êm ấy trăng sáng lắm. Mẹ tôi bảo chúng tôi đem ghế bàn ra sân để học cho mát. Một cơn gió thoáng qua, ngọn đèn lại được dịp phun vài lớp khói lên không và hắt ra những hơi nồng khó thở. Mẹ tôi yên lặng ngồi khâu áo bên em tôi. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại đưa tay nâng cặp kính lên ngay ngắn trên sống mũi. Em tôi ngồi nghê nga học, mình chồm tới ngả lui làm rung chuyển cả cái ghế đang ngồi. Tôi thì đang loay hoay vẽ lại cái bình mực đã mấy hôm bỏ dở.
Ánh trăng êm dịu xuyên qua mấy tàu lá chuối, rồi nhẹ tỏa trên chiếc bàn chúng tôi mấy bóng đen lớn luôn xao động. Mùi hương bên dàn hoa lư bay ra thơm ngào ngạt.
- Rắn là một loài bò... i... a... Rắn là một loài... Rắn là một loài bò....
Nghe câu học của em tôi hơi lạ tai, mẹ tôi từ từ lấy cặp kính xuống rồi mỉm cười nhìn em tôi chòng chọc. Dưới nhà bếp lại đưa lên một nhịp cười khúc khích của vú Bảo và chị Lê.
- Ai dạy con rắn là một loài bò?
Tiếng học của em tôi át cả lời của mẹ tôi, nên nó vẫn điềm nhiên ngồi học:
- Rắn là một loài bò... ê... a... Rắn là một loài bò... sát không chân... ê sát không chân....
Cả nhà phá lên cười. Ngay lúc ấy ở ngoài cổng cũng hưởng lên một nhịp cười của ai nghe rất trong trẻo. Hai con chó vồ ra sủa. Mẹ tôi cất tiếng hỏi:
- Chị Sương đấy phải không?
- Vâng!
- Đi đâu mà khuya thế?
- Bác chưa ngủ à? Em Thanh có ở nhà không?
- Chị bảo nó đi đâu mà không ở nhà...
Rồi mẹ tôi bảo chị Lê ra mở cổng, Sương vào. Hai con chó nhận được người quen nên không sủa nữa.

*

Chị Sương là con gái bác cả Hoàng, năm ấy mới mười bảy tuổi, người tính nết dịu dàng và ăn nói có duyên. Chị ấy ở cách nhà tôi một xóm nên thường đến chơi luôn. Lần nào qua nhà chị cũng nhớ đem quà đến cho chúng tôi. Vì vậy mà thành thói quen. Mỗi lần chị quên là thằng Thuyên em tôi giữ chị lại không để cho chị về.
Năm ấy tôi học lớp ba trường Mỹ Lư, còn em tôi thì học lớp năm. Mỗi ngày, tan buổi học chiều, chúng tôi thường rủ nhau lên tận ga Hòa An để xem xe lửa chạy. Ga này nằm ở giữa cánh đồng bát ngát, xa xa mới thấy một ngôi nhà nên nhìn buồn tẻ lắm. Sở dĩ “Nhà Nước” dựng lên cái ga ấy vì làng tôi có con đường cái đi xuyên qua huyện Sơn Hải cách ga gần tám cây số. Lần nào đi học về chúng tôi cũng gặp chị Sương gánh gạo lên đó bán.
Chị Sương tối hôm ấy ăn mặc như các cô gái quê làm dáng ở miền trung: áo vải trắng dài, quần lĩnh đen, đi chân không, trông người chị xinh xắn và nhanh nhẹn.
Chị Sương đến tựa bên bàn chúng tôi rồi nhìn em Thuyên tôi cười bảo:
- Rắn cũng là loài bò nữa ư em Thuyên? Thế mà chị cứ tưởng nó là loài trâu.
Nói xong chị Sương lại cười, một nhịp cười thẳng thắn hồn nhiên của cô gái quê lúc được nghe một câu chuyện gì hơi ngộ nghĩnh. Em Thuyên tôi ngước mắt nhìn chị Sương cười rồi cũng ôm bụng cười theo. Một lúc sau em tôi tươi tỉnh hỏi:
- Chị Sương đem quà gì cho em đấy?
Chị Sương lại nói đùa thêm một câu và lại lấy thân áo trước bịt miệng cười khúc khích. Một mớ tóc đen mướt tỏa xuống lòa xòa che khuất nửa trán của chị. Mẹ tôi tươi cười bảo:
- Chị Sương chắc hôm nay có ai đi hỏi nên mới vui thế. Thằng Thuyên xin chị mía đi, chẳng sau chị ấy đi lấy chồng thì khó xin lắm đấy.
Thôi cười chị Sương nhẹ cúi đầu xuống đáp:
- Bác thương thì dạy thế, chứ ai thèm gì những con gái quê!
- Những gái quê như làng mình thì hiếm lắm chị Sưong ạ. Thì từ ngày Nhà Nước bắt con đường sắt đi qua làng mình, con trai trong làng ế vợ là thường, chứ con gái thì toàn đi lấy chồng thầy thông, thầy ký ở các tỉnh lớn.
- Thật vậy không bác?
- Sao không thật! Năm ngoái chị Hồ chẳng lấy ông Đốc trường Mỹ Lư đó ư. Còn chị Viêm con bác Lai thì đã có thầy dạy thằng Thuyên sắp đến hỏi.
- Làm sao bác biết được?
- Làm mối rong cho người ta mà không biết th́ì chị bảo còn ai biết hơn nữa.
Câu chuyện sắp kéo dài ra thì bỗng mẹ tôi sực nhớ chị Sương vẫn đứng nãy giờ nên vội nói lớn:
- Ấy chết, vô tình lại để khách đến chơi đứng mỏi chân. Thuyên con vào nhà rinh chiếc ghế ra mau.
- Được bác để mặc cháu.
Em Thuyên tôi vào nhà một lúc lâu mới hì hục rinh ra một chiếc ghế đẩu. Chị Sương thấy vậy vội đón lấy ghế rồi nhanh nhẹn đến đặt ngồi gần một bên tôi. Đoạn chị cất tiếng hỏi:
- Em Thanh không đi nghe hát giã gạo bên xóm Bàn à?
- Đi qua miếu Thánh em sợ lắm, vả lại chắc tối nay thế nào thầy dạy học em cũng có đi xem...
Ngẫm nghĩ một lát, tôi lại cười nói tiếp:
- À, chị Sương này, bắt đầu từ hôm nay, chị hãy gọi em bằng cậu cho oai vì sang năm em đã đi thi bằng Yếu lược rồi đấy!
Chị Sương tuy không biết đi thi bằng Yếu lược là gì, nhưng cũng muốn làm vui lòng tôi:
- Ừ thì cậu Thanh. Chị muốn nhờ em việc này!
- Lại còn em!
- À quên nhờ cậu một việc này.
Chị Sương đưa mắt nhìn mẹ tôi lưỡng lự. Sau thấy mẹ tôi vẫn ngồi yên khâu áo, chị mới kề miệng sát tai tôi bảo khẽ:
- Cậu có biết thầy xếp ga không?
Tôi vô tình nói lớn:
- Lạ lùng gì thầy Xuân mà tôi không biết, chị cũng quen với thầy Xuân à?
Lần này chị Sương đỏ bừng mặt lên rồi ấp úng nói như người hoảng sợ:
- Rõ cậu Thanh khéo nghiễn chuyện quá!
Mẹ tôi cúi đầu nhìn chị Sương qua đôi vòng kính, đoạn mỉm cười:
- Ừ thì thằng Thanh nghiễn chuyện làm gì, để cho chị Sương thẹn.
Nói xong mẹ tôi bảo em Thuyên đi ngủ, và cũng đứng dậy lững thững đi theo sau nó vào nhà. Chị Sương ngượng nghịu:
- Bác cũng vào đi ngủ à... Sao bác không cho em Thanh đi ngủ luôn thể...
Mẹ tôi quay lại cười:
- Tôi vào uống nước, còn thằng Thanh thì để nó học thuộc xong bài trường đã!
Nói vậy chứ mẹ tôi ở nín thẳng luôn trong nhà không chịu ra. Chị Sương ngồi im lặng một hồi lâu mới dịu lời bảo tôi:
- Em Thanh ạ, lúc chiều thầy Xuân có nhờ anh lon ton đưa cho chị một phong thư, chị không biết quốc ngữ nên mới qua nhờ em đọc hộ.
Chị Sương kéo trong túi áo ra một cái phong bì màu vàng, đoạn lách hai ngón tay ghép trong bì lấy một mảnh giấy gấp tư đưa ra cho tôi. Tôi cẩn thận mở tờ giây trải lên bàn rồi chăm chú đọc:
“Em Sương,
Trông em tôi yêu lắm. Không đêm nào tôi không mộng thấy em. Nếu em cũng đồng bệnh tương tư như tôi, thì em nói thật, để tôi mượn người đến tận nhà thầy mẹ hỏi xin em.
Người yêu em: Nguyễn Xuân”
Chị Sương chống cằm ngồi yên lặng hai mắt đăm đăm nhìn lên đọt cau gió khuya đưa qua lại. Ngoài đường lúc ấy vắng lặng, chỉ thoảng xa xa đưa lại vài tiếng chó sủa lên trời hay những nhịp đều đều của mấy chiếc chày vồ giã gạo.
Chị Sương bỗng giật mình nhìn tôi:
- Em Thanh đọc xong rồi à? Còn nữa hết?
- Hết rồi.
- Hai trang giấy mà chỉ có thế thôi à? Thôi em chịu khó đọc lại cho chị nghe lần nữa.
Lần này nghe tôi đọc, chị Sương mặt mày nở ra dần rồi lấy phong bì đang cầm trên tay che miệng cười chúm chím. Tôi đọc xong, chị Sương lấy lại phong thư lật qua lật lại trên tay một hồi lâu mới nghiêng đầu về bên tôi nói sẽ:
- Em Thanh ạ, em viết hộ chị phong thư trả lời. Sáng mai chị sẽ cho em năm xu.
Tôi thấy kiếm được tiền một cách dễ dàng quá nên tự nhiên cảm thấy lòng tưng bừng vui sướng. Nhưng tôi còn giả vờ nài thêm:
- Thế thì thích quá, em có tiền em sẽ mua con sáo của thằng Bê, nhưng năm xu thì không đủ, chị cho em một hào, em sẽ gắng viết thư cho chị bằng chữ thật tốt. Nào chị đọc cho em viết đi...
Tôi xé trong quyển vở học một tờ giấy rồi yên lặng cầm bút chờ chị Sương đọc. Nhưng chị Sương thì mải đăm đăm nhìn tờ giấy như muốn tự hỏi phải giãi bày những câu gì, ý gì trên mặt giấy mới mong thầy Xuân thấu rõ nỗi lòng.
Tôi tưởng chị không nghe tiếng nên nhắc lại một lần nữa:
- Kìa chị đọc cho em viết!
Chị dịu giọng bảo tôi:
- Nói se sẽ chứ lị... Bắt đầu em hãy viết: Thưa thầy Xuân... à hay em viết là... thưa anh Xuân, cho thân mật hơn...
Tôi cặm cụi nắn nót viết ba chữ cho thật tốt, đoạn ngước mắt lên nhìn chị Sương hỏi nữa:
- Gì nữa chị?
Chị Sương đưa lưỡi liếm môi trên một lát, đoạn băn khoăn trả lời:
- Thế em đặt hộ chị có được không?
- Được lắm nhưng chị muốn nói gì với thầy Xuân?
Nói xong tôi ngồi thẳng người lên, chống hai khuỷu tay lên bàn nhìn chị Sương ra dáng một người thạo nghề lắm. Còn chị Sương thì như sợ cặp mắt tôi nhìn chị, đoán biết ý muốn của chị, nên e lệ cúi đầu xuống đáp:
- Em nói chị gửi lời lên thăm thầy mạnh giỏi, chị mừng. Nếu thầy không kể gì chị quê mùa thì chị hứa sẽ trọn đời theo thầy hầu hạ.
- Chị muốn tự xưng chị bằng tôi hay em?
- Bằng gì cũng được
- Bằng em nghe nhẹ nhàng hơn, phải không chị Sương?
- Ừ thế cũng được
Chị sương ngồi xem ngòi viết tôi vạch qua lại từng nét trên mặt giấy. Trông người chị hồi ấy ngây thơ như một đứa trẻ. Chị chòng chọc nhìn tôi viết ra vẻ kính cẩn lắm. Có lẽ chị đã cho mấy dòng chữ nguệch ngoạc của tôi là những lời nói thầm kín của tâm hồn chị, của bao nhiêu điều ước muốn mơ màng của chị.
Mọi vật ở trong cảnh yên lặng. Bỗng xa xa đưa lại tiếng còi thét dài của chuyến xe lửa đêm ra Bắc. Chị Sương nghe tiếng ấy ra chiều sung sướng trầm ngâm như người được nghe khúc đàn hay. Chị cầm tay tôi bảo ngừng viết rồi ngọt ngào:
- Này em Thanh ạ, giá nói thêm câu này như ý nghĩ chị thì hay nhỉ... Nhưng nói thế có được không? Chị muốn nói rằng, mỗi khi nghe tiếng còi tàu đàng xa.... nhất là trong những đêm vắng vẻ thì thế nào chị cũng nhớ đến thấy Xuân... Em liệu viết hộ chị thế.

*

Thế là bắt đầu từ đó, tôi trở nên một viên thư ký bé con của chi Sương. Một viên thư ký đọc thư tình và thay chị trả lời.
Theo trí non nớt nhưng sớm khôn của tôi hồi ấy thì cuộc tình duyên bằng thư của thầy ký ga với cô gái quê ngày càng đằm thắm mặn mà. Những lời tha thiết chân thật của thầy Xuân bao giờ cũng khiến chị Sương cảm động và nói ra những lời mộc mạc nhưng không thiếu gì những tình tứ đẹp đẽ của một tấm lòng sung sướng vì yêu đương.
Chị Sương một đôi lần tiếp được lời năn nỉ của người tình và cũng đôi lần hẹn hò cùng thầy Xuân gặp mặt. Nhưng cuộc gặp gỡ cũng không ra ngoài “khuôn phép” vì thầy Xuân là người đứng đắn cũng như chị Sương là người chín chắn; hai bên rắp định chờ đợi hạnh phúc chăn gối cho đến ngày cưới xin hẳn hoi.
Cứ vậy trong gần hai tháng trời, những câu nhớ thương, những lời tình tứ, với bao nỗi vẩn vơ với người khác, nhưng rất ý vị với chị Sương, tôi đều đọc qua, và tôi là người chép lại. Tôi vô tình đã làm cái việc của ông tơ chắp nối cho hai người yêu nhau.
Nhưng chỉ có một điều làm tôi vui thích hồi bấy giờ là mỗi lần chị Sương nhờ tôi viết thư là một lần chị để vào tay tôi năm xu:
- Cho em tiền để mua sáo
Tôi mua một con sáo mà tôi vẫn thích và nói với bác xã Lân ở cùng xóm bán chịu cho tôi cái lồng sơn son rất đẹp, tôi sẽ góp trả dần. Bác xã thuận cho mua, tôi tính trước chừng một tháng nữa, nếu chị Sương nhờ viết thư luôn tôi sẽ đủ tiền góp hết.
Vì thế mà trông chừng chị Sương lâu không đến là tôi lại nóng lòng mong. Rồi đến mấy tuần cuối tháng sau, thấy trong thư thầy Xuân nói đến việc song thân ở Bắc gọi về để cưới con gái một cụ tuần, chị Sương dáng mặt âu sầu bảo tôi viết cho thầy những câu nghe rất đau thương và ảo não.
Chị Sương không hớn hở như trước nữa, mỗi lần chị cầm thư đến lại băn khoăn lo ngại như đứng trước một tai nạn sắp xảy đến cho mình. Tôi tuy ái ngại giùm nhưng khi tôi viết thư trả lời xong, chị cho tiền là tôi vui vẻ ngay.
Con sáo ngàn của tôi cũng như có ý mong chị đến, và mỗi lần thấy bóng chị là kêu mừng và nhảy nhót rối rít trong lồng. Con vật cũng biết rằng sau mỗi lần chị qua nhà tôi là nó lại được tôi mua cho nhiều thức ăn và chăm chút nó hơn những ngày khác.
Nhưng qua tháng sau, đã hai tuần chị Sương không đến nhà tôi nữa. Bác xã Lân thấy tôi không đóng tiền đã hai kỳ nên nhất định đưa tiền lại và mang cái lồng chim về. Từ đấy con sáo ngàn của tôi phải chịu ngủ ngoài trời sương lạnh. Đêm nào trời mưa nó lại rít lên kêu như than oán căm hờn. Con chim sáo của tôi ngày một rạc đi mà tôi không biết làm sao được.
Rồi một đêm trăng, chị Sương lại qua nhà tôi giữa lúc chúng tôi đang ngồi học ngoài sân như mấy tháng trước.
Lần này tôi trông người chị Sương bơ phờ lạnh lẽo lắm. Chị đến bên tôi, rời rạc nói từng tiếng một:
- Thầy Xuân đi ra Hà Nội em Thanh ạ
Tôi nghe câu ấy như thấm đầy nước mắt, trong lòng thương cảm một cách tha thiết.
Ngay lúc ấy, tiếng còi chuyến xe lửa đêm ra Bắc lại rúc lên lanh lảnh ngoài quãng đồng xa mơ hồ vắng lặng. Chị Sương động lòng bưng mặt khóc. Thấy vậy tôi cũng mủi lòng nức nở khóc theo.
Chị Sương chặm nước mắt nhìn tôi thương hại:
- Em cũng buồn cho duyên số chị à?
- Con sáo ngàn của em chết rồi, chị Sương ạ.
Nói xong tôi lại khóc lớn hơn nữa.

Xem Tiếp: ----