
V
Buổi chiều, Ion Kostaky bắt đầu sửa hàng rào. Ông ta cảm thấy cần một hàng rào thật kín và thật chắc. Tất cả dân làng Piatra đều sửa lại ổ khóa nhà cửa. Pillat cuốc đất ở ngoài vườn, cùng với Marie. Chính giữa vườn, Pillat lấy cỏ mịn đắp quanh thành hình trái tim. Bỗng có tiếng hỏi: - Pillat, bao giờ thì anh hết khiêu khích nhỉ? Pillat ngửng đầu lên đã thấy Severin và lính gác đứng trước cổng. Pillat có cảm tưởng là họ đến bắt chàng. Severin vào trong sân: - Tôi tưởng anh đứng về phía chúng tôi chứ? Severin nói thế và ra hiệu cho lũ lính gác. Chúng vứt khí giới xuống và cùng nhau dẫm nát bãi cỏ hình trái tim. Pillat không hiểu ất giáp gì cả lặng yênVI
Đã ba ngày trôi qua từ lúc bị phá phách, Pillat thầm cảm ơn trời đất đã không bị hỏi han điều tra lôi thôi về hoạt động «phản cach mạng» của chàng, chàng nghĩ là họ đã để cho chàng được yên ổn. Ngày ngày quanh quẩn trong sân, tối vào gian nhà tranh nho nhỏ bên cạnh Marie đối với chàng đã là một niềm vui lớn. Có ông bà nhạc gia ở cạnh là một niềm vui khác. Chàng tìm sự yên nghỉ trong công việc trồng trọt hằng ngày và tìm nguồn vui trong những sự kiện nhỏ nhặt nhất, từ ánh nắng mặt trời, sự trong mát của hồ nước cho đến màu xanh bầu trời và tất cả mọi sự việc khác. Mỗi lần nghe tiếng xe gắn máy của Severin ngoài đường, chàng trốn vào nhà cho yên thân. Nhưng khác mọi lần, Severin ngừng xe ngay trước nhà. - Pillat, tại sao anh trốn tôi? Không ai có thể trốn tránh người Sô Viết cả. Ba người lính theo Severin bước vào: - Tôi thấy anh có nuôi con chó trong nhà? - Chó hoang đấy mà, đến sân nhà tôi chừng ba tuần. - Đó, thấy không, chó cũng đánh hơi được nhà của bọn phản động. Chó đến nhà có chứng minh được thức ăn của nhà anh thừa thải không nhỉ? - Chó thì ăn cơm thừa canh cặn, cho nên người nghèo kiết xác cũng còn nuôi nỗi chó nữa, huống hồ. - Theo bản thống kê của đồng chí Boris thì ở Lỗ ma ni hiện nay có chừng 30 triệu mèo, chó. Mỗi chủ nhà phải chia thức ăn của mình và con cái cho một chó và một mèo. Như thế là một số lượng khổng lồ thức ăn đút vào mồm những thứ vô tích sự đó. Chỉ có một chế độ bóc lột lao động mới có thể đem cơm nước của lao động cho chó mèo. Chừng đó thôi cũng chứng minh sự man rợ của giai cấp trưởng giả; đó là chưa kể những bệnh hoạn do loại đó mang lại. Nhà nước đã quyết định loại bỏ chúng bằng cách khoá miệng 30 triệu mèo chó đó lại để phân phát thức ăn cho kẻ nghèo khổ. Vào lúc nhà nước quyết định thế thì anh lại nuôi chó, làm sao giải thích thái độ đó của anh nhỉ, chắc anh không thể cho là tình cờ chứ? Marie, Iléna và Kostaky và vài người hàng xóm lại phải lắng tai nghe một lời kết tội mới. Severin nói tiếp: - Một trong những thứ vui bỉ ổi nhất của lũ bóc lột lao động là thản nhiên nhìn lũ trẻ con nhân công chết đói, trong lúc thức ăn họ đem quăng cho mèo chó. Nên đã từ lâu Nga sô quyết định loại bỏ súc vật vô ích. Xã hội nào còn nuôi thú vật ăn bám là một xã hội thoái hoá. Chúng ta bắt chước gương sáng của Nga sô để rửa nhục cho dân tộc. Da của loài thú đó sẽ đem dùng vào kỹ nghệ. Mỡ sẽ được chế thành xà phòng cho nhân dân xài. Nga sô đã viện trợ máy móc cho chúng ta phát triển thứ kỹ nghệ đó. Nói xong, Severin ra hiệu, bốn thanh niên cùng nhắm bắn con chó. Tiếng nổ hòa lẫn với tiếng rên la quằn quại của con chó. Máu văng vào tường nhà và vườn tược của Pillat. Lính gác vẫn tiếp tục bắn. Marie, Iléna, Kostaky bịt tai bưng mặt chạy vào nhà để khỏi nghe tiếng rên siết. Pillat bỗng nhiên mặc nhận một tội lỗi sâu xa. Chàng kinh hoàng chứng kiến cảnh đó mà không phát ra một cử chỉ nào cả. Đành rằng chàng không thể nào cứu mạng sống con chó nhưng ít ra chàng phải có cử chỉ phản đối. Chàng đã không làm gì cả, và điều đó xem như là một sự phản bội. Chó không bao giờ phản chủ, thế mà con người lại đang tâm phản bội mèo chó. Severin gọi Kostaky và Pillat lại gần: - Nào, mang chó ra trụ sở phường, còn nhiều con nữa. Ra ngoài đó rồi người ta sẽ dạy cách lột da chó. Lũ thanh niên lại cầm khí giới đi hạ sát chó trong làng Piatra. Đàn bà trốn biệt trong nhà cầu nguyện Đức mẹ đồng trinh. Lúc Ion Kostaky đến gần con chó, Severin đá sau lưng hách dịch: - Nhanh lên, tởm hả? Chó là bạn thân của tá điền. Nó sống trong nhà ông, bây giờ ông lại tởm à? Kostaky muốn quay lại, nhưng một cú đá khác bắt ông cúi xuống con vật: - Nào, mang lên vai ngay. Máu chó chảy xuống cả vai Kostaky, thân thể nó còn nóng như lúc còn sống. Chưa tha, Severin còn gọi Marie, Iléna: - Hai người kia, ra đây cầm lấy cái đuôi chó. Marie và Iléna vừa khóc vừa bước ra. Cả ba cùng theo lệnh Severin tiến ra trụ sở phường, trong lúc dân làng nhìn cạnh đó nghiến răng kèn kẹt. Severin nói tiếp với Pillat: - Bước theo ba người kia, bắt đầu từ hôm nay tất cả bọn phản động phải lột da chó và mèo. Việc làm nầy mới xứng với chúng nó...VII
Mỗi tối, lính gác tiếp tục giết mèo chó trong làng Piatra. Dân làng cứ phải mang đến trụ sở phường để lột da. Chiều hôm đó trở về nhà, Kostaky còn ngửi thấy mùi máu đong trên áo quần, da thịt và hình như đong lên cả ký ức của ông ta nữa. Cũng như Pillat, cả nhà không ai thiết đến chuyện ăn uống. Họ cùng quay quần trong bóng đêm để tìm một lối thoát. Cửa ngỏ mở toang cả ra để thoáng hơi, nhưng mùi thịt chó mèo nóng hổi hình như đã thấm sâu vào tường. Bỗng một chiếc bóng xuất hiện trong sân. Nicolas Vornik bước vào nhà trong dáng dấp sợ hãi, áo quần rách rưới, mình mẩy đầy máu: - Họ sẽ bắt tụi mình đêm nay. Đừng thắp đèn lên, cứ nói chuyện trong bóng tối thế nầy tốt hơn. Chúng gọi tôi lại phường, giam vào hầm và đánh đập tôi không ngớt cho tới bây giờ. Bác nhìn xem, chúng đập tôi đến nát xương. Vornik run rẩy kể tiếp: - Tôi có nghe lỏm thằng Nga nó đọc lệnh mới vừa nhận được. Bảy người ở làng này sẽ bị bắt đêm nay và bị đưa đi đày. Cả bác lẫn cô Marie và cậu Pillat đều nằm trong sổ đen. Có tôi và một vài người họ hàng của bác nữa vị chi là bảy người tất cả. Ion Kostaky cẩn thận bảo vợ ra ngoài, chỉ còn Vornik và Pillat ông ta mới bảo: - Bác kể lại cho nghe một lần nữa đi. - Chính tai tôi nghe là đêm nay khoảng 3 giờ lính sẽ đến bắt chúng mình, bởi vì lúc đó tôi đang bị giam phòng bên cạnh và tôi chỉ biết có thế thôi, nhưng phải đến đây để cùng bàn xem sao. Vornik ôm đầu suy nghĩ trong lúc Kostaky ra ngoài bảo Iléna làm cơm, và bảo với vợ con: - Đêm nay mình sẽ không ngủ ở nhà. Marie, con cùng đi với ba luôn. Kostaky đề nghị với Vornik: - Chúng mình trốn vào rừng, cuộc biến động rồi sẽ qua đi, sau đó vài ngày chúng mình lại về nhà chứ gì. Thế là, Marie và Pillat sửa soạn đồ dùng, Vornik về nhà, báo tin cho họ hàng Kostaky. Iléna lo sửa soạn thức ăn. Thấy quyết định của mình sắp thực hiện sẽ rất trầm trọng, Kostaky bước ra sân, ngắm cây cối, vườn tược, nhà cửa, vào chuồng vuốt ve mấy con ngựa, và tự nhủ: - Mình không đi đâu hết. Thà chết trong sân nhà còn hơn. Không, mình không đi đâu cả. Nhưng ông ta lại đổi ý kiến: - Đi chứ, mình đi một đêm thôi để tránh chúng nó, rồi sau đó mình trở về ngay. Ông ta hỏi con rể: - Con có tin là họ sẽ bắt chúng mình không? - Dù sao cũng đừng nên ngủ ở nhà đêm nay. - Ừ nhỉ. Buồn đến phát khóc, Kostaky đứng trước nhà như muốn hít hết không khí cả làng mình đang ở, như muốn đem theo hết với mình nếu có thể, không những chỉ không khí mà thôi, mà còn muốn mang hết vào trong hai buồng phổi cả nhà cửa lẫn súc vật trong chuồng. Kostaky vào nhà bảo vợ đi tìm cha Thomas Skobai, còn ông ta thì ở nhà để xem chừng lũ lính gác, rồi thầm nghĩ: - Mình chỉ ăn qua loa thôi, vì mình sẽ trở về nhà. Mà họ bắt mình làm gì mới được chứ? Nghĩ thế, nhưng ông ta vẫn ra chuồng, vuốt ve lại một lần nữa mấy con ngựa thân yêu. Họ hàng, đức cha, Vornik mới đến, tất cả đều âm thầm sửa soạn trong bóng tối. Kostaky an ủi vợ: - Bà đừng khóc, vì nếu đêm nay không có gì xảy ra ngày mai mình lại trở về nhà, lo gì. Kostaky lại hỏi: - Bác có chắc là chúng sắp bắt tụi mình không? Hay bác nằm mơ? Vornik lập lại một cách chắc chắn: - Đúng 3 giờ đêm nay. Vợ Vornik đã băng đầu lại cho ông ta và thay áo. Duy chỉ còn cái quần còn dính máu chưa kịp thay. - Thưa cha, cha cầu nguyện cho chúng con đi, một thứ kinh cầu ngắn ngủi cho những con chiên đang gặp nguy hiểm, cho một giai đoạn khó khăn của thời cuộc. Đức cha cầu kinh trong bóng tối, mọi người đều quì xuống. Nửa đêm, mưa bắt đầu đổ xuống. Thỉnh thoảng một lằn chớp lóe sáng đủ để cho mọi người nhìn rõ dáng dấp dong dỏng, vần trán cao, bộ râu tóc bạc phơ của đức cha. Và sáu người đang quỳ gối, Marie gục đầu lên vai mẹ. Tất cả bức tranh đó xuất hiện trong chốc lát, rồi mọi sự lại chìm trong bóng tối. Và người ta chỉ còn nghe tiếng mưa rơi cùng tiếng cầu kinh trầm trầm của đức cha như tiếng đại hồ cầm. Sau cùng, Kostaky lên tiếng: - Thôi, chúng ta đi. Cần phải ra đi đột ngột, để khỏi nghe tiếng khóc của Iléna, Kostaky dặn vợ lần nữa: - Hết mưa thì mình phải dẫn cha Skobai về, và mình chờ tôi, chừng ngày mai tôi sẽ trở về. Mình xem chừng nhà cửa. Nếu chúng có hỏi thì mình cứ bảo là tôi đi kiếm củi trong rừng. Mọi người mang xắc lên vai, hôn tay đức cha, chào Iléna và bước đi. Lúc người cuối cùng ra khỏi cửa, Iléna mới bắt đầu khóc. Bà khóc thảm thiết như là trong nhà có người chết. Cha Thomas dù tin rằng điều tốt cũng như điều xấu đều do Chúa ban bố nhưng trước khung cảnh trốn tránh của đám nông dân cha cũng không khỏi ngậm ngùi, nỗi buồn nầy đối với cha còn nặng nề hơn cả lúc chứng kiến cảnh một người chết. Cha thầm nghĩ, ý nghĩ giống như một lời kinh hay một bài thơ: «Lúc bác nông dân bỏ hoang ruộng vườn, lúa cỏ cũng buồn theo, bởi ai cắt cỏ ai gieo mạ? «Lúc bác nông dân bỏ đi, trâu bò cũng buồn theo bởi nước đâu mà uống, rồi cũng đói cả. «Lúc người nông dân bỏ đi, chim chóc cũng buồn theo, bởi luống cày không có, mồi đâu mà kiếm? Giọt mưa cũng buồn theo Cả vũ trụ cũng buồn theo Lúc người nông dân bỏ hoang ruộng vườn...» Và nỗi buồn như thế lan tràn khắp làng Piatra từ lúc bảy người đó trốn đi.