on Kostaky và Pierre Pillat trốn từ Đức sang Lỗ ma ni bằng cách đi ban đêm trong rừng để khỏi bị Nga Sô bắt giữ. Cuối cùng họ cũng đến được cánh rừng trong làng Piatra, vào lúc trời sắp sáng. Kostaky muốn tiếp tục theo đường mòn xuống làng nhưng Pillat cản lại. Kostaky năn nỉ: - Con không hiểu ba tí nào nếu con yêu cầu ba ở đây mà đừng về làng. Con tin là ba có thể đứng nơi đây nhìn làng mạc ở phía bên dưới sau khi đã vượt Thái Bình Dương để trở về Piatra sao? Con tin là ba chỉ cần nhìn làng mình ở đàng xa sao? Nhưng ba ráng đợi đến tối đã, lúc nầy đi nguy hiểm lắm. Ba biết chứ, từ Heidelberg đến đây chúng ta chỉ có đi vào ban đêm thôi. Ba kiên nhẫn một chút, còn chừng hai giờ là trời sáng hẳn rồi. Ion Kostaky nhìn sao trên trời, biết là ngày sắp đến rồi. Trời đang mùa xuân. Trong ánh sáng xanh dịu của ban đêm, xuyên qua từng hàng thông cao, người ta thấy trong thung lũng cảnh làng Piatra mà sương mờ bao phủ trắng và trong như tấm khăn choàng của cô dâu. Kostaky lại nói: - Con nghĩ là ba có thể ở lại đây suốt ngày nhìn làng mạc đằng xa? Con muốn là ba chỉ nhìn nhà cửa và đồng ruộng thân yêu của mình ở xa xa thôi sao? Con tin là chỉ vì từng đó mà ba đã vượt qua bao nhiêu quốc gia, bao nhiêu rừng núi như một con chó hay một kẻ ăn trộm? Chỉ để nhìn ngôi nhà ở đằng xa? Đất làng trải dài ở dưới chân họ, nhưng ở Piatra lúc nào cũng có người Nga, lính gác, quân cảnh cho nên họ đành đợi ban đêm mới dám mò xuống làng, nhưng bây giờ đứng trên cao trông rõ phong cảnh trong làng, Kostaky không thể nào kiên nhẫn được, ông ta xiết chặt cây gậy trong tay. Pillat lại can: - Không nên xuống làng lúc ban ngày. Con biết khó nén lòng mà đợi đến tối lắm, nhưng nếu chúng ta xuống bây giờ, chúng ta sẽ bị bắt ngay, ba biết thế không? Con hiểu cái ước ao gặp lại làng mạc của ba lắm vì con cũng mong như thế. Đất đai nơi sinh trưởng, nhà cửa như là những người thân yêu mà sự dè dặt trở thành vô nghĩa và không cần thiết. Con hiểu như thế. Chúng ta có thể khôn ngoan không bước vào làng xa lạ vào ban ngày. Nhưng đằng nầy lại là làng mạc, nhà cửa của mình, khó lòng mà ở đây nhìn xa xa lắm. Nên nếu ba muốn con sẽ đi theo ba, nhưng con nói trước, như thế không thận trọng tí nào cả. - Ba sẽ đi một mình. Ba để xách lại đây, ba chống gậy xuống đó một mình, chỉ để nhìn sơ qua nhà cửa, làng mạc và ba trở lại ngay khi trời sáng. Con đợi ở đây. - Cả mấy tháng nay, cha con mình có bao giờ rời nhau nửa bước đâu. Cho nên con sẽ cùng đi với ba. - Không, để ba đi một mình. Ba chỉ nhìn sơ thôi rồi trở lui. Đêm sau Ba con mình sẽ cùng đi. Con có lý, nên đi về ban đêm thì hơn. Bây giờ con chờ ba ở đây. Ba muốn xuống đồng ruộng một lát thôi để đạp chân lên đất nhà, nhìn khung cảnh quen thuộc thuở xa xưa, thở khí trời của vùng đất thân yêu. Ba muốn thế, con hiểu chứ. Ba không hy vọng được đi một ngày trên các con đường của làng mình. Chúa sẽ vĩ đại lắm nếu Ngài ban cho ba một niềm vui cuối cùng của đời ba là được dẫm chân lên những con đường nhỏ ở làng Piatra. Lúc đi đường Kostaky mau mệt lắm và hay cần nghỉ chân. Nhưng lúc nầy như là ông ta vừa uống rượu xong, ông ta không muốn dừng lại nữa. Không muốn ngồi lại một giây lát nào nữa. - Ba biết đường, nếu gặp lính tuần Ba sẽ không vào làng. Ba sẽ trở lui tìm con ở đây. Chừng một giờ thôi, Ba sẽ trở lui. Ion Kostaky bỏ đi. «Ba sẽ mang theo một ít thức ăn. Biết đâu... Nhưng thôi Ba sẽ không nói chuyện với ai cả. Chào con nghe, Ba xuống nhìn một tí thôi.» Ion Kostaky đi nhanh về phía làng, đi nhanh gần như chạy, tay cầm gậy, người thẳng như một cây thông. Bước đi lúc đó như là bước đi của một người còn trẻ. Đất đai xứ Lỗ ma ni đem lại sức sống tráng kiện cho ông ta. Pillat đứng nhìn theo. Bóng Kostaky mất dạn trên con đường mòn giữa hai hàng cây, thỉnh thoảng lại hiện ra, hấp tấp, trẻ trung, khát khao. Đó không còn là Kostaky ở Đức hay ở Gia Nã Đại, Hung Gia Lợi, không phải là một Kostaky bị người Mỹ liệt vào danh sách những người phế thải, cặn bã của xã hội. Đó là Kostaky chững chạc như một vị vua chúa trên đời. Bước chân chạm đất quen thuộc như một người chơi vĩ cầm đang sờ những dây đàn. Kostaky mất dạng sau lùm cây. Đường làng Piatra ngắn lắm. Pillat nằm dài xuống bãi cỏ. Chàng tiếc là đã không cùng đi với Kostaky, mà cũng tại Kostaky nhất quyết đòi đi một mình, lúc nầy thì chắc ông ta đã đến làng rồi. Pillat vuốt ve bãi cỏ thấm ướt sương mai. Chàng bứt một nạm cỏ và úp mặt vào đó. Chàng mệt quá mà không chợp mắt được, chỉ nghĩ ngợi bằng cách ngửi mùi đất. Tai áp sát đất để nghe thử có ai bắn trong thung lũng hay không, bởi vì tụi cộng sản đi tuần luôn luôn trong làng và gác đường rất kỹ. Đâu đâu cũng có cảnh sát. Pillat lắng nghe xem bước chân của Ion Kostaky có vang trên đường làng Piatra hay không. «Đáng lý mình phải đi theo, đang lý không nên để cha đi một mình như thế.»
V
Kostaky tiến vào các con đường làng Piatra, chân dính đầy bụi. Ông ta muốn biết thử người ta có thay đổi gì chưa, nhưng đúng là vẫn các con đường và khu đất cũ, ông ta tiếp tục đi, sung sướng nhìn lại cảnh cũ như là ông ta không phải đi trên con đường bằng đôi chân mà bằng chính trái tim của ông ta. Ông muốn cởi giày đi chân không: nhưng không cần thiết lắm, ngay cả xuyên qua một lớp giày kiểu Đức có đóng đinh, ông ta vẫn cảm thấy dưới lòng bàn chân con đường đất quen thuộc của làng Piatra, thứ đất đai quen thuộc của ông ta ngày xưa. Kostaky tiến thêm, nhìn thấy ngôi nhà đầu làng. Cũng như xưa không có gì thay đổi, cũng cái sân cũ, dù chung quanh không có rào dậu. Cũng cái giếng ở giữa làng. Kostaky bỗng thấy khát nước dữ dội và muốn nếm lại thứ nước ngon ngọt của cái giếng nầy. Ông ta đưa tay mân mê thành giếng say sưa như lúc vuốt ve da thịt của một người đàn bà. Kostaky sực nhớ có một cây liễu cạnh giếng bây giờ không còn nữa. Ông ta nổi cáu: «Tại sao lại đốn cây liễu đi? Hay là tại nó đã chết khô?» Ông ta tiếp tục đi, mặt rầu rầu và lẩn thẩn: «Nếu họ đốn cây nầy đi thì phải trồng cây khác chứ? Ở Piatra, giếng nào cũng có cây liễu bên cạnh cả». Kostaky cầm chặt chiếc gậy trên tay, nhìn một lượt các ngôi nhà đang chìm trong bóng tối. Ông ngửi thấy mùi cỏ thơm. Trong một thoáng, ông định gõ cửa nhưng nghĩ lại ông thấy không nên để bị lộ diện, «Mình đã hứa với Pillat là chỉ nhìn thôi. Để đêm sau cùng đi và xem kỹ hơn vậy». Bước chân ông đi càng lúc càng nhanh. Bỗng ông dừng lại, ông vừa thoáng thấy bức tường trắng nhà ông mà ông ao ước thấy lại bao lâu nay. Ông dáo dác nhìn quanh. Đằng sau nhà ông là một khoảng đất trống. Ngày xưa ở đó là nhà Pillat và Marie, căn nhà đã bị đốt cháy mất rồi. Kostaky thầm nghĩ: «Chúng ta sẽ xây lại căn nhà khác, nhưng ông ta sực nhớ là Marie không còn nữa». Giữa hàng cây hạt dẻ, Kostaky phân biệt được bức tường trắng, mái nhà xám và các cửa sổ nho nhỏ của căn nhà ông hồi xưa, căn nhà ở đó như một người thân yêu đang còn sống. Tim Kostaky đập mạnh, ông ta quên mất căn nhà cháy, quên người Nga đã ngự trị ở đó, Kostaky tiến vào nhà thầm nghĩ: «Có lẽ Iléana còn ngủ». Rồi, ông ta nghĩ là Iléana chắc không còn ở nhà, bà có lẽ còn bị tù, hay chỉ có trời biết bà đang ở đâu. Chắc là người ta lấy mất nhà rồi còn gì. Kostaky buồn rầu bước vào sân. Ngày xưa, bên cạnh nhà, ông ta có làm một căn nhà nhỏ để chứa đựng dụng cụ cày bừa, nay không còn thấy đâu nữa. Kostaky ức trong lòng: «Ai đã phá căn nhà kho của mình? Không ai có quyền thay đổi bất cứ điều gì trong nhà nầy». Bởi vì ông ta mới là chủ nhà. Ông ta nghĩ có lẽ là chính phủ đã trưng dụng nhà của ông ta và thay đổi tùy theo ý muốn của họ. Kostaky tức giận nghiến răng. Các bức tường cũng vừa được quét vôi trắng. Ngày xưa, ông ta cũng hay cùng vợ quét vôi nhà cửa mỗi mùa xuân trước lễ Phục sinh, vào một tuần trước đó để ăn mừng ngày đại lễ. Kostaky vừa đưa tay sờ bức tường vừa thầm nghĩ: «Có lẽ Iléana đang ở trong nhà, và chính bà đã quét vôi cũng nên. Ông ta đến gần cửa sổ. Chúa vẫn hay ban phép lạ, có thể Iléana còn ở nhà và chưa bị đuổi, có lẽ bà ta đang ngủ...». Tay Kostaky vẫn tiếp tục vuốt ve bức tường như đang vuốt ve chính thân thể người thân, một con bò hay một con ngựa nuôi trong nhà. Đồng thời ông cố tìm cái chuồng trâu bò, nhưng cũng không còn nữa. Mình không còn con gia súc nào nữa cả nhỉ! Nghĩ thế mà Kostaky tự nhủ là bây giờ có giận dữ cũng vô ích, lúc nào về đây mình sẽ gầy dựng lại tất cả, lo gì. Nhưng càng nghĩ đến con bò cái gốc Thụy sĩ, hai con ngựa tốt ngày xưa, ông lại giận «Họ phải trả lại cho mình, không ai có quyền cướp của mình những thứ gia súc chính tự tay mình nuôi lấy, bằng mồ hôi nước mắt của mình. Ích gì mà tức giận nhỉ? Tại sao đến bây giờ mình mới tức giận, từ trước đến giờ sao chưa hề nghĩ đến điều nầy? Mình cứ tưởng là họ đã lấy nhà cửa của mình rồi mà sao mình không hề đau khổ. Nhưng có thể họ không lấy nhà mình thì sao...?». Kostaky nhón chân nhìn vào bên trong qua cửa kính. Tay vẫn mân mê vuốt ve bức tường và mắt ướt đẫm. Gần cửa sổ ngày xưa có một cây dẻ, bây giờ không còn nữa. Bên trong nhà tối ôm. Ông ta muốn gọi Iléana, nhưng ông ta biết là làm như vậy không khôn ngoan tí nào. Iléana có thể không còn ở đây nữa. «Tụi cộng sản trung dựng nhà cửa của tất cả kẻ vắng mặt.» Ông ta men theo đường đi quanh nhà. Ba sào đất quanh nhà không ai trồng tỉa gì cả. Mà chỉ dùng những căn lều cao ngất nghểu như nhà thờ. Chung quanh có kẽm gai bao bọc. Thôi đúng là phi trường rồi. Họ đã để hoang đất của mình. Đất của mình không thể dùng cho máy bay Nga hạ cánh được. Vì đó là một thứ đất đen tốt nhất Piatra. Bắp trồng lên đó mộc cao đến hai thước.» Kostaky không nhìn phi trường nữa, quay mặt vào cửa sổ như không muốn rời xa nữa. Một mảnh vôi trên thành rơi xuống. Kostaky lại giận thầm: «Họ không thể săn sóc nhà cửa. Vôi nhà mình ngày xưa có bao giờ sứt mẻ như thế nầy đâu». Ông ta nghiền mảnh vôi trong tay, rồi cố đưa tay mở cửa. Cũng là tay nấm đó, nhưng cánh cửa đã bị khóa, ông ta đành nhìn qua cửa sổ, vuốt ve những tấm cửa kính. «Nếu mình ở lại chừng nửa giờ, trời sáng mình có thể nhìn vào bên trong nhà được.» Nhưng nghĩ lại ông ta lại sợ trời sáng bị lính bắt gặp, nên đành thầm nhủ: «Thôi để ngày mai mình trở lại». Nhìn khắp làng tất cả đều yên lặng, không một con chó, con mèo, gà vịt, không một bóng người. Kostaky trở lại ý nghĩ: «Có lẽ căn nhà đang trống, mình cố vào thử xem». Hơi cảm động vì ý nghĩ đó, ông ta mạnh dạn gõ cửa. Có tiếng đàn bà nói: - Có ai ở ngoài cửa sổ. Giọng nói xa lạ quá. Kostaky dựa sát vào tường. Rồi có tiếng người đàn ông trả lời. Có nhiều người lạ trong nhà quá, Kostaky cảm thấy đau lòng và bắt buộc đứng trước cửa mà không vào trong được. Người đàn ông hỏi: - Ai đó? Qua cửa sổ, Kostaky thấy người đàn bà trở dậy thắp đèn. Bàn ghế bên trong đều đổi khác hẳn. Người đàn bà đó cũng xa lạ đối với Kostaky, dù trông không rõ mặt. Người đàn ông nằm trên giường sắt trông cũng lạ quá; cả đến giường, cây đèn cũng không có một dáng dấp gì quen thuộc đối với Kostaky cả. - Ai đó? Hỏi xong ng!!!15215_34.htm!!! Đã xem 22222 lần.http://eTruyen.com