(Trong tập truyện TERMINAL, MIỄN PHÍ!)

    
ần 11 giờ, giờ mở cửa, nhà hàng còn đóng im. Từ gian hàng chính vào đến bếp tối om, cửa sổ chưa mở, đèn chưa sáng. Hắn lên gác, đá rầm rầm vào cửa phòng thằng Hùng, quát lớn:
- Giờ này còn ngáy à? Mày muốn uống nước lã mà sống phải không?
Hùng kéo chăn phủ đầu, giọng nhừa nhựa:
- Vừa phải thôi bố, hôm nay thứ hai, bố quên à, có ngày nghỉ ngủ cho dãn gân, người chứ có phải máy đâu.
“Thì ra thứ hai, mẹ kiếp, mình quên mất”, hắn tự sỉ vả. Thứ hai là Ruhetag*, quán đóng cửa. Đó là do vợ hắn đấu tranh đòi quyền lợi giai cấp công nhân, một tuần phải có ngày nghỉ dưỡng sức, chứ trước kia hắn mở cửa nhà hàng đủ 365 ngày, bất kể ngày lễ, tết tây, tết ta. Với hắn, ngày lễ, Tết, Giáng Sinh…là cơ hội Chúa dành cho giới buôn bán rút ruột hầu bao của thiên hạ ham mê vui chơi, mua sắm, ăn nhậu, tội gì lại phí phạm đóng cửa nghỉ.
Hắn thả rơi người xuống sofa, quẳng đôi giày ra góc nhà, gác chân lên cái bàn nhỏ, thở hắt ra. Giờ mới cảm nhận cơn đau ê ẩm ở đôi chân, từ hai bên đùi xuống tận gót chân. Hôm qua đứng suốt 12 giờ trong bếp. Sáng nay mới 6 giờ, hắn phải thức dậy, phóng xe đến Thương xá dành riêng cho nhà hàng, tuần nay có nhiều hàng hạ giá. Tự đi săn lùng hàng giá rẻ tuy vất vả, mất thời gian nhưng tiết kiệm được khối tiền.
-  Cứ bảnh chọe ngồi nhà, chờ xe đưa hàng đến thì có mà ăn cám!
Hắn vẫn chì chiết vợ như vậy. Sau khi bỏ công tính toán, hắn khoan khoái nhận ra với số tiền tiết kiệm này hắn trả được phân nửa tiền điện ở nhà hàng. Thế mà vợ hắn nói cạnh nói khóe: “Kí ca kí cóp cho cọp nó xơi…” Cọp nào xơi được tiền của hắn!? Cả đời hắn chưa từng đi xem ca nhạc, không dám đi chùa để khỏi phải bỏ tiền cúng dường, chả mê du lịch xứ nào, giá vé máy bay như dao lam cứa họng, nói gì đến việc xì tiền cho casino hay cá độ bóng đá.
Thú say mê duy nhất của đời hắn là Tivi với những bộ phim James Bond 007 hào hoa phong nhã. Hắn thuộc lòng những tình tiết ly kỳ gay cấn của từng bộ phim Dr. No, Goldfinger, Goldeneye, Casino Royal….Người hùng của hắn sao tốt số thế, quần áo láng mướt, xe hơi bóng lộn, uống rượu hảo hạng, gái đẹp bu quanh mà chả thấy khi nào phải móc túi tiền chi trả thú vui. Đời thế mới đáng sống!
Còn mình, hầu bao sao mỗi ngày cứ như cạn dần. Hắn chép miệng thở dài, bụng cồn cào. Mắt nhắm mắt mở sáng nay phải phóng xe hàng ra đi, chưa kịp ăn sáng. Trên bàn ăn có nửa cái pizza để trong hộp, hắn cầm nhai đỡ đói, mệt lử chả muốn nhấc chân đi pha cafe. Không biết cô vợ đi đâu đến giờ chưa về, ngữ này chỉ trông ngóng ngày quán đóng cửa để thả rong trên phố shopping, rồi lại vác cả mấy bộ quần áo model, mấy đôi giày gót nhọn về chất đầy tủ.
Tối qua, đến ba đám khách đặt bàn, hắn chạy nhoang nhoáng từ bếp xuống Keller (tầng hầm), vừa xào nấu, vừa chạy xuống lấy thêm hàng. Mệt thở không ra hơi mà chả dám sai bảo thằng tả chạp (phụ bếp) đi lấy hàng, làm được một việc thì nó câu giờ ngồi nghỉ mệt, hút thuốc.
Đã có lần điên tiết, hắn đập nồi cơm điện cỡ lớn lên đầu thằng tả chạp đến đổ máu, nó lăn ra bất tỉnh, lấy giấy chứng thương, kiên quyết thưa kiện hắn ra tòa. Mà công đoàn ở xứ Đức này thì rất hào phóng tình đoàn kết bảo vệ công nhân, hắn thừa biết nếu ra đấu trường luật pháp thì thằng chủ nắm chắc 10 phần chiến bại, có khi còn bị cấm cửa không được mở nhà hàng, hắn đành bóp bụng móc tiền bồi thường cho nó, tống tiễn đi.
Chưa yên, lâu lâu thèm món vịt quay Bắc kinh, thằng tả chạp dẫn vợ con tới nhà hàng hắn như đi dự tiệc, khi đứng dậy ra về nó suýt xoa quên ví tiền, ca cẩm:
-  Sếp ơi, cứ trời trở lạnh là vết thương trên đầu em lại hành hạ khiếp lắm, như có ai khoan vào đầu ấy, em phải đi tái khám bác sĩ lấy giấy chứng thương mới!
Hắn vỗ vai nó, cười giả lả:
- Đau đầu thì cứ bôi dầu xanh vào chỗ đau hay đi tẩm quất ở tiệm Thái massage là hết ngay, tái khám làm quái gì. Chỗ anh em cũ với nhau, mời nhau còn được, ai lại lấy tiền ăn của cậu thì còn ra gì.
Nhưng trong bụng uất ức, chỉ muốn bóp cổ thằng tả chạp cho đỡ đau xót bữa ăn miễn phí.
Hắn tiếc công tiếc việc, tằn tiện bao nhiêu, thì cô vợ lại ưa rong chơi hoang phí bấy nhiêu. “Đấy là luật bù trừ của Thượng đế đấy!” Bạn bè xỏ lá, càng tức điên người, hắn lên kế hoạch ly dị vợ. Lão luật sư tính tiền công, chi phí tòa án, chia gia tài, như lột sạch túi tiền hắn, đành cắn răng chịu đựng mụ vợ cho qua cuộc đời này. Kể ra có mụ vợ biết nghề bồi bàn, pha rượu còn hơn thuê mướn một nhân công. Lại lời thêm thằng Hùng, con trai riêng của vợ, cũng làm bồi bàn. Tuy phải trả lương cho nó, bù lại có nó ngay trong nhà, việc vặt gì sai bảo cũng được, khỏi phải thuê mướn ai.
Hắn muốn rèn luyện tay nghề chefkoch (đầu bếp chính) cho Hùng để có thể thay hắn khi hắn đau ốm, nó lạnh lùng tuyên bố:
- Tôi sống ở đây là sống tạm thôi, chứ làm chefkoch như bố, cả đời úp mặt vào cái chảo dầu, mặt sạm đen, mắt mờ gần như mù, đầu hói trọi vì bị dầu ăn, thì thà tôi đi quét đường sướng hơn.
Hắn cay cú:
- Tao chúi nhũi trong bếp nhưng tao làm chủ lấy tao, không ai sai bảo, áp bức tao. Mày xem bao nhiêu người lên nhà, lên xe là nhờ cái nhà hàng đấy, mày làm công nhân lương ba cọc ba đồng, đến khi nào mới có nhà có xe?
- Thế bố không tính bao nhiêu người sạt nghiệp vì mở nhà hàng à? Chưa kể con cái cũng chúi đầu vào nhà hàng phụ việc, có học hành được gì. Tôi làm công nhân thì hãng phải trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, tiền hưu cho tôi.
- Tao đố mày rời nơi đây ra, xem có thành ông to ông bé nào không?
Tuyên bố hùng hồn như vậy mà sao đến giờ nó vẫn chần chờ chưa ra đi? Hắn cau mặt nghĩ ngợi: “hay hai mẹ con nó đang âm mưu gì chống lại mình”. Hắn thừa biết vợ hắn vẫn dắm dúi tiền boa của khách cho thằng con riêng để nó dành dụm tiền học lái xe. Dám có khi vợ hắn còn vờ vịt quên tính tiền rượu vào máy tính, để bỏ túi riêng. Nhiều lần hắn đã lục lọi ngăn tủ riêng của vợ, nhưng chả tìm ra dấu tích, không lẽ sau mỗi ngày bán hàng lại kiểm tra sổ sách, kiểm tra rượu….Hắn đành chịu thua, ngậm đắng nuốt cay vào người.
&
 
Ngoài cầu thang lộp cộp tiếng giày cao gót. Thoa, vợ hắn, hiện ra trước tấm gương lớn ở hành lang. Hắn hoảng hốt thấy Thoa quăng cái túi xách lớn vào góc phòng.
- Mua gì lắm thế kia, cô định giết tôi đấy à?
Thoa chả buồn nhìn hắn, đi vào phòng ngủ nằm vật ra giường, lớn tiếng:
- Hôm nay không shopping, đổi tiết mục mới, đi sauna.
- Sauna ở đâu, dở chứng à? Đi với tên nào?
Thoa ngồi bật dậy, lừ lừ nhìn hắn:
- Anh đừng dở trò ghen nhảm nhé, tôi đi sauna (tắm hơi) thư giãn cho đỡ mệt, cũng ngăn cấm à? Hay tôi là nô lệ cho cái nhà hàng này?
Hắn dịu giọng lại:
- Thì cũng phải biết cô làm gì để còn tính toán chi tiêu chứ, thế tốn hết bao nhiêu?
- Sauna với massage body chỉ có 50 Euro, rẻ chán!
Hắn thấy nghẹn nơi cổ như vừa nuốt phải hột trái cóc vào họng.
- Thế là bằng giá nguyên đĩa vịt quay đó thưa mợ.
Thoa cười khẩy:
- Vịt mua ở siêu thị Đức, anh rao lên là vịt nhập từ bên Pháp, bôi màu, ướp mùi vị rồi cho vào lò quay, tính chưa đến 20 Euro, chém khách hơn gấp đôi mà tự cho mình nhân đạo.
- Thế tôi làm công không cho thiên hạ ăn à, hay tôi là con bò kéo xe?
- Lại than vãn kể lể, thôi tôi ngủ một chút, lát nữa còn phải làm việc. Anh cũng nên đi sauna cho biết mùi đời. Tắm hơi ra thấy khỏe người lên.
Hắn nhìn Thoa lom lom, hỏi dò:
- Nghe nói vô sauna là phải thoát y trăm phần trăm, đúng không? Đông người như thế thì dị hợm chết.
- Cũng như ở bãi tắm FKK* thôi, ai cũng thổn thện như nhau, có gì dị hợm. Ông nhà quê quá, Việt kiều gì mà cả đời chưa từng biết sauna, chưa đi dancing, casino bao giờ, chán chết.
- Tôi biết cô văn minh âu mỹ hơn tôi nhiều, khỏi phải khoe.
Để nguyên bộ áo xống vừa đi phố về, Thoa kéo chăn lên người, ngủ luôn. Hắn chán nản mở Tivi xem tin thời tiết. Cuối tuần trời trở lạnh sang mùa đông là hắn mừng rơn, đó là mùa làm ăn của giới nhà hàng châu Á. Thời tiết lạnh, khách hàng ưa tìm vào tiệm ấm cúng, thích món ăn nóng, chứ không rủ nhau đi uống bia ở nhà hàng có vườn.
Phải sai thằng Hùng với thằng tả chạp dọn lại kho hàng để có thêm chỗ nhập hàng nhiều hơn. “Việc gì cũng phải có tay mình nhúng vào mới xong, sinh ra đúng tuổi con trâu, cứ nai lưng kéo cày cho thiên hạ hưởng.”
Đôi khi hắn cũng cảm thương cho số phận, ra đời tự lập khi mới 18 tuổi, đi lao động vất vả mấy năm bên Liên xô, trốn chạy ba, bốn lần sạch nhẵn túi mới đến được Tây Đức khi bức tường Berlin sụp đổ, trôi nổi qua nhiều nhà hàng, thấm thía bao gian nan, khổ nhục, đến giờ có được món gia tài khấm khá dấu kín ở nhà bank. Hàng năm tuy phải chi khoản tiền để thuê một ngăn tủ ở ngân hàng với mã số bí mật, hắn yên tâm cất dấu giấy tờ quan trọng, vàng, dollar, cả tiền Euro nơi đó, không lo sợ trộm cướp hay vợ hắn nhòm ngó. Hắn tự khen mình thông minh tìm ra cách dấu của hiện đại.
Con không có, vợ hắn chỉ chăm lo cho đứa con riêng, hắn không tin một ai trên đời này, kể cả cha mẹ anh em. Còn bạn bè, ối cái lũ vô đạo này thì đúng như câu thơ: “còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi.” Ngày mai mà hắn bị phá sản, không làm chủ nhà hàng thì thử xem có thằng nào mời hắn đến nhà. Ngẫm cuộc đời mà chán, từ bé đến nay hắn chưa từng có một tên bạn nào để gọi tri kỷ tri bỉ. Tại sao, nghĩ ngợi mông lung hắn càng thêm nặng nề u uất.
Gia đình đến chín anh chị em mà chả ai quan tâm yêu thương hắn, mấy bà chị xem hắn như đứa sai vặt, mấy thằng anh ngứa tay ngứa chân là đấm đá hắn. “Nhìn nó thấy ngứa mắt quá đi!” Đám anh chị kêu rêu khi bị mẹ đánh mắng cái tội ưa bắt nạt hắn. Tủi thân hắn thường dúi vào góc nhà mà khóc. Mẹ hắn ôm vào lòng an ủi: “Chỉ có mẹ là cưng cái thằng chuột nhắt của mẹ thôi.” Hắn nổi cáu, gạt phắt tay bà ra, đã bị kêu là chuột mà còn chuột nhắt thì ra gì nữa.
Không biết sao, mấy anh chị, cả thằng em đều cao lớn phổng phao, riêng hắn cứ choắt như con nhái bén. Trời sinh ra hắn lại tạo cho hắn hai cái lỗ tai to, vểnh ra như tai chuột, mặt thì choắt mà môi chu nhọn ra, mắt ti hí một mí, trông hao hao giống mấy ông tí. Ngay khi hắn mới chào đời cả nhà gọi ngay là Tí con, chả ai nhớ cái tên Quảng đẹp đẽ mẹ hắn đặt cho (ý nghĩa là quảng đại) sau này đi học, thầy cô gọi hắn là Quảng còi.
Nhớ lại thời tuổi nhỏ, lòng hắn chùng xuống ngậm ngùi. Cha mất sớm, hắn lớn lên chỉ có tình thương của mẹ. Năm mười một tuổi bỗng dưng hắn lập thành tích nổi danh khắp thành phố làm mẹ điêu đứng.
Cho đến chết hắn vẫn không quên buổi học định mệnh ấy, hôm thi môn luận văn, thầy giáo ra đề tài: “Hãy tả một con thú nuôi trong nhà em.” Đứa nào cũng thi nhau tả con chó Lulu, con mèo mướp, con heo, con gà trống…Hắn cắn bút ngồi bí xị. Nhà hắn chả có con gì, hay chơi dế nên hắn muốn tả con dế trống, nhưng chỉ mươi dòng là hết ý. Nghĩ mãi hắn sực nhớ con khỉ bên nhà bác Ba hàng xóm, bị cột ở gốc cây khế, hay lăng xăng nhảy nhót mỗi khi thấy hắn đến gần, ra điều bạn bè thân thiết lắm, thế là hắn có một con thú khác biệt hơn hẳn đám bạn. Hắn thích thú cắm cúi viết.
Thằng Báu ngồi bàn trên vừa viết vừa quay xuống nheo mắt nhìn hắn cười cười làm hắn chột dạ, không biết nó định dở trò gì. Lần trước bị thằng Báu nhéo hai tai đến đỏ lựng, hắn nổi giận quăng cái ghế vào chân nó, phải đi cà nhắc mấy ngày mà nó chưa sợ sao. Hắn cảnh giác, tan học phóng nhanh về nhà không lê la xem đánh bi đánh đáo như mọi hôm.
Đến hôm thầy trả bài thi thì sinh chuyện, bài luận văn của thằng Báu được thầy đọc lên cho cả lớp biết, vào đầu bài nó viết: “Nhà em có nuôi một con chuột, nuôi lâu rồi mà nó không chịu lớn, cứ còi cọc hoài nên chả có lông, da trơn nhẵn, nó có hai lỗ tai to phồng, lúc nào cũng vểnh ra phe phẩy như hai quạt mo, nhà em đặt tên cho nó là Tí còi…” 
Cả lớp cười nghiêng ngửa, mặt hắn từ tái nhợt, tái xanh sang tái xám, hai lỗ tai dường như phồng to hơn, đỏ rực.
Thầy giáo gõ thước trên bàn, quát: “Im lặng, bài viết của em Báu không sai, cũng có ý nghĩa, nhưng em tả con chuột có hai tai gần giống bạn mình, thế là không được, xúc phạm bạn mình, thầy trừ hai điểm để em nhớ lấy”. Sợ thầy, cả lớp lặng thinh, đến giờ ra chơi thì cả đám học sinh lớn trong trường đều thuộc câu: “nhà em có nuôi một con chuột, tên nó là Tí còi …”
Không dám ra sân chơi, hắn trốn sau tấm bảng trong lớp kéo vạt áo lau nước mắt. Tại sao nó lại chơi ác với mình như vậy, mình có làm gì nó đâu, cái tai mình có vểnh ra thì làm hại gì nó, làm hại cho ai mà mọi người ghét bỏ mình như vậy? Hắn tự hỏi mà không tìm được câu trả lời. Chuông reo hết giờ chơi, thầy chưa vào, lũ quỉ nhỏ thừa cơ hội trêu chọc hắn, một đứa kiếm đâu cặp kính trắng, giả làm thầy giáo, lên bảng vẽ hình con chuột có hai tai lớn, gõ thước trên bàn, quát hỏi:
- Báu, vì sao nhà em không nuôi mèo mà nuôi chuột?
Thằng Báu rụt rè thưa:
- Bẩm thầy, vì chuột là loài vật có ích, đáng yêu nhất trên đời đấy ạ!
Một đứa la lớn: “Tí còi là em sinh đôi với Quảng còi”. Cả đám phá ra cười lăn lộn, không biết đợt sóng Tsunami âm thầm nổi lên, sắp tấn công dữ dội.
Không nói tiếng nào, Quảng còi cầm cây viết mực có ngòi bút lá tre đầu nhọn bằng kim loại, lao tới thằng Báu, cắm phập vào bụng nó. Nó kêu ối một tiếng, ngã ngồi bệt xuống đất, tay ôm bụng, máu bắt đầu tuôn ra đẫm cái áo trắng. Quảng đứng chết trân, trố mắt nhìn thằng Báu. Có đứa kêu lên: “Nó đâm chết thằng Báu rồi!”
Đám học trò hét lên kinh hoàng, xô nhau chạy ra khỏi lớp. Thầy giáo chạy vào, hoảng sợ gọi xe đưa thằng Báu đi bệnh viện.
Ngay hôm sau tên nhà trường với tên Quảng còi, Quảng tai chuột vang dội cả thành phố.
Gia đình hắn phải bán hết bồ lúa, vay thêm nợ, trả tiền bác sĩ mổ lấy cái ngòi viết trong bụng thằng Báu, lại phải chi trả tiền thuốc men, quà cáp đút lót để nhà nó bãi nại, không thưa kiện.
Mẹ hắn gạt nước mắt, gửi hắn lên nhà ông bác trên tỉnh học tiếp. Anh chị hắn mừng, khỏi bị ngứa mắt ngứa tay nện hắn. Hắn mừng, có lý do rời xa ngôi trường gây khốn khổ đời hắn.
Tuy còn bé, hắn nhận chân ra sự thật: bộ mặt hắn như ám khí, như vận xui đến mọi người, thiên hạ xa lánh hắn. Hắn cũng lẩn tránh không kết thân, không tin tưởng nơi ai, xung quanh dường như ai cũng là kẻ thù đáng ngại. Sau lưng hắn người ta đặt ra mấy biệt danh thú vị. Hắn đoán biết, nhưng chừng nào người ta chưa buông ra trước mặt hắn thì hắn coi như ne...pas*. Con sóng Tsunami trong người hắn ngủ yên.
&
Hắn tìm được việc làm ở một xưởng bánh mì ngay khi mới đặt chân lên nước Đức. Mấy tên đồng hương cao lớn, to khỏe, xin việc đều bị gạt ra, không hiểu sao ông quản đốc bụng phệ lại nhận có mình hắn, có thể vì thương hại hắn loắt choắt giữa đám người xin việc. Chiến tích này làm thay đổi hình ảnh hắn trong mắt bọn đồng hương. Lương thấp nhưng no problem, miễn có việc làm để dễ xin giấy phép tạm trú. Từ tạm trú mới có hy vọng thường trú. Một bước đi lên của đời hắn. Lần đầu tiên trong đời đàn ông, có em gái đồng hương gọi telephone nhắn nhe:
- Anh Quảng ơi, cuối tuần đến nhà em chơi nhé, em nấu bún bò Huế chờ anh đấy!
Chỉ anh Quảng thôi, đố dám gọi Quảng còi. Hắn khoan khoái, thấy mọi người bắt đầu nhận ra chân giá trị của mình, dù biết họ chỉ cầu cạnh để hắn nói giúp cho có việc làm ở hãng bánh mì. Hắn gặp Thoa chính trong thời hoàng kim này. Bao nhiêu đêm trằn trọc mất ngủ suy nghĩ vì Thoa đã qua một đời chồng, trong khi hắn vẫn trai tân. Hắn đem nỗi lòng thổ lộ với một chị già hành nghề xem tướng, bói bài, kiêm gỡ rối tơ lòng cho chị em đồng hương. Xem qua ngày sinh của hai người, bà thầy bói phán:
- Cô Thoa tuy qua một lần đò, nhưng đó là do tơ trời dẫn dắt, tên chồng nó phải mang bệnh chết sớm để Thoa gặp cậu. Số trời đã định như thế. Thoa mạng kim, cậu mạng thủy, kim sinh thủy rất hợp nhau, cô ta sẽ giúp cậu làm nên sự nghiệp. Cơ hội chỉ đến một lần, có dịp là phải nhanh tay chụp lấy. Cô này có số vượng phu ích tử đấy.
Hai mẹ con Thoa vừa bị bác đơn tị nạn, đang cầm giấy Duldung*, hồi hộp ngày bị trục xuất về nước, trông mong tìm người có giấy tờ thường trú để nương tựa, hắn cũng đâu muốn là con sói cô đơn suốt đời, thế là bập vào nhau mà sống, được tiếng có vợ như ai.
Hắn chí thú làm việc, làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm làm ca đêm thay cho người khác, sẵn sàng làm thêm giờ khi chủ yêu cầu. Hắn được phong chức tổ trưởng, oai vệ hơn.
Khi thằng Liên xô vào thay tay quản đốc bụng phệ thì chuỗi đời bình yên của hắn lung lay.
Đám người Việt gọi nó là Nga ngố, lúc nào cũng ngoác mồm ra cười. Người to lớn như hộ pháp, khỏe như tê giác, nghe đồn nó có thể dùng dây kéo, một mình kéo cả xe tải đi phăng phăng. Đứng cạnh Nga ngố tê giác thì Quảng còi như con chuột nhắt. Đám công nhân phì cười gọi “cặp đôi hoàn hảo” này là Tom and Jerry*. Hắn căm ghét bộ phim hoạt hình này, cả phim Mickey Mouse mà trẻ em thế giới đều yêu. Hắn có cảm tưởng mấy phim quỉ quái này ra đời là có âm mưu thù địch chống lại hắn, xúc phạm đến hắn.
Nga ngố thấy bộ mặt khó đăm đăm muôn thuở của hắn không tránh xa, lại hay thắc mắc:
- Ê, Lulu, mày có bị táo bón kinh niên không mà mặt mày cứ nhăn nhó thế?
Họ của hắn là Lưu, đời nào Nga ngố đánh vần được chữ Lưu, nên tự sáng tạo cái tên Lulu cho Quảng còi. Hắn hầm hầm không trả lời, cơn phẫn uất nổi lên làm hắn mắc nghẹn, mặt tái xanh tái xám. Không tha, hôm khác Nga ngố lại tọc mạch:
- Tao nghe nói dân mày ưa ăn thịt chó, lâu nay chắc mày thiếu thịt chó nên bộ mặt mới thảm sầu như vậy? Dân Ai cập cổ xưa xem mèo như thần linh, hình như bây giờ ở nước khác thờ thần chó đấy.
Lấy làm đắc ý, nó ngoác mồm ra cười hô hố. Vẫn lặng thinh, Quảng đi ra phía máy dập, ấn nút cho máy rơi xuống ngay chân trái của Nga ngố. Nó hét lên kinh hoàng như heo bị thiến, cả xưởng chạy nháo nhào. Nga ngố đi nạng cả mấy tháng trời mới khỏi.
Hắn phải rời bỏ xưởng bánh mì, đi làm chui ở nhà hàng, ban đầu là tả chạp, rồi thành chefkoch, vất vả hơn mọi người, đành chấp nhận, vì biết dung mạo như hắn không thể nào làm bồi bàn. Ký cóp dành dụm hơn 10 năm, hắn tiến lên làm chủ imbiss*, rồi chủ nhà hàng nhưng hiếm khi chường mặt ra trước quán, để vợ điều hành bên ngoài, hắn túi bụi đánh vật bên chảo dầu, nồi lẩu, rồi cũng nên sự nghiệp. Đời dễ mấy ai hơn.
&
Chuyến máy bay đầy chật người, không một chỗ trống. Hắn bị nhét vào ghế giữa. Bà béo bên cạnh ngủ gà ngủ gật ngã đầu lên vai hắn, hắn có cảm tưởng đang vác bao gạo trên vai, càng thêm bực bội. Hắn mò tìm trong túi áo khoác ra cái kim băng, định đâm lén vào đùi cho mụ béo tỉnh ngủ. Cô tiếp viên tóc vàng xinh đẹp cứ cười duyên với hắn làm kế hoạch khó tiến hành. Bỗng dưng cô đến gần, lịch sự hỏi hắn:
- Hình như ngài bị mệt thì phải, xin mời ngài theo tôi.
Chưa hiểu điều gì, nhưng hắn vẫn đi theo người đẹp hòng thoát khỏi cái bao gạo kề bên. Ra cô tiếp viên đưa hắn sang khu hạng nhất, khu dành riêng cho VIP.
- Bên đây còn ghế trống, mời ngài ngồi đây thoải mái hơn.
Hắn ngạc nhiên quá đỗi, ngồi xuống ngay quên cả cám ơn. Cô ta ấn nút tự động, ghế mở dài ra như cái giường đơn, hắn sung sướng duỗi lưng, duỗi đôi chân bị bó rọ mấy giờ liền. Cô ta hỏi thêm:
- Ngài muốn dùng chút rượu hay thức ăn gì không?
Chúa Phật ơi, hôm nay đời hắn lên hương như trúng số độc đắc. Hắn liếc mắt qua cái bàn nhỏ bày sẵn mấy chai rượu Whisky, Champagner…Nhưng ráng dằn lòng, đòi hỏi ngay món đó khác gì tự tố cáo mình là tên nhà quê trọc phú, mới nhác thấy món ăn thức uống ngon là vội chụp lấy. Hắn mỉm cười nhìn cô tiếp viên, ra vẻ ta đây từng trải:
- Tôi vừa ăn no trước khi lên máy bay, chỉ muốn một cái Espresso cho tỉnh ngủ, một chén súp và bình trà nóng nhé.
Khi cô tiếp viên mang mâm thức ăn đến, hắn lợi dụng cơ hội vuốt bàn tay trắng mịn của cô, giữ hơi lâu. Cô gái không phản đối, ghé sát mặt hắn nói nhỏ:
- Ngài là người đàn ông tuyệt vời em mới gặp lần đầu tiên.
Hắn nghẹn thở, ước gì được chết ngay trong giây phút thần tiên đó!
Đột nhiên từ sau tấm màn ngăn hai khu vực, một tên áo khoác đen, kính đen, xuất hiện với khẩu súng trên tay, ra lệnh:
- Tất cả ngồi yên, động đậy là chết tức khắc.
Nó ra lệnh cho phi công bay theo hướng khác, tới New York! Phi công nhăn nhó: “Không đủ nhiên liệu bay đường dài.” Tên khủng bố hét lên: “Phải tới đó bằng được, mày phải chọn lựa: bay hay là chết!”
Nó lôi phi công ra khỏi ghế, quay súng về phía hắn: “Tên này, vào phòng lái.”
Hắn sửng sốt: “Tôi đâu biết lái máy bay.” Nhưng hắn trấn tĩnh lại ngay: “Được, tôi sẽ cố gắng.” Hắn đứng dậy, bất ngờ ném bình trà nóng vào mặt tên khủng bố. Nó loạng choạng vì bỏng nước sôi, hắn bèn chụp mấy chai rượu đập xối xả lên đầu nó, nó lăn ra ngã quị tức khắc. Mọi người xúm vào trói tên khủng bố, vỗ tay vang dội ca ngợi hắn anh hùng can đảm hơn cả James Bond.
Cô tiếp viên đưa hắn trở lại ghế, ấn nút. Cái ghế đột nhiên sụp xuống, hắn ngã đập đầu vào thành tường đau điếng.
Tỉnh giấc, đầu đau ê ẩm sau cú ngã mạnh, hắn ra khỏi giấc mộng vàng. Đêm qua xỉn quá không lê được vào giường, hắn nằm dài ở sofa, lăn lộn thế nào, ngã xuống, đập đầu vào cạnh tường.
Không biết đã mấy giờ, trong nhà im ắng lạ thường. Nhìn qua cửa sổ, tuyết rơi dày đêm qua ngập đầy đường phố. Hắn tằn tiện hiếm khi mở lò sưởi, nên ở trong nhà mà lạnh run. Dưới bếp không có tiếng chặt xương, xay thịt của thằng tả chạp. Hôm nay nó tính đình công hay sao? Thằng Hùng vẫn quấn chăn ngủ kỹ. Cái lũ ăn hại này, mình không hối thúc thì cứ chầy bữa ra. Hắn định lò dò xuống bếp nhưng đầu nặng chịch, hai cánh tay đau nhừ, lại ngã ra sofa, thấy tờ lịch treo tường, sực nhớ ra hôm nay thứ hai, Ruhetag.
Quái, sao không bao giờ hắn nhớ thứ hai, ngày nghỉ? Với hắn, ngày nào cũng phải là ngày làm ra tiền, mỗi ngày phải có tiền vô két sắt, linh hồn hắn mới yên ổn. Hình như cái máy lao động trong người hắn không làm việc là không chịu nổi, nó thành quán tính, mỗi ngày phải chạy, phải làm quần quật thì nó mới phấn khởi. Hay hắn bị giời đày?
Như con lừa của ông lái buôn. Suốt đời con lừa phải nai lưng chở ông ta, khiêng vác hàng hóa. Đến hôm ông ta chết bất ngờ, nó không phải đeo vác gì, tự do bay nhảy, tự do tìm thức ăn. Chỉ được ít ngày, nó đâm ra bứt rứt khó chịu vì không có gì đè nặng trên lưng, không bị quất roi vào mông, không ai cho nó thức ăn. Nó đâm ra sợ bị kết tội dám tự tiện sống tự do, bèn chạy khắp nơi tìm chủ mới, van xin được đày đọa như trước, miễn là có miếng ăn mỗi ngày, khỏi phải vất vả tự tìm kiếm. Nó bằng lòng với thân phận của lừa. Kiếp lừa khó thoát.
Hai bàn tay hắn bắt đầu run giật, không biết bệnh phát ra từ lúc nào, ban đầu nhẹ, chỉ bị run một hai phút, sau tăng dần, đến năm sáu phút, hắn phải ngưng làm vì không cầm được gì. Chưa ai biết căn bệnh của hắn, một lần đi khám bệnh, phải ngồi chờ lâu quá, hắn sốt ruột công việc ở nhà hàng, bỏ ra về, tự mua thuốc giảm đau, thuốc bổ uống thêm. Hắn biết có cô bồi bàn, hơn 20 năm trong nghề phải bưng bê nặng, giờ bị tê liệt dây thần kinh ở cả đôi tay, không nhấc gì lên được. Không biết bệnh run giật này có biến thành tê liệt đôi tay không? Nếu cơn rung giật kéo dài lâu hơn thì còn làm ăn gì được, làm sao hái ra tiền, làm sao trả nợ cái xe Audi láng bóng mới mua? Hắn hơi thấy sợ, cuộc đời ngắn ngủi quá, có tiền mà đã hưởng thụ bao nhiêu. Chả dại chết sớm để mẹ con nó chiếm đoạt cả tài sản ky cóp. Hôm nay dứt khoát phải đi bác sĩ tiêm mấy mũi thuốc cho mau hết bệnh.
Giá có bát phở với ly cà phê nóng làm cho tỉnh người rồi đi khám bệnh, nhưng hắn mệt lữ không muốn lê chân xuống bếp. Lúc cần được chăm sóc thì vợ biến đâu mất. Cô này dường như ngày thêm lộng hành, muốn đi đâu, muốn mua sắm gì cứ tự quyền, chả hỏi ý kiến hắn. Tối qua, cô ả làm hắn phát ngượng với cánh đàn ông. Mặc cái mini jupe ngắn, cái áo lụa mở rộng cổ, nước hoa Chanel thoang thoảng, cô nàng như bướm lượn qua lượn lại. Khổ nỗi cô ta có cặp đùi thon khá đẹp, nên ưa chơi mini jupe để khoe. Chứ đã U 50, tóc nhuộm nâu hàng tháng, mặt như trái bầu, vú đã hơi xệ, còn non nước gì mà khoe.
Hắn ngồi bên nhóm hát Karaoke, ra vẻ chú mục với màn hình, nhưng kín đáo theo dõi nhóm chơi bài Poker. Thằng Minh trọc vỗ đùi cười hô hố, nói:
- Dạo này xúi quẩy, chơi bài đâu cũng thua, hôm nay gặp người đẹp Thoa như gặp hên, thắng liên tiếp.
Thoa cười rinh rích:
- Thế là phải chia đôi nhé, chứ không lần sau bị nhẵn túi đấy.
- Chia thì chia, đây sợ gì. Chung hết cho Thoa cũng được, sá gì chia đôi.
Tên đại gia đi theo Minh trọc đến chơi, cứ tia đôi mắt mắt sắc lẻm vô cặp đùi của Thoa. Mỗi khi Thoa mang thêm thức ăn, cúi xuống mặt bàn là hắn thay đổi tọa độ bắn lên phần áo hở rộng, ngắm hai ngọn đồi đang phập phồng. Hắn đứng dậy, định lôi Thoa vào bếp sỉ vả vài câu cho cô nàng hãm bớt thói lẳng lơ. Minh trọc ghé tai hắn bỏ nhỏ:
- Biết khôn thì tỉnh bơ đi, tiếp hắn chu đáo vào, thằng đại gia này thuộc loại CÔCC bên nhà, có ba xưởng may bên Liên xô đấy, dân chịu chơi. Cần gì, nói toạc ra, nó sẽ giúp cho.
Tên đại gia đem theo cả chục chai Whisky, Vodka hảo hạng, mấy hộp trứng cá Caviar. Hắn gọi thêm mấy đứa cùng cánh nhà hàng tụ tập chơi bài, ăn nhậu, hát karaoke suốt đêm. Đại gia chơi bài thua liên tục, đến mấy ngàn Euro, mặt không biến sắc, cười tỉnh:
 - Nhằm nhò gì mớ tiền lẻ, tụi bây cứ chơi, tao từng thua cả trăm ngàn dollar ở Las Vegas mà gia tài có sứt mẻ tí nào.
Hắn trợn mắt khâm phục:
- Anh xin Visa đi Mỹ dễ thế cơ à, đi mấy lần rồi?
Minh trọc nói thay đại gia:
- Ông ấy đi Mỹ như đi chợ, đem tiền qua đó đầu tư bất động sản, 
- Nhà đất bên Mỹ đang xuống giá ầm ầm, anh có bị ấm đầu không mà đầu tư vào đó?
Đại gia nghe hắn hỏi, cười khẩy, ngửa mặt ngó trần nhà, phả khói xì gà lên trời, đủng đỉnh nói:
- Anh chỉ mánh cho các cậu làm ăn, ở đời có hai cơ hội phải chụp ngay, một là khi kinh tế nơi nào đó bị phá sản, hai là khi kinh tế bắt đầu đi lên. Như một chu kỳ, cái gì sau khi hưng thịnh quá, thì sẽ tới thời sụp đổ. Khi phá sản tất cả rồi, nó lại từ từ đi lên. Nhảy vào làm ăn giữa buổi giao thời là dễ phất nhất, tất nhiên phải liều. Hồi xưa đi lao động bên Liên xô tớ cũng chạy hàng vặt như các cậu thôi, khi đánh hơi thấy gió đổi chiều, kinh tế rộng mở, luật pháp lỏng lẻo, tớ tung hết vốn đánh liều buôn thuốc lá lậu, khi nạn thuốc lá bị truy lùng gắt gao, tớ đổi sang mở xưởng may, buôn hàng xuyên quốc gia. Thế đấy, đời hơn nhau là ở nước liều với lì, lì thì ăn tiền.
Đám đồng hương kính cẩn lặng im nghe đại gia phân tích kinh doanh tầm cỡ vĩ mô. Đại gia hất hàm hỏi Quảng còi:
- Cậu mở nhà hàng lâu chưa? Làm ăn được không?
- Được năm, sáu năm rồi, cũng tạm đủ ăn.
- Mấy năm mà cứ như vậy, không phất lên nữa, kể như sắp tàn. Sao không mở rộng hơn?
- Em cũng muốn thế nhưng không đủ vốn, chủ nhà chịu cho em mở lớn nhưng tiền thuê nhà cao quá.
- Thế cậu cần bao nhiêu, vài chục ngàn Euro là có ngay, anh cho vay không lấy đồng lời nào. Lần sau sang chơi anh mang qua.
Hắn lắp bắp không thốt ra được lời cám ơn, người run lên vì quá đỗi ngạc nhiên, có thần tài phù trợ nhất định sẽ giàu to, thành triệu phú, tỉ phú như chơi. Thoa nhanh nhẩu bưng ngay tô súp vi cá măng cua đến trước mặt đại gia, chen vào ngồi sát cạnh đại gia, thi thoảng vô tình lại để tay lên đùi đại gia, vuốt nhẹ. Hắn không thấy ngứa mắt như trước, hớn hở cụng ly với cả bọn cho tới tàn đêm.
Mới qua một đêm hắn đã mong cho mau tới lần sau, đầu óc cứ láy đi láy lại điệp khúc: “lần sau anh sang chơi…”. Nếu đại gia rộng lòng mở hầu bao, hắn sẽ nài nỉ mượn thêm tiền để mua luôn căn nhà này, xin trả góp nhiều năm. Tầng trệt vẫn mở nhà hàng, tầng giữa để ở, trên cùng thì cho thuê phòng ngủ, vớ thêm món tiền đủ trả lời hằng tháng. Muốn thế thì phải tập thản nhiên để vợ lên đồ mini jupe, áo hai dây, vuốt đùi thằng đại gia, đừng có lằng nhằng ghen tuông dấm dớ, hắn tự dặn mình như thế.
Mà tên đại gia này cũng khác đời, ưa ăn gà già, có tiền như hắn, gà tơ đâu chẳng có mà lại nhòm ngó cô ả U 50 này. Nhan sắc cô ả lúc này hơi xuống cấp, có lẽ phải rút hầu bao chi tiền cho vợ đi mỹ viện tân trang hàng họ lại, mới nắm chắc đại gia trong tay. Hắn cười khẩy: “Đúng là kim sinh thủy, hắn có số nhờ vợ thật rồi.”
Cơn đau nhức dường như dịu lại, hai bàn tay thôi run giật, hắn đâm ra băn khoăn không biết vợ đi đâu từ sáng nay? Hôm nay thứ hai chắc cô ta lại đi sauna? Không biết sauna có quái gì mà ba tháng nay, tuần nào cô ả cũng lặn đi sauna một mình. Hay nó có hẹn hò với ai ở đó? Hành tung cô này rất khả nghi. Đại gia thì phóng xe đi Berlin có cuộc hẹn với đối tác kinh doanh, tối qua lão nói thế, nên đêm không ngủ lại ở nhà hắn để sáng nay đi sớm. Đám Tiến gàn, Sơn gấu chả ra hồn gì, chỉ có Minh trọc đáng khả nghi. Tay Minh ăn nói bổ bả mà đầy dụng ý mờ ám, hay rên rỉ cô đơn vì bị vợ bỏ, nhỡ nó dụ dỗ được cô ả thì hỏng việc mất. Bứt rứt suy nghĩ, hắn bấm Handy tìm Minh trọc. Tên đệ tử của Minh trả lời:
- Tối qua ông ta ngủ như chết, thế mà sáng có người gọi, đã phóng xe đi mất.
- Ai gọi hắn? Hắn ra khỏi nhà lúc nào, biết không?
- Hình như bà nào ấy. Hắn đi lúc gần 11 giờ, có vẻ khẩn cấp.
Hắn nhảy nhổm như bị điện giật, Sauna mở cửa lúc 10 giờ, hai đứa này đóng kịch qua mặt mình, đại gia chỉ là bình phong thôi. Mắt mình mù thật rồi, tụi nó chơi nhau trước mặt mà mình cóc biết gì. Hắn rít qua kẽ răng: thằng Minh trọc, ả Thoa sẽ có bài học nhớ đời.
 
&
Quảng còi nghiến răng phóng xe quá tốc độ, hai lần suýt vượt đèn đỏ, dám bị camera chụp hình rồi, mackeno, phải bắt tại trận để trị chúng nó đến nơi đến chốn, rồi sẽ báo cáo cho đại gia biết sau, Minh trọc là đệ tử ruột của đại gia. 
Không còn chỗ để vào parking, hắn định tấp xe bên lề đường trước hồ bơi, nhác thấy bóng hai cảnh sát từ xa, bèn lỉnh ngay, chả muốn dính dấp luật pháp. Sống trên xứ người gần 20 năm hắn vẫn bị ám ảnh nỗi sợ công an cảnh sát, không hiểu tại sao, dù chẳng làm gì phạm pháp.
Ngày mới đến nước Đức, đi phố hay bị lạc đường, hắn đưa tấm giấy ghi sẵn tên phố nơi tạm trú hỏi người đi đường. Có lần gặp bà già tốt tính, sốt sắng đưa hắn đi. Tiếng Đức hiểu lõm bõm, hắn mừng rơn tưởng được bà dẫn về tận nhà, hóa ra bà ta cũng không biết khu phố đó, đưa hắn đi gặp cảnh sát để chỉ dẫn rõ hơn. Nhác thấy bộ quân phục màu xanh lá cây, hồn vía lên mây, hắn lủi mất, bỏ bà già đứng ngẩn ngơ một mình.
Lần đi München chơi khi qua nước Đức được ba tháng, hắn run lên khi thấy cảnh sát trên xe lửa. Trong túi chỉ có tờ 50 Mark, hắn hỏi ông bạn Việt kiều đi cùng: “cho em mượn 100 Mark, về trả lại ngay.” Ông bạn ngạc nhiên, hắn giải thích:
- Em sợ bị bắt, theo luật thì em đang là người tị nạn chưa được cứu xét, không được phép đi ra khỏi vùng nơi cư trú. Nếu họ đến, em dúi tiền cho họ may ra được tha.
Ông Việt kiều hoảng hồn, giữ tay hắn:
- Đừng có dở màn hối lộ đó ra. Xứ này không giống như bên nhà. Cứ bình tĩnh, để tôi đối phó!
- Anh đối phó cách nào? Nếu em bị bắt sẽ rất khó khăn khi đi phỏng vấn thanh lọc, dễ bị trục xuất lắm. Sợ quá, thôi thà dúi ít tiền để họ cho qua, bên nhà tụi em vẫn làm thế, trót lọt hết.
Hắn nhấp nhổm, dáo dác không yên, tim đập thình thịch, không tin tưởng ông bạn, tay cứ nắm chặt tờ báo nhét sẵn tiền. Người cảnh sát ngó điệu bộ hắn khả nghi, đến gần kiểm tra vé, hỏi giấy tờ. Ông bạn đứng lên, bắt tay ông ta, nói thay cho hắn:
- Bạn tôi mới qua tị nạn, đi thăm thân nhân với tôi, chưa hiểu luật pháp, lần đầu vi phạm luật đi xa khỏi nơi tạm trú, mong ông hiểu cho.
Nhìn chăm chăm vào mặt hắn giây lát, ông ta trả lại giấy tờ, đưa hắn tờ giấy cảnh cáo, căn dặn lần sau nên xin phép trước khi đi xa. Hắn mừng rỡ, thốt ra hai từ mới thuộc: Vielen Dank! (cám ơn nhiều) Ông bạn thở ra thấy tội nghiệp cho hắn:
- Cậu nên từ bỏ lối suy nghĩ cũ đi, lẽ ra không có tội tình gì, lại bị bắt vì tội hối lộ. Hối lộ ở xứ này là tội nặng đấy!
Bao nhiêu năm sống xứ người, dường như hắn không sao dứt bỏ được những thói quen đã ăn vào máu. Cứ nhác bóng cảnh sát là hắn lủi ngay, biến đi nơi khác, tự nhủ: “Vậy cho chắc ăn! Tránh voi chẳng xấu mặt nào, khỏi phải lo lắng.” Lo lắng cái gì, tại sao lo lắng, thì hắn không sao giải thích nỗi.
*
Hắn đi quanh quẩn từ bể bơi qua khu sauna hơn nửa giờ chả thấy Thoa đâu. Có tới mấy loại phòng sauna, phòng xông khô cỡ 45 độ, cỡ 60 độ, phòng có người vào quạt cho bốc hơi nóng, phòng xông hơi nước, đàn ông đàn bà mặt đỏ ửng như tôm luộc sau khi xông, trần truồng nhởn nhơ đi lại, ngó hắn như quái vật vì cái quần đùi còn dính trên người. Một nhân viên đến gần, yêu cầu hắn hoặc đi ra hay phải trăm phần trăm thoát y như mọi người. Hắn đành cởi bỏ quần, lấy khăn ngắn quấn che thằng nhỏ, đi sục sạo từng phòng.
Thấy mọi người đi vào phòng xông hơi nước khá đông, hắn vào theo. Hơi nước mù mịt, mắt hắn lại gần như mù chả thấy gì, ngồi tót lên đùi người khác. “Mistkerle!”* tiếng ai chửi bật ra, hắn bị đập mạnh lên lưng, bị đẩy ra, chực ngã xuống sàn. Hơn mười phút sau, hơi khói tan, nhìn rõ từng mặt người, lại thất vọng. Không biết cô ả chui vào đâu, hay hôm nay nó không đến đây, tụi nó hẹn hò ở Hotel nào đó dễ làm tình hơn?
Về thôi, rình rập cơ hội khác, gì chứ tật ăn vụng thì khó bỏ được lắm, thể nào cũng bắt được hai đứa tại trận, cứ thản nhiên gọi thằng Minh đến chơi xem trình độ diễn kịch của hai đứa đến đâu.
Hắn xuống lầu định ra về, nhìn lên tầng thượng có từng hàng ghế xếp để khách nằm thư giãn. Không muốn nhưng chân hắn vẫn bước lên, lại thất vọng vì thấy quá ít người. Chợt có tiếng cười rúc rích từ góc phòng, nhìn lại chỉ có mấy bà già đang ngủ, hắn tần ngần, quay đi. Tiếng cười như chuột rúc nổi lên nữa, kéo hắn trở lại. Chân tay hắn như bị nổi da gà, mặt tái đi, hai lỗ tai như phồng lên đỏ lựng.
Thoa, đích thị vợ hắn, đứng bật dậy, giành giật cái khăn tắm màu hồng với tên đàn ông bên cạnh, cả hai đều trần truồng đang đùa giỡn cấu véo nhau. Trên bàn trước mặt họ, có chai rượu vang đỏ với đĩa trái cây. Thấy hắn lù lù hiện ra, cả hai sửng sốt chết lặng, chỉ sau mấy phút, mặt họ trấn tỉnh lại ngay như quen sự kiện này. Thoa lên tiếng, dấm dẳng:
- Đi đâu thế, tìm gì thế, tôi đi sauna chứ làm gì đâu mà đi tìm.
Mặt hắn tím lại, cơn sóng Tsunami lừ lừ trổi dậy.
Gã kia, tên đại gia bạn quí, đưa ly rượu về phía hắn, cười:
- Này, làm ly rượu cái đã, bình tĩnh nào, đâu vẫn còn đó, hai đứa chỉ tâm sự đời tôi thôi mà.
Hắn rít qua kẽ răng:
- Mày là thằng đại đểu cáng mà tao mới biết. Mày sỉ nhục tao thế à?
Đại gia ngã đầu ra ghế, cười lớn:
- Có quái gì mà sỉ nhục. Nếu mày muốn, tao sẽ bồi thường danh dự cho mày, bằng dollar nhé, bao nhiêu? Sống hơn nửa đời người mà sao đầu óc mày còn tăm tối thế? Nên nhớ ở cái thời đồ đểu này thiên hạ chỉ quì mọp xuống chân mày nếu mày có tiền, có quyền thôi! Còn danh dự à? Danh dự là cái đéo gì mày phải lo lắng ghê gớm thế, hở chú Mickey Mouse?
Mickey Mouse! Thoa phá ra cười theo phụ họa, chưa ai dám gọi ngay trước mặt hắn như thế. Giá văng tục chửi thề vào mặt hắn vẫn còn nhẹ hơn. Bất thần hắn lao tới đấm vào mặt tên đại gia. Nó bật ngã qua cái bàn, chai rượu, con dao gọt trái cây rơi xuống ngay chân, hắn chụp lấy, tia chớp lóe lên, con dao cắm phập ngay cổ tên đại gia. Thoa hét lên kinh hãi: “Trời ơi, máu, máu kìa!” Máu phọt ra từ miệng tên đại gia đỏ lòm, mắt nó trợn lên kinh ngạc. Hắn đứng chết trân, mặt tái xanh, hai bàn tay run giật liên hồi như thằn lằn đứt đuôi, miệng lắp bắp không ngừng: “Mickey Mouse, Mickey Mouse!”
Cái khăn quấn che thằng nhỏ văng mất lúc nào, hắn trần truồng y như thằng đại gia.
*
Cảnh sát nhà tù đọc tên hắn, mở cửa. Tia sáng rọi vào, Quảng còi ngồi bệt dưới sàn, co rúm người trong góc phòng, quần áo xé rách, khắp trên mặt, chân tay đầy vết xước do tự cào cấu rướm máu. Người cảnh sát nhìn hắn ái ngại: “Ông có thể đi ra, làm việc với luật sư. Tôi sẽ cấp cho ông bộ quần áo khác.”
Hắn nhìn ông ta lơ láo thất thần, đôi mắt đen ti hí đảo qua đảo lại cảnh giác, hai bàn tay run giật không ngừng, miệng lảm nhảm: “Mickey Mouse! Chuột…chuột cống, chuột chù, chuột nhắt…thấy không, chuột…ở đây nhiều lắm…toàn là chuột, cả đống chuột, một lũ chuột…!”
 
Minh Thùy (Germany)
 
Ghi chú:
- Ruhetag: ngày nghỉ, không bán hàng, không làm việc.
- FKK: Freikörperkultur: bãi tắm không phải mặc quần áo.
- ne…pas: không có gì.
- Tom and Jerry: phim hoạt hình có mèo và chuột.
- Imbiss: cửa hàng bán thức ăn nhanh, thường nhỏ hơn nhà hàng.
- Mistkerle: đồ cặn bã, già dịch.

Xem Tiếp: ----