Một loài cây nhỏ bé kể câu chuyện huyền thoại về người con gái bình dị đã để lại dấu ấn đẹp đẽ trong dòng chảy vô tận của đời sống. Cô đã khước từ chốn phồn hoa đô thị, từ bỏ cả tình yêu hạnh phúc của mình để sống một cuộc đời cống hiến, dù ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa.- Cỏ mặt trời đấy?Em chỉ cho tôi thứ cỏ lá mềm có những bông hoa li ti nở đỏ rực khắp núi, khắp triền Khe Ngài. Sau này tôi được biết, thứ cỏ ấy người Pa Cô gọi là Amun. Em vẫn hay có thói quen gọi sự vật theo ý thích của mình, quen đến nỗi theo thời gian tôi không còn để ý cách em gọi thế có ý nghĩa gì. Bây giờ thì em nằm một mình bên cạnh bờ suối, giữa thung lũng hẹp chìm trong sương. Một nấm cuội trắng xinh xinh. Già Khơ bảo với tôi rằng, Chơn cùng đám trẻ con mò suối suốt ba ngày mới mò đủ đá đắp mồ cho em.Tôi ngồi nghe gió trườn reo trên đỉnh rừng già. Núi non hát lên bài ca thâm u hùng vĩ, vừa gần gũi say đắm vừa âm u rợn ngợp. Suối róc rách hiền hòa. Chợt chạnh lòng vì biết em thỏa nguyện, và có thể khi ra đi em không hề thoảng nghĩ đến tôi. Không có khói hương. Nước mắt tôi cũng không chảy. Mây vẫn choàng từng dải mơ hồ ngang đỉnh Khe Ngài. Từ chỗ này quá lên một đoạn, suối luồn trong lùm cây. Nơi đó nước sâu và trong mầu ngọc, thỉnh thoảng soi bóng những chùm phong lan đung đưa tít trên cao. Rêu mờ trên đá. Em từng bắt tôi ngồi trên chạc cây canh chừng cho em tắm. Tóc em dài xõa bồng trên nước, da em sáng mịn màng. Tôi ngỡ em hiện ra từ trong truyện cổ. Cả mùi hương ngan ngát dịu dàng lan tỏa khắp không gian, tôi cũng ngỡ tỏa ra từ da thịt em. Tôi ngây ngất ngắm em lòng dâng lên những cảm giác thánh thiện rồi ghen em. Khi em đặt lưng vào tôi vắt nước trong tóc tôi hỏi: "Thường thì Chơn canh chừng cho em tắm à?". "Không" - Em nói và quay mặt đi. Em dỗi. Tôi không dỗ, nhưng bao giờ em cũng làm lành trước. Em choàng tay qua vai tôi thì thầm: "Đừng nghĩ thế tội nghiệp Chơn". Tôi quên, nhưng khi ngắm em nằm nghiêng trên cỏ, nhìn vào mắt em, nhìn đôi môi em nóng ướt, tôi lại rầu lòng nghĩ có thể Chơn đã đặt môi lên chỗ này... Và bây giờ tôi cũng ghen. Tôi biết thế là không phải với em cũng như suốt đời, chưa bao giờ tôi phải với em... Tôi ngẫm lại lời em nói: "Em sinh ra là để yêu anh, nhưng không phải để sống với anh. Chúng ta khác nhau quá nhiều!". Thuở đó tôi mười bảy luôn tràn đầy niềm tin rằng, không có gì ngoài tầm tay con người. Sau này sống nhiều nghĩ nhiều tôi đã nghiệm ra lời em cảnh báo về cuộc đời hai chúng tôi.Nhà ngoại tôi nép mình vào triền đồi mạn bắc sông Bến Hải, mặt quay ra bến rười rượi gió nồm và hư ảo những đêm có trăng sương. Thường mỗi năm một đôi lần, tôi chỉ về dịp hè hay lễ tết. Rặng cây và con đường đất đỏ rợp mát trước nhà ngoại xôn xao đón tôi, ủ tôi sau những mệt mỏi của chặng đường lầm lụi ngót chục cây số từ quốc lộ về làng. Tôi mười bảy, đã sắp sửa vạm vỡ và sắp hết cấp ba. Khi xách túi lên thềm nhà ngoại suýt nữa tôi đụng phải một bóng người từ trong bước ra. Người ấy đứng sững nhìn tôi một lúc rồi vụt chạy đi, đôi bím tóc rơi lảng sau lưng. "Ai thế hở bà?". "Con bé Len con chú Toại ở cạnh"- bà trả lời miệng vẫn không thôi nhai trầu. Hương trầu loang khắp gian nhà tạo cảm giác ấm cúng lạ, đến nỗi cả nhà khi bà mất đi nhưng cứ hễ trở về căn nhà cũ, dù không có ai ăn trầu, tôi vẫn nghe hơi trầu đầm đậm. "Sao những lần về trước con không gặp?". Bà đủng đỉnh: "Ừ ngày nào nó cũng qua tập têm trầu, chỉ hôm nào có khách là vắng bặt. Không có nó, chắc bà tẻ lắm!". "Xinh chứ bà nhỉ?" - Tôi lại hỏi. "Ừ xinh ngoan nết lắm. Sau mày những hai tuổi mà học bằng rồi đấy". Rồi bà nghiêm mặt: "Nhưng mà anh đừng chòng ghẹo gì đấy! Tội nghiệp, mẹ mất sớm..."Đêm, tôi lén chui bờ rào râm bụt, chỗ hồi chiều tôi thấy em chui qua, đứng lặng sau cửa sổ. Bất chợt cửa mở. Em ngồi sau cây đèn dầu lớn, tự dưng nhoẻn miệng cười, một bên má em eo lúm đồng tiền. Chỉ một bên thôi điều đó chưa bao giờ tôi thấy.Hôm sau, sẩm tối, tôi đợi em ngay chỗ rào râm bụt thưa. Em luồn qua nhẹ nhàng mà không gây tiếng động và rơi ngay vào vòng tay tôi. Người em nóng rực.Tôi hôn em nụ hôn của tình yêu đầu, mê đắm. Tốt nghiệp cấp ba tôi rủ em vào đại học Bách khoa. Em lắc đầu. Em làm hồ sơ vào cao đẳng sư phạm. Tôi cay cú bảo em rằng: Thời nay, bao nhiêu kẻ cố chạy chọt để có tấm bằng đại học, em thì dư sức vào bất cứ trường nào sao lại không dự thi; rằng em đang tự lãng phí mình, vân vân và vân vân. Đáp lời tôi em nói giản đơn: "Như thế đủ cho cuộc sống của em hơn".Chúng tôi xa nhau, em học ngay tỉnh, còn tôi ra tận Hà Nội. Đám bạn tôi dạy tôi bằng nhiều trò yêu đương vớ vẩn, những cuộc yêu đi qua không hề vướng. Tôi tự biện minh rằng tôi là đàn ông, tôi không có lỗi...Chừng giữa hai năm học ở trường cao đẳng, em ra Hà Nội tìm tôi. Tôi đánh thằng bạn thân nhất của tôi vì nó thổ lộ nó yêu em, nó chết điếng vì cái lúm đồng tiền của em, vì em cười rất lẳng, vì em không phải chỉ để mình tôi yêu. Em ngơ ngác khi tôi chở em ra bến xe và bảo em về, nhưng em cũng ngoan ngoãn lên xe mắt rớm lệ. Tôi đứng nhìn hút chiếc xe em đang đi, nghẹn ngào gọi tên con nai con của tôi.Em tôi tốt nghiệp. Tôi đưa em về ra mắt mẹ và vạch định trong đầu một kế hoạch cụ thể cho tương lai. Việc đầu tiên là nhờ mẹ xin cho em được dạy ở thị xã hoặc chí ít là ở gần thị xã. Mẹ tôi nhìn em từ đầu đến chân. Em nép vào vai tôi run hơn cả khi tôi hôn em lần đầu. Mẹ ngọt ngào niềm nở, chỉ khi em đi rồi. Bà bảo tôi: "Nó ngoan nhưng sống không thực". Tôi cãi. Mẹ không giải thích, cứng giọng: "Không được". Tôi cay đắng trở về Hà Nội, không nguôi hy vọng ở ý chí mình.Ít lâu sau, tôi nhận được thư em. Em dạy học ở một huyện vùng núi xa. Nơi em đến là một bản của đồng bào Pa cô, cách đường ba chục cây số đi bộ. Em hào hứng kể về sự chân thành của người miền núi, về sự lạ lùng của họ với "cái chữ", về rừng núi... Tôi nghĩ em quá lãng mạn. Tôi tin chỉ một vài năm, thậm chí không tới, em sẽ chán và sẽ về xuôi, đủ đến lúc tôi ra trường, có việc làm và kiếm ra tiền. Nhưng thư sau em kể nhiều hơn về một thanh niên bản thông minh tốt bụng tên là Chơn. Em bảo Chơn là người đã đem thư em ra chợ và gửi vào bưu điện và mang thư tôi về cho em. Em kể nhiệt thành đến nỗi tôi luôn phát ghen lên với Chơn. Tôi viết cho em những lá thư điên rồ. Tôi tự hành hạ mình bằng cách tưởng tượng ra bao nhiêu trò. Tôi nhớ cái nhếch mép của thằng bạn cũ: "Nàng là người không phải chỉ để cho mình mày yêu".Tôi trốn học về quê, không ghé thăm nhà, nhất quyết tìm gặp cho được em. Dòng Đakrông hun hút sóng xô vào đá vỡ òa muôn ngàn tia nước bạc. Đường mười bốn cheo leo giữa vách núi và vực sâu. Tôi đang rối trí không biết làm sao để đến được chỗ em thì có người gọi tên tôi. Đó là một thanh niên người dân tộc da đen bóng, rắn rỏi, chừng hai mốt tuổi. Cậu ta nhìn tôi cái nhìn không nói lên cái gì cả. "Cô giáo bảo tôi ra đón miềng". Tôi đoán ngay ra đây là Chơn. Nhưng tại sao em biết tôi tìm em? Tôi bước theo Chơn vừa hoang mang sợ hãi vừa phẫn nộ. Dọc đường Chơn không bắt chuyện, hễ tôi hỏi câu nào là Chơn trả lời nhát gừng câu ấy. Tôi thấy giận em ghê gớm. Qua câu chuyện tôi biết em đã dạy Chơn hết lớp bảy, sang năm Chơn sẽ ra huyện thi tốt nghiệp cấp hai và dự thi vào cấp ba. "Cô giáo nói tui phải học được đại học". Tôi tự cười khẩy trong bụng, đúng là em quá ảo tưởng. Em nghĩ rằng em sẽ làm được "một cái gì" như kiểu em nói?Em vẫn nhỏ nhẹ và mềm mại như xưa, cái má lúm đồng tiền vẫn lấp lánh một bên má. Nhưng em gầy và xanh hơn, mắt hình như cũng sâu thẳm hơn, phản chiếu một thứ ánh sáng nào đó mà đến bây giờ tôi vẫn chưa đủ sức để hiểu. Lần đó, cũng như nhiều lần về sau, tôi muốn em về nhưng em bao giờ cũng lắc đầu. Càng ngày tôi càng cay đắng khi nhận ra em đã quá gắn bó với núi rừng. Em đã thành người của bản Khe Ngài, và dân bản từ lâu đã quên em không phải cùng dòng giống với họ. Dường như bản thể em là cái trinh khiết nguyên sơ của thiên nhiên và của loài người, em chỉ là em khi được sống với nó, không thể khác được. Tôi không đủ sức kéo em về cũng không đủ sức để làm một cái gì đó khác hơn.Kiếm được tấm bằng phó tiến sĩ, tôi thành phó giám đốc một công ty hàng tỉnh. Mẹ tôi dọn cho tôi một con đường tiến thân bằng phẳng, và để bù lại những gì có dễ dàng mà không muốn mất, tôi đành chiều ý mẹ, cưới con gái ông bí thư tỉnh ủy. Đó cũng là cách làm em hiểu ra cái giá của sự ương gàn bồng bột của em. Tôi nghĩ thế.Vợ tôi cũng hiền thục và xinh xắn. Nhưng càng cố thỏa mãn với cuộc sống, tôi càng đau lòng bởi biết tất cả những gì có nghĩa đối với tôi đều nằm lại phía em.Tôi lên Khe Ngài tìm em. Tôi nghĩ em sẽ buồn rầu, sẽ đau khổ lắm, nhưng mà em vẫn bình thản như nhiều lần trong đời em đợi tôi. Em chỉ nhìn vào cái bụng bắt đầu nặng mỡ của tôi và khúc khích cười. Tôi chán ngán ngửa mặt nhìn mây trời. Em bảo là em biết điều này từ trước từ cái thuở tôi xách túi bước lên thềm nhà bà ngoại, vào cái mùa hè em mười lăm, tôi mười bảy, "Cái gì em cũng biết, kể cả việc Chơn yêu em". "Vâng" - em trả lời hờ hững làm tôi tê tái. "Kể cả việc em không cùng anh đi đến suốt cuộc đời "Em điên rồi" - Tôi hét lên. Lần duy nhất cũng là lần cuối cùng tôi và em cãi nhau. Tôi cho rằng em không hề yêu tôi, rằng em chỉ yêu cái ảo tưởng của em, thứ ảo tưởng của kẻ chưa từng biết cuộc đời. Em im lặng, hồi lâu mới cất tiếng, giọng em nhỏ và em thả từng tiếng một: "Em yêu anh". Cũng lần đầu tiên suốt mười năm quen biết, tôi điên cuồng bắt em chứng minh một cái gì đó mặc cho em xót xa, tủi hờn. Và không đủ, không đủ cho tôi kể cả khi biết em đã giữ mình trinh nguyên đến phút ấy.Bây giờ tôi ngồi trước nấm cuội trắng xinh xắn như dấu tích của một trò chơi đẹp. Ngày tàn từ lúc nào. Tôi co ro trong nỗi cô đơn và mất mát chưa bao giờ nếm trải trong suốt mấy chục năm. Chơn kể, vào cái ngày mưa nguồn, em lo cho các em học sinh ở bên kia núi đến lớp không có cô giáo, em cùng già Khơ leo qua cây cầu vượn bắc ngang suối nước chảy xiết, cuốn cầu, nước cuốn em nhanh quá. Già Khơ không kịp trở tay. Chơn nói thêm: "Tôi ở dưới trường tỉnh, nghe sấm động đằng tây biết cô giáo gặp nạn...".Duy nhất lần ấy mắt Chơn nói lên một điều ý nghĩa, ấy là nỗi đau... Già Khơ đặt tay lên vai tôi: "Về đi con, về nhà già...".Đêm đó bên bếp lửa nhà Dồng, sau lễ cúng ma cho em, tôi nghe già Khơ kể về truyền thuyết cây Amun - thứ cây đã mọc lần đầu tiên trên mộ một nàng trinh nữ đã tự nguyện hiến thân cho thần Núi để cứu người Pa cô thoát khỏi nạn diệt chủng, vào cái thuở nào xa lắm, xưa lắm...