Đánh máy: Trung Võ và Trung Lê

Cái tin ông Hạnh – ông bảo vệ trường tôi - lấy vợ chẳng mấy chốc đã lan nhanh khắp trường và dĩ nhiên nó đã trở thành đề tài bàn tán rất sôi nổi mọi lúc mọi nơi. Còn đối với chúng tôi thì đây quả là một tin “giật gân” hết cỡ. Bọn con trai thi nhau vây lấy ông Hạnh, cố gắng tìm hiểu về người vợ sắp cưới của ông. Lũ con gái cũng đua nhau thỏ với ông những lời đường mật hòng biết được tên của bà bảo vệ tương lai. Nhưng tất cả những cố gắng cùng mưu kế của chúng tôi đều không có hiệu quả. Thế nào ông Hạnh cũng chỉ cười – một nụ cười thật là hiền mà thôi.
Thế rồi thật bất ngờ, vào một buổi sáng, trí tò mò của chúng tôi đã được thỏa mãn: “Bà ấy đến kìa!”. Tiếng chân chạy thình thịch trên các bậc cầu thang, những tiếng xì xào, những nụ cười không cần che đậy của lũ học sinh đã đón chân “bà bảo vệ tương lai” từ ngoài cổng trường.
Bà ấy không đẹp lắm, bất cứ ai nhìn thấy bà lần đầu tiên cũng đều nghĩ như thế cả. Nhưng riêng ông Hạnh thì không. Chẳng thế mà ông đã rất hãnh diện khi ở bên bà bạn… Cứ nhìn nụ cười tươi tắn của ông Hạnh mà xem. Dễ chừng đây là lần đầu tôi thấy ông Hạnh đầu tóc gọn gàng, chải mượt và quần áo có là ly cẩn thận. Trông ông trẻ ra đến mười tuổi.
Ông Hạnh đi trước, bà ấy khép nép ôm chặt chiếc túi xách nem nép theo sau. Dường như tôi có thể cảm nhận được cả sự bối rối xen lẫn sợ hãi trong đôi mắt ngơ ngác của người đàn bà không còn trẻ trung kia. Đúng là bà ấy đã nhận ra ngay những ánh mắt tò mò tinh quái của đám học trò. Mái tóc mỏng dính, vàng nâu cúi xuống thật thấp. Đôi mắt của bà như dán chặt vào những cử động của đôi bàn chân nứt nẻ được lồng trong đôi dép nhựa nhờ nhờ…
Chúng tôi vẫn đi theo ông Hạnh như một đám rước. Lạ thật! Cả lũ chẳng ai nói với ai câu nào. Có lẽ cái bóng dáng nhỏ bé kia mới xuất hiện đã làm cho chúng tôi lặng im. Cuối cùng thì tất cả cũng đã vượt qua được khoảng sân trường rộng chan hòa ánh nắng. Ông Hạnh dừng lại, đưa tay vào túi quần lôi ra chùm chìa khoá dễ chừng phải hai mươi chiếc. Ông tra vào ổ nhưng chẳng hiểu sao chiếc ổ khoá chết bẹp kia không chịu bật ra. Nó cứ lạnh lùng, nằm im như thách thức. Ông Hạnh loay hoay mãi rút hết chìa này đến chìa khác nhưng đành bất lực. Giữa lúc ấy bỗng nhiên chùm chì khóa rơi xuống “cạch” một tiếng khô khốc rồi nằm dài xuống đất. Và chính tiếng “cạch” ấy đã làm thức tỉnh những bộ óc ưa nghịch phá của chúng tôi. Những tiếng xì xào bắt đầu nổi lên:
- A! Ông Hạnh run chúng mày ạ!
- Mày chẳng hiểu gì cả, vợ tương lai đang đứng cạnh mà lại!
- Từ nãy đến giờ tao đếm được ông Hạnh cười 19 lần.
- …
Ông Hạnh im lặng và trên bờ môi ông xuất hiện nụ cười không được tự nhiên cho lắm bởi vì đôi bàn tay vẫn đang run run thử chìa khoá. Dễ phải đến năm phút sau, cánh cửa phòng bảo vệ mới được mở ra. Và như trong chuyện cổ tích, cánh cửa ấy cũng đóng rầm ngay lại ngay trước mũi tôi, ngăn chặn những ánh mắt háo hức, tò mò ở bên kia “chiến tuyến”. Cả lũ cùng “ồ” lên một tiếng đầy thất vọng rồi xúm xít ghé mắt qua khe cửa nhỏ. Nhưng thật công cốc vì chúng tôi chẳng thấy gì ngoài mấy chú kiến đang vội vã, lăng xăng chạy đi chạy lại trên bức tường vôi nham nhở.
Rồi mọi chuyện cũng trôi đi theo vòng quay của chiếc kim đồng hồ vẫn đặt ở phòng bảo vệ. Thế hệ chúng tôi ra trường, mỗi người một ngả, bao công việc đã cuốn hút tôi làm tôi lãng quên phần nào mái trường xưa. Ba năm sau, tôi mới lại có dịp về thăm trường cũ vào một chiều hè. Sân trường vắng lặng. Những phòng học lặng lẽ nằm dài theo hành lang. Những bộ bàn ghế xếp ngay ngắn, chơ vơ. Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa vụt trỗi dậy trong tôi. Tôi chạy thật nhanh vào phòng bảo vệ. Ông Hạnh đang ngồi bên chén trà lặng lẽ:
- Ông ơi! Sao ông ngồi đây có một mình?
Ông Hạnh ngước mắt lên nhình tôi, một cái nhíu mày như cố lục lọi trong trí nhớ xem con bé này là ai.
- Vân phải không?
- Ôi, ông vẫn còn nhớ cháu?
- Sao lại không nhớ, nhìn thấy cháu ông lại nhớ tới một thời gian hạnh phúc của ông.
Tôi ngơ ngác đầy băn khoăn trước câu nói của ông Hạnh. Tôi linh cảm như có một điều gì không bình thường trong câu nói ấy.
- Bà đâu ông? – Tôi vô tình buột mồm hỏi.
Ông Hạnh cũng ngạc nhiên nhìn tôi rồi ông khẽ lắc đầu:
- Cháu không biết gì ư? Bà ấy… đi rồi!
Giọng ông thoảng qua như gió, tôi ngỡ ngàng tưởng mình nghe lầm… “Đi rồi” ư? Bà ấy đã sang thế giới bên kia? Hay bà ấy đã bỏ ông ra đi như người vợ trước của ông? Tôi nhìn sâu vào đôi mắt ông Hạnh. Tôi định hỏi nhưng rồi lại thôi. Bỗng nhiên tôi cảm thấy ánh mắt ông Hạnh xa xăm quá. Có một cái gì đó mơ hồ như một nỗi buồn nuối tiếc ở trong ánh mắt ấy.
Tôi lặng lẽ đứng dậy, khẽ rút lui khỏi căn phòng. Tôi muốn để ông Hạnh một mình tận hưởng giây phút thần tiên của một quá khứ đã xa…
Khẽ nép mình vào cây phượng quen thuộc, tôi dõi mắt theo từng cánh phượng chao đảo trong gió. Ngày xưa, lũ học trò vô tư chúng tôi cho rằng hoa phượng là của riêng học sinh. Phượng đem hè về - phượng là mùa thi – mùa chia tay… nhưng bây giờ tôi bỗng nhận thấy phượng không chỉ của riêng chúng tôi. Phượng còn là của bác bảo vệ đang nhớ người bạn già của mình. Phía xa, trong ánh hoàng hôn, bóng ông Hạnh ngồi lặng im bên chén trà, đôi mắt mơ màng, đăm chiêu ấy chẳng rõ đang nhìn về đâu.
Mãi sai này tôi mới được biết rằng đám con cháu của bà bảo vệ đã rồng rắn kéo lên đây đón bà về quê. Họ bảo “Đã nhịn được ngần ấy năm trời thờ chồng nuôi con thì cũng cố nhịn nốt cho trót đời chứ ai lại dở dói ra như thế khác nào bôi gio trát trấu vào mặt con cháu, họ tộc…”. Rằng ban giám hiệu tuy rất thông cảm với hoàn cảnh cô đơn của ông Hạnh nhưng gia đình người ta làm ầm ĩ quá nên cũng đành khuyên bà bảo vệ về quê để con cháu có cơ hội được báo hiếu công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ: Rằng…
Mỗi lần phượng nở tôi lại nhớ đến hình ảnh ông Hạnh cô độc bên chén trà và những chùm phượng vĩ rụng đầy sân đỏ rực như những trái tim.
 

Xem Tiếp: ----