ột buổi chiều vàng rộng mênh mông. Trên dòng sông hẹp có hai chiếc thuyền như đang cố theo nhau ráo riết. Chiếc trước nhỏ dáng mảnh khảnh mình thon, chỉ được một cánh buồm nâu hình tam giác. Chiếc sau trông mạnh mẽ gỗ láng mui cao. Phía sau lại có hai cánh buồm uốn phồng thật cong như đang nuốt gió. Hai chiếc thuyền cứ thong thả luớt nhẹ trên dòng sông cách nhau chừng vài trăm thước.
Nhưng trước kia hai chiếc ấy đã cùng đi từ một bến.
Chiều hôm ấy nghe nắng đã bớt màu vàng gay gắt, và gió Đông nam đã bắt đầu nổi sau độn cát chùa Quang, anh Đạt từ từ cho thuyền ra khỏi bến. Anh đã lãnh được một chuyến khoai khô chở về huyện Quảng. Giữa cảnh hỗn độn của bến Bao Vinh thuyền sắp ngổn ngang và lái xây đủ hướng, anh Đạt chịu khó lắm mới lần được thuyền mình ra giữa dòng sông. Ngay lúc ấy anh nhận ra, ở phía xa gần bến Đá một chiếc thuyền buồm nâu cũng từ từ quay lái, Đạt mừng thầm vì được một chiếc thuyền đi cùng sông, không khác gì gặp một người bạn đi cùng đường. Giữa cảnh đêm hôm, họ sẽ đem câu hát ra hỏi chuyện nhau cho sông đỡ dài, đêm đỡ vắng. Đó gần như một cái lệ chung của khách thuyền bè sống trên mặt nước.
Câu hát của họ thường do sự biện bạch thật nhanh và thật sáng, tả được chuyện nhà rõ ràng và mạch lạc không kém gì chuyện bông lông. Nhưng đẹp và hay nhất là câu chuyện tình. Vì về mặt này họ rất thạo. Họ tả một cách hồn nhiên nỗi cô đơn của lòng mình. Lắm lúc họ còn mượn cảnh nước mây để câu chuyện tình thêm thanh thú. Từng ấy chuyện họ thu gọn trong câu hò mái đẩy, văng vẳng kéo dài như tiếng chuông ngân quyến gió hay rỉ rền như tiếng nức nở của vọng phu.
Câu hát trên sông đã là lối giới thiệu thầm của hai tâm hồn xa lạ hay mẩu chuyện đời góp nhặt trao đổi cho nhau nghe. Lệ thường hễ nhiều con thuyền trôi trên sông vắng hay giữa phá dài, là câu hò trao qua đáp lại vọng vang ra theo chiều gió. Cũng có khi một chiếc thuyền cô độc lướt nhẹ theo bờ sông, khách thuyền chỉ biết thả vu vơ câu hò ra giữa bầu trời cao rộng. Rồi trên bờ vắng hay sông sương, vài tiếng hò như bắt được tiếng lòng xa xôi vội vàng đáp lại, người ta cứ thả tiếng hò ra như để làm quen với tiếng hò khác. Và thỉnh thoảng trong bóng tối của đêm mưa, người ta lại được nghe giọng hò năm trước. Tiếng hát từ đó lại đổ dồn về để kể cho nhau nghe sự đổi thay của mấy năm xa cách. Và lắm lần người ta đã khóc thầm vì hy vọng của xa xưa đã tắt hẳn, hay câu hẹn hò năm trước đã bị quên lãng trong cảnh chồng con. Gặp nhau trên dòng sông có vài ba canh tiếp, nhưng đọt ngột người ta rẽ bến xa nhau. Nhưng họ cũng hy vọng cũng chờ mong gặp nhau trên một phương sông vô định. Vì dầu không biết mặt nhau, nhưng giọng hò và điệu tứ họ đã quen nhau rất chặt. Rồi đời này qua kiếp khác, khách của mặt nước cũng chỉ biết tìm tình đời trong câu hát giữa dòng sông.

*

Đạt góa vợ đã lâu, ngày tháng chỉ biết đưa thuyền để nuôi con dại. Vợ Đạt ngày xưa là một cô lái thuyền ở làng Vĩnh Trị. Hôm ấy trời gió lớn và sắp nổi cơn dông, thuyền Đạt và thuyền Liên - tên vợ Đạt - phải ghé vào bờ để núp sóng. Đã quên nhau từ trong câu hát vẳng trên sông, nên lúc gặp nhau Đạt và Liên không biết ngượng ngùng gì nữa. Câu chuyện tình liền bắt đầu thủ thỉ, trên hai con thuyền tình cờ sóng đã thúc lại gần nhau.
Đạt mê man đưa tay qua thuyền bắt tay Liên và chực vuốt mái tóc tơ đang bay vờn trong gió lạnh. Liên say sưa cúi đầu nhìn mặt nước đành câm lặng vì không nói được lên lời. Cách hai tháng sau, Đạt lấy Liên và lễ cưới đã cử hành trên một nhóm thuyền hết lại. Vì thuyền đã là gia đình của họ, dòng sông là nơi họ qua về, và muôn bến chỉ là nơi ở tạm. Lễ cưới của Đạt Liện cũng như tất cả người sống trên thuyền không ngờ đã đượm một tình thơ tươi sáng
.
Liên với một nhóm thuyền của bạn bè và thân thích đến đậu trước ở bến nứa làng Vân. Vì chính nơi ấy, xưa kia hai người gặp gỡ. Ba giờ sau một toán thuyền mười lăm chiếc về họ hàng Đạt đến vây đậu xung quanh. Toàn thuyền buôn bán hay làm ăn cả, nhưng hôm ấy họ cũng gắng trang hoàng và lau chùi sạch sẽ. Giữa đêm họ đem đèn ra thắp xung quang boong và treo một ngọn đèn khá lớn lên cột buồm, xa trông như một cụm chiến thuyền của thời xưa cũ. Họ bày ra ăn uống rất vui vẻ và có lệ hay hay là đổi thuyền nhau để ngồi. Thường họ thắp đèn thật nhiều chứ không đốt pháo. Vì họ cho là tốn tiền và cũng không thêm gì được cuộc vui. Nói chuyện đến nửa đêm thì họ nhổ sào giải tán, chỉ để lại hai chiếc thuyền của Đạt và Liên.
Trong lúc thấy đám thuyền đèn từ từ xa bến, Đạt tự nhiên vui vẻ cất tiếng hát vọng lên như tiễn biệt. Liên đứng nép bên cạnh chồng nhìn đám thuyền trôi buồn rầu tiếp theo mấy tiếng hò dài nghe não nuột. Bên đám thuyền kia người của hai họ cùng cất tiếng hát vang lên một lần như đáp lại. Tiếng hát của hai bên cứ nhỏ dần, sau cùng để nghe mơ màng như tiếng thoảng. Đám đèn xa rồi mờ mãi để lẩn dần trong cụm sao đỏ phía chân sông. Không biết nghĩ gì Liên tựa đầu trên vai chồng nhìn dòng nước mênh mang thổn thức.
Từ đó trên phá Tam Giang hai chiếc thuyền của Đạt Liên cứ kèm theo nhau mãi. Ở với nhau gần ba năm, Liên sinh được một đứa con gái nhưng trong kỳ thai sản ấy, Liên bỏ mạng ở nhà thương, Đạt chôn cất vợ xong liền bồng con về sống lại cuộc đời cô quạnh. Giọng hát của Đạt từ đó lẻ bầy nghe não nùng như oán khóc. Rồi trong khoảng mấy tháng đầu hễ có dịp chèo thuyền đi xa. Đạt lại nối dây kéo thuyền của Liên đi theo. Trong thuyền ấy chỉ để độc một bát hương tỏa khói nghi ngút. Thuyền của Đạt đi đến đâu người ta liền đổ dồn ra bờ đứng xem. Đạt vẫn thản nhiên cất giọng hò lanh lảnh, gương mặt quá đau khổ đến lạnh lùng như người chở đám ma. Nhưng sau nghe mẹ phân phải trái Đạt liền bán chiếc thuyền của Liên đi và giao con gái cho mẹ nuôi.
Đạt đã bớt sầu muộn và nghề làm ăn xuôi ngược đã bắt Đạt quên dần Liên. Nhưng chiều hôm ấy, lúc cho thuyền rời khỏi bến, Đạt tình cờ sống lại một cảnh của thưở xưa. Trước mặt Đạt, một chiếc thuyền của ai đang rẽ nước giống hệt thuyền của Liên. Lòng Đạt bồi hồi một cách lạ. Đạt kéo thêm một buồm nữa để đuổi theo và chính Đạt cũng không biết để làm gì. Nhưng thuyền Đạt mũi lún và đầy khoai, nên không thể nào lướt nhanh hơn được. Trái lại chiếc thuyền trước chạy như bay, thấp thoáng trong chiều sương trông như bóng nhạn.
Đạt liệu bề không theo kịp, liền cất tiếng hát hỏi thăm:
Thuyền ai trôi trước
Cho tôi lướt đến cùng
Trời về chiều trời đất mung lung
Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tiếng sương
Giọng hát cất lên thật cao, rồi hạ xuống từ từ như than vãn, như kể lể. Trên lái thuyền đi trước, bỗng nổi bật một bóng thiếu nữ mặc áo nối dài quay đầu nhìn phái sau một lát rồi đáp:
Trời một vùng đêm dài không hạn
Mượn gió chiều hỏi bạn ngàn sông
Thân em là gái chưa chồng
Tơ duyên có chắc như dòng nước không?
Đạt giật mình tưởng như tiếng hò của Liên ngày trước. Vì cũng một giọng hò trong trẻo và hơi dài, câu dứt gọn và đưa xinh như sương tỏa. Đạt nghĩ ngay đến mấy cô lái thuyền làng Vĩnh Trị, người cùng làng với Liên. Vì tuy khác tiếng khác câu, nhưng mỗi làng có một cách hò riêng, không sao lầm lẫn được. Và cũng riêng giọng hò ở mặt phá là riêng không lầm lẫn được. Và cũng riêng giọng hò ở mặt phá là rộng và lan dài, chứ lối hát ở dòng sông là câu điệu nghe mùi chứ không thanh thoát. Đạt đã sống nhiều năm ở trên mặt phá nên phân biệt giọng hò thạo lắm. Đạt còn biết làng nào ở khúc phá hẹp là giọng hò làng ấy ngắn và trong. Còn những khoảng phá rộng lại hun dúc được giọng hò nghe trầm và mạnh.
Chiều nay Đạt thao thức trước giọng hò Vĩnh Trị, vì lòng Đạt bàng hoàng nhớ đến Liên. Đồng áng xunng quanh tuy đổi màu hay thay nét, nhưng cũng vẫn cảnh cũ đã làm chứng cho cuộc tình xưa. Chiều đã phai bớt màu hồng và dần dần tối sẫm. Nhưng giữa mặt sông trời còn sáng hơn làng mặc. Vài ba ngọn đèn đầu thấp thoáng rung rinh trong hàng cây đen. Thấy bóng thuyền lướt qua một con chó đứng trên bờ sủa vu vơ.
Hai giờ sau, hai con thuyền đã ra đến phá. Trăng đã lên cao sau đồi cát trắng. Hơi nước tỏa ra mằn mặn bốc trong gió mát thổi vi vu. Mặt phá rộng mênh mông lấp loáng ánh trăng vàng trông rất đẹp.
Hai con thuyền vẫn đuổi nhau như cũ xa trông như đang cặp nhau lướt trên hồ, Đạt có vẻ thất vọng, nên giọng hát thoang thoảng đưa ra như tiếng thở. Tiếng đáp của cô lái thuyền phái trước có vẻ quyến luyến và ý vị hơn. Đạt kéo dây buồm thật căng để lướt nhanh hơn trước.
Qua làng Thế Chí, gà xa xa đã eo óc gáy canh tư. Giữa vùng trời bảng lảng, lòng Đạt và cô gái không quen đã bắt đầu gặp gỡ. Câu hát đã đổi ra tình tứ, điệu trầm và nghe vẳng như tiếng suối vẳng rừng khuya.
Dòng phá đến làng Kế Môn đã bắt đầu thu hẹp lại để sau cùng chia hẳn ba khúc sông. Đạt đang hồi hộp lo sợ thì chiếc thuyền trước đã quay mũi về phía Kim Long. Đạt buồn rầu nhìn cánh buồm nâu nghiêng mình theo chiều sông như cánh én. Đạt lưỡng lự một chút nhưng bỗng đưa tay đẩy mạnh đ̣n bánh lái cho thuyền xuôi về Đại Lược. Từ thuyền trước một câu hò chia biệt vẳng lên không:
Tình về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?
Đạt muốn hò đáp lại, nhưng tự nhiên thấy nghẹn ngào trước cảnh biệt ly. Nhớ đến Liên, đến người bạn mới trong đêm, Đạt gục đầu ôm mặt khóc rưng rức.
Trong đám sương mờ óng ả ánh trăng, hai chiếc thuyền lẳng lặng cách và xa dần như rẽ quạt.

Xem Tiếp: ----