hú Tiểu ghé mắt nhìn qua cửa sổ, thấy thầy Huấn ngồi trước bàn kê sát tường, quay lưng ra ngoài, đầu hơi cúi, hình như đang suy nghĩ điều gì khó khăn, nên dù có điều muốn hỏi chú cũng không dám lên tiếng, chỉ lẳng lặng bò đi vì sợ làm Huấn giật mình. 
Trước đây căn chùa bé nhỏ ở ngoại ô một thành phố bên Miền Đông Hoa Kỳ chỉ có sư cụ và chú, cảnh chùa hưu quạnh, lúc nào cũng buồn tênh. Từ ngày có thày Huấn vào chùa chú vui hơn vì có người lâu lâu cho chú chuyện trò hơn là chỉ quanh quẩn quét dọn, lau chùi, ngoài những lúc tới trường hay lúi húi học bài, đọc kinh dưới sự giám sát của sư cụ. Ở trường trung học chú cũng không có bạn mặc dù chú đã hơn 15, đang trong tuổi mới lớn. Vài đứa con trai trong lớp thường trêu trọc chú, thỉnh thoảng xoa cái đầu nhẵn thín của chú rồi phá lên cười. Nghe lời sư cụ, chú không hề nổi giận, chỉ lặng lẽ niệm “A Di Đà Phật”, hoặc cười xoà. Đám con gái không trêu trọc chú nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn chú mỉm cười khiến chú bối rối, không biết phải làm gì. Tan học là chú lên thẳng xe bus, ngồi yên trong một góc, nhắm mắt nhớ tới những lời kinh mà chú và sư cụ sẽ cùng nhau tụng niệm mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Mặc dù không chủ ý nhưng những lời chuyện trò ồn ào, bàn tán về đời thường của đám trai gái trên xe vẫn lọt vào tai làm chú thấy nôn nao.
Hôm đầu tiên thày Huấn tới chùa, chú thấy thày quì trước mặt sư cụ trong chánh điện. Từ ngoài sân chú nhìn vào, không dám lại gần vì thấy hai người nói gì đó nho nhỏ với nhau. Đầu thày Huấn gục xuống trước ngực, bờ vai hình như run run, sư cụ một tay chắp trước ngực như đang lễ Phật, một tay đặt nhẹ trên vai thày Huấn, đầu lắc nhẹ nói gì như “sắc sắc không không” cho tới lúc thày Huấn cúi rạp người trước mặt sư cụ, để mặc cho sư cụ vỗ về.
Vài ngày sau thày Huấn dọn vào chùa, chiếm căn phòng trống còn lại, nơi sư cụ chứa toàn sách vở, kinh kệ và đồ thờ cúng. Hành lý của thày Huấn chỉ là một valise quần áo, một cái laptop xách tay, và buổi chiều hôm đó người ta chở tới thêm một cái bàn viết và một cái giường đơn. Chỉ có thế, nhưng chú tiểu tự nhiên thấy cảnh chùa bớt hoang vắng, và bỗng dưng chú có được một người “bạn” để cho chú hỏi han, chuyện trò và đôi khi tỉ tê chút tâm tình.
Thầy Huấn trầm lặng nhưng hiền và rất dễ thương. Chú Tiểu có điều gì hỏi han thày đều từ tốn trả lời, cắt nghiã rất rõ ràng những gì chú thắc mắc về những vấn đề mà chú không dám hỏi sư cụ. Lâu dần chú mới biết thày Huấn nguyên là giáo sư tại một trường đại học trong thành phố, thế nhưng thày không trả lời cho chú biết tại sao thày lại vào chùa ở, chỉ nói tránh đi là muốn giúp sư cụ soạn thảo vài bộ sách liên quan tới Phật pháp để phổ biến cho tín hữu vẫn thường tới chùa vào những ngày cuối tuần. Những lúc đó mắt thầy xa vắng, nét mặt thật buồn khiến chú đâm ngại ngùng nhưng vẫn tò mò không hiểu sao một người chưa đầy 40 tuổi như thày lại vào chùa ở, bỏ quên thế giới nhộn nhịp bên ngoài, nơi chú ước ao giá mà nếu chú có cha có mẹ như mọi người thì có lẽ chú cũng tung tăng như những đứa con trai cùng lớp, chứ không phải sống trong chùa với sư cụ, mặc dù chú cũng được sư cụ rất yêu thương.

*

Thu gọn giấy tờ trên bàn, Trân đưa mắt nhìn đồng hồ treo trên tường. Đã 6 giở 30 chiều và công việc coi như đã xong, báo cáo cuối cùng đã thảo, nằm trong máy điện toán chỉ cần sửa chữa chút đỉnh, gửi cho công ty đêm nay hay mai cũng không sao vì ngày mốt mới là hạn cuối cùng. Trân nghĩ thầm:
- Hay là mình về tối nay thay vì ngày mai? Ăn uống qua loa, check-out khách sạn, lái xe hơn 3 tiếng, về đến nhà chưa tới nửa đêm. Không thèm gọi điện thoại báo tin để cho bố con thằng Cu ngạc nhiên!
Nghĩ thế là Trân làm liền. Cái nghề auditing accountant của Trân tưởng như nhẹ nhàng thế nhưng thực ra lại quá vất vả. Khách hàng của Trân là những “public companies” nên mỗi tam cá nguyệt phải làm bảng kết toán tài chánh, chứng thực bởi kết toán viên của các công ty chuyên môn như KPMG.  Trân làm việc cho KPMG đã lâu, và tháng nào cũng được gửi tới tới các công ty ở khắp nơi trên đất Mỹ để kiểm soát các báo cáo tài chánh trước khi họ phổ biến ra thị trường chứng khoán. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài hàng tuần, và mặc dù rất quyến luyến Trân vẫn phải bỏ mặc cu Bình cho Chánh trông nom. Thằng bé mới hơn một tuổi, đã bập bẹ biết nói nên mỗi lần xa con Trân thấy như đứt từng khúc ruột nhưng không biết làm gì khác hơn. Đã nhiều lần Trân nghĩ tới chuyện tìm một công việc khác, một công việc văn phòng, không phải đi xa, nhưng việc làm khó kiếm trong lúc kinh tế suy thoái, và hơn thế nữa lương bổng hiện tại của Trân khá cao cho nên tìm kiếm càng không dễ dàng.
Vừa lái xe vừa nghĩ ngợi vẫn vơ, thoáng một cái Trân đã về đến gần nhà. Khu phố vắng lặng, lác đác vài chiếc xe đậu bên đường. Những căn nhà im lìm chỉ thấp thoáng ánh đèn mờ, mọi người hình như đã ngủ yên. Trân đậu xe trên driveway, không muốn mở cửa garage vì sợ làm ồn đánh thức chồng con. Trân cẩn thận bước từng bước nhỏ vào nhà bằng cửa trước. Phòng khách tối, chỉ có ngọn đèn đêm từ một góc chiếu ánh sáng tù mù. Trân rón rén bưóc lên cầu thang, qua phòng cu Bình đẩy nhẹ cánh cửa nhìn đứa bé đang nằm xấp, nghiêng đầu, chổng mông lên cao. Trân mỉm cười đến gần, đứng lặng nhìn con một lúc rồi mới kéo chiếc chăn mỏng đắp cho con trước khi ra khỏi phòng.
Phòng ngủ của vợ chồng Trân cửa chỉ khép hờ, hắt ra ánh sáng mờ ảo. Trân chợt có ý nghịch ngợm, đưa tay tìm contact bật đèn để bất ngờ làm Chánh ngạc nhiên. Ngọn đèn sáng loà chiếu khắp phòng, chợt Trân sững người, đứng như trời trồng! Trên giường không phải chỉ có mình Chánh mà còn có một cô gái còn rất trẻ hầu như trần truồng. Ánh đèn làm cô ta choá mắt nên lồm cồm ngồi dậy, ngơ ngác nhìn Trân. Chánh cũng lật đật vơ vội tấm drap trải giường che vội thân thể. Cả ba người hầu như đều sững sờ, và không ai nói được lời nào. Cơn giận từ từ bốc lên khiến Trân hoa mắt muốn xỉu, cố gắng lắm mới ngồi xuống được chiếc ghế bành đặt trong góc phòng, đưa mắt nhìn cô gái, thở một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh, hất hàm nói với cô ta:
- Cô ra khỏi nhà tôi ngay.
Cô gái cúi xuống vơ đống quần áo bừa bãi, cái trên giường cái dưới sàn, chạy vội vào phòng tắm, trong lúc Trân cúi mặt nhìn hai bàn chân mình, cho đến khi nghe tiếng cửa mở và tiếng máy xe rú lên trong đêm vắng lặng mới ngửng lên nhìn Chánh bằng đôi mắt oán hờn. Từ lúc thức dậy Chánh vẫn ngồi yên trên giường, không nói một lời, mắt nhìn đâu đó như thể là không thấy Trân trong phòng. Lâu lắm hai người đều im lặng, chợt Trân thở dài giọng bình thản như là đang kể chuyện cho người quen:
- Anh nhớ không, cái hôm tôi đang làm việc ở Florida, nửa đêm bỗng dưng tôi gọi anh, nói với anh là tôi muốn gặp anh liền, và tôi đã mua vé máy bay để anh mang con từ California sang với tôi ngay ngày hôm sau. Anh hỏi tôi trong máy là “Bộ nhớ anh lắm sao”, tôi đã không trả lời, để mặc anh cười cợt vì tôi không thể nào nói được lý do tại sao tôi gọi anh sang. Hôm nay thì tôi nói được, và tôi sẽ nói cho anh nghe.
Chánh vẫn yên lăng không nói một lời. Trân nhìn đâu đó chứ không nhìn thẳng vào chồng:
- Tối hôm đó Jack mời tôi đi chơi. Anh đã gặp Jack, đã biết người đàn ông mắt xanh tóc vàng, VP của công ty tôi đến làm việc, và cũng là người có rất nhiều cảm tình với tôi. Vì xã giao, và vì tôi cũng rất mến anh ta nên tôi đã nhận lời. Chúng tôi đi ăn tối ở một nhà hàng sang trọng ngoài bãi biển. Rượu vang và nhạc nhẹ làm tâm hồn tôi lâng lâng, và Jack đã không nhắc nhở gì đến công việc, chỉ thủ thỉ kể cho tôi nghe về cuộc đời. Anh ta giầu lắm, có thể dùng phi cơ riêng bay sang Paris ăn tối ở một nhà hàng danh tiếng rồi bay về làm việc ngày hôm sau, thế nhưng luôn luôn đi xa vì công việc đã làm tan vỡ gia đình, anh ta và vợ đang trên đường chia tay. Tôi đã nắm nhẹ tay Jack khi thấy anh ấy buồn, và chúng tôi đã khiêu vũ với nhau mỗi lần ban nhạc chơi những bản dịu êm. Tôi đã lả người trong vòng tay Jack, và những đụng chạm của da thịt, nói anh đừng cười, khiến tôi đã ướt đẫm vì ham muốn. Thế nhưng tôi đã cố gượng, bỏ chạy thật nhanh vào khách sạn khi xe anh ấy đưa tôi về vừa ngừng trước cửa, sau khi nói một câu ngắn ngủi: “I’m so sorry”. Tôi gọi anh đêm đó, tôi muốn anh sang để tôi có thể giữ được mình, để giữ lấy gia đình mà tôi cố công gây dựng từ mấy năm nay, mặc dù như anh biết tôi chỉ cố gắng yêu anh thôi chứ chưa yêu anh như anh yêu tôi, không, không phải, như anh nói anh yêu tôi.
Trân ngừng lại để lấy hơi thở, trong lúc Chánh vẫn lặng câm. Trân hít vào một hơi dài:
- Bất ngờ về sớm một ngày nên bây giờ thì tôi biết những cố gắng của tôi đã không mang lại những điều mong muốn. Tôi … tôi …
Cuối cùng thì Trân cũng nghẹn lời, giọt nước mắt ứa ra lăn dài trên má trắng xanh. Lâu lắm Chánh mới ngửng đầu nhìn thẳng vào mắt Trân, miệng  nhếch lên với một nụ cười chua chát:
- Tôi biết em không bao giờ yêu tôi, và tôi …
Giọng Chánh bỗng dưng trở nên cay đắng:
- Tôi đã yêu em, thật sự yêu em, nên mới lấy em làm vợ mặc dù tôi biết là em vẫn còn yêu “thằng ấy” trước khi em nhận lời lấy tôi! Còn Jack, tôi chẳng biết gì về Jack cả, và tôi chưa bao giờ nghi ngờ em “có gì” với anh ta. Em đã nói với tôi về “buổi tối hôm ấy” thì tôi cũng thành thật với em về chuyện của tôi với Ly, cô gái em vừa gặp.
Ngừng một chút như đắn đo suy nghĩ về những gì sắp nói, Chánh thở dài:
- Những ngày em đi làm xa tôi rất cô đơn, và buồn chán vì thất nghiệp, nằm nhà trông con để vợ nuôi mình. Tôi đã dùng ma túy để tìm quên, và Ly là người cung cấp crack cho tôi. Buồn hơn nữa, mấy lúc sau này lần làm tình nào em cũng như cây gỗ, và có lần còn dục tôi “mau lên”! Tôi vừa đau vừa tủi mà không nói được nên lời. Ly đã cho tôi những gì em không dành cho tôi. Mỗi lần ngủ với cô ấy, thấy cô ấy quằn quại rên la, dù dưới ảnh hưởng của ma túy, tôi thấy tôi còn là đàn ông, và những lúc như thế tôi thực sự yêu thương cuộc đời. Em không yêu tôi, và có lẽ cũng chưa bao giờ hiểu tôi. Bây giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng, tùy em …
Đầu Chánh gục xuống tuởng chừng như đang mang một gánh nặng oằn người. Trân ngỡ ngàng, vừa buồn vừa đau nhưng cũng thấy rất rõ ràng là mình cần phải làm gì, nặng nề đứng lên:
- Thế cũng là xong. Được rồi, tôi cũng không muốn ở trong căn nhà đã dơ bẩn này. Tôi mang con về sống với bố mẹ, và sẽ nhờ luật sư lo thủ tục li dị.
Chánh chẳng buồn nhúc nhích, để mặc Trân lục tung closet, lấy quần áo vứt  vào valise, nhưng giật mình khi nghe tiếng cu Bình khóc thét vì bị mẹ đánh thức mang ra xe. Chánh muốn đứng lên nhìn theo con nhưng rồi chỉ chán nản nằm vật ra giường, nhắm mắt, lấy tay che kín hai tai, không muốn nghe, không muốn thấy những gì đang xảy ra cho đời mình.

*

Chú Tiểu lấy tay gõ nhẹ vào cánh cửa đã mở sẵn để gây sự chú ý của thày Huấn, nhưng hình như tâm trí thày đang để đâu đó nên chú phải gõ tới hai lần thày mới quay ra nhìn chú mỉm cười:
- Vào đây đi chú.
Chú Tiểu vẫn đứng yên ngoài cửa phòng:
- Thưa thày, có hai người muốn gặp thày.
Huấn ngạc nhiên:
- Thế hả? Ai vậy?
- Dạ, một đôi nam nữ. Họ nói là học trò cũ của thày.
Huấn như ngần ngại, nhưng cuối cùng nhẹ thở dài:
- Chú mời họ vào phòng khách. Tôi ra liền.
Huấn gập cuốn sách đang đọc dở, chậm rãi đi về phiá trai phòng của nhà chùa, mỉm cười khi thấy Tân và Thúy đứng lên đón mình. Thúy nhanh nhẩu cúi đầu cất tiếng chào trong lúc Tân lúng túng đứng bên, xoa hai bàn tay vào nhau:
- Thày ạ.
Huấn đưa tay mời hai người học trò cũ ngồi xuống cạnh chiếc bàn dài. Tân và Thúy mới từ VN sang được vài năm, lúc mới vào trường hãy còn khá bỡ ngỡ nên khi biết có giáo sư người Việt họ đã tìm đến chào hỏi và mong được Huấn hướng dẫn. Sau này cả Tân và Thúy đều theo học những lớp toán do Huấn giảng dạy nên tình thân giữa Huấn với họ trở nên rất đậm đà. Ngoài lớp học đôi khi Huấn cư xử như người bạn vong niên hơn là vị giáo sư nghiêm trang trong lớp nên cả Tân và Thúy đều coi Huấn như người thân.
Tân ngập ngừng mở lời:
- Lâu không thấy thày trên trường, chúng em tìm đến nhà cũ mới biết thày đã dọn đi. May gặp cô Nga bạn của thày ở phòng nhân viên trên trường, năn nỉ mãi cô ấy mới mới cho biết bây giờ thày ở đây nên tụi em tới thăm. Thày… thày vẫn khoẻ chứ ạ?
Huấn mỉm cười:
- Cám ơn hai em, tôi vẫn thường. Hai em lúc này học hành ra sao?
Thúy “dạ” nhỏ, trước khi trả lời:
- Chúng em vẫn tới trường đều đặn, còn hai quarters nữa mới ra trường.
- Mau nhỉ? Mới ngày nào!
- Vâng, mới ngày nào.
Ngập ngừng một chút trước khi Thúy nói tiếp:
- Thày … cô Nga nói thày thôi không dạy nữa, vào chùa đi tu, đúng không thày?
Huấn bật cười, nhưng giọng nói có vẻ buồn:
- Tôi không có duyên nên sư cụ không nhận cho làm đệ tử, chỉ cho phép làm cư sĩ, ở chùa làm công quả.
- Sao … sao vậy thày? Thày có chuyện gì buồn hay sao?
Huấn thở dài:
- Cũng có chuyện làm tôi bận tâm, nhưng thay đổi nếp sống để tìm cho mình sự thanh thản của tâm hồn là lý do chính, và hơn thế nữa …
Huấn ngập ngừng không nói tiếp. Tân từ nãy vẫn yên lặng, chợt chen vào:
- Thày biết là chúng em rất quí trọng thầy, và đồng thời còn coi thày như một người anh. Thày bỏ đi chúng em thật buồn. Chúng em không biết … không biết tại sao nữa.
Huấn cúi đầu nhìn hai bàn tay đặt trên bàn, im lặng khá lâu rồi mới ngẩng lên đưa mắt nhìn Tân và Thúy:
- Cho tôi hỏi hai em câu này. Hai em không phải chỉ là bạn, mà còn đang yêu nhau rất thiết tha, phải không?
Mặt Thúy chợt ửng hồng, trong lúc Tân mỉm cười rụt rè:
- Dạ. Chúng em … chúng em yêu nhau đã khá lâu.
Đôi mắt Huấn nhìn xa vắng:
- Ngày xưa … không, cũng chỉ mới vài năm trước đây thôi, tôi cũng có người yêu học cùng trường, cũng …
Để mặc Tân và Thúy im lặng chờ đợi, Huấn như đang tìm về dĩ vãng, hồi lâu mới nói tiếp:
- Thôi thì để tôi kể cho các em nghe chuyện của tôi, mong là các em sẽ học được một bài học, và sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm làm tôi ân hận suốt một đời.
Huấn hắng giọng muốn nói tiếp nhưng lúc đó chú Tiểu vừa bưng khay nước trà vào đặt trên bàn:
- Mời thày và … anh chị dùng trà.
Huấn gật đầu nói cám ơn, thoáng ngần ngừ nhưng rồi mỉm cười, chỉ chiếc ghế trống bên cạnh Tân:
- Chú ngồi xuống đó. Mấy lần chú hỏi tôi tại sao lại vào chùa làm cư sĩ nhưng tôi vẫn không nói, hôm nay nhân có Tân và Thúy, hai người tôi thương mến, cũng thắc mắc nên tôi muốn chia sẻ một chút tâm sự của mình. Chú nghe rồi đọc kinh sám hối cho tôi.
Chú Tiểu và cả Tân lẫn Thúy đều im lặng, mở to mắt nao nức đợi chờ trong lúc Huấn còn đang như tưởng nhớ một thời đã qua. Cuối cùng Huấn cũng bắt đầu.
Lúc đó tôi và Trân cùng theo học tại một trường đại học bên California. Chúng tôi là những người vượt biên tìm tự do, gia đình gặp phải những cảnh đoạn trường trên biển, đồng hoàn cảnh nên hiểu nhau và thương yêu nhau thiết tha. Chúng tôi nghèo lắm, tôi một thân một mình vì cha mẹ tôi bỏ mình trên biển, nhờ có basic grant và học bổng để đi học nhưng vẫn phải làm việc, ban đầu đi kèm trẻ sau chấm bài dùm (grader) mấy ông thầy, để kiếm thêm tiền chi tiêu. Trân cũng không khá gì hơn, nhà đông anh chị em, bố mẹ bắt đầu làm lại cuộc đời trên đất nước này, vất vả với nghề ráp nối trong mấy hãng điện tử, đủ sống là may. Có những ngày chúng tôi chỉ đủ tiền mua một ổ bánh mì, chia hai ăn chung với nhau trên bãi cỏ sân trường, thế nhưng chúng tôi rất yêu đời vì tương lai đang chờ đón chúng tôi. Lúc đó Trân đang theo học MBA và chuyên về kế toán, còn tôi đang chuẩn bị làm luận án ra trường, Ph. D. về Toán Thực Dụng (Applied Mathematics).
 
Ra trường Trân được KPMG trong vùng Silicon Valley nhận vào làm, còn tôi được về đây giảng dậy, ban đầu tại một đại học cộng đồng và sau đó là university, nơi tôi đã gặp các em. Chúng tôi tạm thời xa cách nhưng đều cố gắng chịu đựng, dành dụm tiền bạc để chờ ngày thuận tiện về sống bên nhau, chỉ lâu lâu bay sang gặp nhau một lần, và những lần như vậy chúng tôi đã sống với nhau như vợ chồng. Trân hoàn toàn tin yêu tôi, và tôi cũng thế, vì Trân là mối tình đầu.
 
Ông nội tôi vẫn còn sống ở VN, và một mùa hè sau bao nhiêu năm xa cách, tôi đã theo một người bạn về thăm nhà vì sợ rằng chẳng còn nhiều thời gian cho ông cháu gặp nhau. Ông tôi đã già lắm, sống một mình trong căn nhà từ đường cổ kính, nên một bà cô họ của tôi đã mướn một người tới trông nom. Đó là Tuyền, một cô gái trong làng còn trẻ, và đây là khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời. Một buổi chiều mưa tôi bị cảm lạnh, lên cơn sốt, cô ấy đã vào phòng cạo gió cho tôi. Bàn tay cô ấy mơn man trên tấm lưng trần, cổ áo rộng trễ xuống gần như phơi bày hết phần trên của cơ thể, tôi đã cầm lòng không được, và chuyện gì không nên xảy ra đã xảy ra.
 
Tôi xấu hổ với chính mình, mặc dù cô ấy im lặng không phiền trách tôi lấy một lời. Tôi bỏ về Mỹ sớm hơn dự định, nói dối Trân là tại tôi nhớ Trân, và trong niềm ăn năn tôi dục dã Trân mau làm đám cưới để chúng tôi không bao giờ xa cách nhau. Đám cưới chưa xảy ra thì tôi được ông nội báo tin là Tuyền đã có thai với tôi, và muốn tôi về VN cưới cô ta làm vợ, đừng để cho ông tôi chết không nhắm mắt vì nhục nhã vì có đứa cháu hư đốn. Tôi như người mất hồn, nhưng nghĩ đến giọt máu của mình, nghĩ tới trách nhiệm và danh dự gia đinh tôi cắn răng nghe lời ông, trở về VN làm đám cưới với Tuyền.
 
Tôi đau khổ, nhưng người đau khổ hơn tôi là Trân. Không chỉ đau khổ mà còn thù hận, mặc cho tôi phân trần, xin lỗi thiếu điều qùy xuống lạy lục. Trong một lúc thiếu suy nghỉ chín chắn Trân đã nhận lời lấy một người con trai kém hơn Trân về mọi phương diện do gia đinh mai mối, như một cách trả thù và coi khinh những người “trí thức” như tôi.
 
Tôi cố quên niềm đau, nghĩ tới bổn phận nên cũng về VN đón vợ và con sang Mỹ sống, và tưởng là thời gian rồi cũng sẽ xoa dịu vết thương lòng. Thời gian đã không giúp tôi quên được Trân trái lại còn mang thêm buồn phiền. Tuyền không quen với đời sống trên đất nước này, trở ngại với ngôn ngữ, không có thân nhân, không bạn bè cùng trang lứa và trình độ, nên trở nên trầm cảm, cuối cùng nhất định mang con trở về VN, mặc cho tôi ngăn cản và cầu xin.
 
Tình yêu không còn, bị người mình yêu thương thù ghét, gia đinh lại tan vỡ, tôi như con thuyền trôi dạt trong cơn sóng gió ngoài biển khơi, không biết bám víu vào đâu, đã đôi lần nghĩ tới cái chết để đền tội đã làm cho khổ người và khổ mình. Trong cơn tuyệt vọng, tôi đã gặp được sư cụ, xin với người cho tôi vào chùa để sám hối, nhưng người biết tôi còn nặng nợ trần gian nên không thí phát, chỉ nhận tôi làm cư sĩ, nghiên cứu về phật pháp, và cũng để giúp tâm hồn tôi tìm được sự bình an.” Mới đây qua Nga, người bạn chung của tôi và Trân, tôi được biết tin là gia đinh Trân cũng vừa tan vỡ. Niềm đau càng đau hơn, tôi viết thư cho Trân qua địa chỉ của bố mẹ cô ấy, muốn an ủi Trân thôi, thế nhưng Trân đã không buồn trả lời.
 
Huấn ngừng nói, bàn tay run run nâng tách nước trà đã nguôi lên môi. Tân và Thúy đều thẫn thờ, không ngờ người thày mà mình kính trọng lại gặp nhiều nỗi đau như vậy trong đời. Chú Tiểu hình như chưa hết tò mò, lăp bắp định hỏi gì đó nhưng rồi chỉ đỏ mặt ngồi yên. Huấn lắc đầu như xua đuổi những ám ảnh, nhìn Tân và Thúy thiết tha:
- Các em đã biết vì sao tôi vào đây sám hối. Các em đừng bao giờ mắc lỗi lầm như tôi, đừng bao giờ để vuột mất cái hạnh phúc mình đang có, nhớ nghe!
Tân ngại ngùng mở lời:
- Cám ơn thày đã cho chúng em những lời khuyên. Chúng em vẫn mong một ngày nào đó thày sẽ trở lại trường, và xin phép thày cho chúng em thỉnh thoảng ghé thăm thày ở đây.
Huấn cười buồn:
- Còn nhiều việc cho tôi làm ở chùa, có lẽ là cho đến hết cuộc đời này. Một lần nữa cám ơn các em đã đến thăm, và nhất là đã nghe tôi bộc lộ tâm tình. Gần ra trường rồi, nhớ chịu khó học, có gì cần hỏi cứ đến tìm tôi.
Huấn đứng dậy, mọi người cũng đứng lên theo. Thúy vẫn còn nét buồn trên mặt, cúi đầu cám ơn thêm một lần nữa và chào thày Huấn xin phép ra về. Chú Tiểu nhanh nhẹn dẫn lối tiễn đưa trong lúc Huấn mỉm cười đưa tay vẫy chào, đứng nhìn theo bóng dáng hai người học trò cũ thân yêu.
Trước cổng chùa chú Tiểu vẫn chưa muốn chia tay, e dè hỏi thăm:
- Hai người, à hai anh chị ở gần đây không?
Tân nhanh nhẹn trả lời:
- Dạ cũng khá xa, chúng tôi vẫn ở trong dorm của nhà trường.
- Dorm?
- Dormitory. Ký túc xá cho sinh viên đó mà.
Chú Tiểu ngần ngừ hỏi tiếp:
- Thế khi lên đại học những người … như tôi có được phép ở trong đó không?
Thúy bật cười:
- Được chứ, nhưng … còn tùy sư cụ có cho phép chú hay không.
Chú Tiểu ngẩn người đứng nhìn đôi thanh niên nam nữ vừa vẫy tay chào đi ra chỗ đậu xe,  thẫn thờ nghĩ thầm: “Chỗ đó chắc là rất vui … nhất là khi có …”. Chú lắc mạnh đầu xua đuổi ý nghĩ vừa có trong đầu, chậm rãi trở vào chùa nhưng thỉnh thoảng vẫn ngoái nhìn ra bãi đậu xe.

*

“Em yêu,
 
Xin em cho anh được gọi “em yêu” thêm một lần dù biết rằng em không còn yêu anh nữa, và  mỗi chúng ta  đã có một cuộc đời riêng. Anh cũng sẽ không khơi lại đống tro tàn, vì anh biết chuyện cũ chỉ làm em thêm đau khổ và khiến anh thêm xót xa cho phận người.
 
Qua Nga anh mới biết là em lại gặp thêm một bất hạnh của cuộc đời nên gửi em đôi dòng thăm hỏi, mong là an ủi em được phần nào vì em biết là dù chia cách, dù đớn đau, anh vẫn chưa bao giờ hết yêu em.
 
Anh cũng biết là em và Chánh đang tranh chấp tài sản và quyền nuôi con. Anh nghĩ là em sẽ được giữ cu Bình toàn thời vì Chánh đã sa vào vòng ma túy nên toà sẽ không bao giờ giao đứa trẻ cho một người cha như vậy. Anh biết chỉ là vấn đề thời gian, và tốn kém tiền bạc cho luật sư,  trước khi toà quyết định. Anh cũng biết là em đã bỏ việc cũ, tạm thời nhận một chức vụ văn phòng không tương xứng với khả năng tại thành phố nơi bố mẹ em cư ngụ, và con trai em được ông bà trông nom những lúc em tới sở làm.
 
Em cũng biết là anh bây giờ vào chùa làm công quả và sám hối tôi lỗi của mình, cái tội đã làm tan vỡ hạnh phúc của bao nhiêu người và của chính mình. Trong những năm dậy học anh dành dụm được khá nhiều, và cuộc sống trong chùa hầu như không có gì tốn kém, xin em hãy cho anh chuộc một phần nào lỗi lầm ngày xưa, để cho anh góp phần trả tiền luật sư phí thay em. Chỉ là tấm lòng thành chứ anh không hề có ý mua chộc tình cảm vì anh biết nếu không còn thù ghét anh thì em cũng chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tắm hai lần ở một dòng sông.
 
Mấy hôm nay trời ở đây trở lạnh, rừng cây bên đường lá đã thay mầu nên anh không thể nào không nhớ tới mùa thu dịu êm của chúng mình ngày xưa. Nhưng thôi, anh đã hứa là không khơi lại đống tro tàn, chỉ mong em đầy đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn lúc này. 
 
Mong tin em, và cho anh gửi lời kính thăm ba mẹ.
 
Người đã lỡ lầm đánh mất em.
 
Huấn.”
Trân gấp lá thư nghĩ thầm: “Dù mai có chết đói tôi cũng không nhận một đồng của anh.” Toan xé nhỏ lá thư nhưng rồi bỗng dưng Trân ngần ngại, nhẹ thở dài, cất lá thư vào trong ví mà không biết để làm gì.
Có tiếng chuông điện thoại reo. Trân nhắc máy:
- Hello.
- …
- Oh, Hi Jack. I’m fine.
- …
- You’re in New York City now?
- …
Trân cười lớn với câu bông đùa của Jack, nói thêm vài lời mưa nắng vẩn vơ trước khi gác máy, nhìn cu Bình đang ngủ trong nôi, khẽ nói thầm: “Not now. Bây giờ mẹ chỉ cần có con”.
Một cơn gió nhẹ lùa qua cửa sổ, Trân rùng mình vòng tay ôm bờ vai. Muà thu đã về, và Trân chợt bùi ngùi nhớ một mùa thu xưa.
Trần Quang Thiệu
March 10, 2014

Xem Tiếp: ----