Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
IV & V

     on Kostaky không còn bị tình nghi nữa nên được phép ở chung với Pillat trong biệt thự của Aurel Popesco. Một hôm Pillat bảo:
- Con sẽ nhận chức ở bộ chỉ huy lực lượng Đại Tây Dương, chúng ta sẽ có một căn nhà để tạm trú và để cha bồi dưỡng sức khỏe, rồi chúng ta sẽ tính sau. Điều chính yếu là chúng ta sẽ có được một chỗ ở tiện nghi và có thể tạm nghỉ chân.
Kostaky nghe mà không nói gì, Pillat biết là ông ta đang nghĩ đến Marie.
Lúc Burian bước vào phòng thì hai người đang đối diện với nhau ở phòng khách, Kostaky liền bỏ vào phòng. Burian tỏ về bất bình:
- Hoa Thịnh Đốn đã trả giấy tờ của anh cho chúng tôi, và là lần thứ hai rồi đó. Anh không được bổ nhiệm trong bộ chỉ huy nầy dù Aurel Popesco đã cố nài nỉ cho anh.
- Người ta đã từ chối tôi hay sao?
- Tại vì anh không có một quá trình chính trị rõ ràng.
Người Mỹ đã dò hỏi tin tức về anh nhiều lần. Và tôi đã gởi cho rồi. Bây giờ thì họ đã trả lời rõ ràng, họ từ chối không bổ nhiệm anh vì quá khứ chính trị của anh đáng nghi ngờ.
- Nhưng tôi chưa hề làm chính trị.
- Cho đến ngày người Nga chiếm đóng Lỗ ma ni, nghĩa là cho đến ngày chiến thắng, như người Anh vẫn thường nói thế, anh vẫn là thẩm phán?
- Đúng vây. Và khi người Nga đến, họ đã loại tôi ra khỏi thẩm phán đoàn.
- Và anh bỏ về làng vợ anh ở Piatra?
- Đúng như thế. Ở Piatra, tôi làm ruộng với bố vợ tôi để sinh sống, vì tôi không còn phương tiện nào khác hơn để sinh sống.
- Ở Piatra, anh cố để được gia nhập đảng cộng sản?
- Đúng vậy, tôi cố để được nhận vào đảng để tìm kế sinh nhai, nhưng tôi đã không được toại ý.
- Trong các ý định của anh, như anh đã khai trong biên bản người ta chú ý đến lời yêu cầu của anh xin gia nhập đảng cộng sản Lỗ ma ni.
- Đúng vây, tôi có yêu cầu như thế.
- Và chính vì lý do đó mà người Mỹ từ chối không bổ nhiệm anh vào chức vụ ở bộ chỉ huy. Luật lệ Hoa Kỳ trong phạm vi này thật rõ ràng. Bất cứ ai đã vào đảng cộng sản dù chỉ là một giờ cũng không được bổ nhiệm vào một chức vụ trong chính phủ, mà nếu là người ngoại quốc thì họ cấm không cho nhập nội xứ Hoa Kỳ.
Pillat ngẫm nghĩ một lát. Nếu đó là luật lệ của Hoa Kỳ thi dĩ nhiên họ phải từ chối bổ nhiệm chàng. Chàng không còn gì để đòi hỏi hay thắc mắc. Chàng đành phải một mình lo liệu lấy, chàng chỉ tiếc là đã nhận lời rời bỏ nước Pháp, Burian nói thêm:
- Điều hệ trọng hơn là trường hợp của ông bố vợ anh. Kostaky vừa bị liệt vào hạng tình nghi, y theo luật định.
- Cha tôi lại bị tình nghi? Vô lý và khôi hài quá!
- Kostaky đã rời bỏ Gia Nã Đại, mà Gia Nã Đại là một nước dân chủ. Tại sao ông bố vợ anh lại không thể sinh sống, hòa mình trong một thể chế dân chủ. Đó là câu hỏi mà người Mỹ đã chú trọng. Tôi đã đọc biên bản của Kostaky... Công việc ở Gia Nã Đại thật là vô nhân đạo: người ta kiến thiết những đường rầy xe lửa ở các vùng băng giá, lương cao nhưng đời sống quá đắt đỏ, rút cục rồi chẳng có gì cả. Nếu công nhân muốn có ăn hàng ngày thì thế nào cũng mắc nợ... Cứ công nhận là công nhân bị bóc lột đi. Nhưng người Mỹ lại không hiểu cho rằng một người làm công từ bỏ một thể chế dân chủ chỉ vì người đó vấp phải một chủ nhân bóc lột; họ đặt ra nhiều giả thuyết nữa cơ. Với họ, ai rời bỏ một quốc gia dân chủ là một người đáng nghi ngờ, đó là một cá nhân không chịu đựng nổi thể chế dân chủ.
- Chúng tôi sẽ cố di cư lần nữa, rất có thể là sang Venezuela.
- Anh di cư càng sớm càng tốt cho xong. Mâu thuẫn đã trầm trọng ở Viễn Đông, bây giờ đang có chiến tranh Triều Tiên. Rồi sẽ đến chiến tranh ở Trung Hoa. Một tuần sau cuộc chiến tranh ở Trung Hoa, mâu thuẫn sẽ xảy ra trong các quốc gia Âu Châu. Pillat bảo:
- Từ khi có Hòa bình đến giờ, nghĩa là từ năm 1945, chiến tranh thật chưa hề ngưng, anh nhỉ?
Burian giải thích thêm:
- Nếu chiến tranh xảy ra ở Âu châu, anh sẽ bị cầm tù ngay tức khắc. Anh thì vì là đảng viên đảng cộng sản Lỗ ma ni, còn ông bố vợ anh thì đã từ bỏ một quốc gia dân chủ không có lý do. Đó tôi nói thật với anh như thế và tôi cũng đã viết thư cho Aurel Popesco bảo rằng anh đang bị nguy hiểm. Danh sách của những người phải bắt giam lúc có biến cố đã có và tôi không thể nào chừa anh ra được. Cả anh lẫn ông bố vợ đều có tên trong danh sách những người sẽ phải bắt giữ.
Sau một chốc yên lặng, Burian lại khuyên Pillat:
- Với tư cách là bạn thân, tôi sẽ giúp anh di cư. Tôi quen biết nhiều, bây giờ người trí thức cũng có thể di cư. Anh thì không bao giờ sang Hoa Kỳ được, nhưng còn các xứ khác trên trái đất nữa chứ, tôi còn có thể giúp anh được. Nhưng với Kostaky, thì đành chịu không ai giúp đỡ cho ông ta được. Các cánh cửa di cư đều đóng kín nên ông ta phải ở đây để chờ các biến cố xảy ra. Ông ta đã bị liệt vào hạng phế thải.
- Hạng nào?
- Hạng phế thải, nghĩa là hạng của cặn bã vô dụng. Anh không thấy là ông ta không còn lấy một cái răng nào cả hay sao?
- Và chính vì đó mà cha tôi là một thành phần cặn bã sao? Ông ta đã đau khổ nhiều rồi mà.
- Nhưng không phải tôi nói như thế. Đó là cách chỉ định chính thức của người Mỹ. Chúng ta hiện có chừng một triệu người mang bệnh bất trị, những người tàn tật và già nua. Đó là những kẻ xơ xác hèn mạt. Họ không thể ghi tên vào bất cứ danh sách di cư nào, ở bất cứ một quốc gia nào. Họ là những thành phần lắng xuống đáy một cốc rượu, là những phần cặn bã, phế thải, «hardcore». Và đó là chữ người ta đã dùng chính thức. Anh đã xem căn cước của Kostaky?
Đúng là tấm căn cước của những người bị phế thải, và được viết lên rõ ràng như thế. Tôi biết là để lên trán hai chữ phế thải thì cũng đáng buồn lắm, nhưng người Mỹ không phải là những linh mục, người ta không thể đòi hỏi họ cư xử như những vị linh mục. Những cá nhân đó là những phần cặn bã của xã hội loài người, người ta không thể rút tỉa những gì ích lợi ở nơi họ cả. Anh thấy Kostaky rồi chứ, cha vợ anh đó, tôi biết, nhưng anh phải thành thật công nhận rằng ông ta không thể xài được nữa!
Pillat nghẹn ngào:
- Cám ơn anh. Tôi chỉ tiếc là phải đi mất bao nhiêu đoạn đường để đến nơi đó, để nhận được cái khuôn dấu phế thải lên trên trán, như những con vật mà thịt thối không thể ăn được nữa. Cám ơn anh.
- Anh cẩn thận đó. Mỗi đêm đều có thể có chuyện xảy ra và anh sẽ bị bắt giữ. Tôi không nói đùa đâu. Ai mà quá khứ chính trị không trắng 100% sẽ bị bắt giữ. Anh và ông bố vợ đều có tên. Vậy phải quyết định ra đi gấp lúc đang còn thì giờ. Nếu ở đây thì chỉ có một đường là bị bắt. Nhanh lên cho rồi.
Pillat uể oải:
- Vâng, tôi sẽ đi gấp.

V

 
Ion Kostaky cầm bó hoa đứng đợi Pillat ở trước cửa. Họ phải đi thăm ngôi mộ của Doina Australie, nên Kostaky đã mua sẵn hoa và đèn bạch lạp. Dạo này, Kostaky đã ăn mặc tươm tất, nên lúc nhìn ông ta, Pillat muốn khóc khi nghĩ rằng: «Làm sao người ta có thể nói rằng con người này lại là một thứ cặn bã được. Không ai có thể là một thứ cặn bã được đâu».
Lên tàu điện với Kostaky, Pillat lại nghĩ: «Kostaky là một thứ cặn bã thừa thãi mà không xã hội nào chấp nhận, không một quốc gia văn minh nào thâu nhận. Phải ở đó và tàn lụn đi tại chỗ», nên chàng gợi ý:
- Ba, đêm nay chúng ta sẽ trở về Lỗ ma ni, ba hiểu ý con chứ?
- Lần đầu tiên, ba thấy trong người khỏe khoắn và có cảm tưởng là mọi việc sẽ êm đẹp và con sẽ tìm ra chỗ làm.
Trong lúc Kostaky mân mê bó hoa dành cho ngôi mộ của Doina Australie, Pillat giải nghĩa:
- Họ không muốn dành cho con chức vụ đó nữa. Và cả ba lẫn con, chúng mình lại còn sắp bị bắt.
- Họ bắt chúng ta? Nhưng nào chúng ta có làm gì đâu?
- Vâng, không làm gì cả. Nhưng đêm nay chúng ta phải trốn đi. Rất có thể chúng ta sẽ bị lính gác bắn guc. Nhưng nếu thoát, chúng ta sẽ trở về sinh sống trong núi rừng xứ Piatra thân yêu, trên dãy núi ở Néamtz.
Pillat đặt tay lên vai Kostaky. Tàu điện dừng ngay trước nghĩa trang, Kostaky càng nắm chặt bó hoa hơn lên, còn Pillat thì giải thích dần dần lý do tại sao họ phải trốn đi:
- Ba, ba là người thuộc thành phần cặn bã của xã hội. Ba không thể đến ở trên bất cứ quốc gia nào trên thế giới này. Ba phải ở lại đây và đi ăn mày chờ bị bắt vì họ đã lập xong danh sách những người tình nghi. Cái tên Kostaky của ba nằm ở trang đầu.
- Họ bắt ba à? Ba có bao giờ bị bắt đâu.
- Rồi ba sẽ bị bắt bây giờ. Ba ở trong danh sách người Hoa Kỳ sẽ bắt vì ba đã từ bỏ một quốc gia dân chủ như là Gia Nã Đại. Làm như thế là đáng nghi ngờ và đáng bị bắt giữ.
- Nhưng ba đã giải thích cho con cả rồi mà, ba không thể nào sinh sống ở đó được.
- Và như thế là phản lại dân chủ. Ai không sinh sống được trong một quốc gia dân chủ là một người bị tình nghi.
Kostaky khong thể nào hiểu nổi điều đó. Phải nói rõ hơn nữa mới được.
- Phải ở lại Gia Nã Đại ư? Ba sẽ chết ở đó mất thôi.
Họ tiến dần về phía nghĩa trang. Vẫn cầm bó hoa trên tay, Kostaky hỏi:
- Và con, tại sao họ cũng muốn bắt giữ con?
- Tại con cũng là một người đáng nghi ngờ, bởi vì con đã cố để được ở lại Lỗ ma ni, vì con đã không trốn ngay mà còn sống chung với người cộng sản, như thế là mờ ám, đáng để bắt giữ.
Họ ngồi lại ở trước ngôi mộ có chữ thập bằng gỗ, trên chữ thập, có đề tên «Doina Australie Pillat».
Cả hai cùng quỳ xuống. Kostaky đặt hai bó hoa xuống đất, một bó cho Marie và một bó dành cho Doina. Kostaky thắp hai cây nến, cắm từng cây xuống mồ. Ông ta lâm râm: «Cây nến nầy dành cho Marie, xin Chúa rước linh hồn con tôi». Rồi với cây nến thứ hai: «Cây nến nầy dành cho Doina, xin Chúa rước linh hồn cháu tôi». Pillat và Kostaky đăm chiêu nhìn hai bó hoa và hai cây nến cắm giữa đất ẩm ướt. Kostaky hỏi:
- Con tin là Iléana còn sống không?
Pillat không trả lời. Cả hai cùng nghĩ đến Piatra, Iléana, Marie và Doina. Kostaky lại hỏi:
- Tại sao họ nói ba là một con người phế thải?
- Vì ba không còn răng nữa, bà đã già, lại bệnh hoạn và khốn khổ.
- Xin Chúa tha tội cho họ.
Quay sang Pillat, Kostaky bảo:
- Chúng ta sẽ đi đêm nay. Vào rừng, không ai còn bảo chúng ta là đồ phế thải, cặn bã nữa.
- Thưa ba, ba không phải là cặn bã. Không con người nào là cặn bã của xã hội cả.
Lần đầu tiên, Kostaky khóc như một người đàn bà. Họ nhìn mặt trời để xem thử bao lâu nữa mới tối. Mặt trời còn ở trên ngôi mộ. Bóng họ đổ dài trên mộ, dọc theo lối đi, trùng với bóng của thập tự giá.