Dịch giả: Trần Đan Hà

Nguyên tác: The Sheltered Woman (The New Yorker, March 10/2014)

     ời người dịch:
Lý Y Vân là một cây bút người Mỹ gốc Hoa, sinh năm 1972 ở Bắc Kinh, và sang Mỹ sau khi tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh năm 1996.
Cô hiện đang sống ở California với chồng và hai con, và giảng dạy tại ĐH University of California Davis. Các giải thưởng chính: giải truyện ngắn quốc tế Frank O’Connor 2005, GT Văn bút Hemingway 2006, Giải Top 20 nhà văn trẻ dưới 40 của tạp chí The New Yorker 2010...
Truyện ngắn “The Sheltered Woman” là truyện ngắn mới nhất của cô, vừa được đăng trên số tháng 03/2014, tạp chí The New Yorker.
Qua chuyện kể của nhân vật chính-một người phụ nữ làm nghề chăm giữ em bé và bà mẹ trong tháng đầu sau khi sinh-những phận người giữa các thế hệ, giữa hai nền văn hóa Mỹ-Hoa được thể hiện nhẹ nhàng nhưng không kém phần sắc sảo và lôi cuốn.
*  *  *  *  *
Người mẹ mới sinh ngồi ở bàn, có vẻ còn ngái ngủ sau giấc ngủ trưa và chừng như không hiểu tại sao mình đã khóc nức nở. Mà chắc cổ cũng chả bao giờ hiểu cả, dì Mai nghĩ bụng. Trước mặt cô là tô đậu hầm chân giò mà dì Mai mới nấu, là món mà dì đã từng nấu cho nhiều bà mẹ khác trước bà mẹ này.  Nói là nhiều là chưa chính xác. Mỗi khi được phỏng vấn để vào làm cho nhà người ta, dì luôn có một con số chính xác về các gia đình mà dì đã từng đến làm việc: lúc gặp người chủ mới này là dì đã làm cho một trăm hai mươi sáu nhà rồi, một trăm hai mươi sáu nhà với một trăm ba mươi mốt em bé. Những thông tin để liên lạc của các gia đình này, số ngày và thời gian dì làm việc cho họ, tên và ngày sinh của mấy đứa bé… thảy dì đều biên lại trong một cuốn số nhỏ bằng bàn tay, cũ tới mức đã bị rách ra làm hai và đã được bấm lại với nhau hai lần. Dì đã mua nó nhiều năm trước đây, ở một chỗ bán đồ “garage sale” ở Moline, Ilinois. Dì thấy thích hình mấy cái bông hoa trên trang bìa, màu tím và vàng, với những bông tuyết chưa tan còn đọng trên cánh. Dì cũng chịu cái giá của cuốn sổ nữa: chỉ có năm xu. Lúc đưa đồng mười xu cho thằng nhỏ đang ngồi ôm cái hộp đựng tiền, dì đã hỏi nó còn cuốn sổ nào nữa không thì dì mua luôn, để nó khỏi phải thối lại năm xu; thằng nhỏ ngơ ngác một lúc rồi nói không có. Thực ra cũng vì tham rẻ mà dì hỏi vậy thôi, chứ sau này mỗi khi nhớ lại-điều này thường xảy ra khi dì cần lấy cuốn sổ ra khỏi túi xách để phỏng vấn-thì dì Mai đều thấy mắc cười với chính mình: cớ chi phải cần tới hai cuốn, trong khi dì đâu có sống lâu tới mức điền được hết một cuốn?
Người mẹ trẻ vẫn ngồi bất động, không buồn động tới cái muỗng, cho tới khi nước mắt bắt đầu rơi lã chã vào tô đậu hầm đang bốc khói.
“Nè, nè.” Dì Mai nói. Dì đang nhún đẩy mình và đứa bé trong cái ghế ngựa mới mua-tới, lui, tới, lui, tiếng kẽo kẹt nghe đỡ hơn hôm qua. Ta tự hỏi ai đang vui hưởng cái thú nhún đẩy này hơn-là cái ghế, mà công việc của nó vốn dĩ là phải nhún đẩy hoài cho tới lúc bị gãy lìa; hay là chính ta-là kẻ  mà cuộc đời cứ bị nhún đẩy tơi bời? Và ai trong hai ta sẽ đến được cái giây phút cuối cùng của cuộc đời mình trước? Đã từ lâu Dì Mai phải chấp nhận rằng mình, dù chỉ là với ý tốt, phải biết tự nói với chính mình khi thế giới không còn muốn lắng nghe mình nữa. Ít nhất dì cũng biết cách kềm giữ để cho không lời nói nào được thốt ra.
“Tui hổng thích cái món canh này,” người mẹ nói. Cô ta chắc chắn phải có tên tiếng Hoa nhưng cứ thích bắt dì phải kêu bằng Chanel. Tuy vậy dì Mai cũng cứ kêu mọi bà mẹ mà dì tới làm việc là Mẹ Bé, và dì sẽ gọi mọi em bé là Bé. Và cứ đơn giản vậy thôi, cứ hết nhóm khách hàng này đếnnhóm khách hàng khác.
“Món canh đó không phải là thứ để cô thích hay không thích,” dì Mai nói. Món canh đã được hầm suốt buổi sáng, giờ đây nó đặc sệt. Bản thân dì cũng chả bao giờ động đũa, nhưng nó là món ăn tốt nhứt cho mọi bà mẹ cho con bú. “Cô ăn nó là để cho em bé.”
“Sao tôi lại phải ăn cho nó?” Chanel hỏi lại. Cô rất gầy, dù chỉ mới sinh được năm ngày.
“Tại sao hả,” dì Mai cười, “Vậy chớ cô nghĩ sữa của cô do đâu mà có?”
“Tôi không phải là bò sữa.”
Ta thà thấy ngươi là con bò sữa còn hơn, dì Mai nghĩ thầm. Nhưng dì cũng chả buồn dọa là sẽ có thể phải dùng sữa bột. Dì chả bận tâm gì chuyện đó, nhưng người ta thuê dì là để dì chăm sóc em bé và người mẹ cho bé bú.
Người mẹ trẻ bắt đầu nức nở khóc. Thiệt tình, dì Mai nghĩ, mình chưa từng gặp một ai mà không thích hợp để làm mẹ như cái con nhỏ này.
“Tôi nghĩ chắc tôi bị trầm cảm hậu sản,” Chanel nói khi nước mắt bắt đầu ngưng rơi.
Người mẹ trẻ đã tìm được những từ ngữ kêu rổn rảng như vậy đó.
“Bà cố của tôi đã thắt cổ tự vẫn lúc ông ngoại mới 3 ngày tuổi. Người ta nói bà đã bị ma ám, nhưng tôi thì tin là bà đã bị như tôi đang bị.” Dùng chiếc iPhone làm gương soi, cô lấy ngón tay ấn nhẹ lên đôi mí mắt sưng húp. “Bà đã bị trầm cảm hậu sản”.
Dì Mai ngưng nhún đẩy chiếc ghế và ôm xiết đứa bé vào lòng hơn. Có lúc đầu nó tì vào ngực dì. “Đừng có nói tầm xàm,” dì nghiêm khắc nói.
“Tôi chỉ đang giải thích trầm cảm hậu sản là gì thôi mà.”
“Vấn đề của cô là cô không chịu ăn. Không ai vui nổi nếu như trong tình cảnh như vậy.”
“Không có ai,” Chanel u uất nói, “có thể hiểu được tình cảnh của tôi cả. Bà biết hồi tối tôi nằm mơ thấy gì không?”
“Không.”
“Đoán thử đi.”
“Ở làng tôi người ta nói đi đoán mộng của người khác là xui xẻo lắm,” dì Mai nói. Chỉ có ma quỷ mới tự do đi ra đi vô đầu óc của con người.
“Tôi nằm mơ thấy mình xả nước cuốn thằng nhỏ trong bồn cầu.”
“Ôi trời đất ơi, tôi không tài nào đoán như vậy nổi nếu như tôi thử đoán.”
“Vấn đề là ở chỗ đó. Không có ai hiểu được tôi đang cảm giác những gì,” Chanel nói, và lại bắt đầu khóc.
Dì Mai hửi hửi cái mền quấn thằng bé, chẳng buồn chú ý tới những giọt nước mắt mới rơi. “Bé cần được thay tã,” dì tuyên bố, biết thừa là, nếu có đủ thời gian thì Chanel sẽ chịu quy phục: một người mẹ là một người mẹ, ngay cả người mẹ đó đã có lúc nói về chuyện xả nước bồn cầu cuốn con mình đi.

*

Dì Mai đã làm công việc đến nhà người ta chăm sóc em bé sơ sinh và bà mẹ được mười một năm rồi. Đã thành lệ, dì luôn dọn đồ ra khỏi nhà khách hàng một ngày trước khi đứa bé tròn một tháng tuổi, trừ khi-mà điều này cũng hiếm khi xảy ra-dì đang làm dở dang chỗ làm đó, nhưng dù có dở dang thì  cũng chỉ thêm vài ngày là cùng. Có nhiều nhà sẵn sàng trả thêm để dì ở lại thêm một tuần, hay một tháng nữa; thậm chí có khi người ta còn đề nghị dì ở lại làm luôn, nhưng dì luôn luôn từ chối: cái công việc dì đang làm là giữ trẻ sơ sinh không lớn hơn một tháng tuổi, với nhiệm vụ chính là để chăm sóc cho em bé và người mẹ còn trong tháng, thì rất khác với công việc của một người giữ trẻ bình thường. Thỉnh thoảng dì được người chủ cũ tới kiếm để nhờ chăm sóc đứa bé thứ nhì mới chào đời. Ý nghĩ phải đối mặt với một đứa nhỏ đã từng là bé sơ sinh trong tay mình khiến dì mất ngủ; dì chỉ đồng ý khi không có chỗ nào khác kêu làm, và dì đối xử với đứa bé lớn hơn như thể nó chỉ là không khí.
Giữa những tiếng nấc, Chanel nói cô không hiểu tại sao chồng cô không xin nghỉ vài ngày. Ông mới ra đi ngày hôm trước vì công việc. “Ổng có quyền gì mà bỏ tôi một mình với đứa nhỏ như vầy chớ?”
Một mình ư? Dì Mai nhíu mắt nhìn vào đôi lông mày của em bé, chúng giao nhau tới nỗi vùng da ở giữa có màu phớt vàng. Ông già con đang làm việc vất vả để cho mẹ con được ở nhà và coi ta như không có. Năm con rắn, không tốt để có con, nên dì cũng không có nhiều việc làm mấy, chứ nếu không thì dì đã có nhiều lựa chọn hơn. Ngay bữa đầu mới gặp dì đã có cảm giác không thích cặp vợ chồng này; cả hai người đều có vẻ lơ đãng và không hỏi gì nhiều trước khi nhận dì vào làm. Họ đang giao con cho một người lạ, dì Mai những muốn cảnh báo họ, nhưng xem ra chẳng ai trong hai người lo lắng gì. Có lẽ họ đã lấy đủ thông tin tham chiếu từ những người chủ trước chăng? Dì Mai thực sự được tiếng tốt là một người giữ trẻ có mề đai vàng.  Những người mướn dì thường là những người may mắn, có học thức ở Trung Hoa, rồi sau đó là ở Mỹ, và đều trở thành chuyên viên trong vùng vịnh này: họ là luật sư, bác sĩ, kỹ sư, …-và dù gì thì họ cũng vẫn cần một người giữ trẻ biết nói tiếng Hoa cho đứa con sinh ra ở Mỹ của mình. Nhiều gia đình đã hẹn dì nhiều tháng trước khi đứa bé chào đời.
Em bé, giờ đã được sạch sẽ và quấn tã kỹ càng, có vẻ dễ chịu, vì thế dì Mai đặt nó lên chiếc bàn thay đồ và nhìn ngắm ra ngoài cửa sổ một lúc để thưởng thức, như dì vẫn thường làm, cái cảnh đẹp không thuộc về mình. Giữa bụi hoa đỗ quyên và lối đi lót bằng đá phiến là một hồ nước nhân tạo, có cá vàng và những khóm hoa súng. Trước khi ra đi ông chủ đã dặn dì Mai cho cá ăn và châm nước thêm vô hồ. Một ngàn tám trăm gallon nước một năm, ông báo cho Dì biết, kèm theo chi phí. Đáng lẽ dì đã từ chối cái nhiệm vụ làm thêm này nếu như ông ta không hứa trả thêm hai mươi đồng mỗi ngày.
Trong hồ có một cái tượng con cò, đứng trên một chân, cần cổ nó vươn cao như hình một dấu chấm hỏi. Dì Mai nghĩ tới người đàn ông nào đã làm ra cái tượng này. Dĩ nhiên, nó có thể là một người đàn bà, nhưng dì Mai không muốn công nhận khả năng đó. Dì thích nghĩ rằng chỉ đàn ông mới làm ra những thứ xinh đẹp mà vô dụng như con cò này. Hãy để anh ta được yên thân, ở bên ngoài tầm với của bất cứ một người đàn bà hung ác nào.
Em bé bắt đầu ngọ nguậy. Nè đừng có đòi hỏi gì khi mẹ con chưa ăn xong tô canh đó nghe, dì Mai khẽ cảnh báo nó. Con cò giật mình, cất cánh bay lên, thong thả mà điệu nghệ; tiếng quác duy nhất của nó làm dì ngạc nhiên, rồi bật cười. Chắc chắn là ngươi đang già đi và trở nên lãng trí: hôm qua ở đó làm gì có cái tượng nào! Dì Mai nhấc em bé lên và đi ra sân. Giờ thì dì thấy có ít cá vàng lắm, ít nhất cũng có vài con thoát được sự săn đuổi của con cò. Mọi thứ đều vậy cả thôi, chắc dì sẽ phải nói với Chanel về sự mất mát. Cô cho là cô có vấn đề vì chứng trầm cảm hậu sản ư? Hãy nghĩ về mấy con cá vàng, mới hôm trước còn đang sống trong một cái hồ đẹp như trên tiên cảnh, và rồi qua hôm sau đã phải đi chầu trời trong bụng một con cò.

*

Trong công việc của mình, dì Mai tin chắc chắn vào những luật lệ khắt khe đối với mọi em bé và bà mẹ mà mình đang chăm sóc. Trong tuần lễ đầu tiên, dì sẽ cho người mẹ ăn sáu bữa một ngày, xen kẽ với ba lần ăn nhẹ; tuần lễ thứ nhì trở đi sẽ là bốn bữa chính và hai bữa phụ. Em bé thì được cho ăn mỗi hai tiếng đồng hồ một lần lúc ban ngày, và mỗi ba hay bốn tiếng vào ban đêm. Dì để cho cha mẹ đứa bé quyết định xem nên đặt chiếc nôi em bé trong phòng trẻ hay trong phòng họ, nhưng không bao giờ dì chịu để trong phòng dì. Không, hoàn toàn không phải vì dì sợ sự tiện nghi của dì bị ảnh hưởng, dì giải thích với họ; nhưng không có lý do gì lại để cho em bé gần gũi với một người chỉ lưu lại đó có một tháng.
“Nhưng mà không thể ăn nhiều quá như vậy nổi. Người ta mỗi người một khác chứ,” hôm sau Chanel nói. Lúc này đã bớt khóc nhiều rồi, cô ta nằm cuộn tròn trên chiếc sofa, với hai miếng dán nhiệt đắp trên hai bên bầu vú: dì Mai không thấy hài lòng với lượng sữa tiết ra từ người mẹ trẻ.
Cô có thể làm khác đi khi ta đã đi khỏi, dì Mai nghĩ trong bụng khi đang tắm em bé; con trai của cô có thể lớn lên thành một trái mướp móp xọp, và ta cũng chẳng may may bận tâm. Nhưng giờ đây thì không một người mẹ hay em bé nào có thể làm lơ nguyên tắc như vậy được. Cái lý do khiến người ta mướn một người giữ trẻ trong tháng đầu là để bảo đảm cho mọi thứ được làm đúng, chứ không phải để làm khác.
“Vậy chớ bà có theo đúng mấy cái luật lệ đó hồi bà có con không? Tôi cá là bà đã không theo đâu.”
“Thực sự là tôi không theo đúng những luật đó, chỉ bởi vì tôi không hề có con.”
“Ngay cả một đứa cũng không có à?”
“Cô đâu có hề xác định là người giữ trẻ phải có con đâu.”
“Nhưng như vậy thì sao bà lại… Sao bà chọn làm nghề này?”
Tại sao ư. “Có khi công việc nó chọn cô,” dì Mai trả lời. A, ai nào biết được là dì có thể cũng rất sâu sắc?
“Vậy chắc bà phải thương con nít lắm hả?”
Ồ, không, không có đâu, không phải là thương đứa này hay đứa kia; chẳng thương đứa nào hết. “Vậy ông thợ xây ổng có yêu mấy cục gạch không?” dì Mai hỏi ngược lại. “Cái ông thợ sửa máy rửa chén có yêu mấy cái máy đó không?” Bữa sáng hôm đó có một người đàn ông tới nhà Chanel để xem cái máy rửa chén bị hư. Anh ta làm trong vòng hai mươi phút, mà tính tiền cả trăm đồng, bằng cả ngày làm việc của dì Mai.
“Dì nè, tranh luận kiểu đó là không hay đâu.”
“Cái việc tôi đang làm không đòi hỏi phải biết tranh cãi. Nếu tôi mà biết tranh cãi thì tôi hẳn phải thành luật sư, như chồng cô rồi, phải không nà?”
Chanel cười ngặt nghẽo. Mặc dù đã tự chẩn đoán mình là bị chứng trầm cảm sau sinh, nhưng cô vẫn thấy vui khi nói chuyện với dì Mai hơn là với mấy bà mẹ khác, họ chỉ toàn nói về con của họ và về việc họ cho em bé bú như thế nào, chứ chả mấy khi tỏ vẻ thích thú quan tâm gì tới bản thân cô.
Dì Mai đặt em bé lên sofa kế bên Chanel, vốn đang có vẻ không muốn nhích ra chừa chỗ. “Rồi bây giờ để coi cái vụ sữa này nghe,” dì Mai vừa nói vừa chà xát hai tay vào với nhau cho chúng ấm lên, trước khi lột hai miếng cao dán ra. Chanel khóc ầm lên vì đau.
“Tôi thậm chí còn chưa kịp động tới người cô mà.”
Nhìn mắt cô kìa, dì Mai nghĩ. Ngay cả ông thợ ống nước giỏi nhất cũng không sửa được cái chỗ rò nước đó.
“Tôi không muốn nuôi cái thứ này chút nào nữa.”
Cái thứ này? “Nó là con trai cô.”
“Nó cũng là con trai của ba nó nữa. Sao ổng không ở đây phụ tôi chớ?”
“Đàn ông không làm ra sữa.”
Chanel cười, dù mặt vẫn đầm đìa nước mắt. “Không, cái thứ duy nhất họ có thể làm ra được là tiền.”
“Cô may mắn kiếm được người làm ra nhiều tiền. Đâu phải ai cũng được vậy đâu, cô biết mà.”
Chanel cẩn thận lau nước mắt bằng ống tay áo pyjama. “Dì nè, dì có chồng không vậy?”
“Đã từng có,” dì Mai đáp.
“Vậy chuyện gì xảy ra? Dì ly dị ổng hả?”
“Ổng chết rồi,” dì Mai nói. Dì đã từng, trong từng ngày lúc sống với chồng, luôn ước rằng ông ta đừng phải là một phần của đời mình, mặc dù thái độ đối xử của dì không hẳn là như vậy. Giờ đây, sau nhiều năm đã qua, dì vẫn còn có cảm giác trách nhiệm về cái chết của ông, như thể là chính dì, chứ không phải là cái đám thanh niên ấy, đã bức hại ông để lấy tiền. Sao ông không đưa tiền cho tụi nó? Đôi khi, dì mỉa mai ông, khi dì đã thấy chán vì cứ phải nói chuyện với chính mình. Ba mươi lăm đồng cho một mạng người, thiếu ba tháng nữa là được năm mươi hai tuổi.
“Ổng có lớn tuổi hơn dì nhiều không?”
“Có lớn hơn, nhưng không nhiều lắm.”
“Chồng tôi lớn hơn tôi hai mươi tám tuổi,” Chanel nói. “Tôi cá là dì chẳng hề đoán được điều này.”
“Ừ, tôi không đoán được.”
“Cái đó là do tôi coi già hay vì ổng coi trẻ?”
“Hai người coi đẹp đôi lắm.”
“Cũng vậy thôi, hẳn là ổng sẽ chết trước tôi. Đàn bà thường thọ hơn đàn ông nữa.”
Vậy đó, ngươi, ngươi cũng mong sớm được giải thoát. Ta nói cho ngươi biết, thật là tệ hại nếu như một ước muốn như vậy không thành sự thật, nhưng nếu nó có xảy ra thì đó là lúc ngươi thấy rằng sống ở trên đời là một điều thất vọng lớn lao; thế giới này không hề là nơi sáng sủa gì để mà khởi đầu, nhưng một ước muốn vô lý được nuôi dưỡng một cách vô lý sẽ càng làm cho cuộc đời thêm u ám. “Đừng có nói tầm xàm.”
“Tôi chỉ muốn nói lên sự thật thôi mà. Vậy thì tại sao ông chồng bà chết? Bị nhồi máu cơ tim hả?”
“Nói vậy cũng được,” dì Mai đáp, và trước khi Chanel kịp hỏi thêm thì dì đã nhanh tay chộp lấy một bên vú của cô. Chanel thở mạnh và rồi hét lên. Dì Mai không chịu buông tay ra cho tới khi dì đã xoa bóp lên đó thật mạnh. Khi dì chuyển sang cái bầu vú thứ nhì thì Chanel hét càng lớn hơn nữa, nhưng vẫn không thay đổi tư thế, có lẽ do sợ đè phải em bé.
Sau đó dì Mai đem tới một khăn ấm. “Đi đi cho khuất mắt tôi,” Chanel nói, “Tôi không cần bà nữa.”
“Nhưng vậy thì ai sẽ chăm sóc cô?”
“Tôi không cần ai chăm sóc tôi hết,” Chanel đứng dậy, thắt lại dây áo.
“Rồi còn em bé thì sao?”
“Số nó xui thì ráng chịu.”
Chanel bước lên cầu thang, lưng ngay đơ một cách bướng bỉnh. Dì Mai bồng em bé lên, nó nhẹ hẫng y như tất cả các cảm xúc lúc đó-nỗi buồn, sự giận dữ, hay lo âu-mà đáng lẽ dì có thể cảm được thay cho nó. Thay vì vậy dì lại cảm thấy kinh sợ người thiếu phụ trẻ. Dì tự nhủ, đó là cách mà một người mẹ bỏ rơi con mình.

*

Em bé, hôm đó mới được 6 ngày tuổi, đã phải bú bình thay vì bú mẹ. Giờ đây dì Mai là người duy nhất chu cấp thức ăn và sự chăm sóc cho bé, và-dì thực sự không muốn thừa nhận điều này-cả tình yêu thương. Chanel ở lì trên lầu coi phim Tàu suốt cả buổi trưa. Có một lần cô đi xuống để uống nước, và đã nói với dì Mai như thể người đàn bà lớn tuổi và đứa bé sơ sinh là những quan hệ khốn khổ: có họ ở trong nhà là một điều bất tiện, và thật may mắn là họ không cần giải trí.
Đến chiều thì người sửa máy rửa chén trở lại. Ông ta nhắc dì Mai là ông tên Paul. Cứ làm như là dì đã già tới nỗi có thể quên chỉ trong vòng một ngày, dì nghĩ bụng. Sáng hôm đó dì đã kể chuyện con cò-kẻ-cắp với ông ta, và ông đã hứa sẽ trở lại để xử chuyện đó.
“Coi chừng đừng có làm cho con cò bị chết nghe,” dì Mai nói khi đang đứng ngó ông Paul giăng dây kẽm gai xung quang hồ nước.
“Bà thử coi,” Paul nói, tay bật công tắc.
Dì Mai đặt bàn tay lên những vòng kẽm gai, “tôi chẳng cảm thấy gì hết trơn.”
“Vậy là tốt. Nếu bà có cảm thấy gì đó thì tức là tôi làm cho sinh mạng của bà gặp nguy hiểm, và bà có thể kiện tôi.”
“Nhưng như vậy thì làm sao có hiệu quả được?”
“Cứ hy vọng là con cò nó nhạy cảm hơn mình. Nhớ kêu điện thoại cho tôi nếu không ăn nhằm gì. Tôi không tính thêm tiền đâu.”
Dì Mai cảm thấy nghi ngờ lắm, nhưng sự thắc mắc câm lặng của dì không hề ngăn ông ta tự thán phục cái óc sáng tạo của mình. Ông ta nói, đối với người biết suy nghĩ thì không có gì là khó cả. Lúc ông thu dọn đồ nghề thì dì Mai có thể nhận ra là ông ta không hề vội về chút nào. Ông kể với dì Mai là, ông sinh ra ở Việt Nam và đến Mỹ hồi ba mươi bảy năm về trước. Vợ chết, ông có ba đứa con thảy đều trưởng thành, nhưng chẳng đứa nào cho ông nổi một đứa cháu, hay ít nhất cũng là cho ông cái hy vọng có được một đứa cháu. Hai người em gái của ông, cả hai đều sống ở New York, đều đã qua mặt ông trong chuyện có cháu.
Cũng cùng câu chuyện na ná nhau: họ phải đến từ một nơi nào đó, và họ phải luôn có những người nào đó để quây quần cùng nhau. Dì Mai có thể nhìn ra cái điều không được thổ lộ trong cuộc đời của Paul: ông ta cứ làm việc như thế mãi cho tới lúc quá già không thể làm gì được nữa, thì đàn con của ông sẽ đưa ông vào một chỗ nào đó, rồi chúng sẽ tới thăm ông vào ngày sinh nhật và những dịp lễ tết. Dì Mai, bản thân là người không có dây mơ ràng buộc gì với ai, cảm thấy mình hơn hẳn ông. Dì giơ nắm tay bé xíu của em bé lên nói lúc Paul rời khỏi căn nhà: “Bái-bai ông ngoại đi con!”
Dì Mai quay trở vào và ngước nhìn lên. Chanel đang tì người vào ô cửa sổ trên lầu hai, chỗ phòng cô, ngó xuống. “Bộ ổng định gài cho mấy con cò bị điện giựt hả?” cô hỏi gióng xuống.
“Ổng nói nó chỉ làm tê chút đỉnh thôi. Chỉ là để dạy con cò đó một bài học.”
“Dì biết con người ta có cái gì làm tôi ghét nhất không. Đó là cái kiểu nói, ‘Để dạy mi một bài học.’ Nhưng thực ra trong cuộc đời này không hề cho phép mình được thi lại nếu như có lỡ thất bại một lần.”
Lúc đó là tháng mười, và khí trời chiều từ vùng vịnh thổi vào nghe lành lạnh. Dì Mai không nói gì thêm mà chỉ nhắc Chanel coi chừng cảm lạnh.
“Ai thèm quan tâm?”
“Có lẽ là cha mẹ cô.”
Chanel buột ra một tiếng khinh mạn.
“Hoặc là chồng cô.”
“À, ổng mới email và nói là ổng phải ở lại thêm mười ngày nữa.” Chanel nói, “Dì biết bây giờ tôi nghĩ ổng đang làm gì không? Ngủ với một mụ nào đó, hay có khi nhiều hơn.”
Dì Mai không trả lời. Nguyên tắc của dì là không bao giờ nói xấu sau lưng chủ mình.
Nhưng khi dì bước vào nhà thì Chanel đã ngồi sẵn trong phòng khách. “Tôi nghĩ dì cẩn phải biết ông chồng tôi không phải là loại người như dì tưởng.”
“Tôi chẳng nghĩ ông ấy là loại người nào cả,” dì Mai đáp.
“Dì chẳngbao giờ nói xấu một lời gì về ổng,” Chanel nói
Thì ta cũng đâu có nói tốt.
“Ổng đã có vợ và hai con rồi,”
Ngươi nghĩ là một người đàn ông, bất luận là người nào, cũng phải là trai tân cho tới khi gặp ngươi sao? Dì Mai nghĩ bụng, và nhét mẩu giấy mà Paul đã ghi số điện thoại lên đó vào túi áo.
“Cái ông thợ đó ổng cho dì số phone hả?” Chanel hỏi, “Ổng đang cua dì phải hôn?”
“Cha đó hả? Hết một nửa, nếu không phải là nhiều hơn vậy, của chả đã thuộc về cái hòm rồi cô à,”
“Đàn ông cứ thích chạy theo đàn bà cho tới phút cuối cùng,” Chanel nói, “DÌ ơi đừng có để bị cưa đổ nghe. Trên đời này không có tên đàn ông nào đáng tin hết á.”
Dì Mai thở dài, “Nếu ba em bé không về thì lấy ai đi chợ mua đồ đây?”

*

Ông chủ trì hoãn không về nhà, Chanel từ chối không chịu làm bất cứ gì cho em bé. Thế là dì Mai phải-trái hẳn với luật lệ của riêng mình-cho đem cái nôi trẻ vào phòng ngủ của dì; và, cũng trái hẳn với luật lệ của riêng mình, giờ đây dì phải gánh lấy nhiệm vụ đi chợ mua đồ nữa.
“Bà có cho rằng người ta sẽ nghĩ là tôi với bà là ông bà của thằng bé này không?” Paul hỏi sau k hi ráng lách chiếc xe vào chỗ đậu ở giữa hai chiếc SUV.
Liệu có thể nào là ông ta đã đồng ý chở dì và phụ đi mua đồ là vì một lý do nào đó khác với món tiền mà dì Mai hứa trả không? “Chả có ai,” dì nói, đưa cho Paul một danh sách những món cần dùng, “nghĩ bất cứ điều gì cả. Tôi với em bé sẽ ngồi chờ ngoài này.”
“Bà không định vô trong à?”
“Thằng bé còn chưa được đầy tháng. Ông nghĩ là tôi có thể đem nó vô trong chỗ có cả đống máy lạnh được sao?”
“Nếu vậy thì đáng lẽ bà nên để nó ở nhà”
Ở nhà với ai? Dì Mai lo rằng, nếu dì để đứa bé ở nhà, đến khi dì trở lại thì nó có thể đã biến mất khỏi thế giới này, mặc dù đó là một nỗi lo mà dì không thể chia sẻ với Paul. Dì giải thích là, mẹ đứa bé đang bị chứng trầm cảm hậu sản, nên không được khỏe để mà lo cho nó.
“Vậy thì đáng lẽ bà chỉ cần đưa tôi danh sách đồ cần mua thôi cũng được.”
Nếu lỡ ông cầm tiền bỏ đi luôn, không đem đồ về thì sao? Dì nghĩ, mặc dù như vậy là không công bằng cho dì. Dì biết có những người đàn ông mà mình có thể tin được, trong số đó có cả người chồng đã quá cố của dì.
Trên đường lái xe về nhà, Paul hỏi dì là con cò nó có quay trở lại không. Không để ý nữa, dì Mai trả lời. Dì tự hỏi không biết mình còn có cơ hội thấy con  cò học được bài học hay không: dì chỉ còn ở đó có hai mươi hai ngày nữa thôi. Hai mươi hai ngày, và một gia đình khác sẽ bứng dì ra khỏi đây, có hay không có cò thì cũng vậy thôi. Dì Mai ngoái nhìn em bé đang ngủ ngon trong chiếc ghế trẻ ở phía sau. “Lúc đó ngươi sẽ ra sao?” dì nói.
“Tôi á?” Paul hỏi.
“Không phải ông. Đứa nhỏ này.”
“Bà sao khéo lo. Nó sẽ có một cuộc đời tốt đẹp. Hơn tôi. Hơn cả bà. Chắc chắn là vậy.”
“Ông đâu có biết gì về cuộc đời tôi mà dám nói vậy,” dì Mai nói.
“Tôi có thể tưởng tượng được. Bà nên tìm một ai đó. Chứ cứ đi từ nhà này qua nhà khác, khôngbao giờ ổn định như vầy là không tốt đâu.”
“Vậy thì có gì sai? Tôi không phải trả tiền nhà. Không phải lo tiền ăn.”
“KIếm tiền mà không xài thì có nghĩa gì?” Paul nói, “Ít nhất tôi còn kiếm tiền để lo cho tương lai con cháu của tôi.”
“Cái chuyện tôi làm gì với tiền tôi kiếm được,” dì Mai đáp trả, “không phải là chuyện của anh. Giờ thì làm ơn lo chú ý lái xe giùm cái.”
Paul như bị ngượng nên im lặng, tay lái chùng hẳn, trở thành chếc xe chậm nhất trên xa lộ. Có lẽ ông ta đã có ý tốt, nhưng đã có nhiều người đàn ông có ý tốt, và dì là một trong những người đàn bà khiến họ bị tổn thương. Nếu như Paul muốn nghe chuyện, dì có thể kể một vài chuyện, và góp thêm vào niềm hy vọng sẽ chinh phục được cảm tình của bà. Thế nhưng dì nên bắt đầu từ đâu bây giờ? Từ chuyện người đàn ông mà dì đã cưới với không chút yêu thương và chỉ mong hắn xuống mồ sơm sớm; hay từ chuyện người cha mà dì chưa từng một lần gặp mặt chỉ vì mẹ dì đã dùng việc vắng mặt hoàn toàn của ông làm điều kiện để sinh con? Hay có thể dì nên bắt đầu bằng câu chuyện của bà ngoại dì, người đã biến mất khỏi chiếc nôi của đứa con gái của chính mình và không hề quay trở lại cho tới hai mươi lăm năm sau khi người chồng đang chết dần mòn vì một căn bệnh trầm kha. Cái sự biến mất đó có thể có lý nếu như ông là một người hung ác, nhưng trớ trêu thay ông lại là người nhân hậu, đã cứ ở vậy nuôi con, bám víu vào niềm hy vọng là người vợ đã ra đi không một lời để lại sẽ quay trở về có ngày.
Bà ngoại của dì Mai thực ra đã không hề đi đâu xa xôi: trong suốt từng ấy năm bà đã ở trog cùng một ngôi làng ấy, sống với một người đàn ông khác, suốt ngày giấu mình trong căn nhà cổ của ông ta, và chỉ lẻn ra ngoài vào quãng nửa đêm để hít thớ khí trời. Không ai có thể hiểu nổi tại sao bà không tiếp tục sống chui sống nhủi như thế đi cho tới sau khi ông chồng chết. Bà giải thích là bổn phận làm vợ khiến bà phải được nhìn thấy chồng lúc lâm chung.
Mẹ của dì Mai, lúc đó mới cưới và đang làm chủ một tiệm may cũng khá giả lắm, thì người ta nói là, bà đã chấp nhận việc trở về của người mẹ và sự lìa đời của người cha như nhau; nhưng chỉ trong năm sau đó, lúc đang có bầu đứa con đầu tiên và duy nhất, bà đã buộc người chồng phải ra đi bằng cách dọa sẽ uống thuốc diệt cỏ DDT.
Thế là dì Mai được nuôi dưỡng bởi hai người đàn bà. Dân làng tuy xa lánh họ nhưng lại đón nhận đứa bé gái như người trong làng. Phía sau những cánh cửa đóng kín, người ta kể với dì về ông ngoại và về cha của dì, và dì có thể nhìn thấy trong mắt họ sự không chấp nhận đầy hãi sợ đối với những người già của gia đình dì: người bà với làn da nhợt nhạt xanh mét do không được tiếp xúc với ánh sáng ban ngày trong nhiều năm sống trong bóng tối; mẹ của dì, người không bao giờ ăn cho đủ bữa, cứ dần bỏ đói chính mình cho tới chết, nhưng vẫn không ngớt ngó chừng, ngó chằm chặp không chớp mắt, đứa con gái nhỏ của mình mỗi khi nó ăn.
Dì Mai đã không hề nghĩ tới việc ra đi cho tới khi cả hai người đàn bà ấy qua đời-mẹ dì đi trước, rồi đến bà ngoại. Lúc còn sống họ đã bị cô lập với thế giới do bởi những kỳ dị của họ; và khi lìa đời họ đem theo cùng với mình toàn bộ cung cách sống, và không để lại gì để có thể níu giữ được dì Mai. Một lời cầu hôn được chuyển tới bởi người anh em họ xa để qua sống với một người đàn ông ở khu Queen bên New York đã được chấp thuận không chút ngần ngừ: ở một đất nước xa xôi, bà ngoại và mẹ của dì sẽ dễ dàng đi vào huyền thoại. Dì Mai đã không hề kể với chồng một lời nào về họ; mà ông cũng chẳng mảy may quan tâm-ông thuộc kiểu người tốt bụng khờ khạo, không mong muốn gì khác hơn là một người vợ chăm chỉ làm ăn để cùng chia sẻ cuộc sống cơ cực. Dì Mai xoay người qua nhìn Paul. Có lẽ ông cũng chả khác gì mấy so với chồng của dì, cha dì, ông ngoại dì, hoặc thậm chí cả so với người đàn ông mà bà ngoại dì đã từng chung sống trong nhiều năm nhưng không hề quay trở lại sau cái chết của ông ngoại dì Mai: niềm hạnh phúc bình thường, không bị đànbà làm cho phức tạp, là mục tiêu cuối cùng của họ.
“Bà có nghĩ là, liệu có cơ hội nào đó để bà được rảnh trưa mai không?” Paul hỏi lúc lái xe vào đậutrước cổng nhà Chanel.
“Ông biết mà, tôi làm việc suốt ngày.”
“Bà có thể đem em bé theo, giống như bà đã làm bữa nay.”
“Đi đâu chớ?”
Paul nói là có một ông chuyên môn chơi cờ vào mỗi chiều chủ nhật ở công viên gần trung tâm thương mại East-West Plaza. Paul muốn cùng dì Mai và em bé đi dạo quanh đó.
Dì Mai cười. “Chi vậy, để cho ông đó bị sao lãng và thua cờ hả?”
“Tôi muốn thằng cha đó thấy là cuộc đời tôi đỡ hơn của chả nhiều.”
Đỡ hơn như thế nào? Bằng một bà bạn mượn đỡ với một đứa cháu nội cũng vay mượn trong chiếc xe nôi? “Người đó là ai vậy?”
“Là ai không quan trọng. Tôi đã không nói chuyện với ông ta suốt hai mươi bảy năm nay.”
Ông này thậm chí còn không biết nói dóc sao cho hay nữa. “Vậy anh nghĩ là ổng sẽ sập bẫy vì cái trò gian lận của anh sao?”
“Tôi biết tay đó.”
Dì Mai tự hỏi liệu việc biết một người nào đó-dù là bạn, hay thù- có giống với việc không bao giờ để người đó lọt khỏi tầm dòm ngó của mình hay không. Như vậy thì, việc được người ta biết tới, cũng phải không xa gì mấy với việc bị giam hãm bởi ý nghĩ của người ta về mình. Theo nghĩa đó thì bà ngoại với mẹ của dì Mai là may mắn: không có ai có thể tuyên bố là biết về họ, ngay cả dì Mai. Lúc còn trẻ, dì đã không thấy được chỗ nào để hiểu được họ, vì dì cứ nghe người ta nói là họ ở ngoài sự hiểu biết của mọi người. Sau khi lìa đời,  họ càng trở nên trừu tượng hơn. Không biết họ, dì Mai cũng trở nên may mắn vì không hề muốn biết về bất cứ ai tới với dì sau đó: chồng dì, những người làm chung với dì ở mấy cái nhà hàng Tàu trong suốt những năm dài dì sống ở New York, qua tới San Francisco; những em bé sơ sinh và bà mẹ mà dì đã săn sóc-những người đã chỉ trở thành những cái tên được ghi trong cuốn sổ của mình. “Tôi muốn nói là thôi bỏ đi,” dì Mai nói với Paul. “Ganh ghét kiểu gì mà kéo tớihai mươi bảy năm trời?”
Paul thở dài. “Để tôi kể bà nghe đầu đuôi câu chuyện thì bà sẽ hiểu.”
Dì Mai đáp, “Làm ơn đi, làm ơn đừng có kể chuyện gì hết.”

*

Đứng trên lầu nhìn xuống, Chanel thấy Paul lui cui xếp đồ vô tủ lạnh, và dì Mai đang hâm nóng bình sữa cho em bé. Chỉ tới khi Paul đã đi khỏi cô mới đi xuống và hỏi dì Mai bữa hẹn hò của hai người hômnay ra sao. Dì Mai ôm thằng bé trong tay, ngồi lúc lắc trong chiếc ghế ngựa; niềm vui được ngắm thằng bé bú cũng đủ bù đắp được với vẻ cáu kỉnh của mẹ nó.
Chanel đi xuống ngồi vào sofa. “Tôi thấy hai người đậu xe dưới đó rồi ngồi lại trong xe khá lâu,” cô nói. “Tôi không hề biết là với một ông lớn tuổi lại có thể lãng mạn như vậy.”
Dì Mai nghĩ tới việc bồng thằng bé vô phòng dì, nhưng đây không phải là nhà dì, vả lại Chanel đang muốn nói, chắc chắn sẽ đi theo. Thấy dì Mai cứ im lặng, Chanel bèn nói là hồi nãy chồng cô mới gọi điện t hoại và cô đã nói với ông là em bé đã đi theo hai người ra ngoài, làm chứng nhân của một cuộc hẹn hò lúc hoàng hôn.
Mi nên bước ra khỏi đây ngay lúc này, dì Mai nói thầm với mình; nhưng cơ thể dì vẫn hòa nhịp với chiếc ghế ngựa, tới và lui, tới và lui.
“Dì có giận không, dì Mai?”
“Chồng cô đã nói gì?”
“Dĩ nhiên là ổng tức lắm chớ; và tôi đã nói là đó là điều ổng phải chịu do không có ở nhà.”
Cái gì khiến mi phải ở lại đây? Dì Mai tự hỏi. Mi muốn tin là mi ráng ở lại là vì em bé, phải không?
“Dì nên thấy mừng cho tôi là ổngđã tức giận,” Chanel nói. “Hay ít nhất là cũng mừng cho em bé, phải không?”
Ta thấy mừng là, cũng như những người khác, tất cả các người sẽ mau chóng trở thành quá khứ.
“Sao dì cứ lặng thinh vậy hả dì Mai? Tôi nhận lỗi là tôi như một cái dằm gây đau, nhưng tôi không có bạn, và dì thì quá tốt với tôi. Dì có vui lòng chăm sóc tôi và em bé không?”
“Cô đang trả tiền thuê tôi,” dì Mai đáp. “Dĩ nhiên là tôi đang chăm sóc hai mẹ con cô.”
“Dì ở lại thêm sau khi đầy tháng nghen? Tôi sẽ trả gấp đôi.”
“Tôi không làm việc của người giữ trẻ bình thường.”
“Nhưng không có Dì thì chúng tôi biết làm sao hả Dì?”
Đừng để cho cái giọng ngọt ngào này lừa mị mi, dì Mai tự cảnh cáo mình: mi không hề là người không thể thay thế-không cho cô ta, không cho em bé, chẳng cho bất cứ ai. Dù vậy, dì vẫn cảm thấy muốn được nhìn thấy em bé lớn lên-vài tháng, một năm, vài năm. “Chừng nào ba em bé về?”
“Chừng nào ổng về tới là ổng về thôi.”
Dì Mai lau mặt em bé bằng một góc khăn.
“Tôi biết dì đang nghĩ gì-rằng tôi đã chọn nhầm người. Dì có muốn biết tại sao tôi cưới một người quá già và vô trách nhiệm như vậy không?”
“Thực sự là tôi không muốn biết đâu.”

*

Luôn là thế, họ cứ kể chuyện của họ, bất kể sự phản đối của dì. Cái ông chơi cờ vào mỗi chiều chủ nhật là người cùng làng với vợ của Paul, và từ lâu lắm rồi bà đã nói với Paul là ông đó có thể đã là chồng bà, một người chồng tốt hơn Paul nhiều lần. Có thể bà đã chỉ nói như vậy có một lần, như để chọc tức Paul; hoặc cũng có thể bà cứ hành hạ ông trong nhiều năm bằng cách nói về một người xứng hơn. Paul không nói rõ, mà dì Mai cũng không hỏi. Thay vào đó, Paul đem nghề nghiệp của hai người ra so với nhau:  Paul đã trở thành một người thợ chuyên nghiệp, còn ông kia thì cứ là lao động phổ thông.
Một kẻ kình địch có thể cũng sống mãi cùng ta như một người bạn; sự ghen ghét có thể cũng làm cho huynh đệ tương tàn. Thật là may mắn cho những ai có thể coi bất cứ ai là người xa lạ, dì Mai nghĩ thầm, nhưng khôngchia sẻ điều này với Paul. Ông chỉ muốn dì nghe ông nói, và dì chiều ông.
Còn Chanel, khi kể thêm nhiều chi tiết hơn cho Dì nghe, có đôi khi khiến dì phải đỏ mặt, lại là người biết kể chuyện. Cô đã ngủ với một ông già có gia đình để trừng phạt cha mình, vì ông đã dám đeo đuổi một cô gái, trong trường hợp này cô gái ấy lại là bạn học của cô. Cái bầu cũng lại là để trừng phạt cha cô, và cả ông già đó-kẻ đã, như cha cô, lừa dối vợ con. “Lúc đầu ổng không biết tôi là ai. Tôi bịa chuyện khiến ổng tưởng là tôi là loại gái mà ổng có thể chơi cho đã, rồi trả tiền là xong,” Chanel nói. “Nhưng rồi tới lúc ổng nhận ra là không có cách nào khác hơn là phải cưới tôi. Cha tôi có đủ những đầu mối quan hệ có thể phá tan nát chuyện làm ăn của ổng.”
Lúc đó cô có nghĩ rằng mẹ cô sẽ cảm thấy như thế nào không? Dì Mai hỏi. Mắc gì chớ? Chanel trả lời. Một người đàn bà không giữ được chồng thì không thể là mẫu mực cho con gái được.
Dì Mai không thể hiểu nổi lý lẽ của họ: sự trở nên vô đạo của Chanel, sự cứng ngắc của Paul. Cái thế giới mà con vừa mới bước vào đó, bây giờ dì Mai cúi xuống nói thầm với em bé, nó là cái gì vậy hả con? Lúc đó vừa mới quá nửa đêm, ngọn đèn ngủ trong phòng dì vừa được tắt. Ánh dạ quang từ mấy sinh vật biển gắn bên thành nôi hắt một vầng sáng xanh và cam lên mặt em bé. Chắc chắn phải có một lúc nào đó mẹ của dì ngồi bên giường ngủ của dì dưới ánh nến; và có lẽ có cả bà ngoại của dì nữa ở đâu đó trong bóng tối của căn nhà. Họ đã cầu ước cho dì một tương lai như thế nào nhỉ? Dì đã được mang tới hai thế giới: một của mẹ và bà ngoại, thế giới kia của tất cả những người khác; mỗi thế giới đã cho dì nương náu để tránh xa khỏi thế giới kia; và cứ bị vuột khỏi thế giới này sẽ đưa dì về thường trú trong thế giới kia, bất kể ước nguyện của dì có như thế nào.
Dì Mai thuộc loại phụ nữ không thể hiểu được chính mình; và vì không hiểu chính mình nên họ đã làm lạc hướng những người đàn ông của đời họ, và khiến con cái bị mồ côi. Ít nhất dì Mai đã từng có cảm nghĩ về việc không có con, dù có đôi khi, trong những đêm không ngủ như thế này, trong dì cứ vẩn vơ ý nghĩ trốn đi với đứa bé mà dì có thể yêu thương. Thế giới rộng lớn, phải có một chỗ nào đó cho một người đàn bà nuôi nấng một đứa nhỏ cho thỏa lòng ước mong.
Những trẻ sơ sinh-một trăm ba mươi mốt bé-và cha mẹ của chúng, nhữngn người tin tưởng dì nhưng vẫn vô cùng cảnh giác-đã bảo vệ dì Mai chống chõi với chính dì. Nhưng bây giờ đây thì ai sẽ bảo vệ dì? Không phải là đứa trẻ này, vốn dĩ cũng vô phương tự vệ như những đứa khác, mà dì còn phải bảo vệ nó nữa. Mà bảo vệ nó chống chõi ai chứ: cha mẹ nó, những người không có một chỗ nào trong tim; hay dì Mai, người bắt đầu tưởng tượng cái cảnh đời của nó sau một tháng được dì nâng niu?
Vậy đó, đây là cái điều khiến mi phải ngồi dậy, đầu óc rối tung. Chẳngbao lâu nữa thôi ngươi sẽ trở thành một người già mệt mỏi như Paul, hay một người đàn bà cô độc như Chanel, sẵn sàng kể chuyện cho bất cứ ai sẵn sàng nghe. Ngươi sẽ cứ tiếp tục nghĩ về, nói về mẹ và bà ngoại ngươi, và về những người đàn bà khác trước họ nữa; nhưng vấn đề là, ngươi không hề biết họ. Nếu biết một người có thể làm cho họ thiên thu lưu lại trong ngươi, thì việc không biết một người nào đó cũng có cùng ảo giác như vậy: cái chết không mang người đã chết xa đi, nó chỉ làm cho họ bắt rễ sâu hơn trong người mà thôi.
Không ai có thể cản dì nếu dì bồng em bé lên và bước ra khỏi cánh cửa kia. Dì có thể làm cho mình trở thành giống như bà ngoại của dì-người mà giấc ngủ đã được dùng như một lựa chọn lúc cuối đời; dì có thể làm cho mình trở thành giống như mẹ-người cũng đã chọn cách ăn thật ít để cho đứa bé được ăn. Dì có thể trở thành kẻ đào tẩu trốn tránh thế giới này, cái thế giới đã giam giữ dì quá lâu, nhưng niềm thôi thúc kỳ này, cũng đến như những đợt sóng triều ầm ào không ngưng nghỉ đã từng đến với dì  hồi nhiều năm trước, lại không làm dì thấy hãi sợ. Dì đang trở nên già đi, và bắt đầu khi nhớ khi quên, nhưng dì cũng đến gần hơn với nỗi nhận thức mối nguy hiểm của việc là chính mình. Dì đã, không như mẹ và bà ngoại của dì, tự bảo mình trở thành một người đàn bà với số phận bình thường. Khi chuyển tới một chỗ kế tiếp, dì sẽ không để lại bất cứ một bí mật hay hư hại nào; không ai trên thế giới này có thể bị khó chịu vì việc đã biết dì./.

Xem Tiếp: ----