Con ạ, đến giờ cha ngủ vẫn mơ thấy ruộng bậc thang!
Trời miền núi vùng đá vôi ban ngày mặt trời như chảo lửa đổ xuống lưng. Thằng bé con mười ba tuổi gầy như cây sậy còng lưng vuốt mồ hôi trên mặt. Ngước lên lưng chừng trời. Con đường để nó đi hết cái ruộng bậc thang thứ nhất có 18 nấc. Đi một thôi nữa đến ruộng bậc thang thứ hai. Nghỉ vài phút sau 12 nấc thang nữa, nó nằm soài ra dưới mặt trời đúng ngọ, vuốt mồ hôi lẫn nước mắt rồi gập cái bụng lép như chỉ còn da. Leo tiếp 9 bậc thang nữa. Sau đó bò lên sườn núi. Gần chiều mới đến cái nhóm vài căn nhà gianh vách nứa. Thằng bé - là cha đấy - mở túi thư báo, thở hắt ra vì không còn hơi. Nhưng nhìn thấy ông ấy là cười được. Người đàn ông cao lòng khòng, ăn mặc sạch sẽ, quần áo màu nâu may lụng thụng làm ông ta thật sang trọng, đón tờ báo Nhân Dân, tờ Văn Nghệ, như đón cái gì thật bất ngờ. Vài tháng mới có lá thư từ thành phố, ông ta chưa xem báo vội mà quay qua bảo: Cháo gà nhé!
Người đàn ông gọi bà vợ, trông cũng nền nã như người ở phố, bưng cho thằng bé bát cháo gà. Gà ở đây nuôi không phải bán theo kiểu thu mua cho mậu dịch. Thỉnh thoảng có con gà nấu cháo. ở miền núi thời này người ta không khắt khe với nhau như dưới xuôi.
Thằng bé đưa thư - là cha đấy - thấy hai ông bà hiền lành sao lại lên lưng chừng trời sống giữa những người miền núi, định hỏi nhưng lại sợ là hỗn, nên cứ im lặng ăn cháo, có lúc lại được ăn xôi - lúc nào bèo lắm thì có củ khoai luộc. Thấy nghề đưa thư cũng chẳng đến nỗi nào. Chỉ khi nào nhắm mắt ngủ mới nghĩ đời mình sao lại cứ cắm cúi lên ruộng bậc thang. Hết đời ư?
Khi thằng bé đưa thư sang tuổi 15, ông ta nhìn nó kiểu như nhìn tri kỷ. Ông giữ nó lại vào một đêm con suối dưới kia nước gầm gừ chặn đường về bưu điện. Hai ông bà nhắc tới hai thằng con trai cầm súng đi B dài. Rồi ông hé cho nó, thằng bé đưa thư, tí chút cuộc đời ông. Chả nói gì nhiều. Cứ như ông tự ngẫm ngợi rồi nói với chính ông, người trong cuộc bị đẩy lên sống giữa lưng chừng trời. Thời đó thành phố xanh ngắt vắng hoe, ông là thợ may sống trong hẻm nhỏ. Ông giáo sư đến hàng ông nhờ may cái áo vét theo kiểu Pháp, ông ấy bảo chuộng kiểu này. Ông giáo sư phong cách nho nhã, thông kim bác cổ, nhưng trông buồn lắm. Đến may áo mà cứ ngồi ở ghế nói chuyện Đông Tây. Thợ may như tôi chỉ biết ngồi đạp cái máy may rồi lắng nghe khách nói. Ông ta kể chuyện những hiệu sách ông hay la cà bên bờ sông Xen (Paris - Pháp) giờ đây ông xem như giấc mơ. Vài ngày sau ông giáo sư lấy áo, tôi xem như khách bình thường. Nhưng rồi tôi thấy có mấy người là lạ đến nhà ngó nghiêng. Rồi có cái giấy gọi của "tiểu khu", vận động nhà tôi đi kinh tế mới. Ông giáo sư kia đang thất sủng. Có chuyện rồi. Cả nhà tôi gồng gánh lên đây. Tôi bỏ nghề may. Thấy mình như bị vạ vì cái nghề may, không ham nữa. Vợ chồng phát rẫy trồng cấy. Làm ruộng bậc thang. Sống được vì ở đây có núi có rừng có hồ. Người ta lại ấm áp với nhau không nghi ngại như người dưới kia xô bồ chen lấn.
Thằng bé đưa thư - là cha đấy - nghe ông nói thế thì biết thế. Lại cứ mong đến ngày bò ruộng bậc thang đưa tờ Nhân Dân, tờ Văn Nghệ cho ông. Những tờ báo khiến ông có sợi dây nối với dưới xuôi. Đêm mù mịt chỉ có bếp lửa cháy trong góc nhà. Sương giá vùng núi đá vôi làm người ta nhích vào gần lửa... Cha xem ông ta ăn ở xa cách, tĩnh tâm đón nhận hoàn cảnh, lại thấy mình còn chưa đến nỗi nào... Con vẫn nghe đấy chứ. Khi nào cha con mình về quê, dù chả còn ai nhưng để con được biết mùi vị quê nhà.
Vùng đó nước ruộng mênh mông nước ăn thiếu. Mọi thứ trong cái ao. Múc nước lên trong cái ang đánh phèn cho trong để ăn. Nước dưới ao tắm giặt, rửa tay chân, vo gạo rửa rau múc lên đánh phèn là ăn được. Cứ thế ăn uống luẩn quẩn mà sống. Đêm nằm nghe cá quẫy ngoài ruộng. Chân mẹ thũng ra vì quanh năm phải băng bó vì nước ăn chân. Cũng vẫn sống được. Cho đến một hôm cả cha cả mẹ đang ở ngoài đồng. Mưa dông. Sét đánh nhoàng vào đám người đang trú dưới đám cây trơ trọi. Chết cả đám, trong đó có cha và mẹ. Họ hàng xa gần bán cái nhà tranh được mấy chục đồng làm lộ phí, đưa thằng bé lên thị trấn miền núi. Một người họ xa làm ở bưu điện huyện nhận thằng bé kèm theo vài chục đồng. Ưu tiên đứa bé mồ côi thay chân ông thương binh vẫn đưa thư ở phía bắc huyện. Thế là đời đưa thư đưa cha lên lưng chừng trời, xuống dưới chân núi, vào bản, vào trại, vào thung lũng xa. Bàn chân trầy trụa. Da xám đen như da trâu. Lưng còng xuống mà không hiểu vì sao lại còng? Vì ruộng bậc thang hay sao? Những năm Mỹ đánh ra Bắc, máy bay ào ào dưới xuôi. ở đây chỉ nghe bom nổ xa xa. Cứ như thế cần mẫn với đời đưa thư. Chiến tranh phía nam - chiến tranh phía bắc. Báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ đều đặn đưa lên lưng chừng trời. Khi con ra đời ông bà cho cả một lồng gần chục con gà... Cứ thế con ạ. Cha chưa bao giờ đánh mất một phong thư của ai...

*

Có lẽ vì thế mà hai chị em tôi thường ứa nước mắt khi nhìn cha. Người cha nhỏ thó, đen đủi chỉ có đôi mắt là làm chúng tôi không bao giờ nói dối cha. Mắt cha còn tinh. Cái nhìn thẳng, hơi ngước lên. Có lẽ vì hay leo ruộng bậc thang.
Cả thị trấn miền núi xao xác vì có bãi vàng. Người ta kiếm tiền như nước chảy. Túi ai cũng đầy ắp. Rồi cơn bão số đề, bão cờ bạc từ dưới xuôi ào lên vét sạch. Người ta giàu rồi nghèo. Lại giàu lên rồi nghèo đi. Hai chị em tôi bảo nhau theo gương cha, cứ ngước lên mà đi... Học đại học ở thành phố, cũng có người rủ rê tôi rẽ ngang rẽ tắt. Nghe nói ở thị trấn con cái nhà ai giàu nhất bây giờ cũng đều nằm thượt vì nghiện. Người ta bắt đầu ghen tị với cha tôi, người đưa thư suốt đời, vì ông có chúng tôi, học hành xong xuôi lại quay về thị trấn... Tôi đến bưu điện thị trấn xin việc. Cha tôi trầm ngâm nhìn tôi: Đưa thư thì thôi con ạ! Xin làm việc khác. Tôi chưa biết sẽ làm việc gì. Nhưng định bụng hôm nào lên trên kia thăm ông bà thợ may. Nghe nói bây giờ họ đã xuống gần hơn - và đã già lắm rồi. Cha tôi bảo vì ông ấy mà cha tôi thấy nghề đưa thư chẳng đến nỗi nào.

Xem Tiếp: ----