Trích trong tập truyện ngắn Bóng Đè

     ến cao trào, động đất, lốc xoáy vờn quanh mỏng nhẹ như cánh chim chao, đột nhiên tôi đẩy anh ra. “Anh phải bảo vệ, em để sẵn dưới gối ấy”. Đôi tay rắn chắc của anh khựng lại. “Em mới qua được hai hôm, đây là ngày an toàn mà Thy”. Anh đáng yêu thật, nhớ chính xác cả chu kỳ của mình. Tôi phá lên cười vì hạnh phúc ấy. Trong điệu cười tôi nghe, vọng lại chính mình tiếng rơi vỡ kim loại. “Em chọc anh phải không?” Tôi luồn tay dưới gối, lôi ra, mặt nghiêm trang. “Nào, nghe lời em đi, mấy tháng nay em không được đều đặn cho lắm”. Anh nhắm mắt. Đam mê xốc anh lên và lôi anh đi, cuốn anh vào. Cuốn luôn thoáng chốc tâm trạng buồn lo của tôi. Khi cả hai tê đi và rũ thẳng trên nệm, xâu xé lại giành giật nghĩ suy tôi. Anh vẫn khỏe thế, không hề có sự sa sụt nào. Không thể? Có thể? Bao nhiêu người vẫn hừng hực sung sức ngoài phố kia, ai biết bên trong thật hư thế nào. Mình vẫn khỏe, mình đâu đã đoản.
Anh uống hết ly nước cam mát lành, khoan khoái. Tôi hả lòng. Anh không cảm nhận được hương vị khác. Cam ngọt và tươi xanh thế kia, át là đúng. “Bây giờ anh về thẳng nhà hay còn đi đâu?” Tôi buột miệng câu hỏi mà chưa bao giờ tôi hỏi anh. “Ngoài cơ quan, những phòng họp, giảng đường, nhà em và nơi anh ở, anh còn chỗ nào khác nữa? Em hỏi lạ lùng...” Cặp kính cận trễ xuống ngạc nhiên, dỗi hờn như trẻ con. Chiếc xe gắn máy màu nho anh đi quệt một vệt dài khỏi cổng. Tôi đấm vào ngực mình, cả biển hoài nghi u mê vây bám tôi. Chiếc cúc áo đắng chát đầu lưỡi theo mỗi động tác chà xiết mạnh bạo của tôi.

*

“Da con hơi vàng. Con nên đi khám xem sao. Bây giờ nhiều người mắc bệnh gan lắm. Phòng hơn chống con gái ạ. Nói dại miệng, nhưng nhỡ ra thì phát hiện sớm tốt hơn”. Vừa từ quê ra, chưa đặt chiếc túi du lịch lên bàn, mẹ đã lo lắng nhìn tôi. Trong giọng nói mẹ, có nỗi đau mẹ xé ruột sinh tôi năm xưa. Tôi dán mắt vào gương. Quả thế thật, một chút má hồng, môi cánh sen chẳng che nổi linh cảm người mẹ rứt ruột ra từ mỗi tiếng ho con trẻ. “Mai con sẽ xin nghỉ buổi sáng đến bệnh viện. Con gái mẹ chưa bao giờ biết ốm đau là gì, mẹ yên tâm đi. Bệnh tật đối với con xa lạ lắm”.
Ông bác sĩ trung niên tự tay lấy mẫu máu mang đi làm xét nghiệm cho tôi mà không cần y tá. Đôi mắt ông như muốn nói tại vì cô đặc biệt, cô quyến rũ nên tôi tự nguyện làm phần việc của y tá. Lần đầu tiên tôi bị một cái kim tiêm chọc vào da thịt. Đau buốt sống lưng. Mẹ kể dù sơ sinh tôi chỉ nặng 2,4 kg nhưng tôi cứng cáp, tinh ranh hơn những đứa trẻ khác rất nhiều. Và lớn nhanh như thổi. Chưa khi nào phải đến bệnh viện, chưa khi nào rỏ rớt một giọt máu. Suốt những năm tuổi thơ tôi không có thả diều bắt bướm, không có ngã cây, không dao cứa đứt tay. Thế giới chỉ là một tủ sách khổng lồ. Tôi lớn lên xa lạ, lạc loài với bạn bè cùng trang lứa xung quanh mình ở quê. Mọi người vẫn tưởng tôi hay đau yếu khi nhìn vẻ mảnh mai, dong dỏng của tôi. Vậy mà trong ký túc xá Đại học, thi vật tay, đố đứa nào qua nổi tôi. Sau này, lúc thuộc về anh, anh cười mủm mỉm vuốt người tôi bằng ánh mắt khiêu khích: “Đàn bà đùi dài và thẳng như em thế này, đàn ông thành xác ve”. Một năm sau ngày gặp tôi, anh vẫn vẹn nguyên như thuở đầu, chỉ khác chăng đôi mắt ngời hạnh phúc. Xác ve chẳng thấy đâu.
“Mời cô Thy theo tôi”. Ông bác sĩ đứng trước tôi ra hiệu, vẻ căng thẳng lộ ra trong dáng điệu, ánh mắt. “Để làm gì, thưa bác sĩ?” Bàn tay ông nắm lấy tôi kéo trượt dậy. “Chúng tôi cần trao đổi về bệnh tình của cô”. Khi tôi đứng dậy theo ông bác sĩ, có làn gió từ xa thộc tới bất ngờ. Tôi hơi loạng choạng. “Tôi bị bệnh gan thật ư? Mẹ tôi quả thiên tài”. Tôi đùa buồn, tôi tự trấn an tôi. Trong căn phòng trắng toát đã có hai người ngồi sẵn. Họ ngước mắt im lặng Những đôi mắt thật to và thật lạnh. Ông bác sĩ vẫn nắm tay tôi. “Được biết cô là trí thức, là thạc sĩ tâm lý học, chắc dễ dàng cho chúng tôi để thông báo điều này. Cô bị mắc căn bệnh hiểm nghèo”. “Ung thư gan phải không?” Giọng tôi không mất vẻ bình tĩnh, trong vẻ bình tĩnh có hàng vạn run rẩy. Nguời phụ nữ đẩy tờ giấy đầy ghi chú về phía tôi. “Cô bị nhiễm HIV”. Bàn tay ông bác sĩ chặt hơn. Tôi chết cứng giữa gọng tay muốn đẩy lùi bất hạnh của người thầy thuốc. Có điều gì đó tức cười. Tôi muốn cười. Cười thật vang, thật lớn. Cười để thiêu trụm cả tòa nhà này, thiêu trụm tờ giấy xét nghiệm kia, thiêu trụm những đôi mắt lạnh đang nhìn tôi chăm chú dò xét. Những con mắt lồi hẳn lên khuôn mặt, trông thật kinh dị. Hình ảnh cuối cùng chập chờn trước mắt tôi là Trà hoa nữ chết gục trong vũng máu tươi.

*

Tắt đèn lại bật đèn. Bật và tắt. Chiếc áo ngủ của mẹ để quên cứ đung đưa, đung đưa trên mắc áo theo từng nhịp suy nghĩ của tôi. Tôi buồn ư? Tôi chán chường, tôi tuyệt vọng ư? Tôi sẽ tiêu cực ư? Mấy vị áo trắng lo xa quá. Tôi lại cười to vì những ý nghĩ quen thuộc, ép khung, giản đơn của họ đối với bệnh nhân. Bộ óc tôi đang chạy nhông theo nhiều chuyện linh tinh của riêng tôi chứ không phải ngồi mà tuyệt vọng như hàng trăm bệnh nhân họ từng giải thích, khuyên can. Ma túy. Đầu tiên là ma túy. Tôi vốn có trí nhớ tuỵệt vời. Thiên hạ ầm ầm suốt ngày chuyện chích choác, hít hoác, lắc loác, tôi thây kệ. Mấy đứa phê phê say sưa rồi theo nhau xuống huyệt sâu ấy, bùa ma thuốc quỷ dẫn dắt chúng. Tôi có bao nhiêu chuyện để lo toan, để thích thú, để say mê, làm sao bày ra trò rửng mỡ ấy. Cũng chưa bao giờ thất tình để sầu muộn. Những cách khác có thể lây qua đường máu? Như đã nói, tôi chưa biết tiêm thuốc bao giờ, chưa khi nào bị thương chảy máu, hình như cũng chưa bao giờ bị tên cướp nào cầm xi lanh máu đe dọa ta bị si-đa đây, khôn hồn thì đưa hết tư trang tiền bạc không thì ta phi cho một mũi máu để sớm lên thiên đường. Tôi có bàn tay và bàn chân đẹp, lại rất mỏng manh. Chuyện tôi ra hiệu để mấy bà mấy cô cầm kìm kẹp vặn vặn, kéo kéo, tỉa tỉa những móng tay móng chân hồng hào của tôi chỉ có trong mơ. Thực ra một đôi lần đã định nhưng thôi. Mấy anh báo chí thì lạ quá. Trang trước nhoen nhoẻn dạy cách tỉa tót móng thế nào cho đẹp, trang sau lai toen toét đừng bao giờ lấy khóe móng tay, móng chân. Thế là tôi đắc ý cười thầm, chỉ tự cắt ngắn và dũa tròn tròn, mềm mại. Nhưng bao người đã “chết” vì móng tay đơn sơ của tôi. Dạo đọc báo thấy nhạc sĩ T.T trả lời phỏng vấn rằng ông chỉ yêu những người phụ nữ thông minh có bàn tay đẹp, nhiều bạn bè khuyên tôi nên nộp đơn khảo thí vì tôi có thừa tiêu chuẩn. Anh tỏ vẻ giận dỗi khi nghe chuyện. “Anh biết có lúc em sẽ bỏ anh mà đi. Thông minh, tay đẹp, sao ông ta không muốn luôn răng đẹp nữa?”
Tôi đưa hàm răng trắng bóng cắn vào tai anh. Đúng là trời cho tôi nhiều may mắn. Răng tôi đẹp thật. Lại chắc. Vì thế mấy phòng khám nha khoa với tôi quá đỗi xa lạ. Vậy thì thế nào?
Di truyền ư? Tôi 28 tuổi, cả bố lẫn mẹ đều hồng hào. Thậm chí dù đã hơn sáu muơi, mẹ vẫn làm cho khối kẻ nhìn theo thèm thuồng. Chẳng lẽ có ngoại lệ, 29 năm vẫn chưa phát bệnh? Nếu vậy, căn bệnh này đâu làm cả thế giới khiếp sợ đến thế, nhất là với mấy vị quan chức bụng phệ đã ngũ tuần hay đi giải trí chốn phấn hương!
Theo nhận xét khách quan của nhiều người, tôi không đẹp nhưng lại vô cùng quyến rũ. Ngoài phố, tôi nhàn nhạt như bao thứ nhàn nhạt trôi đi. Nhưng khi đối diện một ai đó. Nói và cười, khuôn mặt, dáng vẻ tôi phát ra thần sắc riêng. “Cả khuôn mặt Thy sáng bừng lên, ánh mắt nâu long lanh sáng, hai vành môi đặc biệt khêu gợi. Thy có một ma lực chết người”. Long, người đàn ông đầu tiên tỏ tình với tôi đã nói vậy năm tôi 17 tuổi. Sau này, tôi nghe nhiều lời tương tự như vậy. Vài ba mối tình lãng mạn trôi qua. Nhưng nụ hôn dè dặt đượm mùi tinh khiết, không đậm đặc dục vọng. Tôi luôn tỉnh táo. Dù rằng tôi vô cùng lãng mạn. Mà hôn thì không thể truyền HIV!
Anh xuất hiện trong cuộc đời tôi như một định mệnh. Giông đầu mùa hất tung mọi quy ước, hất tung bình lặng trong tôi đến miền xa lắc. Anh luôn buồn. Dáng điệu cao to, rắn chắc và công việc túi bụi của một người có địa vị không che nổi bóng bình sự cô đơn trong anh. “Bước ra khỏi cơ quan, anh như kẻ mất hồn. Anh xa lạ trước cuộc sống, trước mọi người dù cười cười nói nói. Anh là kẻ bất hạnh, em có nhận ra điều đó không?” Tôi khóc lặng lẽ và nắm chặt tay anh. Cảm giác được chở che và che chở lẫn lộn trong sâu thắm của tôi. Anh chẳng hề giấu diếm chuyện đang sống cùng vợ và con gái ở phố Bà Triệu, chẳng hề ngại ngùng khi kể tôi nghe năm 20 tuổi anh đã tự tử vì yêu một người con gái mà không được kết hôn. Anh có sự thành thật thiên bẩm trong mình. Anh nhẹ nhàng, bảng lảng đên trong cuộc sống của tôi và choán ngự lúc nào không hay. Tôi chết ngất trong vòng tay yêu đương nồng nàn nhạy cảm của anh. Anh là người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời tôi và tự nhủ sẽ là duy nhất. Anh như cây khô gặp nước, rùng mình mãn nguyện cảm nhận sự sống hồi sinh. Tôi thực sự tin rằng đã bốn năm anh không “thực thi” chuyện ân ái với người vợ. Tôi cảm nhận được điều đó. Đối với tôi, ngoài tình yêu trai gái bình thường, tôi còn có một tình cảm linh thiêng với anh dù rằng tình yêu trai gái đã chói sáng biết bao. Tôi tôn trọng và thờ phụng anh. Anh cũng nâng niu tôi không kém. Hai chúng tôi thuộc về nhau như trời đã định sẵn. Vậy là anh ư? Anh chứa những ổ vi rút mà cả loài người hoảng sợ đó ư? Và anh đã truyền sang tôi? Nhưng anh lấy chúng, anh hốt chúng từ đâu? Xuất xứ, giấy khai sinh những con HIV lôi tôi vào mớ hoài nghi, suy đoán không kết luận. Hoang mang vô cùng.
Phải chăng anh lừa dối tôi. Anh cũng giống bao người đàn ông hư hỏng nhan nhản bây giờ? Tôi tưởng tượng, tối tối anh về nhà xun xoe nịnh bợ bà vợ, bóp chân cho cô ta khi lên giường mà cơn giận réo ùng ục. Phải chăng anh là diễn viên đại tài mà tôi mù quáng không nhận ra. Tôi muốn gặp người đàn bà là vợ anh một lần. Có thể sẽ biết được điều gì đó. Không khó khăn gì để tôi đóng vai phóng viên Tạp chí K xin phỏng vấn bà kiến trúc sư về một công trình xây dựng đang nổi đình nổi đám. Chị kiệm lời, trầm mặc hơn cả anh. Khuôn mặt vô hồn. Lời lẽ ráo trọi. Tôi cố để thân thiện. Nụ cười lượt ngang qua đôi môi mỏng rồi tắt lịm khi tôi hỏi chuyện gia đình bà kiến trúc sư. “Vâng, cũng bình thường như bao người khác vậy thôi”. Tôi thất bại hoàn toàn trong chuyến do thám này.
Đầu tiên là ngạc nhiên, sau đến bực bội và cuối cùng là cáu kỉnh khi nghe những lời hỏi han kiểu tra khảo bất bình thường của tôi đưa ra. “Anh vẫn thường vào mấy tiệm gội đầu trên đường Bưởi phải không?” “Lúc gội đầu ngoài hiệu, anh có hay cạo râu không?” “Có lần nào say rượu, bạn bè dẫn anh đi những chỗ nào mà anh không nhớ?” Anh tung người khỏi chăn, ôm lấy khuôn mặt tôi thảng thốt. “Thy, em sao thế? Em mê sảng lảm nhảm chuyện gì vậy? Anh đã bảo những nơi chốn đó đối với anh là ngoài hành tinh mình đang sống. Có chuyện gì xảy ra vậy em?” Tôi gào lên. “Anh nói dối, anh vẫn ngủ với vợ anh hằng đêm”. Tiếng nấc khộc khan nơi vòm miệng, nơi trí óc thương tổn của tôi. Anh xoài người ra ghế, ôm đầu. “Em không tin anh thật sao? Gần năm năm nay, từ khi bé Ngọc ra đời, em là người đàn bà duy nhất của anh”.
Tôi thấy mình quá đáng. Tôi thương anh vô hạn. Có thể anh đang mang ổ HIV trong người mà không hề hay biết. Tôi có chúng rất có thể anh cũng có. Không biết từ đâu ra. Chúng tôi đã yêu nhau, đã mặn nồng biết bao ngày. Trời ơi, anh sẽ chết ư? Thân thể anh sỗ sần sùi, rách nát, rỉ nước ư? Tôi yêu anh, tôi phải cứu anh. Tôi quên phắt là mình đang có HIV trong người. Tôi chỉ nghĩ, chỉ lo lắng cho anh. Tôi quên mất nhiệm vụ làm thám tử điều tra khai sinh những con HIV trong cơ thể.

*

Tôi ngày một xanh hơn. Yếu đi từng ngày. Bệnh trong tâm tưởng. Mất ngủ triền miên. Vài ba tiếng nhắm mắt không đủ thời gian cho những cơn mê. Những cơn mê đứt rời, lẫn lộn, không rõ hình dáng. Anh mang đến cho tôi cơ man nào là thuốc và đồ tẩm bổ. Tôi yêu anh biết nhường nào. Ngày nào còn anh nghĩa là tôi còn sống. Tôi phải làm gì để cứu anh, cứu sự sống của chính mình? Tôi cầu nguyện hàng đêm. Chúa trời thật linh hiển. Tôi mơ một giấc mơ thần tiên. “Con đem chiếc cúc áo ấy ngâm trong nước và uống, uống càng nhiều càng tốt, căn bệnh sẽ dần tiêu tan”.
Vị thần từ từ biến mất trong thinh không. Chiếc cúc áo, tôi nhớ. Hồi mới yêu nhau, trong một lần say đắm, chiếc cúc áo sơ mi trên cùng của anh đứt chỉ và lẫn vào chăn nệm. Anh về rồi, thay áo gối, tôi phát hiện nó nằm tròn trong váy ngủ mầu hồng của tôi. Tôi cất giữ nó từ bấy đến giờ như một vật thiêng, số mệnh gieo rắc bất hạnh đến tôi nhưng cũng mỉm cười với tôi. Tôi ngâm chiếc cúc áo trong những cốc nước và khéo léo bắt anh uống thật nhiều mỗi khi căn phòng có bóng dáng anh. Thi thoảng, một mình, tôi ngậm nó trong miệng và cảm nhận được mùi của thuốc kháng sinh, đôi khi là mùi những viên kẹo bọc đường. Và tôi khỏe ra trông thấy. Ăn được, ngủ được, da dẻ trở lại sắc hồng. Chính là nhờ chiếc cúc áo thần tiên. Anh cũng vậy, công việc liên miên mà có vẻ chắc hơn, mắt bớt thâm quầng, lại vơi bớt sự u buồn trên nét mặt. Tôi giảm hẳn lo lắng, suy nghĩ và hoài nghi. Thậm chí quên luôn nhiệm vụ điều tra tông tích ổ HIV trong người. Cuộc sống lại tươi đẹp, tươi đẹp như vốn thế.
Cho đến một hôm vô tình tôi nuốt mất chiếc cúc áo. Hoảng hốt tìm mọi cách để nôn ra nhưng bó tay. Mang theo ý nghĩ tuyệt vọng Chúa trời gọi tôi và anh về với người, tôi quỵ ngã cả tâm hồn lẫn thể xác. Anh cuống cuồng chuẩn bị mọi thứ đưa tôi nhập viện. “Chắc em làm việc nhiều quá nên bị suy nhược cơ thể. Cũng là dịp để em nghỉ ngơi. Khỏe lại, anh xin nghỉ phép đưa em đi Đà Lạt. Anh dự tính cuối năm nay sẽ dứt khoát ra tòa và mình về ở chung một nhà”.
Tôi đưa bàn tay yếu ớt vuốt ve mái tóc anh. Những giọt nước mắt lặn sâu vào gân.
Tôi cố trì hoãn việc nhập viện. Chính xác hơn là tôi trì hoãn những giờ phút bình yên cho anh. Bởi nếu tôi nhập viện, mặc nhiên kết quả xét nghiệm chi li và dã man sẽ nói lên tất cả. Tôi không muốn anh đau. Tôi không muốn có thêm sự bất hạnh cho cuộc sống vốn đã nhiều ưu phiền của một người đa cảm như anh. Vì tôi yêu anh. Và vì mặc kệ HIV, tôi đang có anh, đang hạnh phúc nhất trên đời. Tôi mỉm cười. “Thế, em phải vui lên. Em có bùa hộ mệnh là anh rồi, em sẽ không ốm nữa, phải không Thy?” Mắt anh long lanh sáng. Tôi mân mê chiếc cúc trên ngực anh, buột miệng: “Đúng rồi, anh mới là phương thuốc tốt nhất cho em. Chiếc cúc áo chỉ là cúc áo...” Anh không tỏ vẻ khó hiểu khi tôi nói lời khó hiểu. Anh lại cười.
Năm 2000

Xem Tiếp: ----