Chúng tôi chậm rãi vòng qua Tháp Chàm, đi về phía lầu ông Hoàng dưới chân đồi, biển xa tít tắp. Sóng trở nên bé nhỏ lăn tăn, biển như cái hồ khổng lồ màu trắng đục bởi những gợn sóng bạc đầu kế tiếp xô nhau. Hậu nhặt viên sỏi ném xuống để xem nó mất hút vào thăm thẳm. Hậu hỏi tôi.
- Ở đây anh thấy biển giống cái gì?
Tôi cố đem hết khả năng tưởng tượng ra vẫn không thấy “Biển giống cai gì?” đành lắc đầu chịu thua.
Tần bảo:
- Nó giống như một nửa bầu trời
Hậu cười giòn và quay qua tôi:
- Ở đây em thấy biển giống cái nồi đậu hủ.
Tần trêu:
- Em có “ tâm hồn ăn uống”
Hậu đấm thùm thụp vai Tần, hồn nhiên cười.
Tần và Hậu sinh ra lớn lên ở Phan Thiết, biển ăn sâu trong máu thịt của họ. Những ngay ở Sài Gòn Tần nhớ biển da diết, Tần bảo sau này anh sẽ đặt tên con gái là Hải Thuyên. Tần giải thích:“Hải Thuyên là biển động” khác với họ, tôi không yêu biển nói đúng hơn tôi rất sợ biển. Biển hung dữ nuốt chửng những thân thể mềm nhũng, tôi đã chứng kiến thời tuổi thơ hãi hùng trong những ngày tản cư năm bảy mươi lăm.
Tôi muốn kể chuyện ấy cho Hậu nghe, nhưng tôi biết Hậu chẳng bao giờ tin là sự thật. Hậu còn quá trẻ lại được sinh ra và lớn lên khi những biến cố của chiến tranh đã trở thành huyền thoại.
.... Lần đầu thấy biển, năm tôi được mười ba tuổi. Sau ba ngày hoảng loạn, chạy bộ gần năm chục cây số, gia đình chúng tôi đến cảng Đà Nẵng. Có tin đồn là “Chính Phủ cộng hòa” ném bom hủy miền Trung và tăng làn sóng tản cư. Cậu tôi thuê chiếc ca- nô để đưa cả nhà ra con tàu hải quân ngoài khơi. Một tốp lính mặc đồ rằn ri, ôm súng đứng chặn đầu cầu thang cho thân nhân của họ lên tàu, chúng tôi đành leo bằng thang dây, không hiểu sức mạnh nào giúp cho những đứa trẻ còm cõi như chúng tôi đu tòng teng được cái thang dây lủng lẳng để lên tàu. Bên dưới biển đen ngòm hung dữ, ồn ào, chờ đợi nuốt chững những người trượt tay rơi xuống. Nhưng dù sao thì những giây phút ấy chưa phải là nỗi kinh hoàng lớn nhất so với những chuyện sau này.....
Anh đang nghĩ gì vậy?
Hậu véo vào cánh tay tôi. Tôi nói dối.
À... anh cố đoán xem em đang nghĩ điều gì?
Hậu cười:
Dóc quá. Anh làm thơ tặng em đi:
Làm thơ?
Ừ làm thơ như anh vẫn thường làm để đăng báo đó.
Tôi muốn nói với Hậu “những bài thơ nho nhỏ ấy tôi làm tặng cho tuổi thơ của tôi, nào có dám làm thơ tặng ai” Nhưng tôi không nói, tôi vẫn thường cố giấu ý nghĩ của mình, nhất là đối với phụ nữ.
Nhìn ngọn tháp cổ chơ vơ trên đồi lộng gió, tôi chợt nảy ra tứ thơ “Hồn ta hoang tháp cổ. Nghìn đời trong đơn cô. Tình em sóng vỗ, xa vời và hư vô” Nghĩ xong tôi lại thấy nó quá tệ và vô duyên nên không đọc. Tôi đề nghị:
- Thôi mình về.
- Ứ về - Tần huởng ứng.
Hậu như vẻ luyến tiếc nhặt hòn đá ném vào lòng biển.
*
Buổi trưa Tần bỏ tôi ở nhà với vài tờ tạp chí rồi biến vào cái ồn ã của phố thị. Nằm mãi cũng chán, tôi một mình lang thang ra bãi Hàng Dương. Người đàn bà cho thuê ghế bên bãi biển vồn vã đón tiếp tôi như người thân. Biển vắng người, nắng chói mắt. Tôi gọi ly nước, ngồi ngắm tấm gương khổng lồ đang hắt muôn vàn tia nắng lên bầu trời. Người đàn bà ngồi xuống cạnh tôi, chị huyên thuyên giới thiệu về quê biển của chị.
Một con tàu lặng lẽ ra khơi, tôi nhớ con tàu hải quân ngày đó đưa chúng tôi ra đảo Phú Quốc. Nó lớn hơn rất nhiều so với các con tàu mà tôi được thấy sau này. Những ngày lênh đênh trên biển với nỗi kinh hoàng “đói ăn khát uống” lại ùa về trong tôi như gió biển, thốc người “ Tôi là con người luôn sống với quá khứ”
Tôi biết điều ấy sẽ không đem lại hạnh phúc cho bất kỳ người phụ nữ nào. Nhưng tôi làm sao quên được những tháng ngày xưa cũ như cạnh nứa bén ngọt cứa vào tim đau buốt, tê dại.
..... Con tàu đưa chúng tôi rời Đà Nẵng vào những ngày đầu xuân. Hàng ngàn người chen chúc trên sàn, dưới hầm tàu. Gia đình chúng tôi cũng chọn góc nhỏ vừa đủ trải tấm ni lon. Nói là gia đình chứ nó chỉ gần giống thế thôi. Chiến tranh đã cướp đi ông tôi, cha mẹ tôi. Năm con người co ro trên mảnh vải nhựa nhàu nát là sự gom góp của những số phận hẩm hiu. Bà ngoại già và tôi sống nhờ sự cưu mang của người cậu đang nuôi hai đứa con mất mẹ. Mỗi người chia nhau một nắm gạo rang nhấm nháp cho đỡ cơn đói. Ăn gạo rang, khổ vì khát nước, khát đến cháy người. Mãi đến buổi trưa sau hai ngày rời cảng, lính Mỹ trên ca bin mới bơm nước ngọt xuống các thùng tô nô. Từng ấy con người bu lại như kiến bu hũ mật. Cậu tôi cố múc được nửa lon giugo. Tôi chỉ được nhấp một ngụm. Tôi nghe rõ giọt nước dọc theo cuống họng thấm hút vào cơ thể, như những giọt mưa hiếm hoi trên vùng đất cát quê tôi. Khi mọi người tản ra tôi mon men lại gần, hy vọng tìm được vài ngụm nước. Bàn chân trần của tôi giẫm lên những bãi ói nhầy nhụa. Chưa kịp chạm tay vào thùng tôi rú lên, lùi lại. Một phụ nữ chết gập người trên thùng nước, chắc là do bị đè trong lúc tranh giành. Khi những người đàn ông nâng xác chị lên tôi thấy rõ cặp mắt trợn trừng, đôi môi khô nứt nẻ, khóe miệng rỉ máu. Dưới sự hướng dẫn của những người lính hải quân họ nhấc bổng chị ra khỏi thành tàu và ném xuống biển. Tôi nhắm mắt chờ nghe tiếng “ùm” như tôi vẫn thường ném đá xuống mặt ao quê nhà. Nhưng tôi chờ mãi vận không nghe gì ngoài tiếng ồn ào và tiếng sóng biển. Không hiểu sao trong đầu óc ngây thơ ấy tôi nghĩ người ta ném chị lên trời, chứ không phải là xuống biển. Tôi ngước nhìn trời xanh cao vút, lồng lộng không hề có một bóng chim.
Tôi biết người phụ nữ ấy, chị nằm cạnh chỗ gia đình tôi. Tối hôm qua, quá khát tôi bảo thằng em con cậu đái cho tôi uống, chị đã lặng lẽ lôi trong giỏ xách của mình chai nước còn được nửa ngụm để cho tôi. Những giọt nước hiếm hoi chỉ đủ tráng qua bờ môi khô của tôi. Chị vuốt mái tóc vàng hoe của tôi, ôm tôi vào lòng thì thầm:
- Chị có đứa em bằng tuổi em, không biết nó lạc đi đường nào.
Chị khóc. Tôi chồm lên kê lưỡi liếm những giọt nước mắt, chị cứ ghì chặt tôi vào lòng. Suốt đêm chị ủ cho tôi khỏi run lên vì những cơn gió biển thổi lạnh lẽo. Vậy mà bây giờ chị đã chết. Tôi bưng mặt khóc, sau này mỗi ngày lại có vài người bị liệng xuống biển, tôi sợ đến lượt mình.....
Không hiểu sao cho tới tận bây giờ đã hơn hai mươi năm trôi qua tôi vẫn không quên người phụ nữ ấy, dù tôi chưa hề biết tên chị, có lẽ chị là người đầu tiên âu yếm vuốt ve tôi, kể từ ngày mẹ tôi mất đi. Trời càng lúc càng nắng, tôi nghe cổ họng mình khô khốc. Tôi gọi ba chai nước ngọt, uống cạn trước cặp mắt ngạc nhiên của người bán hàng. Tôi đứng dậy trả tiền, bươn đi trên cát như trốn chạy, nắng quá!.
*
Chúng tôi trở ra biển khi mặt trăng đã lên cao. Rất nhiều người đi dạo trên bãi cát, những cặp tình nhân quấn riết lấy nhau trong bóng tối của hàng dương. Tôi nhận xét:
- Ở đây buổi tối đông người hơn ban ngày:
Hậu tiếp:
Nhất là những đêm trăng vì biển đẹp hơn.
Tần đến bên tôi. Chúng tôi đốt thuốc ngắm Hậu xõa tóc, giẫm chân trần trên cát ướt đùa với sóng. Tôi ước muốn đến bên Hậu nắm tay cô chạy dọc theo bờ biển như những cặp tình nhân. Nhưng tôi biết mình không thể gần Hậu được, nếu không có Tần tôi là con người của hôm qua, Hậu của ngày hôm nay. Còn Tần chính là cái khoảng khắc giữa ngày hôm qua và hôm nay. Tần dễ dàng chấp nhận tôi và cũng dễ dàng thân cận với những người như Hậu.
Hậu quay lại với chúng tôi, cả ba ngồi trên cát. Tần đề nghị.
- Hậu hát cho bọn anh nghe đi.
- Chờ em một tí.
Hậu vẫn thường dùng cụm từ này như một thói quen, dù đôi khi chẳng có chuyện gì để chờ. Lùa những ngón tay thon thả lên đều hất mái tóc về phía biển, Hậu nghiêng đầu nhìn tôi và khe khẽ hát “Ngày xưa có chú bé...” Giọng hát ngọt ngào, trong trẻo, Hậu hát nhỏ thôi, mà tiếng hát lại vút lên trên cái nền nhạc trầm của đại dương đang rào rạt vọng về. Nhìn tôi môi ướt át của em, tôi nhớ Trang. Sao Hậu giống Trang vậy nhỉ?
..... Tôi quen Trang trong những ngày tản cư ở ngoài đảo. May mắn sao cả gia đình tôi sống sót sau bảy ngày kinh hoàng trên biển, phái đoàn Hồng thập tự quốc tế đón chúng tôi lên đảo, phát cho mỗi người một ly sữa lạt (ly sữa ngon nhất trong cuộc đời tôi). Sau đó họ dồn chúng tôi trong vòng rào kẽm gai với nắm cơm vắt. Quá thèm thuồng tôi bò ra hàng rào để xếp hàng lãnh cơm và sữa lần thứ hai. Đang cố lách ra đám dây kẽm, tôi nghe có tiếng nói phát ra sau lưng:
- Cho em theo với.
Quay lại nhìn cô bé, nhưng đôi mắt mở lớn, long lanh và dịu dàng nhìn tôi, chứ không kèm nhèm như mắt tôi.
Tôi gật đầu:
- Đi thì đi.
- Em tên Trang - cô bé tự giới thiệu.
Chúng tôi lọt ra ngoài, đi vòng đến chỗ xếp hàng. Những người phát thức ăn nhận ra chúng tôi, họ dẫn chúng tôi đến cô gái đeo băng xanh, chị xoa đầu chúng tôi rồi nói:
- Các em ngồi đây nghỉ cho khỏe, lát chị cho ăn nữa chứ các em đói mấy ngày nay ăn no quá rất nguy hiểm.
Tôi và Trang nhìn nhau đôi mắt cô bé thoáng vẻ luyến tiếc.
Chúng tôi quen nhau từ lúc ấy. Ban ngày chúng tôi rong nhau ra bờ biển với bao cát trên vai, nhặt cá vụn. Vào những đêm trăng hai đứa nắm tay giỡn sóng. Nhưng chúng tôi không dám tắm biển, ám ảnh những ngày gian khổ qua, vẫn còn làm tôi sợ biển, dù khung cảnh ở đây rất hiền hòa. Biển tỏ ra dịu dàng như nó chưa hề làm hại ai cả. Chơi đùa thỏa thích cả hai nằm dài trên cát cùng nhau vỗ tay hát những bài hát ngây ngô, thơ dại. Chúng tôi sống hồn nhiên hạnh phúc trên hòn đảo xinh đẹp, mặc chuyện lo toan của người lớn về tình hình chiến sự.
Quảng thời gian ấy chỉ dài chừng hai tháng nhưng nó lại sống động và lung linh mãi trong cuộc đời tôi.
Đầu tháng tư nghe tin Đà Nẵng “ Thất thủ” nhiều người nhốn nháo chạy ra biển tìm cách qua Mỹ. Cậu tôi gói gém đồ đạc để chuẩn bị ra chiến hạm đang đón sẵn ngoài khơi. Tôi cũng muốn đi, vì gia đình Trang đã sẵn sàng lên đường. Nhưng bà ngoại tôi nhất quyết không đi, bà lôi bó khế ước ruộng đất, trong cái ruột tượng mà bà vẫn ôm khư khư trong lòng ra, quẳng trước mặt cậu tôi và quát.
- Đi rồi mồ mả ông bà ai lo, có chết cũng đợi ngày hết chiến tranh về quê mà chết ở “quê cha đất tổ” không đi đâu hết.
Trang đi, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau, Trang cố đưa bàn tay nhỏ nhoi vẫy vẫy tôi. Tôi chạy theo cho đến khi Trang mất hút trong dòng người, tôi bật khóc tức tưởi, khóc từ chiều cho đến lúc lên giường. Bà ngoại tôi nổi khùng lôi dậy quất cho mấy roi và mắng một câu mà tôi còn nhớ mãi “ Mầy tiếc thì đi theo nó đi, mày khóc như cha chết vậy”
Hậu hát xong từ lâu, tôi vẫn chưa dứt khỏi dòng hồi ức miên nam. Hậu lại véo vào tay tôi hỏi lớn.
- Anh ngủ hả?
- À đâu có anh đang nghe em hát.
- Dóc
Tôi không đính chính, im lặng nhìn Hậu. Tôi nói:
- Em giống một người bạn gái của tôi thuở thiếu thời.
Hậu cười
- Người yêu hả?
- Ừ. Gần giống như thế.
- Em chẳng hiểu.
Tôi nghĩ “ Em làm sao em hiểu nổi”. Tôi nhìn Hậu, dưới trăng Hậu đẹp hơn ban ngày. Tôi nghe nhói ngực trái, không hiểu sao thời gian gần đây tôi thường cảm thấy đau như vậy.
Trăng mỗi lúc một sáng hơn, sóng lấp lánh như muôn ngàn đôi mắt của những người đàn bà thoảng qua đời tôi, Tần nắm tay Hậu dọc theo bờ cát, tôi bỗng thấy mình bị đẩy lùi về phía sau hình ảnh của người chị trên tàu, của Trang, của Hậu trộn lẫn vào nhau chập chờn trên biển. Dường như dưới chân tôi chuyển động, tôi chơi vơi, đưa tay bấu vào khoảng không trước mặt, một khoảng không vô tận.....