i trong chúng ta cũng đã từng sống trong tuổi thơ, cái tuổi hồn nhiên của con trẻ, cái tuổi của những trò nghịch ngợm, của những buồn vui, những yêu thương, giận hờn vô cớ. Cái đám trẻ con chúng tôi ngày xưa sống trong cái xóm nghèo cạnh đường ray xe lửa, giờ đây mỗi đứa một phương trời, tóc trên đầu lốm đốm sợi bạc sợi đen, đứa còn đứa mất, cho dù đang ở đâu, đang hiện diện trên cõi đời này hoặc đang rong chơi đâu đó ở một tinh cầu xa xôi huyền hoặc trong thế giới tâm linh, tôi chắc rằng chúng tôi vẫn muốn đắm mình trở lại với dòng sông tuổi thơ của mình ngày xưa.Dạo ấy thuở đất nước ta thật thanh bình, miền nam đồng lúa phì nhiêu " cò bay thẳng cánh ", nền kinh tế ổn định ít có tình trạng lạm phát nên cuộc sống của dân tình tương đối thoải mái, một người đi làm thì đủ sức " bao dàn " cho cả gia đình.Trong cái xóm nghèo trên con đường đất đỏ, ngày xưa hai bên đường người ta trồng những cây gỗ dầu to cao, cở 3 người lớn nối vòng tay cũng không thể ôm xuể thân cây, nó che bóng mát cho tuổi thơ chúng tôi hằng ngày mỗi buổi đến trường.Một hôm sau khi đi học về, cơm nước tắm rửa đâu đấy xong xuôi, cả bọn nhóc chúng tôi bắt đầu tụ tập dưới gốc cây " lê kiu ma " loại cây này nghe đâu do người Pháp thời đô hộ nước mình họ mang từ mẫu quốc sang trồng, cây to cao mọc nhiều nhánh, lá dài tương tợ như lá của cây xoài, cành nhánh hơi dòn dễ gãy nên mỗi khi có trái chín cây người ta thường dùng cái lồng để hái cho tiện, trái lê kiu ma tròn tròn dài dài, phần cuối trái hơi nhọn, khi chín cây cơm của trái màu vàng có mùi thơm nhẹ,phần cơm của trái lê kiu ma thường hay bị nhão, ăn một vài lần là cảm thấy ngán, hột lê kiu ma to màu nâu đỏ không ăn được.Sở dĩ tôi kể chi tiết về cây và trái lê kiu ma có phần cặn kẽ là do loại cây nầy ngày nay ít còn nơi nào trồng, và trẻ con thời bây giờ ở trong hay ngoài nước, có em chưa từng biết đến nó, và cũng để nhắc lại cho quý vị cao niên có dịp hoài niệm về một loại cây quen thuộc của quê hương đất nước mình ngày xa xưa.Chúng tôi chừng chục đứa trai có, gái có tề tựu đầy đủ, thằng Mẫm thằng to con và lớn nhất trong đám bắt đầu bày trò:- Tụi bây ơi! Hôm nay không chơi trò chơi trốn tìm nữa, tao có ý này hay lắm, hôm nay tụi mình sẻ đi " Trộm ổi " trong khu vườn nhà Bà Năm Minh.Nghe lời đề nghị " xấu xa " của thằng Mẫm cả bọn nhao nhao lên, rồi thằng " Lạc Lớn " lên tiếng:- Thôi không được đâu Mẫm ơi! Má tao mà biết được thì tao bị đánh " tét đít " như chơi cho mà coi.Thằng Mẫm cự nự liền một khi, nó nói:- Đâu phải mình ăn cắp ăn trộm cái gì đâu mà tụi bây sợ, tao nói trộm ổi cho nó " ly kỳ " chứ có gì đâu, nếu tụi mình vô xin đàng hoàng thì chắc bà " Năm Minh " cũng không từ chối, nhưng như vậy không vui, phải hôn tụi bây?.Thấy cả đám chúng tôi im lặng, được nước thằng Mẫn " lấn tới " luôn:- Tụi bây im lặng là đồng ý rồi đó, giờ thì bắt đầu nhé.Thằng Mẫm lần lượt giao nhiêm vụ cho từng đứa, người thì canh gác, kẻ phá rào để cả bọn " chui lỗ chó ", đứa thì leo cây, đứa hứng ổi do thằng hái trộm quăng xuống. Kế hoạch thật tỉ mỉ đến không ngờ,mãi sau này khi phục vụ trong quân ngũ tôi thầm nghĩ:- " Giá mà trong quân đội có nhiều người điều binh khiển tướng " tài tình như thằng Mẫn ngày xưa thì hay lắm đây "...Khu vườn nhà của Bà Năm Minh được trồng rất nhiều loại cây ăn trái, để bảo vệ khu vườn này, bà Năm cho làm hàng rào bằng cây gai " ắc ó ", loại gai cứng nhọn và cong cong giống như cựa của những chú gà Trống của má Thằng " Ẩn " đang nuôi. Đã vậy bà Năm còn " răn đe " cái đám đạo chích bằng một đàn chó thật hung hăng.Sau một hồi bàn cãi, con Hồng và con Xinh được giao nhiệm vụ " gác gian ", hai đứa nó đứng canh chừng cổng chính, khi nào thấy người trong nhà Bà Năm xuất hiện thì làm ám hiệu để bọn con trai chúng tôi " Tùy cơ ứng biến ".Được giao nhiệm vụ quá nhẹ nhàng, vậy mà con Hồng nó còn " càm ràm ":- Tụi bây nhớ lẹ lẹ dùm nha, hai đứa tao sợ lắm đó.Con Hồng vừa nói vừa run lập cập, con Xinh thấy vậy cũng sợ, lỡ có bề gì thì nó cũng bị vạ lây khiến tim nó đập thình thịch trong lòng ngực.Để trấn an hai " tiểu thơ " kia, thằng Mẫm bèn dụ khị:- Chút nữa tụi tao chia cho hai đứa bây những trái ổi xá lị chín cây ngon nhất, và mấy trái ổi sẻ nữa ngon lắm, à mà làm ơn nhớ giữ gói muối ớt cho kỹ nghe Hồng, ăn ổi xá lị mà không có muối ớt thì chết còn xướng hơn đó!.Lúc bấy giờ tôi mới thấy thằng Mẫm có tài lãnh đạo, nó dùng đủ cách để thuyết phục khiến đứa nào trong bọn tôi cũng nghe răm rắp.Bày binh bố trận xong, chúng tôi đi nép sát phía hàng rào gai " ắc ó ", thằng Ẩn và thằng Thành lảnh phần " đào tường khoét vách ", hai đứa nó thi nhau bẻ những cành gai nhọn của hàng rào, sau một hồi lọ mọ tụi nó cũng khoét được một " lỗ chó " tương đối rộng rãi so với thân hình mỏng manh ròm ròm như tôi, còn đối với thằng Mẫm thì quả là hơi vất vả cho nó khi chui vào.Từng đứa, từng đứa chui tọt vào khu vườn, tới phiên thằng Mẫm nó lom khom chổng mông bò vào, mọi việc đang tiến triển đúng như dự tính, bổng đâu tiếng thằng Mẫm rú lên thất thanh làm những đứa đi " tiên phong " run lẩy bẩy vì sợ lộ bí mật thì tiêu tùng cả đám:- Ui da! Má ơi đau quá, chết tao rồi tụi bây ơi,mấy cái gai quỷ này nó cào trên lưng tao rồi.Cố lấy bình tĩnh ngó quanh quất khu vườn, may quá chúng tôi vẫn chưa bị phát hiện, tôi tiếp tục quan sát về phía thằng Mẫm nó đang loay hoay với cái " lỗ chó ", tôi thấy trên tấm lưng trần của nó hai đường bị gai cào chạy dọc và rướm máu.Trong lòng mình tôi thấy tội nghiệp cho thằng Mẫm, tôi quay qua và đưa lời trách móc thằng Thành và Thằng Ẩn:- Lúc nãy tao nói mà tụi bây hỏng chịu nghe, phải chi khoét cho rộng thêm thì đỡ quá, để bây giờ thằng Mẫm " bị thương ", chán thiệt mới xuất trận mà xui rồi, kiểu này là điềm chẳng lành đó nghe!.Rồi thì thằng Mẫm cố rướn mình cuối cùng nó cũng qua được cái ải đầu tiên của cuộc chiến, chúng tôi cùng tiến vô sâu trong sân vườn, bóng mát của những tán cây xum xuê che phủ, không khí mát rượi, tiếng chim non trên những cái tổ phía trên cao đang ríu rít kêu, tôi nghĩ có lẽ chúng đang đói và chờ chim mẹ mang thức ăn về, thỉnh thoảng có vài tiếng kêu của vài con tắc kè núp đâu đó trong cành cây kẽ lá của khu vườn, tôi ước ao phải chi nhà mình có được một mảnh vườn nho nhỏ, trồng những cây ăn trái như nơi đây thì có lẽ tôi chẳng bao giờ tham gia vào cái trò chơi " trộm ổi " này đâu, nhưng mơ ước vẫn là mơ ước. Đang miên man suy nghĩ về viễn cảnh tươi đẹp với mảnh vườn nho nhỏ, tiếng réo của thằng Mẫm đưa tôi về thực tại:- Thằng Phương kia! Sao không leo lên đi ông, tụi nó lên cây hết rồi, đang mơ mộng gì hả mậy?, đi " ăn trộm " mà muốn làm thơ nữa hả?.Lấy hết can đảm tôi nhảy phóc lên cành cây đang sà dưới thấp, nhanh nhẩu tôi chuyền cành như anh chàng trong phim " Tazan đại náo rừng xanh " mà tôi được anh Hai tôi dẫn đi xem ở rạp chớp bóng " Đông nhì " dạo nọ.Những trái ổi xá lị to tròn, da láng bóng, do chín trên cây nên nó toả mùi thơm phưn phức, một cảm giác thèm thuồng khó tả đang làm nước miếng trong Miệng mình tuôn chảy, nuốc ực cho qua cơn thèm cố hái thật nhiều " chiến lợi phẩm " để chút nữa đây tôi có dịp lấy le với con Hồng và con Xinh.Nhìn sang cây ổi bên cạnh, tôi thấy thằng Lập, thằng Kháng cũng đang vắt vẻo trên cây, những trái ổi to được hai đứa nó giấu trong lưng áo, Bất ngờ tay thằng Kháng chộp nhầm một con sâu ổi đang bò trên cành cây, loại sâu này có màu xanh nhạt nó to lớn hơn các loại sâu khác, mình tua tũa gai chĩa lên khiến tôi liên tưởng đến lông gai nhọn của những chú nhím trong sở thú. Khi cần tự vệ trước kẻ thù thì Nhím ta xù lông dựng đứng để ăn thua đủ với đối phương. Hoảng sợ thằng Kháng buông tay và rơi từ trên cây xuống đất như trái mít rụng khi chín trên cây.- Chết thằng Kháng rồi tụi bây ơi! Nó té xuống đất bất tỉnh kìa.Thằng lập vừa la làng vừa trèo xuống đất, nó lật đật làm rơi những trái ổi xuống cạnh thằng Kháng, những trái ổi vỡ nát dưới đất giống như sự tan vỡ trong lòng chúng tôi khi gặp kết cuộc đáng buồn của thằng Kháng.Tiếng đàn chó trong nhà Bà Năm bắt đầu sủa vang lên, thấy chúng chạy ra cùng người nhà của Bà Năm, chúng tôi chết lặng trên cây với vật chứng rành rành là những trái ổi chưa kịp tẩu tán.- ky..ky, suỵt suỵt.. Đừng cắn.. Đừng cắn..Như hiểu được tiếng ngăn cản của chủ, đàn chó gầm gừ, cúp đuôi xuống ve vẩy rồi đi quanh chân của Bà Năm, kêu chúng tôi trèo xuống đất bà Năm chậm rãi cuối nhìn xem xét tình trạng của thằng Kháng, cũng may chổ nó rơi xuống cách mặt đất không cao lắm, hơn nữa nhờ lớp đệm của lá cây rơi rụng lâu ngày phía bên dưới làm thành một " tấm nệm " thiên nhiên nên thằng Kháng chỉ xây xát đôi chút, còn việc nó bất tỉnh nhân sự là do nó quá sợ hãi nên tạm ngất đi, khi chúng tôi tề tựu đông đủ quanh nó thì thằng Kháng bắt đầu hồi tỉnh lại.Với giọng hiền từ, bà Năm khẻ nói:- Các con ơi, các con muốn ăn trái gì thì nói bà Năm, bà sẽ kêu chú quản gia hái cho, các con đừng làm những việc như hôm nay, như vậy là không tốt, biết chưa?, may mà không xảy ra chuyện gì chứ bằng không thì khổ lắm...Cả đám chúng tôi lí nhí vâng dạ sau những lời "uốn nắn " của bà Năm, bà không trách mà còn sai người quản gia hái cho chúng tôi thật nhiều ổi đã vậy bà còn khuyến mãi thêm vài chùm nhản vừa chín tới trên cây, cả bọn " đạo chích " cảm ơn cách đối nhân xử thế khéo léo của Bà Năm tốt bụng kia, chúng tôi lũ lượt kéo nhau ra về, ra đến cổng chính, nhìn quanh quất cố ý tìm 2 bóng hồng " gác gian " ban nãy, tôi không thấy 2 cô bé dễ thương hiện diện nơi làm phận sự, thì ra khi nghe thấy tình hình bên trong xảy ra chuyện khá phức tạp, hai " cô nương " co giò chạy một mạch về nhà trốn biệt tăm...Chiều hôm đó tại nhà thằng Mẫm, chúng tôi quay quần cùng nhau bên rổ ổi, bên những chùm nhãn chín cây, bên chén muối ớt cay nồng, đứa nào cũng cố sức ăn thật nhiều, tận hưởng phần " chiến lợi phẩm " của một buổi chơi trò " Trộm ổi " đáng nhớ kia, báo hại cả đám chúng tôi đứa nào cũng bỏ buổi cơm chiều, mang cái bụng óc ách đến độ mất ngủ suốt đêm dài, cho đáng cái tội của những tên đạo chích bất đắc dĩ nhưng thật dễ thương kia....Dòng đời cứ tuôn chảy, sau một năm dài học hành vật lộn với những kiến thức của những " người đưa đò " truyền dạy, lũ nhóc chúng tôi tạm rời sách vở, tạm xa những bụi phấn li ti bám trên mái tóc của những người cha, người mẹ tinh thần đã dìu chúng tôi suốt một năm qua trong mái trường yêu dấu.Vui mừng chào đón những cánh phượng hồng lung linh trước gió, ba tháng hè là chuỗi ngày chuyên chở nhiều kỷ niệm rất dễ thương của trẻ con chúng tôi. Tôi còn nhớ như in một hôm nọ khí trời oi bức, mặt trời chiếu sáng chói chan, những giọt nắng như thiêu như đốt, cũng là Thằng Mẫm cái thằng chuyên khơi màu hầu hết những trò chơi của chúng tôi thời bấy giờ. Quê nó ở Thủ Dầu Một, đó là vùng quê hẻo lánh nhà nó ở vùng bưng của một con sông nhỏ, nơi đây thường xuyên xảy ra những trận đánh giữa quân đội và những người du kích nằm vùng, đôi lúc cũng gây ra thương vong về cả hai phía, sở dĩ thằng Mẫm nó hiện diện ở cái xóm nghèo của tôi theo lời nó kể lại:- Cái đêm gây kinh hoàng cho gia đình tao, hai bên chạm súng ác liệt, một trái pháo vô tình rơi trúng căn nhà tao, nhà bị cháy rụi may là đêm ấy cả nhà nhanh chân rút vào hầm tránh đạn khi chiến sự mới bắt đầu. Sáng hôm sau không nói không rằng ba tao đem hết gia đình lên tá túc nhà người chị ruột của ông ấy là bà Sáu thợ may trong xóm tụi bây, tình hình lộn xộn dưới miền quê cứ triền miên xung đột, ông đã quyết định cho tao tá túc luôn ở đây và thành công dân thực thụ trong xóm này đó.Lần này thằng Mẫm rủ chúng tôi đi tắm sông thay vì đi bơi trong hồ tắm, lâu quá chúng tôi chưa được vùng vẫy trong làn nước mát, khổ nỗi lúc bấy giờ muốn đi bơi thì phải ra đường lộ đón xe ngựa để đến hồ tắm Đại Đồng, nơi đây cách bệnh viện Nguyễn Văn Học chừng vài trăm thước, nếu muốn bơi hồ có mực nước sâu hơn thì quá bộ từ hồ Đại Đồng đi vào con hẻm ngoằn ngoèo chừng trăm thước là đến hồ tắm Chi Lăng, cả hai hồ này đều ở Gia Định, có điều là trong bọn tôi đâu phải đứa nào cũng có tiền mua vé vào các hồ tắm này, để phá cái trở ngại trên thằng Mẫm nó gom tụi tôi lại và phán rằng:- Tụi mình đi tắm khu " Hầm Đất " không mất tiền, mà còn vui nữa, xuống đó chia phe đánh trận luôn.Toàn bộ chúng tôi mừng ra mặt với cái " chỉ đạo " hợp tình hợp lý của thằng Mẫm, hợp tình là đứa nào cũng được bơi lội mà không mất tiền, hợp lý là nơi đó gần nhà không tốn thêm khoản tiền xe ngựa nên ai cũng hoan hô hết mình.Hồ tắm " Hầm Đất " mà thằng Mẫm nói là một khu đất chạy dọc theo đường ray xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa. Nằm cạnh cái kho xăng của quân đội, nơi đây là do trước đây người Pháp họ đào bới lấy đất chở đi sử dụng cho những nơi khác, lâu ngày thành những hầm hố sâu hoắm, mùa mưa ngập nước, do phần đáy hồ có độ sâu khác nhau nên cũng rất nguy hiểm dễ làm hụt chân nếu không biết bơi, nhưng với đám " rái cá " chúng tôi thì đó là chuyện nhỏ không đáng quan tâm, cái quan tâm nhất là mấy con " đỉa trâu " sống dưới hồ, và nhất là những chòm mả đá ong còn sót lại nằm nhô cao khỏi mặt hồ ( có lẽ do có mồ mả nên họ chừa lại không đào bới để lắy đất, hay vì những người nằm dưới mộ kia có cái quyền lực siêu nhiên nào đó ra tay ngăn chận ). Trở lại với mấy con đỉa trâu, ngay cái tên gọi của loài này cũng là cái đề tài bàn cãi của đám trẻ:- Hồng thấy Đỉa trâu là do con này nó hay bám vào thân con trâu để hút máu, vì thế người ta mới gọi là Đỉa trâu, đúng hông Xinh.Con Hồng khẳng định tên khai sinh con đỉa như thế, để củng cố niềm tin nó kéo con Xinh vào làm đồng minh cho câu nói trên.Thằng Ẩn, cái thằng ít nói nhất trong đám lần này thì nó lên tiếng:- Không phải đâu Hồng ơi! Do con đỉa nó hút máu đến khi mình nó căng tròn, hơn nữa nó cũng màu đen nên người ta ví nó như con Trâu, từ đó mới gọi Đỉa Trâu.Đúng rồi.... Ha..ha đúng rồi.Cuộc bàn cãi về tên con đỉa chưa được phân biệt đúng sai thuộc về ai, nhưng hôm đó chúng tôi phải gác lại nỗi sợ hãi để đắm mình vào trò chơi đánh trận dưới hồ nước đục ngầu đầy bất trắc.Hai phe được thằng Mẫm chia đều mỗi bên năm đứa, trong đó " đầu lòng hai ả Tố Nga " là con Hồng và con Xinh cũng không ngoại lệ mỗi đứa một bên, ban đầu hai đứa con gái không chịu tách ra làm hai vì trước đây trong mọi cuộc chơi thì hầu như lúc nào hai đứa cũng chung một nhóm, giờ bị " chia uyên rẽ thúy " nên khiếu nại và đòi nghỉ không tham dự trò chơi hấp dẫn này.Thằng Mẫm sợ cuộc chơi mất vui nếu thiếu vắng " bóng Hồng trong sa mạc " nên lần nữa nó phải dùng miệng lưỡi của Tô Tần để chiêu dụ hai người đẹp đỏng đảnh khó tính kia:- Đánh trận thì có chết có bị thương, hai đứa bây làm y tá cho hai bên vậy là hợp lý rồi, trạm quân y thì ở trên bờ, khô ráo mát mẻ, tụi tao ra trận ướt át cực khổ lắm, chịu chưa?Thấy phân tích rất lô gích của thằng Mẫm hai đứa gật đầu:- Tưởng mấy ông bắt tụi tui lội xuống nước chớ, nếu xuống thì phải đi chung hai đứa, làm y tá vậy được rồi.Thấy thuận buồm xuôi gió thằng Mẫm đế thêm câu nữa để chấm dứt mầm phản loạn của hai cái bông hồng có gai:- Vậy phải dễ thương hông.. Nhớ thương binh về trạm là phải chăm sóc kỹ lưởng nha hai đứa bây.Tính đi tính lại còn thằng Cảnh con của cậu tư Tắc xi là chưa ở phe nào, vận dụng đầu óc " Gia cát Lượng " của mình, thằng Mẫm ban cho Thằng Cảnh cái chức " Trọng Tài ", nhiệm vụ giám sát hai phe, nếu bên nào có biểu hiện ăn gian thì Thằng Cảnh có quyền cho tạm dừng cuộc chơi để xử lý.Nghe cái chức của thằng Cảnh từ miệng thằng Mẫm nói ra, tôi cười thầm:- Cái thằng Mẫm này " ma le " dễ sợ, nào đến giờ chơi trò đánh trận làm gì có cái chức " Trọng Tài ", vậy là thằng Cảnh bị " Mê hồn Trận " bủa vây nó bởi cái chức này quả là " Hữu danh vô Thực ".Tuy nhiên thằng cảnh khoái chí nó tít mắt cười hả hê khi làm giám sát trận chiến tương lai.Tề tựu đầy đủ trên bờ, gió thổi thốc từ mặt hồ nước mát rượi, nó xua bớt đi cái nắng rát da của mùa hè êm oi ả. Kiểm tra lại " vũ khí " hai bên để xem tương quan lực lượng như thế nào? Tránh tình trạng bên nhiều bên ít không công bằng cho cuộc chơi.Về súng thì có súng trường, súng ngắn, lựu đạn, mìn... Đủ thứ để ra chiến trường, súng ngắn dành cho cấp chỉ huy trong đó đương nhiên thằng Mẫm xí một khẩu, bên kia thằng Thành một khẩu, đây là loại súng nhựa bắn nước giá 5 cắt một khẩu mua bao nhiêu cũng có tại tiệm tạp hoá của cô Ba Sao trong xóm. Súng trường thì không tốn xu lớn xu nhỏ nào, chúng tôi lấy cọng lá chuối rọc hết phần lá còn phần cuống cắt ra từng đoạn khoảng 8 đến 9 tất, sau đó dùng dao cắt phần nhô lên của cuống lá một đoạn ngắn khoảng 5 đến 10 phân, kế đến dùng dao tách ra và bẻ ngược về phia sau, làm chừng năm bảy cái như thế. Khi bắn thì dựng đứng các phần cắt lên rồi dùng tay gạt phắt về phiá trước tạo ra tiếng nổ " lốp bốp " như súng liên thanh, đứa nào muốn có dây đeo thì xé dây chuối cột hai đầu là có khẩu " carbine chuối " rồi. Lưụ đạn và mìn thì làm bằng đất sét ươn ướt vo tròn, hôm nào lỡ làm khô quá khi trúng lựu đạn và mìn này thì tối đó thân thể bầm tím nhiều nơi.Trọng tài Cảnh bắt đầu điều khiển trận chiến, chúng tôi nhảy ùm xuống nước, theo vị trí đã được định sẳn cho hai phe bơi đến nằm đó phục kích địch quân.- Đứa nào bị bắn là phải lăn ra chết nha, còn muốn bị thương cũng được, tao cho y tá đến cứu. Nhớ là không được ăn gian nhé tụi bay.Thằng Cảnh cố làm ra vẻ quan trọng, nó nhắn nhủ cho cả hai phe như thế.Trong một góc khuất, mấp mé bên mép nước, thằng Mẫm ôm một đoạn bập dừa nước, nó nổi bồng bềnh trên mặt nước, tay lăm lăm khẩu "" ru lô " mắt chăm chú quan sát phe bên kia, chẳng thấy động tịnh gì của địch quân, nó nói với tôi:- Phương! Mầy ở đây yểm trợ cho tao, tao ra tìm tụi địch quân mới được, đánh giặc gì nhát như thỏ đế, trốn mất biệt biết bao giờ mới dứt trận.- Mầy cứ đi có tao đây, thằng nào lú ta tao bắn nó " bể gáo " luôn, nhưng cẩn thận nghe mậy.Nó cười cười gật đầu rồi từ từ đạp nước ôm bập dừa bơi ra chỗ trống, chưa kịp thi thố tài đánh giặc ra sao, tiếng thét vang lên và tiếng lõm bõm của nước hòa theo, bởi địch quân phát hiện ra thằng Mẫm, chúng nó bắn liên tục và ném thật nhiều " lựu đạn " khiến nước văng tối mặt, nước tràn vô miệng thằng Mẫm ho sặc sụa vuốt mặt không kịp..- è è è.... Bùm. Bùm....- Xí thằng Mẫm bị thương rồi nha.Tiếng thằng Thành vang lên như thế và cả đám rời chổ núp nhằm phản đối thằng Mẫm định chơi ăn gian.Lúc này thì cái chức " Hũu danh vô thực " của thằng Cảnh được phát huy tác dụng, thằng Cảnh nói như ra lệnh:- Đúng như giao kết ban đầu, Thằng Mẫm phải bị thương rồi, thôi lên bờ cho y tá băng bó đi ông ơi...Đa số thắng thiểu số, cái tay khổng Minh Gia Cát Mẫm này đành bó tay thúc thủ. Thằng Mẫm nó được nằm ở Trạm " Quân y " do con Hồng làm xếp, theo quân lệnh thì nó phải chịu sự chỉ đạo của con Hồng trong lúc này, vì nó đang là thương bệnh binh mà.Trận đánh như thế, lần lượt quân tướng của hai phe rơi rụng gần hết, thu dọn chiến trường chúng tôi quay quần bên trạm quân y của hai phía:- Vết thương này nhẹ, trầy da chút xíu mà nãy giờ la bài hải hoài, chỉ huy gì ẹ quá!Con Hồng cố tình trêu ghẹo thằng Mẫm, vì từ lúc nó vô nằm điều trị ở Trạm quân y của con Hồng tự nhiên nó nhõng nhẽo thấy phát sợ.Đang loay hoay để chuẩn bị gom đồ đạc để ra về thì tiếng rú thất thanh của thằng Thành chỉ huy phe bên kia:- Đỉa... Đỉa.. Hút máu...tao.. Cứu..cứu.Kêu được chừng đó, mặt mày xanh lét thằng thành rơi vào trạng thái ngất xĩu, nghe đâu nó có loại máu xâm gì đó, người ta đồn đãi ai có loại máu này khi thấy máu chảy thì lập tức chóng mặt và ngất đi.Con đỉa bâu chân thằng Thành đã to tròn như chú heo được vỗ béo trước khi xuất chuồng để bán.Lanh trí, con Xinh nói và làm thuần thục động tác giải cứu cho thằng thành:- Vụ này để Xinh lo, dễ ợt hà, bà ngoại của Xinh dạy cho biết cách trị khi bị đỉa đeo.Nó kêu thằng Ẩn đang đứng gần nhất, phun nước bọt vào nơi con đĩa đang bám thì nó tự rơi xuống không cần lấy tay tháo gở, quả nhiên con đĩa uốn éo và tự rơi xuống, lúc này cả bọn con trai chúng tôi trố mắt nhìn con Xinh với cặp mắt ngưỡng mộ và nó đang dương dương tự đắc vì mới làm một việc thần kỳ mà lúc đó chưa đứa trong chúng tôi biết được bí quyết nầy.Trong lúc cả đám xúm xít lo vụ con đỉa, tình cờ tôi thấy thoáng qua thật nhanh, thằng Mẫn nhân cơ hội không ai để ý, nó hôn lén lên mái tóc của con Hồng, vô tình biết tôi thấy được chuyện này nó bẽn lẽn xô nhẹ thằng Mẫm trở ra và nói thật nhỏ:- Cái ông Mẫm này kỳ quá nghe!Thẹn thùng đôi má ửng Hồng, con Hồng quay sang hướng khác cố tránh đôi mắt buồn thiu của Tôi...Hồng đâu có biết cái tình cảm với Hồng nó đã len lén ấp ủ trong tim tôi tự bao giờ chưa có dịp thố lộ, vậy mà hôm nay thằng Mẫm nó phõng tay trên làm tôi hụt hẫng cả tháng...Rồi mùa Hè cũng trôi qua, cái tình cảm trẻ con cũng trôi theo năm tháng. Thằng Mẫm quay trở về quê để theo học Trường Nam tỉnh lỵ, cơ hội ngàn năm lại đến tôi bậm gan nói lời yêu thương với Hồng, được nàng chấp nhận chúng tôi có thật nhiều kỷ niệm nhưng cũng vào một mùa hè của nhiều năm sau đó Hồng lên xe Hoa với người đàn ông xa lạ, nàng để lại cái xóm nghèo một gả si tình nhút nhát...Năm tháng dần trôi, như đã nói trên chúng tôi mỗi người mỗi ngã, giờ đây chúng tôi cố gom góp lại những năm tháng yêu dấu của tuổi thơ làm hành trang quý báu trên quảng đường còn lại của mỗi con người./.Hai Hùng ( một chiều chớm vào Hạ )Viết xong. 30/3/2012