Người dịch: Nguyễn Văn Dân

     ôm ấy là buổi sáng chủ nhật đẹp trời nhất mùa xuân. Georg Bendemann, một thương gia trẻ tuổi, ngồi trong phòng mình tại gác hai của một trong những căn nhà thấp lùn ọp ẹp trải dài theo bờ sông và chúng chỉ khác nhau về chiều cao và màu sắc. Anh vừa viết xong bức thư gửi cho một người bạn từ thời còn trẻ hiện đang ở nước ngoài, anh gấp bức thư cho vào phong bì với một vẻ chậm rãi giống như anh đang gập đồ chơi, rồi, ngồi tì vào bàn giấy, anh nhìn qua cửa sổ trông ra dòng sông, ra cây cầu cùng những quả đồi bên kia sông với đám mây xanh mới bắt đầu nảy lộc.
Anh đang nghĩ đến việc người bạn mình, vì không hài lòng với công việc làm ăn ở nhà, đã bỏ sang Nga cách đây mấy năm. Giờ đây anh ta đang làm ăn tại Petersburg, công việc của anh ta ban đầu tỏ ra có triển vọng, nhưng lâu nay có vẻ như đang đình trệ, nếu cứ xét theo cái cách anh ta than vãn  trong những lần về thăm nhà, trong những cuộc viếng thăm ngày càng thưa dần. Anh ta làm việc cật lực một cách vô ích ở nơi đất khách, bộ râu lạ kiểu không che giấu được khuôn mặt quen thuộc từ thời ấu thơ, một bộ mặt mang nước da vàng bủng, dấu hiệu của một căn bệnh đang phát. Qua những gì anh ta kể thì anh ta chẳng có một mối liên quan thật sự nào với nhóm người  đồng hương ở bên đó, nhưng đồng thời hầu như anh ta cũng chẳng có quan hệ  với  xã hội và những người bản xứ, tóm lại là anh ta tạo cho mình một cuộc sống biệt lập hoàn toàn.
Anh có thể viết gì cho một con người rõ ràng là đang thất bại trong cuộc sống ấy, người mà anh chỉ có thể bầy tỏ lòng thương cảm mà không giúp được gì? Chẳng lẽ anh khuyên anh ta quay về nhà, về đây để nối lại các quan hệ tình bạn cũ - điều mà không có gì gây cản trở cả - và mọi thứ hãy giao phó cho sự giúp đỡ của bạn bè? Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là ngụ ý cho anh ta biết - mà càng nói bóng gió thì càng làm nhục anh ta - rằng mọi lỗ lực của anh ta cho đến nay đã không đem lại kết quả, rằng cuối cùng anh ta nên từ bỏ tất cả, nên quay về nhà để mọi người ngạc nhiên thấy rằng chỉ có bạn bè anh là người khôn ngoan, còn anh chỉ là một cậu bé con lớn tuổi cần nghe lời bạn bè ở nhà. Vậy anh ta có còn tin chắc rằng tất cả những nỗi cơ cực anh ta phải chịu có một ý nghĩa nào chăng? Có lẽ anh cũng chẳng thuyết phục nổi anh ta quay về nhà đâu - anh ta đã chẳng tự thú nhận rằng không còn hiểu tình hình công việc ở trong nước nữa là gì; và khi ấy có lẽ anh ta sẽ ở lại nước ngoài, lòng buồn phiền bởi những lời khuyên và càng xa cách bạn bè hơn. Nhưng nếu như anh ta thực sự nghe theo lời khuyên thì về đây anh ta sẽ bị chết bẹp - tất nhiên không phải do ý muôn mà là do hoàn cảnh. Nếu như anh ta không cảm thấy dễ chịu hoặc là với bạn bè hoặc là không có bạn bè, nếu như anh ta đau khổ vì nhục nhã, nếu như, trong trường hợp như vậy, anh ta thật sự không còn tổ quốc cũng chẳng còn bạn bè nữa, thì phải chăng nên để cho anh ta cứ ở đó giữa nơi đất khách? Trong hoàn cảnh này, liệu anh có tưởng tượng được rằng anh ta sẽ thật sự khắc phục được khó khăn để tiến lên?
Vì những nguyên nhân ấy, nếu anh muốn duy trì quan hệ thư từ với anh ta, thì thực ra anh không thể nói cho anh ta những điều mà anh có thể không không ngại ngùng nói cho một người quen bình thường nghe. Đã ba năm nay bạn anh không bước chân về quê, và anh ta không giải thích được điều này một cách thuyết phục khi nói rằng điều kiện chính trị không ổn định ở nước Nga không cho phép anh ta - một thương gia bình thường - vắng mặt khỏi công việc, trong khi đó có hàng trăm nghìn người Nga vẫn lại bình yên khắp thế giới. Vậy mà trong ba năm qua đã có nhiều biến cố xảy ra đối với chính bản thân Georg. Bạn anh cũng biết được tin rằng mẹ anh đã chết - điều này xảy ra đã gần hai năm và từ đó anh cùng cha già cai quản việc làm ăn – và đã gửi lời chia buồn bằng một giọng khô khan mà điều đó chỉ có thể giải thích rằng ở nơi đất khách anh ta không tưởng tượng được nỗi đau của một sự kiện như vậy. Nhưng, từ ngày đó, Geogr bắt đầu dốc sức chăm lo đến công việc làm ăn của mình cũng như chăm lo đến mọi công việc khác. Có lẽ, khi mẹ anh còn sống, cha anh đã ngăn cản anh hoạt động, chỉ vì ông chỉ chấp nhận quan điểm cá nhân của mình; có lẽ từ khi mẹ anh mất, cha anh trở nên ít hoạt động hơn, mặc dù ông vẫn còn làm việc trong xí nghiệp; và cũng  rất có thể là những chuyện may mắn đóng một vai trò hơn nhiều; dù sao, một hai năm qua xí nghiệp của anh ngày càng mở mang một cách vô cùng tốt đẹp, nhân lực có lẽ đã tăng gấp đôi, doanh số tăng mạnh, văn hoá và chắc chắn nó sẽ còn thịnh vượng hơn nữa.
Nhưng bạn anh không hề nghĩ là có sự thay đổi như vậy. Từ lâu – có lẽ lần cuối cùng trong bức thư chia buồn - anh ta đã quyết định thuyết phục Georg di cư sang Nga và anh ta nói nhiều đến triển vọng mở ra ở Petersburg cho lĩnh vực của Georg. Nhưng những con số anh ta đưa ra chẳng có ý nghiã gì so với doanh số của xí nghiệp anh bây giờ. Nhưng lúc ấy anh không muốn viết cho bạn mình biết về những thành công của mình trong việc làm ăn, còn bây giờ nếu anh có viết rõ thì có lẽ sẽ chẳng hay ho gì.
Thế nên Geirg chỉ viết cho bạn mình về những sự kiện không quan trọng, anh nhớ gì thì viết nấy như thể người ta vẫn nghĩ ngợi trong một ngày chủ nhật yên bình. Anh chỉ muốn để cho bạn mình giữ nguyên hình ảnh về thành phố quê hương đã khắc sâu trong đầu anh ta trong khoảng thời gian dài mấy năm qua.
Người dịch: Nguyễn Văn Dân, 1996
Xuất bản: Tạp chí văn học nước ngoài Số 4 - 1996

Xem Tiếp: ----