Tôi biết chắc chắn mình không có điều kiện vào đại học, cho nên chọn hướng đi tìm một việc làm thích hợp để giúp đỡ gia đình. Nhưng tôi chỉ có bằng tú tài, vi tính chỉ đủ để "dir" một cái biết trong cái dĩa có file gì, tiếng Anh chỉ nói được có một từ bye-bye, dễ gì tôi có thể xin được vào công ty này văn phòng nọ. Cho nên tôi quyết định sẽ bung ra làm ăn cá thể! Trước tiên tôi mượn chiếc xe 78 của ba tôi. Rồi tậu thêm chiếc áo kaki chắc chắn, tay dài. Và chiếc mũ rộng vành. Thế là tôi bắt dầu nghề xe ôm, một nghề nghe nói sống được dù hơi vất vả. Một buổi sáng thật sớm, khi đèn đường chưa tắt, tôi dắt chiếc xe làm ăn ra và trực chỉ ga Sài Gòn. Trời vừa sáng rõ thì tàu Hà Nội cũng vừa vào tới. Hành khách lũ lượt ra sân ga, nhưng chẳng ai đoái hoài đến tôi cả. Họ gọi taxi, xích lô hoặc những chú xe ôm lanh lợi. Còn tôi thì đứng như phỗng ở góc đường, ngơ ngơ ngáo ngáo. Giữa lúc tưởng như thất vọng thì một ông khách trông có vẻ hiền hậu đi ngang qua. Tôi lí nhí mời: "Bác về đâu cháu chở ạ?". Ông nhìn tôi, thoáng chút ngần ngừ rồi mỉm cười: "Bác về Lăng Cha Cả, có tiện đường cháu không?". Tôi vui vẻ: "Dạ đường nào cũng vậy thôi ạ". Thế là tôi lao xe đi, lòng vui mừng vì đây là lần đầu tiên và giờ đầu tiên tôi chính thức làm việc kiếm tiền. Ông khách tốt bụng và hào phóng không hỏi giá, lại còn nói chuyện huyên thuyên cho tôi nghe y như dã quen từ lâu. Nhưng tôi thật thất vọng khi tới nơi, ông xuống xe nhìn tôi trìu mến rồi xoa đầu tôi: "Cháu còn nhỏ mà tốt bụng quá. Cám ơn cháu đã cho bác quá giang". Thì ra ông tưởng tôi là học trò, đâu có biết một sự kiện tối ư quan trọng: tôi là tài xế xe ôm. Thế là coi như tôi làm việc thiện, không hưởng một xu tiền công. Tôi vừa buồn vừa thấy hay hay, lại rú ga chạy theo con đường khác, sau khi liếc nhìn vào ngôi nhà xinh xinh, có giàn hoa giấy nở rực một góc phố. Mà tôi theo đường khác thật. Hôm sau thằng bạn cùng xóm bảo tôi: "Mày chạy xe ôm mới chỉ đủ tiền xăng. Thôi bỏ đi, theo tao đi làm chìa khóa". Và rồi hắn dẫn tôi ra chỗ hắn đang hành nghề, chỉ cho tôi cặn kẽ về cái nghề theo hắn nói là "khỏe re mà dễ có tiền". Hắn chỉ cho tôi cách sử dung khoan, dũa và ê-tô (dụng cụ kẹp ổ khóa cho chắc chắn khi khoan). Rồi nó chỉ cho tôi cách mở các loại khóa, từ khóa dễ nhất là khóa xe Dame cho tới các loại khóa tưởng như là không tài nào mở nổi. Chưa hết, nó còn chỉ cho tôi cách thay ổ khóa cổ chìa tròn cho các loại xe đời mới... Khoảng hai tuần sau thì tôi nghiễm nhiên trở thành anh thợ khóa chính hiệu ở một góc đường. Chỗ tôi làm chìa khóa khá gần với một trường trung học. Buổi sáng khi tôi dọn đồ nghề ra thì những tà áo dài trắng cũng bắt đầu xôn xao ngập đường. Buổi chiều khi tôi dọn đồ về, các tà áo lại bay bay dìu dịu. Cứ nhìn những tà aó trắng tôi đâm ra nhớ lớp học ngày nào kinh khủng và rất thèm bước vào lớp học, dù chỉ một giờ thôi. Nhưng tôi biết chỗ ấy sẽ không bao giờ còn là của mình. Bụi đường và những lo toan làm cho tôi người lớn hơn trong cách sống, cách nghĩ, dễ gì có thể trở lại nơi cửa lớp làm học trò, dù chỉ là "học trò nhưng không sách cầm tay" như Xuân Diệu thuở nhỏ. "Chú thợ khóa ơi, xe cháu mất chìa rồi, chú vào trường mở giùm được không?". Một cô nàng áo dài trắng dáng nhỏ nhắn trông thật ngây thơ nhìn tôi cầu cứu. Theo thói quen, tôi nói: "Đi mở khóa là mười ngàn, chưa kể làm chìa nghen.". Cô nàng tròn mắt: "Mắc dữ vậy sao? Cháu chỉ còn có ba ngàn rưỡi". Tôi không giấu dược sự tinh nghịch học trò: "Ba ngàn rưỡi thôi à? Vậy mở nửa chừng mai sẽ mở tiếp được chứ?". Cô bé như sắp khóc. Và tôi lại ra tay nghĩa hiệp, cứ như chàng tiều phu cứu công chúa. Tiền công là tràng pháo tay giòn giã của các cô cậu học trò tò mò nhìn tôi mở khóa trong tích tắc. Trước khi bye-bye, tôi còn nói đùa: "Mai mốt thất nghiệp, tôi sẽ đi ăn trộm. Nhớ khóa xe cho kỹ hơn nha". Vài cô nàng lè lưỡi như nghe chuyện kinh dị. Tôi bật cười. Không biết có phải vì thấy tôi nhận giúp dễ dàng không mà các sĩ tử trườ`ng phổ thông ấy thỉnh thoảng cứ đánh mất chìa khóa và chạy đến cầu viện với tôi. Và cái nàng công nương "mở hàng" kia thì đã nhờ tôi hai lần. Có lúc bận rộn quá tôi gắt lên: "Học trò gì mà chẳng cẩn thận chi cả". Nói xong tôi mới bật cười một mình. Thời đi học tôi còn đãng trí hơn nhiều, mà chẳng hề bị ai trách móc. Người ta cứ thích nhìn thấy cái rác nơi mắt người khác mà không thấy cái xà ngang trong mắt mình là vậy đó. Một hôm vào giờ tan học, những tà áo trắng sà tới chỗ tôi làm chìa khóa và lao xao: "Chú chìa khóa ơi, hôm nọ nhỏ Thảo Trang làm mất chìa khóa xe, chú làm cho nó rồi, bây giờ nó mất chìa khóa tủ, chú tới mở và làm chìa giùm được không?". Lại cô nàng nhỏ nhắn ngây thơ ấy! Tôi đùa: "Khiêng tủ tới đây đi!". Cô nàng giẫy nẩy: "Ý không được đâu, nó lớn bằng ba cái tủ chìa khóa của chú". Trong khi chờ ý kiến của tôi, các cô bàn tán về bài học trong lớp. Cuối cùng cũng bàn đến môn Toán, môn tôi rất thích hồi còn đi học. Trang bảo: "Sao kỳ ghê, tao giải ra là 2 log 1/2 lớn hơn 3 log 1/2, nếu rút gọn, bỏ log 1/2 ở cả hai vế thì còn 2 lớn hơn 3, vô lý quá". Tự dưng tôi bật cười. Các cô nàng vô lý thì có. Tôi nói chen vào: "Sao lại thế được, phải đổi dấu chứ". Mấy gương mặt ngẩn ra nhìn tôi đồng loạt reo lên: "Anh cũng biết toán?". Tôi ngậm ngùi: "Không, tại nghe người ta nói". Các cô bé không tin, và từ đó, thỉnh thoảng ghé chỗ tôi hỏi cách giải vài bài toán dễ ợt, không biết tại các nàng bí hay chỉ để thử tài tôi. Rồi theo địa chỉ Thảo Trang đưa, tôi tìm tới nhà cô nàng để mở khóa tủ. Điều bất ngờ nhất là ngôi nhà ấy lại là ngôi nhà có giàn hoa giấy rực rỡ. Cùng ra tiếp tôi là Thảo Trang và ba cô bé, người đàn ông mà tôi đã cho quá giang bất đắc dĩ. Ông cười vang: "A, cậu học trò tốt bụng đây mà. Cậu cũng biết làm chìa khóa sao?". Tôi thầm nghĩ: "Cháu đi làm ăn chứ không có tốt bụng gì đâu", nhưng không nói lên được lời nào. Ông mời tôi ngồi, bắt ăn trái cây và uống nước ngọt. Ông hỏi tôi đủ thứ chuyện khiến tôi quên mất phận sự của mình. Khi sực nhớ ra, tôi hỏi Thảo Trang cần mở tủ nào, thì ông khoát tay: "Thôi khỏi, bác tìm ra chìa khóa rồi". Tôi mỉm cười, không biết duyên nợ gì mà chẳng bao giờ tôi ăn được tiền công từ người đàn ông này. Khi Thảo Trang nói với tôi "Ba em muốn nhờ anh dạy kèm em môn Toán", thì tôi ngần ngừ rất lâu. Một anh chàng làm chìa khóa mà đi dạy học thì quả là không thích hợp. Hơn nữa, dù tôi thấy thích gia đình ấy, cả người cha lẫn cô con gái, nhưng tôi vẫn thấy có một cái gì đó không gần được. Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn nhận lời, không biết là tại Trang năn nỉ hay tại vì tôi cũng cần phải kiếm sống. Thảo Trang học giỏi. Nhưng tính cô nàng cẩn thận quá nên đôi khi cũng thành dè dặt không cần thiết khi học bài, làm bài. Có lẽ tôi không dạy Trang cho bằng là giúp Trang ôn lại những cái cô nàng đã có sẵn. Trời cho tôi có óc nhanh nhạy về toán, nên cũng không vất vả gì khi dạy học. Nếu mà tôi có diều kiện thi đại học thì... Mà thôi, người ta bảo rằng với chữ "nếu" họ có thể bỏ thành phố Paris vào cái chai kia mà. Chuyện xa vời nói tới làm chi. Tôi không thi đại học nhưng học trò tôi thi. Cô bé Thảo Trang thích làm cô giáo. Và may mắn, cô nàng đậu vào trường mà mình ước ao. Ba Trang nói: "Nó được như hôm nay là nhờ cậu". Tôi biết ông nói quá lời. Nhưng tôi không phản đối. Trước khi mùa hè đi qua, gia dình Thảo Trang tổ chức tiệc mừng nàng thi đậu. Không biết tại sao tôi không cảm thấy vui chút nào cả. Phải chăng do lòng ích kỷ hay mặc cảm tự ti? Suốt bữa tiệc, tôi ngồi lặng lẽ cuối bàn, và món quà nhỏ cũng không dám trao cho Thảo Trang. Tôi cứ quan sát cô nàng, thèm được có nụ cười mãn nguyện ấy, thèm được nói với bạn bè những dự tính tương lai ấy. Bất thình lình, một chàng trai nhìn thẳng vào tôi: "A, chú thợ khóa kìa, các bạn ơi. Mai mốt Trang mất chìa khóa xe có tới tìm chú nữa không?". Lời nói đùa chẳng có ý nhị gì, vậy mà ai cũng phá lên cười, lại còn có tiếng vỗ tay lộp độp. Tôi cắn môi, và thừa lúc không ai chú ý, tôi lẳng lặng ra về. Chúc em thành công hơn. Tôi lẩm bẩm khi dắt xe ra cổng, tưởng không ai nghe thấy, nhưng Trang đã đứng đó tự lúc nào. Cô nàng nhìn tôi thật lâu rồi nói nhỏ: "Anh chưa trao quà cho em". Tôi lúng túng trao cho Thảo Trang gói quà. Trang nói nhanh và chắc: "Trang tin là có ngày anh cũng vào đại học. Trang tin vào ý chí của anh". Tôi nói như làm thơ: "Có thật không hả Trang? Dù sao thì bây giờ Trang cũng tung cánh bay vào bầu trời mênh mông rồi, bầu trời ấy biết có chỗ cho những cánh chim lạc như tôi không?". Trang nói: "Anh cũng đang trong bầu trời ấy mà. Không có những người như anh, chắc gì có nhiều cánh chim bay". Tôi không tin lời Trang lắm, nhưng những gì tôi đã làm, những thay đổi nho nhỏ trong những ngày bước chân chập chững kiếm sống làm cho tôi hy vọng rằng cuộc sống sẽ còn đổi thay. Tại sao lại không?
Lê Quang Vinh
(Mực Tím 310)