết truyện có tính thống nhất. Bởi vì, dù sao lũ sáo nhà ấy cũng không thể tránh khỏi số phận tương tự. Chỉ khác là, một đằng sự bi thảm đến chầm chậm, đằng kia thì giáng xuống ngay. Và ông rất tâm đắc với lối kết truyện. - Anh không nghĩ như thế là logic à? Ông hỏi tôi. Thử hỏi lũ sáo lồng còn dùng làm gì được nữa chứ, sau bấy nhiêu năm được nuôi nấng để nói rặt tiếng người? Chim mà không bay bằng đôi cánh được, không tự kiếm ăn được. Chim không hót tiếng chim, lại nói tiếng người, mà giọng lưỡi rặt những điều người ta mớm cho, không hiểu tí gì. Như vậy chúng có còn là chim nữa không? Cũng như người mà không nói tiếng người, chỉ biết rống thôi chả hạn – theo tiếng của loài khác – không suy nghĩ bằng trí óc của mình, chỉ suy nghĩ, nói theo sự dạy bảo của loài khác, thì theo anh, hạng đó có còn gọi là người được nữa không? Và họ còn có thể dùng được vào việc gì? Nghe ông hùng hồn phân tích, tôi cũng thấy nao lòng, nhưng sợ nặng cảm tính chăng? Ngại ông phiền lòng nên tôi chỉ ậm ừ. Có lẽ tôi đã hơi dông dài. E chừng dông dài hơn câu chuyện nhạt tôi sắp kể hầu quí vị. Xin được muôn vàn lượng thứ. Sau đây là câu chuyện tôi được nghe từ người kể chuyện trong một phiên chợ. Chuyện dân gian thường không có tựa đề. “Số phận lũ sáo nhà” là do tôi đặt cho dễ nhớ. Câu chuyện giản dị kể về một người tên Trương, có chút cá tính đặc biệt. Và hành động cuối đời là do anh nhận ra sai lầm, hay anh ta hối hận thì chỉ mình anh biết. Lũ sáo chỉ là những nạn nhân đáng thương. Trương là nho sinh, con một gia đình khá giả nổi tiếng về đường khoa cử cuối đời tiền Lê. Riêng Trương tư chất không thông minh lắm, chỉ được cái nhớ dai, nói lại như vẹt, không hiểu ý tứ. Trương hợm mình, cố chấp, cho rằng chỉ mình là tài giỏi, cả làng, huyện, Trương không coi ai ra gì, kể cả thầy cũ. Trương hay lên mặt chỉ vẽ người khác làm việc này việc nọ theo ý mình, cho mình là nhất, nhưng công việc làm đâu hỏng đấy. Lúc đầu có người chơi, sau lần hồi xa lánh, không ai lui tới, ngoại trừ một số người phỉnh nịnh cốt để được Trương ban bố chút ít quyền lợi. Trương không lấy thế làm phiền. Để giải khuây, lúc ngoài ba mươi, Trương nuôi chim. Vốn gia đình giàu có, nhiều tiền của để lại, Trương bỏ ra mua chim về nuôi trong những chiếc lồng chạm trổ cầu kỳ như một cung điện thu nhỏ. Một vườn chim có đến mấy ngàn con, không thiếu giống chim quý nào. Đặc biệt, Trương yêu nhất chim sáo, được nuôi ở một khu vực riêng, gần thư phòng, có đến hàng trăm, được Trương cho ăn theo tiêu chuẩn đặc biệt: ớt cay, cào cào, châu chấu và cả thịt bò nữa. Trương chăm sóc rất chu đáo. Mỗi lồng đều có màn hoa che tránh gió lạnh về đêm. Khi sáo vừa lớn, Trương lột lưỡi, dạy nói tiếng người. Nhờ lột lưỡi nhiều, lũ sáo nói tiếng người chuẩn không chê vào đâu được, mà âm điệu thì giống Trương in hệt, không trông, lầm là tiếng Trương. Mỗi con sáo Trương đặt cho một chức quan. Nào là con Tể Tướng, con Thượng Thư, con Đại Nguyên soái... Có nhiều Tể Tướng, Thượng Thư, Nguyên soái, tính hết cả bầy sáo, các chức quan đủ để thiết lập hàng mấy chục triều đình, do một mình Trương lãnh đạo. - Như vậy anh có thấy Trương tự coi mình là gì không? Đột nhiên người kể chuyện kề mặt sát vào mặt tôi, hỏi như nạt. Và không chờ tôi trả lời, bác ta nói luôn: “Là Đại đại hoàng đế. Phải không nào?”. Rồi bác khoái trá, vỗ đùi cười nghiêng ngã. Bác kể tiếp: - Thế là Đại hoàng đế Trương có một lũ bề tôi. Mỗi bề tôi, Trương dạy một số câu chữ nhất định hoặc những bài thơ của Trương. Kể ra đây đến... chiều cũng chưa hết, e làm ông anh mất thì giờ. Vậy chỉ xin nói gọn lại, còn thì anh bạn có thể dễ dàng nghĩ thêm. Tất cả nội dung các câu, các bài thơ đó gồm những lời tung hô vạn tuế Trương, từ tài thơ văn đến võ nghệ, đức hạnh. Thơ văn thì trác tuyệt, võ nghệ thì cao cường xuất chúng. Về đức hạnh, cộng chung của các thánh hiền kim cổ lại cũng không sánh bằng. Ấy, đại để tài đức Đại đại hoàng đế Trương... là như thế đấy. Hàng ngày, bảnh mắt, Trương trở dậy, đem thức ăn, nước uống đến cung cấp cho mỗi lồng để nghe những lời tung hô chúc tụng của các Tể Tướng. Trương thủ suốt mấy trăm lồng gồm vài ngàn câu toàn một giọng vạn tuế. Nghe xong mặt rạng rỡ, Trương ung dung đi lại, ngắm nghía bầy tôi trung tín. Có hôm, Trương lại vườn chim rất lâu, nghe mãi không chán, quên cả ăn uống. Trương sống trong hào quang đó hơn ba mươi năm. Một hôm như lệ thường, Trương đem thức ăn ra cho lũ chim, nghe chúng tung hô, lòng bỗng thấy không vui, vẻ mặt ra chiều tư lự. Lũ chim thì vô tình, nhảy nhót vui mừng chào đón Trương chỉ chờ cho Trương đổ thức ăn, nước uống là chúng trả bài. Nhưng Trương vẫn đứng tần ngần trước đám quần thần, đoạn bước đến lồng con sáo đẹp nhất, nói giọng Trương đúng nhất, Trương rất yêu quí, có chức Tể Tướng, nói: - Này Tể Tướng, ngươi sống với ta, chịu sự giáo dục của ta đã lâu, rất tận tâm trung thành phục vụ ta, làm ta vui lòng. Ngươi thật đáng khen.. Nhưng đó chẳng qua là nô lệ. Những lời ta dạy cho ngươi nói là để làm ta vừa ý, của ta chứ không phải của ngươi. Nay ta muốn nghe chính lời của ngươi, tiếng của một con sáo. Ngươi hãy hót cho ta nghe. Con Tể Tướng thấy chủ còn đứng lâu, nhảy nhót mừng rỡ, tuôn ra một lô những lời tung hô, nịnh bợ mà nó đã được dạy dỗ cẩn thận. Trương buồn bã bước đến lồng con Thượng Thư, yêu cầu nó nói cái gì đó của chính nó, nhưng con Thượng Thư cũng chỉ nói những lời nó được dạy. Rồi con Nguyên soái, con... Không con nào biết nói gì khác, kể cả kêu một tiếng của loài sáo. Lòng buồn rười rượi, vào nhà Trương nằm liệt mấy hôm, ốm tưởng chết, phải nhờ người trông nom hộ lũ chim. Một sáng tỉnh dậy, Trương ra vườn cho chim ăn, mà tai không muốn nghe bầy tôi trung thành tung hô nữa. Trương hạ lồng, mở tất cả cửa và nói: - Lâu nay các ngươi được ta nuôi nấng, thức ăn, thức uống ta đưa đến tận nơi. Các ngươi không phụ lòng ta, làm ta vui suốt mấy mươi năm. Nay bỗng dưng ta thấy lòng mình đã đổi khác. Ta không còn muốn nghe các người tung hô ta bằng những lời ta đã dạy cho các ngươi nữa. Từ nay các ngươi được tự do, muốn hót gì tùy thích. Kìa là trời cao, các ngươi có đôi cánh, hãy bay lên và tìm lấy thức ăn, tự nuôi sống mình. Thôi, vĩnh biệt! Dưới đây là đoạn kết của người kể chuyện rong tôi đã nghe. - Sau khi Trương bỏ đi rồi, lũ sáo hồn nhiên chẳng hay biết gì, vẫn yên tâm nhảy nhót trong lồng, ăn thức ăn thừa trong ngày, buồn thì nói những câu tung hô Trương. Nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa, đúng giờ ăn mà chẳng thấy Trương đâu, hàng ngũ lũ sáo bắt đầu rối loạn. Chúng nhảy nhót trong lồng không còn tự chủ. Một vài con thấy lồng có khoảng trống, lấy làm lạ, thò đầu ra nhìn ngửa nhìn nghiêng, nhưng vội rúc đầu lại. Mãi khi cái đói, cái khát hành hạ rã rời, có con đánh liều tuồn ra cửa, nhưng chỉ nhảy quanh lồng, không dám đi xa. Ngước nhìn khoảng trời xanh bao la, không biết là gì, choáng ngợp. Vỗ thử đôi cánh thì bắp thịt đã rũ liệt. Chúng nhảy loanh quanh rồi lại chui vào lồng, rỉa song, mổ vào chén không. Người kể chuyện ngừng một chốc, đoạn nói: - Đấy, tình cảnh lũ sáo quen được nuôi ăn sau khi vắng chủ là như thế đấy, anh nghĩ xem, rồi chúng sẽ ra sao? Ông ta nhìn vào mắt tôi, chợt reo lên: - A! Đúng đấy! Chắc chắn phải như thế thôi. Nhưng tình trạng còn tồi tệ và bi thảm hơn nữa kia, ông anh ạ. Ở cùng xóm với Trương, không xa lắm, có một người thích nuôi mèo mà nhà lại nghèo, ít khi cho ăn, lũ mèo phải tự lực mưu sinh đã nhiều lần rình mò, nhưng lũ sáo cung đình luôn được che chở trong lồng treo cao, chúng ấm ức không làm gì được. Buổi chiều hai hôm sau, tình cờ một con mèo đi kiếm mồi ngang qua vườn chim, trông thấy lũ sáo đang nhảy nhót nhớn nhác con trong con ngoài, cửa lồng lại mở. Thế là nó men lại và, loáng một cái... Sau đó, tất cả mèo của anh hàng xóm biết tin. Hình như trong ánh mắt tôi thoáng vẻ bàng hoàng. Người kể chuyện bình thản nói, không nhìn tôi nữa: - Vậy chứ ông anh còn trông mong điều gì? Nếu chúng bay lên được thì mọi việc ổn thỏa rồi, phải không? Đàng này, chúng có cánh mà không thể bay lên được. Chúng chỉ chạy, nhảy bằng hai chân và lủi vào bờ bụi y như lũ chuột đồng vậy. Vừa chạy bán sống bán chết vừa kêu thất thanh: “Trương là một nhà văn, nhà thơ trác việt, một bậc hiền triết, một người văn võ kiêm toàn”, “Trương là bậc tài trí phi thường”... mà chui vào bụi thì làm sao thoát khỏi nanh vuốt lũ mèo kia chứ? Và tôi tin màn kết thúc diễn ra nhanh chóng. Nhưng sáng hôm sau, khi mặt trời chiếu những tia sáng đầu tiên soi tỏ vườn chim, thì trước đó đã chiếu lên đám lông vũ đen tơi tả, vài cái đầu, dăm đôi cánh bị cắn nát sót lại, vung vãi khắp chung quanh. Những vệt máu rây nho nhỏ vẽ lên mặt đất những đường ngoằn ngoèo màu nâu sậm. Toàn cảnh như bố cục lỏng lẻo một bức tranh trừu tượng của một họa sĩ trẻ có tính khôi hàiBản của tác giả. Kinh Dương Vương