Chương 2

     ặp Giang đều đều trong lớp học, Hương cứ ngỡ chàng cùng nhiệm ý Anh Văn với mình. Tình cờ qua một câu chuyện với Cúc, một cô bạn theo nhiệm ý Pháp, Hương mới biết mình lầm.
Hôm ấy, đang nói chuyện với Hương, bỗng Cúc quay sang cười với một sinh viên từ xa đi tới. Sinh viên ấy chẳng ai xa lạ, chính là chàng trai "ánh mắt lưu luyến" nàng thường gặp, Cúc gọi:
- Giang, đã làm bài góp cho ông Méot ngày mai chưa?
Giang tươi cười:
- Mới làm được một nửa Cúc ạ. Bài khó quá. Lát phải sang Mission Culturelle Francaise mượn sách tài liệu mới được.
Hương ngạc nhiên vô cùng. Giang đi rồi, Hương hỏi Cúc:
- Cúc ơi, anh này học ban Anh Văn phải không?
- Đâu có, anh ta học Pháp Văn ấy chứ!
- Rõ ràng là mình gặp anh ta hoài trong những giờ Anh Văn chuyên biệt. Sao lạ vậy nhỉ?
- Mình cam đoan với Hương là anh ta học Pháp Văn, trong lớp chỉ có vài chục sinh viên, mình quen hết cả mà.
- Anh ta Họ gì, Cúc nhỉ?
- Họ Vũ.
- Thế thì không phải. Mình thấy anh ta giống Lê Long, cậu em tinh thần, nên mình tưởng có họ với Long.
- Để mình hỏi thử xem, biết đâu chẳng phải anh em họ.
Một dấu hỏi hiện ra trong óc Hương - Sao Giang lại theo lớp Anh Văn và ưa ngồi gần chỗ nàng nhỉ? Hương bồi hồi, tim đập mạnh...
Hôm sau gặp Hương, Cúc lắc đầu:
- Không phải, Hương ạ.
- Mình cũng nghĩ thế, ở đời giống nhau là thường.
- À, Hương này, hôm qua Giang trách mình sao không giới thiệu Hương lúc anh ta gặp tụi mình. Giang có vẻ muốn làm quen với Hương lắm.
Hương đỏ mặt:
- Không phải đâu, chắc anh ta thấy Cúc nói chuyện với mình nên hỏi thử thôi ấy mà.
Nói vậy, nhưng lòng Hương rộn lên một niềm vui nhè nhẹ, khó tả.
Cúc cười ranh mãnh:
- Có lẽ chàng muốn "trồng cây si" đấy.

*

Bàn Cờ, ngày... tháng 02, 1968
" Những ngày nghỉ Tết chán chường kéo dài lê thê. Ở nhà nực nội, mình muốn phóng xe lên Văn Khoa ngồi hóng gió mát trên lầu ba. Nhưng Tết là lúc bận rộn nhất trong gia đình nên mình đành xoay trần giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa vậy"
"Vừa chùi xong bộ lư đồng bóng loáng, mình hãnh diện trịnh trọng bày lên bàn thờ cúng Giao thừa. Không khí ngày Tết ngập tràn căn nhà bé bỏng. Mẹ sửa soạn đón Xuân năm nay thật chu đáo. Nào bánh chưng, dưa hành, nào bánh mứt, giò chả... không thiếu thức gì. Mùi hương trầm, tuy chưa đốt, thoang thoảng trong gió mang lại một nỗi nhớ nhung man mác. Nhớ nhung gì nhỉ? À, phải rồi, nhớ những năm thơ ấu, mỗi khi mùi hương trầm phản phất trong gió là chú bé Giang lại được xúng xính bộ quần áo mới đi chúc Tết ông bà và họ hàng. Những ngày đó xa xăm quá, và xa xôi hơn nữa là mái nhà thuở thơ ấu... mãi tận miền Bắc cơ. Biết bao giờ thanh bình mới trở về trên quê hương cho mình được về thăm quê nội?
Giao thừa Mậu Thân
Ba vừa châm hương cúng tổ tiên trước bàn thờ. Khung cảnh căn nhà trang nghiêm lạ thường. Tiếng Đại Hồng Chung đầu tiên đã rộn rã vẳng lại báo hiệu Xuân về. Bước thời gian vô tình đẩy năm cũ lùi vào quá khứ và đón năm mới về trong sự tiếp rước long trọng của muôn dân.
Không biết giờ này cô bé đang làm gì nhỉ? Chúc cô bé một giao thừa vui vẻ và một năm mới an bình.
Mùng 1 Tết Mậu Thân
"Họ hàng đến chúc Tết cả ngày, mình bận rộn quá. Giúp mẹ đón tiếp mọi người, rót nước, mời bánh mứt mà cũng thấm mệt. Những lời chúc tụng âm vang. Vài chú thím nửa đùa, nửa thật hỏi mình bao giờ cưới vợ, khiến mình mắc cỡ quá. Mọi người nói cười vui vẻ. Mình lạc lõng trong khung cảnh nhộn nhịp này. Sao lớn lên, mình thấy những lời chúc tụng kia có tính cách quá đầu môi chót lưỡi nên mình ngượng ngập quá, không thốt nên lời chúc. Thuở bé, mình linh lợi lắm kia. Khi tiếp khách thay ba mẹ, mình chúc tụng như sáo. Những lời chúc ấy đã trở nên những công thức như công thức toán, lý, hóa mà mình thuộc lòng. Thuở ấy mình hãnh diện về tài hoạt bát ấy của mình và những lời khen tặng của họ hàng. Nhưng bây giờ thì khác hẳn.
Ngày Tết vui vẻ, nhộn nhịp quá, nhưng mình thấy thiếu thốn, nhớ nhung làm sao ấy. Thiếu gì nhỉ? Và nhớ ai? Mình bật cười, nhớ đến câu thơ: "Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?" mà phục tài chơi chữ của thi sĩ. Nhớ ai đây? Chắc chắn là bóng dáng quen thuộc của cô bé rồi. Nhưng sao mình lại nhớ nhỉ? Câu hỏi không mang lại một câu giải đáp thỏa đáng. Một cảm giác là lạ xen vào nỗi vấn vương kia. Một cái gì êm đềm khó tả bao trọn ý nghĩ về cô bé và hình ảnh cô bé.
Mùng 2 Tết - 2 giờ sáng
"Đang ngủ, mình bỗng choàng dậy khi những tiếng súng chát chúa nổ lên hàng loạt, xé tan bầu không khí tĩnh mịch đêm khuya. Mình nghe lầm ư? Hay là tiếng pháo? Không, mình không lầm! Tiếng súng giòn giã, rền vang thủ đô. Ôi! Sự gì chẳng lành đã xảy ra đúng đêm Mùng 1 Tết, đêm thiêng liêng cổ truyền! Ba mở radio nho nhỏ nghe tin tức. Cả nhà nín thở, vẻ lo âu hiện rõ trên nét mặt từng người."
"Tiếng xướng ngôn viên trầm trầm, nghiêm trọng loan tin Cộng quân mở chiến dịch tổng tấn công Thủ đô và mặt trận đang diễn tiến tại nhiều nơi trong đô thành. Tiếng súng gần khu mình ở quá, đinh tai nhức óc, khiến mình nao nao lo lắng. Không biết giờ này cô bé có lo sợ không, và khu cô bé ở có an ninh chăng?"
"Tin Cộng quân tấn công khiến mình toát mồ hôi. Ôi! Gần sát nhà cô bé! Chắc giờ này cô bé đang kinh sợ lắm. Sao mình bỗng ao ước được nói một lời an ủi, gởi bằng thần giao cách cảm cho cô bé an tâm. Mình không thể dối lòng được nữa. Trong lúc nguy biến, sự thật hiển nhiên đã phơi bày ra trước mắt mình: Mình đã thương cô bé rồi. Tình yêu len lén vào hồn mình vào lúc nào mình không rõ...
Mệt quá, thần kinh căng thẳng, mình không còn tâm trí để viết nữa. Thôi hẹn cô bé ngày mai nhé."
Hương bàng hoàng ngẩn lên đăm chiêu. "Ngay từ hồi Tết Mậu Thân, Giang đã quyến luyến mình như vậy rồi?" Nàng tự hỏi. Thuở đó, lòng nàng chưa vướng chút tình cảm, niềm vô tư vẫn còn trọn vẹn trong lòng thiếu nữ đôi mươi. Nàng vô tình, đâu ngờ mình đã khiến lòng Giang gợn sóng.
Mùng 5 Tết
"Mấy hôm nay bận rộn nên mình chẳng còn tâm trí mà viết nhật ký. Tình thế càng ngày càng nghiêm trọng. Lửa cháy ngụt trời, những khẩu AK40 của Cộng quân xối xả nhả từng loạt đạn sát nhân vào nhóm thường dân vô tội. Trạm xăng bốc cháy vì súng đạn. Đồng bào thu vén của cải, đổ xô nhau đi lánh nạn tại khu an ninh hơn. Ba mẹ cũng sửa soạn sang ở tạm nhà bác mình. Thôi, đành tạm từ giã căn nhà thân yêu nơi xóm nghèo này vậy. Hành lý sửa soạn đã xong, chỉ còn nửa tiếng nữa là căn nhà này sẽ trống trải như những căn nhà lân cận. Cầu Trời cho căn nhà không suy suyển khi mình trở về.
"Giờ phút này, những câu thơ của thi sĩ Lamartine thật thấm thía:
"Objets inanimés, avez-vuos done une âme
Qui s'attache à notre âme at la force d' aimer? (1)
"Mình quyến luyến, không nỡ rời căn nhà ra đi. Nhưng biết làm sao đây khi Cộng sản không nể tình cốt nhục, tấn công những nơi đông dân cư vô tội.
"Giã từ mái nhà thân yêu... Hẹn một ngày trở về.
Mùng 10, Mậu Thân
"Thấm thoát mình ở nhà bác Hoàng đã được 5 hôm. Vì ăn nhờ ở đậu nên mình không có phòng riêng trút tâm sự lên trang giấy trắng...
" Thiết quân luật, giới nghiêm 24 giờ trên 24 giờ nên những bữa ăn thật thanh đạm. Cả nhà dè xẻn lương thực, chỉ lo hết gạo thì không biết mua ở đâu. May ba mẹ đã đem theo một bao gạo khi sang nhà bác Hoàng nên cũng đỡ chật vật.
"Nhà bác Hoàng đông con. Các em cứ nhộn nhịp cả ngày, mình và Hải không sao học bài được. Hai đứa dự định lợi dụng kỳ nghỉ bất đắc dĩ này để gạo bài từ đầu niên khóa. Nhưng phần thì lo tin chiến sự, phần thì nhà thiếu yên lặng nên mình học bài không mấy kết quả. Tội nghiệp cho Hải, năm nay thi Tú Tài II mà gặp trắc trở thế này, biết có đậu không? Hay là lại đầu quân sớm? Mình ý thức rõ rệt bổn phận thanh niên thời chiến. Nhưng cứ nghĩ đến Hải còn nhỏ, vô tư mà cầm súng ra trận là mình nao nao thương cảm.
"Đã mấy ngày nay, những lúc học không được mình lại nghĩ đến Hương. Hình ảnh cô bé với nụ cười vô tư, ánh mắt thơ ngây ngời sáng, nét mặt linh động, đã ngự trị trong hồn mình. Nỗi nhớ nhiều lúc dâng tràn khiến mình khổ sở. Đã nửa tháng nay không gặp cô bé rồi còn gì. Hình ảnh khung trời Văn Khoa hừng nắng với ngọn cờ ngạo nghễ lồng hình ảnh nhỏ bé, đăm chiêu của cô bé trên lầu cao vừa là một an ủi cho mình, vừa mang day dứt, nhớ nhung vào lòng. Mình đặt tên cho nỗi nhớ là "niềm sung sướng xót xa"
"Băng cassette của bác Hoàng vẳng ra điệu nhạc buồn ray rứt, thấm thía, truyền cảm của bản "Love me, please love me" (2) do ban nhạc Paul Mauriat trình tấu khiến tim mình xao xuyến. Phải chăng mình mang số kiếp Trương Chi? Đâu là lần đầu tiên tim mình biết rung động nhưng lại mang mối ẩn tình.
Hương ơi! Làm sao cho Hương hiểu được lòng Giang.

*

Hương thở dài thương cảm. Số phận Giang thật hẩm hiu! Cũng tại Giang quá trầm lặng nên chàng mới khổ. Hình ảnh những ngày Tết Mậu Thân kinh hoàng hiện về rõ rệt trước mắt nàng. Hương rùng mình ghê sợ.
Những ngày Tết năm ấy là một cơn ác mộng dài. Nhà Hương chỉ cách Dinh Độc Lập một khu phố nên khi cuộc tổng công kích khởi phát. Tiếng súng nổ, đạn bay rõ mồn một. Sau đó, những ngày thấp thỏm, hồi hộp kéo dài tưởng chừng không bao giờ dứt...
Mùng 4 Tết vẫn giới nghiêm 24 trên 24 giờ, nhưng Hương liều ra chợ gần nhà xem có bán rau cỏ gì chăng. Người giúp việc đã về quê ăn Tết nên Hương là chị cả, phải lo việc nội trợ, nấu nướng. Ngoài đường vắng lặng không một bóng người. Các chiến sĩ Dù canh gác thấy Hương không có vẻ gì khả nghi nên dễ dãi cho nàng đi. Nhưng Hương thất vọng khi tới chợ: không kẻ bán, không người mua. Hương đàng ghé qua hiệu tạp hóa quen mua tạm một ký kẹo dừa cho các em bồi bổ ngoài những bữa cơm quá thanh đạm và thiếu chất tươi.
Cũng may năm nay nhà Hương gói nhiều bánh chưng nên còn đủ thực phẩm. Vả lại, Tết nào mẹ cũng dự trữ thực phẩm nên đỡ lo. Chỉ sợ thiếu rau mà thôi. Các em Hương giàu tưởng tượng đã bàn tới việc hái cỏ, lá cây mận trong sân ăn tạm thay rau nếu chợ không họp mãi.
Nghĩ đến Lan ở tận Gia Định mà Hương lo cho bạn. Những trận đánh khốc liệt bên Gia Định sát ngay nhà Lan, Hương hồi hộp cầu nguyện cho bạn được an toàn.
Cuộc sống tù túng trong nhà thật đáng chán. Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều, không biết làm gì để cho qua thời giờ - và cũng để phá tan bầu không khí căn thẳng, lâu lâu điểm những loạt đạn AK40 và những tiếng phi cơ oanh kích rầm rộ - cả nhà chỉ biết quây quần quanh chiếc máy truyền hình xem tin chiến sự. Những cảnh máu đổ thịt rơi, nhà tan cửa nát, lửa cháy rực trời trong tiếng nhạc đệm ai oán, thê lương của bản Exodus khiến Hương nhiều phen gục đầu rơi lệ, thương cho đồng bào chịu cảnh loạn ly, cha mất con, vợ mất chồng, nhà cửa tan hoang.
Nhưng tình thế dần dần lắng dịu. Các chiến sĩ anh dũng của ta đã làm chủ được tình thế trên khắp các chiến trường và các đại học bắt đầu mở cửa lại. Tuy nhiên chương trình văn hóa vẫn gián đoạn vì nam sinh viên được huấn luyện quân sự. Mỗi tối, khi thưởng thức chương trình Quân sự Học đường, Hương hãnh diện vì các đồng bạn đang lo canh gác quanh Thủ đô, biết ý thức nghĩa vụ thanh niên khi hữu sự. Thật đúng với câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Hương cũng gián tiếp góp phần vào chương trình quân sự học đường bằng cách hăng hái ghi tên vào ban ẩm thực của sư đoàn sinh viên, giúp các nam sinh viên đủ sức khỏe phụng sự tổ quốc.

*

Cao ốc Mỹ Vân, ngày... tháng 4 năm 1968
"Đã mấy tháng nay mình không viết nhật ký. Mà viết làm sao được khi tai họa nặng nề đã giáng xuống gia đình mình. Đau khổ xiết bao khi trở về chỉ thấy căn nhà đổ nát trong đống tro tàn còn hun khói. Ôi! Ngôi nhà, sự nghiệp độc nhất của ba mẹ đã tan tành ra mây khói chỉ vì cuồng vọng của Cộng quân. Hải và mình đều tuyệt vọng, chán nản cực cùng. Thôi thì đành ở nhờ nhà bác Hoàng cho tới khi tạm dựng được túp lều vững chãi vậy.
"Bác Hoàng cũng tốt bụng. "Anh em ruột cưu mang nhau là thường, chú đừng ngại, cứ ở đây luôn với anh chị. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo qua ngày" bác an ủi ba. Mẹ đau khổ, khóc thầm mỗi đêm. Nhưng vốn tính chịu đựng nhẫn nhục đã quen sau hơn hai mươi năm khói lửa nên mẹ không than thở. Mình phục mẹ ghê! Mẹ đúng là mẫu bà mẹ Việt Nam tháo vát lý tưởng.
"Mình gia nhập Sư đoàn Sinh viên Văn Khoa, luyện tập quân sự rồi đi canh gác hằng đêm. Có tập quân sự, mình mới gần gũi nếp sống của các anh chiến sĩ hơn, và mới thông cảm những nỗi cực nhọc của các anh nhiều hơn. Đi canh gác cũng nhẹ, các gia chủ cao ốc thường đối xử thật tử tế với các sinh viên nên những buổi canh thoải mái và dễ chịu lắm.
"Gia chủ cao ốc mình đang canh gác tối nay có một bé gái trạc 12, 13 có nụ cười từa tựa cô bé của mình khiến nỗi nhớ lại tràn bờ. Mình biết thân phận mình bây giờ vô vọng, không còn được mơ ước gì nữa, vì mình chỉ là một sinh viên nghèo với hai bàn tay trắng, trong khi Hương thuộc giới trung lưu. Nhưng "Le coeur a ses raisons ne connait point" (3). Mình càng cố quên cô bé, hình ảnh cô bé lại càng hiện rõ hơn, rực rỡ hơn trong tâm tưởng. Ôi! Biết làm sao bây giờ?
"Lời bản nhạc Secret Love qua giọng ca truyền cảm của Doris Day trong chiếc radio transistor nhỏ xíu của anh bạn cùng phiên gác khiến lòng mình rung động. Mình ước được như chàng trai trong bản nhạc. Chàng nuôi mối tình thầm lặng với một thiếu nữ. Nhưng thời gian qua, chàng đã giải bày được tâm sự của mình, và cô gái trong bản nhạc có lẽ không từ chối mối tình của chàng. Chàng sung sướng đem kể mối tình mình cho đồi núi cây cỏ.
Còn mình, có lẻ phải chôn kín tình mình tận đáy tim cho tới ngày nhắm mắt.
"Nhưng sao lòng mình bỗng dưng nỗi sóng loạn cuồng? Mình muốn hét lên từ sân thượng này những lời tâm sự cho Hương hiểu lòng mình. Hương ơi, nếu Hương rõ, Hương có khinh rẻ Giang chăng?
"Nhìn xuống thành đô đắm chìm trong giấc ngủ, niềm cô đơn của mình càng thấm thía hơn bao giờ hết. Sương xuống lạnh trong đêm khiến mình run nhè nhẹ. Hương ơi! Nhớ Hương nhiều...
Cao ốc, ngày... tháng 5 năm 1968
"Các nữ sinh viên được theo học lớp cứu thương trong khi nam sinh viên đã được tiếp tục học lại. Hương sẽ mất một số bài vì phải theo khóa cứu thương. Làm sao Hương chép bài được? Mình muốn giúp Hương nhưng sợ cô bé cho là đường đột. Mình bối rối quá, không biết phải cư xử ra sao cho phải phép.
"Hồi này mình đỡ đau khổ vì lại được gặp Hương thường xuyên trong trường, tuy học khác giảng đường. Cô bé vẫn vô tình, hững hờ quá...
Chú thích:
(1) Lãng Nhân dịch"
"Vô tri mà vật có hồn
Quyện theo hồn khách khơi nguồn luyến thương"
(Thơ Pháp ngữ - Trang 55)  
(2) Tạm dịch "Xin hãy yêu anh!"
(3) Pascal - Les Pensées - Tạm dịch: "Con tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hề biết tới"