Lời mở đầu:

     háng chạp năm Giáp Dần (1854) đời Tự Đức thứ bảy, quan phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đi đánh bắt được Cao Bá Quát, đem về chém tại làng.
(Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim)
... Tự Đức phái thêm 500 lính từ Thanh Hóa ra đóng tại Sơn Tây và treo giải thưởng 500 lạng bạc cho người nào bắt được Cao Bá Quát và 300 lạng bạc cho người nào giết chết được Cao.
Quân nhà Nguyễn do lãnh binh Sơn Tây là Lê Thuận và quân khởi nghĩa do chính Cao Bá Quát chỉ huy đã giao chiến tại vùng Yên Sơn, phủ Quốc Oai. Trong lúc giao tranh, Cao Bá Quát đã bị viên đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Quân của Cao Bá Quát bị tan vỡ, 100 chết, 80 bị bắt sống. Tự Đức ra lệnh đem đầu của Cao Bá Quát bêu khắp các tỉnh ở Bắc Hà rồi bổ ra ném xuống sông.
(Lời giới thiệu “Tuyển tập thơ văn Cao Bá Quát” của Vũ Khiêu - Nhà xuất bản Văn Học 1984)
... Cao Bá Quát phải giam ở ngục Sơn Tây, bị đóng cũi đem xuống Hà Nội rồi đem về nguyên quán ở làng Phú Thị chịu án xử quyết.
... Anh em sinh đôi của Cao Bá Quát là Cao Bá Đạt, Đạt đương làm Tri huyện Nông Cống (Thanh Hóa), vì việc liên lụy mà bị bắt giải về Kinh. Đau đớn nỗi vạ diệt môn, đi dọc đường cắt đầu ngón tay lấy máu, viết tờ biểu kêu thương để lại, rồi tự đâm cổ mà chết. Cháu gọi Cao Bá Quát bằng chú ruột là Cao Bá Nhạ, con Cao Bá Đạt, bỏ trốn. Tám năm trời Cao Bá Nhạ lẩn lút ở vùng núi Hương Sơn, tưởng đã thoát, không ngờ có kẻ tố giác, Cao Bá Nhạ bị vây bắt đóng cũi đem về giam ở Hà Nội rồi sang ngục Bắc Ninh, sau bị phát vãng chết trên đường ngược.
... Cao Bá Quát không bị chết trận, không bị đem về chém ở làng - vì cả làng không ai kể lại chuyện ấy. Còn Cao Bá Nhạ phải về chém ở làng thì ai cũng nhớ ngày 19 tháng 7 âm lịch (1861), bây giờ vẫn còn kể lại và vài chục năm trước vẫn còn giỗ. Đồn rằng Cao Bá Nhạ vừa bị chém xong thì có chiếu vua ra cho ân xá. Hai con Cao Bá Nhạ trốn được. Sau khi Cao Bá Nhạ chết khoảng mười năm thì có một người con về làng ít ngày rồi đi hẳn.
... Về vạ tru di tam tộc như các sách nói thì người làng Phú Thị còn kể rằng quan quân về bắt cả già trẻ lớn bé họ Cao đem ra chợ Sủi đóng cọc, trói lại rồi tra hỏi ai biết Cao Bá Quát ở đâu. Bỗng một đám nghĩa quân ở trên đê tràn xuống. Quan quân chạy hết, mọi người được cởi trói rồi tất cả bỏ làng đi, mấy chục năm sau mới có vài nhà về - trong đó có chị họ nhà thơ Cao Bá Thao.
... Khi thua trận ở Mỹ Lương, Cao Bá Quát đã một mình chạy về Hà Nội, vào một ngôi chùa vùng Khâm Thiên có người nhà tu ở chùa ấy. Cao Bá Quát thay hình đổi dạng thành nhà sư, rồi đi biệt tích.
(Những mẩu chuyện trên, nhà thơ Thao Thao - Cao Bá Thao đã kể lại theo lời ông thân sinh và nhiều cố lão làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội).