Chương 6

     hi Nga đang ngồi vẽ trong phòng thì chị Tâm chạy vào:
- Có khách, cô ạ.
- Ai thế?
- Một người Tàu. Ông đi chiếc xe hơi nhà, bảo là tìm nhà cả giờ mới được. Phi Nga biết là ông Trần Phong đến thăm mình, bất giác nhìn đồng hồ và thấy mười giờ. Phi Nga nghĩ:
- Dũng gần về rồi...
Nếu gặp ông Trần Phong chắc chắn Dũng sẽ không vui, mặc dù mấy lúc sau này Dũng thường khuyên Phi Nga vẽ.
Phi Nga nói:
- Chị ra ngoài mời ông Trần Phong vào phòng khách rồi đi nấu nước và dọn ấm chén sẵn giùm.
Nói xong Phi Nga đi rửa tay, thay áo, định đi ra tiếp khách. Rồi không hiểu nghĩ sao, nàng vào phòng bé Hoàng. Hoàng đang ngồi chơi, thấy mẹ vào liền hỏi:
- Mẹ đi đâu đó cho con đi với.
Phi Nga kéo tay con:
- Đi ra chào khách với mẹ.
Thấy Phi Nga bước ra, dắt theo bé Hoàng, ông Trần Phong nói:
- Tìm nhà cô khó quá. Hỏi cô Phi Nga không ai biết hết.
- Phải hỏi nhà ông giáo Dũng thì ai cũng biết.
- Một ông giáo mà thiên hạ biết hơn một họa sĩ à? Lạ quá!
Rồi ông Trần Phong hỏi tiếp:
- Cô vẽ được gì chưa? Xưởng vẽ của cô đâu?
- Tôi không có xưởng vẽ. Tôi chỉ vẽ trong một căn phòng riêng.
- Thế cô vẽ được mấy bức tranh rồi? Có thể cho tôi xem không?
Phi Nga nhìn bé Hoàng. Thằng bé ngạc nhiên trước ông khách lạ nên nhìn ông ta không nháy mắt. Nàng nói:
- Đây là con trai đầu lòng của tôi. Có phải nó đẹp lắm không ông?
Ông Trần Phong cau có:
- Cô cứ mất thì giờ vì những đứa con thì sẽ không làm được trò trống gì hết.
Thấy ông Trần Phong nhìn mình với đôi mắt giận dữ, bé Hoàng rút tay ra khỏi tay mẹ, toan chạy vào nhà. Ông Trần Phong liền nói:
- Đó, cô thấy không? Nó có thích đứng ở đây với cô đâu. Hãy buông tay ra cho nó đi chơi.
Phi Nga chưa kịp nói gì thì chị Tâm bưng nước lên. Bé Hoàng chụp lấy chị:
- Đưa em đi bắt bướm đi.
Ông Trần Phong hỏi:
- Chị vú đó à? Để chị ấy đưa nó đi chơi. Chúng ta còn nói về tranh.
Phi Nga pha trà trong khi chị Tâm đưa bé Hoàng ra sân. Ông Trần Phong ngồi nhìn Phi Nga rót trà ra những cái chén nhỏ, rồi không đợi Phi Nga mời, ông bưng một chén trà uống cạn ngay. Phi Nga rót chén khác, ông cũng uống cạn và cứ như thế làm một hơi cả bốn chén trà nóng. Ông nói:
- Khát nước quá! Trà của cô ngon lắm, sao cô không uống?
- Tôi uống trà ít lắm.
- Thế cô ghiền thứ gì?
Lúc đầu Phi Nga không hiểu câu hỏi của ông Trần Phong, nhưng rồi nàng nhớ đến một bài báo về những cái ghiền của nhà văn. Như Victo Hugo mỗi khi viết văn thì mặc chiếc áo màu đỏ; Balzac thì mặc chiếc áo đen có thêu ren trắng ở tay, ở cổ; Lý Bạch phải có rượu mới làm được thơ... Phi Nga mỉm cười:
- Tôi không ghiền gì hết.
Ông Trần Phong giải thích:
- Cô phải có một sự ham mê nào chớ.
- Khi tôi làm việc thì quên tất cả.
- Có quên con cái không?
Phi Nga muốn thú nhận là nàng quên tất cả, kể cả tiếng con khóc, nhưng nàng không nói, chỉ rót trà thêm vào chén ông Trần Phong. Nhưng ông đã đẩy lui chén trà, đứng dậy:
- Nào, cho tôi xem những bức tranh của cô đi. Tôi lên đây chỉ có một mục đích này thôi.
Phi Nga đành đưa ông vào phòng vẽ, hồi hộp đứng chờ ông xem những bức tranh của nàng, ông Trần Phong xem hết bức này đến bức khác, không nói một lời. Khi xem đến bức tranh gia đình của Phi Nga, ông Trần Phong gật đầu:
- Giỏi lắm! Cô thông minh lắm. Phải vẽ như thế này mới đúng.
Rồi ông nói như để tự hỏi mình:
- Tại sao khi vẽ một gia đình sum họp thì người ta thường có ý nghĩ người vợ phải nhìn chồng hoặc nhìn đứa con đang ẵm trên tay?
Quay lại Phi Nga, Trần Phong hỏi:
- Chồng cô đây phải không?
Phi Nga gật đầu thì ông Trần Phong lắc đầu tỏ vẻ thương hại:
- Cô Phi Nga, cô có tài như thế này, tại sao lại chịu sống trong bóng tối? Tại sao cô chưa chịu xuất đầu lộ diện?
- Tôi mới tập vẽ. Thật ra tôi chưa hài lòng về những bức vẽ này.
Rồi Phi Nga nói về tấm tranh “Người gánh lúa” mà nàng đã bán cho ông Malê.
Nghe đến tên ông Malê, ông Trần Phong hỏi:
- Có phải ông ấy đi sưu tầm tranh không? Tôi gặp ông ấy nhiều lần lắm, ông ta có mua của tôi mấy tấm tranh lụa. Nếu ông Malê đã khuyên cô như vậy, thì cô nên nghe lời. Ông ấy sưu tầm tranh lẽ dĩ nhiên có đôi mắt tinh đời.
Ngừng một lát, ông Trần Phong nói tiếp:
- Cô hãy để tôi chỉ thêm cho cô. Những bức tranh này tuy vậy vẫn còn những khuyết điểm nhỏ về kỹ thuật.
- Tôi sẽ thu xếp thì giờ để lên thọ giáo với ông.
Thấy mình dùng tiếng “ông” có vẻ khách sáo quá, Phi Nga sửa lại:
- Tôi sẽ lên thọ giáo với thầy.
- Không cần học nhiều. Mỗi tuần hai buổi là đủ rồi.
Vừa nói ông Trần Phong vừa đi ra khỏi phòng vẽ, ngồi trở lại chỗ cũ. Phi Nga pha ấm trà khác, ông Trần Phong uống cạn ba chén nữa rồi đứng dậy:
- Tôi phải về Sài Gòn ngay bây giờ. Học trò của tôi đang đợi. À, cô có đọc những bài phê bình của các báo về cuộc triển lãm tranh của bà Châu chưa?
- Tôi chưa đọc.
Ông Trần Phong cười:
- Có người bảo bà ấy chỉ chép lại một số tranh của tôi. Làm bà ấy giận lắm.
- Nhưng chắc cũng có báo khen?
- Tôi không thấy ai khen. Muốn được nhà báo khen thì phải có cái gì cho họ. Họ hiếm khi vô tư mà cũng không có tinh thần khuyến khích người khác. Ở nước Việt Nam dường như người ta không thích thấy phụ nữ múa may trên sân khấu đời để phô trương tài năng của họ.
- Tại bà Châu không có thực tài. Khi người nào có thực tài thì tự nhiên thiên hạ sẽ biết. Thầy lầm đó, người ta ghét những kẻ múa rối, chớ ai lại ghét kẻ thực tài?
Ông Trần Phong nhún vai:
- Chẳng những ở Việt Nam mà ở bất cứ nước nào cũng vậy, kế cả bên Âu, bên Mỹ, người phụ nữ có tài vẫn thiệt thòi hơn nam giới. Cô tưởng giới văn nhân, nghệ sĩ tử tế lắm sao? Họ luôn ganh ghét nhau.
Phi Nga cười:
- Tôi không thấy điều đó. Bằng chứng rõ ràng là tôi chưa phải là kẻ có tài mà thầy, ông Malê và nhiều người nữa còn khuyến khích, giúp đỡ, huống chi là đối với những người có tài thật sự.
Ông Trần Phong ngồi vào xe còn nói với:
- Cô lạc quan quá, tại cô chưa chen chân với đời.
Phi Nga đứng nhìn theo xe của ông Trần Phong cho đến khi nó chạy khuất rồi mới trở vào nhà, ngồi ngẫm nghĩ về những lời của ông Trần Phong vừa nói với mình.
Một lát sau, Dũng đi dạy về. Thấy dấu bánh xe in trên sân đất ướt, Dũng hỏi vợ:
- Bà Châu đến thăm em phải không?
- Không phải. Ông Trần Phong đó. ông ấy lên đây để xem qua những bức tranh của em.
- Ông ấy nói sao?
- Ông ấy khen em vẽ được, nhưng còn những khuyết điểm nho nhỏ. Ông hứa sẽ dạy cho em một tuần hai buổi, dạy không lấy tiền.
Dũng nói:
- Đã học thì phải trả tiền. Không nên nhờ không người ta như vậy. Theo anh thì em nên học với ông Trần Phong. Ông ấy lớn tuổi bao giờ cũng hơn.
- Để em sắp lại thì giờ đã.
- Thế em trả lời cho ông Trần Phong về việc này chưa?
- Em bảo là chưa rảnh. Và anh vẫn chưa được khỏe nhiều.
- Anh khỏe nhiều mới đi dạy được như thế này. Lúc này đã có chị Tâm. Chị ấy nấu ăn không thua gì em, vừa miệng lắm. Em nên đi học vẽ, một tuần hai buổi không mất bao nhiêu thì giờ. Sáng em dậy sớm đi Sài Gòn, độ một giờ trưa em đã về đến rồi. Nếu em học buổi chiều còn tiện hơn nữa.
Phi Nga nhìn Dũng, thấy đôi mắt Dũng quầng đen, làn da còn xanh thì nói:
- Lạ quá, anh uống bao nhiêu thuốc bổ mà sao trông anh vẫn chưa được khỏe.
- Nếu chưa khỏe, bác sĩ đã không cho anh nghỉ ưông thuốc bổ. Em biết rành hơn bác sĩ sao?
Phi Nga bỗng thở dài rồi đi xuống bếp, phụ chị Tâm dọn cơm.
Hai người vừa ngồi vào mâm cơm thì Phi Anh đến. Phi Nga buông đũa chạy ra đón em:
- Em ở dưới nhà lên?
- Không, em ở Sài Gòn lên, vì thế mà không có quà của mẹ gởi cho chị. Ngày mai thế nào Phi Yến cũng lên.
Phi Nga vội vàng bảo:
- Vô dùng cơm với chị rồi nói chuyện sau.
Phi Anh chào Dũng:
- Nghe nói anh bị bệnh, nay đã khỏe chưa?
Dũng nói:
- Anh đã khỏe rồi, cô dùng cơm với anh chị luôn thể.
Chị Tâm đưa hai đứa bé ra mừng dì. Phi Anh ôm bé Hoàng, hôn lên tóc và hỏi:
- Có nhớ dì không? Lên trên này rồi không còn biết dì cháu gì nữa cả. Phi Hồng lại dì ẵm nào.
Chị Tâm trao Phi Hồng cho Phi Anh rồi đi lấy chén đũa bày thêm lên bàn. Phi Anh nói:
- Cháu Phi Hồng giống chị quá, vì thế trông tui nó cũng giống em.
Dũng nói:
- Cô trả nó lại cho chị Tâm, lại dùng cơm kẻo nguội.
Phi Anh ngồi vào bàn:
- Anh chị dùng trước đi, em còn no. Lúc mười giờ em gặp bà Quỳnh với cậu Paul, bà Quỳnh mời em đi ăn sáng vì thế đến giờ này chưa nghe đói. Cậu Paul hỏi thăm chị rối rít. Cậu ấy bảo thế nào cũng lên thăm chị.
Phi Nga vừa ăn cơm vừa nhìn em. Phi Anh trông đẹp hơn trước nhiều. Mới tuần trước đây, Phi Anh có viết một bức thư cho chị biết nàng đã học xong một khóa kế toán đánh máy và đã được ông hiệu trưởng nhận làm thư ký. Phi Nga hỏi:
- Thế nào, em đã đi làm được ngày nào chưa?
- Ông hiệu trưởng cho em làm thư ký, nhưng em không làm vì lương ít quá. Bà Quỳnh hứa sẽ giới thiệu em cho một ông chủ hãng buôn ngoại quốc.
Dũng nói:
- Cô may mắn thật, vừa học xong đã có chỗ làm.
Phi Nga hỏi:
- Em về thăm nhà hồi nào?
- Cách đây ba hôm. Em không định lên đây thăm chị, nếu không em đã rủ Phi Yến cùng đi rồi. Phi Yến vừa xin được cha mẹ cho lên Sài Gòn học sinh ngữ.
- Đi hết chắc cha mẹ buồn lắm.
Phi Anh nhún vai:
- Thế còn chị? Từ ngày dọn về đây chị không về thăm nhà, cha mẹ chưa biết mặt cháu Hồng, chị tệ thật. Bà Quỳnh bảo sẽ đem xe lên đây rước chị về quê chơi.
Nhìn Phi Nga, Phi Anh nói tiếp:
- Chị có đi xem triển lãm tranh của bà Châu không? Em nghe bà ấy bảo là đem xe lên đây rước chị.
- Thế em có đi xem không?
Đã xem 20630 lần.


© 2006 - 2024 eTruyen.com