ạn đã từng bao giờ biết đến những cánh đồng cỏ -những khoảng mênh mông lộng gió, biết về những triền đồi uốn lượn gợn lên nền trời, cùng với những thung lũng nơi thấp thoáng các trang trại các dãy nhà nép mình giữa những lùm cây rậm rạp trông như những búp hoa cẩm chướng chưa? Để rồi được trải nghiệm cái cảm giác thoải mái khi duỗi mình trên bãi cỏ vào những ngày hè dài, giữa lớp cỏ non xanh mơn mởn, dưới khung trời trong vắt, hoang hoãi đâu đó mùi bách lý hương, văng vẳng bên tai tiếng chuông đeo cổ leng keng của những chú cừu và tiếng chim sơn ca hót líu lo.Thế nhưng vào những chiều đông khi gió nổi lên đưa mưa giông vương đầy mắt, quất vào những thân cây khô cằn trơ trụi, tung bụi mù giăng khắp các ngọn đồi như một tấm khăn choàng xám, lúc này tốt hơn là được ngồi bên lò sưởi ấm áp, trong một trang trại nằm ẩn khuất đâu đó, trước khung cửa sổ với những ánh nến và ánh lửa lấp lánh trong đêm tối, tựa như ánh sáng chân tình soi thấu cõi lòng ẩn chứa những điều ăn năn lầm lỡ của kiếp nhân sinh. Tôi sẽ không vẽ vời văn chương - tức là sẽ không cân nhắc xem nên phải nói cái gì, hoặc sẽ tìm cách viết sao để thuyết phục bạn, tôi chỉ kể lại điều này một cách chân thành giản dị mà thôi. Tôi đã từng nghĩ mình có thể vẽ vời sắp xếp câu chuyện của mình bằng những câu tứ thi vị hoa mỹ. Thế nhưng khi ngẫm nghĩ về điều đã thực sự xảy ra tôi cho rằng dùng những lời lẽ chân thật đơn giản sẽ là tốt nhất. Tôi không biết cách dàn dựng câu truyện cũng không biết thêu dệt thêm thắt. Tốt hơn là đừng có cố mà làm như thế. Những điều đó đã xảy ra. Tôi không có tài thêm mắm thêm muối về chuyện đã xảy ra; mà tôi cũng chả cần phải thêm thắt làm gì cả. Tôi là một nữ điều dưỡng được phái đến Charlestown để chăm sóc một ca tâm thần. Lúc đó là vào tháng mười một, thành phố Luân Đôn sương mù dày đặc đến nỗi chiếc xe tắc xi chạy chậm rì vì vậy tôi đã lỡ chuyến tàu mà lẽ ra đã phải rời bến. Tôi gởi một bức điện tín tới Charlestown vào ngồi trong phòng chờ ảm đạm của London Bridge. Trong khi chờ tôi ngồi bên cạnh một đứa bé. Mẹ bé là một góa phụ. Bà ta trông có vẻ quá mệt mỏi để đáp trả những câu hỏi dồn dập của nó, bà trả lời cộc lốc, điều này có vẻ không thỏa mãn được đứa bé. Đứa bé nhận ngay ra là mẹ nó không muốn nói nữa. Nó ngả lưng trên chiếc ghế rộng đầy bụi bặm ngáp dài. Tôi nhìn vào mắt nó và mỉm cười. Nó không mỉm cười nhưng nhìn tôi. Tôi rút từ trong giỏ xách môt cái ví lụa, lấp lánh hạt cườm và tua sắt, loay hoay tìm cách mở. Ngay lập tức, đứa bé trườn dọc ghế sáp lại nói: "Để con làm cho" - Sau đó thì tất cả trở nên suon sẻ. Người mẹ ngồi hai mắt nhắm lại. Khi tôi đứng lên, bà ta mở mắt ra và cám ơn tôi. Đứa bé ôm lấy tôi và hôn. Một lúc sau tôi thấy mẹ con họ đi vào toa hạng nhất cùng chuyến tàu với tôi. Vé tàu của tôi hạng ba. Tất nhiên là tôi đã hy vọng sẽ có một phương tiện chuyển vận nào đó đến gặp tôi ở sân ga - nhưng chẳng thấy gì cả. Chả có chiếc tắc xi, xe ngựa cũng chẳng thấy đâu. Lúc đó trời đã nhá nhem, gió thổi những làn mưa sàn sạt bay trên con đường hiu hắt trước cửa sân ga. Tuyệt vọng tôi hoang mang nhìn ra ngoài. _Cô đã dặn xe tới rước chưa? Đó chính là giọng nói của người góa phụ hỏi tôi. Tôi giải thích:_Xe hơi sẽ đến đón tôi ngay thôi mà Bà ta nói: _Cô hãy để xe tôi đưa về được không? Cô đi về đâu vậy? _Tới Charlestown, tôi đáp, và khi nói điều đó tôi nhận ra nét thay đổi rất kỳ lạ trên khuôn mặt bà ấy. Một thoáng thôi nhưng khó mà nhầm lẫn được. Tôi vội hỏi:_Sao trông chị lại như thế?. Đương nhiên bà ta đáp lại: _Trông như thế là thế nào hả cô? _Không có gì bất ổn với ngôi nhà đó chứ? Tôi hỏi vì tin đã nhận ra điều này trong một thoáng đổi thay đó. Tôi còn rất trẻ để biết và hẳn người ta đã nghe được những tin đồn. "Ý tôi muốn hỏi không có lý do gì để tôi không nên tới đó phải không chị?" _Không -ồ không có gì đâu cô!" Bà ta vội lãng tránh liếc nhìn ra ngoài trời mưa, cử chỉ này đủ làm cho tôi hiểu rằng đúng là phải có lý do khiến bà ta không muốn tôi đến đó. _Xin chị đừng ngại, tôi nói, chị đã có lòng nhưng có lẽ nơi đó không cùng đường với chị và..." _Ôi - nhưng tôi sẽ đưa cô đến - đương nhiên là tôi sẽ đưa cô đến mà" -bà ta vừa nói xong thì đứa trẻ reo lên:"Mẹ ơi, xe đến rồi kìa." Xe đã đến mặc dù hai chúng tôi chả ai nghe thấy tiếng xe cho đến khi đứa trẻ lên tiếng. Tôi chả biết gì về xe hơi cả không biết tên bất cứ bộ phận nào của xe. Cái xe trông giống một chiếc xe ngựa bốn bánh, chỉ khi đã vào ngồi sau xe thì giống như ngồi trong một toa xe lửa; ghế kê sát vào góc xe, khi cửa xe đóng lại thì một chỗ ngồi nhỏ được kéo lên và đứa trẻ ngồi lên giữa hai chúng tôi. Chiếc xe chạy như là ảo thuật - hoặc có thể nói giống như một chiếc xe lửa trong mơ. Xe chở chúng tôi băng băng trong đêm tối - tôi có thể nghe tiếng gió gào, những làn mưa quất tời bời trên mặt kiếng xe, ngay cả tiếng mưa xuyên qua những vòng lăn của bánh xe. Không còn nhìn thấy quang cảnh của làng quê nữa - chỉ còn màn đêm mịt mùng và những tia sáng quét ra từ những ngọn đèn phía trước xe. Dường như một lúc rất lâu sau đó, người tài xế mới xuống xe và mở cánh cổng. Xe chúng tôi đi qua cổng, sau đó đường đi trở nên gập ghềnh hơn nhiều. Trong xe mọi người khá là yên lặng, và đứa nhỏ thì đã ngủ thiếp đi. Xe ngừng lại, máy nổ đứt đoạn hổn hển như thể sắp hụt hơi, trong khi chú tài bỏ hành lý của tôi xuống. Trời tối như mực đến nỗi tôi không thể nhìn được hình dáng ngôi nhà, chỉ thấy ánh sáng phát ra từ cửa sổ thang lầu, bức tường thấp phía trước khu vườn thấp thoáng trong ánh đèn tù mù và ánh sáng của những ngọn đèn pha. Tuy nhiên tôi cảm nhận ngôi nhà khá lớn với những cây cổ thụ bao quanh, sát kề một cái ao hay rạch gì đó. Ngày hôm sau khi trời sáng tôi thấy tất cả y vậy. Tôi không thể giải thích được tại sao tôi nhận ra điều này ngay trong đêm đầu tiên tới, khi trời tối hù thế nhưng đúng là tôi đã nhận biết được hình dáng ngôi nhà. Có thể là do cái gì đó tựa âm thanh của mưa rơi trên cành lá và trên mặt nước. Tôi cũng không hiểu được. Chú tài nhấc cái rương của tôi để lên lối đi bằng đá, nơi đó tôi bước ra nói lời cảm ơn và chào từ giã. "Xin đừng nán lại làm gì, đừng chờ nữa" tôi nói "Giờ thì ổn rồi không việc gì nữa đâu. Cám ơn nhiều nhé!" Tuy vậy cái xe vẫn đứng nổ máy cho đến khi tôi bước đến thềm cửa, sau đó xe mới rồ máy to lên, lấy hơi như nó vốn thế, quay đầu và phóng đi. Cửa vẫn chưa mở. Tôi buộc phải gõ rầm rầm. Đập thật mạnh cánh cửa. Tôi chắc mẫm là nghe có tiếng xì xào từ bên trong. Cái đèn xe thoắt một cái đã chỉ còn như vì sao nhỏ mập mờ xa xa. Tiếng máy nổ giờ xem ra hoàn toàn ì ạch khó nhọc. Khi không còn nghe tiếng xe nữa không gian trở nên lắng đọng im ắng. Ánh đèn đỏ hắt ra từ rèm cửa sổ, tuy nhiên tuyệt không có dấu hiệu gì của sự sống. Tôi ước sao mình đừng vội xa những người bạn tháp tùng đưa mình đến đây, xa cuộc đồng hành thân thiết, xa chiếc xe chắc chắn tuyệt vời tiện nghi. Tôi lại gõ cửa và lần này tôi gào lên: _Xin chào! Xin cho tôi được vào nhà. Tôi là điều dưỡng viên đây mà! Im lặng một lúc. Một sự ngập ngừng như thể để cho phía bên kia cánh cửa người ta còn thì thầm trao đổi ý qua ánh mắt. Thế rồi phía sau cánh cửa chìa khóa mạnh dạn tra vào xoay vòng, khung cửa không còn lạnh lẽo ẩm ướt mà sáng lên ấm áp chào mời - những khuôn mặt xuất hiện. _"Vào đi - Ồ xin vào nhà cho", một giọng cất lên, giọng phụ nữ và rồi giọng đàn ông liền sau đó: -Chúng tôi đã không nghĩ là có ai ở ngoài đó. _Tôi đập cửa rầm rầm rồi mà! Tôi vào nhà, mắt nheo lại vì ánh đèn, người đàn ông gọi người giúp việc rồi cả hai khiêng rương của tôi lên lầu. Người đàn bà nắm tay tôi, dẫn tôi đến một căn phòng thâm thấp, vuông vắn dễ thương ấm cúng và tiện nghi với những đồ trang trí nội thất chắc chắn tiện dụng thời bán Victorian - thể hiện theo phong cách đồ đạc làm bằng gỗ đào hoa tâm được bọc lót vải len. Dưới ánh đèn tôi quay lại quan sát bà ta. Bà ta là một người nhỏ nhắn mảnh mai. Mái tóc, khuôn mặt và hai cánh tay đều có màu tai tái. _Bà là bà Eldridge phải không ạ? _Đúng rồi! bà ta nhỏ nhẹ trả lời. "Ôi tôi rất vui được cô đến nhà. Hy vọng cô sẽ không buồn chán khi ở đây. Mong rằng cô sẽ lưu lại đây. Hy vọng sẽ làm cô được thoải mái dễ chịu. Bà ta có lối ăn nói dịu dàng ân cần rất dễ gây được thiện cảm. Tôi nói: _Chắc chắn là con sẽ rất thoải mái khi ở đây rồi bác à! Nhưng chính con mới là người đến để chăm sóc bác mà. Bác ốm lâu mau rồi bác? _"Không phải tôi bị ốm đâu, thật đấy" bà ta đáp " Chính là ông nhà tôi ổng bị ốm đấy" Chính tay ông Eldridge đã viết thư mời tôi đến chăm sóc cho vợ, người theo ông là hơi bị loạn trí. Tôi bèn nói: Con hiểu rồi. Không bao giờ nên tranh cãi với người điên làm gì chỉ làm trầm trọng thêm tâm bệnh của họ mà thôi. "Nguyên do là..." bà bắt đầu kể lể, rồi khi nghe tiếng chân của ông ta ở cầu thang bà ta vội lẻn ra ngoài để lấy giá nến và nước nóng. Ông ta bước vào và đóng cửa phòng lại. Ông ta là một người luống tuổi thanh nhã để râu, thần thái khá bình thường. _Cô sẽ chăm sóc cho bà ấy nhé. Ông ta nói. "Tôi không muốn bả chuyện trò với mọi người. Bả mắc chứng ảo tưởng phịa ra mọi chuyện cô à" _Ảo tưởng kiểu gì vậy cà? tôi hỏi giọng tưng tửng _Thì bả cho là tôi điên đó! Ông ta nói và cười ré lên. _Điều này thì cũng rất bình thường thôi ạ Tất cả chỉ vậy thôi sao bác? _Chừng đó là đủ rồi. Bả không nghe những gì tôi có thể nghe, không thấy những gì tôi có thể thấy, và cũng không ngửi được mùi gì. Nhân đây tôi muốn hỏi cô là cô có thấy hay nghe điều gì về một chiếc xe hơi khi cô đến đây không vậy? _Thì con đã đến đây trong môt chiếc xe hơi mà. Tôi đáp ngắn gọn. "Bác đã không cho ai ra đón con, một phụ nữ đã cho con đi quá giang." Tôi định giải thích về việc lỡ chuyến tàu sớm thì nhận ra ông ta không lắng nghe tôi. Ông ta đang mãi nhìn ra phía cửa. Khi ấy vợ ông bước vào, một tay cầm bình nước nóng bốc hơi nghi ngút tay kia cầm giá nến, ông ta tiến đến bên bà ta rỉ tai vẻ háo hức. Câu duy nhất tôi nghe lỏm được là: "Thật đấy,cô ta đến đây trên một chiếc xe mà!" Rõ ràng đối với những con người chân chất này chiếc xe mới mẻ không kém gì tôi. Điện tín của tôi ngày hôm sau mới tới.. Họ đối xử với tôi rất tốt. Họ tiếp tôi như một người khách quý. Mãi đến ngày hôm sau khi mưa dứt cơn tôi mới có thể ra ngoài. Tôi thấy Charlestown là một trang trại, trang trại rộng lớn nhưng ngay cả đối với con mắt không lấy gì làm chuyên nghiệp tinh đời của tôi, trang trại trông có vẻ bừa bộn và không thịnh vượng cho lắm. Hoàn toàn chả có gì cho tôi làm ngoài việc lẽo đẽo theo bà Eldridge, phụ giúp làm công việc nội trợ với bà khi có thể, ngồi cùng khi bà may vá trong phòng khách ấm cúng của gia đình. Vài ngày sống trong nhà, tôi bắt đầu xâu chuỗi những chi tiết rời rạc mà tôi nhận thấy là lạ, thế rồi sinh hoạt của trang trại bỗng dưng gợi sự chú ý khi những điều lạ lùng xảy ra không lâu sau đó. Tôi nhận thấy hai ông bà Eldridge rất mực yêu thương nhau. Chính tình yêu thương và cái cách họ biểu lộ tình yêu với nhau làm ta nhận ra là họ đang đau khổ và chịu đựng lẫn nhau. Bà ấy chả có dấu hiệu gì của kẻ bị tâm thần cả ngoại trừ việc bà ta cứ khăng khăng rằng ông ấy bị loạn trí. Buổi sáng trông họ khá lvui tươi, sau bữa ăn chính họ có vẻ mỗi lúc một âu sầu hơn; sau khi dùng tách trà chiều xong cũng là lúc trời vừa nhá nhem - họ luôn cùng nhau đi dạo. Họ chả bao giờ rủ tôi đi cùng, và họ luôn đi về một hướng - băng qua các cánh đồng cỏ tiến ra biển. Sau chuyến đi dạo họ luôn quay về mặt mày tái mét buồn thảm. Sau đó có lúc bà ta hét la một mình trong phòng ngủ, trong khi ông ta giam mình trong căn phòng nhỏ được gọi là văn phòng nơi ông ta làm sổ sách kế toán và thanh toán lương cho người giúp việc cũng là nơi cất giữ gậy săn và súng. Sau khi dùng bữa tối sớm sủa, họ luôn cố tạo sự vui vẻ mà tôi thừa biết là vì tôi và tôi cũng nghĩ rằng mỗi người họ đều cho làm như thế cũng là để tốt cho nhau thôi. Tựa như khi tôi nhận ra Charlestown được bao quanh bởi những cây cổ thụ và có một cái ao lớn cạnh ngôi nhà trước khi được họ chỉ cho biết, tôi cũng đã nhận ra rằng họ đang ở trong trạng thái sợ hãi khi sống trong khung cảnh ấy mà không thể nào giải thích được. Họ thầm lén quan sát tôi. Và tôi cũng đã nhận ra nỗi sợ ấy không phải do bà ta. Tôi bắt đầu cảm thấy yêu mến cả hai sau hai ngày sống ở nơi đó. Họ rất tốt, rất dễ thương, quá ư bình thường và rất ư bình dị dễ gần - loại người mà lẽ ra không biết đến sự sợ hãi - đó là loại người hầu hết chân chất đáng ra phải hưởng được những niềm vui đạm bạc đơn sơ, không ưu phiền ngoại trừ những muộn phiền sẽ đến với tất cả chúng ta, sự ra đi của những người bạn lâu năm và những biến chuyển chậm chạp trong thời đại văn minh tiến bộ. Có vẻ như phần đất này là nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Những cánh đồng cỏ, bãi chăn súc vật truyền thống thân thương từ bao đời, những bãi ngô chạy dài bất tận. Tôi thầm mong ước rằng mình cũng được sinh ra từ nơi đây, rằng mình là con gái của một người nông dân. Tất cả những áp lực, đua tranh của những khóa huấn luyện, thi cử, trường học và bệnh viện có vẻ như qúa ư ồn ã phù phiếm so với cuộc sống miền bình nguyên phóng khoáng tịch mịch nơi đây. Cảm nhận điều này càng lúc càng rõ, tôi lại càng ý thức mình cần phải rời bỏ hoàn toàn nơi này - thật tình mà nói chả có việc gì đáng để cho một người đã từng được huấn luyện như tôi thực hành cả. Một buổi trưa khi chúng tôi cùng đứng trước khung cửa mở, tôi đã nói với bà ấy rằng: "Con không thể ở lại đây được nữa bác à." Lúc ấy là vào tháng hai, cây cối dọc con ngõ nhỏ phủ đầy những chùm hoa tuyết. "Bác trông khá là khỏe mạnh mà" "Thì tôi khỏe chứ sao." Bà ta nói. "Cả hai bác đều khỏe luôn." Tôi nói "Con không thể chìa tay ra lấy tiền của hai bác mà lại không làm gì cả" "Cô đang làm nhiều điều đấy" Bà ta nói ""Cô không hiểu cô đã làm được nhiều đến như thế nào đâu cô à". " Vợ chồng chúng tôi từng đã có một đứa con gái" Bà ta chêm vào cuộc đối thoại một cách mập mờ đoạn im lặng một lúc rất lâu rồi nói giọng rất bình tĩnh rõ ràng: "Ổng không bao giờ còn được như trước kể từ lúc đó" Tôi ngước nhìn những tia nắng mong manh tháng hai và hỏi: "Không còn được như trước, tại sao vậy bác?" Bà ta vỗ vỗ lên cái trán nhăn nheo xanh xao vàng vọt của mình bộc bạch theo cái lối chân quê: "Không bình thường ở đây nè cô". Tôi hỏi: " Bác nói sao?" Bác yêu của con à, hãy nói rõ cho con hay đi, biết đâu con sẽ có cách để giúp đấy" Giọng bà ta quá đỗi bình thản, quá ư dịu dàng. Khi nghe lời bà kể tôi không biết ai trong hai người họ cần được tôi chăm sóc nữa. "Ổng đã nhìn thấy những điều mà chả ai nhìn thấy, nghe những thứ mà chả ai nghe được và ngửi thấy mùi mà cô không thể ngửi thấy nếu như cô đứng ngay bên cạnh ông ta." Tôi chợt mỉm cười nhớ lại những lời ông ta nói buổi sáng hôm tôi mới đến:" Bả không thể nhìn thấy, nghe thấy mà cũng không ngửi thấy" Và một lần nữa tôi tự hỏi liệu tôi phải phục vụ ai trong hai người đây?. Tôi hỏi:"Bác có biết lý do tại sao không ạ?" Bà ta nắm lấy cánh tay tôi kể lể: _"Sau khi Bessie con gái chúng tôi qua đời, đúng vào cái ngày đưa tang con bé ổng đã trở nên như vậy. Nó đã bị một chiếc xe hơi cán chết. - Người ta cho đó là một vụ tai nạn. Tai nạn xảy ra trên đường Brighton. Chiếc xe màu tím. Bà ta nói thêm: "Người ta để tang những nữ hoàng trong sắc tím phải vậy không cô?" "Và Bessie của chúng tôi là một nữ hoàng cho nên chiếc xe có màu tím. Điều đó hoàn toàn hợp lẽ phải không cô? Tôi thầm nghĩ giờ mình đã nhận ra bà ấy không được bình thường và đã biết được nguyên cớ tại sao rồi. Chính vì đau khổ khiến đầu óc bà ta bị xáo trộn. Cần phải thay đổi cách nhìn của mình mới được, mặc dù còn phải tìm hiểu rõ hơn vì bà ta bất thình lình nói: "Không tôi sẽ không kể cho cô nghe bất cứ gì nữa đâu." Ông ta bước ra ngay sau đó. Ông ta không bao giờ để tôi ở một mình quá lâu với bà ta. Bà ấy cũng chả để tôi ở lâu một mình với ông ta. Tôi không có ý tọc mạch nghi ngờ họ, mặc dù ở vị trí một điều dưỡng viên điều trị người bệnh tâm thần tôi không chắc là mình sẽ không cần đến những dò xét thám thính như thế để khẳng định. Tôi không dò thám họ nhưng cơ hội tình cờ đến. Tôi có việc phải vào làng kiếm ít vải lụa xanh cho chiếc áo choàng tôi đang may dang dở. Đó là vào một chiều hoàng hôn rực rỡ khiến chân tôi cứ muốn đi mãi đi hoài. Để rồi thấy mình đứng trên một triền cỏ cao xuôi về miền duyên hải gập ghềnh lởm chởm của nước Anh -nơi có những gờ đá đứng, đó là vùng eo biển với vách đá trắng sừng sững miệt mài sóng vỗ. Giữa khung trời kim tước đang mùa nở hoa cùng với tiếng chim sơn ca hót líu lo, đầu óc tôi lan man suy ngẫm về cuộc đời của chính mình, tâm hồn dâng lên bao hy vọng và ước mơ. Thế rồi không hiểu bằng cách nào bỗng dưng tôi thấy mình đang đi vào một con đường. Tôi lần theo con đường hướng ra biển, được một lúc thì con đường lẫn vào trong bãi cỏ xanh như dòng suối ẩn tàng thấp thoáng trong cát. Không có gì ngoài những bãi cỏ xanh và những bụi hoa kim tước cùng tiếng chim sơn ca hót líu lo. Cuối triền dốc là tới ghềnh đá, sóng vỗ rì rào. Tôi quay đầu trở về, mon men theo con đường, đi trở lui được khoảng chừng vài thước thì gặp ngay con đường làng hai bên có hố sâu với hàng rào chắn màu nâu. Tại đó tôi bắt gặp họ trong lúc trời đã nhá nhem. Tôi nghe thấy tiếng họ trước khi họ kịp thấy tôi. Thoạt tiên tôi nghe giọng của bà ấy nói rằng: Không, không, không, không" "Tôi đã nói với bà là có mà" Đó là giọng của ông ta cất lên "Đấy, bà nghe thấy chứ, tiếng máy xe ì ạch đó, ngay phía xa kìa - xa xa đó? Hẳn là nó đang ở sát bờ đá kìa." Bà ta nói: Không có gì cả anh yêu à! Thật đấy không có gì đâu mà. Em điếc và đui rồi - này hãy lùi lại đi, nó đang tiến gần đến rồi. Tôi đi vòng lại khúc quanh của đường làng và khi tới nơi tôi thấy ông ta nắm lấy tay bà kéo mạnh bà nép vào sát bờ rào, như thể sự nguy hiểm mà ông ta e sợ đang thật sự rất gần bên họ. Tôi dừng lại sau vòng rào và thụt lùi lại. Họ không nhìn thấy tôi. Bà đang nhìn vào khuôn mặt ông và họ đang ở trong trạng thái lẫn lộn đau xót yêu thương buồn khổ. Khuôn mặt ông ta đầy vẻ kinh hoàng, mắt ông ta lướt nhanh như thể đang dõi theo cái gì đó đang vút qua con đường - một cái gì đó mà bà ấy và tôi không thể nhìn thấy. Tiếp đến ông ta co rúm người lại ép mình vào bờ rào, hai tay ôm lấy mặt, toàn thân run lập cập đến nỗi mặc dầu đứng xa đến mười hai thước qua lớp rào rậm rạp um tùm tôi vẫn nhìn thấy. "Và còn cái mùi của nó" ông ta nói "Em lại muốn nói là không ngửi thấy phải không?" Bà ta vòng tay ôm lấy ông ta:"Về nhà thôi anh yêu, về nhà đi! Tất cả chỉ là do anh tưởng tượng mà thôi - hãy về với người vợ già hết mực yêu anh đây này." Họ dắt díu nhau trở về nhà. Hôm sau tôi gặng hỏi bà ta khi bà vào phòng tôi để xem cái áo choàng màu xanh mới may. Khi đưa áo cho bà xem tôi đã kể cho bà hay điều tôi đã nghe và thấy ngày hôm qua trên con đường làng. Tôi nói: Giờ con đã rõ ai trong hai người cần được chăm sóc rồi đó bác. Trước sự ngỡ ngàng của tôi bà ta háo hức hỏi: _Ai vậy cô? Tôi đáp lại: Còn ai nữa, đương nhiên là bác trai rồi. Có thấy gì ở đó đâu kia chứ. Bà ta ngồi xuống chiếc ghế bành bọc vải bông gần khung cửa sổ và bật khóc nức nở, tôi đứng bên cạnh ra sức vỗ về an ủi bà. Cuối cùng bà ta nói: Biết được như vậy cũng nhẹ lòng. Tôi đã từng không biết phải tin vào cái gì nữa đây. Nhiều khi, như vừa mới đây thôi, tôi tự hỏi rốt cuộc có thể chính tôi là người bị điên như ổng nói không chừng. Phải chăng không có gì ở đó? Chả bao giờ có gì ở đó - Hình phạt ứng vào ổng chứ không phải tôi. Vào ổng đó. Được đấy, phải cám ơn về điều này thôi.. Tôi nghĩ thầm bà ta càng khóc thì lòng càng được nhẹ nhõm khuây khỏa hơn. Tôi nhìn bà ấy với sự khó chịu., và quên rằng tôi đã từng yêu mến bà. Thế rồi những lời lẽ kế tiếp làm tôi đau lòng. "Ông như thế đủ khổ rồi. Thế nhưng ổng sẽ chả ra làm sao, nếu như tôi thật sự mất trí và ổng cứ tưởng mình là nguyên do khiến tôi điên. Ổng điên có một lần trong ngày. Ổng sẽ không thể chịu được nếu như lúc nào cũng bị như tôi đang phải chịu lúc này. Tốt hơn là để ổng điên - Tôi chịu đựng tốt hơn ổng đấy" Tôi hôn bà ta và rồi quàng hai tay ôm lấy bà và hỏi: "Hãy nói cho con biết cái gì đã khiến bác trai sợ hãi đến thế - và cứ diễn ra hàng ngày - hãy nói đi bác? " Đúng vậy, kể từ khi...tôi sẽ kể cho cô nghe. Sẽ nhẹ nhõm nếu nói ra được. Đó là chiếc xe hơi màu tím đã cán chết Bessie con gái của chúng tôi. Cô biết rồi đó, đứa con gái tôi đã từng kể cho cô nghe đó. Ổng nghĩ rằng đã nhìn thấy chính chiếc xe màu tím ấy- mỗi ngày chạy lên đường làng chỗ đó. Ổng nói ổng nghe tiếng xe, và rằng còn ngửi thấy mùi động cơ - mùi nhiên liệu chứa trong xe- cô biết chứ gì." Mùi xăng phải không? "Đúng vậy, cô có thể thấy bộ dạng ổng lắng nghe âm thanh của xe, có thể nhìn thấy ổng nhìn chiếc xe. Cái xe ám ảnh ổng như một bóng ma. Cô biết không, chính ổng là người bế con bé lên sau khi chiếc xe màu tím cán qua nó. Chính điều này đã làm ổng biến đổi. Tôi chỉ thấy con bé khi ổng mang nó về ôm nó trong tay.- và rồi ổng phủ mặt con bé lại. Thế nhưng chính ổng đã nhìn thấy con bé ngay khi người ta chạy bỏ lại nó nằm dài trên đất. Cô có thể nhìn thấy chỗ đó trên đường, nơi cái xe xuất hiện mỗi ngày. Người ta có quay trở lại không? Ồ có chứ...họ quay trở lại. Tuy nhiên Bessie đã không trở về. Thế nhưng đã có một sự trừng phạt cho họ. Ngay chính trong cái đêm tang tóc ấy, cái xe màu tím đã vọt qua ghềnh đá khiến mọi người trong xe nát tan. Người đàn ông lái xe chính là chồng của người đàn bà góa bụa đêm đầu tiên đã đưa cô tới nhà đó. "Con ngạc nhiên là bà ta vẫn đi xe sau vụ đó" tôi nói - ý tôi cũng chỉ muốn lan man góp chuyện vậy thôi. Bà Eldridge nói "Ôi tất cả cũng chỉ là do thói quen thôi mà. Chúng tôi không thể ngừng đi dạo bởi vì con gái chúng tôi đã bị chết trên đường. Đi xe đối với họ tự nhiên như chúng tôi đi bộ vậy mà. Ổng đang gọi tôi đó. Ổng muốn tôi đi ra ngoài với ổng" Bà ta vội vã ra đi và trong lúc hấp tấp bị trượt thang lầu và trật mắt cá chân. Tất cả xảy ra trong vòng một phút, vết trật khá trầm trọng. Khi tôi băng bó chỗ bị thương xong và bà đã yên vị trên chiếc trường kỷ, bà nhìn ông ta đứng lớ ngớ bối rối ngó ra ngoài cửa sổ, với cái nón cát -kết cầm sẵn trong tay. thế rồi bà ta nhìn tôi nói: "Bác trai không thể bỏ lỡ cuộc đi dạo của ông ấy được, con hãy đi với ổng đi con yêu. Ra ngoài hít thở khí trời sẽ tốt cho con đấy" Thế là tôi ra đi mặc dù hiểu rõ ý ông ta không muốn tôi đi theo nhưng lại sợ đi một mình nên đành phải đi cùng. Chúng tôi đi về phía con đường trong im lặng. Khi đến khúc quanh ông ta bất thình lình dừng lại, níu lấy cánh tay tôi và kéo tôi lùi ra sau. Hai mắt ông ta dõi theo cái gì đó mà tôi không nhìn thấy và rồi ông ta thở phào và nói:" Tôi nghĩ mình đã nghe tiếng động cơ xe đang chạy tới. Ông ta tỏ ra khó có vẻ kiềm chế được sự kinh hãi, tôi thấy mồ hôi hột lấm tấm trên trán và thái dương của ông ta. Và rồi chúng tôi quay trở về nhà. Chỗ chân bị trật nặng. Bà Eldridge cần phải nghỉ ngơi. Ngày hôm sau một lần nữa tôi là người đi cùng với ông ta tới khúc quanh đường làng. Lần đó ông ta không thể hoặc đã không cố giấu cảm xúc của mình. " Đó đó hãy nghe đi!" ông ta kêu lên. Có chắc là cô không nghe gì sao? _Con chả nghe gì cả bác à. _Hãy lùi lại đi!. Ông ta chợt hét toáng lên và rồi chúng tôi đứng sát tựa vào hàng rào. Một lần nữa đôi mắt lại dõi theo cái gì đó mà tôi không thấy và một lần nữa lại thở phào. _Ông ta nói: "Sẽ có một ngày nó giết chết tôi - nếu không phải là vì bà ấy tôi không biết mình còn canh chừng được lâu mau đây". _Hãy nói cho con nghe đi bác. Tôi nói giọng khẩn thiết đầy xúc động của một người đang chứng kiến nỗi lo lắng ưu phiền của người khác.Ông ta nhìn tôi chăm chú. _Vì Chúa tôi sẽ nói cho cô nghe. Ông ta nói. Tôi không thể kể cho bà ấy nghe. Cô gái à. Tôi đã từng thầm ao ước đến nỗi mong mình là một người dân La mã, để làm một giáo sĩ nói ra được điều này. Thế nhưng tôi có thể kể cho cô nghe mà không ngại tâm hồn vốn đã bị tổn thương của mình suy sụp mất mát thêm nữa. Cô đã từng nghe đồn về một chiếc xe màu tím gặp tai nạn nát bét khi đi về phía núi đá kia chưa? _Vâng vâng con có nghe" Tôi nói. _Người đàn ông cán chết con gái tôi là người lạ mới tới nơi đây. Anh ta vô tình không nhận ra tôi hoặc anh ta đã nhận ra tôi, đã nhìn thấy chúng tôi trực diện tại hiện trường. Và hẳn cô đã nghĩ là ngày hôm đó anh ta sẽ ở trong nhà, kéo rèm che xuống. Nhưng anh ta đã không ở nhà. Đúng vào cái lúc mà chúng tôi đang chôn cất con bé anh ta rong ruỗi khắp làng quê trong chiếc xe màu tím đáng nguyền rủa của anh ta.Thế rồi khi trời sập tối, sương mù ập tới - anh ta chạy tới đằng sau tôi, trên chính con đường này, tôi lùi lại anh ta cho xe tiến lên và hỏi với ra, đèn pha xe chết tiệt chiếu thẳng vào mặt tôi. " Ông anh ơi có thể cho tôi biết đường đi tới Hexham lối nào không?". "Tôi đã muốn chỉ cho anh ta lối đi về địa ngục. Thế rồi đó lại là lối đi dành cho tôi chứ không phải anh ta. Tôi không hiểu tại sao mình làm điều đó. Tôi không cố ý làm. Tôi đã không nghĩ rằng tôi sẽ làm và trước khi ý thức được điều gì tôi đã buột miệng nói ra: Hãy chạy thẳng- cứ tiếp tục thẳng tiến, thế là xe nổ máy, kêu ầm ì rồi vọt đi. Tôi chạy theo cố gọi anh ta dừng lại nhưng chỉ vô ích, làm sao có thể chạy theo cái xe quái đản đó chứ? Và rồi cái xe cứ thế chạy thẳng. Thế rồi từ đó trở đi, ngày ngày, xe chạy qua, chiếc xe màu tím mà không ai nhìn thấy ngoài tôi ra, nó cứ thế tiếp tục lao thẳng tới trước." _"Bác phải rời khỏi đây thôi bác à!" tôi nói, theo cái giọng đã được huấn luyện. "Bác đã tưởng tượng ra những điều đó. Có lẽ bác đã tưởng tượng ra toàn bộ câu chuyện. Con không nghĩ bác đã nói cái xe màu tím là chạy thẳng. Con hy vọng tất cả chỉ là tưởng tượng, đó là do sự chấn động về cái chết của đứa con gái tội nghiệp của bác mà thôi. Bác phải đi khỏi đây ngay". "Tôi không thể" ông ta nói giọng nghiêm trọng. Nếu tôi đi khỏi đây một người nào khác sẽ thấy chiếc xe. Cô hiểu không, ai đó sẽ thấy cái xe hàng ngày chừng nào tôi còn sống. Nếu không phải là tôi thì sẽ là người khác. Và tôi chính là người đáng phải nhìn thấy nó. Tôi không muốn ai khác nhìn thấy nó - thật quá ư khủng khiếp cô à. Ông ta gằn giọng bồi thêm một câu: "Khủng khiếp hơn cô nghĩ nhiều đấy" Khi cùng đi trên đường vắng lặng tôi hỏi ông ta rằng cái gì khiến chiếc xe màu tím khủng khiếp đến vậy. Tôi đinh ninh rằng ông ta trả lời vì chiếc xe đã vấy máu con gái ông...Điều ông ta trả lời là, "Nó quá khủng khiếp để mô tả cho cô," và rồi ông ấy nhún vai. Tôi là một người còn trẻ, và tuổi trẻ luôn nghĩ mình có thể dời cả non cao. Tôi tự động viên mình rằng tôi có thể chữa căn bệnh hoang tưởng của ông ta bằng cách tấn công - không nên nhắm ngay vào cái chứng bệnh tâm thần ấy, không thể nhắm thẳng vào thành lũy chính, thường luôn được cho là khó chiếm,phải tấn công các vùng ven trước rồi mới mong xuyên thủng được thành trì Tôi bắt đầu thuyết phục ông ta đừng ra khúc quanh con đường đó vào giờ đó buổi chiều. "Nhưng nếu tôi không đi đến đó người khác sẽ gặp cái xe." Tôi mau mắn trả lời:_Chả ai ở đó mà nhìn thấy nó đâu bác à. "Ai đó sẽ có mặt ở đó mà. Hãy nghe lời tôi đi cô à, ai đó sẽ có mặt ở đó và rồi họ sẽ biết." Tôi nói:"Vậy con sẽ là người đó." " Giờ bác nghe nhé, bác cứ việc ở nhà với bác gái đi và con sẽ đi cho - nếu con thấy cái xe con hứa sẽ kể cho bác nghe và nếu con không thấy - thì được thôi, con sẽ ra đi mà lương tâm không cắn rứt. Ông ta lập lại: "Lương tâm không cắn rứt" Tôi tranh luận với ông ta mọi lúc khi tôi bắt gặp ông ta một mình. Tôi dồn mọi nổ lực quyết tâm ra sức thuyết phục. Giống như cánh cửa bạn cố mở, tra chìa khóa hoài không được cho đến chiếc chìa khóa cuối cùng thì bất thình lình cửa mở ra. Đúng vậy, tôi sẽ đi đến con đường đó một mình và ông ta sẽ không đi nữa. Thế rôi tôi ra đi. Như tôi đã nói trước là tôi không thông thạo trong việc viết truyện, có lẽ tôi sẽ không thể làm cho bạn hiểu được là đối với tôi để ra đi được như vậy quả là khó khăn đấy - cùng một lúc tôi cảm thấy vừa là một người nhát gan vừa là một nữ anh hùng. Có lẽ đối với bạn việc một chiếc xe chỉ có người nông dân già tội nghiệp hoang tưởng trông thấy, dường như chỉ là chuyện nhảm nhí, vớ vẩn. Nhưng với tôi thì không thế. Bạn biết đó, từ lâu nay đầu óc tôi luôn nghĩ về điều này, nó chi phối cuộc sống của tôi trước khi tôi biết được nguyên nhân bản chất sự ám ảnh đó. Nỗi ám ảnh đó chính là sự sợ hãi mà tôi cảm nhận được khi đi dạo chung với hai người họ, nỗi sợ được chia sẻ bên giường, bên bàn ăn khi đi nghỉ hay khi thức giấc cùng họ. Chứng kiến người đàn ông luống tuổi sợ sệt về điều ám ảnh này để rồi lấy làm e ngại cho nỗi sợ hãi của ông ta. Cái ông già này lại trông quá ư xác tín. Khi trò chuyện với ông ta, thật khó mà tin rằng ông ta bị điên, một cái xe kỳ dị khủng khiếp mà ông ta đã thấy hẳn phải hiện hữu, không thể không có được. Bởi không cần đứng trên con đường đó, khi nghe ông ta kể về điều ấy một người nào đó sẽ tưởng tượng được ra nó ngay - miệng nói phi lý thì dễ thế nhưng suy tư về sự "phi lý" ấy thì không dễ đâu và để cảm nhận ra sự "phi lý" ấy là cực kỳ khó khăn. Tôi trở lên trở xuống con đường trong buổi chiều tà, mong rằng mình sẽ không bị kinh hoàng về sự khủng khiếp ẩn chứa trong cái xe màu tím đó. Tôi không muốn nghĩ đến sự chết chóc. Tôi sẽ không bị khùng điên bởi ý định trao đổi này hoặc bị bất cứ chứng bệnh nào trong những chứng bênh cuồng điên đó. Tôi sẽ không bị thôi miên mê sảng khi nhìn thấy những điều đó. Tôi đi lên con đường - tôi đã hứa với ông ta là đứng gần ngã rẽ khoảng năm phút, và tôi đã đứng đó trong chập choạng tối, hướng nhìn về những cánh đồng cỏ và biển khơi. Bầu trời đã thấp thoáng những vì sao. Cảnh vật lặng như tờ. Năm phút trôi qua thật chậm. Tôi đưa tay lên xem đồng hồ. Bốn giờ - bốn giờ mười lăm -bốn giờ rưỡi. Năm giờ. Tôi bất chợt quay lại và tôi thấy ông ta đã bám theo tôi. Ông ta đứng cách xa chừng mười hai thước và đang ngoảnh mặt hướng nhìn về cái xe hơi đang phóng trên đường. Nó chạy rất nhanh và trước khi tới nơi ông ta đứng, tôi thấy cái xe quá ư khủng khiếp. Tôi lui lại ép sát người vào thành rào rạn nứt - như thể để nhường chỗ cho cái xe thật chạy qua- mặc dù tôi biết cái xe này không thực - Nó trông giống như thực - nhưng tôi biết nó không có thực. Khi xe tới gần ông ta, ông ấy giật lùi lại, thế rồi bất thình lình ông ta gào lên: "Không, không, không, không, không chạy nữa, không chạy nữa" đó là những gì ông ta hét, cùng với tiếng kêu la đó ông ta té ngã vật xuống đường trước mũi xe, và những bánh xe lớn cán qua người ông.Thế rồi xe lướt qua mặt tôi và tôi đã nhìn thấy trọn vẹn sự kinh khiếp của nó. Không phải là máu - cái đó không kinh khiếp. Mà là cái màu sắc của nó như bà ấy đã từng kể, màu tím. Tôi chạy đến bên ông, nâng đầu ông lên. Ông ta đã chết. Lúc đó tôi khá vững vàng trầm tĩnh và cảm thấy rằng đối với mình được như vậy thật quá ư đáng khen. Tôi đi đến một túp lều tranh nơi một người thợ đang dùng trà nhờ giúp- ông này kiếm thêm vài người và một tấm phên. Khi tôi kể cho vợ ông ta nghe, điều đầu tiến rõ ràng mà bà ấy nói là: "Như vậy tốt hơn cho ổng. Những gì ổng làm thì giờ đã trả." Vậy là có vẻ như bà ấy đã biết hoặc đã đoán ra- hơn là ông ấy từng nghĩ. Tôi ở lại với bà cho đến khi bà qua đời không lâu sau đó Tôi từng nghĩ có lẽ ông cụ đã bị chiếc xe thực sự đụng và cán chết, một vụ tai nạn xảy ra ở mọi con đường không riêng con đường đó, ở mọi thời điểm không chỉ thời điểm đó, tại nạn có thể xảy ở tất cả các xe mọi sắc màu không riêng gì màu tím. Mà này, một chiếc xe thực lưu lại dấu vết trên người bạn nơi nó làm bạn tử thương phải vậy không nào? Thế nhưng khi tôi nhấc đầu ông già lên khỏi mặt đường, không thấy có dấu vết gì trên người, không máu me, xương không bị gãy - tóc tai không bị rối quần áo cũng không. Nói cho bạn hay ngay cả một vết bùn lấm trên người cũng không có ngoại trừ chỗ ông ta chạm đất khi té xuống. Cũng chả có vết xe lưu lại trên bùn đất. Chiếc xe cán chết ông ta đến rồi đi như một cái bóng. Khi ông ta té xuống, cái xe hơi lạng nghiêng để cho các bánh xe có thể chạy qua người ông ta. Bác sĩ nói ông ấy chết vì bị bệnh tim. Tôi là người duy nhất hiểu rằng ông ấy chết bởi một chiếc xe màu tím, khi đã cán chết ông nó âm thầm chạy về phía biển. Và cái xe đó trống rỗng - không có người trong đó. Nó chính là cái xe màu tím không người âm thầm vút qua những con đường làng.