Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
CUỐN SÁCH CỦA SA MẠC I & II & III & IV

     húng ta sắp đến sa mạc rồi. 
Thanh niên mang áo choàng da, khăn quàng đỏ ngồi cạnh tài xế vừa nói thế vừa đăm đăm nhìn bãi cát vô tận đang trải dài trước mắt. Nhiều chiếc cam nhông theo sau chở toàn là nam và nữ sinh viên, bánh xe ấn sâu vào lòng cát nóng hổi. Tụi trẻ chăm chú nhìn bãi sa mạc mênh mông, trong lúc cát theo chiều gió vẫn tiếp tục tạt vào áo quần của họ và thành xe cam nhông. 
- Đã thấy được lều đằng kia rồi. 
Thanh niên mang áo choàng da quay đầu nhìn theo hướng tay của người con gái đang chỉ về phía 3 chiếc gồ cao màu xám tro; toán xe chạy chậm lại rồi hướng dần về phía những căn lều vừa mới được dựng lên. Lúc xe đã ngừng hẳn, lũ thanh niên lần lượt bước xuống, mở ngay cửa lều vì tất cả đều không có khóa. Lều được dựng toàn là bằng gỗ thông, bên trong hoàn toàn chưa có gì, chỉ nồng một mùi hăng hắc của thứ gỗ đã khô cằn, thứ gỗ đã bị sa mạc tàn nhẫn hút hết nhựa sống. Chung quanh những căn lều chỉ toàn là cát màu xám xịt, cát bị gió thổi tung lên như thử người ta đang nhìn xuyên qua một cái rây. Vì thế mà tài xế phải bọc bánh xe và nắp xe bằng những tấm vải dầy.
Hai mươi người cả trai lẫn gái vừa bước xuống xe đứng nhìn quanh trong lúc thanh niên áo choàng da ra lệnh: 
- Khoan lấy dụng cụ xuống đã. 
Viên chỉ huy đó là Boris Bodnariuk. Hắn vừa nói vừa leo lên thềm của gian lều chính giữa, lũ thanh niên vây quanh hắn, lưng xoay về phía gió thổi. 
Boris Bodnariuk nhìn đoàn xe nối đuôi nhau cạnh mấy căn lều, hướng về lũ thanh niên và nói: 
- Tôi biết các đồng chí đang vừa đói, vừa khát. Tuy nhiên trước khi khởi công, tôi muốn nhắn nhủ các đồng chí vài điều :
«Chúng ta đang sống trong một thời đại phi thường. Trước mắt chúng ta là 53 triệu mẫu tây sa mạc Kara Koun, xa hơn nữa là 20 triệu mẫu tây sa mạc Kizil Koun. Tổ quốc Sô Viết từ lâu đã nghiên cứu một kế hoạch khai khẩn đất vô dụng, những sa mạc mênh mông. Chương trình đã thảo xong. Chúng ta là toán thanh niên đầu tiên của đại học Sô Viết đang bước vào sa mạc. Chúng ta là những kẻ tiền phong trong cuộc «Đại tấn công» làm sống lại những mảnh đất đã cằn cỗi của sa mạc để thay đổi khí hậu, thay đổi chiều gió, thay đổi mạch nước. Đó là công trình xây dựng vĩ đại nhất của lịch sử. Nhớ ơn Sô Viết mà hai mươi người chúng ta đây vừa bước chân xuống xe đã có thể đặt viên đá đầu tiên trên bãi sa mạc nóng bỏng nầy. Công trình đó là một công trình mà bất cứ thanh niên nào trên trái đất nầy cũng mơ ước và ngưỡng vọng. Hãy tri ân tổ quốc Sô Viết đã ban cho chúng ta an huệ nầy.» 
Một tràng pháo tay vang lên. Không ai còn nghĩ đến uống nước dù môi đã khô. Tất cả đều đồng thanh hát «Khúc ca rừng» của Dimitri Chostalovich. 
Boris Bodnariuk ra dấu tay. Tất cả ngừng hát: 
- Các đồng chí thân mến, còn điều nầy nữa. Bây giờ đã 5 giờ chiều rồi. Cũng vào giờ nầy đúng 15 năm về trước, lần đầu tiên tôi đặt chân lên Sô Viết. Hồi đó tôi mang tên Boris Bodnar. Kỷ niệm ngày tôi đặt chân lên đây thật đáng kể và đáng cho chúng ta một bài học: 
Đưa tay chỉ về sa mạc, Boris nói tiếp: 
- Các đồng chí biết là bãi sa mạc nầy cũng như nhiều bãi sa mạc trên thế giới không phải là công trình của thiên nhiên, mà do con người tạo ra. Cái xã hội sơ khai sinh sống trên mặt đất trước kỷ nguyên cộng sản đã phá hại cỏ cây, làm tắt những giòng suối. Họ làm thế vì ngu dốt, vì khao khát chiếm đoạt. Bị tước đoạt hết cỏ cây, đất trở nên cằn cỗi và biến thành sa mạc. Cát lan tràn như một vết thương. Như vậy, sa mạc là kết quả của sự tham ăn man rợ của những kẻ chủ trương các xã hội phản cộng sản từ sự xuất hiện đầu tiên của loài người trên trái đất cho đến cuộc cách mạng vĩ đại tháng 10.
 «Cứ nhìn thật xa mà xem, các đồng chí sẽ không thấy gì trên mảnh đất đã bị con người giết chết nầy. Không một sinh vật, không một cây cỏ, không có đời sống chỉ có sự chết chóc. Toàn là cát và cát. Bầu trời cũng mang màu chết. Tia sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú cũng chết nốt, hay có chiếu sáng cũng không có sinh lực. Giờ lại mang đến hàng triệu tấn cát, gào thét như một con chó sói thèm thuồng. Các đồng chí thân mến, tiểu sử của bài sa mạc nầy là tiểu sử của tôi. Vâng của cuộc đời Boris Bodnariuk, hay là tiểu sử của tất cả những đứa trẻ nào vô phúc sinh trưởng trong một quốc gia tư bản.
«Hỡi các đồng chí, tôi không được may mắn như các đồng chí được sinh ra trong quốc gia Sô Viết, tôi sinh ra trong một xã hội trưởng giả. Từ lúc ấu thời, cha mẹ, hàng xóm, linh mục, tất cả thành phần của xã hội trưởng giả nơi tôi sinh ra đã bắt đầu giết mất đời sống của tôi, chẳng khác gì những xã hội phản cộng sản tham lam, tàn bạo đã lột trần và chà đạp đất đai nầy và biến nó thành sa mạc. 
Lúc mười lăm tuổi, tôi đã là một đứa trẻ đã chết. Do đó, tôi đã vượt sông Dniestr và đặt chân lên đất Sô Viết. Lúc mới đến đây, tôi không còn một niềm tin nào nữa, không còn một ảo tưởng nào nữa, hết ham sống hết cả ước mơ. Trong tôi, tất cả đều đã chết. Tất cả cái gì tạo thành đời sống một con người đã chết, giống như tất cả cái gì tạo thành đời sống của mảnh đất đã chết trong bãi sa mạc đang bao quanh chúng ta. Xã hội trưởng giả đã cướp hết niềm tin, ảo tưởng, tình đoàn kết nơi tôi. Cho nên, cách đây 15 năm, cũng vào giờ nầy lúc tôi mới đặt chân đến đây, tôi chỉ biết có sự sợ hãi khủng bố và cô đơn. Dù là tất cả những gì xã hội trưởng giả đã mang lại cho tôi, tất cả những gì tôi mang theo hồi đó. 
Đời sống tôi chỉ bắt đầu cách đây 15 năm. Sô Viết đã cho tôi lý tưởng, cho tôi đức tin, cho tôi sự may mắn sống cho một cái gì. Và trên hết, Sô Viết đã cho tôi tình đoàn kết, tình cộng đồng, tình huynh đệ. Trong xã hội trưởng giả, tôi chỉ biết có sự cô đơn não nề, sự cô đơn còn lớn gấp bội sự phiền muộn của 60 triệu mẫu tây sa mạc nầy. 
Boris Bodnariuk cúi xuống bốc một nắm cát, bóp mạnh cát trong tay, hắn nghĩ đến người mẹ suốt ngày đánh đập hắn đến đổ máu, nghĩ đến bạn bè mỗi lần hắn đi ngang đều che mắt và la lên «Đồ sát nhân». Hắn nghĩ đến quê hương, nơi mà ai cũng mong hắn chết đi, nghĩ như thế hắn ứa nước mắt. Cầm nắm cát trong tay như vậy, hắn tiếp tục nói: 
«Với nắm cát trong tay, với sa mạc mênh mông nầy trước mắt, tôi xin thề với các đồng chí, và tôi yêu cầu các đồng chí cũng thề với tôi là chúng ta sẽ mang lại sức sống cho mảnh đất cằn cỗi nầy của tổ quốc Sô Viết. Lòng đam mê của tôi có được, không những chỉ vì tôi là kẻ ở đậu trên mảnh đất nầy, mà còn bởi vì hơn ai hết tôi đã biết thế nào là sự đớn đau của một kẻ bị chà đạp, bị giết chết bởi sự man rợ của con người, bởi vì tôi đã biết thế nào là sự sung sướng của một kẻ được người khác mang lại sức sống, nghĩa là tôi đã biết thế nào là sự chết và thế nào là sự hồi sinh.»
Bài diễn văn của Boris Bodnariuk chấm dứt bằng những tiếng vỗ tay vang dội, bằng nhịp điệu của những bài hát ca tụng sự vinh quang của công trình thay đổi khí hậu và tái tạo sức sống của sa mạc. Boris thật sung sướng, nên khi nữ đồng chí Natacha Olt bước đến ôm hôn, nét mặt của Boris đã lấm tấm vài giọt nước mắt hân hoan.
II
 
Ngày hôm sau, nhóm của Boris Bodnariuk đã làm việc hết sức hăng hái. Các sinh viên được chia thành từng toán tùy theo khả năng chuyên môn của họ, còn nhiều toán khác chưa đến kịp. Trong ba căn lều vừa dựng, đã có những máy vô tuyến điện, những dụng cụ đo sức mạnh và hướng gió, đo độ ẩm cùng nhiệt độ và khoảng cách. Các tiểu ban khảo cổ và canh tác đã dựng được những phòng thí nghiệm sưu tầm và quan sát đất đai cây cối. Các tiểu ban thú y và trồng tỉa cũng đã bắt đầu công tác. Boris Bodnariuk làm việc ở tổ trung ương với nữ thư ký Natacha Olt và một uỷ viên chính trị gốc người Mong Cổ tên là Vladimir Kanayan. Ngoài Kanayan ra chỉ toàn là sinh viên. Boris ra khỏi cửa lều đã rung chuông hội hộp:
«Hỡi các đồng chí, các đồng chí đang tượng trưng cho mọi ngành chuyên môn của khoa học và cũng đều qua một cuộc tập sự đặc biệt ở Hàn Lâm Viện canh tác sa mạc. Vậy không lý do gì tôi lại giảng nghĩa thêm về những khía cạnh kỹ thuật, những khía cạnh mà những nhà bác học Sô Viết đã chỉ dạy các đồng chí từ lâu rồi. Tuy nhiên tôi phải nói vài lời để hướng dẫn các đồng chí trong lúc hành động, những sinh vật đầu tiên xuất hiện trên sa mạc sẽ là những tên gián điệp, những tên phản bội và những kẻ phá hoại.» 
Giọng của Boris không còn tràn đầy đam mê, xa vắng và mơ mộng như ngày hôm qua nữa, mà đã rắn rổi và đầy uy quyền.
«Hỡi các đồng chí của mọi ngành chuyên môn, hóa học, sinh vật học, nông học cũng như khí tượng học, thiên văn học, kỹ sư các ngành, các đồng chí đừng bao giờ quên rằng trong công trình vĩ đại của chúng ta nhằm canh tác sa mạc và thay đổi khí hậu, nên sinh vật đầu tiên xuất hiện trên sa mạc sẽ là Kẻ thù của Tổ quốc. Những nơi nào có Sô Viết, nghĩa là có sự sống, ắt có kẻ thù của đời sống, kẻ thù đó là những ký sinh trùng. Cho nên các đồng chí hãy đề phòng cẩn mật. Hãy giết ngay con vật ký sinh đó đi, vì nó là kẻ thù của tổ quốc, nếu các đồng chí không chú ý, các đồng chí sẽ có tội với tổ quốc và tất cả công trình chúng ta sẽ ra mây khói. Châm ngôn của chúng ta là khám phá và loại trừ ngay kẻ thù của tổ quốc. Rất có thể nó đã đến sa mạc trước cả chúng ta nữa.»
Boris nhìn các đồng chí thuộc hạ đang chăm chú nghe và giảng giải tiếp: 
«Thứ ký sinh đó xuất hiện khắp nơi. Để tôi kể các đồng chí nghe trường hợp sơ xuất tai hại của một đồng chí trong tiểu ban Trồng tỉa ở Leningrad...
«Trong tám trăm hạt giống và cành chiết do những cộng tác viên Sô Viết gởi từ những sa mạc Nam Mỹ sang để thí nghiệm ở đây, có một cây con ở Ba Tây. Đồng chí đó đã đem trồng vài cành chiết vào nhà gương của Viện Đaị Học để thí nghiệm nhưng y lại sơ hở rất tai hại. May thay, một đồng chí ở phòng thí nghiệm đã không quên rằng Kẻ thù của tổ quốc ẩn nắp khắp nơi nên đã dùng kính hiển vi nhìn kỹ rễ của cây con đó. Quả nhiên, đồng chí đã phát hiện ra con vật đê hèn đó. Một bọn phản động ở Ba Tây, bon của nhóm Trotzky dĩ nhiên, đã đặt trong rễ cây gởi về cho Nga Sô trứng của loại kiến đỏ. Thứ kiến đỏ không những đã phá hoại cây cỏ ở Ba Tây mà còn phá hoại tất cả thực vật quanh đó. Nhờ sự cẩn thận của đồng chí đó mà loại kiến đỏ đã bị giết, lũ phá hoại và đồng bọn bị bắt, tai họa đã tránh được. Tôi khuyến cáo các đồng chí là đừng nên sơ xuất xem thường. Kẻ thù của tổ quốc, lũ phá hoại, những tên gián điệp, những tên phản động cũng muốn xam nhập và ẩn núp trong rễ cây, trong hạt giống, trong mọi đồ vật.
«Cho nên bổn phận của mỗi đảng viên cộng sản là khám phá ra loại sâu bọ đó và loại trừ tức khắc. Nào bây giờ chúng ta làm việc, nhưng hãy cẩn thận. Diệt trừ kẻ thù cũng quan trọng như mọi công trình xây dựng vậy, có thể quan trọng hơn nữa là đằng khác. Nào, bây giờ làm việc đi...»
III
 
Ngày thứ ba có buổi họp của toàn nhóm. Ai nấy đều dấu sự mệt mỏi, bệnh hoạn dù tất cả đều khó chịu vì khí hậu ở sa mạc. 
Boris Bodnariuk chủ toạ buổi họp, bên phải là Natasha Olt chuyên thảo biên bản các buổi họp; phía sau là khuôn mặt bầu bĩnh của Vladimir Kanayan. Boris Bodnariuk chưa đầy ba mươi tuổi. Hắn đã theo học tại Hàn Lâm Viện đỏ, ban khủng bố, ban nầy có mục đích huấn luyện hắn có thể đi hoạt động ở ngoại quốc. Mấy năm cuối cùng của chương trình, hắn có theo học ban «Canh tác sa mạc». Đối với hắn chiến thuật cộng sản thật rõ ràng, và hắn đã được liệt vào hạng kỹ sư đào tạo con người mới chứ không ở vào hạng theo chủ nghĩa thần bí hiếm thấy ở liên bang Sô Viết. Hắn thừa biết là tuổi trẻ luôn luôn ham thích những kế hoạch to tát, tuổi trẻ lúc nào cũng say mê những thần thoại, những niềm tin đáp ứng được nhu cầu phiêu lưu, tính phóng khoáng cùng lòng hy sinh nơi mọi người. Mỗi thanh niên mơ ước sẽ trở thành anh hùng, và phải tạo cơ hội cho mỗi người thấy rằng trong sự lao động hàng ngày đảng có thể giúp thanh niên đó đạt được ước mơ. Việc làm khô khan nhất, và chính nhờ sự khô khan đó, cũng có thể cung ứng sự khát khao của tuổi trẻ, đó là sự khát khao trở thành người hùng, làm những việc phi thường không giống một đồng bạn nào cả. Chính vì thế mà Boris Bodnariuk đã quyết định là mỗi sáng các tổ trưởng phải phúc trình sơ lược những tiến bộ thực hiện được trong khuôn khổ của kế hoạch thay đổi khí hậu nhờ bàn tay cùng sự khéo léo của mọi người hiện diện.
Trong chừng mười câu sáng sủa, gãy gọn, ban phúc trình phải nêu được mục đích và những tiến bộ đã thực hiện được. Cứ tuần tự như thế, phúc trình công tác hệt như một điệu nhạc mỗi sáng trong đó Boris cũng hệt như một nhạc trưởng. Hắn bắt đầu chỉ định tổ trưởng toán chuyên về dẫn thủy và hàng hải. Người này nói thao thao:
- Toán của tôi là một trong những toán chuyên đắp những con kênh cho tàu bè qua lại. Mục đích tối hậu là nối liền 6 biển: biển Caspienne, biển Azov, biển Đen, biển Trắng, biển Aral và biển Baltique. Nhờ hệ thống kênh đào đó, Mạc Tư Khoa sẽ là một hải cảng trên 6 biển (có tiếng vỗ tay). Kênh Turkmène sẽ là con kênh dài nhất thế giới dài 1100 cây số, và sẽ kết thúc trong chừng 7 năm. Kênh Panama do tụi trưởng giả đào dài chỉ 84 cây số mà mất đến 34 năm. Thứ đến là Kênh Volga Don. Hàng triệu mẫu tây đất sa mạc biến thành vườn tược nhờ hệ thống kênh đào. Để thực hiện điều đó, chúng tôi sẽ dùng chừng 5 triệu thước khối đá. Sông Amour Daria đã bắt đầu dùng được. Không bao lâu nữa, và không xa đây bao nhiêu, nơi mà hiện giờ không có lấy một giọt nước, thuyền bè sẽ tấp nập qua lại trên 6 biển, ngang qua sa mạc. Toán chúng tôi lúc đó lại sẽ phải đắp một đường bộ và một đường sắt nối liền ga cuối cùng đến công trường chúng ta. Chúng tôi sẽ đem nước đến đây trong vài tháng nữa cho các đồng chí cũng như cho các đồn điền.
Boris hướng về một thanh niên khác, anh nầy liền lên tiếng: 
- Toán khí tượng và thủy học sẽ có chừng một phi đội để tưới những trận mưa nhân tạo lên vùng đồn điền với một diện tích trên một trăm mẫu tây. Chúng tôi đợi máy bay trong một tuần. 
Boris lại ra dấu, một thiếu nữ thuộc toán thực vật đứng dậy đọc tên các hạt giống: «Trong 6 tháng, chúng tôi sẽ trồng được trên 200 mẫu tây chừng 800 loại cây khác nhau. Thật chưa có một cuộc thí nghiệm nào vĩ đại như thế từ khi có loài người trên quả đất. Một thiếu nữ khác đứng dậy phát biểu ý kiến: 
- Cùng một lúc với sự biến đổi độ ẩm, gió cũng sẽ được dịu bớt không bao lâu nữa, chiều gió sẽ hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi có thể buộc mây từ phía bắc đến đổ mưa xuống vùng sa mạc nầy. Nhóm chúng tôi sẽ thông báo cho ủy ban trung ương biết về áp lực và các lỗ hổng không khí khi chiều gió đã được thay đổi. Tôi xin nhường lời cho đồng chí trong nhóm thiên văn.
Một thiếu nữ cao, tóc hung, chuyên về thiên văn tiếp tục: 
- Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố rằng, chính nhờ chúng tôi mà trong khoảng đất nầy của liên bang Sô Viết trong khoảng đất rộng bằng cả Anh quốc, màu trời sẽ được thay đổi. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, nhờ sự thay đổi khí hậu bầu trời sẽ xanh như ở Ukraine. Các ngôi sao sẽ sáng hơn, mặt trời cũng sẽ có màu vàng hơn, đám mây vàng ta thường nhìn thấy quanh mặt trời và mặt trăng sẽ biến mất. Ban đêm sẽ sáng hơn, độ sáng sẽ lớn hơn các vùng lân cận là 25%. Sự thay đổi màu trời, tia sáng của mặt trời, mặt trăng cũng như các ngôi sao có được là nhờ Sô Viết và vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta.
Mọi người vỗ tay, ai nấy mắt sáng ngời nhờ các bản tường trình vừa đọc xong, Boris Bodnariuk biết là đã đến lúc cuộc hòa tấu buổi mai có thể chấm dứt. Với ngần ấy nhiệt thành, thì khí hậu và oi bức của sa mạc rồi cũng chịu đựng được. Tuy nhiên, hắn còn nhớ đến Kanayan và bảo: 
- Hiện còn vài ngàn dân bản xứ còn sống lang thang trong sa mạc. Họ phải biết đến hoạt động của chúng ta mới được, bởi vì họ là những giống dân Sô Viết chưa được hưởng ưu đãi của chế độ. Xin mời đồng chí Kanayan cho biết làm sao để tìm ra họ và kết hợp họ vào công trình xây dựng của chúng ta. 
Đôi mắt nhỏ đen của Kanayan không hề nhấp nháy hắn trả lời cho Boris thật nhỏ:
- Hiện còn những kẻ sống lang thang trong sa mạc thật nhưng không thể nào tìm gặp và không thể đếm được lớp người đó. Họ hệt như cát trong sa mạc, họ đến rồi họ đi và không thể nào phân biệt nổi họ với cát. 
- Ủy ban chính trị sẽ để cho đồng chí xử dụng vài phi cơ trinh sát. 
Boris nói thế nhưng Kanayan không trả lời thêm. Boris hỏi: 
- Vậy theo đồng chí thì cần độ bao lâu ta có thể kiểm tra được số người vô gia cư đó? 
- Tôi là đảng viên cộng sản từ thuở bé. Cha tôi cũng vào đảng từ lâu, nhưng thật khó lòng mà đi sâu vào sa mạc. Lénine vĩ đại đã chinh phục Nga Sô toàn diện từ lâu, thế mà với Người cũng cần 7 năm để đi từ Mạc Tư Khoa đến làng tôi cách đây chừng 80 cây số. Dân tộc Sô Viết chỉ đến biên giới sa mạc vào khoảng năm 1925, nhưng nếu phải đi xa hơn, đi vào tận sa mạc thì thú thật tôi không biết phải cần bao nhiêu lâu, khổ lắm, đó là tất cả những gì tôi biết được. 
Boris mỉm cười lên tiếng:
- Hỡi các đồng chí, tôi muốn rằng những lời nói vừa rồi của Kanayan là một bài học cho các đồng chí. Các đồng chí thấy rõ là dưới một chế độ phản cộng sản con người thật quá thấp hèn. Những kẻ lang thang đó khổ sở vì đói, vì khát, và kéo lê một cuộc sống trong địa ngục đầy cát nầy, một cuộc sống mà không một con vật nào ham muốn cả. Thế mà họ là những người, lại là những người Sô Viết, họ đã bị khủng bố, sợ hãi, thua sút đến độ họ không còn can đảm nhìn thẳng vào tương lai. Chúng ta mang lại cho họ nước uống, nhà cửa, một khí hậu dễ chịu hơn, một điều kiện hợp với con người hơn thế mà họ vẫn sợ hãi. Vâng, sợ hãi. Đó là những kết quả của một xã hội phi cộng sản. Xã hội đó đã biến con người thành một con vật sợ hãi đến độ thích bị giết hơn là thích từ bỏ nghiệp khổ để đi đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng mặc họ, chúng ta cứ sẽ giúp đỡ họ. Các đồng chí thương mến, ai yêu thương loài người thì phải mang lại lợi ích và không có quyền sợ những đổi thay. Nhiệm vụ của chúng ta là mang lại cho các thế hệ mai sau một khí hậu trong lành, một mảnh đất có năng suất cao và một xã hội công bằng. Vì ích lợi của nhân loại chúng ta sẽ bắt buộc hàng ngàn người lang thang đó trở thành những cộng tác viên của chúng ta. Đó là thứ tình cảm cao thượng nhất của nhân loại. Ngoài những người Sô Viết ra, không có một tôn giáo nào lại biết thương yêu con người như thế. Chúng ta sẽ biến những người vô gia cư đó thành những cộng tác viên của chúng ta, dù họ không muốn, nhưng vì ích lợi cho họ và cho con cháu họ chúng ta phải làm thế. Liên bang Sô Viết được thành lập trên căn bản của đoàn kết nhân loại. Boris Bodnariuk đứng dậy: 
- Nào bây giờ chúng ta làm việc, làm việc cho lợi ích của nhân loại. Trong lúc đó Kanayan vẫn đứng đấy, bất động.
IV
 
Boris Bodnariuk đã tổ chức các công tác tại công trường xong. Sau đó hắn trở về Mạc Tư Khoa bằng máy bay để nhận những chỉ thị mới và bây giờ hắn đang ở lại tại Kichinev vừa mới được sát nhập vào Nga Sô. 
Hắn cần tuyển mộ ở đó rồi mang đến sa mạc vài trăm ngàn người tị nạn để làm việc cho công trình thay đổi khí hậu. Boris cho là «Không phải là lần đầu tiên những người Do Thái làm quen với sa mạc vì trong lịch sử họ đã từng ở trên những đồng bằng đầy cát».
Boris muốn thấy lại trường Trung học hoàng gia nơi mà hắn đã bị đuổi trong bộ quần áo nhục nhã mười lăm năm về trước. Đằng sau hắn là đại tá Novirok chuyên lo về vấn đề tị nạn, một người mập mạp nhưng thụ động: 
- Hàng trăm ngàn người Do Thái đó, những «desperados» đó đến xin tị nạn ở Sô Viết để khỏi phải bị đốt như những con chuột trong những lò hỏa thiêu của bọn phát xít. Họ chống phát xít vì sợ chết và sợ những trại tập trung, nhưng họ cũng chống cộng sản nữa. Sự kiện họ đã đến với Sô Viết không có một ý nghĩa nào cả. Người Do Thái sang Nga bởi vì họ không thể đi đâu được nữa. Các nước dân chủ không chấp nhận họ trừ phi lúc họ có trương mục ở ngân hàng, như Thụy Sĩ đã làm. Một vài nước khác lại xa quá. Dù sao chúng ta cũng phải giam giữ họ bởi họ chống lại chủ nghĩa cộng sản. Điện Cẩm Linh đã chấp nhận giải pháp của tôi. Vị trí của những người Do Thái là ở tại sa mạc, vì Nga Sô đang có hàng triệu mẫu tây sa mạc.
Đại tá Novirok đã soạn sẵn danh sách và hồ sơ hàng ngàn người tị nạn mà mai sẽ được chở vào những toa tàu bọc kín để đem đến những công trường làm thay đổi khí hậu và canh tác sa mạc. Boris lại bảo: 
- Nhờ khoa vật lý, đồng chí thừa biết là một nguyên tử hýt rô vẫn là một nguyên tử hýt rô trong bất cứ phân tử nào. Cũng như thế một cá nhân là sản phẩm của một xã hội nơi mà người đó sinh ra; người đó vẫn là người đó mãi mãi, cũng như một nguyên tử, trong bất cứ xã hội nào mà đồng chí mang người đó đến, đó là một luật lệ đương nhiên. Y theo kế hoạch, tôi có thể thay đổi màu trời ở sa mạc, thay đổi chiều gió, mực nước biển nhưng tôi biết chắc là tôi không thể nào thay đổi bản tính của một cá nhân trừ phi tôi loại trừ nó. Moise biết rõ điều đó lắm, nên ông ta đã ở 40 năm trong sa mạc trước khi cố tái lập một tân đế quốc Israel. Ông ta phải ở như thế trong sa mạc để cho thế hệ mà ông không cần đến phải chết đi, và sau đó, chỉ với lớp người trẻ, ông ta mới bắt đầu xây dựng lại. Thật là làm chính trị lãng mạn mới tin rằng ta có thể thay đổi một cá nhân gốc trưởng giả thành một cá nhân cộng sản. Cũng như là phải lãng mạn chính trị lắm người ta mới tin rằng có thể biến người cộng sản thành trưởng giả. Ngu ngốc lắm mới tin như vậy được, bởi lẽ khoa học xã hội chưa khám phá ra bí quyết của sự «Biến thể» cá nhân. Chúng ta phải đợi một thế hệ nữa. Tôi lập lại là những cá nhân cũng giống như những nguyên tử. Đời sống họ cũng không phải đơn độc và người ta không thể thay đổi bản tính của họ được. Họ là sản phẩm của xã hội. Tất cả những cá nhân sinh ra trong xã hội trưởng giả đều là những kẻ trưởng giả, ngay cả lúc họ là Do Thái và chống phát xít. Cho nên họ sẽ được đem đến sa mạc, ở đó họ sẽ chết dần, nhưng ở đó họ sẽ không truyền nhiễm sang kẻ chung quanh những con vi trùng trí thức và chính trị của họ được. Họ ở sa mạc cũng như họ ở trong một lò sát trùng; chúng ta vẫn có thể giúp đỡ họ được, vì dù họ không muốn, chúng ta cứ ghép họ vào một công trình vĩ đại. Chúng ta đang đem lại lợi ích cho nhân loại và cho những thế hệ mai sau thế hệ sẽ được hưởng những công trình mà họ bị bắt buộc phải làm. Đối với họ, đó là một dịp may mà họ không mong đợi, nhưng con hơn là để họ chết trong những trại tập trung của quốc xã, chết một cách thật vô ích. Trong lúc với chúng ta, họ cũng có điều may mắn đó, may mắn chết một cách ích lợi cho nhân loại. Thế cho đến bây giờ, đồng chí đã làm gì với những người Do Thái trưởng giả đó?
Đại tá Novirok trả lời: 
- Giáo huấn họ lại. 
- Ai chủ trương giáo dục lại sẽ mang tội lãng mạn chính trị. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong sự giáo dục đó vào hồi đầu của cuộc cách mạng với những nông dân, những sĩ quan Nga hoàng cũng như các giáo sĩ, và chúng ta đã thất bại hoàn toàn. Một cá nhân từ tây phương đến phải cần cô lập, bắt làm việc hay loại trừ, vi cá nhân đó đã hư hỏng rồi. Vâng hư hỏng, đồng chí có biết như thế không. 
Boris đưa mắt nhìn thành phố, nhìn những nóc nhà thờ nhọn hoắt như những ngón tay chỉa lên trời, rồi hắn quay lại nói tiếp:
- Lúc tôi đã hoàn thành xong kế hoạch thay đổi khí hậu, ta còn một giấc mơ khác cần thực hiện nữa. Đó là biến Tây phương thành một đống tro tàn, nhìn những thành quách cùng các giáo đường thời trung cổ của những thủ đô lớn lần lượt bốc lửa, và sau đó máy cày Sô Viết sẽ được đem đến Âu Châu, chúng ta tái tạo các khu rừng, thành lập những thành phố mới, những cơ xưởng mới. Nhưng trước đó, phải để Âu Châu cháy sạch hết đã, để có thể đứng từ Odessa nhìn con lửa đốt hết Luân Đôn, Bá Linh, Ba Lê, những con lửa liếm Tây Phương trọn vẹn giết sạch tất cả vi trùng và dấu vết của một xã hội đã kiềm chế nhân loại với một đời sống tăm tối trong suốt hai nghìn năm dưới dấu hiệu thánh giá, đã kiềm chế nhân loại trong áp bức, sợ hãi và những khủng bố dưới dấu hiệu thánh giá. Đồng chí có muốn chứng kiến cảnh tượng đó không nhỉ?
Novirok đăm đăm nhìn Bodnariuk mà không nói gì. Đại tá Novirok biết rằng nếu ý nghĩ của Bodnariuk được chế độ Sô Viết chấp nhận thì ông ta có thể trả lời «vâng» mà không sợ hãi gì. Nhưng nếu một mai chính phủ Sô Viết xem những ý nghĩ đó là quá sớm hay không hợp thời thì những ai đã trả lời «Vâng» sẽ bị nguy hiểm. Cho nên tốt hơn hết là im lặng, đừng đồng ý hay không đồng ý, và nhất là không nên nói «có lẽ» vì chữ «có lẽ» sẽ bị xem như là đồng ý hay không đồng ý. Điều chính yếu là giữ im lặng và chỉ nhìn mà thôi, nhìn với đôi mắt không trung lập, cũng không lờ mờ, một nét nhìn không nói lên sự đồng ý hay không đồng ý, một nét nhìn giống như lũ trâu bò. Đó là thái đó chắc chắn nhất để giữ sinh mạng, và thái độ mà đại tá Novirok đã chấp nhận. 
Và cả dân tộc Sô Viết củng cố gắng để có thể nhìn như thế.