1 Tôi đứng trước giảng đường 21. Chậm rãi bước qua những dãy bàn. Bàn 5…bàn3… khựng người lại tay khẽ hất mái tóc qua một bên. Bằng vẻ mặt bình thản nhất tôi thả chiếc túi xuống ngồi vào dãy bàn đầu tiên. Lớp trưởng nhướng mày ngạc nhiên: - Sao hôm nay lại chuyển chỗ? - À!... à…chỗ này theo dõi bài tốt hơn. Tôi nhún vai. Cố gắng cười thật to. Hắn im lặng hồ nghi, tôi quay lại hỏi mượn người đằng sau một quyển vở. Bàn 3 – hai chiếc ghế bên tay phải để trống. Phía cuối lớp, Đông hý hoáy viết xóa xóa. Tôi quay lên, tự dành cho mình một nụ cười. Nhưng hình như chẳng có cái quái gì đáng để cho tôi phung phí một cái nhếch mép cả. 2. Thời tiết dạo này nhõng nhẽo hệt một cô thiếu nữ 16 tuổi. Thoắt mưa, thoắt nắng. Thoắt nắng rồi lại thoắt mưa. Chuông tan học reo vang. Tôi chậm rãi xếp sách vở vào túi một cách cẩn thận. Đông cuộn tròn cuốn vở, phóng ra khỏi lớp đầu tiên, ánh mắt lướt qua tôi. Lạnh lẽo! Cúi người xuống, tôi lùa tay vào kiểm tra ngăn bàn – cái nơi mà tôi biết chắc chắn là sẽ rỗng không 3. Có lẽ cái thời điểm để cho mọi người bắt đầu xì xào về một hiện tượng không bình thường lắm đã đến. Ở trong lớp chỉ vỏn vẹn 30 sinh viên cùng 5 dãy bàn thì dường như không tồn tại vấn đề cá nhân. Tất cả mọi vấn đề từ việc riêng đến việc chung đều có thể đem ra trưng cầu ý kiến trước tập thể và ban cán sự lớp. Nghỉ giữa giờ, lớp trưởng vẫy tôi ra ngoài: - Kha với Đông giận nhau à? - Không! - Thế tại sao hai đứa không ngồi ở bàn 3 như trước? Người thì lên bàn một, người lại xuống bàn cuối. - Ô hay! Tự thân vận động. Ai muốn ngồi đâu thì tự chọn. 4. Cuộc sống theo tôi nghĩ nói chung vẫn không thay đổi. Sáng 6 giờ dậy. 7 giờ có mặt tại giảng đường. 12 giờ về ký túc xá. 5 giờ chiều đi học ngoại ngữ. Tất cả đơn giản và đều đặn như từng vòng quay của kim đồng hồ. Tôi kiên trì nhẫn nại chuyển động quanh tụ điểm cố định: Trường học, ký túc xá và lớp học ngoại ngữ. Thế nhưng những người xung quanh thì lại khác. Họ trao cho nhau những lời bàn tán thầm thì nửa như bí mật, nửa như công khai về hai nhân vật tôi và Đông “Hình như chúng nó bỏ nhau rồi thì phải?” “Chắc thằng Đông “đá” Kha rồi. Chuyện, con trai Hà Nội vừa đẹp trai, hào hoa lại galăng”. Tôi càng lạnh nhạt dửng dưng, càng vui vẻ cười đùa bao nhiêu thì họ lại càng khép nép, dịu dàng với tôi bấy nhiêu. Tôi có cảm giác hình như được thiên hạ bố thí cho lòng thương. Nhưng tôi có phải là kẻ hành khất giơ tay cầu xin sự thương hại đâu. Sự thật tôi muốn nhổ toẹt vào cái quan tâm vô ích ấy… Hà bước vào phòng với nụ cười hớn hở. Nó ngồi sát cạnh tôi: - Chị kha ơi, anh Đông đến. Em gặp anh ấy ở dưới kia đấy. Tôi bật dậy như chiếc lò xo rồi rất nhanh, một giây sau tôi lại ngả người xuống, thản nhiên cầm quyển sách lên: - Thế à? Tiếng nói cười của Đông ngoài hành lang vọng vào. Tôi lén nhìn ra ngoài cửa. Đôi giày quen thuộc lướt qua… Đông không dừng lại phòng 203 (phòng của tôi) như mọi khi mà lại sang phòng 205 (phòng nữ sinh khoa văn). Tôi vẫn cầm quyển sách trên tay, ánh mắt hững hờ trên những dòng chữ vô hồn. Không gian bỗng chùng lại. Mọi người im lặng dành cho tôi ánh mắt e dè, ngại ngùng. Khẽ đưa kéo tấm riđô quanh giường, tôi úp mặt vào tường. Ngột ngạt quá! Phải cố gắng lắm tôi mới kìm nén được chuỗi âm thanh trong cổ họng. Nước mắt nóng ấm trào qua mi. Không có gì ngọt ngào bằng tình cảm và cũng không gì bạc bẽo bằng tình cảm. Sau sự đổ vỡ, tôi và Đông tự tập cho mình thói quen tránh mặt nhau. Cũng lạ! Mới hôm qua thân thiết là thế, thoáng chốc đã xem nhau còn hơn cả người dưng. Vậy mà bây giờ tôi cũng phải gặp Đông, phải tập cho mình một khuôn mặt kiêu hãnh và một nụ cười tươi tắn. Những phút giây ấy tôi thèm khát vô cùng được nổi loạn. Giá như tôi có thể khóc thật to. Giá như tôi có thể đập vỡ một cái gì đấy. Nhưng tôi không thể. Có hàng trăm qui tắc, hàng nghìn thứ đỏng đảnh của con gái giữ tôi lại. Quả thật tôi đã quá mệt mỏi. Vai kịch này quá sức đối với một diễn viên không chuyên như tôi. Thỉnh thoảng một vài đứa bạn ở xa ném cho tôi sự quan tâm “Dạo này mày với Đông thế nào?”. “Vẫn bình thường” – Tôi trả lời và mỉm cười. Trái tim buốt nhói. 6. Tôi ngồi bó gối trên chiếc giường sắt. Lá thư của bố trải rộng trên mặt bàn. Vài dòng dặn dò nhớ giữ gìn sức khoẻ, nhớ học tập cho tốt. Vài dòng thông báo ở quê đang vào vụ gặt… tôi thở dài. Nỗi nhớ nhà dâng lên nghẹn ngào. Tôi nhớ mẹ - người đàn bà nhỏ nhắn suổt đời lam lũ cực nhọc vì chồng con. Tôi nhớ miền quê quanh năm vất vả vẫn không đủ ăn. Vậy là tôi lên Hà Nội được một năm. Một năm trôi qua tôi đã làm được gì? Đã tích lũy được bao nhiêu kiến thức trong khi đàn em của tôi một buổi đến trường, một buổi ra đồng làm thay phần cho chị đang học đại học. Tôi đã học hỏi thêm được những gì ngoài việc biết quay trên những đôi giày cao gót, biết xịt nước hoa và học cách biết dùng mỹ phẩm. Tôi đã sống như thế nào đây? Một cuộc sống cô quẩn trong khu ký túc trì trệ. Chui ra chui vào giữa một đống quần ao ướt rỏ nước tong tỏng dọc hành lang, chìm đắm trong một mớ tiểu thuyết rẻ tiền. Đâu mất rồi khao khát được trở thành nữ luật sư tài giỏi? Đâu mất rồi mong ước đón bố mẹ ra Hà Nội an hưởng tuổi già và chăm sóc đàn em nên người. Đâu mất rồi lời hứa quyết tâm trong ngày đầu tiên là sinh viên “Mình sẽ phải cố gắng. Mình sẽ…”. 7. Tôi nắn nót kẻ một dòng chữ thật to và đậm “Hãy học như là anh phải sống cả đời. Hãy sống như là anh sẽ chết ngay ngày mai” rồi dán lên tường. Đứng khoang tay trước ngực, tôi ngắm nghía công trình của mình một cách thích thú. Hà thắc mắc: - Chị Kha hô khẩu hiệu gì mà to thế? Tôi cười, cốc vào đầu cô bé: - Mai chị về quê. Nhà nông ngày mùa bận lắm. Em ở lại trông phòng nhé. Thứ hai chị lên. 8. Ngày đầu tuần tôi đến trường với hai bím tóc ngúng nguẩy trên vai. Lớp trưởng chặn tôi ở cửa: - Ê cô bé nhầm lớp rồi. Đây là đại học chứ không phải cấp III - Hắn hạ giọng - Mới về quê lên hả? Trông đen quá nhưng có vẻ béo ra. Chắc mẹ lại tẩm bổ cho chứ gì? Tôi gật đầu thay cho câu trả lời. Cuối lớp, bóng Đông thấp thoáng cạnh cô bé khoa Văn. Lớp trưởng nghiêng đầu giọng hắn thoảng bên tôi “I will survive without you. If you gotta go darling, may be it’s better that way. And ever you think about me, just know that I will be alright. I’m gonna be strong, I’m gonna do Jine”. Tôi sững người lại thầm gửi cho lớp trưởng ánh mắt cám ơn. Hắn đã hát cho tôi bài “Don’t turn around” Mọi thứ chỉ là một trò chơi. Khi tôi đã tham gia tức là phải chơi đến cùng và phải tuân theo đầy đủ luật chơi của nó. 9. Hai bím tóc ngúc ngắc trên bờ vai. Tôi ngồi vào chiếc ghế của mình. Chiếc ghế thứ hai, dãy bàn một. Chuông báo học reo vang… Ngoài khung cửa sổ những hạt mưa bụi nhỏ nhắn đang nhảy múa sau một giấc ngủ quá dài” Cần phải bắt đầu ngay nếu không sẽ trở thành quá muộn”. Mưa phảng phất bay!