ách đây khoảng gần một tháng trước Ngoại tôi bên Việt Nam trở bệnh. Chỉ là bệnh già chứ không phải gì qúa nghiêm trọng. Mẹ tôi vốn lo xa nên dọn ra căn nhà khác của chúng tôi gần chợ và gần đường lộ nhựa để ở tạm. Thứ nhất đi bác sĩ dễ dàng kế tiếp có gì cần gấp thì di chuyển thuận tiện, nhanh gọn . Kêu một tiếng  có xe tới ngay sát bên.Nếu ở trong vườn như thường lệ phải đi một đoạn đường làng ngăn ngắn.
Vừa dọn ra được vài ngày bệnh tình của Ngoại mới vừa khá hơn lại nhận được tin không tốt lành. Một người cậu họ qua đời khi tuổi còn khá trẻ trong một tai nạn bỏ lại vợ và hai đứa con nhỏ. Hoàn cảnh gia đình họ rất thiếu hụt . Dì Hai tôi lật đật tới để chia buồn cũng như đở đần trong lúc tang gia bối rối còn Mẹ ở nhà chăm sóc bà Ngoại. Đêm hôm sau lúc gần hai giờ sáng một căn nhà cách nhà tôi một căn phát hỏa. Lý do mà người ta điều tra được sau này là do chập điện. Vào khoảng thời gian đó người nào cũng say ngủ. Khi nghe con chó nhà tôi cào cấu cửa và kêu ư ử, mẹ tôi mở cửa ra thì thấy lửa đã cháy rực một góc.
Hẳn nhiên là la hét lên báo động cho xóm lành rồi vội vàng bỏ chạy ra khỏi nhà như một phản xạ bình thường. Mẹ tôi chỉ kịp mở tủ lấy cái túi xách nhỏ trong đó đựng ít giấy tờ cùng mớ tư trang nhỏ nhoi quẩy lên vai. Tay kia dẫn bà Ngoại, tay nọ dẫn con chó nhỏ và vội vã chạy ra đường lớn tránh xa đám cháy. Những người đàn ông xúm vào chữa lửa những người đàn bà nhà gần đó thì tranh thủ di chuyển đồ đạc có giá trị. Cuối cùng thì xe cứu hỏa tới và đám cháy cũng được dập tắt. May mắn là không có ai bị thiệt mạng. Nhà san sát nên chuyện cháy lan là không tránh khỏi. Nhà tôi cũng bị lan qua phía nhà bếp, tường nám đen mái ngói bị vỡ một ít. Xem như là may mắn dù bị một phen hốt hoảng.
Mẹ gọi điện thoại sang cho tôi kể lại câu chuyện trong giọng bàng hoàng. Nói được một chút thì mẹ tôi khóc. Mẹ bảo mẹ muốn vào đem ít đồ đạc  mà mẹ cho là có giá trị ra ngoài. Nhưng một mình mẹ thì không thể khiêng chúng,trong khi người ta có con cái hay người thân phụ giúp. Giây phút đó ai cũng lo chuyện nhà mình trước chớ tâm trí đâu mà lo tới hàng xóm. Ngay cả những vật nhỏ mẹ khiêng được thì mẹ cũng không dám bỏ Ngoại đứng đó một mình. Sợ người ta chạy tới chạy lui va vào làm Ngoại té ngã. Chưa nói tới chuyện Ngoại tôi tai, mắt đều kém.
Tôi an ủi mẹ rằng mẹ làm vậy là đúng và ba cái thứ đó có đáng bao nhiêu. Có cháy cả căn nhà cũng chả nhằm nhò gì tôi cất cái khác mấy hồi. Chẳng phải tôi nói kiểu phách lối gì đâu những thứ như máy giặt, tủ lạnh, ti vi... thật sự không là gì so với những người sống bên này. Chẳng đáng bao tiền đôi khi giá không bằng một cái túi xách đang thịnh hành. Nhưng sâu xa tôi cũng hiểu với những người ở quê như mẹ tôi chúng là những thứ rất có giá trị. Chúng càng có giá trị hơn nếu là vật do con cái mua tặng. Những thứ đó tôi có thể mua lại được trong một tiếng đồng hồ. Nhưng niềm tủi thân một mình đơn độc khi cấp bách của mẹ thì tôi chẳng thể nào mà đền bù hay bồi hoàn nổi.
Nhiều lúc tôi thấy những kẻ ở xa như tôi vô trách nhiệm qúa đi. Ngoài tặng này tặng nọ bằng vật chất tiền bạc thì chẳng thể làm gì hơn. Đành rằng mẹ thương không hết, nói chi giận trách nhưng đôi khi nằm đêm tự vấn lương tâm thấy mình làm con chẳng ra làm sao cả. Mẹ ngày nhiều tuổi tiền bạc dùng có bao nhiêu đâu cái cần là con cái ở cạnh. Mỗi cây mỗi cành, mỗi nhà mỗi cảnh khó mà nói hết được bằng lời. Mẹ thì không chịu sang đây, tôi thì nhất quyết không chịu về Việt Nam sống.
Chuyện nhà vừa tạm yên ổn sau khi cậu em trai tôi về kêu người chỉnh sửa nhà cửa. Đùng một cái xảy ra chuyện thời sự nóng gần đây mà ai cũng biết. Tôi có cái nguyên tắc lớn nhất là không nói bất cứ cái gì liên quan chính trị chính em ở Việt Nam.Càng không tham gia bàn luận. Bởi có biết gì đâu mà nói dù cho có biết đi chăng nữa cũng chẳng tới lượt phó thường dân như tôi lên tiếng. Chuyện quốc gia đại sự để đàn ông họ lo.
Tôi đàn bà con gái lại thuộc dạng ham sống sợ chết. Nói tôi hèn thì tôi chịu chớ nghe phía trước có súng đạn, cướp giật là tôi nhanh chân lẹ cẳng kiếm đường khác mà đi. Tôi thuộc nằm lòng bài học bà ngoại dặn khi nhỏ. Ra đường hễ thấy đám đông đang đánh nhau thì phải tránh cho lẹ. Đứng đó hóng hớt nhìn ngó có khi ăn nhầm chiếc guốc lạc vào đầu thì đừng có mà than xui. Kêu tôi nấu đồ ăn hay làm sao kiếm tiền nhiều hơn năm trước thì tôi còn có thể suy nghĩ tìm cách. Mấy chuyện làng nước thì tôi câm như hến.
Vậy mà cả tuần nay tôi cứ ngóng cổ như con cò về cái nơi cong cong chữ S ấy. Sáng nào tôi cũng nuốt một đống tin tức khô khan mà hồi xưa chẳng thèm ngó.Sau đó phân tích hình dung bằng bộ nảo  trái nho của tôi. Đi đâu cũng kè kè điện thoại không dám hở ra. Những cái nick trên mạng của tôi đều bật sáng. Xưa giờ tôi đi chùa thì đi nhưng chẳng bao giờ cầu xin gì. Có thể tôi là kẻ không có lòng tin với tôn giáo. Hoặc giả sử tôi còn biết cầu gì nữa đây ngoài cám ơn trời phật đã ban cho tôi cuộc sống yêu thương như hiện tại. Chả lẽ tự gạt mình theo kiểu hồi con nít như cầu cho ông bà cha mẹ sống đủ trăm tuổi.  Thôi, già qúa rồi không sến sẩm đóng cải lương như thế được. Đi vì thích chốn yên tịnh ấy, đi để nhủ lòng bớt sân si, bớt hung hăng,  hơn thua.
Nhưng những ngày gần đây thì khác. Chiều nào tôi cũng thu xếp công việc để về sớm đi chùa. Chùa thờ phật cũng ghé mà thờ thánh thần gì cũng ghé luôn. Chẳng những tôi thành tâm xì xụp khấn vái, cúng bái. Tôi còn phụ làm công qủa với hy vọng trời phật liếc mắt tới lời cầu xin của mình. Dẫu biết rằng ước mơ chỉ là mơ ước và cầu xin là cái quyền của mình còn cái chuyện được nó xa vời tận phương  nào.
Tôi không dám bàn luận hay nói dính dáng chi tới mấy chuyện dễ gây tranh cãi. Càng không dám đem ý kiến cá nhân bảo đúng hay sai.Tôi sợ bị chụp mũ bị quy kết lắm.  Tôi chỉ biết sắp tới sẽ có thêm nhiều người vất vả, khốn khổ hơn trong cuộc sống. Tôi chẳng tốt lành gì lo chuyện thiên hạ đâu. Tôi chật hẹp ích kỷ nên chỉ lo cho người thân quen của mình thôi. Những đứa em ở xóm làng hiện tại thất nghiệp tạm thời do công ty tạm nghĩ. Khi nào làm lại thì vẫn là con số không to tướng. Đứa ở gần thì chạy về quê gọi là thăm nhà thật ra ăn ké ba mẹ .
Đứa ở xa thì nằm nơi những căn nhà trọ nhỏ bé chật hẹp  chờ tin. Không buồn không lo sao được vì ngoài nguy cơ thất nghiệp thì khoản lương chủ chưa trả cho những ngày gần đâu coi như đi đổ sông đổ biển nếu như công ty dẹp tiệm luôn. Những người đi làm để nuôi thân đã khó thì những người đi làm kiếm tiền gởi về quê giúp đở gia đình càng khó hơn. Không có việc đồng nghĩa với cái đói. Ai cũng biết hiện tại Việt Nam vẫn chưa có những phúc lợi trợ cấp.
Tôi cũng là kẻ kiếm cơm ở xứ người  nên tôi hiểu phần nào tâm lý những người giống mình. Ai mà dám đầu tư ở một nơi tiềm ẩn bạo động. Người tại địa phương còn biết này nọ còn những kẻ ở bên ngoài chỉ dựa vào tin tức nghe ngóng chớ làm sao mà hiểu tảng băng chìm trong nước.  Có được mấy tờ báo bên nước ngoài đưa tin  chính xác đây. Họ vô tình sai lệch do vấn đề từ thông tin . Do cách nhìn từ một hướng của người săn tình hay cố tình thì chỉ có trời mới biết. Giống như hồi sáng này tôi đọc một tờ báo ở nước này. Họ chỉ bảo công nhân Việt Nam vì phản đối China đặt giàn khoan mà đốt nhà xưởng, đánh đập bên đây bên kia và cướp giật. Họ đâu có rãnh mà phân tích hoặc viết thêm là Việt Nam bị chèn ép bao lâu nay ra sao. Nói chi tới cái chuyện đường lưỡi bò hay lưỡi cọp. Kèm theo vài tấm ảnh minh họa chung chung kiểu như anh kia đang ôm cái máy computer. Nói vui chớ nhiều khi người ta ôm đi cất giấu ai mà biết được. Nếu muốn cướp thì cướp gì lớn lớn chớ ba cái máy đó ở nhiều nước họ cho nó ra bãi rác công nghiệp từ lâu. Khổ nỗi người bên này đọc đâu có hiểu cứ cho là dân Việt thích quậy thích kiếm chuyện hơn  làm việc. Cái gì cũng chôm cái gì cũng hốt.  Không lẽ mình cầm tờ báo đi lên cãi lộn tay đôi với thằng chủ tòa soạn theo kiểu con kiến kiện củ khoai.
Nói chi cho xa, sáng ngồi uống cafe với năm ba đứa bạn ở đây. Họ rối rít hỏi gia đình bên Việt Nam có sao không? Có suy nghĩ mang họ qua đây du lịch tạm thời kiểu né đạn không? Không thôi hỏi kiểu tại sao và tại sao. Chỉ  giải thích vắn tắt đơn giản '' mía sâu có đốt nhà dột có nơi, có lửa mới có khói '' là đủ mỏi cả miệng nói chi chuyện khác.
Đã nói rồi tôi không lạm bàn lý do nguyên nhân thì tôi lại càng không dám nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới. Nói thật tưởng tượng thôi đã đủ sợ hãi rùng mình. Ba người đàn bà nhà tôi là góa phụ. Hai người chồng chết trong chiến tranh. Tôi từng sống giữa một ngôi nhà mà hình bóng đàn ông chỉ là những bức di ảnh đen trắng. Tôi từng sống trong một ngồi nhà chất chứa nước mắt tủi thân, thù hận thời cuộc và cả khắc khoải thương nhớ. Tôi từng sống trong một ngôi nhà giữa đêm vắng có tiếng động những người đàn bà phải dựa vào nhau để chống lại những kẻ trộm tiền và cả trộm tình. Tôi được dạy thậm chí được rèn luyện tính mạnh mẽ độc lập từ nhỏ theo cái kiểu một mình vẫn sống ngon lành. Tôi hiểu và tôi sợ...
 Tôi quá tuổi để ước mình trở thành siêu nhân bận bộ đồ xanh lè như con kỳ nhông bay tới bay lui. Có sức mạnh kinh hồn để nhổ cái gì đó ngoài biển đông. Tôi cũng không đủ ảo giác để mơ thành dị nhân một tay chèo xuồng một tay cầm kiếm,  biển Đông thẳng tiến. Đi tới đâu xác người nằm như lá mùa thu. Bởi tôi sợ máu đổ, sợ chết chóc. Ai cũng là con người có cha mẹ sinh ra. Tôi tin chẳng ai muốn chém giết nhau. Súng lên đạn chỉa thẳng vào đầu lúc đó mới biết ai gan dạ, ai ngất xĩu.
Tay có ngón dài ngón vắn đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Trên nhiều trang báo mạng  hay face book tôi đã đọc thấy rất nhiều người... rất nhiều người Hoa phản đối, chưởi bới những cái mà chính phủ China đang thực hiện.  Có nguyền rủa thì tôi nguyền rủa mấy cái thằng cha cầm đầu ngang ngược và lòng tham không đáy của họ. Nhanh nhanh bị chết đâm, chết chém hay bị mấy con cá mập ngoài biển ăn dùm lẹ lẹ, thì thiệt là tốt qúa. Khổ nỗi ai làm ác thường sống dai lắm nên tôi nguyền rủa cở trăm năm nữa thì mấy kẻ đó cũng già cũng chết hà.
Nên tôi chỉ biết cầu xin, cầu xin tất cả mọi đấng thiêng liêng  một điều thật nhỏ nhoi. Dù biết rằng ngay điều nhỏ nhoi ấy cũng là chuyện khó có thể xảy ra. Nói chi dám cầu đến chuyện lớn lao. Tôi cầu xin cái gì đó xui khiến, phép màu nào đó xảy ra cũng được. Khiến những kẻ ngoại bang xấu bụng kia nhổ bỏ thứ mà họ cắm xuống. Như nhỏ bỏ một cái ngòi nổ chậm của một trái pháo lớn. Trả lại sự yên ổn, an lành cho quê hương tôi. Chỉ bấy nhiêu đó tôi đã tạ ơn trời đất trăm ngàn lần.Tôi biết đâu ai muốn cái xấu xảy ra. Tôi tin người Việt tôi hiền lành ôn nhu. Nhưng mà ai dám nói trước chuyện gì xảy ra ngày mai. Tức nước vỡ bờ là cái lý lẽ bình dân ai cũng hiểu. Bây giờ tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện từng ngày mà thôi.
 Không lo lắng sao được khi tôi còn một cô bạn thân một nách hai con nhỏ. Bạn tôi vừa làm mẹ vừa làm cha sau khi chồng mình bỏ đi theo người đàn bà khác. Bạn có một cái quán cafe nhỏ  tại Bình Dương bán cho những người thuộc dạng bình dân gần khu chế xuất . Trước đây buôn bán rất tốt nhưng gần đây thì không. Chuyện kinh tế vẫn chưa phải là vấn đề đáng lo bằng nạn trộm cướp đang rộ lên. Chẳng trách được khi cuộc sống túng quẫn dễ khiến người ta đánh mất lương tri. Đầu tiên là bị mất trộm những món đồ nhỏ, dần dần tới món lớn.
Bữa kia do quán có treo vài cái lồng đèn cùng ít chữ màu mè đo đỏ gì đó mà bạn mua trong tết để trang trí cho quán. Bị vài kẻ vu là quán của vợ bé tụi Tàu báo hại một số bàn ghế phía ngoài bị đập tan tành. May mà có người ra ngăn chặn nói gì đó khiến những người qúa khích bỏ đi. Bạn tôi một phen xanh mặt. Bây giờ mẹ con đùm túm nhau về nhà cha mẹ ruột ngủ vào ban đêm. Buôn bán thì chỉ cầm chừng, tới xế chiều là dẹp. Mai này không biết nồi cơm của mẹ con họ sẽ ra sao . Người ta thất nghiệp con khô ký gạo  còn phải suy nghĩ tiền đâu cafe. Mẹ con họ sẽ xoay xở sinh kế bằng cách nào đây?. Em gái của bạn trước làm kế toán của một công ty Đài Loan gì đó. Lương bổng cũng tạm được, ngoài giờ ghé qua phụ giúp một tay. Bây giờ công ty em ấy bị đập phá chuyện đi làm lại chắc là không thể. Tình hình hiện tại đành ngồi nhà chờ chứ biết xin việc nơi đâu. Khó khăn nối tiếp khó khăn.
Em trai tôi làm việc trong một công ty về phim ảnh. Chẳng phải công việc cao sang gì  chỉ thuộc dạng cóc kèn cầm đèn chạy tới chạy lui vậy thôi. Hằng năm vào khoảng tháng ba em tôi đã rong ruổi ở khắp nơi vì những bộ phim truyện dài tập. Năm nay tới tận tháng này vẫn không có bộ phim nào được khởi quay vì những lý do khách quan. Ngược lại, những ngày gần đây công ty em cũng quay một ít về tình hình phóng sự kiểu vô thưởng vô phạt như bao công ty khác. Bữa kia chỉ quay từ xa thôi mà còn bị ăn  hai cây gậy vào người vì cái tội: '' Bọn nhà báo kìa đánh bỏ mẹ chúng nó đi '' May là có ai đó nhanh trí nói giúp bằng cách bảo dân đi quay phim đám cưới vô tình ngang qua. Không thì không biết chuyện gì sẽ  xảy ra. Người làm chị ở xa như tôi biết nói hay khuyên em thế nào đây. Chẳng lẽ bảo em bỏ việc, chưa nói đó là công việc em yêu thích. Thanh niên có cái máu đam mê của họ. Dù họ biết cái đam mê ấy nguy hiểm. Tôi làm gì hơn ngoài cách gọi điện thoại từng ngày về bên ấy. Hồi hộp khi thấy số điện thoại của nhà bên Việt Nam gọi qua và vạn lần mong sự an lành cho đứa em trai duy nhất của mình.
Tôi không là người dễ xúc động. Nhưng làm sao mà không buồn không nặng lòng khi vài đứa em họ hàng bên ấy gọi qua. Chúng gọi qua cho tôi ở một dịch vụ internet rẻ tiền nào đó bằng mạng Skype mà chất lượng theo kiểu chập chờn khi được khi mất. Đứa thì bảo em tính dành dụm mua cái gì đó mà bây giờ coi như xong. Đứa thì than tính cuối năm phụ tiền má sửa nhà. Cũng có đứa chát trên mạng hỏi tôi vài câu đơn giản mà tôi không biết đường trả lời đại khái như: Chị hai, bên đó có việc gì làm không chị hai. Có cách nào đem em hay giúp em qua đó làm không chị hai? Nói sao bây giờ...? Nói thật là cuộc sống bên này cũng không đơn giản không dễ dàng như các em nghĩ. Kinh tế xuống ở đâu cũng đầy rẫy tranh giành vì miếng ăn. Ngay cả trên đất mình mà mình còn sống một cách khó khăn thì mong chi có sự ưu đãi ở một đất nước xa lạ. Làm gì có chuyện ngon, bổ, rẻ.. Nói thế khác nào tạt thau nước lạnh vào các em ấy. Thôi thì đành giở ba tất lưỡi của kẻ mua bán mà ủi an rằng mọi chuyện sẽ qua sẽ tốt. Ngày mai trời lại sáng vv. vv... Bằng thứ triết lý cũ mèm cũ rích nhàm chám mà ai cũng thuộc.
Sáng mai, tôi sẽ bay chuyến sớm nhất sang Bangkok - Thái Lan. Chuyến đi nhanh chậm còn tùy mức độ công việc. Hy vọng dư chút thời gian để tạt về Việt Nam vài ngày vì đã trót hẹn với một người. Chưa tới nhưng tôi cũng biết hiện giờ đất nước của những nụ cười ấy chả có yên ổn . Kẻ đi bụi mòn dép như tôi lần trước bị móc túi ngay  Bangkok,  nơi mà tôi không xa lạ tí nào. May mà với kinh nghiệm bụi đời của mình , tôi không bao giờ dại mà đem nhiều tiền hoặc giấy tờ quan trọng ra đường hoặc để một nơi trong người. Thành ra sau khi cười trừ vẫn còn dư tiền đi tiếp, không phải dở khóc dở cười như nhiều người.
Những ngày nay hình như là tôi đọc ở đâu cũng toàn thấy những tin không tốt lành. Nơi thì sụp đất, nơi thì hàng trăm nữ sinh bị bắt cóc và dọa sẽ bị đem bán. Nghe mà hãi hùng con người với nhau mà họ làm như món đồ vậy. Thêm những tin tức bên  nhà và nhiều thứ nữa. Chỉ cần hình dung cái cảnh sắp tới có nhiều công ty đóng cửa. Kéo theo hàng trăm, hàng ngàn người , thậm chí nhiều hơn sẽ bị thất nghiệp ở quê nhà . Chưa dám nghĩ thêm sự thật sau này sẽ có rất nhiều công ty e dè đầu tư vào Việt Nam. Bấy nhiêu đó đủ khiến cho tôi có cảm giác mình sắp hụt hơi tới nơi.
Trên đời này thật sự có thần thánh không? Chẳng ai có câu trả lời chính xác. Thôi thì tin tốt hơn là không tin. Ít ra có cũng có cái bấu víu vào lúc này. Tôi tin nên tôi chỉ cầu mong, ao ước và khấn nguyện. Chuyện dữ hóa lành cho quê hương tôi. May mắn, ấm no cho những người thân yêu tôi quan tâm và cuối cùng là bình yên ơi... xin hãy về qua đây.
Song Nhi
May 17- 2014

Xem Tiếp: ----