uệ bật đèn pha khi thấy cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt và cơn lo ngại trong chàng tăng dần. Chàng đưa người vợ mới cưới lên Yellowstone hưởng tuần trăng mật và trên đường về, Duệ nổi hứng thay vì đường quốc lộ liên bang, chàng đi đường chéo liên tỉnh nhỏ, hy vọng cắt ngắn được một khúc. Khi vào đến Nebraska, trời đã sẩm tối và mây đen bắt đầu kéo phủ kín bầu trời. Duệ nhìn cánh đồng mênh mông hai bên đường ngút ngàn, không một bóng nhà cửa và bắt đầu thấy hối, đáng ngại nhất là chàng làm biếng, không chịu đổ xăng ngay khi bắt đầu rời đường quốc lộ, và đèn báo hiệu xăng gần hết đã bắt đầu bật sáng. Cơn mưa đổ xuống như thác, xe chàng gạt nước không xuể, Duệ phải lái chậm lại, chàng chong mắt nhìn phía trước cố tìm một trạm xăng hay một đám nhà cửa, thỉnh thoảng sốt ruột nhìn sang vợ chàng nằm ngả người bên cạnh. Nàng nằm thiếp hai tay ôm lấy đầu, cơn nhức nửa đầu của nàng lại bắt đầu tái phát khi chàng bắt đầu đi vào con đường nhỏ này. Duệ tự rủa thầm mình trong bụng, chàng suýt nữa băng ngang qua một con đường nhỏ nếu không nhờ ánh sáng của lằn chớp làm chàng chú ý đến tấm bảng trước mặt. Bảng chỉ đường quẹo nằm trên cột gỗ xiêu vẹo như sắp sửa bị gió thổi bay trên có ghi mấy hàng chữ: Paradise, dân số 850. Đang lo lắng, Duệ cũng phải nhếch mép cười, dân Mỹ có tục đặt những tên kỳ lạ cho các thành phố nhỏ. Mỗi tiểu bang nước Mỹ ít ra cũng có dăm bảy thành phố mang tên thiên đàng và mỗi thiên đàng cũng chỉ có vài trăm đến một ngàn dân, hài lòng với cuộc sống thôn quê của mình. Duệ quẹo vào con đường nhỏ chạy giữa cánh đồng và một lúc sau chàng bắt đầu thấy bóng những tháp cao ngất ngưởng bằng tôn chứa lúa mạch hai bên đường và gần đó vài căn nhà rải rác. Duệ ngừng lại ở trạm xăng đầu tiên và có lẽ duy nhất của thành phố, chàng hỏi thăm chú thanh niên mặt đầy mụn đổ xăng: - Ở gần đây có motel nào không em? - Ông đi xuống thêm hai blocks đường nữa sẽ thấy, ở đây chỉ có chỗ đó thôi. Hắn trả lời giọng cấm cẳn như muốn chàng đi cho nhanh để còn vào tiếp tục xem trận football trên TV. Duệ hơi bực mình nhưng chàng thấy kiếm được chỗ đổ xăng và chỗ ngủ cho qua cơn mưa lớn cũng là may mắn lắm rồi. Motel duy nhất ở đây cũng mang tên Paradise Motel và Duệ một lần nữa lại mỉm cười vì sự tương phản của cái tên và sự nghèo nàn của dẫy phòng ngủ. Chàng tặc lưỡi tiến vào trong office để thuê phòng. Ngoài cửa office gần bảng điện chữ đỏ vacancy làm chàng thấy buồn cười, có lẽ chưa bao giờ motel này được dịp bật lên chữ “No vacancy”. Duệ đẩy cửa bước vào và được một bà Mỹ già to béo phục phịch, mặt đầy vẻ hiền lành tiếp đón. Duệ điền tên vào giấy thuê phòng và hỏi: - Bà làm ơn cho biết gần đây có quán ăn nào không? Bà Mỹ chủ motel nhìn tên chàng ghi trên mẫu thuê phòng và hỏi lại giọng có vẻ ngạc nhiên: - Ông họ Trần thật sao? Ở đây chúng tôi có một tiệm ăn Tran’s Chinese Foods ngon lắm. Ông Trần này về đây khoảng vài năm nay; thành phố này không có Chinese restaurant bao giờ nên ai cũng thích lắm. Ông có họ gì với ông Trần này không? Duệ lắc đầu, chàng ngạc nhiên thấy thành phố khỉ ho cò gáy này cũng có người Việt Nam, chàng đoán anh chàng họ Trần này là Việt Nam, từ năm 75 đến giờ, đi đến chỗ nào trên đất Hoa Kỳ này cũng có thể gặp được người đồng hương định cư tại đó. Duệ ra xe đưa vợ vào phòng, chàng nhìn nàng, mặt xanh nhợt, hai tay tiếp tục ôm đầu. Duệ hỏi, ái ngại: - Em mệt lắm phải không? Để anh đi mua đồ ăn về cho, em chịu khó nằm nghỉ chút cho khỏe lại. Khi Duệ ra khỏi quán trọ, cơn mưa cũng đã bắt đầu nhẹ hạt, chàng lái xe tìm quán ăn theo lời chỉ dẫn của bà chủ motel. Đi một quãng ngắn, chàng thấy ngay Tran’s Chinese Foods ở bên đường. Tiệm ăn trông nhỏ và tồi tàn, nằm dưới gốc một cây sồi lớn với cành lá xum xuê như chụp lên quán. Đèn bảng hiệu màu đỏ đục nhờ cho Duệ một cảm giác bẩn bẩn, và trong đêm đen tối ẩm ướt với những lằn sáng của cơn chớp ngoài trời tạo nên khung cảnh mang một vẻ kỳ dị, tội lỗi nào đó. Duệ tắt máy xe, bước vào quán và chàng thấy ngay người đàn ông họ Trần chủ quán. Điều làm chàng chú ý đầu tiên là cánh tay trái bị cụt lên gần khủyu tay, chiếc áo sơ mi dài tay được bọc trám lại ở chỗ cụt trông như một chiếc nơ thắt điểm trang cho sự tàn tật, gần như mang một vẻ hãnh diện ngầm cho sự thiếu sót của mình, pha lẫn một chút thách đố, ngạo mạn. Người đàn ông nhìn Duệ chằm chằm, soi mói, ánh mắt sắc, dữ dội như muốn tóe lửa làm Duệ cảm thấy khó chịu. Chàng bỗng thấy ngại ngùng, như một cảm giác bất an nào đó thúc giục chàng dời xa chỗ này, tuy nhiên Duệ trấn áp ngay cảm nghĩ đó, hơi ngượng cho sự vơ vẩn của mình. Người chủ quán mời Duệ vào bàn ngồi, lấy thực đơn đưa cho chàng và một lần nữa ánh mắt sắc lạnh của hắn lại chiếu về chàng chăm chú, dò xét. Hắn cất tiếng nói, giọng khàn đục, hơi có vẻ xấc xược: - Ông có phải Việt Nam không? Duệ mỉm cười gật đầu. Ánh mắt và khuôn mặt của gã đàn ông chợt dịu lại và hắn bắt tay chàng, bàn tay thô, sần sùi và mạnh bạo. - Tôi tên Vũ. Mời ông chọn món ăn. Ông có muốn dùng chút rượu mạnh không? Duệ lắc đầu. Chàng chọn qua loa vài món ăn cho người bồi bàn ghi, gã chủ quán tên Vũ đã đi vào bếp để sửa soạn. Cả quán bây giờ chỉ còn bàn chàng và một bàn khác với mấy người Mỹ làm nông trại đầu đội những chiếc mũ lưỡi trai mầu xanh trên để chữ Deere, tên của một hãng sản xuất máy cầy. Họ ăn cũng vừa xong và lục tục đứng lên ra quày trả tiền. Người bồi bàn kiêm luôn việc thu tiền và có lẽ là người làm duy nhất trong quán ngoài anh chàng chủ quán, là một người đàn bà còn trẻ có lẽ chỉ độ hai mươi mấy nhưng cũng giống như phần đông đàn bà Mỹ thiếu sắc đẹp và thiếu sửa soạn Duệ thường thấy, trông như khoảng đã ba mươi, bốn mươi, phục phịch, to béo một cách thiếu vệ sinh và đầy vẻ đần độn. Vũ, người chủ quán, mang món ăn đầu tiên ra và tự tay mang lại cho Duệ. Hắn nhìn theo ánh mắt của Duệ về phía người đàn bà, mỉm cười nói, giọng hơi chua chát: - Nó là vợ tôi đấy, cũng được việc, vừa trông coi tiệm vừa làm việc nhà. Hơi mập nhưng cũng không sao. Càng êm và ấm. Xứ này mùa đông cũng lạnh lắm. Duệ cũng cười lại, vô thưởng vô phạt. Vũ nói tiếp: - Để ông dùng bữa tối. Nếu cần gì thêm ông cứ nói cho biết. Duệ cám ơn và sau khi dặn người chủ quán làm ít món để mang về cho vợ, chàng bắt đầu ăn. Thức ăn dở như những tiệm Tàu chuyên môn làm đồ Tàu cho khách Mỹ ăn nhưng vì đói chàng thấy cũng vừa miệng. Khi ăn gần xong, gã chủ quán đến gần kéo ghế ngồi và để nguyên một chai rượu Johnny Walker trên bàn. Hắn nói: - Xin phép để ngồi đây nói chuyện với ông một lúc. Đã mấy năm nay tôi không gặp người Việt Nam nào. Duệ mời hắn ngồi, tự giới thiệu tên mình và hỏi: - Ông ở đây từ năm nào? Tôi không ngờ thành phố nhỏ như vầy cũng có người Việt. Nếu không lạc đường, chắc không bao giờ có dịp ghé ngang đây. Vũ trả lời: - Tôi về đây từ năm 84. Ông nói đúng nếu không lạc đường chắc cũng chẳng ai đi ngang cái quán khốn nạn này. Hắn rót rượu ra ly, mắt nhìn chăm chú vào ly rượu và Duệ bắt đầu thấy những đường gân máu đỏ nổi lên trên lòng trắng của mắt người đàn ông. - Tôi đến đây cũng vì lạc đường. Hắn nói tiếp: - Đi lang thang mãi trên đất Mỹ này rồi cũng đến vậy thôi, vả lại đã lạc vào Paradise rồi còn đi đâu nữa làm gì? Hắn nhếch mép cười, vẻ tự chế nhạo mình. - Tôi chết chắc sẽ phải xuống đáy Địa Ngục rồi nên bây giờ còn sống phải ở Thiên Đường cho nó sướng. Duệ ậm ừ đưa đẩy vài câu, chàng không thấy hứng thú gì lắm nói chuyện với người đàn ông lạ này nhưng không nỡ cắt ngang. Chàng thấy hắn có vẻ tội nghiệp mặc dù khuôn mặt và cặp mắt của hắn tỏ lộ sự hung dữ của một người phải vật lộn nhiều với đời, sẵn sàng đạp lên mọi chướng vật để đạt được ý muốn. Duệ không hiểu tạo sao chàng có cảm giác bất an như vậy khi ngồi đối diện với người đàn ông. Chàng nhìn kỹ lại một lần nữa, quan sát những đặc điểm của người đối diện. Hắn dong dỏng cao, Duệ áng chừng chiều cao của hắn đối với mình và đoán cỡ khoảng thước bảy. Vóc hắn vừa người, không vạm vỡ quá nhưng bắp thịt đầy vẻ cứng rắn, vai rộng vừa phải. Cổ hơi bạnh ra tương đối không được cân xứng lắm so với thân người, không hiểu tạo sao nhưng mỗi lần Duệ thấy một người cổ rộng và bạnh, chàng cảm thấy một sự hung tợn và đe dọa nào đó. Khuôn mặt của Vũ tương đối đều đặn, một sự đều đặn bình thường không đẹp không xấu nhưng lại càng làm cho sự tương phản giữa khuôn mặt và cặp mắt trở nên rõ rệt hơn. Cặp mắt của Vũ là một pha trộn giữa vẻ lạnh, sắc và tàn nhẫn, không phải hòa lẫn, nhưng thay đổi theo từng lúc với vẻ cuồng bạo, đam mê và giận dữ. Cặp lông mày đen, dày và rậm ở phía ngoài mắt trái với một vết sẹo trơn, nhạt chạy lên gần thái dương, càng làm cho Duệ cảm thấy nỗi bất an, khó chịu khi ngồi đối diện với người đàn ông đang uống rượu trước mặt mình. Duệ ăn đã gần xong nhưng càng cảm thấy khó lòng đứng dậy để trả tiền rời khỏi quán. Vũ nhìn chàng chăm chú và khi thấy Duệ đưa mắt nhìn tay áo thắt hình chiếc nơ ở chỗ khuỷu tay trái cụt của mình, hắn cất tiếng: - Tôi cụt tay này vì một người đàn bà. Duệ hơi sửng sốt nhìn lên. Vũ nhếch mép cười, hắn nâng ly rượu lên uống cạn một hơi, nhấc chai Johnny Walker đổ đầy vào ly và nói tiếp: - Mất một tay này đã nghĩa lý gì, tôi có cụt cả hai tay hai chân vì nàng cũng còn được cơ mà. Vũ bắt đầu kể, cặp mắt hắn nhìn thẳng vào Duệ nhưng chàng cảm thấy như hắn nhìn xuyên qua chàng, về phía một hình bóng mơ hồ nào đó sau lưng. Duệ ngồi yên như chôn chân nghe hắn kể, chịu đựng luồng ánh mắt của hắn như một cặp đinh dài ghim cứng chàng vào thành ghế gỗ đằng sau. - Nàng là con bà dì ruột tôi. Tôi không hề được biết trên đời mình có một bà dì cho đến năm tôi 18 tuổi. Mẹ tôi chết ngay sau khi sinh tôi ra và tôi lớn lên với gia đình bên nội, hoàn toàn không biết một chút gì về bên ngoại cả. Bố tôi chắc có chuyện bất hòa với gia đình nhà vợ nên không hề giao thiệp, đi lại với bên ngoại tôi cho đến ngày tôi bắt đầu trưởng thành. Một ngày mùa hè năm ấy khi vừa hết niên học, bố tôi gọi tôi vào phòng đọc sách của ông, thảy cho tôi một bì thơ dầy cộm và nói bằng giọng ơ hờ: “Thư của dì Tâm đây. Dì Tâm là em ruột má mày. Năm nay có muốn lên Đà Lạt chơi, tao mày lên ở với dì mày một hai tháng!” Nói xong, ông khoác tay đuổi tôi ra, như thể nhắc đến tên dì Tâm nào đó làm bẩn miệng ông và làm ông khó chịu không tả được. Đọc thơ, tôi mới được biết tôi có gia đình bên ngoại, hiện nay đang sống cả ở Đà Lạt. Tôi có hai người bác và một bà dì là dì Tâm vừa gửi thư cho tôi. Trong thư dì nói thương mẹ tôi vô cùng và muốn gặp mặt tôi, đứa con độc nhất của mẹ tôi để xem tôi có giống bà không? Dì hỏi tôi mùa hè này có định đi đâu chơi không và nếu rảnh lên Đà Lạt ở nhà dì ít lâu. Tôi chưa được lên Đà Lạt chơi bao giờ, những mùa hè trước, tôi được ra Cấp chơi một hai tuần lễ đã sướng rồi, nói gì đến chuyện đi xa hơn, nên có dịp được đi Đà Lạt, tôi bắt lấy ngay sợ mất cơ hội. Quả tình, chuyện móc nối lại với gia đình bên ngoại, tôi cũng chẳng quan tâm lắm; liên lạc họ hàng ngay cả bên nội tôi không tha thiết đến, huống gì một bà dì chưa bao giờ nghe đến, chưa bao giờ gặp mặt. Tôi ra đánh điện tín cho dì Tâm ngay ngày hôm đó và sáng sớm hôm sau đã có mặt trên chuyến xe đò Minh Trung đầu tiên từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Nhà dì Tâm ở trong một khu khá sang trọng trên dốc Hải Thượng, tôi đi xe lambretta lôi từ bến xe đò gần chợ về đến khu nhà dì, quãng dốc còn lại phải ì cạch xách chiếc va li cồng kềnh và nặng leo lên dốc, tên tài xế xe lôi nhất định không chịu chạy tới đầu dốc. Đường phố Đà Lạt sạch và thơ mộng với những hàng thông cao vút dọc đường đi, chỉ tội nhiều dốc quá cao, đi bộ hay lái xe đạp là cả một cực hình. Nhà dì Tâm ở trên đầu dốc, mái ngói đỏ, gạch tường màu nhạt với những cây leo bò lên tận gần đầu tường. Tôi bấm chuông cửa, lòng hơi hồi hộp. Quả tình tôi đi hơi vội, mới đánh điện hôm qua, chiều nay đã lên đến nơi. Nhỡ dì Tâm không có nhà, chưa ai nhận được điện tín, không ai biết tôi là ai cả thì sao? Tôi đợi khá lâu, sau cùng cánh cửa từ từ hé mở và khuôn mặt một cô gái hiện ra, tóc thắt bím, chừng độ 15 tuổi. Nàng nhìn tôi từ đầu đến chân, cặp mắt đen, to tròn và lay láy: - Anh Vũ, phải không? Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là điện tín đến kịp. - Em là Mai. Nàng nói tiếp: - Mẹ đang đợi anh. Nàng chỉ tay cho tôi vào lối nhà trong. Căn nhà rộng mênh mông với sàn gỗ đánh xi bóng loáng, tôi đi chỉ sợ ngã. Dì Tâm ngồi trong một chiếc ghế bành rộng phòng khách phía trong và bà đứng dậy nắm lấy tay tôi: - Cháu Vũ. Cháu giống mẹ cháu như hệt. Bà ôm lấy tôi và khóc. Tôi đứng im như khúc gỗ, không biết nói năng gì, cảm thấy hơi phiền. Càng phiền hơn nữa khi nhìn lên tôi thấy Mai đang bụm môi cười, cặp mắt đầy vẻ tinh nghịch nhìn tôi diễu cợt. Sau cùng dì Tâm cũng buông tôi ra, bà lùi lại, ngắm nghía tôi từ đầu đến chân và gật đầu: - Cháu giống bên ngoại như vậy là tốt lắm. Giọng bà có vẻ nhẹ nhõm như chỉ sợ tôi giống bên nội nhiều hơn. Quay lại nhìn Mai, bà bảo: - Con chào anh Vũ chưa? Đứng đó cười cái gì. Xuống bếp phụ vú Hiền làm cơm nhanh lên đi. Anh Vũ chắc cũng đói bụng rồi đấy. Bà nhìn sang tôi: - Dì chỉ có mình Mai là con, nó còn con nít lắm. Cháu lên phòng cất đồ đi, rồi sửa soạn xuống dùng cơm. Tôi lên cầu thang theo chân dì Tâm lên lầu trên. Những bực thang cũng đánh xi bóng loáng màu gụ, đầy vẻ sạch sẽ nhưng trông hơi ảm đạm. Tôi bước từng bước cẩn thận chỉ sợ trượt chân ngã. Dì Tâm vừa bước vừa nói: - Trên lầu là phòng ngủ cả, có 3 phòng: phòng của dì, phòng của Mai, phòng của cháu phía bên này; Mai bỏ cả buổi chiều để dọn phòng cho cháu đấy! Cháu rửa mặt, thay đồ rồi xuống dùng cơm tối. Tôi đặt chiếc va-li xuống sàn khép cửa và ngả người xuống chiếc giường to choán gần hết phòng, phủ một tấm chăn bông dày cộm. Buổi tối đầu tiên ở Đà Lạt gây gây lạnh, nhìn chăn dày xếp cẩn thận, chắc do Mai sửa soạn làm tôi cảm thấy ấm hẳn lại, chỉ muốn chui ngay vào chăn. Dì Tâm tiếp đón tôi thật nồng hậu, dì hiền từ biết bao, mẹ tôi còn chắc cũng hiền từ như vậy. Còn Mai nữa, cô em họ của tôi mới gặp lần đầu nhưng sao cho tôi những cảm giác lạ lùng. Dì Tâm tôi cảm thấy thân cận như thể bà là mẹ tôi, nhưng với Mai, tôi cảm thấy khác, như thể không phải ruột thịt, họ hàng gì cả với Mai cả. Đồng thời nhớ lại lúc nhìn Mai bụm môi cười khi nẫy, tôi chợt khám phá ra cảm giác kỳ lạ, lâng lâng, khó tả quấn quít tôi nãy giờ bắt đầu từ lúc ấy. Và tôi bỗng thấy hơi ngượng, như thể mình đang làm một chuyện gì xấu xa, bị cấm đoán và bị bắt gặp. Vũ ngừng kể, cặp mắt đang nhìn như thấu qua người Duệ bỗng tụ lại với tiêu điểm trên khuôn mặt chàng, hắn ngừng lại một lúc và nói: - Tại sao tôi lại kể chuyện này với ông nhỉ? Những chuyện này là những chuyện tôi chưa bao giờ kể với ai, cũng không thể để cho ai biết. Tại sao tôi lại cho ông biết? Hắn nheo mắt nhìn chàng, ngắm nghía: - Cũng không sao! Chúng ta gặp nhau một lần rồi chẳng bao giờ gặp lại nữa. Ông muốn biết tại sao tôi cụt tay. Không can gì! Tôi sẽ cho ông biết hết. Hắn nhìn xuống bàn, chai Johnny Walker đã cạn. Vũ cười khẩy: - Ông chê rượu này không uống. Được rồi! Hắn đứng lên lại quầy lấy một chai Martell Cordon Bleu còn nguyên và một bịch Perrier lại bàn. - Nào, mời ông uống chút rượu với tôi. Tôi không bao giờ say cả, nhưng phải có người cùng uống mới được. - Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À! Tôi đang kể cho ông nghe lúc gặp Mai lần đầu. Cảm giác lúc ấy có phải tình yêu hay không, tôi không biết, nhưng nếu quả thật có những cảm xúc khác thường do tình yêu lần đầu mang đến như trong tiểu thuyết vẽ vời; chắc cũng không thể nào khác hơn được những cảm nhận của tôi lúc ấy. Mai đẹp lắm, năm ấy nàng mới 15 tuổi, thua tôi hơn ba năm, nhưng nàng đã trở thành một thiếu nữ đẹp, đẹp lắm rồi. Tôi chưa hề gặp một cô gái nào ở Sài Gòn đẹp như nàng cả. Có lẽ trời Đà Lạt và cái lạnh của Đà Lạt làm tăng thêm vẻ đẹp nàng, nhưng cặp má hồng, khuôn mặt trái soan thanh tú trắng ngần của nàng và đôi mắt trong, to tròn tinh nghịch ấy đã thu hút hồn tôi ngay. Chắn hẳn phải là tình yêu vì đầu óc tôi không còn gì khác hơn là hình ảnh nàng, chiếm ngự hoàn toàn làm tôi ngộp thở. Chuyện nàng là em họ tôi, tôi không quan tâm cho lắm vì tôi có biết nàng là họ hàng bao giờ đâu, cho đến buổi chiều hôm nay. Nếu đời sống có thể ép lại được để cuộc đời có ý nghĩa, để đời sống đáng được sống, có lẽ tôi đã sống trọn cuộc đời tôi rồi, trong một tháng trời đó ở Đà Lạt. Tôi sống tràn trề, dạt dào, từng giây từng phút, trong bầu trời Đà Lạt, trong ngôi nhà đầu dốc Hải Thượng đó, với nàng. Cả trong giấc ngủ tôi vẫn sống với hình ảnh nàng, chờ đợi cho đến buổi sáng để gặp lại nàng bằng xương bằng thịt, cùng nàng và dì Tâm ăn sáng. Cuộc đời sao có thể đẹp và sung sướng đến như vậy! Mỗi ngày đối với tôi như một ngày hội, Mai dẫn tôi đi chơi khắp nơi ở Đà Lạt: Than Thở, Prenn, Suối Vàng, hoặc đôi khi chỉ là những đồi thông vắng người, không tên tuổi. Buổi chiều đôi khi tôi với Mai ra ngồi ở Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương nghe nhạc uống nước. Có lúc trời mưa chúng tôi kéo nhau lên trên phòng đợi của khách sạn Palace, ngồi trong những chiếc ghế bành vĩ đại nhìn xuống mặt hồ, nhìn mưa qua khung cửa kính, uống từng ngụm cà phê do những người bồi mặc đồ trắng kính cẩn đem lại. Nếu ngày nào cũng như vậy, đời sẽ đẹp biết bao, ước gì cả một đời còn lại của tôi ở thành phố Thiên Đường khốn nạn này được đổi lấy một ngày xưa cũ trên Đà Lạt với Mai, tôi sẽ đổi ngay, không chút ngại ngùng! Một tháng trời hạnh phúc nhất của đời tôi trôi qua như một khoảnh khắc, rồi tôi cũng phải về Sài Gòn, nhưng tôi đã quyết định ngay, mau chóng và dứt khoát; xa Mai một ngày thôi là điều tôi không thể nào chấp nhận được. Cuối mùa hè năm đó, tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt, mặc kệ những lời chửa rủa của bố tôi, ông đã sắp đặt sẵn sàng để cho tôi sang Pháp du học. Làm sao ông hiểu được tôi cần gì tương lai sáng lạng ông vẽ ra trước mắt tôi, nếu tôi không có Mai, không được thở hít cùng một bầu trời với nàng, không được cùng nàng đi chơi trong ánh nắng chan hòa của Đà Lạt đầy thơ mộng. Và như thế tôi chọn cuộc đời binh nghiệp để được gần Mai trong mấy năm trời thụ huấn tại trường Võ Bị, mỗi chiều thứ bẩy ra phép với tôi là hạnh phúc, giản dị như cuộc đời hiện tại, chỉ có tôi, Mai và tình yêu. Tình yêu đây là tình yêu của tôi đối với Mai, tôi biết rõ Mai vẫn chỉ coi tôi là người anh họ, không hơn không kém. Mọi sự trước mắt, quá khứ, hiện tại, đối với tôi đều là vô nghĩa, tôi quên hết mọi sự, chỉ để tâm và chờ đợi chiều thứ bẩy, những chiều thứ bẩy thần diệu, huy hoàng và sung sướng. Nếu cuộc đời cứ phẳng lặng như thế thì giản dị biết bao nhiêu, nhưng giòng sông nào êm trôi cũng có lúc rẽ khúc, đến năm thứ ba ở Võ Bị tôi bắt đầu thân thiện nhiều với Hoàng, một người bạn khóa sau, và chuyện không tránh được cũng sẽ phải xẩy ra. Một buổi chiều thứ bẩy tôi đưa Mai đi ăn kem ở dốc Hòa Bình gặp Hoàng, tôi bắt buộc phải giới thiệu hai người với nhau, và đời tôi, như đã từng lo sợ và tiên đoán trước một ngày như vậy sẽ xẩy ra, bắt đầu đi vào con đường của thê thảm. Những ngã rẽ của cuộc đời có lẽ đều bắt đầu như thế, khi đời đang tươi sáng đến mức cực điểm, tưởng chừng như không gì có thể làm u ám, hủy hoại được. Và có lẽ những khúc quanh của đời đều bắt đầu vào những ngày thứ bảy đẹp trời như vậy. Tôi ngồi nhìn Mai ăn kem, nhìn Hoàng chăm chú nhìn Mai, cười với nàng và nàng ngượng nghịu cười lại, niềm thắt nghẹn chợt ùa đến như giông bão bóp chặt lấy quả tim và tôi ngừng thở, ý thức rõ rệt được sự xấu xa, một sự xấu xa tuyệt đối đang bủa vây tôi và xâm chiếm lấy hồn tôi. Vì tôi nhận thấy rõ ràng tình yêu tôi đối với Mai là tình yêu một chiều, nàng sẽ chẳng bao giờ yêu tôi. Mai có thể yêu Hoàng, người đang ngồi đối diện với nàng trong tiệm kem này, những dấu hiệu của tình yêu đang và sẽ xẩy ra giữa hai người tôi nhận thức được ngay. Mai có thể sau này không yêu Hoàng và yêu người khác hay nhiều người khác, nhưng tôi chắc chắn một điều, khẳng định một cách tuyệt đối trong buổi chiều ngày thứ bảy đẹp trời hôm đó, nàng sẽ không bao giờ yêu tôi, và tôi suốt đời sẽ chỉ là một người anh họ, được chú ý đến như một con chiên lạc loài được đón nhận trở lại vào bầy, nhưng chỉ thế thôi, không hơn không kém. Từ trước tới giờ tôi không bao giờ để ý đến chuyện tốt, xấu. Có lẽ cho đến lúc đó tôi là người tốt, nếu hiểu tốt như là chưa bao giờ làm chuyện gì xấu, như những điều mấy ông thầy dòng đã cố gắng nhồi vào đầu óc tôi suốt những năm học tiểu học, trung học. Tôi sống bình thường, không làm điều gì hại đến ai, không hề có ý tưởng làm những chuyện phiền lòng cho người khác. Mặc dù tôi không làm điều tốt, nhân nghĩa nào cả nhưng có lẽ so với chán vạn người khác, tôi vẫn tốt hơn nhiều người. Chuyện tốt xấu cũng như cuộc đời có lẽ tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh. Giả sử như tôi không gặp Mai, không biết Mai là ai cả, với sự nhồi sọ của mấy ông thày dòng, có lẽ tôi sẽ trở thành một người tốt, tương lai sẽ là một người chồng, cha tốt, một công dân gương mẫu, hoặc giả tôi xiêu lòng vì những lời khuyến khích, dụ dỗ của mấy thầy dòng, đi tu, biết đâu tôi lại trở thành người thánh thiện là đằng khác. Nhưng ngày hôm đó, chiều thứ bảy hôm đó, ngồi nhìn tình yêu đang nảy nở giữa Mai và Hoàng, tôi biết sự xấu đã đến với tôi, xâm chiếm lấy tôi một cách tuyệt đối, vào từng đường da, thớ thịt, vào từng ngõ ngách của tâm linh tôi. Cái xấu chợt ùa đến, chụp lấy tôi như lưới cá của người ngư phủ, càng vùng vẫy càng thắt chặt. Sự xấu không đến từ từ, có lẽ ông không hiểu được điều này và chắc cũng ít người ý thức được; sự xấu đến với tôi ngày hôm đó, mãnh liệt và cuồng bạo, dứt khoát và hoàn toàn, là sự xấu tuyệt đối, không thương hại, không mặc cả. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhận biết sự xấu đang đến với mình, bủa vây mình không làm cho tôi sợ hãi chút nào cả, như thể tôi đã biết được chuyện sẽ xẩy ra như vậy. Đồng thời tôi bắt đầu ý thức được một cảm giác lạ thường, phải gọi là khoái cảm mới đúng hơn, làm tôi tê dại hẳn đi. Tình yêu tuyệt vời của tôi đối với Mai mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc nhưng những cảm giác sung sướng, hoan lạc nhận được có lẽ không thể so sách với mức cường độ của niềm khoái cảm kỳ lạ do sự xấu phủ chụp lấy hồn tôi, đời tôi, lúc đó đem lại. Phải chăng điều gì cũng có giá của nó và sự xấu muốn tồn tại phải đem lại cho nạn nhân của nó một cái gì đó, xứng đáng, để trao đổi. Tình yêu của tôi đối với Mai là tình yêu tuyệt đối nên khi móng vuốt của sự xấu xa chụp lấy hồn tôi lúc đó không thể nào là khác hơn, và chỉ có thể là một sự xấu tuyệt đối. Cánh cửa của định mệnh đã hé mở và tôi nhìn thấy rõ định mệnh của mình, mấy ai trên đời này có thể biết được định mệnh của mình. Tình yêu của tôi và sự xấu xa, quyện tròn, phủ kín lấy nhau, trộn lẫn như hai mặt của tuyệt đối, không thể rời nhau ra cho đến tận cùng của đời tôi. Ngày phân cách sẽ là ngày tôi chết. Vì còn gì có thể tuyệt đối hơn sự chết? Như thế, ngày thứ bẩy đẹp trời hôm đó, anh bạn Hoàng đáng thương đã tự đưa mình vào chỗ hủy diệt, Mai cũng không thể ngờ được chính nàng là bồi thẩm đoàn quyết định sự sống còn của Hoàng, ánh mắt long lanh và nụ cười của nàng với Hoàng là lời phán quyết tối hậu, tôi còn có thể làm gì khác hơn việc thi hành bản án. Hai tháng kế tiếp sau đó, Hoàng gặp Mai mỗi tuần những ngày thứ bảy ra phép và tôi đi theo, lạnh lùng quan sát như nhìn cuộc tình của một cặp nào đó, không phải giữa Mai, người tôi yêu và Hoàng, người bạn thân. Sự bình thản này làm chính tôi cũng phải ngạc nhiên cho chính mình. Sự ngạc nhiên không kéo dài lâu, chỉ là ngọn lửa yếu ớt của những gì còn sót lại từ những giáo điều xa xưa lụn tắt dễ dàng trước bóng tối dầy đặc của sự xấu đêm đen. Tôi nhìn Hoàng và Mai nắm tay nhau, cười nói với nhau, nhìn nhau âu yếm, lòng dửng dưng không một chút xúc động. Điều này cũng dễ hiểu và có gì có thể ảnh hưởng đến tình yêu tuyệt đối của tôi với Mai. Và vì tôi đang dự trù kế hoạch để giết Hoàng! Việc tôi giết Hoàng là việc giản dị, tự nhiên như hai với hai là bốn, tôi chỉ thi hành một bản án do chính Hoàng tự nguyện và Mai đã phán xử. Điều cốt yếu là sắp xếp mọi chuyện để cái chết của Hoàng tự nhiên, không ai có thể nghi ngờ được, nhất là Mai. Người cuối cùng trên cõi đời này biết được việc tôi giết Hoàng sẽ là Mai vì tôi có thể thủ tiêu cả nhân loại này để nàng không biết được điều đó! Kế hoạch của tôi giản dị tuy việc đạt được thành quả tùy thuộc vào vấn đề may rủi. Chẳng qua cũng là số mệnh của Hoàng! Vì lần đầu tiên thực hiện đã thành công ngay. Một hình phạt cho khóa sinh của trường Võ Bị trong khoảng thời gian đó là người bị phạt phải chui vào một bao bố, bọc kín và đẩy cho lăn từ đỉnh đồi xuống cuối đồi. Thường khóa sinh bị phạt chỉ trầy trụa chút đỉnh, khó chịu nhiều vì chóng mặt và sợ mà thôi. Đêm hôm trước ra bãi tập trên đỉnh đồi, tôi sửa soạn để Hoàng sẽ là nạn nhân ngày hôm sau. Nửa đêm hôm đó, tôi lẻn ra dưới chân con dốc, lăn một tảng đá khá lớn chôn dưới dốc và lấy bùn đắp lên trên để ngụy trang. Trở về trại, tôi lén đổ chút cát vào nòng súng M-16 của Hoàng, biết chắc tên thượng sĩ già hắc ám khám súng sáng hôm sau sẽ tìm ra ngay. Hình phạt cho Hoàng sáng hôm đó là lăn bao bố xuống chân ngọn đồi bãi tập. Sự việc xảy ra như điều tôi dự đoán, Hoàng chết ngay khi đầu đập vào tảng đá dưới chân đồi, ai cũng nghĩ do cơn mưa lớn tối hôm trước làm soi đất lộ ra và cái chết của Hoàng được tất cả mọi người đồng ý là tai nạn. Hình phạt lăn bao bố được bãi bỏ, cuộc điều tra chấm dứt một cách nhanh chóng và trường Võ Bị sau một hai tuần trở lại cuộc sống thường ngày. Không ai có thể nghĩ đến tôi là thủ phạm cả! Mai khóc hết nước mắt ngày chôn Hoàng, nàng gục đầu vào vai tôi nức nở suốt buổi hôm đó, điều mỉa mai hơn cả là tình yêu của tôi đối với Mai càng mãnh liệt hơn bao giờ, chừng như tội ác là món ăn kích thích và nuôi sống tình yêu của tôi đối với nàng. Tôi ôm nàng trong vòng tay và cảm thấy hơi sợ hãi cảm giác kỳ lạ này. Nhưng cảm giác đó tan biến ngay, tội ác gì? Việc Hoàng chết là việc phải xảy ra. Chỉ có tình yêu của tôi với Mai mới có quyền hiện hữu, mọi sự khác đều vô nghĩa và việc Hoàng sống hay chết tôi có để ý gì! - Chắc ông tự hỏi tôi có ân hận gì không trong việc tôi giết Hoàng? Câu trả lời là không! Hoàn toàn không! Người ta ân hận khi làm điều gì quấy, biết mình làm quấy và ý thức, chấp nhận điều đó là quấy. Tình yêu của tôi đối với Mai là tình yêu tuyệt đối. Đối với tôi, việc phụng sự tuyệt đối cho tình yêu là việc phải, hợp lý, không có gì quấy cả. Những người hiệp sĩ thập tự quân thời Trung Cổ giết người dã man, tàn bạo cho tuyệt đối tín ngưỡng của họ, có ai bảo họ là quấy đâu lại còn được phong thánh là đằng khác. Tôi có bảo vệ tuyệt đối của tình yêu với Mai, phải giết Hoàng cũng là điều không thể làm khác được. Chắc ông cho tôi ngụy biện. Trên đời này làm gì có tình yêu nào tuyệt đối như tôn giáo, sẵn sàng giết chóc hay hy sinh tính mạng mình cho điều mình tôn thờ. Có lẽ ông nghĩ thế cũng đúng, cả triệu người, tỷ người trên người trên quả đất này làm gì có tình yêu, họ chỉ có tình dục để sinh con, đẻ cái, truyền giống cho bản năng tự nhiên của con người. Mấy ai đã có tình yêu, cả lịch sử của nhân loại nữa, tình yêu tuyệt đối như tôi đối với Mai có lẽ chỉ có trong truyền thuyết. Tristan và Yseult, Trương Chi Mỵ Nương, còn ai nữa nhỉ? Ông đừng cười, tình yêu của tôi như của họ, chỉ vinh danh trong sự chết. Và sự chết, tình yêu chỉ là hai mặt của một thực thể; đối với tôi, cái chết của Hoàng là một phán quyết của tình yêu, tự nó là tình yêu, được dâng hiến trên bàn thờ của hy sinh cho tất cả, cho tuyệt đối của tình yêu. Có lẽ loài người, kể cả ông nữa, nhìn vào sẽ nói rằng tôi giết Hoàng chỉ vì ghen. Điều này đúng, áp dụng cho tất cả mọi người chỉ trừ một nhân vật, người đó là tôi. Ghen tuông là cảm xúc, là mù quáng. Tôi không có triệu chứng nào xác định điều đó cả, lòng tôi bình thản, dự trù kế hoạch, sắp đặt chương trình qui mô, không giận không ghét, thực thi những điều tôi phải làm theo phán quyết của tình yêu. Ghen tuông không khi nào là yếu tố trong việc làm của tôi. Ông tin hay không tùy ông nhưng quả thực là như thế! Mọi sự rồi cũng qua đi và Mai cũng dần dần khuây khỏa được nỗi buồn. Dĩ nhiên tôi ở suốt bên nàng những ngày nghỉ phép và đời tôi lại trở về những ngày vui sướng, hạnh phúc, đưa Mai đi chơi cuốn tuần, như những ngày trước đó khi chưa có Hoàng, chừng như sự xuất hiện của Hoàng không để lại một dấu vết gì, biệt tăm như một viên đá chìm sâu dưới đáy hồ. Và tôi tiếp tục thảnh thơi hưởng thụ những dịu ngọt của tình yêu bên Mai trong suốt một năm còn lại trên trường Võ Bị Đà Lạt. Ai dám nói rằng làm ác không đem lại được điều hay đâu? Thời gian tôi sắp sửa mãn khóa cũng là lúc đất nước sắp lọt vào tay Cộng Sản. Mùa xuân năm 1975 đó, gia đình Mai dọn về Sài Gòn, trường Võ Bị cũng di tản chiến thuật và tôi mất liên lạc với Mai. Tôi không muốn kể nhiều cho ông nghe về khoảng thời gian này vì dĩ nhiên người nào cũng có những biến động lớn sau ngày 30 tháng Tư đó. Tôi cũng như bao người khác phải đi học tập. Điều làm tôi khổ sở không phải vì sự hành hạ của bọn Cộng Sản mà vì tôi mất liên lạc với Mai. Tôi không hiểu Mai có thoát đi được hay ở lại, nàng còn sống hay chết, hay rơi vào tay bọn cán bộ khốn nạn. Tôi như điên cuồng với những hình ảnh đó nhưng cũng chính nhờ thế tôi giữ gìn mạng sống mình một cách cẩn mật hơn. Trong cảnh lao tù với bọn Cộng Sản, duy trì được đời sống là việc tối thượng và Mai là một ngàn lần lý do để tôi tìm đủ cách để sống, chờ ngày thoát để gặp lại nàng. Dịp may đến vào khoảng 2 năm sau ngày tôi vào trại học tập. Tôi và một nhóm sĩ quan tổ chức vượt ngục trong một buổi đi rẫy, một số bị bắn chết nhưng tôi và vài người nữa thoát được. Chúng tôi băng rừng, lội suối sau cùng rồi cũng về được Sài Gòn. Việc đầu tiên tôi làm là đi tìm Mai. Mất cả tháng trời dọ hỏi tôi mới biết tin nàng: Mai đang ở Rạch Giá tìm đường vượt biên. Định mệnh có lẽ đã gắn liền đời tôi với Mai vì sau khi trải qua bao khó khăn để xuống được tới Rạch Giá, ngày tôi gặp lại Mai cũng là ngày nàng sắp vượt biên. Mai ôm lấy tôi khóc, báo tin dì Tâm đã chết, nàng hiện giờ hoàn toàn trông nhờ vào Vượng, hôn phu của nàng, cũng là người tổ chức cuộc vượt biên cho cả nhóm. Mai giới thiệu tôi với Vượng và với hai lượng vàng mang theo, tôi điều đình để được lên ghe và chúng tôi vượt biên ngay đêm hôm đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu và không diễn tả được tâm trạng tôi lúc bấy giờ. Nỗi nhớ nhung điên cuồng quay quắt trong tuyệt vọng của tôi khi còn trong trại học tập, chỉ mong được gặp lại nàng, nhìn thấy nụ cười của nàng; nỗi thất vọng khi về đến Sài Gòn trải qua bao gian nguy kinh hoàng không tìm thấy Mai; niềm hy vọng trên con đường từ Sài Gòn đến Rạch Giá để tìm Mai. Và mọi sự kết tụ lại như một tình cờ. Không những tôi gặp được Mai, tôi có cơ hội để vượt biên ngay đêm hôm đó. Những cảm xúc ồ ạt xua đến và đi như ngọn triều dâng, bên cạnh Mai trên chiếc ghe mỏng mảnh giữa lòng đại dương, tôi cảm thấy mình vẫn còn được đãi ngộ hậu hĩ, và đời tôi với Mai sẽ lại như xưa, một cánh, một cành, vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Chỉ có một điều ngăn trở trong những giờ đầu tiên gặp lại Mai tôi không hề để ý đến; hạnh phúc tuyệt vời làm tôi quên tất cả; nhưng giữa trời sao và sóng nước mịt mùng, tôi mới chú ý đến điều đã từ từ dâng lên như một cơn nghẹn cổ. Đó là sự hiện diện của Vượng. Mai đã giới thiệu Vượng với tôi lúc mới gặp: Mai quen Vượng lúc chạy từ Đà Lạt về Sài Gòn, giúp đỡ nàng rất nhiều khi dì Tâm mang cơn bạo bệnh và lúc dì mất, tận lực giúp nàng trong việc mở quán cà phê sống qua ngày tìm cơ hội vượt biên. Tôi ngắm nhìn kỹ Vượng, hắn không đẹp không xấu nhưng mang một vẻ gian xảo tôi có ác cảm ngay. Tôi không hiểu sao Mai có cảm tình với hắn, dưới mắt tôi, Vượng tiêu biểu cho một loại người thấp kém và hèn hạ: lúc Việt Cộng chưa vào trốn lính trốn chui trốn nhủi, đến khi miền Nam mất, nhởn nhơ làm ăn. Mặc dù có hắn tôi mới có cơ hội vượt biên, nhưng tôi không cảm thấy một chút ân huệ nào và hắn lại là hôn phu của Mai, người tôi tưởng đã mất đi không bao giờ gặp lại, người của tình yêu tôi, tuyệt đối, bên cạnh một sinh vật thấp hèn như hắn một điều hoàn toàn vượt ngoài tầm ý thức của tôi và dĩ nhiên, không thể nào chấp nhận được. Cuộc vượt biên của chúng tôi gặp nhiều điều không may, ngày thứ nhì trên mặt biển bão đổ đến giữa lúc trời quang mây tạnh, bất ngờ và đe dọa. Vượng mặt tái mét hết hẳn lời ba hoa tự khen mình tính toán được thời tiết. Cơn bão nhồi chúng tôi mệt lừ cả đêm. Đến sáng mới tạm yên, nhưng cơn giông bão vừa qua, một thảm họa khác đã chờ ngay. Giữa trưa hôm đó ghe chúng tôi bị bọn cướp biển Thái Lan cặp. Những tên cướp biển hung dữ đầu chít khăn tịch thu tất cả vàng, nữ trang, lương thực. Một người trong ghe chống cự bị chúng bắn chết ngay. Tôi đã thủ sẵn dao dấu trong người ngay khi bọn cướp biển vừa cặp ghe. Tôi ấn Mai ngồi xuống một góc và đứng cạnh nàng sẵn sàng vì tôi biết sau khi lấy xong đồ, bọn cướp sẽ dở trò khốn nạn với đàn bà. Đúng như dự đoán một tên xấn xổ đến phía Mai ngồi, Tôi nhìn quanh, Vượng nằm bất động dưới sàn ghe không cục cựa giả chết. Giữa tên cướp biển và Mai, chỉ còn tôi. Tôi không chần chờ, rút dao đâm ngay. Hắn loạng choạng lùi lại rút súng ra bắn. Tôi khụy xuống, viên đạn trúng bụng nhưng tôi chưa ngất, vẩn ôm dao thủ thế. Một tên cướp khác nhào lại đá văng con dao tôi đang cầm, hắn giơ mã tấu lên chém, tôi đưa tay trái lên đỡ. Cánh tay tôi bị tiện ngay nhưng nhờ thế tôi thoát chết vì lúc tên cướp sắp sửa bồi nhát thứ hai, hắn bị một tên khác ngăn lại. Một chiếc tàu của hải quân Mỹ vừa xuất hiện ở chân trời và bọn cướp hốt hoảng rút lui ngay. Và cũng đúng lúc tôi vừa ngất đi, bên tai nghe tiếng Mai la hét cầu cứu tưởng tôi đã chết. Tôi phải mất máu nhiều lắm vì đến lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên một giường bệnh trắng toát. Một cô y tá người Tàu vừa nhìn thấy tôi mở mắt chạy lại nói líu lo. Thấy tôi không hiểu, cô nói tiếng Anh và với vốn liếng Anh ngữ ăn đong của tôi lúc đó, tôi được biết đã mê man đến 5 ngày. Sau khi ghe tôi được hải quân Mỹ vớt tôi được chuyển đến bệnh viện này ở Tân Gia Ba và giải phẫu cấp cứu ngay. Vết thương đạn tuy lủng ruột, nhưng không chạm vào cơ quan nào trọng yếu khác, chỉ có điều mất máu nhiều quá, phải truyền đến 10 bịch máu. Cánh tay trái không cứu vãn được phải cắt bỏ. Nhưng sống được như thế cũng là may lắm. Hỏi thăm về chuyến ghe tôi mới biết cả đoàn đã được hải quân Mỹ đưa đi có thể nhập cảnh Mỹ ngay, riêng tôi phải nằm lại Tân Gia Ba dưỡng bệnh và chờ đợïi giấy tờ, có thể mất ít nhất vài tháng nữa. Thế là Mai đã được vào Mỹ trước tôi, cùng với Vượng, tên khốn nạn giả chết lúc nguy cấp. Còn tôi phải nằm đây, xa Mai, chờ đợi đến ngày gặp lại. Mãi đến gần một năm sau, tôi mới được nhập cảnh vào Mỹ. Nằm trong nhà thương cả tháng trời vì biến chứng, lúc khỏi bệnh lại bị giấy tờ trục trặc, tôi nằm trong trại tỵ nạn lòng như lửa đốt vì Mai tuyệt vô âm tín. Tôi nhờ hội Hồng Thập Tự tìm địa chỉ nàng nhưng vẩn không biết được dấu tích gì. Tôi đoán có lẽ Vượng đã ngăn cản để Mai không liên lạc được với tôi, và Mai đang ở với Vượng, tình yêu của cả một đời tôi bên cạnh một kẻ khốn nạn, đê tiện. Làm sao tôi có thể chịu đựng nổi. Tôi mất thêm một năm nữa ở California sau khi được vào Mỹ. Tôi làm đủ mọi việc vặt để sống qua ngày và để dọ hỏi tin tức Mai. Điều sai lầm của tôi là nghĩ Cali với nhiều người Việt ở chắc Mai sẽ định cư ở đây. Tìm Mai khắp miền Nam Cali không được, tôi lên miền Bắc Cali, không ai biết Mai ở đâu cả. Sau cùng rồi tôi cũng biết được địa chỉ nàng. Tôi gặp lại một người đi cùng trên chuyến ghe vượt biên cho biết Mai hiện đang ở với Vượng trên New York. Mai ở Staten Island, một trong năm quận của thành phố New York, cách Manhattan bằng cầu treo Verazano. Tôi ngồi trên taxi đi qua chiếc cầu treo dài nhất thế giới này lòng bồn chồn như lửa đốt. Mai hiện giờ ra sao? Tại sao nàng không chịu liên lạc với tôi khi tôi đang dở sống dở chết trong bệnh viện ở Tân Gia Ba? Tại sao nàng lẩn tránh để tôi không tìm được nàng khắp vùng Cali? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến trong trí trên suốt quãng đường từ phi trường đến Staten Island. Chỗ Mai ở là một khu apartments trên đồi, taxi phải chạy vòng vèo qua những con đường nhỏ tàn cây xum xuê, sau cùng dừng lại trên một con đường cụt hình chữ U, apartment Mai ở nằm ngay trong dãy đầu tiên nên tôi kiếm được ngay. Lúc bấy giờ trời đã xẩm tối, tháng 9 trên New York đã lạnh nhiều, tôi bấm chuông và hồi hộp đứng đợi. Cửa mở, Mai hiện ra, nàng nhìn tôi trân trối như nhìn một bóng ma đội mồ sống dậy rồi òa khóc ôm chầm lấy tôi. Tôi hiểu ngay, Mai đinh ninh tôi đã chết khi chuyển đến bệnh viện Tân Gia Ba và tất cả những thiệp báo của Hồng Thập Tự hoặc thư tôi viết đã bị tên Vượng khốn kiếp dấu nhẹm đi cả. Mai đẩy tôi ra, nhìn kỹ tôi một lần nữa, lần này nàng mới chú ý đến cánh tay cụt của tôi. Mai nghẹn ngào: - Anh Vũ, anh Vũ... Nàng không nói được nữa, dắt tôi vào nhà trong. Vượng đang ngồi trên chiếc sofa, tay cầm ly rượu mặt đỏ ké. Hắn nhìn tôi trân trối rồi lạnh nhạt đứng dậy bắt tay tôi. Mai nhìn Vượng vẻ sợ hãi: - Anh Vũ đây anh Vượng! Anh bảo với em anh Vũ đã chết, em cầu trời khấn Phật mãi để cho không phải, lòng thành em được chứng giám đấy anh thấy không? Vượng không nói gì, chỉ hừ một tiếng, hắn gượng gạo mời tôi ngồi rồi im lìm để mặc tôi và Mai nói chuyện. Được một lúc, hắn cáo lỗi vì say và vào phòng trong. Tôi ngồi nghe Mai kể chuyện hai năm qua, đợi khi nghe tiếng ngáy của Vượng đều đều từ phòng ngủ vọng ra mới hỏi Mai: - Vượng đối xử với em như thế nào? Mai im bặt, không nói một tiếng nào nữa. Một lúc sau nàng lặng lẽ khóc, mắt nhìn xuống cánh tay. Tôi nhìn theo và lần đầu tiên từ lúc gặp Mai tôi mới để ý đến: những vết bầm xanh đầy trên cánh tay trắng nõn của nàng nãy giờ bị ánh sáng hơi tối chỗ Mai ngồi che dấu, nay hiện lên rõ mồn một. Máu trong ngực tôi như nhào lên, ruột tôi như sôi lửa, tôi hỏi Mai giọng lạc đi: - Vượng đánh em? Mai không nói chỉ lặng yên ngồi khóc. Tôi không cần câu trả lời xác định của Mai, mọi sự rõ ràng như ban ngày: Mai người tôi yêu, người tôi bỏ cả cuộc đời để cho nàng, người tôi sẵn sàng làm đủ mọi chuyện tốt, xấu chỉ vì nàng, bị một tên say rượu vũ phu hành hạ. Điều tôi không ngờ đến nhất là câu trả lời của Mai cho câu hỏi kế tiếp của tôi: - Tại sao em lại để như vậy? Câu trả lời của nàng làm tôi bàng hoàng, như một tiếng sét giữa trời quang mây tạnh, người tôi run lên, mắt như hoa và một lần nữa, điều ám ảnh tuyệt đối năm năm trước lại trở lại, bao phủ lấy hồn tôi. - Em yêu Vượng! Tôi biết sẽ phải làm gì sau khi nghe nàng nói. Tình yêu quả thật kỳ lạ. Tôi yêu Mai như từ trước đến giờ chưa có người nào yêu một người khác như vậy. Tôi có thể chết một ngàn lần vì nàng hoặc giết một triệu người vì nàng. Mai biết điều đó, cảm nhận tình yêu của tôi nhưng nàng chưa hề và sẽ không bao giờ yêu tôi. Suốt đời tôi sẽ chỉ là người anh họ của nàng, giản dị có thế. Và nàng nói với tôi: “Em yêu Vượng”! Tôi không thể hiểu tình yêu của nàng, dưới mắt tôi, Vượng chỉ là một sinh vật đớn hèn, không đủ khả năng làm người, nói gì đến một người Mai có thể yêu. Điều tệ hại hơn nữa, không điều gì biểu lộ rằng hắn yêu lại nàng cả. Có lẽ định mệnh đã xui khiến như vậy, tình yêu là sự đuổi bắt, là vòng lẩn quẩn. Tất cả chỉ là mù quáng, ảo ảnh. Dĩ nhiên đối với tôi Mai xứng đáng cho tình yêu của tôi, nàng là tượng trưng cho tuyệt đối, cho những gì đẹp nhất, cao quí nhất. Nàng có thể không yêu tôi nhưng nàng không thể hạ mình xuống tầm mức của tên Vượng được, vòng dây trói giữa tôi và nàng không thể để mấu chốt xấu xa như vậy dính vào được. Và như một con sâu hôi thối cần phải dùng mũi giầy dí nát, tôi quyết định phải trừ khử Vượng, một cách vĩnh viễn! Tôi thuê khách sạn gần chỗ Mai ở và suốt tuần đó tôi đều lại chơi, tôi rỏ ra thân thiện với Vượng và sau vài ngày hắn đã hòa hoãn hơn trước. Biết tật uống rượu của hắn, tối nào tôi cũng mua rượu ngon đặc biệt mang đến. Vượng mừng rỡ, mắt sáng lên mỗi lần tôi mở một chai Cordon Bleu như chai này. Hắn đi làm kiếm không được bao nhiêu tiền, cộng với tật bần tiện, khi nào dám uống rượu sang. Mai cũng lộ vẻ an ủi khi thấy tôi vui vẻ với Vượng. Thứ sáu hôm đó, cũng một buổi trời mưa tầm tã như đêm nay, Mai phải đi làm ca nhì, ngày hôm trước nàng đã dặn với tôi Vượng có thể phải một hay hai giờ sáng nàng mới về vì việc nhiều. Tôi đùa: - Không sao, chắc anh cũng bận không đến được còn Vượng có uống rượu trừ bữa tối cũng được cơ mà. Mai chỉ lắc đầu không nói. Tối hôm đó, biết chắc chỉ mình Vượng ở nhà, tôi mang một lô rượu đến. Vượng hân hoan mời tôi vào, tôi mang ít đồ nhậu bỏ ra và vừa lai rai vừa khích Vượng để hắn uống. Tửu lượng của Vượng cũng vào bực khá, tôi uống cầm chừng, nhồi cho hắn uống thật nhiều. Đến chai thứ hai hắn mới bắt đầu say, càng say nghe lời nói khích hắn càng uống. Được một lúc, Vượng bắt đầu ngả nghiêng rồi nằm vật xuống. Tôi lay thế nào hắn vẫn không tỉnh, mê man hoàn toàn không nhúc nhích. Để yên trí hơn nữa, tôi ra xe lấy thêm một chai rượu và một chiếc phễu dài; thọc phễu vào cổ họng Vượng, tôi từ từ tuôn hết cả chai rượu nguyên, tránh không để hắn sặc. Vượng vẫn nằm yên mê man, lần này chắc chắn hẳn, tôi xốc Vượng vào phòng ngủ và đặt hắn nằm lên giường. Tôi ngắm nghía Vượng, mặt hắn đỏ bừng bừng, rãi hai bên mép chẩy xuống trông thô bỉ làm sao. Với số lượng gần ba chai rượu mạnh đổ vào cơ thể trong một thời gian ngắn như thế, hắn không chết cũng còn lâu mới tỉnh dậy được. Nhưng khi nào bỏ qua dịp may, tôi lấy chiếc gối dài phủ kín mặt Vượng, dùng tay và đầu gối đè chặt hai bên. Tôi giữ như vậy cũng lâu lắm, hài lòng với chính mình, không ai có thể nghi ngờ tôi được. Mai không biết tôi đến, tôi sẽ thu dọn cẩn thận tang chứng, nói dối với nàng ở khách sạn cả đêm. Mai sẽ tưởng rằng Vượng uống quá độ, say đi ngủ và trúng gió chết. Giới chức trách có khám nghiệm giải phẫu tử thi cũng sẽ chỉ cho Vượng chết với độ rượu quá cao trong máu. Mọi người sẽ chỉ cho là tai nạn, cũng như Hoàng năm năm trước. Tôi vẫn đè gối trên mặt Vượng, mải mê với những ý nghĩ trên cho đến khi tiếng động sau lưng làm tôi giật mình quay lại: Mai đang đứng sững trước cửa phòng ngủ, chiếc ví của nàng rơi trên mặt sàn. Điều tôi lo ngại trở thành sự thực, Mai bất ngờ về sớm chứng kiến việc tôi đang giết Vượng. Và tất cả bỗng trở thành mơ hồ, thực tại chợt biến đi không còn nữa, làm sao tôi giải thích cho Mai được mọi sự đều là tình yêu, hoàn toàn chỉ vì tuyệt đối của tình yêu. Sự sống, sự chết, loài người, có nghĩa gì trước tình yêu của tôi đối với Mai. Tôi muốn hét lên cho nàng biết, phá tan niềm im lặng của tuyệt vọng đang bao phủ lấy tôi với nàng. Khuôn mặt Mai trắng bệch, mắt mở lớn hãi hùng, nàng nhìn xác Vượng rồi nhìn tôi và trong thoáng chốc tôi biết nàng biết tất cả, lần đầu tiên Mai hiểu được tình yêu của tôi đối với nàng và nàng đứng đó trong kinh hoàng, trực giác đã cho nàng biết lý do cái chết của Hoàng năm năm trước, tình cờ đã cho nàng chứng kiến cái chết của Vượng. Tôi giơ hai tay về phía Mai, đau đớn thấy nàng lùi lại. Mai quay mặt đi, tiếng nói của nàng vọng về phía tôi như lời phán quyết của ngày phán xét cuối cùng: - Anh đi đi, đừng bao giờ, đừng bao giờ để tôi gặp lại anh nữa. Gã chủ quán gục đầu xuống bàn, chai rượu Martell đã cạn mặc dù Duệ không uống lấy một giọt rượu nào. Chàng nhìn xuống Vũ, gã tiếp tục kể giọng nhỏ hẳn đi: - Tôi sống trong địa ngục kể từ lúc đó. Nếu Mai bắt tôi chết đi có lẽ còn hay hơn. Nàng lưu đày tôi vào địa ngục ngay trên cõi trần này. Tôi sống, tôi có mặt trên quả đất này vì tình yêu của tôi đối với nàng. Làm sao tôi có thể tiếp tục được khi biết nàng đang ở đâu đó trên giải đất này và tôi sẽ không bao giờ, không còn có thể thấy nàng, nghe tiếng nàng nói, nhìn nụ cười của nàng. Tôi phải ở một nơi nào để không thể gặp lại nàng. Lúc nàng nói: Đừng bao giờ, đừng bao giờ gặp lại nàng, giây phút đó tôi đã ở trong địa ngục, một địa ngục cũng tuyệt đối như tình yêu của tôi với nàng. Bây giờ chắc ông hiểu tại sao tôi chọn thành phố Thiên Đường này để sống. Vì đối với tình yêu của tôi, thiên đường và địa ngục cũng chỉ là một. Gã chủ quán tên Vũ giọng nhỏ dần ngừng kể, dường như thiếp vào giấc ngủ. Duệ ngồi lặng yên như người vừa ra khỏi cơn thôi miên. Chàng thấy lòng nặng như bầu trời trước cơn giông bão, linh cảm điều chẳng lành. Đêm đã về khuya lắm, cơn mưa lúc giảm lúc tăng. Duệ bỗng cảm thấy nóng ruột như lửa đốt, chàng muốn đứng dậy về mà không sao đứng lên khỏi ghế được. Cơn thôi miên như vẫn còn giữ chặt lấy chàng. Duệ nghe có tiếng xe đậu trước quán, rồi bóng người đàn bà Mỹ to béo và vợ chàng hiện ra trước cửa. Chàng đoán vợ chàng đợi chồng mãi không về, sốt ruột nhờ bà chủ khách sạn đưa nàng đi kiếm. Bà Mỹ già nói giọng vui vẻ: - Tôi đã bảo bà mà, ông ở quán này chứ có sao đâu mà bà sợ. Duệ thấy vợ chàng quay sang cười với bà Mỹ và đột nhiên nụ cười của nàng tắt hẳn. Mai, vợ chàng, vừa nhìn thấy bóng sau lưng gã đàn ông chủ quán đang gục đầu xuống bàn, cánh tay trái cụt lủng lẳng ống tay áo dài hình chiếc nơ xộc xệch rủ xuống. Duệ thấy nhói người, tim đập sai nhịp vài ba cái. Trên đời này có bao nhiêu người tên Mai, chàng nghe gã chủ quán kể chuyện mối tình của hắn và cô Mai nào đó, trùng tên với vợ chàng, làm sao trên đời lại có thể có việc ngẫu nhiên như việc Mai, người yêu của gã chủ quán lại chính là vợ chàng. Linh tính đã cho Duệ thấy điều chẳng lành và sự việc muôn triệu lần chỉ có một, quả thực đang xẩy ra với chàng là người trong cuộc. Như một cơn ác mộng trong cuốn phim quay chậm, Duệ thấy gã chủ quán ngồi xoay người lại và ánh mắt chạm ánh mắt Mai vợ chàng. Vũ lảo đảo đứng dậy, miệng lắp bắp: - Mai.. Mai... Em.. Em.. Hắn vịn tay xuống bàn, gục xuống. Hắn nói từng tiếng, đầu cúi xuống giọng mơ hồ như từ đáy mồ vọng lên: - Đừng bao giờ, đừng bao giờ gặp lại em nữa. Những đường gân xanh trên trán gã chủ quán hằn lên, nổi cứng như sắp sửa bật đứt, cặp mắt đỏ ngầu, hắn quay sang nhìn Duệ trừng trừng: - Mày... mày.. chồng của Mai? Hắn túm lấy ngực áo Duệ, chàng đưa tay lên gạt ra và đẩy người Vũ về đằng trước. Bà Mỹ già tiến về phía Vũ định can. Hắn thét lên một tiếng đẩy ra rồi chạy vào phía trong nhà bếp. Duệ nắm lấy tay Mai chạy ra phía cửa, chàng vừa nhìn thấy Vũ chụp lấy dao tiến ra phía trước. Hắn đã hoàn toàn điên loạn vì bất ngờ gặp lại Mai vừa sau khi xúc động mạnh kể lại chuyện cũ với chàng. Duệ mở cửa xe đẩy vợ vào trong và rồ máy chạy. Vũ hiện ra trước cửa chạy theo, cầm dao gào thét: - Mai, Mai.. em trở lại đây! Khoảng cách mỗi lúc một xa. Duệ nhìn theo trong kính chiếu hậu. Vũ đứng lại, hắn ngửa cổ lên trời rú lên những tiếng thê thảm, gió thổi tóc dựng đứng bay ra sau với cánh tay áo cụt bay phần phật và cơn mưa đổ xuống ào ạt ướt đẫm khuôn mặt. Một ánh chớp lóe lên sáng rực và Duệ nhìn thấy trong một khoảnh khắc Vũ gào lên thảm thiết, giơ tay đâm lút dao vào ngực, giòng máu đỏ vọt ra thành vòi và người hắn đổ ập về phía trước. Dư âm tiếng gào của gã chủ quán đến cùng lúc với tiếng sấm lộng vào trong óc Duệ. Chàng đạp sát chân ga, chiếc xe rồ mạnh lao đi trong màn đêm đưa chàng và Mai ra khỏi thành phố Thiên Đường, xa rời hẳn nơi chốn của Thiên Đường đã biến thành Địa Ngục, để lại trên mặt đường và trong cơn mưa thân xác của người đã biết được tình yêu và đã chọn lựa cho tình yêu mình một địa ngục tối tăm và mãi mãi. Nguyễn Đình Phùng