Trong cuốn tiểu thuyết nọ tôi đã viết, ngủ ngày làm đêm là thói quen chung của đạo tặc trên thế giới.
Nếu chỉ xét về thói quen này thì nhà văn cùng một loại như bọn trộm cướp, có điều tính chất công việc làm vào ban đêm của đôi bên thì khác nhau vô cùng. Dẫu vậy nhà văn vẫn là người thực hiện một cách ngoan cố nguyên tắc ngủ ngày làm đêm ấy.
Điều sợ hãi nhất đối với nhà văn là khi đang ngủ có người đến gõ cửa dựng dậy, người tới thăm đông không thể tưởng tượng, thì cũng tại cuốn tiểu thuyết của nhà văn đang được cải biên thành điện ảnh đã gây nên cơn sốt. Ban đầu nhà văn còn nhiệt tình chia sẻ niềm vui, ân cần nói đi lặp lại những gì về tiểu thuyết, về phim ảnh, mãi sau đâm ra nhàm chán. Nhàm chán và phiền muộn là chỉ ở trong lòng, nhưng biểu hiện bên ngoài vẫn không dám cẩu thả, hay khinh thường gì cả, nhà văn sợ người ta sẽ cho mình mới thành danh đã lên mặt, thoát ly quần chúng. Thực tình thì nhà văn cần rất nhiều thời gian để đọc để viết, cho dù không đọc hay viết gì thì cũng muốn nhàn tản hút điếu thuốc hoặc nhâm nhi ly cà phê. Cuối cùng nhà văn quyết định vào những lúc ngủ ngày như thế, dứt khoát rút phích cắm dây điện thoại, hạ cầu dao chuông điện và treo tờ cáo thị: “Nếu không xảy ra động đất, xin thông cảm, sau ba giờ chiều hãy gõ cửa”. Nhà văn tuy đọc thông viết thạo, chữ nghĩa bời bời mà cứ thường phạm sai sót về ngôn từ, ý tứ. Ngay như cái tờ cáo thị này cũng đã sai lầm nghiêm trọng, vì nếu không may xảy ra động đất, chẳng cần ai gõ cửa thì nhà văn vẫn phải vùng dậy, thoát thân, lắm khi còn nhanh hơn thiên hạ nữa là. Cho dù bình luận ra sao thì tờ cáo thị với lời lẽ dí dỏm, nghiêm túc, dễ thương đã ngăn được khá nhiều bàn tay giơ lên định gõ cửa.
Nhưng đúng 12 giờ trưa hôm ấy nhà văn đang ngủ say thì có người đến tìm, anh ta thoạt đầu là gõ, gõ nhẹ, gõ nặng đều không nghe và cuối cùng là đập cửa thình thình như thể cháy nhà, động đất hay vỡ đê. Tội nghiệp nhà văn, ngồi viết thâu đêm, mới chợp mắt đâu ba bốn tiếng đồng hồ, cần nghỉ ngơi cho lại sức mà ai nỡ dựng dậy như thế này. Nhưng nhà văn là người thông minh, khẳng định vị nào đó ở ngoài kia đọc rõ cáo thị, nhưng vẫn mạnh tay đập cửa phải là rất quan trọng và có việc cần kíp, nên lập tức dẹp ngay mọi bực dọc, hồi hộp kéo chốt cửa và suy đoán ai đây nhỉ. Hóa ra là thằng Ba, em trai liền kề nhà văn dưới quê lên.
Phản ứng tâm lý đầu tiên của nhà văn là “lại nó, cái món hàng này”, ngay đến một câu chào, lời mời nhà văn cũng chẳng nói, lững thững, ngái ngủ quay lưng. Thằng Ba không hề chấp anh Hai mặt lạnh hay mặt nóng, theo đuôi bước vào, ngồi phịch xuống sopha, châm thuốc hút, nhả khói phì phèo, vui mừng cất tiếng: “Anh Hai này, em muốn...”. Phản ứng tiếp theo của nhà văn là nghĩ ngay “mày muốn tiền chứ gì?”, thực tình thì khi anh em mới xáp mặt nhau nhà văn đã sờ cái ví sau đít có còn cồm cộm nữa không, lần nào cũng một điệp khúc đó, quen quá đi rồi. Nhưng chẳng còn cách nào khác, tội nghiệp chúng nó sống dưới quê, vùng sơn cước, chưa thoát nghèo, không có đứa nào lên nổi thành phố học hành, làm ăn, nên dồn hết mọi hy vọng, vinh quang, kiêu ngạo vào mỗi nhà văn, người anh cả này. Người con duy nhất trong gia đình chẳng những rời khỏi xóm núi, thôi phận chân lấm tay bùn, chẳng những không phải cam chịu kiếp làm thuê lao công đào đường, thông cống mà dần dần vươn lên văn đàn, vượt trên Đồng Quan, nổi danh cả nước, trở thành người xuất chúng. Đã có lúc nhà văn tự hỏi, đều là con cái cùng một mẹ một cha, mà sao chỉ số thông minh giữa mình và bọn em lại chênh lệch nhau đến thế, thậm chí còn nghi ngờ, hay là khác huyết thống... Nhưng bây giờ điều phiền muộn nhất của nhà văn là chẳng còn bao nhiêu tiền, làm cách nào đẩy nổi “món hàng” này ra khỏi cửa. Ừ thì tiểu thuyết, phim ảnh cũng rùm beng lên đó, nhưng khốn nỗi nhuận bút không đủ ấm chân răng, mà bọn chúng thì đâu có hiểu và tin cho chứ.
Thằng Ba hớp một ngụm nước và thản nhiên nói thẳng:
- Anh Hai chẳng cần phải rầu rĩ làm gì, lần này thằng Ba không xin tiền đâu mà sợ, thằng Ba biết ông anh tiếng nhiều tiền ít, vẫn là một anh nghèo với biết bao danh vọng hão huyền, anh Hai có cho, em đây cũng không nhận.
Ô hay, nhà văn ngạc nhiên, chắc là mình nghe nhầm, chứ thằng Ba có lúc nào đã chê tiền đâu. Không, hắn tiếp tục và rất rõ ràng:
- Em định mở một công ty vận tải, đầu tiên là mua chiếc xe buýt, tính chuyện chạy đường dài, nhà nước đã quy định nếu phát triển vượt lên trên xe ba bánh là có thể làm đơn xin lập công ty.
Nhà văn chau mày giương mắt nhìn cho rõ thằng Ba, mãi vẫn chưa định thần, thật không ngờ nhà mình lại có anh trọc phú, bỗng chốc nắm trong tay cả vạn đồng.
- Đấy, anh Hai xem, anh có bao nhiêu tiền mà dám cho em, bán cả chị dâu cũng chẳng mua nổi bộ vỏ ruột xe nữa là.
Nhà văn đã bắt đầu tỉnh táo, dí dỏm hỏi người em trai:
- Ngữ như mày, loại hàng này mà cũng đòi xe khách đường dài, không nằm mơ đấy chứ? - Nhà văn hiểu thằng Ba này nhất nên mới dám xỉ vả “hàng họ” như thế. Trong mấy đứa em trai, em gái chỉ có nó là khác đời, chứ còn lại đều thật thà, làm không nên nghiệp lớn nhưng vẫn chăm chỉ ba cái việc bình thường, kiếm không được nhiều tiền thì dè sẻn, tiết kiệm, đố có bao giờ ngửa tay xin ai một cắc một chinh. Riêng thằng Ba là ba hoa, khoác lác, mơ làm giàu, một tấc lên mây, đến như hai cụ mà vẫn không chịu nổi. Duy mỗi điều là tính tình rất vô tư, có chửi mắng, chế nhạo tới cỡ nào cũng cứ ngây thơ, cười khì.
- Em biết anh Hai xem thằng Ba này chẳng ra gì, không tin em. Đúng thôi, sự nghiệp chưa thành công thì ai dám tin, đợi đến lúc mở mày mở mặt, chao ôi, có đuổi cũng không chịu đi - Người em trai nhà văn chẳng những không tự ái, buồn phiền mà còn thuyết giảng triết lý nữa - Như anh Hai mấy năm về trước, viết ngày viết đêm, hết tập này đến tập khác, nộp đi trả lại, không ai chịu đăng. Đừng nói người ngoài, ngay như bọn chúng em có đứa nào chịu xem anh Hai là nhà văn đâu. Nhưng hôm nay anh Hai thành danh rồi, nhân tình thế thái ra sao, thằng Ba này chẳng cần nói thì ông anh đã rõ.
Nhà văn đang bị người em trai chặn họng, đúng là phép tắc thép của cuộc đời nó cứng như thế. Khen cho thằng Ba có con mắt tinh tường, nhìn xuyên suốt cả cuộc đời văn nghiệp của anh đây. Thì cũng từ ngày cuốn tiểu thuyết được cải biên, chuyển thành điện ảnh nhà văn mới tạm gọi là “phú tại sơn lâm”, chứ trước đó thì vẫn thuộc diện “bần cư trung thị”, chẳng ma nào thèm ngó. Nhà văn gõ trán, luận về đầu óc thì “loại hàng này” không ngu chút nào, còn động cơ tốt hay xấu khoan hẵng bàn, biết đâu việc nhỏ chẳng thành mà nghiệp lớn lại nên, hiện đang có không ít điển hình “phất lên sau một đêm” cứ phơi bày ra đó. Nhà văn vui vẻ:
- Được đấy, mày có định mua cả đoàn tàu hỏa, tao cũng không phản đối, làm đi!
Thằng Ba cười khì:
- Bây giờ thì em xin nhờ anh Hai.
- Nhờ gì tao, tiền thì mày không lấy.
- Một lá thư tay.
- Một lá thư tay? Cho ai kia chứ?
- Cho bạn của anh Hai, ông Lưu, huyện trưởng.
- Để làm gì?
- Để huyện trưởng Lưu nói giúp với giám đốc chi nhánh ngân hàng một tiếng thì thằng Ba của ông anh mới vay được tiền. Các anh bạn bè lâu ngày, dăm ba câu như thế có tốn kém gì đâu.
 Nhà văn kinh hãi:
- Mày giỏi, biết động não, kéo cả quan hệ bằng hữu của tao vào cuộc...
- Xã hội bây giờ tuy tốt đấy, nhưng thiếu quan hệ là không sống nổi anh Hai ạ, anh chỉ cần viết trên một mẩu giấy, rộng bằng hai lóng tay, nhỏ thôi, rồi huyện trưởng Lưu nhấc máy, cũng ngắn thôi, đôi ba câu là giám đốc chi nhánh ngân hàng hiểu ngay mà. Chỉ ngần ấy chứ nhiều nhặn gì cho cam, phải không anh Hai?
Nhà văn chữ nghĩa bời bời, tay trái kẹp điếu thuốc, tay phải ngoáy một cái là xong lá thư “nhỏ thôi, ngắn thôi” cho bạn cũ - Lưu huyện trưởng. Thằng Ba hí hửng ra về và mấy hôm sau thì nhà văn bỗng chột dạ, gọi điện gấp cho huyện trưởng họ Lưu:
- A lô cậu biết thằng em mình là loại hàng gì rồi, nói nó mãi mà không sao chuyển biến nổi, nên mới đá sang cho cậu, cậu tìm bất cứ lý do nào đó, từ chối và đẩy nó ra khỏi cửa giúp mình.
- Cậu gọi điện quá chậm - Huyện trưởng Lưu cười vang trong máy - Chiều hôm qua nó đến đây và mình đã giải quyết xong xuôi.
- Giải quyết thế nào?
- Thì giới thiệu nó sang gặp giám đốc chi nhánh ngân hàng nông nghiệp chứ còn làm gì nữa?
- Chết mình rồi lão Lưu ơi!
- Sao?
- Nó mà vay được tiền thì sau ba ngày là tiêu sạch, biết lấy đâu mà trả nợ cho ngân hàng hở trời?
- Nhà văn cứ yên tâm, ngân hàng bây giờ đã đổi mới, những loại thư tay của cậu, những cú điện thoại của mình không ăn nhằm gì đâu - Huyện trưởng Lưu lại cười, nhà văn dập máy và lập tức chuông reo, thằng Ba gọi từ quê lên.
- Anh Hai ơi, xong rồi, huyện trưởng mới nói nửa câu, giám đốc ngân hàng liền gật đầu, em vay 15 vạn, ông ta chấp nhận ngay, thằng Ba này đã nói từ lâu “thiếu quan hệ là không sống nổi” mà ông anh thấy chưa?
Nhà văn lo lắng, 15 vạn chứ có phải một, hai trăm đâu mà vung tay quá trán, vỡ nợ ra thì khốn cả nhà, rồi trăm dâu lại đổ đầu tằm, tại thằng Hai viết thư giới thiệu với huyện trưởng Lưu. Nhà văn trịnh trọng và âu yếm khuyên bảo người em trai của mình:
- Ba, em đã tính đến khả năng chi trả hay chưa?
- Anh Hai sợ lửa như vậy thì làm sao mà học nổi thợ rèn - Thằng Ba hào sảng, triết lý - Người ta cho vay tiền tất nhiên phải dựa vào bảo lãnh và thế chấp, anh Hai thương bọn em nhà quê xóm núi thì đứng ra giúp đỡ đi anh!
- Mày định lấy tao để thế chấp khoản vay 15 vạn của ngân hàng hay sao?
- Ai dám thế chấp một đại tác gia như anh Hai - Tiếng cười thằng Ba vang lên trong máy - Giám đốc chi nhánh ngân hàng nông nghiệp tư vấn cho em là hãy đem cuốn sách ấy của anh Hai ra mà thế chấp.
Nhà văn thông minh, trong chốc lát đã hiểu rõ cái trò chơi của Lưu huyện trưởng và giám đốc ngân hàng, thằng Ba tinh ranh, lôi kéo quan hệ, nhờ thư tay, nhờ điện thoại rỉ tai cuối cùng cũng trở nên mù điếc.
- Sách của tao đã bán cho nhà xuất bản từ lâu rồi, bản quyền là của người ta, có còn thuộc tao nữa đâu mà đem ra thế chấp?
- Anh Hai nói gì mà kỳ cục quá, thằng Ba em không hiểu, sách do anh viết ra lại không thuộc về mình, thế thử hỏi con gái anh cũng không mang họ của anh à?
- Đó là pháp luật Ba ạ!
Thằng Ba vỡ mộng, kêu lên trong máy:
- Anh Hai lừa em hay cái lão giám đốc ngân hàng?
- Ba, mày sẽ dần dần hiểu rõ là chẳng ai lừa mày cả.
- Vậy bây giờ anh Hai tính sao, có cách gì giúp em không, để em vay được tiền, dẫu là phải nói dối, hay lừa đảo...
- Tao có mỗi cây bút máy, mác “Vĩnh Sinh”, mày đem đi mà thế chấp - Nói đoạn, nhà văn cúp máy.
...
Tới mùa đông tác phẩm hoàn thành, nộp bản thảo cho nhà xuất bản, nhà văn như một sản phụ vừa qua kỳ sinh nở, mẹ tròn con vuông, lên đường về thăm quê xóm núi, thăm người em trai nông dân vĩ đại của mình và rút ví lấy ra hai trăm đồng, bảo nó đi mua chiếc xe đạp mới và tháo tất cả phụ tùng đã chôm chỉa trả lại cho huyện trưởng Lưu. Thằng Ba vẫn chứng nào tật ấy:
- Anh Hai quá ư cẩn thận nên rách việc, chiếc xe ấy đâu phải lão Lưu bỏ tiền túi ra mua mà là xe công, của quỹ xóa đói giảm nghèo đấy, hỏng chiếc này thì mua chiếc khác, lão cũng quên lâu rồi, ông anh ạ!
Nhà văn cương nghị:
- Ba, chưa quên, mày mà còn như thế thì biết đời nào mới thoát được nghèo, hở em?

Xem Tiếp: ----