ưa về trắng xóa cánh đồng. Hàng cau như treo lơ lửng trong màn nước đong đưa theo chiều gió. Tiếng ếch nhái ễnh ương ộp oạp, tiếng côn trùng rỉ rả hòa cùng tiếng mưa tí tách trên mái lá tạo thành một khúc nhạc đồng quê quen thuộc. Chợt những tia chớp ngoằn ngoèo sáng rực soi rõ bầu trời thăm thẳm mây đen, tiếp theo là những tiếng sét rung trời Đám le le núp mưa trong bụi nứa hoảng hồn bay táo tác.
Thảo nhón chân trên chõng, căng lại tấm bạt che đỡ cho mẹ và em đang co ro trong mái nhà dột nát. Gió rít từng cơn, luồn vào tấm phên tre, đưa lạnh lẽo bên ngoài vào mái nhà tranh đang run rẩy dưới trời dông tố. Thảo vừa lấy chổi tre quét nước trên sàn nhà vừa quan sát từng cái cột tre xem nó còn có đủ sức chịu đựng nổi cơn bão vừa về xóm chiều nay. Mưa vừa ngớt hạt Thảo nói:
- Mẹ à, con đi soi ếch nghe mẹ, để một lát tạnh mưa tụi nó trốn hết.
- Con qua bên nhà đì Tư rủ anh Thạch đi cho mẹ an tâm, coi chừng rắn nghen con.
Thảo khoác chiếc áo mưa màu xám của Ba để lại, xách đèn pin và rọ, hé cửa lao vào mưa. Một tia chớp lóe sáng trên nên trời đen kịt, hiện rõ một bóng đen đứng sừng sững trước nhà. Thảo hồn bất phụ thể ba chân bốn cẳng vọt lẹ trở vô nhà. Chợt bỗng nghe tiếng gọi vói theo:
- Thảo!
Nhận được tiếng người quen, Thảo tỉnh hồn quay lại:
- Bộ anh định hù chết tui hả?
- Đâu có, tui qua rủ Thảo đi soi ếch, tại tối quá nên không thấy đường.
Lầm lũi trong bóng đêm, Thạch men theo bờ ruộng rọi đèn tìm ếch chỉ cho Thảo bắt. Mưa to, ếch lên khá nhiều đờ đẫn dưới ánh đèn. Hồi đó mới tập đi bắt ếch nàng còn hơi sợ nên dùng chĩa ba để đâm ếch, riết rồi quen, thấy ếch là nàng đưa tay tóm gọn cho vào rọ.
Sống ở miền nước mặn đồng chua, vụ lúa thu hoạch thất thường. Năm nào lũ về trước mùa gặt cả làng đành chịu đói, phải đi bắt ếch, rùa, câu cá, thả chài, phụ vào liếp khoai, vườn rau mà sống qua ngày.
Gia đình Thảo và Thạch gắn bó với nhau mấy chục năm nay. Ba Thảo và ba Thạch là bạn hồi còn để chỏm. Ông nội Thảo xưa khá giả nhà có vài giây ruộng gần chục mẫu. Phần lớn cho thuê, chỉ để lại vài mẫu tự canh tác. Hồi đó ba Thạch chăn trâu cho nhà của ông nội Thảo. Tánh cần cù lam lũ, suốt ngày với tấm lưng trần đen giòn, năm tháng dãi dầu mưa nắng, làm ruộng cật lực, hết lòng với chủ nên nhà ông Thảo ai cũng thương. Sau bà nội Thảo làm mai gả cho đứa cháu gái bà con xa cho Ba Thạch, rồi giúp cho mớ ruộng và chút vốn ra riêng, tự lập nên mái gia đình của Thạch ngày nay.
Thương hải tang điền, ba Thảo nối nghiệp cha, chẳng may làm ăn thua lỗ phải bán hết ruộng vườn trừ nợ chỉ còn lại vài công ruộng tự canh tác đắp đỗi qua ngày. Vào một chiều mưa lũ, cả làng đắp đê ngăn nước. Đê vỡ, ông bỏ mình trên dòng nước lũ để lại mẹ Thảo và ba đứa con thơ, lúc ấy Thảo mới tròn mười tuổi, thằng Trung lên bảy, con Hiếu lên ba. Ba Thạch hay tin, dọn nhà trở về làng xưa. Dựng mái nhà tranh cạnh nhà của Thảo để tiện bề chăm sóc gia đình Thảo, hòng báo đáp chút nào nghĩa cũ tình xưa. Trong một cơn sốt rét ngã nước năm năm về trước ông cũng nhắm mắt xuôi tay để lại gánh nặng của hai gia đình trên đôi vai trần của Thạch.
Thạch lớn hơn Thảo năm tuổi, tánh tình giống y như cha, cần cù lam lũ, hiền lành như thóc với khoai. Hai giây ruộng một mình anh quán xuyến, tháng ngày hết cày rồi cấy, rảnh rỗi chút thì đi phát cỏ trồng rau. Sau mùa lúa lại cần mẫn cắt lá tranh đốn cừ, tu sửa lại nhà cửa, vét đất đắp nền cho chắc chắn phòng mùa lũ tới.
Mấy năm thiên tai liên tục, thu hoạch lúa không đủ sống, Thảo bắt đầu nuôi vịt, ép lấy trứng giao cho vựa. Hồi nhỏ ba Thảo có nuôi vịt, nàng chỉ biết ngồi bên chuồng đùa giỡn với những con vịt con lông tơ vàng óng ánh. Thế mà ngày nay chính nàng phải quán xuyến hàng trăm con vịt trắng xóa cả cánh đồng. Hai năm trước mẹ dẫn nàng lên chợ mua một mớ vịt con về nuôi. Nàng thả chúng ra những thửa ruộng vừa mới gặt xong, cho chúng mót lúa. Vịt vừa ăn lúa, vừa rỉa ốc trong ruộng, phân của vịt cũng giúp cho ruộng thêm màu mỡ, cho nên các nhà nông lân cận cũng dễ dãi cho nàng thả vịt đi ăn. Vào mùa lúa thì nàng chèo ghe thả chúng ra sông tự tìm tôm cá. Nuôi chừng ba tháng, vịt con trổ mã, phân biệt được trống mái, nàng chia ra nuôi riêng biệt, để ít tháng sau lại nhập bầy, ép mái đẻ lấy trứng. Vịt tối về vào chuồng mới đẻ, mỗi đêm hốt cả cần xé trứng. Cách ngày, nàng lại chèo xuồng chở trứng vịt ra chợ bán, thu nhập cũng đủ xoay xở trong những lúc lúa thất mùa.
Nội nhà, ba Thảo cưng thằng Trung nhất vì nó là con trai đích tôn. Ông chăm sóc việc học hành cho nó thật kỹ lưỡng, hy vọng sau này nó thành đạt về ngành cơ khí, về xây dựng quê nhà. Gia đình mai hậu có thể ngoi khỏi kiếp sống cơ cực nhọc nhằn. Ngày ba Thảo hấp hối trên giường, Thảo hứa sẽ nuôi em học hành đến nơi đến chốn, ông nở nụ cười héo hắt rồi nhắm mắt xuôi tay. Thằng Trung hiểu rõ tâm huyết của ba, muốn nó thi vào trường kỹ thuật trên Sài Gòn nên nó hết sức chăm chỉ học hành. Nó thi vừa đậu vào đợt tuyển sinh hồi đầu năm. Cả nhà mừng lắm, Thạch đưa Thảo và Trung lên Sài Gòn. Thảo xin cho em ở đậu nhà bà con đặng đi học. Thảo mua cho em chiếc xe đạp để đạp xe tới trường. Trước khi trở về quê, Thảo dặn dò em kỹ lưỡng ráng học hành để khỏi phụ lòng cha mẹ.
Năm nay số vịt tăng trưởng gần gắp đôi năm ngoái. Mẹ khuyên Thảo bán bớt nhưng nàng xin giữ lại để nuôi. Tuy cực nhọc bội phần nhưng nàng lấy đó làm vui. Kiếm thêm tiền để gửi lên cho thằng Trung đóng tiền ăn học.
***
Chiều nay giông bão bất chợt về làng, mưa càng ngày càng lớn. Nước dâng thật mau tràn qua con đê chánh, biết không thể ngăn nổi dòng nước điên cuồng giận dữ đang cuồn cuộn từ thượng nguồn kéo về nuốt chững những gì dám ngăn chận nó, Thạch và các trai làng chạy rút về nhà chuẩn bị di tản.
Ầm!... Chiếc cầu phao bắc ngang nhánh sông nhỏ vào làng đã bị nước kéo phăng đi, kéo theo một mảng đê lớn. Nước lũ chồm lên sủi bọt trắng dữ dội chui vào phần đê vỡ xoáy tung từng mảng đất xung quanh. Trong phút chốc, nước lũ phăng phăng phủ ngập cánh đồng, từng mãnh đê oằn oại trôi theo, sóng nước cuồn cuộn rượt theo đoàn người tháo chạy phía trước. Thảo đứng trên mái nhà nhìn rõ từng mảnh cầu phao bứt tung theo dòng nước mà nước mắt ràn rụa. Thấp thoáng trên cánh đồng thân thương đang bị nước lũ nuốt chửng, hình như một trong đám người đang tháo chạy bán mạng dưới kia là Thạch. Thạch ngã xuống rồi! Lòng nàng oằn oại như lửa đốt, xách cái bình ni-lông rỗng làm phao lao mình ra cánh đồng, mặc cho mẹ và em nàng kêu giựt lại. Hớt hải chạy ven bờ đê về phía ruộng, Thảo bất ngờ đạp vào vũng nước, nàng trợt chân, chiếc phao bắn tung khỏi tay, người nàng tuột phăng theo bờ đê. Đất bờ đê sũng nước, sình lầy trơn lùi kéo tuôn nàng vào dòng nước lũ. Mẹ Thảo thét lên một tiếng kinh hoàng rồi khuỵu xuống. Con Hiếu một tay ôm ngang bụng mẹ, vừa lôi mẹ ra cửa, vừa hét lên:
- Bớ làng xóm ơi! Cứu giùm chị Thảo té xuống sông rồi!
Nó la khản tiếng, giọng chìm trong tiếng thét gào của gió.
Thạch lao mình từ ruộng lên nhảy ba bước một lên nền nhà. Con Hiếu mếu máo, chỉ ra bờ đê:
- Chị Thảo té xuống sông rồi anh Thạch ơi!
Thạch vừa lao vội xuống đê vừa đưa mắt cố tìm hình bóng Thảo trên dòng nước cuồn cuộn. Mưa trắng xóa bầu trời, nước cuộn tròn sủi bọt. Một màu trắng nhợt nhạt thê lương, không một chút sinh khí, không tăm tích gì của Thảo. Thạch không còn suy nghĩ nữa, chàng lao chúi xuống dòng nước lũ. Chàng lội phăng phăng theo dòng nước lũ lạnh lẽo mà người nóng bừng như lửa đốt. Hai mắt trợn trừng như rách khóe cố tìm trong dòng nước vô tình bóng hình của Thảo. Hai tay quạt nước liên tục Thạch trôi thật nhanh theo dòng nước, băng qua mấy cụm lục bình đang thong thả xuôi dòng.
Bên cụm lục bình to trước mặt, Thạch chợt thoáng thấy một màu tim tím, không phải màu tím nhạt của hoa lục bình mà là màu tím than của chiếc áo bà ba Thảo hay mặc thường ngày. Hai tay xoay như cánh quạt trên sông, Thạch cố sức bơi ngang dòng nước về cụm lục bình kia. Thạch quàng tay vào mảnh vải màu tím dưới cụm lục bình, cảm nhận được thân thể của một người. Thạch lập tức ngửa người đưa thân thể đó lên trên mặt nước, một tay níu lấy cụm lục bình to lớn, hai chân đạp liên tục ngoi người lên cao. Mái tóc dài đen của người đó theo sóng nước trôi ngược lên mình Thạch, lộ rõ một khuôn mặt quen thuộc. Nước mắt ràn rụa, Thạch mừng quên cả cơn nước vô tình đang trôi phăng chàng về sông lớn.
Thạch chợt nhận ra người của Thảo xụi lơ, da nàng trắng bệch như một xác chết. Thạch nóng lòng mang Thảo lên bờ để cứu cấp. Con sông mênh mông, mỗi ngày mỗi rộng, khoảng cách vào bờ mỗi lúc một xa Thạch chỉ còn đủ sức bám víu vào cụm lục bình, nổi chìm cùng sóng nước. Đang lo ngoi lên sóng nước, chợt Thạch nghe đầu mình đụng mạnh vào cái gì. Xoay mình lại dòm, Thạch thấy cả một đám lục bình khổng lồ to như con đảo nhỏ đang chầm chậm trôi theo dòng nước. Đám lục bình này bám vào nhau lâu đời dây ma rể má chằng chịt, chắc chắn như một chiếc bè. Nay bị lũ lớn kéo  tách bờ trôi giạt đến đây. Mừng rơn, Thạch đẩy Thảo lên trên đám lục bình, rồi chàng từ từ leo lên. Mặt Thảo nhợt nhạt không còn chút máu, tay chân lạnh ngắt. Thạch vừa chắp hai tay đẩy vào bụng nàng cố làm cho nước trào ra, vừa dáo dác nhìn lên bờ tìm người cứu giúp. Xa xa, một ghe chài xuất hiện, Thạch mừng rỡ vẫy tay la hét cầu cứu. Ghe tắp lại gần vớt Thảo và Thạch lên. Mấy bà trong ghe xúm nhau giựt gió, xoa bóp dầu, đốt lò lên sưởi ấm cho Thảo. Một lúc sau Thảo chợt mở mắt ra, người bắt đầu có sắc trở lại. Thạch tựa lưng vào vách ghe, thở hắt ra người như vừa trút khỏi gánh nặng ngàn cân, miệng nở một nụ cười tươi tắn mãn nguyện.
Thạch đưa Thảo về làng, mẹ Thảo mừng như chết đi sống lại. Con Hiếu ôm chặt chị vào lòng. Mẹ Thạch nhìn con mình cười hỉ hả, trông ra vừa hài lòng vì chuyện Thạch làm, vừa mừng rỡ vì cả nhà bình yên đoàn tụ.
Trời tờ mờ sáng, sương mù giăng đầy trên biển nước, Thảo gục đầu bên cột cửa, nhà cửa xơ xác. Đàn vịt hơn trăm con bị lũ cuốn đi tất cả. Nợ mua vịt trả chưa hết, rồi còn tiền ăn, tiền học của thằng Trung, Thảo cúi đầu ngao ngán cho số kiếp gian nan.
Thanh Tâm

Xem Tiếp: ----