gười về khóc một dòng sông  
Ngày hoa mộng chết bên song cửa buồn
Buổi sáng, khi vầng thái dương vừa tỏa ánh sáng muôn màu xuống những ngọn đồi nằm sải dài bên khung cửa kính thì tôi cũng vừa thức dậy, trong lúc Thức - chồng tôi - còn đang say ngủ. Tôi muốn một mình đi dạo quanh đây để nhìn ngắm lại Đà Lạt sau hơn hai mươi năm xa cách.
Hôm qua, khi chiếc xe thuê ở Sài Gòn đưa đươc chúng tôi lên tới đây thì trời cũng vừa tối, tôi chỉ còn làm đươc việc là tắm rửa nghì ngơi rồi giấu mình trong chăn nệm. Tuy tôi không thể ngủ được ngay, nhưng dù có háo hức muốn đi thăm Đà Lạt đến đâu, tôi cũng phải để đến ngày mai. Ban đêm Đà Lạt bây giờ sao mà buồn hiu hắt. Bóng tối bao trùm lên cảnh vật, vài ngọn đèn lờ mờ, cô đơn trong đêm đen dài vô tận. Thôi đành dỗ giấc ngủ để ngày mai có sức leo đồi. Ôi! Đà Lạt thân yêu, thành phố mà tôi đã gửi lại tất cả kỹ niệm của một thời con gái, một quãng đời sinh viên hoa mộng, một tình yêu đầu tiên với rất nhiều nỗi ngậm ngùi.
Những cặp mắt của người làm cho khách sạn đang nhìn tôi lạ lẫm, càng làm tôi thêm những ngại ngùng. Không, tôi không phải là khách lạ, tôi chỉ là một người dân Đà Lạt bình thường như hai mươi năm trứơc đây tôi đã sống. Cho dù những áo quần tôi đang mặc có mới hơn một tý, nhưng tấm lòng tôi vẫn là tấm lòng của thuở ban đầu khi mới bước chân lên Đà Lạt thân yêu
Tôi đã phải nhẹ tay mở cửa để khỏi phá giấc ngủ của chồng. Thức đã cố gắng đưa tôi lên đây hoàn toàn để chiều theo ý muốn của tôi. Chàng chẳng có một ý niệm nào về Đà Lạt chứ đừng nói đến kỷ niệm. Cuộc đời Thức lúc nào cũng thành công và may mắn. Con người chàng vô cùng thực tế đến độ nghĩ về dĩ vãng là một điều ít khi, nếu không nói là chẳng bao giờ. Thức về lại Việt Nam chẳng phải là vì nhớ nhung hay thăm viếng mà hoàn toàn là công chuyện làm ăn. Làm ăn với ai, bằng cách nào chàng không hề bận tâm. Chỉ có tiền là đã đủ cho Thức say mê vào công việc. Tất cả mọi gíá trị ở trên đời này đối với Thức đều đo bằng tiền bạc. Chúng tôi đã là vợ chồng hơn hai mươi năm nhưng vẫn có nhưng điều không thể tâm sự cùng nhau. Như hôm nay, tôi có mặt nơi đây, bên cạnh chồng, nhưng tôi vẫn cô đơn như bao nhiêu ngày tháng cô đơn đã qua đi với tuổi thanh xuân. Trên mảnh đất thân yêu xưa cũ này tôi lại càng muốn được cô đơn, để chỉ một mình tôi đi lại trong ngày tháng đã qua.
Tôi tiến ra hành lang để nhìn lại Đà Lạt lần đầu dưới ánh nắng ban mai. Khi những phút giây bàng hoàng đã qua đi, tôi mới nhận thấy rằng Đà Lat bây giờ xa lạ quá. Tôi đã đọc nhiều bài viết về sự đối thay của Đà Lat nhưng không thể ngờ rằng người ta lại làm Đà Lạt đổi thay nhiều đến thế. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là sự xơ xác và điêu tàn. Tôi chưa nhìn thấy bóng dáng một cây anh đào nào cho dù bây giờ đang độ sang xuân. Nước hồ Xuân hương không còn trong xanh như ngày trước. Đồi Cù ngày xưa, cỏ lên xanh mướt, mượt mà, bây giờ chỉ thấy loang lổ những vết cháy đen, những hàng rào bao quanh ngăn cấm. Nước mắt tôi trào ra, những hình ảnh cũ của một ngày xưa thơ mộng hiện về trong làn nước mắt rưng rưng…
.. Năm ấy, một đêm khuya, chuyến xe đò cuối cùng mang tôi lên Đà Lạt. Hai lần hỏng máy dọc đường làm cho cuộc hành trinh đã dài lại dài thêm. Tôi đang lo ngại không biết tìm ai tin cậy đề hỏi thăm đường thì chợt thây một ngừơi từ xa đi tới. Những bước chân vội vàng qua trước mặt tôi không thèm ngó lại, chiếc mũ Kê pi ngay ngắn và bộ đồ dạo phố muà đông tự nhiên làm cho tôi tin cậy, vội vàng tôi lên tiếng gọi.
- Này, này, anh ơi, ông ơi, cho tôi hỏi thăm.
Người ấy dừng lại nhìn tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng khi thấy tôi đứng chỉ một mình với đống hành lý thì chàng hiểu ra ngay, đi tới bên tôi lịch sự - Thưa cô, chắc cô muốn hỏi thăm đường?
- Tôi muốn về viện đại hoc, mà trời thi khuya quá. Một SVSQ Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt
Người ấy vội reo lên.
- Thế thì chúng ta gần như cùng chung một con đường, nào cô hãy theo tôi.
Nói xong anh chàng tự nhiên xách chiếc va ly nặng nhất của tôi lên, bưóc đi ngay. Vẻ nhanh nhen, mạnh mẽ của chàng cuốn lấy tôi theo. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, không khí tự nhiên trở nên thân mật bất ngờ.
- Thưa ông, tôi là Ngọc, ở Sai Gon lên đây để theo học trên này.
- Còn tôi là Hải. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chưa biết đến Sài Gòn bao giờ. Hồi còn đi học, tôi cứ mong ước mãiĩ là khi nào lên đại học thì sẽ về Sài Gòn để học. Thế nhưng vừa mới bước chân lên đại hoc thì không còn thời gian nữa. Cô biết đấy, chúng ta đang sống trong thời chiến. Tôi không còn chọn lựa, và rồi lại vẫn ở trên này. Cũng tốt thôi, ít ra tôi còn được ở thêm Đà Lạt vài năm nữa.
- Ông là sinh viên cuả trường nào vậy? Tôi nghe nói rằng trên này có hai quân trường, trường Võ Bị Quốc Gia và...
- Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị. Thưa cô, tôi là Sinh viên Sĩ quan của trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị.
Tôi đi sát vào người con trai để nấp cơn gió lạnh đầu tiên khi màn đêm vừa buông xuống. Đà lạt vào đêm ngày ấy thật nồng nàn quyến rũ. Những ánh đèn xa xa thấp thoáng trên những ngọn đồi mờ mờ sương khói. Ttrong vườn, ngoài ngõ nhà ai hoa tường vi nở rộ những chùm bông màu hồng lợt cho tôi cái cảm tưởng như đang bước vào một thế giới thần tiên khác hẳn Sài Gòn ồn ào và náo nhiệt. Tự nhiên tôi thèm một không khí thân mật thương yêu. Đi thật sát gần như đụng vào người Hải, tôi lại hỏi chàng.
- Tại sao ông lại chọn trường đại học Chiến Tranh Chính Trị.
- Trả lời được câu hỏi của cô cũng dài dòng lắm vì có rất nhiều nguyên nhân. Tôi chỉ xin vắn tắt thế này, dù là trường Võ Bị hay trường tôi thì đều vẫn là trường hiện dịch, có nghiã là chúng tôi sẽ gắn bó với quân đội suốt cả một đời. Tôi yêu cuộc đời còn đi học lắm, thành ra chọn trường đại học Chiến Tranh Chính Trị cho tôi đôi lúc còn nghĩ rằng mình là một sinh viên. Vả lại, kẻ thù của chúng ta nham hiểm quá, chúng tôi cần trang bị cho mình một số kiến thức tối thiểu đủ để truyền đạt cho người lính, bẻ gãy những tuyên truyền mê hoặc của bọn chúng.
Tôi mỉm cười thích thú trước câu trả lời duyên dáng của chàng. Đêm hôm đó, Hải giúp đưa tôi về viện đại học và hoàn thành các thủ tục nội trú xong mới ra về. Chàng, chỉ cho tôi một ngọn đồi không xa lắm, bảo rằng đó là nơi chàng đang theo học. Vì bận rộn với những hành lý ngổn ngang, tôi quên đi cả lời cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của Hải. Rồi chúng tôi chia tay nhau mà không biết gì thêm ngoài cái tên gọi. Về sau, khi đã quen thuộc với những con đường Đà Lạt, nhiều lúc tôi muốn ghé vào trường để cảm ơn sự giúp đỡ đầu tiên ấy nhưng ngại ngùng không biết phải làm sao.
Thời gian trôi, tôi quen dần với cuộc sống của một sinh viên nội trú, và vùi đầu vào niên học mới. Những trang sách và tháng ngày đầu tiên trên đại học quyến rũ làm tôi quên hết cả xung quanh, dần dần quên đi cả cái đêm nào bỡ ngỡ, và người con trai mới gặp...
Trời đã gần trưa. Nắng đã lên cao. Đà Lạt bây giờ đang chìm trong biển nắng. Từ trong hành lang của khách san bên cạnh hồ Xuân Hương tôi có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn dưới chân đồi. Kìa là đường Võ Tánh nằm quanh co theo bờ hồ rồi khuất dần theo những hàng cây. Con đường này chính là con đường tình sử. Chúng tôi đã hò hẹn, đợi chờ để cùng nhau đi song đôi trong nhưng ngày chúa nhật. Đã giận hờn chờ đợi những lời dỗ dành như trẻ thơ. Từ con đường ấy rẽ ra hai ngõ vào hai trường đại học của hai đứa chúng tôi. Tôi vẫn chìm vào trong những ngày xưa cũ không để ý đến Thức - chồng tôi - đã dậy, đang đứng cạnh tôi tự bao giờ.
- Sao thức dậy sớm vậy em, lại không mặc áo lạnh vào, cảm chết.
- Còn sớm gì nữa, em đang chờ anh dậy để đi quanh một vòng Đà Lạt.
- Thế thì em bảo tài xế cho xe ra đi, mình kiếm chỗ nào ăn sáng luôn.
- Không, em muốn đi bộ dạo quanh hồ Xuân Hương một vòng. Này anh xem, người ta có cả xe đạp nước cho thuê, em muốn được chơi trên mặt nước. Mình sẽ lên nhà thủy tạ bằng cách ấy.
- Thôi thôi, đồi núi đèo dốc thế này ai mà đi cho được, anh không muốn ngồi trên cái thùng cỏn con ấy, anh đâu có biết bơi lỡ ngã xuống nước thì khốn.
Tôi nhìn lại Thức, người phì mập, bụng to hơn ngực. Chồng tôi không bao giờ tập thể dục hay khép mình vào một kỷ luật nào, trừ tiền bạc. Anh chàng nuông chiều thân xác, luôn luôn theo bản năng không kể gì đến thể diện và tư cách. Tôi nhớ lại ngày xưa có lần bị gọi đi nhập ngũ, Thức đã mếu máo đến khổ sở nhờ cha tôi can thiệp cho được miễn. Những ngày đầu di tản, khi còn ở trong trại tam trú, Thức luôn luôn than phiền về những tiện nghi thiếu thốn. Mỗi lần loa phóng thanh kêu đi lãnh thực phẩm là chàng vội vã lính quýnh như lúc đi chạy giặc chỉ để mong được sắp hàng đầu tiên. Tôi chán chường nhìn Thức.
- Anh muốn đi đâu làm gì bằng xe thì cứ đi đi, kệ tôi. Tôi muốn đi bộ, dạo quanh một vòng Đà Lạt
Thức nhìn tôi ngạc nhiên. Mặc kệ chàng cáu giận đi tới đi lui, tôi lại chìm vào dĩ vãng....
...Thời gian trôi trong những tiếng cười của cuộc đời sinh viên hoa mộng. Vào một ngày mùa hạ, trong một buổi đi cắm trại ngoài trời, tôi và các bạn cùng lớp nô đùa trên những hòn đá lớn trong vũng nước lặng ngay dưới chân thác Prenn. Khúc suối này ăn sâu vào trong bờ đá nên mặt nước ở đây yên lặng hiền hòa, nhưng nếu ra xa ngoài kia vào giữa giòng suối thì nước chảy xiết nguy hiểm vô cùng. Tôi vẫn tự hào rằng mình bơi rất giỏi nên chẳng để ý gì đến những lời cảnh cáo của bạn bè, tha hồ nhảy nhót tung tăng trên những hòn đá, cho đến khi trượt chân ngã xuống dòng nước đang chảy mạnh. Dù cho cố gắng hết sức tôi vẫn không thể bơi vào. Những làn nước vô tình kéo tôi đi xa dần. Tôi cảm thấy đã gần kiệt sức. Cố gắng vùng vẫy ngoi lên mặt nước tôi, tôi kêu lên những lời cầu cứu trong tuyệt vọng.
Bạn bè tôi trong bờ chỉ còn biết kêu những tiếng thất thanh chứ chẳng ai dám bơi ra cứu tôi lúc ấy. Cho đến khi tôi không còn hơi sức nữa, buông trôi theo dòng nước thì chợt thấy có người bơi lại phía tôi, rồi thì cả thân thể tôi được kéo trồi lên mặt nước. Một vòng tay khỏe mạnh, rắn chắc quàng chặt lên người tôi. Phản ứng tự nhiên của một người đang gặp hiểm nguy, tôi vội bám chặt lấy cái phao êm ái ấy không rời. Trong lúc nguy ngập và bối rối tôi không còn nghĩ gì đến thân thể của mình đang nằm gọn trong vòng tay người con trai mạnh khỏe kia. Rồi tôi bàng hoàng nhận ra người con trai ấy chính là Hải. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy Hải một tay ôm chặt lấy tôi, còn tay kia bám vào một sợi dây đang được một đám người đang đứng ở trên bờ kéo v ào bờ.Tất cả bọn họ dều mặc quân phục màu xanh lá cây rừng với những chiếc alpha màu xanh da trời trên cổ áo. Tôi chỉ biết được đến thế rồi ngất lịm đi trong sự mỏi mệt, nhưng êm ái vô bờ.
Vào được trong bờ, Hải bế tôi đặt lên một chiếc Poncho mà các bạn chàng đã trải sẵn tự lúc nào. Đám bạn gái chạy đến bao quanh lấy tôi, trùm lên thân thể tôi đủ thứ, quần áo, khăn quàng. Có đứa cẩn thận hơn xoa bóp tay chân tôi đang tê cứng vì ngâm lâu trong nước lạnh. Gần cả tiếng đòng hồ sau tôi mời ngồi dậy được khi những mảnh áo quần khô ráo đã làm ấm thân tôi. Lúc ấy Hải và đám bạn tiến lại, chàng mỉm cười hiền hậu hỏi tôi.
- Khỏe chưa cô Ngọc, lần sau đừng nhảy vào những tảng đá ngoài xa kia như thế, nguy hiểm lắm.
- Rồi chàng giới thiệu các bạn bè của chàng với chúng tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy ai cũng bắt đầu bằng vần H như Hải. Thì ra họ cùng chung một tiểu đội đang làm công tác dân sự vụ ngay đây. Tôi càng sung sướng hơn khi thấy Hải vẫn còn nhớ đến tên tôi.
Từ sau ngày ấy, tôi bắt đầu nhớ nhung và mơ mộng, sung sướng đón nhận tình yêu. Tôi - người thiếu nữ trong tình yêu thuở ấy mắt long lanh sáng, má và môi hồng như hoa đào buổi sớm, lời nói như chim hót bình minh. Bạn bè tôi khen tôi bỗng đẹp hơn, yêu đời hơn sau ngày xẩy ra tai nạn, một tai nạn đáng yêu nhất trong cuộc đời tôi.
Thứ bảy đầu tiên vào trường thăm Hải, chúng tôi đã ngồi suốt cả ngày trong câu lạc bộ sinh viên sĩ quan. Rồi sáng hôm sau chúa nhật khi Hải được phép ra ngoài dạo phố, chúng tôi dành trọn cho nhau. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình quá dạn dĩ và buông thả, và chính Hải cũng đáp ứng sự nồng nhiệt của tôi không kém. Tình yêu đã cho tôi đôi cánh để bay lên đến một vườn hoa thần tiên đầy hương sắc.
Tôi trở lại phòng mình. Không thấy Thức, có lẽ anh đã đi lo công chuyện của mình. Chuyện làm ăn, sinh lợi lộc không bao giờ chồng tôi bỏ qua. Thức liên lạc, hợp tác với các viên chức chính quyền Cộng Sản bây giờ tự nhiên như chàng đã làm với chính quyền Việt Nam ngày trước. Đối với chồng tôi chuyện đất nước, dân tộc không đáng kể bằng những trương mục trương nở trong ngân hàng. Ai đói, ai nghèo, khổ sở lầm than ra sao, chàng không bao giờ nghĩ đến. Có lẽ chữ Trung Hiếu Tiết Nghĩa đối với chàng chĩ là những điều trong sách vở. Một lần lâu lắm, sau ngay mất nước, khi đã yên lành ở Mỹ, đọc báo thấy nói đến các vị tướng tuẫn tiết chứ không chịu đầu hàng hay chạy theo Mỹ. Thức bảo tôi.
- Mấy ông này đã làm đến tướng mà còn dại quá. Máy bay nó đến rước tận nơi mà lại không đi rồi còn bắn vào đầu mình.
Lần ấy tôi đã buồn lại càng buồn hơn. Biết rằng có nói, có giải thích thế nào cũng bằng vô ích. Trong cái đầu óc vị kỷ kia, không có cái gì cao quý hơn tiền bạc. Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán ngán vô cùng. Trong đời ai cũng có những lần lầm lỡ. Nhưng sự lầm lỡ của tôi to lớn quá. Tôi đã phải trả giá cho sự lầm lỡ của mình bằng cả một cuộc đời tôi.
Tôi nằm dài xuống giường nhìn qua song cửa. Những đám mây trắng bạc bay hững hờ trên những dãy núi mờ xa, cái không gian này đã quen lắm trong ký ức ngày xưa....
…Càng có dip gần nhau tôi lại thấy nhiều đức tính tốt nơi con người Hải, chàng hiền lành, ngay thẳng và chăm chỉ. Hải kể cho tôi nghe về những sinh hoạt hàng ngày, những môn, những giờ học mà chàng ưa thích. Với những môn mà chúng tôi cùng học giống nhau như bang giao quốc tế, sử quan thì nói không bao giờ hết chuyện. Đôi lúc Hải lại nói về một vài môn học mà chàng ưa thích như nhân chủng học của giáo sư Nghiêm Thẩm, và tôi thường trêu Hải trong những bài học nhân chủng mà chàng kể cho tôi nghe về những giống người còn sống bán khai hoang dã trong dãy núi Trường Sơn.
- Em biết không tuần này tụi anh đang học về người Hmong, ở đó những người con trai có thể dùng trâu để mua những nàng con gái, nếu họ có nhiều trâu thì mua bao nhiêu vợ cũng được. - Thế chắc là anh thích đến nơi đó lắm phải không?
Không để ý đến câu hỏi ngoắt ngoéo của tôi Hải thành thực trả lời.
- Anh thích đến đó lắm. Anh vẫn mơ ngày đất nước thanh bình, sẽ được tự do đi khắp mọi nơi để biết dân mình đang sống ra sao, và nhất là những phong tục, tập quán của từng nơi, từng chỗ.
- Chứ không phải vì anh thích vì có thể mua được bao nhiêu vợ nếu muốn à.
Hải chợt hiểu ra ý cuả tôi, chàng hiền lành giải thích.
- Không phải thế em ạ, anh có em là đã quá đủ, là may mắn cho anh lắm rồi. Không bao giờ anh tham lam đèo bòng như thế.
Tôi biết tính Hải và tin nhũng điều chàng nói. Tôi tin ở tình yêu của chàng chân thật, hiền lành như những cây thông Đà lạt. Hải vẫn thường nói với tôi về mơ ước sẽ có một ngày được đi đến những chân trời xa lạ đầy những thích thú bất ngờ như những trang sách nhân chủng kia. Tuy yêu nhau và hiểu tính nhau như thế nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngay mai, đến hôn nhân vì cả hai đều còn trẻ và chưa có một chút vốn liếng gì cho tương lai cho dù là học vấn.
Năm Hải tốt nghiệp, ra trường để lao vào trận điạ cũng là năm mà gia đình tôi lo xong thủ tục cho tôi xuất ngoại. Tôi muốn cùng Hải về lại Sài Gòn trong những ngày chàng nghỉ phép mãn khóa để giới thiệu với cha mẹ tôi. Hải cảm động, lần đầu tiên tôi thấy chàng run run khi nắm tay tôi, đặt lên trái tim, nói trong hơi thở.
- Anh thật may mắn có được người yêu như em. Anh sẽ không bao giờ làm gì để em buồn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tôi nũng nịu sa vào lòng Hải.
- Chỉ cần anh yêu em, thương em là đủ rồi.
- Anh yêu em nhiều lắm. Anh đã yêu em những ngày qua, yêu em hôm nay. Thề có đất trời là anh sẽ yêu em mãi mãi.
Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau trong một quán nước đối diện cửa nhà vì cần thưa với cha mẹ tôi trước khi dẫn Hải về ra mắt. Cha tôi là một nhân vật cao cấp trong chính quyền thời ấy, rất khó khăn và nghiêm khắc. Không may cho hai đứa chúng tôi là trước khi thưa chuyện, cha mẹ cho tôi hay rằng gia đình đã lo xong thủ tục để tôi xuất ngoại, và những người bạn đồng sự muốn mai mối để hỏi tôi cho con của họ. Hai người thi nhau kể cho nghe cả một loạt tên các cậu ấm giỏi giang thành đạt. Ai cũng sẽ là bác sĩ, kỹ sư trong tương lai. Bọn họ đang du học tại nước ngoài, không hề biết đến đất nước đang đắm chìm trong chiến tranh.
Nhìn nét mặt vui vẻ, rộn ràng của mẹ cha khi nói về tương lai, tự nhiên tôi đâm ra rụt rè, lo sợ không dám nói chuyện về Hải như dự định. Tôi nhìn sang bên kia đường, bóng chàng ngồi trong quán nứơc đợi chờ, yên lặng đợi chờ. Suốt buổi sáng hôm đó, tôi cố gắng liên lạc với Hải mà chưa có dịp. Buổi trưa tôi phải theo cha mẹ đi đến ăn cơm ở nhà một ngừơi bạn thân của cha tôi. Tiệc tùng trò chuyện kéo dài đến tận khuya. Tôi không thể còn đi đâu được vì Thức, con trai của bạn cha tôi vừa mới ở ngoại quốc về thăm nhà, đi theo tán tỉnh, mà cha mẹ tôi lại rất hài lòng. Khi trở lại nhà đã quá mười giờ đêm, ngồi trên xe, nhìn vào quán nước, tôi giật mình vì thấy Hải còn đó, ngồi yên, bất động như pho tượng.Tôi chạy vội lên lầu mở tung cánh cửa, bước ra lan can nhìn xuống. Hải đứng dậy đi nhanh về phía cổng nhà tôi, rồi đứng lại như suy nghĩ. Vài phút sau anh quay ra, lặng lẽ bước về quán trọ. Tôi đứng nhìn theo, lòng hối hận tự trách mình không đủ can đảm nói với mẹ cha, để Hải phải chờ đợi cả một ngày dài.Tối hôm đó tôi vật vờ trong giấc ngủ muộn màng, mãi tận gần trưa hôm sau mới ngồi dậy nổi. Cha tôi đã đi đến sở từ sáng sớm chỉ còn có mẹ. Tôi mở cửa nhìn sang bên kia đường giật mình thấy Hải đã ngồi đó tự bao giờ. Tôi vào phòng mẹ, ôm lấy bà rồi bật khóc, lấy hết can đảm để nói chuyện của tôi và Hải. Mẹ tôi chỉ yên lặng ngồi nghe không nói. Một lúc lâu mẹ cho chị người làm mời Hải vào nhà, mẹ nói.
- Chúng tôi đựơc cháu Ngọc nói chuyện về anh. Tôi cũng mừng là cháu đã được anh để ý đến, xin cám ơn anh. Nhưng mà cháu còn bé bỏng, chúng tôi muốn đưa nó ra ngoại quốc học thêm vài năm nữa. Mẹ tôi người Bắc, con nhà nho giáo, khéo ăn khéo nói. Lời từ chối của bà nghe cũng ngọt ngào êm ái như chứa đầy những thương yêu. Hôm đó, hai đứa chỉ được nói chuyện với nhau trước mặt mẹ tôi. Hải nhiều lần như muốn nói điều gì, song chàng nín lặng. Cho đến lúc chào mẹ tôi quay ra, anh nhìn tôi thì thầm bảo.
- Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng yêu và chờ em mãi mãi.
Tôi tin lời nói thành thực ấy. Tôi biết rằng Hải yêu tôi, chỉ một mình tôi trong suốt những tháng ngày ở Đà lạt, dù có nhiều bạn tôi rất thích chàng. Thế là chúng tôi xa nhau với những lời thề thốt gắn bó keo sơn. Hải không ngăn cản tôi trong con đường học vấn, chàng cũng không hề bày tỏ nỗi lo sợ sẽ mất tôi mà chỉ nhấn mạnh rằng chàng là con người hơi khó khăn khi chọn lựa, mà khi đã chọn lựa rồi thì không bao giờ thay đổi. Tôi là người đầu tiên đưa chàng vào tình yêu diễm tuyệt. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tình yêu đầu tiên này sẽ là mãi mãi. Tôi cũng dùng đủ mọi danh từ hoa mỹ thề thốt, để chàng tin rằng tôi cũng nghĩ như chàng.
Nhưng rồi hoàn cảnh của chúng tôi ngày càng khác biệt. Tôi đã quen thuộc với đời sống xa hoa và tiện nghi vật chất, mà Hải thì lại cứ bận rộn hành quân chinh chiến, nên dù có dịp về thăm nhà trong những kỳ nghỉ hè chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau. Một ông văn sĩ lãng mạn nào đó đã định nghiã rằng tình yêu là sự va cham của hai làn da, có lẽ cũng không có gì là sai, nếu so sánh trong trường hợp của tôi. Chúng tôi có quá nhiều thời gian xa cách, rồi cuộc sống tự do nơi xứ người đã thay đổi tâm hồn tôi. Tôi cần những sự đụng chạm, những môi hôn, những lời thầm thì yêu đương, mà Hải và tôi không thể sống gần nhau. Những ngày, những tháng, những năm nối tiếp nhau qua. Tình yêu với Hải trong tôi dần dần cũng phôi pha theo ngày tháng.
Một ngày mùa thu, khi trở lại Việt nam, tôi theo một chiếc trực thăng lên tiền đồn miền biên giới thăm Hải. Chúng tôi gặp nhau không nói được thêm điều gì. Hải thường bảo chàng là mội sĩ quan, lo trước nỗi lo và vui sau niềm vui của lính. Tôi bày tỏ ý muốn nhờ uy thế của cha, giúp đỡ chàng về một nơi tốt hơn, có cơ hội thăng tiến và đi du học, nhưng Hải từ chối. Chàng không muốn nhờ vả gia đình tôi dù bất cứ điều gì. Tôi, có lẽ vì mặc cảm, bùng lên cơn giận.
- Anh nghĩ lại coi, từ trên xuống dưới ai cũng mong có người che chở, không ai gàn bướng như anh.
Hải không nói gì, chàng yên lặng nhìn vào khoảng không xa thẳm. Có lẽ trong đầu óc chàng không mấy thích gia đình tôi khi ấy. Tôi nghĩ rằng chàng đã đánh giá tôi và gia đình thuộc thành phần, mà trong tâm hồn Hải có sự rẻ khinh, chỉ biết tìm điều lợi cho mình mặc cho đất nước đang bị xâu xé bởi chiến tranh. Càng nghĩ cơn giận trong tôi càng bùng lên mãnh liệt. Lần đầu tiên kể từ lúc yêu nhau chúng tôi cãi vã. Tôi giận dỗi về lại Sài gòn, hàng mấy tháng không thèm viết thư cho Hải.
Rồi một ngày kia ở nơi xứ người, tôi gặp lại Thức - Con của bạn cha tôi, người đã tán tỉnh tôi dạo trước - Thức đi du học trước tôi cả sáu bảy năm, đã sành sỏi và thành công trên đường đời. Sự thành công được đánh giá bằng giàu sang và danh vọng. Tôi quên hẳn một ngày xưa, trước khi đi du học Thức đã mếu máo khổ sở, lợi dụng sự quen biết tìm đến cha tôi nhờ can thiệp cho chàng khỏi vào lính như những thanh niên khác.
Chúng tôi về lại Việt Nam. Cả hai gia đinh đều vui mừng vì môn đăng hộ đối. Thế rồi chúng tôi kết hôn ngay sau đó. Một đám cưới rềnh rang, xa hoa và lãng phí được tổ chức trong lúc chiến cuộc diển ra dữ dội kinh hoàng. Ngày tôi ngồi trên chiếc xe hoa lộng lẫy muôn màu về làm vợ Thức, thấy những chiếc xe nhà binh chở người ra trận địa, lòng chợt nao nao nhớ đến ngày xưa và Hải. Không biết giờ này chàng ở phương nao?
Tháng tư 1975 trong lúc Sài Gòn đang hấp hối, trên chuyến xe vội vã ra phi trường tôi chợt nhìn thấy Hải và những người lính cuả anh dưới một giao thông hào mới được đào để phòng thủ ở ven đường. Nhìn vẻ hoảng hốt lo sợ quá đáng của Thức thật tương phản với nét rắn rỏi và vẻ bình tĩnh ngòai kia của Hải, tự nhiên trong lòng tôi dâng lên niềm thương cảm và hối hận. Phải, từ ngày tôi lập gia đình, đã bao nhiêu lần tôi nhận được thơ của Hải, vẫn những chuyện hành quân trên đường xa vạn dặm, vẫn những lời yêu thương tha thiết nồng nàn, vẫn một lòng dạ thủy chung chưa hề biết đến tôi đang bội phản. Chàng còn xin lỗi đã làm tôi không đựơc vui trong những một ngày lên thăm dạo trước, và cố phân trần giải thích rằng chàng chỉ muốn tự lập, tự định đoạt cuộc đời mình. Tôi không dám trả lời Hải. Cho đến một ngày kia biết ra sự thật, Hải vẫn không óan hờn, trách cứ mà lại nhận lỗi về mình. Chàng xin lỗi vì đã bỏ tôi chờ đợi trong nhiều năm tháng lạnh lùng, và cầu chúc cho tôi có được cuộc đời hạnh phúc.
Từ đó, sau ngày mất quê hương, sống bên chồng nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh Hải với gương mặt bình thản, lạnh lùng, trong chiều di tản....
Tiếng ai gõ cửa làm tôi tỉnh giấc. Người nhân viên phục vụ lễ phép trong khách sạn mời tôi.
- Thưa bà, ông nhà cho mời bà xuống nhà ăn dùng bữa.
Tôi thay quần áo, trang điểm qua loa rồi bước theo sau người nhân viên đang còn chờ ngoài cửa. Đi qua một dãy hành lang dài tôi bước xuống cầu thang chật hẹp vào phòng ăn được bài trí thật sang trọng dành riêng cho ngọai kiều và cán bộ. Thức đang khoa tay múa chân nói chuyện với ba người đàn ông lạ. Hai người mặc thường phục, áo quần thuộc loại đắt tiền, có thắt cà vạt. Người thứ ba là một viên công an. Ông ta mặc đồng phục màu vàng, vai đeo xà cột, trên cổ áo có gắn cấp hiệu. Mấy ngôi sao trên miếng vải đỏ tươi như máu. Thấy tôi Thức đứng lên giới thiệu.
- Thưa các anh, đây là nhà tôi.
Quay sang tôi anh tiếp.
- Đây là hai đồng chí trong ban lãnh đạo thành phố, còn đây là đồng chí chỉ huy công an.
Tôi gật đầu chào những người đầy tớ của nhân dân đang ngồi bảnh chọe trên những chiếc ghế nệm dầy, trong lúc các món ăn đang được dọn ra. Hai ba người nhân viên vội vã kính cẩn đang chờ sai bảo. Người mặc sắc phục công an nhìn tôi chằm chằm như dò xét. Cái nhìn đầy vẻ trịch thượng của một kẻ nghĩ rằng mình đang có uy quyền, pha lẫn những khát khao thèm muốn. Tôi bỗng nhớ đến chị Tâm bạn tôi kể cho nghe những ngày tháng đi thăm chồng cải tạo. Có những bà vợ lính bị chúng lợi dụng những đêm tối cô đơn, vắng vẻ để cưỡng hiếp mà không dám than thở, thưa gửi cùng ai. Khi những lời mời chào, chúc tụng khách sáo qua đi, cả ba người đều hục vào ăn uống sảng khoái. Họ vừa ăn vừa nói bô bô như không còn có ai ngoài họ. Cái cấp hiệu màu đỏ tươì như máu kia làm tôi nhớ lại những sợ hãi, hốt hoảng hai mươi năm trứớc khi chạy lên tàu tìm đường trốn ra khỏi nước. Bây giờ nhờ những đồng tiền lại được ngồi đây, đựơc tiếp đón. Tự nhìên tôi muốn buồn nôn cuộc đời. Tôi ghê tởm chính tôi, ghê tởm cả bốn thằng đàn ông đang ngồi trước mặt. Tôi lại nhớ đến Hải và những ngày xưa...
...Mấy năm sau ngày di tản, tôi đựơc tin Hải bị lưu đày nơi núi rừng Việt Bắc cùng với chồng của một chị bạn học ngày xưa. Khi chị ấy vượt biển sang được miền đất tự do, chúng tôi có dịp gặp nhau, có nhiều thì giờ kề cho nhau nghe. Tôi được biết chồng chị đã chết vì kiệt sức, còn Hải thì bị chúng giam cầm riêng trong ngục tối vi trong những ngày cuối cùng chàng không chịu tuân lệnh Dương Văn Minh cho lính buông súng đầu hàng. Đáng lẽ ra Hải đã bị xử tử, nhưng vì mẹ chàng tình cờ gặp lại một người em làm lớn ở phiá bên kia. Bà đã cố gắng lạy van người em cứu con mình nên bản án tử hình của Hải không đem ra thi hành.
Nhưng dù không giết chàng ngay khi ấy, vì nhân danh khoan hồng và nhân đạo, vì tình nghiã gia đình, người Cộng Sản tìm cách giết Hải dần dần bằng những trận đòn tra tấn, thù hằn. Chúng nghĩ rằng trong đầu óc chàng chứa đựng cả một âm mưu ghê gớm, chống lại chúng. Không bao giờ người Cộng sản biết được Hải đã nghĩ gì, và đổi lại chàng phải gánh chịu những cực hình man rợ nhất. Tôi bỗng nhớ đến đôi mắt Hải, đôi mát sáng và trong như tâm hồn của chàng. Ngày ấy, mỗi lần hát cho tôi nghe những bản tình ca thì đôi mắt kia cũng nhìn tôi đắm đuối.
Cuộc sống của chúng tôi ở nước ngoài vô cùng thoải mái, Thức lúc nào cũng khôn ngoan trong công chuyện làm ăn và chưa bao giờ chồng tôi thất bại. Tiền bạc vật chất dư thừa không làm tôi cảm thấy vui tươi trong cuộc sống. Tôi luôn luôn bị ám ảnh rằng còn thiếu Hải một món nợ không bao giờ trả nổi bằng những vật chất dư thừa mà tôi đã có. Những lời hẹn hò ngày xưa thật ra không bay theo gió. Chúng vẩn hiện hữu trong tâm hồn tôi hôm nay đề nhắc nhở rằng tôi chỉ là một người đàn bà bội phản, một người đàn bà giối gian trong một cuộc tình tươi đẹp nhất, một người đàn bà ham giàu sang danh vọng mà quên đi cả những lời thề trang trọng trong đời.
Tôi cố gắng tìm mọi cách để liên lạc và giúp đỡ Hải khi được biết chàng được thả ra, nhưng vô ích. Hải tìm đủ mọi cách tránh né và từ chối sự giúp đỡ vật chất của tôi cho dù chàng thiếu thốn. Đã mấy lần tôi kín đáo nhờ cậy bạn bè, dò la tin tức nhưng cũng chỉ biết đại khái rằng chàng đã được thả ra sau bảy năm tù tội. Rồi khi có chương trình ra đi nhân đạo dành cho những cựu tù nhân, tôi vẫn hồi hộp đợi chờ sẽ có một ngày gặp lại Hải trên miền đất tự do. Nhưng chờ mãi cho đến khi không còn kiên nhẫn nữa, tôi đành phải nhờ người chị cùng học với tôi ở Đà lat khi xưa lên tìm Hải, và tôi được biết rằng Hải không có ý định ra đi.
Hôm qua, trước khi lên Đà lạt, tôi đã nói chuyện nhiều với chị Tâm về Hải. Tôi cũng cho chị biết là tôi sẽ lên đây tìm Hải vì chị cho biết Hải vẫn ở ngôi nhà ngày trước, nhưng bây giờ thì mẹ chàng không còn nữa. Có điều không hiểu sao chị Tâm không hề khuyến khích tôi mà lại có ý ngăn cản tôi đừng lên.
- Ngọc à, chị hỏi thực, em có còn yêu Hải nữa không?
- Sao vậy chị, chị có biết rằng em về đây chỉ là để gặp lại Hải một lần. Bao nhiêu năm đã qua rồi, bây giờ em chắc chắn nói với chị rằng trong đời em, em chỉ yêu một mình Hải mà thôi.
- Chị biết chứ... nhưng mà..
- Nhưng mà sao hả chị, hay là Hải đã có gia đình. Nếu thế thì em cũng mừng cho Hải và đúng như chị nói, em không nên lên trên ấy.
- Không phải đâu, Hải vẫn còn độc thân. Chị biết Hải vẫn còn yêu em, chắc chỉ yêu có mình em thôi. Nhưng mà…
- Thế là đủ rồi. Thế thì em lại càng nên gặp Hải để xin anh ấy một lời tha thứ. Em cũng muốn khuyên anh ấy nên nghĩ đến mình mà hãy lập gia đình để có người lo cho lúc về chiều.
- Thôi tùy em đấy, nhưng theo chị nghĩ người như Hải chắc chẳng nghe ai...
Tôi muốn đi bộ một mình trên những con đường xưa để nghe thấy lòng mình rung động theo từng sự đổi thay của cảnh vật. Nắng lên, Đà Lạt đắm chìm trong ánh sáng. Tôi nghe thoáng đâu dây tiếng suối reo trong rừng thông vắng. Gió êm đềm chở những hương thơm của muôn loài hoa Đà lạt bay bay trong không gian sáng trong như ngọc. Ngày xưa Hải vẫn thường nịnh khi anh bảo rằng đời anh may mắn có một viên ngọc quí là tôi. Anh thường nói rằng “mỗi sáng, nắng lên cao, nhìn cây cỏ xanh tươi chìm trong ánh nắng, anh cứ tưởng đến những viên ngọc bích, và anh lại nghĩ tới em”. Hôm nay trong khúc đường quanh co của một không gian xưa cũ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng thầm thi êm dịu cuã Hải rót vào tai tôi những lời mật ngọt yêu đương…
Qua khỏi con dốc vắng là đến con đường dẫn đến khu nhà nằm ở ven đồi. Ngày xưa không biết bao nhiêu lần tôi đi ngang qua chốn này để đến thăm mẹ Hải, để chờ đợi chàng trong những chúa nhật đựơc phép ra ngoài dạo phố. Nhà của Hải không lớn lắm nhưng hoa hồng thì lại rất nhiều. Những bụi tường vi uốn ngoài đầu ngõ phô bày những chùm hoa mơn mởn tươi xinh, những đóa hồng đỏ thắm, vàng tươi, trắng muốt. Cả một rừng màu sắc rực rỡ như tuổi thanh xuân quây quần lấy hai chúng tôi dạo ấy.
Tôi dừng lại trên đầu dốc, ngạc nhiên nhìn con đường quanh co phiá dưới chân đồi, chẳng còn gì ngoài những vạt đất khô cằn, những bức tường đổ nát loang lổ rêu bụi phủ mờ. Cả một thôn xóm trù phú tươi xanh ngày xưa đã bị giải phóng cuốn trôi đi chỉ còn lại đổ nát, lở lói hoang tàn. Tôi lần xuống con đường hỏi thăm bà cụ đang ngồi thái khoai bên túp lều gần đó.
- Cụ ơi cho con hỏi thăm.
Bà cụ ngửng đầu lên nhìn tôi đăm đăm khiến tôi hơi ngượng vì những gì mình đang khoác trên người. Dù đã cố gắng ăn mặc giản dị nhưng vẫn tương phản với nhưng rách rưới nghèo nàn chung quanh. Tôi đứng im lặng đợi chờ một sự cảm thông, giúp đỡ. Bà cụ ngừng tay, mời tôi ngồi xuồng chiếc ghế mây duy nhất đã rách nát xác xơ.
- Cô muốn hỏi thăm ai?
- Dạ cháu muốn hỏi thăm ông Hải. Cháu nghe mói ông ấy vẫn còn ở đây phải không, thưa cụ?
- Có phải là ông Hải đang bị quản chế đó không? Thế cô là gì của ông ấy? Bây giờ chắc ông ấy không có nhà đâu. Nhà ông ấy ở ngay kia kià.
Vừa nói bà cụ vừa chỉ đến một túp lều khác được dựng ngay trên nền căn nhà cũ. Đó chỉ là một mái tranh dựa trên một bức tường vôi duy nhất còn sót lại, chung quanh được che bằng những tấm tranh thưa. Đúng rồi, đó là nhà của Hài ngày xưa. Tôi còn nhớ chiếc cổng rào thưa trồng, những hàng cây tường vi hồng lạt. Không trả lời mà tôi lại hỏi ngay bà cụ.
- Sao mà ở đây nhà nào cũng bị phá đi tan nát hết? Chắc lúc trước đánh nhau ở đây dữ lắm, phải không cụ?
- Đâu có đánh nhau gì. Ngày mới vô các ông ấy nói là phải đi kinh tế mới, bắt dân rỡ hết nhà cửa mang lên rừng ở. Mấy năm ở trên ấy chẳng ai ngó ngàng gì đến, làm không đủ ăn nên lại lục đục kéo nhau về thì nhà cửa còn đâu. Thôi đành che tạm để có chỗ mà chui chứ biết làm sao. Nhìn quanh một lượt như để cho tôi thấy rõ hơn quang cảnh hoang tàn bà cụ lại tiếp. - Như cái chú Hải đây. Bà mẹ chú ấy mất ở trên rừng, lúc được thả về thì nhà chẳng còn gì. Cũng may là nhờ hàng xóm che tạm cho mái lều, chứ không thì thật khổ.
- Thế ông Hải bây giờ làm gì thưa bác?
- Chú ấy mà làm được gì ngoài cái mò mẫm đan giỏ ở tổ hợp mây tre xuất khẩu, vả lại người ta có cho chú ấy đi đâu đâu.
- Sao vậy bác?
- Thì chú ấy bị quản chế mà. Ai đời lại có người dại như chú ấy. Người ta cho đi sang Mỹ mà lại không chịu. Tôi hỏi tại sao thì chú ấy bảo đất nước của mình, mình ở chứ đi đâu. Thế là người ta lại càng nghi ngờ rằng chú ấy có âm mưu gì nên họ canh chừng dữ lắm, cấm không cho bước đi đâu.Thế, cô là gì của chú ấy?
- Cháu là... cháu là..
Tôi chưa biết trả lời sao thì bà cụ lại chép miệng.
- Chắc cô muốn làm vợ chú Hải chứ gì? Bữa trước cũng có mấy cô ở Sài Gòn lên đây muốn làm vợ chú ấy, nhưng mà chú ấy đâu có chịu.
Tôi ngạc nhiên hỏi dồn.
- Muốn làm vợ anh ấy, thật không bác.
- Sao lại chẳng thật, thì cô tính chú ấy còn độc thân lại có điều kiện đi Mỹ, ai mà chẳng muốn. Được sang bên ấy cái đã mọi chuyện tính sau. Có người lại còn đề nghị trả tiền cho chú ấy ngay bên này nữa chứ. Thế cô tìm chú ấy làm gì.
Tôi nghẹn ngào.
- Thưa bác, cháu không phải tìm anh Hải để mặc cà đi Mỹ đâu, cháu hiện nay đang ở Mỹ. Cháu chỉ muốn tìm anh Hải để trả cho anh ấy một món nợ, hay là xin anh ấy tha cho một món nợ ngày xưa.
Bà cụ nhìn tôi chăm chú như để đo lường câu nói. Khi những giọt nước trên mắt đầm đìa nhỏ xuống, tôi nhận được sự cảm thông trong đôi mắt già nua trìu mến nhìn tôi. Ngừng tay bà lại kể.
- Tôi ở đây, bên nhà chú Hải đã từ lâu lắm.Tôi và bà mẹ chú ấy hàng xóm với nhau khi từ ngoài Bắc mới di cư vào đây. Tội nghiệp cho chú ấy, hiền lành thật thà. Hồi trước, tiếng là sĩ quan nhưng lúc nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người như thời còn đi học. Bây giờ thật là khốn khổ, trời lạnh thế này mà chú ấy không có cái chăn nào, phải đắp bằng mảnh bao bố cũ. Công việc thì chú ấy làm chậm lắm có bao giờ đủ ăn đâu, lấy gì mà may với mặc.
Tôi nhìn qua con đường đất đỏ. Phía bên kia là căn lều của Hải được cất trên nền nhà cũ. Tôi hỏi bà cụ.
- Thưa bác, cháu muốn sang bên kia, chỗ nhà ông Hải. Cháu muốn chờ ở đấy để gặp ông ấy có đựơc không ạ?
- Cô cứ tự nhiên. Lúc nào chú ấy về tôi sẽ nói cho chú ấy biết.
- Xin bác đừng nói gì cả, cháu chỉ muốn dành cho ông ấy ngạc nhiên.
Chào bà cụ tôi đi vào ngõ cũ, bồi hồi nhớ lại những lần hai đứa bước song đôi lên thềm với ước mơ ngày cưới. Nền nhà bây giờ nằm chơ vơ phơi sương gíó.Tôi nhận ra tấm phản cũ đã mòn nhẵn với thời gian. Màu gỗ bóng lộn sang trọng ngày nào giờ đây bạc thếch, ẩm mục. Chính ở nơi tấm thảm này, vào một đêm không trăng nhưng đầy sao sáng. Tôi không bao giờ quên đựơc đêm ấy, năm xưa.....
...Tôi nũng nịu đi sát người chàng, chiếc áo trận màu xanh còn nguyên mùi hồ cứng. Đêm yên lặng quá, chỉ có những vì sao thấp thoáng đang nhìn trộm chúng tôi. Ôi những vì sao long lanh tình tứ như đôi mắt của chàng. Những vì sao cách xa cả hằng triệu năm ánh sáng cũng đã biết và đồng tình với hai đứa chúng tôi. Mùi hoa hồng nhẹ nhàng làm tâm hồn tôi càng thêm đê mê rạo rực. Hải ôm lấy tôi hôn nhẹ lên môi rồi hỏi.
- Có chuyện gì mà em nhắn anh phải ra gấp đêm nay? Em biết không, anh phải nhờ thằng bạn gác thế cho, rồi leo rào ra ngoài này. Mấy ông sĩ quan cán bộ mà biết đựơc thì anh nằm nhà kỷ luật ngay.
- Đêm nay đẹp quá phải không anh. Trăng sẽ lên, và hoa sẽ nở những bông đầy hương sắc. Em chỉ muốn đựơc nằm trong vòng tay anh đêm nay, có được không anh.
- Sao lại không được. Anh sẽ làm bất cứ chuyện gì có thể được để làm vừa lòng viên ngọc qúy nhất đời anh.
Chúng tôi hôn nhau dài như chưa bao giờ được hôn nhau như thế. Chúng tôi hôn nhau say sưa như không bao giờ thỏa mãn. Tôi hiến dâng mà không hề nuối tiếc. Chúng tôi quấn quýt tan biến vào nhau cho đến khi gà gáy sáng....
Tiếng ai nói lao xao ngoài ngõ làm cho tôi chợt tỉnh giấc mơ xưa. Ngoài sân nắng đã nghiêng nghiêng soi qua vách lá tranh thưa. Có tiếng chân người vội vã.Tôi ngửng lên nhìn thấy bà cụ hàng xóm bước vào báo cho tôi biết là Hải đang về. Tôi hồi hộp nhìn ra con đường đất ngoằn nghèo, giật mình thấy một người đang chống gậy mò mẫm từng bước đi tội nghiệp.
- Đấy chú ấy về kia kìa. Tội nghiệp, hồi còn cải tạo chúng nó đánh cho khốn khổ, lại còn tra tấn, không biết vì sao mà đôi mắt hóa thành mù luôn. Tôi đứng lặng người nhìn người đàn ông tàn tạ mù loà, tội nghiệp, đang sờ soạng những bước đi về phía tôi mà không nói đựơc lời nào. Vẫn biết sự tàn phá của thời gian nhưng trời ơi, Hải của tôi ngày xưa giờ thay đổi đến thế này sao. Mái tóc rậm dài loà xòa điểm rất nhiều sợi bạc. Hai hố mắt sâu thẳm đen ngòm ghê sợ. Tới trước nền nhà người ấy tự nhiên dừng lại như vừa khám phá có điều gì khác lạ..
- Ai, có ai đấy. Ai đang chờ tôi phải không?
Bà cụ toan lên tiếng, tôi đưa tay ra hiệu cho bà cụ đừng nói đến tôi.
- Tôi đây chú Hải, sao hôm nay đi làm về sớm vậy.
- Đang làm thì mấy thằng công an nó cho xe tới mời lên đồn làm việc, cứ khai đi hỏi lại những câu từ trước tới nay. Chẳng biết bao giờ chúng nó đề yên cho mình đây.
Nói xong Hải ngồi sụp xuống gỡ chiếc nón mê đang đội trên đầu bỏ vào gậm phản rồi đưa tay vào túi móc ra bao thuốc lá, rút ra một điếu. Điếu thuốc cong queo thảm hại như cuộc đời của chàng. Hải vuốt lại sơ sài rồi run rẩy đưa lên môi. Chàng bật mãi chiếc bật lửa đã qúa cũ mấy mươi lần mà không hề cháy. Hải lại đứng lên lần mò đến bên bếp tro thổi tung lên để kiếm mảnh than còn sót laị. Chàng cầm lên thanh củi nhỏ, lấy tay sờ soạng xem còn hơi nóng. Khi châm xong điếu thuốc, kéo một hơi dài chàng lại nói tiếp với bà cụ.
- Tháng này bên hợp tác xã họ bảo hàng bị trả về nhiều lắm thành thử ra họ chưa trả công cho mình. Từ hôm qua đến nay cháu phải ăn khoai. Có mấy củ đem đi tính để ăn trưa mà đã kịp ăn đâu thì chúng nó lôi đi.
Hải mò mẫm đặt cái túi vải đang đeo trên vai xuống phản. Chàng lôi ra một miếng lá chuôi đựng mấy củ khoai lang luộc, một cái gói giấy nhỏ đựng ít muối tiêu. Chàng cúi xuống đưa tay sờ vào tấm phản để dò dẫm trước khi ngồi xuống. Hải cẩn thận tắt điếu thuốc còn đang hút dở trên môi đút lại vàotrong bao thuốc rồi mới bắt đầu ăn. Đôi bàn tay run run đưa củ khoai lên miệng. Bà cụ hàng xóm yên lặng nãy giờ mới lên tiếng.
- Chú Hải à, có cô này...
Tôi đưa tay ra dấu ngăn cản nhưng không còn kịp nữa. Hải hơi giật mình song vẫn tiếp tục nhai miếng khoai đang còn trong miệng.
- Cô nào bà nào nữa? Cháu đã nói nhiều lần nhờ bác là nếu họ đến thì bảo họ rằng cháu không có đi đâu hết. Đất nứơc mình đây thì mình có quyền ở chứ đi đâu. Mà nếu cháu có đi thì cũng không bao giờ làm chuyện gian dối để lấy tiền lấy bạc đâu.
- Không, không phải cô này muốn chú đem sang Mỹ đâu. Cô ấy đang ở Mỹ rồi, chỉ muốn gặp chú để khất nợ thôi.
Hải bỗng giật mình đúng phắt ngay lên, trong lúc vội vã không hề chuẩn bị, chàng không biết đến mảnh ván đã nghiêng, giờ đổ xuống kéo theo chàng và mấy củ khoai văng ra lăn lóc dưới nền nhà. Tôi không còn yên lặng thêm đựơc nữa, nước mắt chảy ra ràn rụa tự bao giờ. Tôi chạy đến ôm chầm lấy Hải, đỡ chàng lên, kéo đầu chàng sát vào ngực mình nói trong thổn thức.
- Anh Hải ơi, em đây, Ngọc đây. Ngọc ngày xưa của anh đây. Sao anh khổ thế này?
Chúng tôi ôm lấy nhau không biết là bao lâu nữa. Thời gian nào có nghiã gì đâu cho những kẻ yêu nhau. Chúng tôi ngày xưa đã có cả một giòng sông mộng mơ, mà cuộc đời này đã làm khô cạn bởi những toan tính tham lam, hèn yếu. Phút giây bàng hoàng đã qua đi tôi hỏi Hải.
- Sao anh không làm đơn ra đi như bao nhiêu người khác cho cuộc đởi đỡ khổ?
Hải đưa bàn tay chai đá sờ soạng vuốt tóc tôi, trầm ngâm trong giây lát, trả lời.
- Sao em lại nghĩ rằng anh đang khổ sở. Anh thua trận, anh mất đi đất nước thì dĩ nhiên là anh đã mất tất cả rồi. Đến cả ngay cái cuộc sống anh đây cũng tùy thuộc trong tay kẻ thù. Chúng nó cho đi thì được đi, bắt phải ở là ở lại. Chúng anh có quyết định đươc gì đâu. Cho dù ở lại đây hay sang bên ấy chúng anh chỉ là những người có cuộc sống thừa. Sống mà như đã chết. Chỉ có một cách là phải khôi phục lại giang sơn đất nước xưa thì mới sống đựơc chính cuộc sống mình mong muốn. Thế mà ai cũng sang bên ấy cả thì còn ai đấu tranh để mong một ngày kia khôi phục lại giang sơn. Còn sướng hay khổ thì thật là tương đối, tùy theo ý nghĩ của mỗi con người. Đâu cứ phải là có miếng ăn ngon hằng ngày, chăn nệm ấm êm mỗi tối mới là sung sướng. Niềm sung sướng hạnh phúc cuả anh là được sống theo lý tưởng, theo ý muốn của mình, được nhìn thấy muôn người ấm no, hạnh phúc.
- Em thấy bây giờ người ta cũng đổi thay nhiều lắm, cũng tự do đi lại buôn bán sầm uất hơn xưa. Thôi anh ạ, cả đời anh hy sinh cho đất nước, bây giờ anh nên nghĩ đến thân anh.
Hải mỉm cười khoan dung.
- Ngọc ạ, em lúc nào cũng đáng yêu làm anh không bao giờ quên em hay giận em cho được. Nhưng em thử nhìn lại mà coi, cái phồn vinh giàu có của đất nước mình chỉ nằm trong tay của nhóm người cai trị, ở một vài thành phố lớn, còn đại đa số dân lành thì cuộc sống như anh đây và bà cụ hàng xóm kia, ăn họ ban phát cho, nói theo lời của họ. Muốn có ý kiến hay đời sống riêng tư thì đi cải tạo. Những cao ốc những nhà hàng sang trọng mọc lên chỉ để cho những người Cộng Sản đang nắm quyền và những người ngoại kiều như em chứ có dành cho dân chúng đâu. Người Cộng Sản khôn lanh quỷ quyệt, khi mà chính quyền nằm ttrong tay của họ thì ta không thể kêu gào xuông mà đòi lại đựơc mà phải bằng những hành động đấu tranh quyết liệt. Nếu ai cũng ra đi thì lấy ai trực diện với kẻ thù. Anh vẫn biết một con én không làm nổi mùa xuân nhưng có con chim én cũng cho người ta hy vọng rằng mùa xuân sẽ đến.
Hải ngừng nói, ôm lấy tôi chặt hơn, tiếng chàng thì thầm bên tai tôi.
- Còn em, em là mùa xuân của riêng anh. Em đang giữ của anh cả tuổi thanh xuân, chúng ta đã có chung một giòng sông ước mơ trong dĩ vãng. Cho dù không được sống bên nhau nhưng trong bất cứ lúc nào cô đơn buồn chán nhất ở cuộc đời nầy anh đều nghĩ đến em, và tưởng như có em bên cạnh.
Đêm xuống tận bao giờ. Tôi rung động theo từng tiếng thì thầm êm đềm của Hải. Chàng lúc nào cũng đại lượng khoan dung, cho dù là với một người phản bôi như tôi. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau quên đi cả cái lạnh của Đà lạt và không cần nghĩ đến thời gian.
Đột nhiên tôi nghe tiếng ôn ào rồi những buớc chân vội vã. Chúng tôi hốt hoảng buông nhau ra khi thấy nhưng người công an Cộng sản ào vào như cơn lốc. Hai người lăm lăm chiã súng vào mặt Hải. Người thứ ba - có lẽ là cấp chỉ huy - trong bọn chửi thề
- Mẹ bố thằng này, gớm thật, mới vừa mới gọi lên làm việc cho về là liên lạc ngay với người nước ngoài.
Nói xong hắn ta gật đầu ra lệnh. Hai thằng công an xông tới dùng báng súng đánh tớt tấp lên đầu lên cổ Hải. Chàng loạng quạng bước đựơc vài giây rồi gục ngay xuống. Một giòng máu đỏ từ đầu chảy xuống. Tôi rú lên khiếp sợ hãi hùng. Trong cơn mê sảng tôi còn nghe thấy tiếng la hét của ngừơi chỉ huy.
- Lôi cổ nó về đồn còng tay nó lại.
…Rất lâu tôi tỉnh lại, ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên giường nệm ấm êm của khách sạn. Đêm đã khuya lắm rồì, căn phòng tối om như điạ ngục đang vây phủ thân hình tôi. Tôi nhớ lại những gì đã xẩy ra trong buổi chiều. Hình ảnh Hải mù loà, lăn lộn dưới chân hai thằng công an mặt đằng đằng sát khí làm tôi kinh hoàng và hối hận. Trời ơi tôi chỉ đem đến cho cuộc đời Hải những tai họa, khổ đau và bất hạnh. Đêm đen tối quá, đêm dài tận cùng như đêm không bao giờ sáng. Tôi sờ soạng chung quanh không thấy Thức đâu. Bao nhiêu câu hỏi chợt đến với tôi. Ai đã mang tôi về đến khách san và giờ này Thức còn đi đâu mà không về ngủ. Tôi chỉ mong trời sáng để biết tin Hải sống chết ra sao, để giải tỏa những thắc mắc đang vướng bận trong lòng.
Bỗng tôi chợt nghe có tiếng người nói lao xao ngoài cửa. Trời đã khuya mà ai còn đang thức giờ này.Tôi rón rén bước ra kinh sợ thấy tên trùm công an đã nhìn tôi hau hau lúc ban trưa đang nói gì với Thức. Hắn bỗng cười lên ha hả.
- Ông tính mười mấy báng súng mà nện vào đầu thì làm sao sống nổi. Những thằng hèn nhát thì đã trốn đi hoặc là chúng tôi cho sang hết cả bên ấy rồi, còn những thằng cứng đầu như thằng Hải này thì cho nó về âm phủ mà đòi tự do dân chủ.
Tôi lặng người ghê sợ không dám nói một lời nào. Tôi sợ chồng tôi. Tôi sợ hãi cái độc ác của lòng người. Tôi sợ hãi cuộc đời còn lại mà tôi phải sống. Tôi sợ hãi đêm dài đang bao phủ Việt Nam. Hôm sau tôi vội vã rời xa Đà Lạt. Khi xe gập ghềnh qua thác Preen, tôi nhìn con nước lững lờ trôi mà khóc thương cho một dòng sông.
(Thân tặng tất cả Nguyễn Trãi và các chiến hữu Biệt Động Quân thân mến của tôi. Viết để nghĩ về người bạn tù khi được biết hắn không có ý định ra đi)

Xem Tiếp: ----