Trời mùa này nóng gay gắt, mang theo nhiều chuyện bực mình. Học bổng chưa có, tiền dạy thêm ứng trước đã hết sạch sành sanh, gạo không còn... cộng thêm một ít “nỗi đau tinh thần” do cô bé học trò bướng bỉnh gây ra. Có người bảo tôi liều mạng, dám nhận dạy kèm toán lý hóa cho một học sinh sắp thi tốt nghiệp. Càng liều mạng hơn khi đó là một nữ sinh con nhà giàu, học dở. Tôi cười khẩy, tự tin ở sức mình. Dù sao đó cũng là niềm may mắn, đáng tự hào. Trong danh sách sinh viên tìm việc làm đăng dài ngoằng trên một tờ báo, ba em đã chọn duy dất một mình tôi để gửi vàng! Tôi tự hỏi “sao người ta không mướn thầy giáo ở trường về dạy có phải hơn không?”. Sau này chính tôi tự tìm ra câu trả lời: Em không thích học với thầy giáo chuyên nghiệp. Nhưng điều đó chưa có nghĩa là em thích tôi! Hôm đầu tiên đến làm quen với học trò, tôi cố làm ra vẻ đạo mạo như một ông thầy khó tính. Nhưng thật uổng công dã tràng, em vẫn tỉnh bơ. Nhìn tôi không quá năm giây, em gật đầu chào rồi lại tiếp tục chăm sóc con búp bê tóc vàng. Ba em có lẽ hơi ngượng trước thái độ đó nên đã thanh minh bằng cách kể hàng tá tội của em. Con bé nghịch ngợm lắm, con bé nhí nhảnh lắm, con bé nhõng nhẽo lắm... Mỗi chữ “lắm” được gằn mạnh theo giọng nói của ông đã dự báo cho tôi biết trước sẽ tiếp xúc với một con bé rắc rối lắm. Ngay buổi học đầu tiên, tôi cho em làm kiểm tra chất lượng, đề thuộc loại trung bình mà em cắn bút cả buổi trời chỉ giải đúng nửa câu. Tôi chợt nhớ lời nói đùa của một người bạn “Con gái càng đẹp càng học dở (?!)”. Rất tiếc, em không phải là trường hợp ngoại lệ! Bây giờ tôi bổ sung thêm “con gái càng học dở càng rắc rối”. Không thể đếm được xem em đã làm tôi nhức đầu bao nhiêu lần? Như sáng nay, lúc tôi dạy bài định luật Lentz, em ngồi im lặng, ngoan ngoãn. Tôi hứng khởi nói thao thao bất tuyệt. - Khi từ thông gửi qua khung dây biến thiên thì sẽ xuất hiện một sức điện động cảm ứng có tác dụng chống lại sự biến thiên của từ thông... Ðột ngột em hỏi: - Khi... tình cảm gửi qua trái tim biến thiên thì sao? - Thì sẽ xuất hiện một cây roi mây có tác dụng chống lại sự lơ đễnh, mơ màng. Ðừng để tôi phải nói nhiều. Em có chịu học không hả? Năm nay thi tốt nghiệp rồi. Đã học dở lại còn... Tôi bất chợt chuyển sang dạy đạo đức, nói những lời thật nặng, để em tự ái mà cố gắng học. Nhưng tôi đã ngu ngốc bỏ qua một điều: Em là con gái! Em cúi đầu lặng yên, tay mân mê cái nắp viết máy, sau một hồi không thể chịu được, em úp mặt xuống bàn, đôi vai nhỏ bắt đầu rung lên thổn thức. Sau buổi dạy, tôi mệt phờ người, phải nằm lăn ra giường hồi tỉnh cỡ hai mươi phút. Có tiếng động dưới chân cầu thang, tôi hồi hộp nằm im, không dám cục cựa. Tờ lịch trên vách đã sang tháng mới mà tôi chưa kịp đóng tiền gác trọ. Tiếng bà chủ dưới nhà hỏi vọng lên: - Cậu về chưa cậu Tân? - Dạ. - Cậu có thư nè. Tôi ngồi bật dậy như cái lò xo, phút chốc tan hết mệt mỏi. Ai đã từng sống xa nhà có thể đôi lần bắt được tâm trạng này. Cầm lá thư không có tên người gởi, tôi giật mình nhận ra nét chữ rất quen. Lẽ nào... Tôi bóc thư ra. Không thể tưởng tượng nổi, đó là bài luận văn được điểm hai của em! Khoan, bạn đừng vội cười cô học trò bé nhỏ của tôi. Thì ra em thông minh hơn tôi tưởng. Một phần thông minh cộng chín phần lém lỉnh dễ làm người khác dở cười dở khóc. Sau khi tôi kiểm tra chất lượng em, em kiểm tra chất lượng lại tôi bằng hình thức vấn đáp, và khéo léo gài tôi vào thế việt vị. - Thầy là sinh viên chắc học giỏi lắm hả? - Cũng thường thường thôi. Nhưng chương trình 12 tôi đã học qua nên nắm rất vững. - Tất cả các môn hả thầy? - Chỉ những môn chính là chủ yếu: toán, lý, hóa, ngoại ngữ. - Còn môn văn? Tôi giả bộ “à” lên một tiếng để lấy uy: - À cả môn văn nữa chứ. Môn này tôi học không khá lắm, chỉ được điểm tám là cùng. - Ô, thầy khiêm tốn ghê! - Vậy hả? Năm mười một tôi còn được điểm mười nữa kìa. Bài của tôi thường được đọc cho cả lớp nghe. Em xuýt xoa, trầm trồ. Tôi không lừa dối em, chỉ có ý quên nói rằng đó là kết quả của... bốn bài cộng lại. Và ngày xưa, những bài luận của tôi thường được mang ra đọc trước lớp cho bạn bè cười rút kinh nghiệm. Dân thi khối A đâu thèm quan tâm đến các môn xã hội, cũng như tụi khối C bị ốc tọt môn toán là chuyện bình thường. - Thầy làm giùm em một bài luận nghe? Cho tụi trong lớp nể chơi! Tôi hết hồn, vội vàng xua tay. - Không được đâu. Của ai người đó làm. Tôi chỉ có nhiệm vụ dạy em học toán lý hóa thôi. - Em không có nhờ thầy làm giùm toán lý hóa, chỉ nhờ thầy viết giúp bài luận số một để lấy hên đầu năm... - Em ngập ngừng, rồi tiếp: - nhưng thầy không chịu thì thôi. Ngày mai em không học nữa. Em đóng tập lại. Tôi rầu rĩ không biết phải làm sao. Đã lỡ “nổ” thì phải chịu tan tành mây khói chứ sao? Tôi gật đầu như con gà rù. Trong ô lời phê, cô giáo em ghi mấy câu này: Viết lung tung quá. Thiếu kiến thức cơ bản làm văn nghị luận. Cần cố gắng nhiều. Chao ơi, tôi còn mặt mũi nào để dạy dỗ ai nữa? °
*
Em đã hạ knock-out tôi bằng một chiêu hết sức nhẹ nhàng và lịch sự. Tôi gượng đứng dậy trong nỗi nhục nhã, ê chề. Không biết “mặt rô” là mặt gì? Có thể đó là mặt dầy có khả năng phớt tỉnh Ănglê. Tôi cố gắng tỉnh bơ như không hề có bài luận văn đó trên đời. Em cũng không đá động gì tới, càng chứng tỏ bản lĩnh của một cao thủ! Buộc lòng tôi phải đổi khác về cách nghĩ, nhất là sau khi bí mật điều tra tôi biết được em học rất khá môn văn - khá thật sự chứ không phải bốn bài cộng lại rồi mang vờ vịt thiên hạ. Tôi hết dám coi thường em, hết dám chê em học dở, mặc dù một bài toán rất dễ cũng làm em khổ sở cả tuần. Em cố gắng hơn, chăm học hơn, và trong thời gian ngắn đã tiến bộ thấy rõ. Tôi xin được từ bỏ chữ “thầy”, có cái gì cách trở xa xôi quá, tôi muốn gần em hơn, dạy em học như là bổn phận của một người anh... Kiến thức không phải là con đường bằng phẳng rải đầy sôcôla, ô mai, xí muội, cho con gái rong chơi. Với học sinh mất nhiều căn bản như em, con đường ấy càng gồ ghề, chông gai. Tôi nhẹ nhàng nắm tay em dắt đi từng bước, từng bước. Thời gian đi qua, nhanh cư con ngựa chiến tung vó bụi mịt mù. Bây giờ đang là mùa thi, mấy con đường bột chiên vắng hẳn bước chân học trò. Em đã học giỏi lên và theo kịp bạn bè. Mấy chục bài tập toán lý không còn làm em le lưỡi như hôm nào nữa. Ngày mốt em sẽ bước vào kỳ thi thứ nhất tốt nghiệp cấp ba. Không việc gì phải lo, tôi tin chắc em sẽ qua được dễ dàng, vì em đã từng là “cao thủ” kia mà? Tôi đã nghỉ dạy từ hôm qua, một phần muốn em được thảnh thơi trong những ngày cuối, phần khác, tôi cũng lo ôn tập chuẩn bị thi ra trường. Sài Gòn có những cơn mưa đầu mùa như con gái làm duyên - lâm râm, dai dẳng - đủ làm ướt đất trời cây cỏ, đủ làm ướt tóc dài tóc ngắn, làm ướt con phố nhỏ rộn ràng bước chân. Căn gác buồn hiu trong khói thuốc, tôi ngồi trầm ngâm, lần đầu tiên hút thuốc nhiều như thế. Chỉ còn ít hôm nữa, tôi sẽ tốt nghiệp Ðại học và chia tay căn gác nhỏ. Năm năm đi qua, năm mùa mưa ở lại trong lòng. Tôi không biết đã lớn thêm chút nào chưa, chỉ biết Sài Gòn đã chất đầy tim tôi những kỷ niệm không thể nào quên được. Đó là giảng đường, là con phố... là em thân yêu với những nụ cười tinh nghịch. Lúc em làm đơn thi Ðại học, tôi hỏi: “Em thi trường nào?” Em nheo nheo mắt “Bí mật!”. Tôi không vội đi tìm bí mật, vì mải lo phân vân một chuyện khác. Có nên nói với em rằng chúng mình sắp chia tay nhau? Và tôi đã không nói gì, dự định sẽ giữ bí mật vào phút chót, khi em đã thi xong. Như thế sẽ không làm em ảnh hưởng đến tinh thần. Mưa đan kín trời đất. Qua ô cửa sổ, tôi giật mình nhận ra dáng nhỏ quen thuộc trong chiếc áo mưa cánh dơi rộng thùng thình. Tựa như phản ứng của một người mười năm mới gặp lại người thân, tôi lao vút xuống nhà, vừa lúc em đến. - Trời mưa em đi đâu vậy? - Ði tìm thầy. Tôi đưa em vô nhà. Căn gác ấm lên nhờ tiếng cười giòn tan. Tóc em ướt, những giọt mưa còn lấm tấm trên mặt, bờ môi tái mét nhưng đôi mắt vẫn mỉm cười. Tôi đưa khăn cho em: - Coi chừng bị cảm đó nghe. - Thầy đã quên một chuyện. - Chuyện gì? - Chúc em thi đậu. - À... Chúc em làm bài tốt. - Còn nữa, thầy quên dẫn em đi ăn chè đậu. Tôi bật cười khanh khách. Chợt nhớ về ngày xưa, khi bằng tuổi em bây giờ, và mùa này tôi cũng bày đặt kiêng cử đủ thứ. Không ăn tiêu, không ăn bí... sợ vô phòng thi sẽ bí thiệt. Nghĩ cũng lạ, học trò nghịch ngợm vua chê, quỷ lắc đầu mà cũng có những nỗi lo hết sức vớ vẩn, buồn cười. - Ừ, ngày mai tôi sẽ... - Em thích đi bây giờ. Tôi chiều em, như ngàn lần tôi đã chiều em. Hai đứa khoác áo mưa đi xuống phố. - Thầy ơi, mình đừng ăn chè... bánh lọt nghe thầy? - Em vén áo mưa quay sang nhìn tôi - trong đôi mắt có hai giọt mưa long lanh. Tôi mỉm cười gật đầu và tự nhiên nhớ đến câu hỏi khác của em: Khi tình cảm gửi qua trái tim biến thiên? - À, thầy đã đoán ra em thi trường nào chưa? - Chưa. - Thêm một ly chè nữa, em sẽ nói. - Mười ly tôi cũng chịu. - Thiệt há? - Ừ. - Em thi trường thầy. - Trời ơi! - Tôi buột miệng kêu lên, và chưa kịp thắc mắc “sao con gái mà thi bách khoa?” thì em đã liến thoắng: - Mai mốt em thi đậu, thầy vẫn dạy em học chứ? Tôi định “ừ” một tiếng cho em yên lòng, nhưng bỗng thấy mình có tội ghê gớm khi nói dối với một tâm hồn bé nhỏ. Tôi lặng im, mặc cho giọt buồn ngấm vào da thịt.Nguyễn Khắc Cường