hoảng tháng Giêng tháng Hai này tuy Cali đất trời đang vào Xuân, nhưng thỉnh thoảng cũng rỉ rích vài cơn mưa và gió lạnh; nhất là vào giấc chiều tối vì bị ảnh hưởng bởi tiết trời mưa đông giá buốt thổi đến từ miền Đông-Bắc Mỹ.Tôi vào youtube… “Chiều nay nghe chơi vơi / Nhìn chiếc lá sắp rơi mưa giăng đầy trời…” - Nhạc phẩm Một Chiều Đông của nhạc sĩ lão thành tài hoa Tuấn Khanh nhẹ nhàng thoảng lên qua giọng ca trầm ấm thư thả của Duy Quang, nghe gần gũi, ấm áp, tha thiết làm sao!Thuở ấy, tôi từ mặt trận có được bốn-mươi-tám giờ phép quí báu về thăm nhà. Một cơn mưa nhẹ rỉ rích xuống Quy Nhơn của tôi kèm theo chút gió lạnh như thế này, lạnh như bây giờ. Một người bạn nhỏ đến chơi và tặng tôi, à không, cho tôi chép lại bản nhạc này. Tôi cắt “ngòi bút” bằng vỏ hộp diêm có năm mũi nhọn, chấm mực xạ rồi kẽ khuông nhạc, viết lời ca. Tôi bắt chước nét chữ dịu dàng thanh thoát của Lê Ngọc Thanh - bạn học tôi, các mẫu tự trong một từ được viết liền nét nhau, đặc biệt nét sau của chữ “h” kéo dài thêm một chút thật bay bướm. Nhưng tôi vụng quá không “nhái” được, nên chỉ thấy nét chữ của tôi nghệch ngoạc trên bản nhạc ấy thôi.Bạn tôi thong thả rải arpère một hợp âm rời trên dây đàn, khẽ hát, bắt đầu từ điệp khúc “Một chiều đông bên sông / thuyền lênh đênh cặp bến / đừng qua em ơi, sông nhuốm sương chiều…”. Giọng hát bạn mộc mạc nghe ấm lòng làm sao, tôi nhớ mãi đến giờ và tôi cũng thuộc luôn bài hát ấy đến giờ.Hết phép, giọng hát ấy và bài hát chép tay ấy theo tôi ra đơn vị. Trong bước quân hành, ở bất cứ nơi nào, mỗi khi có mưa có gió thì tôi lại nhớ người bạn nhỏ ấy vô cùng, tôi lại khẽ hát “… Chiều nay nghe chơi vơi / Nhìn chiếc lá sắp rơi mưa giăng đầy trời…”. Thuở ấy mưa gió đâu có thấm vào đâu so với sức trai hai-mươi / hăm-mấy đầy nhựa sống và nhiệt huyết của chúng tôi. Chúng tôi đã chắc tay súng và hát vang trong mưa rừng giá rét trên tiền đồn Kon Xơm Lũ / bắc Kontum “… Mưa, mưa mãi thấm lòng người trai nơi sa trường / Hạt mưa vui như hồi vỗ tay ca / Mưa, nhưng vẫn ấm lòng người trai đi xa nhà / Mưa cho tình thương mến thêm đậm đà!... ” - (Hạt Mưa Trên Poncho - Trầm Tử Thiêng).Được biết bây giờ người bạn nhỏ của tôi đang có một mái ấm gia đình sung túc và hạnh phúc nơi quê nhà. Thật mừng cho bạn biết bao!Đồng thời tôi cũng có mấy người bạn mà giờ không biết đang ở nơi nao… Trên rừng già, dưới biển sâu hay trong lòng đất lạnh; hoặc đang lưu vong nơi nào đó trên trái đất này hay trong manh áo phong phanh đang lây lất “lưu vong” ngay trên chính quê hương của mình… Chúng tôi đã bặt tin nhau từ lâu… Tôi nào biết… Tôi nào hay!? Phần tôi, chiều nay trong tiết mưa lạnh xứ này, đang ngồi đây ôm cái tuổi hưu của mình, nheo mắt đăm chiêu nhìn về bóng chiều cuối ngày… Sao ngày qua mau quá!? Rồi lại đăm đăm nhìn về cuối con đường trong trí tưởng của mình… Sao con đường phía trước ngày càng không xa mấy…!? Mỗi bước chân chệnh choạng bước tới là mỗi tấc đường ngắn lại… Có khác mấy không so với những năm tháng trước bảy-lăm “Chupao ai oán hờn trong gió. Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường” - (Thơ Lâm Hảo Dũng). Bên ngoài cửa sổ, nơi sân nhà kia, trên mấy cành cây khẳng khiu, những chiếc lá yếu ớt đang lẩy bẩy run rẩy trong gió… Những chiếc lá sắp rơi trong mưa giăng đầy trời… Tôi lại nhớ đến câu mà tôi đã đọc được ở đâu đó “Đời người như chiếc lá, khi đã không còn nhựa sống thì nó sẽ khô héo đi, sớm muộn gì rồi cũng sẽ lìa cành”.Đời người ngắn ngủi như thế nên tôi thường khuyên nhủ, nhắc nhở các con tôi hãy cố gắng làm việc, giữ việc và thăng tiến nghề nghiệp vì thời buổi này tìm việc làm không dễ. Có việc làm ổn định, đời sống mình mới thoải mái hơn, khỏi phải lo tháng đủ tháng thiếu. Để mai sau khỏi phải lo âu nhiều khi tuổi già sồng sộc kéo tới; dẫu biết rằng Sinh Lão Bệnh Tử là chuyện đời thường không ai tránh khỏi.