Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
VI & VII & VIII

    
ai ông là cảnh sát ? Eddy hỏi.
Cả hai đều mặc áo mưa và một trong hai có mang một cái cặp da. Eddy chua chát :
- Hai ông còn muốn gì nữa đây ? Hay các ông đến để bắt tôi cho bà vú nghỉ việc ? Thì hai người khác đã đến vì lý do đó rồi ? Để đóng cửa hý viện ư ? Hai ông còn biết tin tức gì nữa ?
Người không mang cặp da bảo :
- Chúng tôi thuộc ủy ban Do thái. Chúng tôi đến đây về vấn đề quần áo.
Nhìn họ, Eddy không thể đoán họ bao nhiêu tuổi, nhưng trong đôi mắt, trên nét mặt, qua cử chỉ, qua tiếng nói, nàng biết rằng họ đang khổ tâm, nàng biết họ đang cảm thấy nhục nhã và sợ hãi. Người nọ nói tiếp:
- Cô biết rằng mội công dân gốc Do thái phải tặng cho những công tác từ thiện của chính phủ một số áo quần tùy theo hoàn cảnh vật chất của mình.
Eddy nhận chuông và lúc Tinka đến nàng bảo ngay:
- Vú, mấy ông này muốn lấy áo quần cũ cho ủy ban Do thái.
- Thưa bà, không phải cho ủy ban. Sự thu góp này để dùng vào những công tác của chính phủ. Ủy ban chỉ có phận sự đi nhận mà thôi.
Người thứ hai rút trong cặp ra một cuốn sổ và nói:
- Theo lợi tức khai báo ở sở thuế, bà phải cung cấp ba đôi giày, năm áo sơ mi, bốn áo dài, hai áo choàng …
- Thôi, lấy hết tất cả cái gì mà các ông muốn cho xong.
Eddy bảo thế và nàng mở tủ áo cho họ, giận đến run người.
- Nếu chính phủ đã ra lệnh cho hai ông lấy áo quần của tôi, xin hai ông cứ việc thi hành, lấy đi. Nếu chừng đó chưa đủ, các ông có thể cởi quần áo tôi đang mặc, lấy tất cả cái gì tôi đang mặc trên người, và để tôi trần truồng.
Nói xong, Eddy vào phòng tắm khóa cửa lại và bắt đầu khóc tấm tức.
Hai người lạ nhìn vào tủ áo, có cả chục chiếc áo dài, những thứ mà Eddy dùng để trình diễn những vai chính. Tinka lên tiếng:
- Tôi đưa cho hai ông vài cái áo quần cũ. Nếu chưa đủ, xin mời hai ông vào đây.
Bà dẫn họ vào nhà bếp, sắp ra dưới chân họ một đống quần áo, giày dép cũ. Hai người chọn lựa xong bỏ vào ba lô và ra về có vẻ hài lòng. Chừng đó đối với họ đã quá đủ.
Eddy xuống nhà bếp. Trên ghế còn hai đôi giày đen giống như cánh hoa. Đó là hai đôi giày của thời nàng còn đi học ở lớp vũ.
- Tạo sao họ để thứ này lại? Eddy hỏi:
- Tôi muốn cho họ đấy, cũng là thứ đáng vứt đi, nhưng họ từ chối và bảo là họ không lấy vì không thể liệt chúng vào loại giày da hay giày vải.
Eddy buồn bã nói:
- Tinka, vú biết là chính phủ đã đóng cửa hý viện của tôi. Mai là ngày trình diễn cuối cùng. Họ lấy áo quần, bắt đuổi người giúp việc, rồi đóng luôn cửa hý viện. Tôi sắp phải làm gì nữa đây, Tinka? Vú nói cho tôi biết đi, tôi sắp phải làm gì nữa đây, Tinka? Bởi vì vú à, tôi phải làm một cái gì trước khi chính phủ lấy luôn cả cuộc đời của tôi. Chắc chắn một ngày nào đó họ sẽ lấy luôn cả cuộc đời tôi … Nhưng từ đây đến đó, tôi sẽ phải làm gì?
Tinka vuốt nhẹ đầu Eddy, bà không trả lời gì hơn được cho Eddy lúc này, trong lúc nàng nức nở khóc:
- Tinka, vú nói cho tôi nghe đi, tôi sẽ trở thành như thế nào đây?
 
 
 VII
Chuyến tàu của Daniel Motok đến thủ đô Bucarest hơi trể. Một giờ trước, đường xe lửa bị thân binh phá hoại. Motok trả giấy tờ cho hành khách toa phòng ngủ và làm biên bản thật nhanh. Đứng trước tấm kính, Motok sửa soạn lại y phục cho đứng đắn, vắt chiếc áo choàng lên vai, xong cầm va li có gói quà của Eddy và đi về hướng biệt thự của bà Debora Petarnik. Thành phố đang chìm trong bóng tối như tất cả các thành phố ở Âu châu vào thời chiến, Motok nhìn đồng hồ và bước nhanh để có thể về trước 9 giờ như đã hứa với Eddy.
“Bà Paternik không mang vương niệm, Motok tự nghĩ, nhưng bà ấy giống một hoàng hậu, bà là đệ nhất phu nhân của quốc gia độc lập của những người Slaves miền nam”. Motok cũng biết mơ mộng như trẻ con, như các thiếu nữ như các thi sĩ vậy. Khi tàu bị đứng lại, Motok, không thể chán nản như những hành khách khác. Y ngồi yên ở ghế và mơ mộng như đang xem màn ảnh hay đang lật những trang sách có hình mầu. Tàu có lẽ trễ đến bảy giờ hay phải ở lại ga cũng nên. Thế mà y không chán nản, không cảm thấy cô đơn vì y vẫn sống bằng mộng, nhưng bây giờ y đang mơ tới bà Paternik lúc đi đường, va li trên tay. Y nghĩ đến hình ảnh những hoàng hậu trong các sách sử để có thể dễ tưởng tượng nhiều hơn về Milostiva Paternik. Y hãnh diện sẽ được vào trong biệt thự của bà hoàng hậu và đưa gói hang cho người bồi phòng già, tóc bạc.
Nhưng hàng chục tiếng còi báo động bỗng vang lên trong thành phố lôi Motok ra khỏi giấc mơ vừa rồi.
Motok trốn vào bức tường bên đường. Bầu trời hình như đang nổi lửa, lửa bốc lên từ lòng đất cùng một lúc với những tiếng còi báo động và những tiếng gầm của động cơ? Lề đường rung động, bức tường Motok đang dựa cũng rung lên. Năm xe mô tô có đèn pha và còi hụ đang lên dốc sau lưng Motok, đèn pha như đang đốt cháy mắt y, lột trần thân thể y. Y càng bám sát vào tường đá để đỡ thấy trần truồng. Ba chiếc xe hơi theo sau cùng, đèn pha chói sang và còi hụ inh ỏi. Motok tái mặt. Hàng mô tô ở dưới đường tiến lên hình như bay hẳn lên không trung, tiếng còi loãng ra trong mây cùng vói những tia sang của ánh đền pha, Motok run lẩy bẩy.
Motok quay đầu lại, một người đứng cạnh y nói:
- Tướng Lilan Paternik đấy!
Lính cưỡi mô tô mạc áo choàng bằng da, nón sắt dưới  ánh sáng đèn pha trông như những người bằng kim khí, ánh thép hiện cả lên ánh mắt của họ nữa.
Mắt của Motok nhức nhối vì ánh đèn pha. Thái dương y ù lên. Y phải quay mặt vào bóng tối.
- Tướng Milan Paternik bao giờ cũng chỉ đi ban đêm với chừng ba xe hơi và 20 mô tô. Đèn, còi hụ với tốc lực 120 cây số giờ. Ông tướng đó không bao giờ di chuyển khác hơn. Một ngày nào đó ông ta sẽ vỡ mặt ; không thể nào đi như thế mà không vỡ mặt được.
Người lạ đứng gần Motok cười héo hắt, và nói tiếp :
- Ông bạn có biết tướng Paternik đi đâu không ? Có lẽ ông vừa mới biết trong một góc phố nào đó người ta vừa mới khám phá ra một người Do Thái hay một người theo Chính thống giáo. Nhưng chắc chắn là một tố cáo láo, vì từ lâu trong xứ nàykhông còn Do Thái và Chính thống giáo nào nữa. Họ bị giết hết rồi. Tuy thế mà « người hùng Paternik » vẫn xuất hiện với đoàn mô tô sát nhân của hắn mỗi hắn biết có một người Do Thái vừa bị tố cáo. Nhưng chắc chắn hắn sẽ không còn tìm được người Do Thái nào nữa. Thôi chào ông nghe ! Milan Paternik sẽ không còn tìm thấy một người Do Thái nào ở đây nữa.
Rồi người đó đ ixa, đi sâu vào bóng đêm.
Motok thầm nghĩ : « Eddy Thall bảo với mình là Lidia Petrovici gốc Do Thái. Người này lại bảo không còn ai Do Thái ở đây nữa, sao thế nhỉ ? » Motok hấp tấp đi về biệt thự của bà hoàng đầy lòng tốt Debora Paternik.
 
VIII
 
Cổng biệt thự của bà Debora Paternik mở rộng, 20 chiếc mô tô tiến vào sân. Tiếng còi hụ ngưng hẳn. Ánh đèn pha vẫn giữ sáng và máy tiếp tục nổ. Những người mang áo choàng da, mặt đanh như thép, vẫn ngồi trên mô tô và sẵn sàng đi.
Milan Paternik xuống xe, bước lên bậc tầng cấp bằng cẩm thạch. Trông hắn trẻ như một tên học trò. Chỉ có huy hiệu cấp tướng, những ngôi sao trên nón và mầu vàng trên tay áo phản chiếu ánh đèn là có thể minh chứng hắn không phải là một tên học trò. Hai người cao lớn cũng mang áo choàng bằng da đã đứng sẵn ở cửa vào. Chuông reo không ngừng chẳng khác gì tiếng còi hụ. Cửa mở. Không chần chừ, Milan bước vào. Chẳng thèm để ý đến tên bồi phòng Ivo Doppelhof. Hắn tiến sâu vào tấm thảm ở phòng khách. Hai người cảnh sát đứng ở phòng ngoài. Tất cả như là đang bao vây căn biệt thự này.
Milan Paternik nói gần như thét :
- Gọi mẹ tôi ra ngay !
Hắn đang đứng trong phòng khách một mình. Dừng lại trước tấm gương soi lớn, Milan dơ hai tay vuốt đôi má nhợt nhạt, gầy gò của hắn, như má của một bệnh nhân ; rồi hắn nhìn kỹ đôi mắt mệt nhọc nhưng tàn nhẫn của hắn, nhìn chiếc áo choàng có cầu vai vàng phản chiếu bộ mặt hắn – như những ánh đèn pha.
Hắn thầm nhủ « Mình mệt quá » Nhưng hắn vẫn hãnh diện về sự mệt mỏi đó và không hề cố gắng kiếm giấc ngủ êm đềm.
Ở phòng bên, bà Debora đã sửa soạn xong. Ivo đang đứng gần cửa. Milostiva hỏi :
- Hắn vẫn nóng nảy như mọi lần ?
- Dạ thưa bà, ông ấy vẫn nóng nảy như thường lệ.
Milostiva không muốn nói chuyện với hắn nữa ; nhưng có ai trái ý Milan cho được. Hắn rất ít đến thăm mẹ hắn. Mỗi lần thăm viếng thường tẻ nhạt và gay cấn. Milostiva hỏi lại một lần nữa :
- Hắn nóng nảy lắm sao ?
- Vâng, rất nóng nảy, thưa bà.
Milan Paternik mới có 26 tuổi, nhưng mọi người biết rõ công trình của hắn, ngay cả một đứa con nít. Hắn đã giết tám trăm ngàn dân Do Thái và người Chính thống giáo.
« Hình phạt lớn lao nhất cho một người mẹ là có một đứa con sát nhân, một đứa con chỉ biết bơi trong máu ». Nghĩ như thế, bà Debora đành lau nước mắt, giọt nước mắt nhỏ như một hạt ngọc. Và bà bước vào phòng khách, người thẳng, mắt nhìn về phía trước, ngay phía Milan đang đứng.
- Milan, tại sao con còn giữ áo choàng.
Milan không hôn tay mẹ như thường lệ. Hắn xoa hai tay, có vẻ rất nóng nảy, và không chịu ngồi xuống.
Milostiva nhìn kỹ bộ mặt tái nhợt, đôi mắt nhọc mệt, đôi vai gầy gò của Milan. Bà không cần biết đến cấp hiệu tướng lãnh trên vai con bà. Bà chỉ đau lòng nhìn đứa con bà đứng đó, nhọc mệt, xanh xao vì làm việc quá sức. Bà đến gần và nói:
- Đưa tay cho mẹ cầm, Milan, con gầy quá!
Đôi tay già yếu, khô đét của Milostiva cầm lấy hai tay của Milan.
- Tại sao con vẫn mang găng tay?
Hỏi thế và bà đăm đăm nhìn đứa con. Đáng lý bà đã hôn chiếc trán cao của Milan, nhưng bà không còn đủ can đảm. Bà đành xiết chặt đôi tay còn mang găng của con bà như không muốn rời ra nữa. Bà thừa biết là con bà, không còn nghe lời bà nữa, lúc nào hắn cũng ngoan cố, như thời còn trẻ. Milan bảo:
- Mẹ, con khổ quá đi mất.
Vừa xiết chặt tay con, Milostiva vừa bảo:
- Có chuyện gì làm con khổ tâm, con cứ kể cho mẹ nghe. Mẹ sẽ giúp con. Nhìn thẳng vào mắt mẹ đi con, đừng quay nhìn nơi khác, vâng, nhìn mẹ như hồi con còn nhỏ ấy mà.
Trong chốc lát. Milan nhìn thẳng những nét nhăn nheo trên làn da trắng trẻo của bà mẹ, nhưng rồi hắn lại quay nhìn nơi khác, tay vẫn cầm hai tay bà mẹ.
- Điều con sắp nói với mẹ làm con khổ tâm quá.
- Milan con, không ai hiểu nổi khổ của con bằng mẹ đâu. Cứ nói đi, Milan, có chuyện gì quan hệ đã xảy ra đến cho con?
Milan bỗng nhiên hỏi mẹ với một giọng nói cứng rắn:
- Thưa mẹ, mẹ biết con là ai không nhỉ?
Nghe hỏi thế, Milostiva nghĩ đến hàng trăm nghìn người vô tội đã bị Milan giết chết. Bà muốn thét lên vì đau khổ, nhưng bà đã tự chủ được, và dịu dàng trả lời:
- Milan, điều gì con đã làm mẹ không cần biết, con vẫn là con của ta và ta vẫn là mẹ của con.
Milan đứng dậy:
- Vâng, thảm kịch là ở chỗ đó mẹ ạ, ở chỗ mẹ là mẹ của con. Vậy con xin mẹ trả lời cho con biết và đừng ngại ngùng gì cả. Con là ai? Mẹ là mẹ của con nên con thiết tưởng mẹ biết rõ điều đó hơn ai hết.
Milostiva không trả lời, bà vừa khóc vừa nhìn con. Milan tự trả lời cho hắn:
- Con sẽ nói cho mẹ nghe con là ai. Con sinh ra cách đây 26 năm ở Budapest, ở một thành phố mà mẹ và cha con đang bị lưu đày. Cả mẹ và cha con đã điều khiển một tổ chức chính trị lấy tên là Zadom, do sở tình báo lập nên. Đáng lý, Zadom phải giải phóng cho dân tộc ta thoát khỏi gông cùm ngoại bang. Nhưng trên thực tế, đó là một tổ chức khủng bố hoạt động trong biển Balkans cho đế quốc Anh. Các chị con và con đều được giáo dục theo tín điều của Zadom. Câu đầu tiên mà con học nói là « Tổ quốc ở trên tất cả ». Cùng với các môn học La tinh, sử địa, mẹ đã dạy con bắn súng, phóng dao, xử dụng súng liên thanh, mẹ đã hãnh diện vì con. Chờ đợi mãi tổ quốc vẫn chưa được giải phóng và cho đến năm 20 tuổi con vẫn chưa hề đặt chân lên quê hương. Đó là niềm khao khát nhất của đời con.
Milostiva tiếp lời :
- Tất cả những kẻ bị lưu đày đều hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về với quê hương, đó là một niềm khao khát thiêng liêng. Mẹ đã không hề ân hận khi nuôi con trong tin điều của tự do, của lòng yêu quê hương, của ý thức độc lập quốc gia. Và mẹ vẫn hãnh diện đã giáo dục con trong những tình cảm thiêng liêng đó.
Milan hỏi thêm :
- Mẹ có nhớ chuyến du lịch đầu tiên của chúng ta ở La Mã không nhỉ ? Thật con ngạc nhiên vô cùng. Trong tất cả các xứ ở Âu Châu mà gia đình ta đã buớc chân đến, chúng ta chỉ biết có nhọc nhằn và khổ sở.
Ở các phòng trong khách sạn, mẹ vừa phải đánh máy những tiểu luận cho báo chí, những biên bản những buổi họp, vừa phải làm bếp, giặt rửa. Đời sống chúng ta ở đâu cũng thế cả, Bá Linh, Ba Lê, Hung gia lợi, Berne, Genève, Sofia, Bucarest, đâu đâu cũng chỉ là những phòng trọ cùng những cuộc họi họp bí mật. Mẹ phải giặt áo quần, đánh máy, nấu khoai tây. Thế mà bỗng nhiên, chúng ta du lịch sang La Mã. Ở một căn biệt thự lộng lẫy, tiêu pha rộng rãi, xe hơi đón rước, lính hộ vệ bên mình. Rồi báo chí, người giúp việc đầy đủ. Mẹ có nhớ những điều đó không nhỉ ? Mussolini đã mời Zadom cộng tác với phát xít. Người Anh, chủ nhân ông của mẹ, đã bảo với mẹ rằng đó là một lời mời không nên từ chối. Họ muốn Zadom hợp tác với phát xít để họ lấy tiền của Phát xít mà phụng sự cho quyền lợi của Anh quốc trong biển Balkans.
Milostiva ngắt lời :
- Trên chính trường những cuộc hợp tác giai đoạn như thế rất thường xảy ra. Điều mẹ đã làm không có chi mới lạ cả. Người Anh đã bảo trợ và khuyến khích mẹ trong chiều hướng đó. Tổ chức mẹ đã không làm gì mà không hỏi ý kiến của người Anh. Chúng ta đã đặt hy vọng ở Anh quốc trong cuộc dành lại tự do độc lập cho dân tộc.
- Sau đó mẹ được mời sang Bá Linh ?
- Vâng. Và Anh quốc đã khuyên mẹ nhận lời. Đó chỉ là một đường lối do những nhu cầu chính trị hồi đó đẻ ra. Nhưng chỉ là tạm thời mà thôi.
- Vào năm 1940, gia đình chúng ta đang ở Bá Linh. Rồi họ đánh thức chúng ta dậy lúc nửa đêm để báo tin là mộng chúng ta đã đạt được. Giấc mơ của mẹ của cha con và của dân tộc đã thành. Tổ quốc đã được tự do và độc lập. Quốc gia đón tiếp mẹ và cha như hai vị anh hùng. Cha mẹ đã giải phóng cho dân tộc, và con được cử làm giám đốc sở cảnh sát, được phong cấp tướng. Ngay từ lúc đầu, từ lúc đầu mới mới phục hồi độc lập, con đã muốn thực hiện ngay các điểm khác của chương trình Zadom. Dĩ nhiên là mẹ đã biết rõ vì đã bao nhiêu lần mẹ đánh máy các điểm đó của chương trình, nào là độc lập, chủ nghĩa xã hội quốc gia chống chủ nghĩa Bôn sơ vít của Nga và chống Do thái nữa.
Milostiva òa khóc, bà bảo :
- Vài điểm khác của chương trình đã được thêm vào sau này; như là để đổi lấy viện trợ đã cho, Hitler và Mussolini đòi chúng ta phải thảo kế hoạch chống Bôn sơ vít. Người Anh yêu cầu chúng ta chấp nhận lời đòi hỏi đó. Họ nói là các điểm đó, trên thực tế, sẽ không bao giờ được áp dụng, rằng sau khi giúp ta giải phóng quê hương, người Anh sẽ cố giúp chúng ta tạo được một nền tự do dân chủ trong quốc gia chúng ta.
- Thực ra, người Anh vẫn ở lại xứ họ và mẹ đã phục hồi tự do cho dân tộc nhờ viện trợ của Phát xít, như là Luân Đôn đã khuyên mẹ làm như thế. Và, bây giờ, mẹ đã thấy trong quốc gia nhỏ bé này có cả một chương trình Phát xít. Riêng con, con không biết chương trình nào khác hơn nữa. Con không hề biết là có vài điểm của chương trình cần áp dụng triệt để để còn vài điểm khác thì không. Con tin tưởng ở Zodom. Con không biết cuộc sống nào ngoài Zadom. Con đã quét sạch hết tất cả các thành phần thấp kém trong nước như Tziganes. Chính thống giáo, Do Thái. Ngày mà Himmler bắt tay và khen con về tổ chức chặt chẻ của quốc gia ta, ông ta bảo rằng : « Đức quốc đã không thành công bằng ông trong chiến dịch trừ Do Thái. Quốc gia ông là quốc gia độc lập nhất không còn một người Do Thái nào cả. Vâng, không còn một người Do Thái nào nữa, một quốc gia độc lập không thể dung dưỡng bất cứ người Do Thái nào ». Himmler cười, rồi bảo tiếp : Ông còn một người Do Thái trong nước, nhưng người đó, ông không thể giết chết. Mẹ có biết ông ấy ám chỉ ai không ?
Milostiva buồn bã trả lời:
- Chính mẹ đây con ạ. Mẹ là người Do Thái duy nhất của quốc gia độc lập này.
- Thế thì, tại sao mẹ lại dấu diếm con điều đó. Bây giờ, sau khi đã loại trừ ra khỏi quốc gia hằng trăn nghìn người Do Thái, sau khi đã làm đổ bao nhiêu máu trong nước, con mới biết mẹ là người Do Thái.
Milan Paternik ngồi phịch xuống ghế và nói tiếp:
- Con không lầm lỗi gì cả. Mẹ đã nuôi con trong sự cuồng tính của đảng. Con đã áp dụng chương trình của đảng từng điểm một với tất cả nhiệt thành. Bây giờ biết điều đó, đời con xem như chấm dứt từ đây.
Và hắn đứng dậy, đã xanh xao mệt mỏi, hắn càng xanh xao mệt mỏi hơn. Hắn đến gần Milostiva Debora:
- Nghề nghiệp con đối với con đồng nghĩa với đời sống và lý tưởng như thế đã kết thúc. Vì thế, con đã đến thăm mẹ đêm nay.
Hắn yên lặng giây lát, trong lúc Milostiva hỏi:
- Tất cả điều đó đều do mẹ phải không con?
Vâng, thưa mẹ do mẹ cả.
Người đàn bà già nua đứng dậy vuốt tóc con, trong khi Milan vừa nói: “hết cả rồi” vừa chỉ cho mẹ hắn một ống thuốc hắn vừa rút trong túi ra.
- Nếu mẹ cho rằng còn một giải pháp khác cho con, con van mẹ nói cho con hay. Nhưng con nghĩ là chỉ có cách tự tử mà thôi. Con không muốn có một cuộc sống nào khác ngoài Zadom, và dĩ nhiên Zadom phải loại trừ con vì con là con của mẹ, con của một người đàn bà Do Thái.
Milostiva vẫn vuốt tóc Milan và nói:
- Thôi, con ráng chờ đến ngày mai. Tình thương của người mẹ sẽ tìm cho con một giải pháp. Con hãy đến đây ngày mai và mẹ con mình sẽ bàn luận với nhau. Mẹ chỉ yêu cầu con một điều là hãy giữ mạng sống cho đến ngày mai. Con hứa với mẹ như thế và mẹ tin ở lời hứa danh dự của con. Bây giờ con vứt ống thuốc đi.
Milan nghe lới vứt ống thuốc độc qua cửa sổ, trong khi Milostiva dặn dò tiếp :
- Con không có lỗi gì cả. Con đã có một đức tin, như mọi người còn trẻ thường như thế. Cha con và mẹ cũng đã có một lòng tin mãnh liệt và đã chiến đấu cho tự do của đân tộc. Dân tộc đã yếu kém lắm, cần phải được giúp đỡ. Nên chúng ta đã xin Anh quốc viện trợ. Thế mà Anh quốc đẩy chúng ta vào bàn tay của Hitler và Mussolini. Chính Anh quốc là thủ phạm. Xin Chúa trừng phạt Anh quốc, Milan, mẹ muốn hôn con một lần cuối.