Thằng Dần có ý định lên Dùi Chiêng để tìm cha. Mỗi lần hai đứa ra tắm sông rồi thơ thẩn triền sông tìm trái Duối dại là nó rủ rỉ kể cho tôi nghe về người cha oai hùng của nó. Nó bảo rằng:“ Cha tao là thợ săn cọp lừng danh”. Nó chưa một lần được gặp cha, hình ảnh của cha nó được khắc họa qua lời kể của mẹ về huyền thoại tấm da cọp treo trên vách đất trong căn nhà nhỏ.Tuổi thơ của tôi luôn chìm đắm trong niềm phấn khích của trí tưởng tượng bay bổng qua lời kể chuyện đầy hấp dẫn của thằng Dần. Tôi với thằng Dần học lớp bốn trường làng, Dần học không giỏi nhưng được cái khỏe, mới mười tuổi đầu nó đã gặt lúa, chặt bồi, gánh phân như người lớn. Dần sống với mẹ trong căn nhà tranh giữa gò làng. Căn nhà nhỏ bé ấy chỉ có miếng da cọp là đáng giá. Mỗi lần tới nhà nó chơi, tôi cứ rón rén đứng nhìn từ xa không dám lại gần chỗ căng tấm da cọp vằn vện ấy. Ở xóm tôi, người lớn mỗi khi dọa trẻ con thường bảo: “ Bắt nó qua nhà mẹ Nồng để cho cọp ăn thịt”. Có lẽ vì vậy mà bọn trẻ trong xóm đứa nào cũng sợ chết khiếp tấm da cọp của nhà thằng Dần. Đúng là: “ Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Bà Nồng mẹ Dần, dưới con mắt của tôi là một phụ nữ xinh đẹp dịu dàng. Bà đã bị mất một bàn chân do đạp mìn con cóc trong một lần đi chặt củi trong tháp Chàm Mỹ Sơn, nhưng chuyện ấy đã quá quen thuộc ở quê tôi, ngay trong xóm nhỏ của tôi cũng đã có bốn năm người cụt chân. Mỗi lần qua nhà chơi, bà thường cho tôi quà, khi quả sim, lúc trái mít nài.... toàn là thứ trái cây trong rừng. Tôi cứ thắc mắc là tại sao dân làng tôi cứ xa lánh mẹ con thằng Dần? Trong lớp chỉ mình tôi chơi với thằng Dần, cậu tôi không ngăn cản tôi như cha mẹ của đám bạn cùng lứa. Mỗi khi có ai thắc mắc chuyện mẹ thằng Dần, cậu tôi thường nói một câu rất lạ tai “ Ai trong các người không có tội thì hãy ném đá người đàn bà này đi!”. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết câu nói ấu cậu tôi học trong kinh thánh Thiên Chúa giáo. Hồi nhỏ tôi rất phục kiến thức uyên bác của cậu và trí tưởng tượng phong phú của thằng Dần. Vào mùa nông nhàn cậu tôi thường theo đò dọc lên tận Dùi Chiêng để mua dầu rái về bán cho dân Thăng Bình trét ghe đi biển. Thằng Dần mê cậu tôi lắm. Nó thường tâm sự với tôi: “ Hôm nào tao nói cậu Hai cho tao lên nguồn để tìm cha tao”. Cha thằng Dần là “ một người thợ săn cọp nổi tiếng” như lời khẳng định của nó trước khi bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe.Vùng Dùi Chiêng đồi núi chập chùng, rừng già đại ngàn hoang vu. Ban đêm cọp gầm chuyển núi, nai tác vang rừng, voi đi từng đàn rầm rập. Những đoàn người tìm trầm có khi gặp xác rắn to đến độ một người lớn khom lưng đi được trong đó như đi trong ống cống. Buổi tối những “hội trầm” tụ tập bên những tảng đá lớn, bằng phẳng bên bờ suối, đốt lửa cháy rần rật cả đêm. Họ thay phiên nhau chợp mắt để hôm sau còn đối diện với rừng già. Thời ấy, trầm không thịnh lắm nên chỉ có một số người nghèo hoặc trốn quân dịch lên rừng, mới lập hội tìm trầm sống tạm qua ngày. Chín Tâm là hội trưởng của một hội như vậy. Gần như quanh năm họ sống lẩn quất trong rừng. Trầm tìm được đổi gạo muối để ăn với thịt thú. Cẩn thận là vậy, nhưng con người quá nhỏ bé với thiên nhiên, năm người bạn trầm của Chín Tâm lần lượt bỏ mạng vì con cọp vằn hung hãn. Trước đây cọp không ăn thịt người, chỉ từ hôm máy bay Mỹ ném bom xuống núi Chúa làm chết cả buôn làng người dân tộc, cọp ăn thịt, bén mùi mới săn người. Dân buôn tan tác, thợ rừng, thợ trầm dần dần bị cọp bắt. Con cọp này to như con bò mộng, nguy hiểm khó lường, thoắt ẩn, thoắt hiện. Người ta đồn rằng nó biết cả mưu kế, có lần cọp mò vào tận nhà dân nằm chờ sẵn ở cầu thang cả đêm, đợi sáng người vừa bước xuống, vồ lấy chạy biến vào rừng. Lại có người kể nó biết đội nón lá đứng chờ thợ rừng đi qua nó cặp cổ tha đi....” Con cọp đã thành tinh “ không ai dám vào rừng. Người kinh, người Thượng tụ tập bàn cách giết cọp, nhiều lần họ ra tay nhưng chưa thành công. Dường như những hồn ma bị cọp bắt dẫn đường cho nó tránh bẫy, tránh người có vũ khí.Hai cha con cô Nồng lên miền ngược mua dầu rái, đành trọ lại nhà ông Kiểm Khái, một ông chủ buôn, các loại đặc sản của núi rừng. Họ chờ cả tháng chưa mua được thùng dầu nào cả, vì chẳng có ai dám vaò rừng.Từ ngày hội trầm tan rã, Chín Tâm cũng đành ở tạm trong nhà ông này. Trông anh ta như gã người rừng lầm lì, đáng sợ. Nhưng anh có vẽ đẹp hoang dã khiến cô Nồng chú ý.Mỗi khi mọi người tụ tập trong nhà ông Kiểm Khái bàn chuyện giết cọp, Tâm thường ngồi thu lu trong góc nhà, không hề tham gia. Đôi mắt của anh long lên mỗi khi mọi người nhắc đến con cọp tinh. Bao nhiêu lần họ ra quân cũng không ăn thua. Cứ vài ngày lại có người bị cọp ăn thịt. Anh sống lặng lẽ như vậy cho đến ngày thằng bé xóm trên bị cọp bắt, anh âm thầm ra đi và mang theo cây súng săn hai nòng của ông chủ. Suốt ba ngày, lặn lội theo dấu vết cọp dữ Tâm tìm được đến bờ suối, nơi còn lại cái đầu lâu của thằng bé đã bị quạ rỉa gần hết thịt. Tâm biết con cọp tinh khôn này, hễ thấy người có vũ khí trên tay là nó không bao giờ tấn công. Tâm quyết định chơi trò mạo hiểm, anh chọn tảng đá bằng phẳng đặt khẩu súng cách hai vòng lăn, rồi cởi trần đứng trên tảng đá suốt cả đêm. Lúc gần sáng anh nghe lá cây động raò rào phía sau lưng, một mùi tanh lợm giọng phả trong không khí. Anh quay phắt lại, đối mặt với anh là con cọp lớn, đôi mắt sáng quắc, miệng hoác đỏ lòm, đe dọa.... Nó đập đuôi xuống đất, cùng với tiếng gầm nó lao về phía Tâm bằng cú vồ dũng mãnh. Nhanh như cắt, Tâm ngã người xuống nền đá lăn vòng về phía cây súng. Vồ hụt vị Chúa tể rừng xanh kịp khựng bên bờ suối và quay ngoắt trở lại. Chính trong lúc ấy nó hứng trọn hai viên đạn vào giữa đỉnh đầu, nhưng nó vẫn lao về phía Tâm bằng bản năng hung dữ của loài cọp, không còn cách nào khác hơn Tâm dựng khẩu súng hứng vào cuống họng của nó. Lúc này cọp đổ vật xuống suối, tắt thở. Tuy nhiên những móng vuốt sắc nhọn của bàn chân trước cũng đã kịp cắm phập vào bả vai của anh kéo theo mảng thịt.......Con cọp được xẻ thịt chia cho mọi người. Tâm được quyền giữ tấm da cọp theo luật của các phường săn. Các phường săn tôn vinh anh là thủ lĩnh của họ. Từ đó Tâm bỏ nghề tìm trầm và sống bằng nghề săn cọp, anh nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng nhờ lòng can đảm và sự mưu trí. Khi núi rừng yên tĩnh trở lại, cha con cô Nồng đóng đủ số dầu rái và thả bè về xuôi. Chín Tâm tặng cho cô Nồng tấm da cọp đầu tiên mà anh săn được, tấm da ấy có người trả đến mấy lượng vàng, anh không bán. Về đồng bằng ít lâu sau cô Nồng sanh thằng Dần....