m Thơ.
Lá thư này chẳng đề rõ địa chỉ,tháng năm, bởi vì dù ở đâu, hay ở thời đại nào,những giòng mực đẫm nước mắt đây vẫn có hiệu lực bắt tuổi đôi mươi dại cuồng phải suy ngẫm.
Hỡi ơi, khi giữa những cảnh vàng son lầy lụa, anh biết lau vội vết bùn nhơ che mờ đôi mắt để hốt hoảng đuổi theo một tấm lòng thì giòng nước oan nghiệt kia đã cay độc một phút lỗi lầm của tuổi trẻ.
Em đã chết rồi, em Thơ, chết không tăm bóng đem theo cả một nỗi hờn uất khó nguôi.Nhưng em chết là yên còn anh đây cứ phải lắt lay sống mãi để mà nghe tội lỗi gặm nhấm từng giây phút còn lại của đời.
Giọng ngậm ngùi, vị lão già bạc  phơ mái tóc ấy đã thong thả thuật lại anh nghe cái buổi mà lòng thức tỉnh bắt anh quay về chốn cũ để quỳ gập đôi gối nức nở trong lòng người.
“ Ông hỏi cô Thơ à...muộn quá rồi, cô ta đã trẫm mình ở khúc sông kia. Ông có họ hàng, quen thuộc với cô Thơ?...Ông đê tôi nhớ xem nào, phải rồi, cách đây chừng năm năm,làng Thanh Nguyệt đã chứng kiến một câu chuyện tình khá gọi là thơ mộng
Và …ồn ào. Phải rồi, ông nói đúng có một người con trai tệ bạc tên là Minh. Cái ông Minh nào đó đã gieo cái chết thảm thương cho cô gái làng này. Hồi đó hai người đang yêu nhau đẹp như một bài thơ thần thoại. Kìa, ông xem ngôi đình kia trong những ngày hè phượng đỏ,họ thường ngồi trên gác chuông để nũng nịu đố nhau đếm những cánh hoa gạo rụng. Bờ giếng kia,nhiều đêm trăng sáng, đôi bạn trẻ từng ra ngồi đó để vẩn vơ xây những mộng trăng, sao bàng bạc. Con đường đất ngòng ngoèo đỏ tươi đó đã in mòn vết giầy họ những buổi sáng, chiều gã trai theo cô bạn gái ra chợ chơi.
…Người con gái đã hy sinh nhiều cho sự yên ấm của người tình. Người con trai kia nghe đâu đã chịu rất nhiều ân huệ của gia đình cô gái. Người ta nói nếu không có sự săn sóc của cô Thơ thì anh ta đã bỏ mạng trong một cơn bệnh hiểm nghèo giữa lúc phiêu bạt chẳng một bóng người quen.
Thế mà lòng người vô tình chóng thật.
Chuyện họ yêu nhau, hiền lành ngẩn ngơ và trẻ con lắm,chúng tôi cũng chẳng nỡ cười. Mà cười sao được khi cô gái nhu hậu kia được cả xóm quý yêu về đức hạnh hàng ngày và đây, lần đầu trong đời, tim cô mở rộng để đón nhận ảnh hình một người đàn ông xa lạ. Xóm giềng thường được nghe tiếng cười ròn rã của đôi bạn trẻ hoặc những lời ngâm thơ trong trẻo của gã trai làm tặng người tình.
Nhưng rồi người trai đã bỏ ra đi nói là để tạo dựng một cuộc sống ổn định cho anh ta và cô gái. Và rồi ánh đèn rực sáng và những tà áo màu nơi thành phố nhiều quyến rũ đã khiến anh ta hoa mắt và quên hết:đồng lúa Thanh Nguyệt vốn đã từng hồn hậu cưu mang anh ta, trăng sao Thanh Nguyệt từng chứng giám bao lời thề thốt nghiêm minh.
Bên khóm tre làng Thanh Nguyệt cô gái mỏi mắt đêm ngày. Lửa mỗi ngày một bốc to hơn, che mất hút cả khoảng trời có chứa đựng người bạn tình đã ra đi. Tuy vẫn nghe đồn cái đất thanh bình ấy có rất nhiều nhan sắc  quyến rũ hơn hồ ly nhưng cô vẫn tin ở chất đỏ trong trái tim người trai lắm. Vả lại, trước khi ra đi, anh ta đã nghiêm nét mặt và thề:”Anh là một con người “.
Cho nên, cô vẫn chờ. Ngày ngày, cô ngừng que đan để nghe một tin lành mới mẻ từ trong kia gửi ra. Mắt cô mờ dần qua những đêm dài thao thức không ngủ.
Rồi tin oan trái đưa đến, kèm theo một tấm ảnh chứng thực: gã trai –bạn lòng của cô- đang cười chung đôi rất hạnh phúc với một cô gái tóc quăn,mặt lợm vì phấn, môi đỏ như sắc máu.
Người con gái rú lên, đất trời đảo lộn. Cô ta ốm hơn tháng giời. Giữa cơn mê sảng, cánh tay chới với,miệng cô ú ớ lắp bắp nhắc đến tên Minh. Vì thế dân xóm chúng tôi mới biết gã trai bạc bẽo đó tên Minh. Khỏi ốm, cô hóa điên.
Cứ đêm đêm, cô khoác cái áo dài trắng toát,một mình ra đứng trên đê, khúc đê mà ngày xưa, gã trai hay dắt tay cô im lặng đi nghe bóng chiều đổ xuống. Cô khóc rũ rượi, khóc chán, cô lại cười sằng sặc và hát. Làm sao mà chúng tôi chỉ thấy cô nhắc đi nhắc lại có bài “Ngày về” sai cả vần điệu lạc cả cung thang. Tiếng hát của cô vẳng trong đêm khuya lạnh nghe quằn quại não nùng và chết chóc. Trẻ con trong xóm trông cái bóng trắng toát cử động dưới bóng trăng nhợt và nghe tiếng hát rũ rượi hoảng sợ khóc thét lên. Nhưng rồi quen đi cũng chẳng ai còn thấy sợ. Họ chỉ còn biết thương cô và ái ngại gọi cô là cô “Thơ điên “.Cứ đến nửa đêm khi cái vắng lạnh bao trùm thôn xóm thì tiếng hát ai oán của cô lại vẳng trên bờ đê cao xen lẫn tiếng gió rì rào. Dân làng khép lại cánh liếp, thì thầm bảo nhau:
“Cô Thơ điên vì một câu chuyện thất vọng. Thuốc nào mà chữa khỏi nếu anh chàng kia chưa hết hoa mắt vì ánh điện để quay về nhận lỗi.”
Những người sẵn cảm tình thân thích với cô rưng rưng nước mắt cũng như đã từng hết lòng săn sóc cô trong lúc ốm đau. Trong màn đêm tối mịt mùng, họ chắp hai tay lâm râm khấn nguyện cầu xin lòng bác ái vô hình của đức Cứu Thế tối cao cứu vớt cuộc đời khổ ải kia. 
Rồi một đêm trăng sáng lạnh người, dân xóm lại nghe tiếng hát não nuột của cô cất lên giữa sương đêm gió lạnh. Giời rét thế này, ai còn trở dậy làm gì. Họ làu nhàu “ cô Thơ điên” rồi xoay mình ngủ. Tiếng hát đêm ấy nghe rợn người,não lòng bi đát quá quyện với hơi gió hú trong bụi khuya đôi lúc như nghẹn ngào kể lể như oán trách hờn đau. Và đầu đuôi vẫn chỉ một bài”Ngày về” sai cả vần điệu lẫn cung thang. Chưa bao giờ có một giọng hát làm lạnh người đến thế. Những người dân xóm sau này nhắc lại bảo vậy.
Ít hôm sau,vào lúc trời chưa tan sương mù, một cái tin làm nhao nhác cả làng. Một người đánh cá sớm thấy bập bềnh nổi trên dòng sông một cái xác vật vờ trong bộ quần áo trắng toát, dầu tóc bê bết bùn, một khuôn mặt nhợt nhòa hằn lên những nét khổ đau.
Cái xác ấy dân làng vớt lên ở giữa khúc sông kia và đem chôn cất cẩn thận tại đồng làng.
“Câu chuyện cách đây đã bốn năm năm, hôm nay lần đầu tiên tôi ngậm ngùi kể lại cho một người xa lạ không phải dân xóm Thanh Nguyệt nghe. Kìa: Ông khóc! Chao ôi! mà nghe câu chuyện ấy ai cầm được nước mắt thương đau. Chúng tôi đã khóc nhiều hơn ông, làng Thanh Nguyệt đã âm thầm để tang cho người con gái suốt cả bốn mùa.
Ông muốn thăm mộ cô Thơ. Vâng cũng là một cữ động đẹp với một nhan sắc non yểu. Ông theo tôi.
Ơ kìa! Ông điên hay sao mà lại hốt hoảng chạy lên bờ đê như vậy? Không, muốn thăm mộ cô Thơ đi lối cánh đồng này cơ mà. Trời ơi! Có ai ngăn ông ta lại không! Ông ta nhảy xuống sông rồi.
*
Em Thơ
Trước mộ em, anh quỳ khóc như một kẻ sám hối trước giờ lĩnh án tử hình. Em đã chết rồi đem theo cả một lòng hờn uất khó nguôi. Hỡi ôi! Sao dòng nước oan trái kia không dập vùi nốt cuộc đời tội lỗi này cho anh gặp linh hồn em ở dưới đó để xin em một lời thứ tội,Sao cái đám người vô ý thức kia lại hốt hoảng vớt anh lên và họ an ủi, và họ khuyên can. Tội ác muôn đời của anh, họ vẫn không biết cho nên vẫn giàu nhân đạo với anh lắm nhỉ.
Em Thơ.
Em có tin rằng cuộc đời anh – nếu đáng được gọi là một cuộc đời – cũng là do đôi tay hiền dịu của em tạo tác. Trước đấy, em biết chứ gì. Anh là một gã trai có thể gọi như mất hết tin tưởng, thăng bằng trong cuộc sống. Xã hội lường gạt anh, loài người thờ ơ với anh,cả những người con gái anh tin tưởng nhất cũng đã phản bội cả bao chân thành, mê muội anh trao gửi…
Thế rồi anh lang bạt về thôn Thanh Nguyệt một ngày lửa khói.
Nắng mưa trong đôi ngày lam lũ đang gieo một căn bệnh âm ỉ trong anh.Anh mỏi mệt, héo hắt như một trái cây về già.Phải rồi, anh còn nhớ, một hôm, em đã bảo anh thế này:” Cái hôm đầu gặp anh, em tưởng anh phải đến 50,60 tuổi. Mặt anh trông già sọm, chân tay thì đen thủi đen thui mà râu ria mọc đầy cằm. Ấy thế mà…”
Em cười không nói tiếp “ấy thế mà” sau ngày khỏi bệnh anh chải chuốt và trẻ hẳn ra như cậu trai mười tám phải không em?
Cái đêm hôm đó, anh chỉ đủ ghi một cảm giác lờ mờ. Hình như ngót tuần lễ nay nhiệt độ cơn bệnh vẫn mỗi ngày một cao. Anh loạng choạng về đến đây- hôm đó chưa biết là thôn Thanh Nguyệt- anh chỉ có ý nghĩ một Xóm Giếng đẹp tựa trong thơ, nho nhỏ xinh xinh có rặng tre mơn mởn đứng uyển chuyển bên một con sông hiền lành, nước không bao giờ chảy mạnh. Đi đến đây thì chân anh như ríu lại, mắt như hoa lên tối sầm. Và có cảm giác như ai đẩy giúi anh xuống. Thế rồi anh ngất đi để sáng hôm sau trở dậy ngơ ngác thấy mình nằm trong một căn buồng trang nhã bên cạnh đặt bát thuốc còn đang tỏa khói.
…Và anh đã gặp em.Và mẹ- cụ Cử Thanh Nguyệt – người đàn bà mà đức độ đã khiến anh phải liên tưởng tới mẹ anh dạo trước. Dạt dào một tình nhân loại cao quý “tình đối với người đồng loại gặp lúc bơ vơ “ mẹ và em đã tặng anh cả một sự chân thành chăm sóc. Bát thuốc nóng những ngày tĩnh dưỡng, bữa cơm ngạt ngào do đôi tay hiền dịu của em nấu nướng đã đánh lui căn bệnh ma quái trong anh và cũng đã dệt nên sợi dây ràng buộc anh với khung cảnh luyến ái làng này. Hai chữ Thanh Nguyệt bắt đầu có ý nghĩa với đời anh từ đây.
Trong căn nhà mộc mạc nhưng đầm ấm tình thương, câu chuyện tình ái giữa chúng ta đã mở ra với những mây chiều nắng sớm. Lại như một buổi xưa, anh sống đôi ngày mơ mộng dệt nhớ gửi thương. Nhưng có một chiều bên bờ hoa dâm bụt, em đã nghiêm mặt giật tay ra khỏi tay anh và bảo anh thế này:
“Anh Minh, em yêu anh.Nhưng em không muốn anh  chỉ là một người trai sống lang bang mãi thế. Yêu anh, em cảm thấy cũng có trách nhiệm phần nào với cái trọng trách của đời anh “
Anh thấy ngại ngần trong một phút.Những thất bại rồn rập vừa qua đã khiến anh không còn muốn mang ý nghĩ tạo lập một cái gì. Điểm Tin đẹp đẽ trong anh đã chết hẳn từ lâu. Em rất nhanh nhận thấy sự băn khoăn đó:
“ Anh không muốn làm gì à? Hay anh chỉ muốn có tiền bằng giọt máu hồng của người gái thơ vô tội như năm xưa “
Tàn nhẫn quá em Thơ.Anh thấy nóng rát hai tai, anh hốt hoảng níu chặt tay em:
“ Anh van em, em đừng nói nữa. Được, anh sẽ cố làm vui lòng em “
Thê rồi ít ngày sau, anh nghiễm nhiên biến thành ông “gia sư” của cái làng Thanh Nguyệt này, cai quản một đám học trò từ lớn đến nhỏ đủ các cỡ. Ngoài giờ đến lớp, anh còn tham gia phát thanh cho bà con nghe những tin chiến thắng, viết khẩu hiệu, làm bích báo ca ngợi những thành tích của phụ nữ, thanh niên thôn xóm trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Bắt tay vào một trách nhiệm đều đều, anh chợt thấy đời mình đổi khác.
Anh không còn những phút nghi ngờ bi quan hay hờn oán vớ vẩn. Công việc làm người ta thấy yêu đời và tạo ra nguồn sống vui. Xưa kia anh lẻ loi và tỵ hiềm với hết thẩy những người xung quanh. Nhưng giờ đây, tình thương mến bao trùm lên những ngày sống. Lũ trẻ nhỏ mến anh, dân làng mến anh, và hơn tất cả - em – bà hoàng hậu của lòng anh – cũng dành cho anh không ít cảm tình. Đời anh tưởng được nhiều quá rồi. Đã có nhiều đêm không ngủ, anh ngẩng mặt đếm từng vì sao và lầm nhầm cầu nguyện cho cánh đồng lúa Thanh Nguyệt mãi mãi yên bình, cho mảnh đất nơi này khỏi bị hoen ố vì máu đỏ để cho anh được hoàn toàn trà trộn với cuộc sống thôn dã nơi đây. Anh đã nói thực đấy, em Thơ. Nhiều lúc trong bộ cánh nhuộm nâu, anh đã cảm khái rất nhiều khi rít với bác nông phu một hơi điếu cầy trên chiếc chõng tre ọp ẹp.
Ở đây chỉ có những ân tình. Hồn anh được lắng lại, lọc sạch những bụi vẩn ngày qua. Tâm sự hằn học nhường chỗ cho một lòng say thơ thới của mây nước, trời thơ mơ mộng. Rồi một sự lạ, bỗng nhiên anh thành thi sỹ. Anh không biết ngày xưa nàng Mỵ Nương đẹp như thế nào mà có một nhà thơ hạ bút “ Yêu nàng bao nhiêu người làm thơ”.Nhưng ở đây thì thật là vì em mà đời anh bỗng có đôi câu vần điệu. Anh còn nhớ buổi trưa hôm ấy, ngắm em đi coi lúa ở đồng về, đôi mắt say sưa nhòe ánh nắng dịu, anh đã ngẫu hứng ngâm bốn câu:
Em đẹp, ta nhìn vương gót tơ
Mắt xinh huyền hoặc mộng sông hồ
Chiều xuân trót hẹn tình lưu luyến
Em nhé, cùng ta chắp cánh thơ…”
Em bẻ lại anh:
“ Tại sao lại Mắt xinh huyền hoặc mộng sông hồ ?”
Anh cười trả lời:
“ Nhìn cặp mắt em dù những kẻ ôm chí lớn giang hồ sông núi cũng phải thấy ngại ngùng nguội chí mà chỉ thèm sự dừng chân!”
Em đỏ mặt phản đối:
“ Thế anh phải chữa lại tặng em câu khác. Em muốn cặp mắt xinh phải khích lệ người thanh niên,chứ không muốn làm mềm yếu một hoài bão cao cả đến thế!”
Tuy nhiên bốn câu thơ đó( bốn câu thơ độc nhất trong đời anh,vì từ dạo xa em về sau,anh cũng chẳng còn làm nổi một câu nào nữa).Em đã chép cẩn thận trên một cuốn sổ nhỏ để bên người.
A, lại còn ca khúc “Ngày về”.Chao ôi! Anh không ngờ câu hát trong một lúc vô tình lại có thể biến thành một thiên thảm sử: em hấp hối mà câu hát còn mấp máy trên môi.Câu chuyện thế nào nhỉ? Phải rồi ; có một buổi nhìn mấy cánh chim lướt nhẹ trên nền trời xanh thẳm, anh vẩn vơ nhớ đến lời ca:
“ Bao cánh chim tìm về tổ ấm
Như thiết tha mối tình đằm thắm…”
Em nép sát người bên anh:
“Anh dạy em mấy câu đó nhé?”
Anh nhìn thẳng vào mắt em va hỏi rằng:
“ Em học để làm gì hở em?”
Em nũng nịu như một tuổi thơ vô tội:
“ Bởi vì em thấy cánh chim kia cũng giống em và anh hôm nay. Chúng cũng đang trốn tránh bơ vơ rủ nhau đi tìm một nơi tổ ấm. Có khác họa chăng tổ ấm của chúng ta đã có đây rồi chẳng cần phải tìm đâu…”
Và em nhất định đòi học bài ca đó. Anh đã dạy em sai cả vần điệu lẫn cung thang. Nhưng có hề chi, miễn là từ chính tự cặp môi son kia được mấp máy những câu tha thiết. Để rồi chiều chiều anh còn đang bận rộn ở trường với lũ trẻ nhỏ chưa về kịp, em đã nhìn về cái mái đình rêu phủ, mơ màng đến mối tình của cánh chim có bạn :
“ Bao cánh chim tìm về tổ ấm
Như thiết tha mối tình đằm thắm…”
Hỡi ôi! Những giòng mực như đang muốn cuồng lên, gào lên, sôi réo.Chiều nay vẫn những cánh chim quen thuộc mải mê trên khoảng trời vô định tìm chỗ nghỉ chân,nhưng người con gái kiều nhu vẫn thường ao ước tấm tình cánh chim năm xưa có còn đâu để vẳng lên lời ca hoài vọng.
*
Em Thơ
Đồng lúa Thanh Nguyệt đã yêu chiều anh bao nhiêu trong những ngày phiêu bạt. Trăng sao Thanh Nguyệt đã minh chứng mối tình vằng vặc đôi ta” Vậy mà  hỡi ôi, sau này anh đã phụ hết cả trăng sao và đồng lúa”.
Mỗi một gốc  cây,bụi cỏ đều mang nặng một kỷ niệm chưa mờ. A, nếu những vật vô tri kia biết cất lên thành tiếng nói, cái tiếng nào xứng đáng nhất để nguyền rủa tội lỗi hiện giờ của anh.
Này đây, bờ giếng thôn Hạ, anh còn nhớ một đêm trăng không tỏ lắm, em thờ thẫn ngồi nhìn trăng và hỏi anh:
“ Yêu anh nhưng em vẫn cứ thấy ngài ngại. Đêm nay chúng ta ngồi chung bóng trăng nhưng chẳng biết rồi có được như thế này mãi mãi. Chiến tranh lửa đạn,kẻ thù rồi có để cho chúng ta được yên?Quái sao lắm lúc nép trong vòng tay anh mà em vẫn có cảm giác độc địa là đời anh sẽ thuộc về tay người khác. Có thật thế không anh?
Lúc đó anh đã ôm chặt em vào lòng giọng đầy tin tưởng:
“ Không, em đừng để ý đến những ý nghĩ đen tối đầu độc hạnh phúc của đôi ta. Đời anh chỉ có thể thuộc về một mình em thôi, em Thơ ạ. Dưới ánh trăng đây, anh xin thề độc rằng. Nếu anh …”
Nhưng em đã vội bịt chặt lấy miệng anh:
“ Em tin anh là đủ. Việc gì mà anh phải thề thốt ghê sợ thế.Dễ thường anh làm sao thì em sống được một mình đó chắc…”
Lại một đêm chúng ta thao thức chẳng thể ngủ vì tiếng súng từ một nẻo xa vọng lại. Rồi qua ánh lửa đang liếm đỏ rực một bóng tre xa, em thổn thức gục đầu bên ngực anh:
“ Anh Minh em sợ lắm. Lửa mỗi ngày một cháy lan hơn. Nếu mai mốt, lửa bén về đây, đốt cháy cả tre làng Thanh Nguyệt, chúng ta sẽ đi đâu? Anh có ở bên em mãi mãi?”
Lần ấy, mắt anh cũng sáng lên trong ý định quả quyết:
“ Lửa bạo tàn chỉ có thể đốt cháy một vài khóm tre, một đôi mái nhà chứ không thể thiêu cháy được một tấm tình sắt son. Anh đố một sức mạnh độc tài nào khiến em xa nổi anh hay ngược lại anh xa nổi em “
Lửa chưa bén về thôn Thanh Nguyệt,nhưng sự thách đố đã len đến đây. Một buổi trưa yên bình.Nắng đậu hiền lành trên hàng cây, ngọn cỏ.Mây trắng phơ phất rủ nhau đi dạo chơi. Anh và em chèo thuyền nhỏ cạnh bờ đê có bụi tre khô sắc. Em đang đếm những cánh chim bay trên trời và anh cũng đang ngẩn ngơ trước khung cảnh thiên nhiên ở đó, thì bỗng đâu những tiếng ù ù gieo nặng trên nền trời khủng khiếp.Chúng ta chỉ kịp hấp tấp cho thuyền ghé vào bụi tre và trèo vội lên bờ thì một tiếng rít mạnh trên đầu. Và anh ngã xuống có cảm tưởng như người em đè dúi lên trên. cơn hốt hoảng qua, anh trở dậy sờ trên trán thấy bê bết máu nhưng tịnh không thấy một thương tích nào. Chợt anh kêu lên khi nhìn thấy em nằm mê man bên cạnh  một cánh tay phải đầm đìa máu đỏ tươi ướt đẫm cả lần áo lụa. Anh đỏ mặt hiểu rõ sự hy sinh gan dạ của em. Em đã nằm che cho anh để đón nhận một mảnh đạn vô tình. Tên em là Thơ, nhưng em không bé nhỏ tí nào. Lòng em là trời biển mà anh đây chỉ là hạt cát.Máu em đã thấm qua người anh, máu của người đồng quê Thanh Nguyệt một dân xã hào hùng có những dòng máu trung hậu và cương cường. Đàn ông, một khi cần bảo vệ Danh dự không ngại đổ máu. Và đàn bà, chân yếu tay mềm cũng sẵn sàng chết cho hạnh phúc của chồng con…
Về sau này khi em lành vết thương, anh có hỏi em rằng:
“ Sao lúc bấy giờ,em lại liều mạng đến thế. Em không nghĩ đến em sao?”
Em cười rất thản nhiên:
“ Em có nghĩ chứ.Nhưng em còn nghĩ rằng trong hai chúng ta,người cần được sống nhiều hơn phải là anh. Yêu anh, em thấy không ngần ngại gì được nhận vết thương này …Bởi nhờ có thế,máu em trong một phút mới được dịp hòa thẫm sang người anh, quyện lấy anh”.
Máu đã chảy, dù chưa có xác chết nhưng đã có nhiều đau. Thôn Thanh Nguyệt vắng đi đôi không khí thanh bình. Chiều trên đường làng ít còn thấy vọng lên tiếng hát hồn nhiên của bầy trẻ nhỏ. Ít nhiều đăm chiêu đã len trong khóe mắt các cô thôn nữ đẹp như thơ xưa nay vốn có tiếng là vô tư nhất. Những tiếng nổ giết chóc ngày càng đe dọa. Có nhiều đêm không ngủ, những cụ già Thanh Nguyệt trầm ngâm nhìn những đám cháy mỗi buổi mỗi thấy gần hơn, thầm lo cho tre xanh tươi tốt làng mình
Rồi hai tháng sau, một cái tang chung làm rung chuyển cả dân làng. Mẹ mất qua một cơn cảm sốt  tưởng là không trầm trọng lúc đầu. Người đàn bà mà đức độ đã khiến cả trẻ già Thanh Nguyệt khóc như mất một người mẹ hiền đáng kính. Hỡi ôi xưa kia mẹ chỉ là người đàn bà yếu đuối mà đã cứu sống nổi anh mà giờ đây mang tiếng là một thanh niên khỏe mạnh được ăn học anh đành thúc thủ nhìn tử thần cướp người đi.
Anh còn nhớ đêm hôm đó dưới ánh sáng ảm đạm của ngọn đèn dầu, mẹ đã hấp hối gọi anh và em đến bên giường, và nắm chặt tay của hai chúng ta chập làm một, người đã dặn qua hơi thở cuối cùng:
“ Mẹ chết, nhưng rất vui lòng thấy hai con quây quần bên nhau. Anh Minh hãy yêu em mãi mãi. Và Thơ con hãy xứng đáng để hầu hạ chồng. Mẹ không còn điều gì tiếc hận “.
Lúc đó anh đã giơ tay cam kết:
“ Xin mẹ đừng băn khoăn về những điều đó. Ơn sâu rộng mẹ đối với con còn chồng chất trên vai. Con xin nguyện sẽ yêu chiều em Thơ suốt đời để phần nào xứng đáng với ơn đức ấy “.
Còn em lúc đó chỉ gục bên người khóc lóc. Chao ôi! Cái đêm tối u buồn ấy, có ai đếm nổi có bao nhiêu giọt nước mắt đã tầm tã tuôn rơi?
Chôn cất mẹ xong,một đêm khuya lắm nghe tiếng súng từ xa rời rạc vọng về, anh bảo nhỏ bên tai em:
“ Em hãy để anh lên đường tạo dựng một chút chi vững chắc cho cuộc sống chúng ta. Nhất là nay mai bé ra đời, bao nhiêu tiêu pha tốn kém. Làm một anh giáo quèn ở đây sống khó lắm. Không lâu đâu, anh sẽ lại quay về với em, lúc đó chúng ta chẳng phải lo gì cả “.
Em hoảng hốt nắm lấy tay anh:
“ Anh muốn nói không ở đây nữa chứ gì? Đồng lúa Thanh Nguyệt đã có lỗi gì không đẹp với anh sao? ”
Anh lắc đầu mắt buồn tư lự:
“ Không phải thế, đồng lúa Thanh Nguyệt trước sau vẫn là ân nhân cứu mạng của đời anh. Nhưng vì cuộc sống đôi ta, vì những gì sắp đến, em hãy cười tươi lên để anh ra đi khỏi phải bận lòng “.
Em khóc gục trên vai anh:
“ Nhưng mà anh ơi em sợ lắm.Em nghe đồn nơi xa ấy tuy rực rỡ ánh đèn như lại hay làm lóa mắt mê mẩn lòng người, và nơi có ánh sáng ấy lại thường xuất hiện những thứ nhan sắc còn đáng sợ hơn cả hồ ly biết ăn thịt người “.
Anh mới hỏi lại em:
“ Chẳng lẽ bao ngày chung sống,em lại không đủ tin anh sao? Anh là một con người …“.
Em cố bậm môi để tránh một tiếng nấc:
“ Em tin anh lắm. Không tin, sao em dám dâng hiến cả cuộc đời em cho anh …”
Đêm hôm anh lên đường, em khóc ghê lắm.Em tháo trong người đưa cho anh vuông lụa thêu chỉ mầu lam óng ả bốn câu thơ mà em vẫn thường nâng niu cất kín bên người:
Em đẹp, ta nhìn vương gót tơ
Mắt xinh huyền hoặc mộng sông hồ
Chiều xuân trót hẹn tình lưu luyến
Em nhé, cùng ta chắp cánh thơ…”
Em đưa anh vuông lụa và dặn anh rằng:
“ Người con gái thời xưa khi ly biệt người tình thường gửi kỷ niệm cành trâm. Nhưng ở đây em gửi anh vuông lụa này, những dòng thơ chỉ mầu sẽ nhắc anh tất cả những kỷ niệm buồn vui của những ngày chung sống”.
Anh hôn em lần cuối cùng, cái hôn tủi tủi buồn buồn như ngậm đắng nước mắt Hỡi ơi, anh có ngờ đâu đó lại là cái hôn vĩnh biệt của đôi ta. Tiếng súng vẫn vọng nhát gừng từ xa. Anh  mím chặt môi lao mạnh người trong bóng tối. Một tiếng nấc-không, cả một nỗi nghẹn ngào kìm nén giờ mới được tháo tung – bóng em lảo đảo như muốn khuỵu trên nền đất. Một cánh tay chới với như muốn đuổi theo và một giọng nói phào tựa hơi gió trong đêm khuya lạnh:
“ Anh Minh, anh đừng bỏ em. Em đợi “.
Anh gạt vội nước mắt. Chung quanh lửa nhuộm đỏ một góc chân trời…
*
Ánh sáng đây rồi qua nhiều năm tạm vắng. Có kẻ cười như muốn ngất đi khi đôi chân run run được đặt trên lớp bụi mỏng của một hè phố thân thuộc…
Những tiếng động ồn ào,những âm thanh khác biệt lạ thường. Không còn tiếng rít của những chiếc máy bay đi gieo tang tóc, không còn những tràng đạn chát chúa phá rối bao giấc ngủ yên lành.
Anh qua các phố. Một bộ mặt mới đã trang hoàng cho thành phố Hà Nội trong thời đạn lửa. Ở đây thanh bình và lôi cuốn quá, lòng người chỉ những muốn sống nhanh, sống tận hưởng. Bước chân ngơ ngác bỗng trở thành ngây dại. Những mầu áo ở đâu mà lắm thế này và phấn son mê hoặc đến ghê người. Một cặp môi đỏ thắm đang đi trước bỗng quay ngay lại và hữu ý hay vô tình đã nhoẻn tặng anh một nụ cười rất bâng quơ. Anh nóng bừng bên tai nhưng vội nghiêm nét mặt quay đi trong một cử động dứt khoát. Anh rảo bước về căn nhà ở tạm.Và giở cuốn nhật ký ghi tiếp:
  “..Chiều nay, anh rùng mình bắt gặp một nụ cười rất xinh ngoài hè phố. Nhưng anh đã vội nhắm mắt quay đi. Nụ cười phấn son tuy mê hoặc nhưng đẹp đâu bằng nụ cười trinh trắng em tặng anh buổi nao bên bờ ao xóm Hạ. Em Thơ ơi, em cứ yên tâm. Ánh sáng nơi đây dễ làm mê mẩn lòng người thực, nhưng riêng anh vẫn đủ bình tĩnh giữ lòng tỉnh táo và nguyên vẹn là của riêng em…”
Cuốn nhật ký mỗi buổi một dày đặc những lời nhớ nhung. Thêm đây những dòng anh đã ghi trong một buổi chiều thứ bẩy:
“ Em Thơ ơi! Hè phố Hà Nội đang vào hội một chiều nhàn rỗi, Các cửa hiệu đẹp như gương. Tiếng máy hát, tiếng radio, tiếng cười nói, tiếng bô bô ăn uống. Những tà áo nhởn nhơ bay lượn thung dung mang một sắc thái thanh bình đến tàn nhẫn. Từng cặp và từng đôi.Một đôi vợ chồng trẻ đi bên cạnh anh, đang thủ thỉ những lời âu yếm. Người vợ đã nũng nịu nép sát bên tay tình lang mà nói rằng:
-  Anh ơi đừng bao giờ xa em. Không có anh bên em, em sẽ không còn can đảm để sống! “
Tự nhiên, mấy câu nói tình tứ của cặp vợ chồng trẻ kia làm anh tối sầm cả mặt mũi. Phố xa, ô tô, xe đạp, tủ kính, tủ kính, mắt môi, từng ấy thứ đảo lộn múa rối tan biến trước mắt anh để rồi thoáng hiện lên một bờ tre xanh nhỏ bên cạnh dòng sông hiền hòa, và anh chỉ còn nhìn độc thấy một cô gái áo cánh lụa nâu non, nghiêng nghiêng vành nón đang nghỉ chân dưới bóng mát cây đa đầu làng.
Anh buồn thấm thía quay gót trở về. Em Thơ ơi, Hà Nội vui thật, nhưng vắng em
Anh chẳng thể truyền lây cái vui độc địa kia. Mà phân tích cho kỹ, cái vui ở đây vẫn giấu giếm đôi chút chi gượng gạo.Cái vui của cô gái điếm về già cố nở một nụ cười đón khách, cái vui của những đồng tiền, một bộ quần áo, một chức vị bám trên người. Đâu phải cái vui thanh thản,trong lành của chúng ta dưới bầu trời Thanh Nguyệt. Em yêu anh giữa cơn bệnh hoạn điêu linh, em yêu anh đôi bàn tay trắng với chiếc áo bạc màu rách vai…Em Thơ ơi! Bao giờ cho anh tạm ổn định cuộc sống nho nhỏ bên trong mảnh đất này – để lại quay về bên em bên bờ sông cho đúng lời thề nguyện:Lòng anh muôn thuở vẫn hướng về với trăng sao Thanh Nguyệt.
Thoạt đầu anh đã giữ lòng mình thản nhiên trước bao phù hoa, cám dỗ trong cái thành phố láo nháo Tây Tàu và nhà săm gái đĩ này. Anh tâm niệm đến bài thơ xóm giếng, đến bài ca hoài vọng đôi chim bay về tổ ấm, đến vuông lụa bạch thắm thiết đường chỉ xanh lam em trao tặng. Nhưng rồi dần dần, anh sợ hãi thấy mình bị kéo đi lôi cuốn mặc dù nhiều lúc muốn vùng chạy thoát ra. Cho đến một buổi, anh đã hốt hoảng hét lên thì cũng là lúc hình em chỉ còn là một cái bóng nhạt nhòa, đôi cánh tay chới với nhưng không tài nào nắm được.
Ngày ấy, danh vọng đã đến với anh không khó lắm. Anh lao đi mê muội và tối tăm hẳn. Tiền và chức vụ thường đi đôi với thứ cám dỗ đáng sợ nhất: người con gái hồ ly. Một buổi tối, xác thịt qua men rượu mạnh cảm thấy thao thức thèm một sự quằn quại đến tê điến của làn da, anh loạng choạng lao đến một nơi có nhiều đàn bà. Anh uống rượu đến nôn ọe cả ra người chúng nó, anh chửi chúng nó là đồ phản bội, những hạng con Mai, con Vy.
Vậy mà chẳng đứa nào dám giận. Trái lại, chúng nó càng xúm lấy anh phỉnh phờ ve vuốt. Chúng khen anh tài ba như một vị tướng quốc, đẹp trai như một ông hoàng, lịch sự như một người tình lang thời cổ. Có một buổi giữa lúc chúng đang dằn ngửa anh ra để đổ rượu vào mồm, một đứa con gai mắt sắc như lửa đã vô tình nhặt được vuông lụa rơi từ áo anh xuống nệm. Nó nhìn qua đọc, rồi bĩu môi:
“ Cái cô này của anh hẳn là phải đẹp lắm nhỉ. Tình anh có vẻ tiểu thuyết lắm. Chị ấy giờ ở đâu anh giới thiệu cho chúng em đến chào “.
Anh còn nhớ ngay lúc đó anh đã tặng cho đứa con gái vừa nói câu kia một cái tát cháy má.
“ Con khốn mày im ngay. Những hạng bẩn thỉu như chúng mày không được phép nói đến tên nàng “.
A kể ra anh cũng đã mạnh mẽ lắm đấy nhỉ. Anh vẫn còn nhớ đến em tuy đang nằm giữa lũ đàn bà nhầy nhụa kia. Ai ngờ về sau,anh đã hèn đớn đến mất hẳn hồn.
Cái kẻ đã hút hồn anh là một đứa con gái mang cái tên rờn rợn: Nguyễn Thương. Nhan sắc nó còn đáng sợ hơn cả cái tên. Cặp mắt huyền bí thăm thẳm là chỗ chôn vùi bao kẻ dại khờ.Đôi môi ươn ướt như hoen máu đã từng gây ra những chuyện đâm chém thương tâm.Cánh tay nó dài tựa đuôi rắn đã từng giằng cướp bao người đàn ông ngoan của những mái nhà lương thiện.Và bộ ngực, chao ôi bộ ngực của nó là hiện thân của sự sa ngã, sự đầy đọa, sự tàn phá yểu non.   
Bao nhiêu kẻ đã từng đốt cháy cơ nghiệp để đuổi theo ở nó một nụ cười,nhưng chỉ nhận được những kết quả phũ phàng.Tiếng cười của nó như xé ruột. Những gã đàn ông ngã vào tay nó,điêu đứng khổ sở vì vẫn chưa lần nào hân hạnh được tìm kiếm một chút ân tình trên cặp môi đỏ như màu máu kia. Vậy mà lần đầu tiên, nó dành cho anh tất cả cái vinh dự lớn lao.Anh gặp nó trong một bàn rượu hỗn tạp trong một đêm giá rét. Anh chú ý ngay đến nó bởi vì thấy nó được cả bàn tiệc chú ý nịnh nọt. Rượu ngà say, nhiều kẻ lịch sự nghiêng mình đến mời nó nhẩy. Nhưng nó lắc đầu nguầy nguậy trong một dáng vẻ đài các hết sức. Đến lượt anh, anh tiến đến trước mặt nó.Mắt nó thôi miên anh, nhưng anh không rùng mình. Nó mỉm cười đứng lên, lẳng lơ hết sức:
- Anh là một người đàn ông khác thường. Anh đã chế ngự được em.
Anh đỡ ngang lưng nó:
- Chỉ vì xưa nay anh chưa hề phải làm tôi tớ cho bất kỳ một nhan sắc nào.
Nó càng tình tứ thêm:
- Và có lẽ chỉ đàn bà làm nô lệ cho anh.
Điệu nhảy dứt, anh đưa nó trở về bàn. Anh hôn lên đôi môi mọng đỏ của nó. Nó không kháng cự chỉ khẽ thở dài. Lần đầu tiên, một chuyện phi thường xảy ra trên đất Hà Nội vàng son, ồn ào trong những kẻ dư dật nhàn rỗi. Nguyễn Thương đã không từ chối nụ hôn của một gã đàn ông xa lạ. Đêm hôm đó anh dẫn ô tô đưa nó về nhà. Chỗ nó ở là một biệt thự ba tầng nguy nga kín đáo càng như làm tăng thêm cuộc sống kiêu của nó. Nó khép cánh cổng sắt dây xích loảng xoảng còn gửi lại một mùi phấn son ngây ngất và nó dặn anh rằng:
-  Mai, anh sẽ lại đến thăm em nhé.
Đêm hôm ấy về nhà thú thực anh đã có nhiều tư tưởng tội lỗi với em.
Nguyễn Thương đẹp nồng đắm, làm say người hơn say rượu. Nó có đủ mánh khóe để thu phục bất cứ gã đàn ông nào. Với anh ngang ngạnh, nó chịu ép bề lúc đầu chiều chuộng anh như như một kẻ tôi mọi- nhưng đến khi tin chắc vê tròn cuộc đời anh trong tay nó, nó thay đổi hẳn chiến lược. Đang là kẻ tôi mọi, nó nhẩy hẳn lên địa vị bà chúa.Và từ sự phục tòng, nó tung ra các lệnh chỉ huy. Một đêm, nó chuốc rượu cho anh đến say khướt nằm mềm nhũn trong lòng nó,nó bỗng tò mò đến vuông lụa thêu thơ. Nó hỏi anh rằng:
-  Ai đã thêu cho anh vuông lụa này?
Anh líu lưỡi trả lời nó:
-  Một người tình duy nhất của anh. Người con gái đáng kính mà cả cuộc đời anh sẽ luôn chân thành ngưỡng vọng.
Nó nhếch mép không nói gì.Rồi “soạt” nó giơ tay xé rách đôi vuông lụa, vứt xuống đất, gót chân tàn nhẫn dẫm lên. Tuy hơi rượu lúc đó làm anh choáng váng nhưng anh vẫn đủ tỉnh táo để toan dọn một sự phản đối dữ dội. Nó lạnh lùng bảo anh:
  -  Em xé đi cho anh đỡ bận. Anh đừng vội đỏ mặt.Em tin chắc không có sự gì khuấy động sâu xa trong anh đâu.
Nó đã đánh đúng tâm lý anh. Quả nhiên anh chỉ khẽ thở dài, ngả đầu trên bộ ngực nõn nà của nó mà nói rằng:
-  Thôi thì em xé cũng được. Anh sẽ có lỗi nếu nằm bên cạnh em mà còn lưu giữ cái kỷ niệm trẻ con kia.
*
Anh văng mình đuổi theo tiếng cười của Nguyễn Thương.Anh gào thét như ma quỷ tại tất cả những nơi có ánh đèn và tiếng kèn dâm dật. Anh cười ngạo nghễ vứt từng nắm giấy bạc vào mặt tụi con gái để được nghe chúng gọi là “Ông Hoàng”là “ Người tình phong nhã của thời đại “và để nhận nhưng tia ánh mắt thèm khát của Nguyễn Thương. Hình ảnh đôi ngày gian truân xui anh sống vội vàng, cuống quýt để tận hưởng, để tìm những sự ve vuốt rợn người cho làn da.Những cặp mắt bén như lửa, những đôi môi rẫy rụa bỏng cháy, những màu áo chói chang làm anh mê đi và quên hết. Đồng lúa Thanh Nguyệt bao dung, trăng sao Thanh Nguyệt vằng vặc, em Thơ đôi mắt dịu hiền sầu tư năm tháng chỉ còn là những hình ảnh quá khứ xa xăm.
Thêm vào đấy Nguyễn Thương ám ảnh hơn mọi sức mạnh độc tài. Nó đã thu phục anh  như một thầy tu cai quản đứa con chiên. Mỗi lệnh của nó đưa ra, anh chỉ biết nhắm mắt thi hành. Hàng ngày, tay anh cung kính dâng cho nó những cuộn giấy bạc. Nó cười như thủy tinh vỡ và có lần để trêu tức anh, nó đã xé tan vụn những tờ giấy bạc anh chân thành biếu nó vứt lả tả trước mặt anh. Nó bảo anh thế này:
-  Em yêu quý anh bằng một tấm lòng chứ anh đừng tưởng những tờ giấy bạc này đã chinh phục được em đâu.
Nó yêu quái hơn cả loài yêu quái. Em Thơ ơi. Anh chỉ là một kiếp người đáng thương làm sao mà đủ đứng vững trước loài yêu quái đó. Cho nên anh đã có tội với em. Anh không còn một phút rảnh rang nào để nghĩ đến em. Và anh cũng đã hèn đớn đếnmức không còn dám nhắc đến em trước mặt Nguyễn Thương nữa, sợ nó giận. Mộ cơn giận của nó dù anh kiếm hết bạc vàng trên trái đất này cũng khó mà chuộc lại được. Có lần chỉ vì một cái cau mày của nó đã làm anh sầu não đến hàng tháng trời. Đã bảo: nó như bà công chúa, anh chỉ là một tên tôi mọi đáng thương.
Nhưng cũng đôi khi, từ giã cái thân hình hồ ly của nó để trở về vào một lúc tỉnh hơi rượu giữa đêm khuya vắng, anh đã rùng mình thấy thoáng hiện hình ảnh em. Đôi mắt sầu tư bên bậc cửa ngôi nhà rêu phong cổ kính chắc giờ đây càng sầu tư lắm. Lời ca hoài vọng tình chim có còn vẳng lên chiều chiều hay chỉ còn là tiếng khắc khoải buồn thương? Khóm tre Thanh Nguyệt vẫn tươi xanh ru tiếng sáo diều hay đã chịu tơi bời đạn lửa như bao xóm quê hiền hậu khác? Dòng sông Thanh Nguyệt vẫn tinh khiết bên giọng đò đưa hay đã hoen ố tanh tưởi máu thù và xác chết. 
Những cuộn giấy bạc anh dâng cho Nguyễn Thương nhiều khi còn dây cả vết máu, vậy mà nó vẫn cầm lấy không ghê tay chút nào. Anh nhắm mắt và phỉ nhổ cả lương tâm để làm vui lòng nó. Nhưng có một đêm mưa gió kia, anh bỗng thét lên giữa cơn mơ ngủ. Anh vừa qua một giấc mơ kinh khủng quá. Anh thấy mình đang lạc bước trên một con đường dài thăm thẳm và úng ngập dưới một nền trời ma quỷ, mây đen vẩn lên những hình thù quái dị. Hai bên đường là khúc sông to nước đen xám như chì, gió cựa mình rũ rượi, dưới sông lúc nhúc những con cá sấu đang há bộ răng nhọn hoắt nhìn anh hau háu vẻ đợi chờ. Hình như lúc đó trong túi anh cũng trụi hết cả đồng bạc cuối cùng, chứng cớ là chiếc áo anh mặc cũng rách bươm cả vai, anh đi như một kẻ mất trí, tính toán lo âu. Bỗng nhiên xung quanh anh nổi lên những tiếng cười tiếng rú lạnh tanh. Anh bàng hoàng dừng lại thì bốn phía trước mặt sau lưng hiện ra những bộ xương người trắng toát trong tay sáng loáng những chiếc lưỡi liềm rung rung. Tự những bộ xương ấy bật ra những tràng cười khanh khách oán thù “Đền mạng tao đây, Đền mạng tao đây”.Những lưỡi liềm lạnh hơn ánh trăng vung lên và anh lảo đảo quỵ xuống. Chợt anh kêu rú lên một tiếng nhận thấy giữa những bộ xương người kia, một nét mặt xanh tái đau khổ đang lặng lẽ nhìn anh. Nét mặt đó, anh không thể quên- mẹ anh: bà Ấm Duy. Anh lê đến chân người xin người che chở, nhưng người buồn bã lẽ lắc đầu mà rằng:
-  Mẹ thương con quá, nhưng tội con ở trên trần qúa nặng. Bao oan hồn oán con. Không nói những kẻ đã chết xuống đây, ngay cả bao người còn sống quanh con cũng đang chất nặng sự căm thù với con. Mẹ thương con,nhưng giờ đây họ đồng lòng đòi đền mạng, mẹ ngăn làm sao nổi?
Anh sợ hãi vừa khóc lóc thì một lưỡi hái vung lên chém sạt ngang cổ anh, rồi cả người anh bị hất xuống vực sâu thẳm nước tanh tưởi đục ngầu mầu chì có đàn cá sấu đang hau háu chờ mồi. Anh rú lên, tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi, sờ bên cổ như còn hiện một đường hằn thật. Sợ hãi, anh chồm dậy ra  bật đèn soi trước tấm gương lớn. Anh muốn rên lên một tiếng, che kín mặt để khỏi phải nhận rõ mình nữa. Trời ơi, trông mặt anh rõ là một kẻ sát nhân. Đâu rồi gã thư sinh dưới mái trường Trung học từng có đôi mắt hiền hiền ngơ ngác,những cử động e ấp dụt dè ? Hình ảnh anh giờ đây: tóc rối bù, mắt đỏ ngầu,mặt răn rúm dữ tợn vì tội ác. Và máu, chỗ nào anh cũng thấy máu. Máu bê bết ở tay, máu dây đầy ở áo, ở người. Máu nhảy múa trên tường, dưới chân. Máu ứ đọng cả trong tấm gương đối diện. Rồi những vệt máu kết lại thành một tiếng cười khanh khách đòi đền mạng.
Anh gục đầu vào thành giường nức nở.
Ngày hôm sau như thường lệ, anh nhận được khẩu súng và một lệnh truyền. Nhưng khác hẳn mọi lần, anh uể oải lắc đầu. Kẻ truyền lệnh nhìn anh cười mỉa:
-  Anh hẳn giàu rồi không cần tiền nữa?
Anh cương quyết lắc đầu:
- Tiền vẫn cần nhưng tôi thấy sợ.
Rồi sau cái bắt tay từ giã anh thấy lòng nhẹ hẳn đi. Anh đem chuyện ấy kể với Nguyễn Thương. Sắc mặt nó kém hẳn vui.Trong tiệc rượu hôm ấy, nó không còn cười xé ruột. Nó chuốc anh uống say,nhưng lúc anh muốn làm quỷ sứ đi kiếm mồi thì nó quay mặt lảng đi. Những ngày hôm sau nữa, anh đau khổ tìm đến nó. Nó lãnh đạm hẳn với anh. Anh sợ hãi quỳ dưới chân nó khóc lóc:
-  Nguyễn Thương ơi! Em đừng bỏ anh. Vì em, anh đã gây ra bao nhiêu tội lỗi. Vì em anh đã bán rẻ tất cả danh dự và lương tâm, bị bao người nguyền rủa xa lánh. Hiện giờ anh mất hết cả rồi, chỉ còn mình em. Em nỡ nào từ chối anh tội nghiệp. Anh van em đấy,Nguyễn Thương…
Nhưng nó nhếch môi cười khinh rất khinh bạc và nói thẳng vào mặt anh rằng:
- Anh Minh. Anh quên rằng Nguyễn Thương xưa nay chỉ sống bằng sự cung phụng của người đời đó sao? Và đừng tìm ở tôi một cái gì vĩnh cửu. Tất cả chỉ là phù du thôi. Minh còn lạ gì, ngay cuộc sống hiện tại cũng chỉ là tạm thời nữa là. Một trái bom rơi, một phát súng nổ, tất cả đều trở về cát bụi, nghĩa lý gì đâu.
Rồi nó đài các lui vào buồng trong không tiếp anh nữa. Đêm hôm ấy trở về, anh khóc như một kẻ chưa từng được khóc. Nguyễn Thương với lối quyến rũ yêu ma đã hoàn toàn vê tròn cuộc đời anh trong đôi tay nó.Anh muốn làm vui lòng nó. Anh muốn có tiền. Nhưng nghĩ đến máu, đến giấc mơ khủng khiếp trong đó có cặp mắt buồn buồn của mẹ anh, anh lại thấy sợ. Không chiều được nó mà anh vẫn không thể xa được nó. Cho nên, anh lại cuồng lên tìm đến nó vào một buổi tối khác. Nhưng đến nơi, anh tái người tưởng như trái đất đang nổ tan ra thành từng mảnh vụn. Cũng cái bàn rượu kia, nhưng lần này, Nguyễn thương đang cười bỏng cháy trong tay gã đàn ông khác mắt xanh như mắt mèo và bộ mặt lạnh hơn cả lưỡi hái của Tử thần mà anh từng gặp trong cơn ác mộng. Anh thấy nghẹn uất đến cổ họng, anh chồm lên hét to: “ Nguyễn Thương! sao cô có thể  bẩn thỉu một cách ghê tởm đến thế!”
Trông thấy anh, nó nhíu đôi lông mày lộ vẻ khó chịu. Nó nói nhỏ gì bên tai gã đàn ông mắt xanh cú mèo. Gã này trừng trừng nhìn anh mà nói rằng:
-  Nguyễn Thương là người tình của tôi. Tôi cấm anh đến đây gây chuyện phá rối để làm phiền nàng.
Anh lắp bắp mắng lại thì gã đàn ông hất mạnh cả chén rượu vào mặt anh. Anh xông đến thì hắn đứng lên rút ra khẩu súng đen sì.
-  Nếu anh tiến thêm một bước thì tinh mệnh anh sẽ không còn. Vì tôi có đủ quyền để nếu cần hạ sát ngay một kẻ địch trước mặt.
Nó dùng sức mạnh để khống chế anh, vậy mà anh phải lui lúc ấy. Lui với một sự cay đắng chưa từng có trong đời. Âu cũng là luật quả báo phải không em. Xưa nay anh vẫn quen dùng sức mạnh để đe nẹt người hiền thì lúc này nếu có kẻ khác dùng vũ lực làm nhục anh ngẫm ra cũng chỉ là luật quả báo tất nhiên.
Lòng tơi bời tan nát, anh lảo đảo trở về. Đêm hôm đó, đêm sầu hận nhất trong cuộc đời – anh đã thức trắng không ngủ. Để nốc cạn những chai rượu đầy. Để khóc ướt đẫm cả mấy chiếc gối bông. Và để đập phá nguyền rủa như một kẻ cùng độ mất trí. Rồi anh lịm đi trong những giòng lệ chát.
Nhưng nửa đêm hơi rượu vừa độ tan thì anh cũng mệt mỏi thức dậy. Chung quanh vắng như một hồn gió mưa, anh gối đầu lên tay ngẫm nghĩ. Và trời ơi đến lúc ấy thì Lòng Thiện qua bao nhiêu ngày bị che lấp mới trở về cùng anh, ngượng nghịu bẽn lẽn.
Sự thức tỉnh của bản ngã thường bắt người ta tính toán lại sổ đời một cách chặt chẽ hơn,công bằng hơn để ăn năn hay hối hận. Và cũng chỉ khi cảm thấy bơ vơ lạc lõng với hiện tại quanh mình, người ta mới hay xui ý nghĩ tìm lại những kỷ niệm xưa cũ để bấu víu an ủi. Hỡi ơi, đến lúc bị ruồng bỏ tan nát nhất, anh mới kịp nghĩ trên dời này còn có em, còn có một cặp mắt sầu tư ngày đêm ngóng đợi tin anh bên dòng sông nhỏ. Lòng anh rung động như muốn làm vỡ tung cả cơ thể. Đến lúc ấy anh mới kịp nhớ ra rằng đồng lúa Thanh Nguyệt đã từng cứu sống anh, trăng sao Thanh Nguyệt đã từng ban phúc lành cho đời anh, và hỡi ơi cả cỏ cây Thanh Nguyệt đã từng chứng kiến lời thề giữa một cảnh ly biệt có bóng tối, có lửa hờn và giọt nước mắt mặn đau.
Trời ơi, đã mấy năm rồi anh đoạn tuyệt với mọi tin tức nơi xa. Anh đã sống như một kẻ vô loài. Càng nghĩ anh càng nguyền rủa anh hết lời. Anh kinh tởm nghĩ đến Nguyễn Thương. Vì con yêu quái đó mà đời anh thành nhơ nhớp thế này, anh đã gây ra bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu hờn oán kể cả với em.
Lòng anh thức tỉnh bỗng lại đẹp lên một cách lạ lùng. Em Thơ ơi, anh chỉ tiếc không có cánh bay về Thanh Nguyệt ngay lúc đó để quỳ dưới chân em. Anh sẽ nói nhiều, nói nhiều. Anh sẽ lau khô giọt nước mắt cho em tủi cực trong bao nhiêu ngày tháng. Anh sẽ ân cần đi thăm lại hết xóm giềng Thanh Nguyệt, hôn từng bụi cỏ nhánh cây. Anh sẽ dẫn em ra ngồi bên bờ giếng đầu làng, lên ngôi chùa cổ để ôn lại những kỷ niệm tâm tình cũ. Anh sẽ nói những lời hết sức chân thành tha thiết để xin lỗi em. Chắc rồi em tuy giận nhiều thật đấy, nhưng sẵn tấm lòng hồn hậu bao dung, em cũng sẽ gật đầu tha thứ cho anh. Chúng ta sẽ lại cùng nhau bắt đầu tạo lập một cuộc sống khác. Anh sẽ đem mồ hôi và sức làm việc để đổi lấy bát cơm lương thiện chứ không bằng những sức mạnh bạo tàn hăm dọa.
Chân lý Hạnh Phúc qua những phút đau xé lòng anh đã nhận ra rồi. Không phải ở vàng son lộng lẫy mà chính ở sức truyền cảm da diết của đôi linh hồn, đôi trái tim.
Em Thơ ơi! Đêm nay em có nghĩ đến anh nhiều như anh đã nghĩ về em …
*
 Một ngày sau, một chiếc xe hàng đưa anh về thăm cảnh cũ. Vẫn con đường đất đỏ tươi thân mật, chân anh dẫm lên mà lòng còn ngỡ ngàng tưởng như xa lạ. Mỗi một bước chân rảo mau về khóm tre xa càng làm lòng anh nôn nao như muốn vỡ.
Anh sẽ nói gì phút gặp em đây? Và em, em sẽ kêu cái tiếng nào sửng sốt nhất, sung sướng nhất, bất ngờ nhất để để đón anh khi nghe động cánh cổng? Hay em sẽ lạnh lùng quay mặt đi vì hờn giận chưa nguôi để bắt anh phải nói nhiều, cuống quýt khổ sở mãi mới đem những lời mỉa mai tặng lại?
Đây rồi dòng sông chúng ta vẫn thường chở thuyền đếm nhẩm từng cánh chim bay trong bóng chiều đổ xuống. Đây bụi tre khô sắc, nơi mà giọt máu hồng của em đã thấm sang anh trong sự nhắc nhở của trẻ già Thanh Nguyệt. Và đây nữa, lối đi vào làng mạch đất tiềm tàng đỏ nâu. Rồi bờ giếng, rồi bờ ao rồi rặng hoa dâm bụt, rồi mái đình rồi đây nữa lối nhỏ rẽ ngoặt dẫn đến nhà em. Cảnh cũ vẫn quen thuộc quá chừng, nhưng một vẻ gì lạnh lẽo như đang bao trùm ở đây. Tiếng trẻ thơ không còn thấy cười vang bên xóm giếng, mà đường làng cũng thưa thớt bóng người đi. Từng lá tre khô rơi vật vờ trên nền cỏ xui lòng anh lo ngại một cách vẩn vơ. Linh tính như mách bảo: ở đây trong thời gian anh đi vắng đã xảy ra nhiều sự đổi thay, những sự đổi thay làm não lòng người. Nhà em đây rồi,ngôi nhà xinh xinh mái ngói phủ rêu xanh đẹp như cả một chân tình. Không kìm được bước chân, anh lao qua chiếc cổng gạch rú lên:  “ Em Thơ! “
Anh chờ đợi một tiếng kêu sững sờ thứ hai,nhưng trong đây sự hiu vắng đang làm lạnh người. Tiếng gà tiếng chó im bặt cả, mà cả em Thơ, người em gái muôn đời sầu nhớ của anh cũng chạy đâu rồi? Anh hoang mang quay ra thì gặp vị lão già có mái tóc bạc phơ  như cước. Anh hỏi thăm tin em, tự nhận là một người quen biết. Qua cái hình thế bên ngoài hoàn toàn đổi khác, vị lão già đáng kính kia không ngờ được rằng kẻ đang tò mò hỏi câu chuyện có hòa nước mắt kia lại chính là kẻ đã gây nước mắt cho câu chuyện. Cụ khẽ kéo thấp cái kính lão, giọng ngậm ngùi xa vắng ôn lại câu chuyện cũ từng làm cụ đau xót như chính một tuổi xuân xanh:
“ Ông hỏi cô Thơ à …Muộn quá rồi. Cô ta đã trẫm mình ở khúc sông kia …
Cách đây,ông để tôi nhớ xem nào, phải rồi cáh đây chừng năm năm,làng Thanh Nguyệt đã có một câu chuyện tình khá gọi là thơ mộng và..ồn ào. Nhưng mà người con gái đã … “
Anh hét lên, bủn rủn cả chân tay vì tin tang tóc đột ngột quá. Em Thơ ơi! Em chết rồi ư? Có lẽ nào kẻ đáng chết nhiều phải là anh mà vẫn ngang nhiên sống  đây, còn em hiền như thế, giời nỡ nào bắt em yểu mệnh? Nhưng thực sự, em đã chết rồi, chết hờn oán,ẩn ức mà kẻ thủ phạm vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Anh đã gây ra cái chết sầu thảm kia. Em Thơ ơi! đợi anh dưới đấy cho anh gặp em, cho anh cầu lời tha thứ, cho anh rửa hết tội ác dằng dặc này.
Nhưng dòng nước chưa dung thứ tội ác cho anh. Người ta vớt anh lên, bắt anh sống mãi để mà nghe lòng sám hối gặm nhấm từng giây phút còn lại của cuộc đời. Đó là một trừng phạt ghê gớm nhất, quằn quại nhất hơn cả mọi cực hình tra tấn mọi bản án nặng nề.
Em Thơ ơi!
Anh muốn điên lên mất. Mực, nước mắt và máu hận như quện lấy nhau, quay cuồng múa rối trước mắt anh để hét lên những tiếng kinh khủng” Mày giết người! mày giết người! “ Anh hốt hoảng bỏ chạy,chúng vùng đuổi theo anh, riết chặt lấy tay anh, cười sằng sặc rãy rụa như quỷ oán,người hờn, như tiếng giận dữ của đất trời chuyển động, như tiếng rền rĩ của thân người bị tre nứa vuốt. Chúng trỏ mặt anh bảo rằng:” Mày giết người! mày giết người! “,
Anh càng bỏ chạy chúng càng đuổi theo. Sợ quá, không tài nào xua đi được…
Chúng bám lấy anh suốt ngày đêm lúc ăn ngủ đi đứng hay nằm ngồi nghỉ ngơi. Anh van lậy chúng cũng không tha. Anh nổi khùng vác dao chém lại, chúng lại càng cười sằng sặc ghê rợn:
Mày giết người! mày giết người! “
Em Thơ ơi!
Làm sao đây để trốn nổi cái hình phạt độc địa nhất của lòng sám hối đang giết dần mảnh đời u uất vì tội lỗi này.
Vũ Minh
Viết xong 28/4/1952

Xem Tiếp: ----