rong kho tàng ca dao tục ngữ của quê hương mình có câu:
"Ở đời có bốn cái ngu. Làm mai, lảnh nợ, gát cu, cầm chầu", bốn cái ngu này nó được truyền miệng tự bao đời nay rồi, nó xuất phát từ vùng miền nào thì chắc khó có ai biết đích xác. Sống trong xã hội nhân quần hàng ngày việc giúp nhau hoặc làm điều gì mình thích mà vô tình vướng vào một trong bốn cái ngu này không phải là hiếm, tôi đã vướng vào cái ngu thứ nhất một cách cố ý, về sau mỗi khi tôi nhớ lại cái ngu này tôi hay cười một mình khiến đôi lúc có người nói sau lưng tôi:
- Cha nội Hai này chắc bị "té giếng" nên thỉnh thoảng tui thấy ổng cười có mình ên hà.
*
Thằng Cừ vốn là đứa bạn thân thiết nhất của tôi thời trung học, trong trường tôi và nó được chúng bạn gán cho cái biệt danh "hai con quỷ phá nhà chay", vì ngoài chuyện học hành ra hai đứa tôi hay chọc phá các bạn, nhiều khi còn phá cả thầy.
Tôi còn nhớ như in một tiết học nọ trong giờ anh văn của một giáo sư tên Thái, người chịu trách nhiệm dạy môn anh văn cho lớp chúng tôi, thằng Cừ không nghe thầy Thái giảng bài đã vậy nó còn chọc ghẹo con Nhàn ngồi kề bên, khiến Nhàn tức tối đứng bật dậy rồi méc ngay với thầy Thái:
- Dạ thưa thầy bạn Cừ cứ quậy phá hoài, nãy giờ em không thể chú ý nghe thầy giảng bài được ạ.
Trên bụt giảng thầy Thái chẳng cần dò hỏi sự tình, thầy nói ngay:
-Tôi yêu cầu em Cừ ra khỏi lớp ngay cho tôi, ngay tức khắc.
Cừ thất thần khi nghe thầy Thái đưa ra hình phạt hơi nghiêm khắc, thay vì chỉ cảnh cáo trong lớp là tương xứng với tội trạng của nó rồi, đàng này Thầy Thái thẳng tay đuổi nó ra ngoài lớp, có nghĩa là sẽ phải đối mặt với thầy giám thị, một người thực thi các hình thức kỷ luật cho học sinh khi phạm lỗi, thời ấy tên nào "được" thầy giám thị chiếu cố thì mệt mõi vô cùng.
Sau một hồi răn đe tại phòng giám thị, cuối cùng thằng Cừ cũng được cho về lớp, nó đến bên Thầy Thái khoanh tay xin lỗi thầy, cả lớp nhìn gương mặt của nó lúc bấy giờ thông thật thãm hại.
Đến giờ ra chơi, tôi khoác vai nó hai đứa đến ngồi trên ghế đá cạnh cây phượng già, không hiểu vô tình hay cố ý con Nhàn và đám bạn gái kéo nhau đến ngồi trên cái ghế đá gần chúng tôi, bổng dưng con Nhàn nói trỏng:
- Học không lo, quậy phá quá ai mà chịu được.
Tôi thấy thằng Cư nó vẫn tĩnh bơ sau câu nói của con Nhàn đã ám chỉ hành động của nó lúc nãy, đã vậy nó còn cười nhẹ một mình, tôi lấy làm lạ hôm đó sao nó lại có thái độ "lòng chợt từ bi bất ngờ".
Một lúc sau thằng Cừ ngồi xích lại gần tôi, nó ghé sát vào rồi thì thầm bên tai tôi cách chọc phá để trả thù thầy Thái, nghe xong câu nói của nó tôi tá hỏa tam tinh vội can nó liền:
- Không được, mầy làm vậy nhà trường biết được thì bị đuổi học chắc luôn đó.
Nó không thèm phản ứng gì sau câu nói của tôi, vừa lúc ấy chuông reo vào lớp.
Hôm ấy trên đường lội bộ về nhà, tôi hết lời can ngăn nó, nó cứ ậm ừ mà chẳng hề có thái độ dứt khoát nào, các buổi học tiếp theo diễn ra bình thường như mọi khi, rồi một hôm nọ chuông reo báo giờ tan học, mọi người túa xuống sân trường chuẩn bị ra về, chờ cho vơi bớt vì quá đông người chen chút xuống cầu thanh rất nguy hiểm, một lúc sau tôi và thằng Cừ cùng vài đứa trong lớp mới xuống sân trường, lúc này sân trường không còn cảnh nhộn nhịp như bầy ong vỡ tổ nữa, còn lại dăm ba nhóm nhỏ đang tụ tập trao đổi nhau điều gì đó, thỉnh thoảng có đứa phá lên cười, có vài đứa rượt nhau chạy quanh góc phượng ở cuối sân trường, có vài cơn gió nhẹ thổi làm vạc áo dài của các cô nàng lất phất tung bay khiến tôi liên tưởng đến những cánh bướm trắng đang cùng nhau nô đùa trong một ngày chớm vào hạ.
Cũng có nhóm cùng nhau ăn hàng, các món mà các nàng tiên áo trắng thích nhất là trái Cóc xanh được tách ra từng cánh như một đóa hoa được ngâm trong nước đường hóa học có pha chút ít màu vàng vàng, món này rất khoái khẩu là nhờ có vị chua chua của Cóc, vị hơi ngọt của đường hóa học, khi chấm vào dĩa muối ớt mặn mặn cay cay, khi các nàng đưa vào miệng nhai rao ráo những vị vừa kể trên nó hòa vào nhau thật ngon khiến các nàng tốn tiền khá bộn mỗi ngày cho món ăn này, gần chổ Căng Tin có quầy xe gỏi đu đủ trộn khô bò, bà Xẫm vừa bán vừa quảng cáo món hấp dẩn này, có hôm đông quá bà quên xịt giấm và tương ớt vào dĩa gỏi, hoặc quên bỏ đậu phộng hay ít rau răm vô dĩa khô bò, lơ đễnh có chút xíu mà bà bị các cô nàng nhà ta nhắc ngay, thậm chí có lúc tôi còn nghe:
- Chời ơi! Hôm nay thím Xẫm ghét con hay sao vậy? chế cho con ít giấm quá nó không thấm đâu vào đâu hết nên ăn dỡ ẹc hà, nè thím xịt cho con một ít giấm nữa đi thím.
Thím Xẫm đáp ứng liền, thím còn nói vui:
- Hà cái lầy hôm nay lông quá, ngộ pán không kịp, xưng lỗi xưng lỗi nhe.
Có cô nàng không thích chua, không thích mặn nên chọn món me ngào đường xút bánh tráng giòn hoe, bên trên được rắc thêm một ít hạt mè trắng mùi thơm phưn phức...
Hôm nọ giờ tan học đã điểm, khi xuống sân trường, tình cờ nhìn về phía nhà để xe của các Thầy Cô, tôi thấy thầy Thái đang gò lưng đạp máy rất lâu, vậy mà chiếc xe Push ba đèn màu đỏ của thầy nó im thin thít, dựng chống xe lên thầy cố đạp nhiều vòng nữa chiếc xe cũng chẳng có dấu hiệu gì sẳn sàng nổ máy, trời ban trưa nắng nóng như lò lửa, tôi thấy lưng áo thầy thấm ướt mồ hôi, thỉnh thoảng thầy tháo cái bugi ra vừa chà giấy nhám vừa thổi cho sạch bụi, ráp bugi vào và bằng mọi nỗ lực nhưng chiếc xe vẫn bất động.
Thấy cảnh nọ tôi than thầm trong bụng:
- Vụ này thằng Cừ mắc dịch phá thầy đây, ngoài nó ra thì còn ai trồng khoai đất này.
Tôi chợt nhớ lại hôm nó nói thầm bên tai tôi, nó đưa ra đủ cách để phá thầy, sở dĩ nó không ra tay ngay vì mới bị thầy Thái phạt nếu ra tay phá xe thầy thì hóa ra: "lạy ông tôi ở bụi này", như vậy dễ bị phát giác thủ phạm gây ra cái tội tày đình này cho nên mãi đến hôm nay nó mới ra tay, nó đã làm điều gì khiến xe của thầy Thái không nổ máy được, đó là câu hỏi cứ lỡn vỡn trong đầu lúc bấy giờ, tôi định bụng hỏi nó cho ra lẽ nhưng ngại trong lòng nhỡ nó không là thủ phạm thì tình bạn của tôi và nó chắc cũng được chấm dứt từ đây.
Hôm sau quay lại trường, khi vừa bước chân lên cầu thang đễ về lớp, con Nhàn từ phía sau lưng níu vai tôi lại rồi hỏi:
- Ông Hai nè, nãy giờ có nghe tin tức gì bạn Cừ của ông chưa?
- Mới sáng sớm vô trường làm sao biết được, hôm nay nó xin nghỉ học hả, bà làm trưởng lớp bà biết chứ lính lát như tui lấy gì mà biết.
Con Nhàn nở một nụ cười thỏa mãn:
- Ai biểu quậy phá, hết quậy tui nay còn dám phá đến thầy Thái, thiệt là gan cùng mình.
- Sao bà biết thằng Cừ nó phá thầy Thái, à tại cái vụ xe thầy hư hôm qua phải không?
- Chứ còn gì nữa, ông với ổng như cật với ruột không lẽ ông không biết, coi chừng chút nữa vạ lây đến ông đó, chuẩn bị lấy mo bịt mông đi là vừa.
Thấy mình không hề liên can đến câu chuyện này, tôi nỗi máu yên hùng lên cố cãi lại cái "Mụ" trưởng lớp chằn lửa liền một khi:
-Tui chưa thấy ai vô duyên như bà, ai làm nấy chịu mắc mớ gì bà nói tui lấy mo bịt đít (xin lỗi).
Con Nhàn cũng chẳng vừa, nó đớp lại tôi tức thì:
- Không thèm cãi với ông nữa, lên lớp làm vệ sinh đi, bạn ông bị "câu lưu" ở phòng giám thị rồi, ông gánh luôn việc của ông quậy đó đi, đừng réo tụi tui phụ một tay mắc công lắm nghe.
- Làm thì làm, bà ngon quá mà, trưởng lớp gì tối ngày cứ canh hai đứa tui hoài ai chịu đời cho thấu.
Chẳng nói chẳng rằng con Nhàn nó nguýt tôi một cái rồi nhanh chóng lên cầu thang để lại cho tôi một cục tức cành hông trong người, nhìn theo dáng con Nhàn tôi thấy nó thướt tha trong tà áo trắng, với gương mặt đẹp lại học giỏi chỉ có cái tội dữ như bà chằn lửa khiến tôi buộc miệng:
"Con gái gì dữ thấy ớn, cái ngữ này lớn lên ăn hiếp chồng là cái chắc".
Ở đời hầu như ít có việc gì được giấu kín bí mật mãi mãi với thời gian, chẳng hạn sau chiến tranh thì từ từ người ta sẽ bật mí giải mã những trận đánh những chị thị tối mật để cho công chúng biết. Hoặc do bên này bên kia biết được hành vi của nhau, nên họ đưa ra công khai để cố đỗ lỗi cho phía đối phương.
Xe thầy Thái bị phá tưởng chừng chẳng ai biết được thủ phạm, và họ đã dùng cách gì khiến xe thầy không thể chạy được, không ngờ chưa đầy hai mươi bốn giờ thủ phạm bị lật tẩy mà hắn ta không thể nào ngờ tới.
Hôm qua đạp máy xe một lúc muốn rã cặp giò mà chẳng ăn thua gì, thầy Thái đành dắt xe ra trước cổng trường, ông Năm chuyên sửa xe gắn máy đã phát giác ra nguyên nhân xe bị hư là do ai đó bỏ đường cát vào bình xăng xe của thầy, vì vậy xe thầy không thể nào khởi động được, sau khi đỗ bỏ và châm xăng mới vào, chiếc Push của thầy nổ máy ngọt xớt, chiều hôm ấy thầy kể lại cho mọi người nghe nguyên nhân khiến xe thầy bị "pan", đúng như câu:"Thiên Bất Dung Gian" nếu thầy Thái không kể ra thì mọi chuyện sẽ sớm rơi vào quên lãng, nghe thầy Thái vừa kể xong câu chuyện, chú Bảy bán nước đá đậu bánh lọt ở Căn Tin lóe lên ý nghĩ trong đầu chú nói:
-Có khi nào thằng Cư không cà, mua ly đá đậu xong nó còn mua của tui năm cắc bạc đường cát vàng, không biết nó mua để mần chi? Nhưng tui cũng bán.
Ông Chín gát gian chuyên giữ xe cho trường lên tiếng tiếp theo:
- Nói như ông Bảy tui thấy chắc là nó rồi, hôm đó tui thấy thằng Cư nó cứ xà quần xà quần gần xe thầy Thái, tui có hỏi nó làm gì ở đó thì nó nói tìm cái xe đạp của con Hương lớp đệ lục để sửa lại cái ống bơm xe con Hương, ai dè đâu nó bỏ đường cát vô bình xăng báo hại thầy Thái đạp gần chết.
Vậy đó, thằng Cư bị hội đồng kỷ luật phạt nghỉ học một tuần khiến ba má nó lo sốt vó?, hai ông bà lật đật vào trường tìm thầy Thái, vừa chạm mặt thầy Thái hai ông bà chắp tay lạy thầy Thái như tế sao, nhằm xin thầy bỏ qua cho cái dại dột thiếu suy nghĩ của thằng Cư, thầy Thái thấy thái độ ăn năn của Cư và sự nhận lỗi của ba má thằng Cư thiếu để mắt đến việc học hành của con nên sinh ra nông nỗi nên thầy đồng ý xin ban giám hiệu giảm bớt hình phạt, thằng Cư được cho học lại sau hai ngày buộc phải ở nhà, hai ngày đó đối với Cư nó ví như dài gần hai thế kỷ.
Sau lần đó nó chăm chỉ học hành, bảng danh dự tháng nào cũng đề danh nó, con Nhàn và đám con gái trong lớp không còn nhìn nó với đôi mắt đầy ác cảm nữa, và tôi cũng được thơm lây có thằng bạn học thật siêu trong lớp.
*
Thời gian thắm thoát thoi đưa, chúng tôi ra trường mỗi đứa một phương trời, tôi thì vào lính rày đây mai đó, thằng Cư dọn nhà đi về đâu ở đâu tôi cũng chẳng còn tin tức về nó.
Cơn binh lửa trên quê hương lụi tàn, trở về đời sống dân sự tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh, còn đám bạn học ngày xưa vẫn biền biệt nơi đâu, đôi lúc rảnh rang tôi ngồi thừ người bên ly cà phê bốc khói tôi nhớ da diếc những gương mặt thân thương của một thời áo trắng ngày xưa, Cư ơi mầy ở đâu? Nhàn ơi! cái bà chằn lửa trưởng lớp của tôi giờ ở đâu, bất chợt tôi thèm nghe lại những lúc cãi vả cùng Nhàn, tất cả đã xa rồi đúng là thời gian trôi qua thì chẳng bao giờ trở lại, bao câu chuyện ngày xưa, hình bóng cũ năm nào vừa quay lại đã nhanh chóng nhòe đi trong mắt tôi. Tôi muốn hét lớn lên Cư ơi! Nhàn ơi!...
*
Thế giới ngày càng thu hẹp lại, ngày xưa muốn gửi một bức thư và chờ thư hồi âm có khi cả tháng. Từ khi có mạng Internet toàn cầu thì chuyện thư từ, điện thoại, tin nhắn và các mạng xã hội rầm rộ ra đời thật tiện lợi, ban đầu bở ngở với E-mail, Facebook..v.v.. nhưng dần dà tôi cũng lảnh hội được các tiện ích này.
Một hôm đang lòng vòng cố tìm người quen trên Facebook, chợt thấy cái tên quen quen mà cũng hơi lạ lạ, thằng Cư bạn tôi tên nó là Nguyễn Văn Cư mà trước mắt tôi Cu Van Nguyen, tên này có cái hình đại diện là chiếc Push ba đèn màu đỏ, tôi nghi nghi không lẽ là thằng Cư bạn tôi năm nào, tôi gỏ mấy chữ vào tin nhắn hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi tìm lại được nhau trên mạng ảo sau bao năm xa cách.
Từ phương trời xa tít cách nửa vòng trái đất, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi nhau hàng ngày, qua tâm sự tôi biết được nó vẫn còn tôn thờ chủ nghĩa độc thân.
Trong một chuyến trở về quê cùng thằng bạn thân sau này, khi trà dư hậu tửu bạn tôi nói đùa nhờ tôi tìm người mai mối cho cô em gái của hắn để có nơi nương tựa, Ngân em gái hắn ta có làn da trắng hồng, tóc dài tha thước, ăn nói dịu dàng. Vậy mà vẫn phòng không chiếc bóng, tôi nghe đâu đám trai làng hay lân la làm quen, có chàng định tiến xa hơn tình bạn nhưng cha mẹ hai bên xem tuổi thì bị các thầy bói toán cho là xung khắc, hai người đến với nhau sẽ có người mạng vong để lại bạn đời sống trong cô quạnh. Nghe các thầy phán những câu xanh rờn trên, hai bên gia đình tự động rút lui có trật tự.
Bữa nọ trong cơn say là đà, tôi cao hứng nói với bạn tôi:
- Vụ Ba Ngân em của ông để tui ướm lời với thằng Cư bạn tui bên Mỹ, nó chịu làm quen thì tui đứng ra làm mai cho, nhưng nhớ cho tui cái đầu heo đàng hoàng nghe ông.
Hai Kim bạn tôi nó cũng là đà say không kém gì tôi, nghe tôi có dự tính như thế nó mừng rơn bèn lớn tiếng kêu cô Ngân ra bàn tính công việc:
- Con Ba đâu, cá lóc nướng trui xong chưa đem lên anh với ông Hai nhậu tiếp coi.
Từ sau bếp Ngân nhanh nhẩu đáp:
- Có liền đây anh Hai ơi!
Vừa đặt dĩa cá lóc nướng trui lên bàn, Ngân định thoái lui ra sau hè chơi với mấy đứa em ở Sài Gòn mới về hôm qua, chưa kịp trở bước đã bị Hai Kim nắm tay ghì lại và nói:
- Anh Hai Sài Gòn đây có người bạn chí cốt bên Huê Kỳ, ảnh dự định giới thiệu cho em làm quen, mơi mốt anh Cư bên đó dìa thì em tiếp đón vui vẻ nha. Thấy bây ê sắc anh buồn thúi ruột.
Nghe anh mình nói hụych tọec như vậy khiến Ngân mắc cở đỏ bừng đôi má, nàng lấy đôi tay đấm thình thịch lên lưng anh mình nàng thẹn thùng nói:
- Anh hai cứ bêu riếu em tối ngày, ê sắc hồi nào đâu, tại duyên chưa tới thôi, mấy đứa con trai trong ấp mình sắp hàng dài dài xin làm quen em đâu có chịu đâu.
Nói xong Ngân vụt chạy nhanh ra sau vườn nhà, gió đẫy hương thơm của nàng trinh nữ nó làm cho tôi một thoáng ngất ngây...
*
Tôi và thằng Cư khệ nệ ôm quà cáp nó mang từ Mỹ về để làm quà cho gia đình bên vợ tương lai, bước qua cây cầu ván nhỏ vào nhà chúng tôi gặp ngay cô Ba Ngân đang đứng chờ bên hàng hiên. Cô bẽn lẽn nhìn thằng Cư và tôi, sau một thoáng ngập ngừng cô chạy đến anh chồng tương lai đỡ phụ những gói quà lĩnh kĩnh, họ cười với nhau thật tươi khiến tôi cảm thấy mình như người thừa thải nơi đây. Tuy vậy tôi cũng mừng thầm trong bụng, vì mới hôm nào đây tôi với hai Kim hứng chí nói chơi tưởng rằng cho vui trong bàn tiệc, có ngờ đâu họ thật sự đến với nhau qua nhịp cầu do chính tay tôi bắt...
Đám cưới giữa Cư và Ngân thật đầm ấm với sự chứng kiến của hai họ và bà con lối xóm. Chẳng bao lâu sau đó cô Ba Ngân đặt chân lên đất Mỹ do anh chồng bảo lảnh theo diện hôn phối, kết hợp được cho đôi này tôi được thưởng một cái đầu heo đúng theo nghĩa đen.
*
Bẳng đi một thời gian dài vào một đêm cuối tuần, xem xong vỡ cải lương Gánh Cỏ Sông Hàng hai vợ chồng tôi vừa tắt đèn để đi ngủ, chuông điện thoai trên bàn reo inh ỏi, tôi nhấc máy lên đầy dây bên kia thằng Cư càu nhàu về tính khí cô ba Ngân, nó trách cứ đủ điều nào là mới qua Mỹ thì hiền lành, lâu ngày bén rễ bạn bè đàn đúm bỏ bê nhà cửa, rồi một hôm cô ta nghe theo tiếng gọi của tình yêu mới, cô ôm cầm sang thuyền khác bỏ thằng Cư bạn tôi quay lại kiếp sống đơn côi, thằng Cư đang rối trí nó không còn phân biệt phải trái, nó trách cứ tôi đưa nó vào tròng gặp phải hồ ly trong thời hiện đại. Tôi cự nự lại nó trong lúc giận quá mất khôn không còn bình tĩnh chúng tôi đã đánh mất tình bạn của một thời thân ái, sau đó nhận ra lỗi lầm về cả hai phía nên chúng tôi đều nhận lỗi về mình, tuy nhiên tâm trạng chúng tôi vẫn còn lấn cấn một câu đại khái như sau:
"Nước đã đỗ rồi làm sao hốt lại được"
*
Lâu lâu nhớ lại chuyện của thằng Cư khiến tôi phải bật cười, tuy miệng cười đó nhưng trong lòng thật đau.
Viết xong đêm 23.4.2015
Hai Hùng SG