ốn thích sống gần sông nước, sở nguyện của Trang là muốn có một căn nhà nhìn xuống quang cảnh ven bến sông, bờ hồ.
Từ ngày dọn về căn "condo" mới mua này, Trang thật sự ưng ý. Nàng có ý nghĩ sẽ đóng đô tại đây luôn, không bao giờ dời đổi nữa, “mình sẽ ở đây suốt đời!”
Buổi chiều chớm thu. Đi làm về, Trang mở cửa sổ nhìn thẳng ra bờ hồ. Ngoài kia, hàng cây vi vu trong gió, lá vàng rơi rụng phủ kín mặt đường như một tấm thảm trải rộng nên thơ trong truyện thần tiên. Chim bồ câu lượn quanh nhiều quá! Vài đôi chim sà xuống đậu trên lan can, bên cửa sổ, líu lo ríu rít, cảnh sắc thiên nhiên mùa thu nơi đây quả thật êm ru lòng người.
Chợt cơn gió lay động mạnh, nhìn tàng cây trút lá Trang cảm giác như thấm lạnh, bỗng thấy thèm một tách trà chanh nóng nhiều đường. Chỉ khoảnh khắc, vội khoác lại lên người chiếc áo laine màu nâu hạt dẻ, thêm chiếc khăn quàng soie màu dạ lý, nàng bước ra hành lang, khóa cửa cẩn thận, thả bộ về hướng quán cà phê ven bờ hồ.
Nơi đây, trong quán cà phê xinh xắn với những chiếc kệ đầy ắp sách báo, trang hoàng bốn phía, Trang như tìm thấy một nơi trú ẩn an toàn, thoải mái cho tâm hồn mình sau những giờ làm việc căng thẳng bên bàn giấy.
Chủ quán cà phê là Hiền, một thiếu phụ, bạn thân của Trang.
Xưa kia, hai vợ chồng Hiền đều là công chức cao cấp trong Bộ Tài Chánh, cuộc sống của họ vững vàng, giàu sang, hạnh phúc bên hai con. Cho tới ngày chồng Hiền qua đời vì một cơn bạo bệnh, quá buồn đau, Hiền xin nghỉ việc dài hạn, tìm sự khuây khỏa trong những chuyến du lịch xa, dài ngày.
Thời gian trôi qua, các con lần lượt vào đại học, nỗi buồn như chưa nguôi đè nặng tâm can người cô phụ, Hiền vẫn không muốn trở lại nhiệm sở... nơi chốn còn lưu dấu quá nhiều kỷ niệm!!!
Sau thời gian nghỉ ngơi, Hiền quyết định mở ra một quán cà phê, bên hông căn nhà rộng thênh thang nơi nàng đang cư ngụ.
Đây là một quán cà phê khá đặc biệt.
Ngoài hương vị cà phê mua từ tận gốc, xay tại chổ, mùi hương ngào ngạt tỏa ngát, khách có thể dùng trà, hoặc chocolat nóng, bánh ngọt.Đặc biệt, nơi đây trưng bày hai chiếc kệ chứa đầy sách, dựa lưng vào hai bức tường cao tận trần nhà.Khách vào tiệm có thể chọn sách, thoải mái đọc khi ngồi uống cà phê. Hiền đã có sáng kiến đem ra tiệm cà phê toàn thể tủ sách quý ở nhà của vợ chồng nàng trước kia, để chia sẻ cho mọi người cùng coi, cùng đọc.
Sáng kiến này đuợc nhiều nguời ưa thích, dần dần thu hút số đông trở thành bạn hữu, hoặc ít ra cũng có một số khách hàng trung thành, quen thuộc với quán.
Hầu hết khách đến đây đều có chút thú vị như được ngồi trong thư viện nhiều sách quý, kèm thêm cảm giác ấm cúng như đang nâng ly cà phê trong chính phòng sách của mình. Quả thật, hiếm khi thấy quán vắng khách.
Với Hiền, Trang vừa là bạn thân vừa là một trong những người khách trung thành nhất. Còn Hiền thì từ ngày mở tiệm đã có niềm vui mới qua phong cách sống có ý nghĩa, vừa tránh lẻ loi buồn chán, vừa mang lại hữu ích cho người, cho mình.
Được bài trí với những chiếc bàn tròn thấp, kèm theo nhiều ghế fauteuil êm ả xinh xắn, gọn gàng, bao quanh là hai bửc màn che cửa sồ màu da bò, tạo nên ấn tượng quen thuộc của một tiệm cà phê thanh lịch, thu hút khách hàng lui tới.
Như mọi lần,Trang luôn đi đến chiếc bàn kê ở góc cuối phòng, kế bên cứa sổ, là chỗ ngồi nàng vẫn đóng đô mỗi khi ghé quán.
Qua khung cửa sổ, Trang thường thơ thẩn ngóng lên trời cao, mây trắng lúc xuân sang, đăm chiêu ngắm lá vàng lả tả độ thu về, hay u sầu nhìn tuyết rơi nhẹ nhàng lưa thưa khi đông đến. Có những hôm khách về sớm, rảnh rang đôi chút, Hiền cũng bưng một tách cà phê, đến bên Trang, cùng bạn tâm tình, tán chuyện gẫu. Đến giờ đóng cửa tiệm, hai người kéo nhau đi ăn bữa tối, tiếp tục dòng tâm sự.
Chiều nay.
Trang bước vào quán, đến gần ôm hôn xã giao Hiền như thuờng lệ, xin bình trà nóng, một phần bánh ngọt, rồi lui về... vị trí cố hữu của mình.
Thuộc nằm lòng ý thích của Trang, Hiền đem đến bình trà với một chiếc hộp lố nhố đủ loại đường bọc giấy xanh giấy đỏ. Nàng không quên phết nhẹ vào vai Trang, "dằn mặt" trước khi quay lưng:
- Coi chừng diabète đó nghe!
Trang nháy mắt mỉm cười trả lễ Hiền, xoay qua khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Gió thổi mạnh hơn, lá vàng từng đợt, từng đợt rơi... rơi … mùa thu đã về thật rồi!
Dường như ai cũng có một mùa thu riêng trong ký ức, hay một mãnh trời thu kỷ niệm dấu kín trong lòng … Mùa thu gặp gỡ, mùa thu hẹn hò, mùa thu yêu đương, mùa thu chia cách, mùa thu đợi chờ...
Với Trang, trong quá khứ là một mùa thu chia cách, mùa thu đợi chờ cùng với chiếc khăn quàng soie màu dạ lý, chẳng bao giờ rời vai nàng khi trời thu nổi gió.
Quay về ký ức.
Ngày anh Giao, anh cả của Trang cùng với người bạn thân nhất, anh Hoành, lên đường du học, là ngày Trang buồn não ruột.
Ba má anh Hoành, bạn thân từ thuở thiếu thời của Ba mẹ Trang, chẳng may qua đời sau một tai nạn máy bay, để lại một mình anh Hoành đơn độc. Anh đã đuợc ba mẹ Trang đưa về nuôi dạy, thương yêu không khác chi anh Giao. Hai anh đi đâu cũng như một cặp bài trùng. Ba Mẹ thường hay nói, may mắn có tới hai nguời con trai. Trong trường lớp, hai anh đều học giỏi khiến Ba Mẹ rất lấy làm hảnh diện.
Trang không thể nào quên những buổi chiều tan học được anh Giao đến cổng trường đón về theo lời mẹ dặn. Hôm nào thấy anh Giao mắc bận công việc riêng hoặcđang làm bài tập, mẹ réo lên:
- Không đứa mô đi đón em Trang à? Hoành ơi, con đi đón em nghe.
Thế là, anh Hoành dùng chiếc xe Vespa của anh Giao đi đón Trang.
Ngồi sau xe anh Hoành chở, Trang sung sướng, hí hởn nhìn bạn bè đang lé mắt chung quanh mình.
Trang biết nhiều chị lớn trong trường "kết" anh Giao của Trang và anh Hoành. Hai anh cao ráo, đẹp trai, học giỏi, đi đâu cũng như... hai tài tử xi nê. Bạn bè theo khen hoài mấy anh làm mũi Trang cứ phổng lên. Đến ngày hội hè, lễ lược, hai anh lúc nào cũng được chọn để đi đầu, cầm cờ, oai một cây.
Lễ hội nào ở Huế cũng có cả mấy trường trung học tham dự.
Trường Quốc- Học và Trường Đồng - Khánh luôn đuợc xếp hàng gần nhau.
Tha hồ mấy anh chộn rộn, nhốn nháo.
Mấy chị lớp trên thì xinh đẹp, duyên dáng, đầy e lệ, nhưng chị mô chị nấy cứ như mặt hất lên trời.
Gái Huế mà!
Còn lớp nhỏ tụi Trang, nhúc nha nhúc nhích, uốn tới, uốn lui trong hàng ngũ không đứa mô dám cựa quậy ra khỏi chổ đứng của mình. Tuy sợ Bà Giám Thị nhưng đứa này cứ thọc lưng đứa kia, kêu nhau chí choé:
- Trang ơi, anh Giao mi tề. anh Giao mi cầm cờ.
- Anh Giao của con Trang mô, cầm cờ hả. Có cả anh Hoành nữa tề.
Tụi hắn nhón chưn, nhón cẳng lên dòm hai anh, và dòm cả mấy anh lớp khác nữa.
Tụi bạn lớp Trang thân với anh Giao, anh Hoành lắm, là vì nhờ tụi hắn tới nhà chơi với Trang hoài.
- Bà giám thị tới tề tụi bây ơi!
Bấm cho nhau biết, sau đó đứa mô đứa nấy đứng im ru.
Trang được nhiều chị lớn trong trường thương.Có vài chị lâu lâu còn bới ô mai cho Trang ăn nữa.
Chị Anh Thư thỉnh thoảng kêu Trang:
- Nì, Trang ơi, đem cái hộp ni về đưa anh Hoành dùm chị.
Trang đoán trong hộp là bánh in.Chị Anh Thư làm bánh in ngon, đẹp lắm, cứ mỗi lần chị nhờ, Trang cũng có được ăn.
Có một hôm chị Xuân Hồng đưa tờ giấy nói:
- Trang ơi, Trang về nói anh Giao cho chį mượn cuốn sách ni nghe.
Trang về, cầm tờ giấy đưa cho anh Giao, bị anh nạt ào ào
- Sách chi ai biết, thì vô trong tủ mà tìm.
- Ơ, cái anh ni lạ chưa, răng lại nổi cộc lên lưng em mình hè.
Cái mặt Trang bắt đầu lùng bùng...
Anh Hoành bước vô cười hiền hoà, vổ vai Trang nói:
- Vô đây, vô đây, đưa anh tìm cho Bé ơi.
Bởi rứa, răng mà Trang không thương anh Hoành cho đuợc. Trang thương anh vì những cái dễ thương, chăm sóc nhỏ nhặt như vậy đó.
Vậy mà cái ngày hai anh xách va li qua Tây du học, anh Hoành chẳng mở miệng nói với Trang được một câu cho ra hồn! Chắc coi Trang là thứ đồ còn con nít!
Con nít ranh chắc?
Trang nhớ tới buổi sáng ngày mùa thu hôm đó, hai anh từ giã gia đình ra đi, mà lòng Trang buồn hiu hắt, chẳng thốt nên lời.
Mình là con nít mà! Có ai thèm để ý tới mình đâu.
Rồi đây, những trống vắng ngày sẽ càng thêm dài, thêm thấm sâu khi những buổi chiều tan học không còn có ai đến đón Trang nữa.
Cả hai anh đều vổ vổ lên đầu, xoa xoa tóc Trang rồi thẹ thẹ lên xe đi. Trang sùng muốn khóc.
Cho tới tối, ăn cơm rồi, tự dưng chị Nuôi, người làm trong nhà chạy vô phòng Trang, nói:
- Ờ, cô Trang, tui quên, Cậu Hoành có nói với tui là cô thích hoa hồng vàng nên Cậu có cặm cây hoa hồng vàng cho cô trên bàn học cậu Giao, cô nhớ lấy nghe.
Thấy chị Nuôi nói xong, còn đứng làng chàng không chịu đi, không biết còn ưng nói chi nữa đây, Trang ngập ngừng hỏi
- Còn chi nữa không, nói mau đi, em còn học bài
- Dạ còn
- Ủa, thì nói mau lên chớ.
- Cậu Hoành còn dặn khi mô hái bông cặm trong nhà, nhớ hái cặm cho cô Trang một cây bông hồng màu vàng.
Nói xong thì chị Nuôi lọt lọt đi ra.Trang chạy vội qua phòng anh Giao, thấy đúng có cành hoa hồng, màu vàng tươi rói cắm trong chiếc lọ thủy tinh.Trang vội ôm về phòng, đặt lên trên bàn học.
Cả mấy tháng sau, cành hoa hồng khô đét, Trang vẫn còn treo bên cửa sổ.
Đó là món quà duy nhất anh Hoành gởi lại cho Trang trước ngày đi.
Qua tới Pháp, hai tháng sau anh Hoành gởi về cho Ba Mẹ một lá thư thật dài, kể lể về cuộc sống của anh và anh Giao bên đó, nói chuyện vô trường, chuyện học hành và xin cám ơn Ba Mẹ đã nuôi anh mấy năm nay, đã cho anh không thiếu thứ chi, không khác chi anh Giao.
Và anh hứa khi nào cũng ở cạnh anh Giao để chăm sóc, để có anh, có em.
Đọc thư, Ba có vẻ vui lòng.
Anh đã gởi về làm quà cho Mẹ một chiếc khăn choàng laine màu tím Huế, nhẹ như tơ và rất ấm, nói để Mẹ choàng vào mùa đông lạnh.Lâu lâu Trang cũng mượn trùm vào, thấy thiệt là ấm áp.
Còn Trang, anh Hoành cũng gởi về cho Trang một chiếc khăn quàng soie màu dạ lý, rất đẹp, với vài chữ viết chung trong thơ gởi cho ba mẹ " con gởi chiếc khăn quàng này cho Bé Trang ".
Hai anh qua đó, vào học chung trường Y, được ở cùng đại học xá. Chắc cũng lại thành cặp bài trùng làm cho mấy cô đầm bên Tây chết mê, chết mệt...
Ngày ra trường, anh Giao viết thơ vế xin Ba Mẹ qua thăm hai bác Phán, bên Vỹ Dạ, là bạn thâm niên của Ba Mẹ Trang, để xin dạm hỏi chị Từ Dung, chờ một năm sau chị ra trường thì xin làm đám cuới.
Chị Từ Dung đẹp lắm, là hoa khôi nổi tiếng của trường Jeanne d'Arc.Hồi ở Huế không thiếu gì nguời đi cua. Mấy anh theo chị nườm nượp. Trang không hiểu đuợc tại sao anh Giao cua đuợc chị và cua từ hồi nào.
Sau này hỏi ra thì đuợc biết là chị học rất giỏi, và chị đã đi Pháp du học sau anh Giao và anh Hoành hai năm. Qua đó chị cũng thi vào học trường Y Khoa luôn với hai anh.
Đợi chờ nhau, khi cùng ra trường, cả chị Từ Dung, cả anh Giao và anh Hoành, ba nguời đùng đùng kéo nhau đi qua Phi Châu làm việc thiện nguyện trong cái hội chi chi đó, Y Sĩ không biên giới thì phải.
A, thì ra ba người ni đã có "cùng chung chí hướng" từ lâu rồi!
Lúc đầu Ba mẹ cũng buồn vì mấy anh chị không về xứ, sau nghĩ lại thấy đất nưởc còn chiến tranh, thôi, mấy anh chị đi làm thiện nguyện vậy cũng tốt. Chỉ còn Mẹ, đàn bà, lâu lâu buồn, ngồi thắc mắc, không biết hai đứa nớ quen nhau hồi mô, thương nhau từ hồi mô mà mình không biết tới, không biết răng thẳng Giao lấy vợ rồi mà thằng Hoành thì không nghe chi hết?
Khi nớ thì chị Nuôi, buổi tối, đang ngồi đơm nút áo cho Mẹ, mới xì ra:
- Ui chao, Con biết chị Từ Dung lâu rồi Mợ ơi. Hồi nớ, anh Giao cứ bắt con qua đứng chờ trước cửa trường Răn Đa, chị dắt xe đi học ra con đưa thơ cho chị hoài.
Trang ngạc nhiên hỏi chớ chị làm sao biết trường “Răn Đa” mà chị tới.
- Thì dễ quá, lần đầu anh Giao đi xe Vespa trước, kêu cho chị Nuôi chiếc xe xích lô chạy theo sau, tới trước trường Răn Đa, dặn chị Nuôi đứng yên một chổ nớ nhất định, không được nhúc nhích đi mô hết. Hể thấy chị Dung ra là đưa thơ cho chị, chớ có khó chi mô. Rồi mấy lần sau cứ rứa mà đi. Khi mô gấp, sợ trể giờ chị Dung ra học thì chị Nuôi kêu xích lô đi, không gấp thì chị Nuôi đi bộ.
Trang thắc mắc hỏi tới,
- Rồi chị Từ Dung làm răng biết chị Nuôi là ai mà tới nhận thơ.
- Biết chớ, chắc chắn anh Giao có dặn chị Từ Dung rồi, nên khi chị Nuôi tới đập đập nơi cái ghi đông xe máy là chị Dung biết liền. Anh Giao còn dặn phải ngó cho kỹ, xe máy Chị Dung màu trắng, có thắt cái nơ đỏ nơi ghi đông, đừng đưa lộn xe khác,vềlà anh “giết” chị Nuôi đó nghe.
Trang ôm Mẹ cười lăn cười lóc. Mẹ cũng cười tới chảy nước mắt.
Đâu có ai ngờ chị Nuôi ở trong nhà lại có thêm cái nghề làm bồ câu đưa tin, làm cánh nhạn trao thư tình nữa đây trời?
Thế mà tới mấy năm sau, mối tình của anh Giao với chị Từ Dung mới bật mí ra.
Khiếp quá.
Lúc ni người ta hay nói con gái Huế bí mật, kín như bưng, bây giờ nhìn ra con trai Huế như anh Giao của Trang còn khiếp hơn nữa. Thương nhau, bưng bưng bít bít, chẳng ai biết trời trăng chi hết, tới ngày xin đòi đám cưới, đám hỏi mới xì ra. Vui thiệt.
Mẹ Trang còn tò mò hỏi tới:
- Rứa còn thằng Hoành thì răng, bây đi đưa thơ cho chị mô, con nhà ai rứa? Nhà mình có quen không? Học ở trường mô, trường Đồng Khánh hay trường Răn Đa?
Ôi chao, Mẹ hỏi tới tấp, hỏi lia lịa.
Chị Nuôi nghe Mẹ hỏi không kịp trả lời, rầu rầu bộ mặt cúi xuổng, thở dài.
Mẹ gặng hỏi:
- Răng, có chuyện chi, răng bây thở dài?
- Con sợ Cậu Hoành e không thương ai được mô Mợ nờ.
Nếu ở vào cái thời buổi này, nghe theo cảch nói của chị Nuôi, chắc người ta sẽ nghĩ là anh Hoành bị " homo " không thích đàn bà!
Nhưng Mẹ Trang lại lo sợ cách khác, nghĩ chắc chị Nuôi biết anh có bịnh hoạn chi đây.
- Thì bây nói cho rõ coi nờ! Thằng Hoành hắn bị cái chi rứa? Răng mà không thương ai được?
- Thì Mợ nghĩ coi, mần răng mà thương ai cho được. Năm nớ mùa thu ra đi, anh ấy dặn tới dặn lui con cả chục lần, hệ mỗi lần ra hái bông hay mua bông cặm trong nhà thì phải tìm cho được cái bông hồng mảu vảng, cặm trong phòng cho em Trang. Mợ nghĩ coi như rứa mà còn thương ai được nữa chớ?
Chị thở dài thườn thượt, mặt mày ủ ê, làm mẹ Trang cũng châu mày theo.
Chỉ có Trang nghe xong, lòng như mở hội!
Chiều nay, ngồi trong quán cà phê thân tình, ấm cúng quen thuộc, ven bờ hồ mùa thu, Trang bâng khuâng nhớ lại chuổi ngày bãng lãng đầy ắp kỷ niệm của Huế Xưa mà lòng thấy nao nao.
Ngày đó, chỉ có mình Trang, khi nghe chị Nuôi thầm thì với Mẹ xong, là lòng rộn ràng, vui như hội mùa xuân.
Trang hiểu rằng ngày xưa anh ở trong nhà, ba mẹ thương anh, lo cho anh ăn học như anh Giao,anh chẳng dám hé môi nói gì để phải làm phiền lòng ba mẹ. Còn Trang thuở ấy chỉ là một đứa bé con.
Nhưng Trang biết chắc trong lòng anh chỉ có Trang và lúc nào cũng nghĩ tới Trang.
Mấy chị lớn trong trường " kết " anh quá, mà anh có hề " kết " với chị mô, mô nờ.
Còn Trang, chắc anh cũng biết rồi, từ nhỏ khi nào cũng coi anh là thần tượng.
Mùa thu tới rồi mùa thu đi, cuộc đời còn dài mà anh. Anh cứ yên tâm đi làm thiện nguyện.
Trang biết một ngày kia anh sẽ trở về, và Trang sẽ chờ anh.
Nơi đây bên căn nhà xinh xắn cạnh bờ hồ, nơi quán cà phê êm đềm ấm áp của bạn Trang, Trang sẽ nhìn những mùa thu đi qua và chờ đợi anh. Trang sẽ chờ anh mãi, vì mùa thu của Trang đã được ấp ủ, phong kín muôn đời trong chiếc khăn quàng soie màu dạ lý.
Hàng Bè
 
 

Xem Tiếp: ----