Đánh máy: Trung Võ và Trung Lê

Cho ngày sinh nhật thứ 21.
1.Thư hỏi: “Tối qua thế nào?”. ”Ừ, cũng vui” rồi nhíu mày thầm nghĩ không hiểu cái kiểu đông đúc, lộm nhộm và ồn ào có được coi là vui không? “Đã nói gì chưa?”. Tôi lơ đãng “Ai? Nói cái gì?”. “Thì Quang ấy”, Thư thì thầm kèm theo cái hất đầu về phía bàn sau đầy tế nhị. Tôi cười “Nói rồi, nhiều lắm, bây giờ nhớ không hết” và nhún vai rất kịch rồi ngồi phịch xuống ghế, loay hoay chuẩn bị sách vở cho tiết đầu tiên. Mấy đứa bạn xúm lại hỏi han vẻ quan tâm “Sinh nhật thế nào?”. Tôi liên tục cười, liên tục trả lời bằng những câu văn hoa xã giao đại loại như ”Ờ, vui lắm. Sao hôm qua không đến?”.
2. Tôi cắm cúi đạp xe. Tiết trời dịu dàng với tia nắng hanh hao dễ tạo cho con người ta cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Tôi cũng được sinh ra vào một buổi chiều nhạt nắng đầu tháng ba. Hồi ấy bố đặt rất nhiêu kỳ vọng vào tôi, còn mẹ thì đinh ninh nghĩ rằng tôi sẽ là một thằng con trai kháu khỉnh nên đã chọn sẵn cho tôi một cái tên mà sau này khi đi học mỗi lần điểm danh giám thị lại ngạc nhiên “Ô! Con gái à?”. Nhưng dù sao tôi vẫn luôn tự hào về cái tên của mình. Mẹ thường bảo tôi rất biết giữ gìn những gì mà mình có.
Tôi phanh xe lại trước ngã tư – đèn đỏ. Con đường chạy dài vắng hoe. Chú công an thờ ơ ngồi dưới tán dù xanh đỏ. Cột đèn tín hiệu giao thông nháp nháy. Xe máy rú ga. Ô tô bấm còi tin tin. Người đi đường vội vã băng qua cái ngã tư đầy bụi. Tôi chống một chân lên vỉa hè, chở đằng sau tuổi 21 nặng trĩu, băn khoăn không biết nên rẽ phải hay rẽ trái? Ngoái đầu nhìn lại chặng đường đã qua chỉ thấy nhạt nhòa, trống trơn.
3. Một năm 365 ngày, trong đấy có một ngày được gọi là ngày sinh nhật. Mọi năm cứ vào ngày ấy, tháng ấy tôi lại được thêm một tuổi – cái món quà mà dù không muốn cũng phải nhận. Hôm qua, tôi vừa đưa tiễn tuổi 20 của mình và ngạc nhiên khi mình không buồn – không vui, chỉ mệt. Cả buổi tối xoay như chong chóng, chạy ra chạy vào cười nói lăng xăng, tua đi tua lại mỏi mòn một điệp khúc: “Kìa! Anh (chị) ăn bánh kẹo tự nhiên đi” trong khi bạn bè ngồi năm tụm ba tán phét trêu trọc nhau rôm rả. Cứ như đây là dịp may hiếm có để lâu ngày bạn bè gặp nhau ôn chuyện xưa. Đôi lúc tôi có cảm tưởng mình đang dự sinh nhật của một ai khác đang bình thản ngồi kia cắn hạt hướng dương tí tách. Trong tiềm thứ tôi vẫn mơ đến một ngày sinh nhật khác – hoàn toàn khác. Tôi sẽ ngồi trong góc yên tĩnh nào đấy, thắp lên hai ngọn nến, bật bản nhạc hòa tấu của Paulmariat và lan tỏa trong không gian thoang thoảng mùi hương dạ lý. Có lẽ tôi là người không thích hợp với đám đông. Chưa bao giờ tôi tìm được tiếng nói chung với những người xung quanh. Họ như thuộc về thế giới khác – Đông đúc, xô bồ, đơn giản và vô tâm. Rồi sau khi khách khứa ra về, tôi ngồi lại giữa ngổn ngang ly tách, hoa hoét, bơ phờ, đối diện với chính mình. Cô độc và trống rỗng lạ lùng. Nước mắt cứ ập òa dâng lên mi thầm nhủ “Có lẽ mình sẽ khóc một chút” dù không có lý do chính đáng.
Thư hỏi “Dạo này mày với Quang đến đâu rồi? Sao mà kín thế!”. “Thì tao cũng có biết gì đâu, chắc vẫn thế?” Kèm theo một nụ cười hờ hững và băn khoăn tự hỏi không biết bọn con gái ở lớp có hứng thú gì trong chuyện này cơ chứ? Thư nhún vai bỏ đi. Tôi cũng không định đuổi theo. Suy cho cùng trong chuyện này chỉ có Quang là người hạnh phúc, bỗng dưng trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.
Quang học cùng lớp với tôi. Không đẹp trai, cũng không có tài lẻ, chỉ duy nhất một điểm thuận lợi là nhà Quang gần nhà tôi – cùng nằm trên con đường ngoại thành đầy bụi trộn lẫn mùi nước mắm đặc trưng (Trung bình cứ 100 mét lại có một đại lý nước mắm: Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… đủ cả). Những lúc ở bên Quang tôi luôn thấy nhẹ nhõm. Không biết đấy là thứ cảm giác thuộc gam nào nhưng biết là nhẹ nhõm. Vậy thôi. Hình như tôi đã từng đi qua một mối tình. Cái tình cảm không đầu không cuối ấy chẳng đủ để nuối tiếc, nhớ nhung đủ để con người ta nhắc đến trong những lúc rãnh rỗi như một kỷ niệm. Thỉnh thoảng gặp lại nhau hai đứa bối rối cười xòa. Nụ cười rất “Người quen”.
5. Tôi đã đón tuổi 21 mà không có mẹ. Nói thật thì có vẻ tàn nhẫn nhưng biết đâu như thế lại tốt hơn. Không phải vì tôi không yêu mẹ mà chỉ vì tôi không biết phải biểu đạt tình cảm như thế nào. Thế hệ của mẹ đã đi qua sự tàn khốc của chiến tranh, đã chứng kiến quá nhiều mất mát, hy sinh nên giờ đây cái ranh giới giữa được - mất; có – không đã là hư ảo. Mẹ không say mê nghệ thuật, không thích đọc thơ, nghe nhạc. Tôi là tất cả những gì mà mẹ có và mẹ yêu tôi theo cách của riêng mình. Nhưng tôi lại không thể hỏi chuyện mẹ theo kiểu “Dạo này thịt lợn lên mấy nghìn một lạng?”. Bố bảo”Giữa các thế hệ luôn có khoảng cách”. Tôi bị ám ảnh bởi những khoảng cách ấy. Vì chúng mà tôi thấy mình quá cô độc và yếu đuối.
6. Tôi chọn cho mình một góc khuất trong nhà thờ, phía tay phải. Tôi đến nhà thờ không phải vì yêu Chúa, cũng không phải vì bài giảng Thánh Kinh của Đức Cha. Tôi không tìm được niềm tin trong tôn giáo. Tôi đi lễ chỉ vì tiếng đàn dương cầm. Từ nhỏ, giai điệu ngọt ngào, du dương từ những phím đàn trắng ngà đã hấp dẫn tôi kỳ lạ. Tôi không có năng khiếu về âm nhạc nhưng có thể cảm nhận sự trầm bổng của từng nốt nhạc qua sự rung động của cảm giác. Đấy là niềm đam mê của tôi. Hồi ấy tôi không có đủ điều kiện để học dương cầm. Bài học đàn duy nhất chỉ là nắn nót kẻ khuôn nhạc lên giấy trắng và tỉ mẩn chăm chút cho khóa cho son đầu trang. Viễn cảnh bay bổng cùng những phím đàn dương cầm đã vỗ về tôi trong giấc ngủ. Tôi không phải là người hay đòi hỏi. Mẹ đã dạy tôi cách bằng lòng với hiện tại, và âm nhạc chỉ là ước mơ xa vời.
Xơ đặt vào tay tôi nụ hồng trắng muốt “Chúa ban phước lành cho con”. Tôi nhìn nụ hồng nhỏ nhoi đẫm sương – loài hoa luôn tàn héo trước khi kịp nở và nhìn Xơ – bé nhỏ, xa lạ trong chiếc áo chùng mầu đen “Chúng chưa bao giờ dám sống hết mình phải không xơ?”. Xơ ngạc nhiên “Con nói gì?”. “Dạ không – tôi lúng túng – Thôi con về”. Xơ mỉm cười - đến nụ cười cũng hờ hững, vô cảm “Ừ, con về”.
Đời người có được bao nhiêu lần 20 năm? Nhân loại chỉ giống nhau ở sự bắt đầu và sự kết thúc. Bằng những cách khác nhau người ta vui vẻ sống, mệt mỏi tranh giành, luẩn quẩn trong yêu – ghét trên con đường ra trong từng ấy năm qua mình cũng sống tủn mủn, tầm thường như bao nhiêu người khác mà thời gian thì không chờ đợi ai. Tôi phóng xe về nhà “Mình sẽ bứt phá”. Hoan hỉ vạch ra một kế hoạch mới đầy lạc quan với những tháng ngày sôi động của tuổi trẻ, tuyệt nhiên không còn nhắc đến những câu hỏi vớ vẩn kiểu như “Trưa nay ăn gì, thịt hay cá?”. Và mơ màng nghĩ đến một sự đổi thay trọng đại.
Vô tình gặp Quang trước cửa, “Hôm qua thế nào?”. Tôi sững người lại, hụt hẫng. Quang mà cũng hỏi một câu tầm thường thế ư? Mệt mỏi buông một câu gọn lỏn “Buồn” rồi lạch xạch dắt xe vào nhà. Chợt nhớ ra vào ngày này năm ngoái mình cũng hờ hững y như thế. Cũng vẽ ra những đống công việc mà không bao giờ bắt đầu nổi. Còn nhớ có lần mẹ nói “Người ta không chỉ uống nước lọc, hít thở khí trời để làm thơ, vẽ tranh”.
7. Tôi lặng lẽ đứng bên khung cửa sổ. Một năm có một ngày để suy ngẫm cho 364 ngày đã qua, lên dây cót cho 364 ngày sắp đến kể cũng hay. Để rồi khi ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu thì mọi chuyện lại không có gì thay đổi… Rút cục cây đàn dương cầm mãi là ước mơ xa vời, những nốt nhạc lấp lánh mãi đợi chờ phía trước. Thở dài “Biết làm sao khác được” và tự an ủi “Cuộc sống mà”. Cũng may, mỗi năm chỉ một ngày sinh nhật.
Ngoài kia, nắng và gió hanh hao.
Từ mai có lẽ tôi sẽ không đến nhà thờ nữa!
 

Xem Tiếp: ----