một thế giới nhỏ, tôi có Chi. Tôi thấy tôi dại như một con nai, dẫm chân ngơ ngác trên miền cỏ non. Buổi chiều khi tôi đứng trên một ngọn đồi và chụm tay gọi Chi. Chi đến với tôi, với chiếc áo choàng xám, chiếc khăn cũng xám quàng quanh cổ. Có lẽ vào mùa thu ở torng khu rừng này, tôi thấy những thân cây gầy trơ trụi lá đứng chụm bên nhau. Các cành nhỏ ôm lấy nhau trông càng buồn. Trời có sương nên vương những dải mây trôi thấp, tưởng như vừa tầm trên đầu những ngọn cây. Tôi chỉ cho Chi xem, ở đằng xa kia, nơi mà tôi và Chi đang đi tới, nơi đó có một dòng sông, dòng sông thật nhỏ để vừa vặn một con thuyền, khéo bước thật nhẹ xuống không thì thuyền chìm. Chi ngoan ngoãn đi bên tôi và thỉnh thoảng cô bé ngước nhìn trời.- Thật không anh?- Thật đó, Chi có nhớ chuyện Cô Bé Tí Tẹo ngồi trên lá sen rồi có hai con bướm kéo đi không?- Có anh ạ. Như thế thì phải bé tí bằng ngón tay và nhẹ như hơi gió ấy nhỉ.Chi lại ngước nhìn trời, đôi mắt sáng như lúc cô bé quỳ cầu nguyện:- Anh ạ.- Gì hở Chi?- Chi có thể bé tí lại được.Tôi cũng nhìn theo cô bé:- Thật hở?- Thật anh ạ. Chi có đôi cánh nữa, và Chi biết bay.Một chợp mắt nhẹ nhàng, tôi quay lại và Chi biến đâu mất. Tôi ngửa mặt lên trời, chỉ thấy một con chim trắng xoải cánh bay, xa dần tôi, bé tí và lẫn vào màu mây.Chi níu chặt lấy tay tôi:- Anh Huy hay nghĩ thế lắm nhé. Anh thấy ngọn tháp nhà thờ kia không anh, giống trong bức tranh anh vẽ quá nhỉ.Tôi và Chi đan tay đi bên nhau ngoan lắm. Tôi nhớ tới hình ảnh con bé Cibel và anh chàng Vincent, người lính không quân trong phim “Les dimanches de la ville D’Avray”. Con bé đứng chưa tới vai anh ta. Hai người dẫn nhau đi dạo trong khu rừng mùa đông, đầy sương mù. Tôi nhớ đôi mắt Cibel tròn sáng như hai viên bi thủy tinh xanh lơ hồn nhiên. Đôi mắt thủy tinh ấy, khi cô bé đỡ lấy ly sâm banh trên tay Vincent:- Anh à, anh quên rằng em chỉ thích những bọt rượu sâm-banh không thôi.Tôi không quên, còn có mẹ Anh Chi nhắc tôi. Tôi chưa cho Anh Chi nhấp rượu, tôi cũng chưa để Anh Chi ngửi men say. Mà dù cho nhìn thấy rượu, chắc Chi cũng chỉ nói như cô bé Cibel, em chỉ thích nhìn bọt rượu không thôi.Trong thương yêu, bao giờ người ta cũng tìm đem nhau đến một thế giới riêng, ở một lâu đài nhiều tầng cao ngất, người ta bắt đầu xây mộng ước và lập nghiệp. Quê hương của tôi và Chi quá nhỏ bé, ngây dại như một bãi cỏ. Nhưng bầu trời thì lại quá bao la để đủ cho tôi và Chi ngơ ngác.- Chi nói với mẹ rồi, bao giờ anh Huy đi lễ với Chi nhé.-...- Nhé.- Ừ.- Anh ừ thật hở?- Anh nói thật.- Anh còn sợ nữa thôi?- Hết rồi.- Thật nhé.- Anh nói thật.- Chi sẽ dẫn anh Huy đi nhà thờ với Chi. Anh Huy và Chi sẽ quỳ chung một ghế. Chi sẽ dạy anh Huy cầu nguyện.- Cầu nguyện là làm sao hở Chi?- Như Chi nè anh.Chi đan mười đầu ngón tay lại, chấp ở trước ngực và ngước lên trời cao.- Như thế anh cũng biết cầu nguyện nữa.Tôi học theo Chi, hai đứa chúng tôi đang đứng trên một ngọn đồi thấp, gió lạnh làm tôi và Chi phải đứng nép bên nhau, cùng ngước mắt lên thật cao.- Anh thấy gì không anh?- Có.- Anh thấy gì ạ?- Mây.- Mây thôi hở anh?- Và một con chim trắng đang bay nữa.- Anh hãy cầu nguyện đi.- Anh không biết.- Anh hãy nói hết những gì anh nghĩ, anh ao ước.- Anh sợ lắm. Anh sợ người ta nghe thấy.- Anh nói nhỏ, thật nhỏ thôi.- Như người nói thầm ấy hở?- Ừ! Và thầm như chả nói bằng môi nữa cơ.Tôi nhìn lại Chi:- Anh biết cầu nguyện như thế lâu rồi Chi ạ.- Vậy anh hãy cầu nguyện đi.Chi ngả mái tóc lên vai tôi. Trong buổi chiều êm ả, gió đến ve vãn trong những lời tôi cầu nguyện. Lời nguyện của tôi thật bé nhỏ và dại khờ như một đứa trẻ. Vâng. Chi vẫn nhỏ và tôi vẫn dại. Tôi cầu nguyện cho Chi được bé nhỏ mãi để Chi ở mãi bên tôi. Và tôi cứ dại dột bỏ những bài học, bỏ những bài toán dở dang để đi dưới hai hàng me vụng dại trước cửa nhà Anh Chi mỗi chiều mỗi sáng. Và lúc trở về thì bâng khuâng.- Chi ơi!- Gì hở anh?- Anh sợ anh nói nhỏ, mà Trời thì cao quá, làm sao Trời có thể nghe được tiếng anh.- Không lo anh ạ. Anh chưa thưa, Trời đã biết những điều trong ý nghĩ của anh rồi.Tôi giật mình. Ai mà hiểu được trong ý nghĩ của tôi. Tôi lo lắng như người phạm lỗi. Lạy Trời cho mẹ Anh Chi đừng biết tôi nghĩ gì.Nhưng mẹ Anh Chi đang đứng ở trước mặt tôi. Vẫn khuôn mặt dịu dàng bình thường, chỉ riêng trong ánh mắt bà, tôi biết bà muốn trách tôi:- Em Huy à, em đừng dắt em Chi đi xa quá nhé. Nhỡ lạc mất, sao tìm ra lối về.Tôi bỏ Chi đứng với mẹ và vụt chạy xuống dốc đồi thật nhanh như người hoảng hốt. Chạy thật xa, khi không còn nhìn thấy ai nữa thì tôi ngồi một mình tôi khóc, vu vơ.Tôi tưởng như tôi giận Chi thật. Mấy ngày tôi không sang nhà Chi, không chỉ cho cô bé làm luận, làm toán. Thật là vu vơ quá. Ai bảo Chi cứ rủ tôi đi nhà thờ, rồi Chi giận dỗi, Chi nhắc tới Quỳnh. Tôi không ngờ. Chỉ một lần tôi kể cho Chi nghe, trên con đường tôi ở có một ngôi nhà, trước cửa có hai cây hoa đại lớn, nhiều bông. Đó là nhà của Quỳnh, cô học trò đệ tam học gần trường tôi. Tôi khen: Quỳnh có tóc dài tới vai, dễ thương lắm cơ. Và Chi nhớ lâu như thế. Tôi không ngờ. Chắc Chi giận tôi. Chả biết mấy hôm nay cô ấy có chịu học bài không, có khỏi khóc không. Tôi sợ đôi mắt của mẹ Chi nhìn tôi trách móc lắm. Nhưng chưa lần nào bà nhìn tôi thế. Chắc tôi sẽ phải cúi mặt, không thì xô cổng mà chạy về.Buổi chiều thứ năm chả biết nghĩ ngợi thế nào rồi bước chân của tôi lại lạc tới nhà Anh Chi. Tôi đứng ở cổng lâu lắm, tay vịn lấy những thanh sắt, đã định gọi cửa mấy lần nhưng tôi vẫn đứng mãi vậy. Cho đến khi mẹ Anh Chi ra mở cổng cho tôi. Bà bảo:- Tôi chỉ lo em đau thôi. Có phải em giận Chi không?Tôi lắc đầu. Có em Chi giận cháu thì có. Chi nhảy chân chim trên những bậc thang xuống với tôi. Cô bé cười. May quá, mắt Chi chưa lạ. Chắc Chi không giận tôi đâu.- Chi có một bài toán, một bài luận văn đang đợi anh Huy.- Chỉ có bài toán với bài luận văn thôi à?- Cả... Chi nữa.Cô học trò bé nhỏ của tôi dắt tay tôi bước vào phòng học. Cô bé ngoan ngoãn nghe tôi giảng bài, không biết lơ đãng, không biết mơ mộng vu vơ và nhất là không biết bỏ dở bài tập như tôi.- Chi sẽ làm xong bài luận văn vào buổi tối. Anh Huy biết, luận Chi “suya” lắm, chả bao giờ cô giáo dám chê cả.- Trái lại, hồi học lớp Chi anh dốt ghê. Luôn luôn ăn một cái “ba toong”.Chi trừng mắt:- Thầy giáo đánh anh à?- Không. Thầy giáo cho anh con số 1 dài như cái “ba toong”.Chi bịt lấy miệng mà cười. Cô bé thích chí chạy ra kể cả với mẹ. Chi mau quên thế đó. Buổi chiều hôm nay chắc đẹp, trời không mưa bất chợt ở đâu.Chi nói vọng sang phòng mẹ:- Mẹ ơi, tối nay mẹ cho con đi phố nhé.- Ừ.- Rồi ăn cơm gà nữa nha mẹ.- Ừ.- Cái gì mẹ cũng ừ hết vậy. Mẹ có bận không?- Ừ.Chi bấm tay tôi cười khúc khích:- Mẹ đang đọc sách anh ạ. Dạo này mẹ có vẻ bận lắm.Tôi chả hỏi Chi xem mẹ cô bé bận chuyện gì. Chi với tôi lên lầu chơi domino một lát, chán rồi lại đổi sang chơi đổ cá ngựa. Ngựa Chi về nhất cả bốn con. Tôi thua, nhưng tôi được nhìn Chi cười, hàm răng có chiếc răng khểnh làm tôi... thèm ngậm kẹo. Tôi ghét tôi, tại sao lại có lần tay tôi cầm điếu thuốc. Thuốc đắng miệng, khói cay mắt. Chi ơi, anh Huy không thích đâu.Chi xoay tít cái nệm ghế đàn, cô bé ngồi xuống ngoan như một con mèo. Những ngón tay nhỏ nhắn, mềm mại của cô bé đẹp với những phím ngà tươi vui. Chi đàn không hay bằng mẹ, nhưng Chi ngồi ở ghế đàn đẹp dáng hơn mẹ. Mẹ dạy Chi đàn từ năm sáu tuổi, từ năm bà hãy còn phải bế Chi lên ghế đàn, mười ngón tay bé bỏng của Chi chưa đủ làm những phím ngà rung lên rõ từng nốt. Chi bảo, mẹ yêu đàn như yêu Chi. Chiếc đàn là kỷ niệm của ba gửi mẹ. Ba tặng mẹ để kỷ niệm năm cưới đầu. Chiếc đàn có những phím hoàn toàn bằng ngà và, mẹ Chi bảo, tiếng đàn này buồn hơn bất cứ tiếng đàn của một chiếc đàn nào khác, nhất là những nốt đánh bằng những ngón trái.Một lần mẹ Anh Chi nói chuyện với tôi, bà ngồi ở ghế đàn và soi mình trên mặt gỗ huyền như đọng nước. Giọng bà buồn lắm:- Nhưng những người thích đi thì những ngón tay đan nhau không chắc em ạ, nên không giữ được nhau. Nhà tôi đi hoài...Và ông đã đi hoài trong cuộc đời bà. Mắt bà còn buồn hơn giọng nói:- Nhà tôi trẻ hơn tôi hai tuổi, em ạ. Bây giờ tôi mới biết như thế là quá trẻ. Quá trẻ để tôi không giữ được chân nhà tôi.Vì thế mỗi lần mẹ Chi đàn, tôi tưởng như bà đang đàn với kỷ niệm, hẳn là đẹp, nhưng là đẹp buồn, u ẩn. Chi mang nhiều dáng dấp của mẹ, nhất là những lúc ấy, tiếng đàn của Chi ngoan hơn và nhí nhảnh hơn thôi. Tôi yên lặng.Bỗng Chi ngừng đàn, cô bé xoay sang nói chuyện với tôi:- Chi chưa kể cho anh Huy nghe, ở trường Chi có một Sơ đàn harmonium dễ thương thật là dễ thương vậy đó. Nhất là những buổi chiều thứ năm chầu Thánh Thể, thế nào Chi cũng phải quỳ bằng được nơi hàng ghế bìa để... liếc Sơ đàn. Anh cứ thử tưởng tượng xem áo Sơ trắng nè, mũ Sơ trắng nè, da Sơ cũng trắng như tượng sáp vậy đó. Sơ lại đàn hay nữa. Hình như Sơ cũng “điều điệu” nữa anh Huy ạ. Hai tay Sơ đàn rất đều, nhưng thỉnh thoảng Sơ cứ hay ngước lên chớp chớp mắt như thế này nè...- Chi có tội rồi nhé.- Tội gì nào?- Hai tội lận. Tội bảo Sơ điệu với lại còn nhái lại Sơ nữa.Chi trề cái môi:- Thế mà cũng gọi là tội. Anh mới nhiều tội ấy.- Thí dụ...- Tội lười học nè. Tội giận Chi nè, tội đi trời mưa mà không mang áo mưa nè. Còn nhiều nữa cơ...Tôi yên lặng. Chi sợ làm tôi giận, cô bé vội gọi tên tôi thật to:- Anh Huy!Tôi không kịp nghĩ gì cả và Chi làm tôi cười:- Anh Huy nhìn Chi nhé.- Ừ.Chi nghiêm trang vuốt nhẹ những ngón tay trên hàng phím đàn. Những ngón tay tinh anh như những con sóc hay nhảy nhót và ngoan như những cây bạch lạp nhỏ.- Anh xem, Chi có thể làm Sơ được không hở?- Chi thích mặc áo trắng?- Có.- Thích đội mũ trắng?- Có.Tôi tưởng tượng ra Chi mặc áo trắng chùng tới gót, phủ luôn cả những ngón chân hồng. Và như thế thì người ta tưởng như là có thể bay được.- Chi bằng lòng ở một mình, không nhớ mẹ?Chi ngừng đàn đứng dậy đến chỗ tôi, nói thật khẽ:- Chuyện đó phải hỏi mẹ mới biết được.Mẹ Chi đứng ở cửa từ lâu thì phải. Bà cười nhẹ nhàng:- Chi bảo Chi là Sơ hở? Họa chăng nhà tu có cho Sơ... đi theo mẹ.Chi chạy lại chỗ mẹ đứng và ăn vạ:- Mẹ cứ hay... nói xấu con thôi. Mẹ còn nhớ hồi nãy con nói với mẹ gì không?- Chi sẽ làm Sơ.- Không phải, con nói hồi nãy mẹ ở dưới nhà cơ.- Mẹ quên rồi.- Con nói rằng tối nay mẹ cho con đi một vòng phố.-...- Rồi ăn cơm gà.Mẹ Chi nhìn Chi rồi nhìn tôi. Chi tinh ý lắm. Cô bé nghiêng đầu với tôi:- Anh Huy nhé.Tôi vờ như không biết:- Nhé gì mới được chứ?- Anh Huy đi phố với Chi.Tôi nhìn mẹ Chi thật nhanh. Bà cười. Thế là Chi có “quyền” với tôi:- Anh Huy không có ý kiến gì hết.Chi tíu tít chạy xuống dặn chị bếp rồi đi sửa soạn quần áo với mẹ.- Có chuyện gì là lỗi đổ lên đầu Chi hết đó nha.- Sao cơ ạ?- Anh chưa nói trước với chị Hà.- Khi về anh nói sau.- Anh chưa làm toán nữa.- Mai thưa với thầy giáo rằng hôm qua con mắc bận đi phố với em Chi.- Ăn “ba toong” ấy cô ạ. Không phải thầy giáo nào cũng dễ như thầy giáo của cô đâu.Cả ba cùng cười. Mẹ Chi lái chiếc xe vào hẳn lòng phố.