ùng lấy chiếc phong bì chứa tấm ngân phiếu mừng đám cưới đưa cho Thăng và quay sang nói với Cường:
- Mày đưa tiền mừng cho thằng Thăng. Để nó đại diện bàn. Họ sắp đến rồi kìa!
Chàng nhìn về phía đám hai họ đang đi chào bàn và thu tiền mừng. Chú rể có dáng dấp quen thuộc nào đó chàng vẫn chưa nghĩ ra giống ai. Ba người bạn thân được đàng gái mời dự đám cưới đúng đêm ba mươi tết. Ông Hoành, ba của cô dâu là bạn mạt chược của ba người, nói giọng như xin lỗi khi mời:
- Hai đứa chúng nó muốn làm đám cưới sớm mà mấy nhà hàng Việt Nam bắt phải đợi đến hơn 6 tháng mới có chỗ. Chỉ có mỗi thứ bẩy ba mươi tết này là trống. Tôi muốn kiêng mà chúng nó nằng nặc đòi làm mình đành phải chịu.
Ông lắc đầu:
- Chúng nó là Mỹ rồi mấy cậu ơi! Con cái đặt đâu mình ngồi đó vậy thôi!
Tùng nhìn lên. Ông bà Hoành và cô dâu đang tiến lại bàn, đi cùng với chú rể và bà mẹ. Không thấy bố chú rể đâu. Ông Hoành nói mấy câu giới thiệu như người trả bài, những câu nói giống hệt nhau đã lập đi lập lại hàng mấy chục lần suốt bao nhiêu bàn. Thăng cũng đứng lên chúc tụng vài câu và đưa đống phong bì mừng tiền cho chú rể. Tùng thấy Thăng cũng ngẩn người nhìn kỹ chàng thanh niên đứng trưóc mặt. Chàng đoán Thăng cũng như chàng, đang thắc mắc chú rể giống một người quen nào đó mà chưa nghĩ ra.
Ông Hoành rót chút rượu ra ly nhỏ đặt trên chiếc khay phủ khăn đỏ được người nhà mang theo đến mỗi bàn. Ông đưa ly cho chú rể và nói:
- Mời mấy chú mấy bác uống chút rượu cùng mừng cho hai cháu.
Chú rể ngửa cổ nốc cạn ly rượu. Tùng liếc mắt nhìn Cường và Thăng. Hai người đang nhìn lại chàng. Phong cách uống rượu của chàng trẻ tuổi này làm chàng sực nhớ đến một người. Và hai người bạn chàng cũng cùng một ý tưởng.
Đột nhiên chú rể cất tiếng cười ha hả. Mọi người ngạc nhiên nhìn. Chú rể như người lên đồng, lắc đầu mấy cái, đưa tay vò mái tóc và rút trong túi ra cặp kính trắng đeo lên mắt. Miệng nở nụ cười tươi tắn, chàng thanh niên ôm lấy vai Cường:
- Mày lại hài đàm rồi Cường ơi!
Quay sang Thăng, chú rể nói giọng ngạo:
- Thăng! Mày chỉ hòa với chúng nó nhưng không đồng được đâu!
Và đưa tay ra bắt tay Tùng:
- Tùng! Cậu đừng có sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc như vậy chứ!
Ba người bạn cùng đứng lên kinh ngạc. Thăng và Tùng không nói nên lời. Cường như người mắc nghẹn, mắt trợn trừng nhìn chú rể và nuốt nước bọt mấy lần mới cất được giọng, run run:
- Mày! Trụ! Có phải mày đấy không?
*
Cường là người bạn đầu tiên với Trụ. Từ những ngày đầu quen nhau ở trường Luật, Trụ đã là mẫu người Cường thán phục. Thông minh, sắc sảo, với tiếng cười ha hả và những lời châm chọc nhẹ nhàng cho bạn bè nhưng đau đớn cho người không ưa, Trụ có nhiều người muốn làm thân cũng như đầy kẻ thù, nhưng chàng cũng chỉ thân thiết với mình Cường. Hai người cùng học Luật nhưng hầu như không bao giờ đến trường, chỉ lấy những tập cua ronéo dầy cộm mang về, để chất đống một xó và cuối năm học gạo, đến trường thi và lên lớp đều đều. Cả năm học, hai người chỉ cần để ra một tháng cuối năm để học, thời gian còn lại là giang hồ khắp nơi khắp chỗ. Kỷ niệm sâu đậm nhất giữa Cường và Trụ là khi hai người ra Cam Ranh, nơi ông bố ghẻ của Trụ là Trưởng Ty cảnh sát tại đây.
Khoảng thời gian đó Cam Ranh là nơi chốn xao động nhất nước. Tình hình chiến sự ngày một gay cấn và Hoa Kỳ đổ quân đổ tiền như nuớc lũ buông tràn vào Cam Ranh. Những bar rượu mọc lên như nấm và những cô gái điếm Việt Nam cũng theo nhau kéo đến đầy ngập Cam Ranh. Trụ và Cường dựa hơi ông bố ghẻ của Trụ, hưởng đủ mùi đời. Nhưng những trụy lạc của thành phố cũng không giữ hai chàng được lâu.
Từ Cam Ranh, hai người đi về miền Trung và tại đây, Trụ đã gặp mối tình đầu tiên của chàng. Trụ yêu một cô gái, hơn chàng mấy tuổi, giữ chức vụ quan trọng trong đảng Đại Việt tại miền Trung. Và như một câu chuyện tình bi thảm trong tiểu thuyết, người yêu của Trụ bị bắn chết, vì một lý do mơ hồ về chính trị nào đó. Trụ trở về Nha Trang, uống rượu say khướt hàng mấy ngày liền. Và một buổi sáng tỉnh rượu, chàng khám phá ra mình đã làm đám cưới đêm trước với một cô gái nào đó, cùng tên với người yêu cũ của mình!
Thăng quen Trụ qua Cường. Chàng thân với Cường những ngày Cường học Luật, qua một người bạn khác. Và khi Thăng vào làm thiếu úy cảnh sát ở quận ba, Trụ đã trở thành thân thiết với Thăng cũng như Cường, ba người ngao du khắp phố phường Sài Gòn trên chiếc xe Jeep cảnh sát của Thăng. Nhưng Thăng thân với Trụ nhất khi chàng đi học khoá đại úy cảnh sát và được thuyên chuyển lên giữ chức vụ trưởng ban Phượng Hoàng trên Đà Lạt. Trụ cũng vừa được về dạy ở Võ Bị Đà Lạt và Đại Học Chính Trị Kinh Doanh. Hai người cùng ở một thành phố và cũng cùng túng thiếu như nhau. Thú giải trí duy nhất chỉ là ngồi quán cà phê và đánh bi da qua ngày. Chỉ khi nào Tùng lên chơi Đà Lạt, mang tiền bố mẹ cho lên tiêu xài, hai người mới sống huy hoàng được dăm ngày.
Tùng thân với Trụ qua Thăng. Chàng là bạn học từ nhỏ với Thăng. Thuộc loại con nhà giàu, chân chỉ hạt bột, Tùng chỉ biết học và không hề biết những thú vui giang hồ nào. Cho đến khi bắt đầu chơi thân với Cường và Trụ. Và những ngày Thăng làm thiếu uý cảnh sát tại quận ba, những cuộc vui ban đêm với ba người bạn đã mở mắt cho Tùng thấy cuộc đời còn nhiều chuyện vui khác ngoài chuyện học giỏi, lên lớp đều đều mỗi năm!
Kỷ niệm giữa Tùng với Trụ sâu đậm nhất là khi Tùng biết Trụ đang đói rách, chờ đến ngày nhập ngũ vào Thủ Đức, đã lặn lội đi tìm việc cho bạn. Bà dì của Tùng vừa được cơ quan Ford Foundation thuê để dịch các bài báo Việt Nam viết về chiến dịch khai quang rắc chất hoá học Agent Orange của quân đội Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu về phản ứng của dư luận báo chí Việt Nam thời đó trước chiến dịch khai quang này. Bà dì của Tùng cần những sinh viên giỏi Anh ngữ để vào thư viện quốc gia dịch tất cả các bài báo viết trong khoảng thời gian đó. Và Trụ là người đầu tiên Tùng nghĩ đến để giúp khi biết có công việc thích hợp cho Trụ, lại ngắn hạn trong mấy tháng trước ngày Trụ nhập ngũ cộng với tiền thù lao béo bở.
Khoảng thời gian làm việc tại thư viện quốc gia này có lẽ là lúc hạnh phúc nhất cho cuộc đời Trụ. Công việc nhàn nhã, thảnh thơi, lại có tiền đủ để Trụ hút thuốc, uống rượu. Chàng lại đem lòng mê say cô sinh viên Luật cùng làm một chỗ với chàng. Mối đam mê đến với chàng như những ngày của mối tình đầu với người yêu bị giết chết tại miền Trung. Nhưng Trụ chỉ dám say đắm một chiều, dù chàng biết nàng cũng có cảm tình và để ý đến chàng.
Vì Trụ đã có vợ. Và một đứa con trai mới sinh! Trụ không hề để ý đến người vợ chàng cưới trong cơn say ngày nào tại Nha Trang. Nhưng đứa con trai, Khuất Nguyên, là một ràng buộc mới cho chàng. Và mối tình đẹp một chiều, cũng chỉ như thế, không thể trở thành gì khác, chỉ còn lại một kỷ niệm êm đềm cho chàng những ngày trong quân trường.
Trụ vào Thủ Đức, sau khi xong Cao Học Luật. Chàng không còn lý do nào khác để được hoãn dịch. Dù gia đình Trụ thế lực và có thể chạy chọt để chàng được miễn dịch vĩnh viễn. Trụ không thể chấp nhận điều đó. Bản tính chàng không bao giờ muốn luồn lọt để được an thân. Và dù quan niệm của chàng vẫn không thay đổi về sự phi lý của cuộc chiến, Trụ bình thản lên đường vào Thủ Đức để nhập khoá sĩ quan.
Điều Trụ không ngờ đến là cá tính của chàng ra ngoài khuôn khổ để theo kỷ luật và sự huấn luyện của quân trường. Chàng không chịu nổi sự chỉ huy và áp chế của người khác. Trụ luôn luôn nhìn thấy những yếu điểm và những giả tạo của cấp trên. Và chàng không bao giờ im lặng để giữ những nhận xét đó cho riêng mình. Những chỉ trích của chàng đưọc coi là sự nhạo báng cấp trên và những lý luận của Trụ bị coi là sự chống đối không thể chấp nhận được cho kỷ luật của quân trường. Và kết quả là ngày tốt nghiệp khoá sĩ quan, Trụ bị đánh rớt. Và bị tống ra ngoài Đồng Đế để đi học tiếp khoá hạ sĩ quan!
Chứng nào tật ấy! Ngay cả khi bị hành tại Đồng Đế, Trụ vẫn không thể im lặng và không thể ngưng những câu chỉ trích, chế nhạo những kẻ có quyền hành, có đủ phương cách để làm đời chàng khốn khổ. Trụ sau đó bị đuổi khỏi trường huấn luyện hạ sĩ quan để ra làm binh nhì, tống lên một khu tiền đồn lẻ loi trên Ban Mê Thuột! Trong mấy tháng này, cuộc đời Trụ có lẽ đã xuống đến tận cùng. Chàng viết thư cho Tùng, tả những ngày làm bạn cùng khỉ vượn trong rừng sâu của vùng cao nguyên, giờ đây chỉ biết "sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc".
Đến giai đoạn này, gia đình của Trụ thấy không có cách nào khác hơn là nhúng tay vào can thiệp. Dù Trụ không nói và không yêu cầu, ông bố ghẻ của chàng đã dùng những đường dây quen thuộc trong Tổng Tham Mưu để đưa Trụ ra khỏi tiền đồn hẻo lánh trên Ban Mê Thuột và bốc chàng trực tiếp về trường Võ Bị Đà Lạt để dạy về Chính Trị Học tại đây!
Trụ là một sinh viên sáng chói tại trường luật. Chàng là người trẻ tuổi nhất đậu Cao Học Luật và những cuộc tranh luận của chàng tại trường đã được các giáo sư Luật nể vì. Một người tài giỏi như Trụ không thể vì những thù hằn cá nhân của một số huấn luyện viên tại Thủ Đức và Đồng Đế dìm đến mức đánh rớt trở thành binh nhì và đầy ra một tiền đồn hoang vu. Bộ Tổng Tham Mưu sau khi xem xét hồ sơ của Trụ và được các vận động và khuyến cáo của các giáo sư Đại Học Luật Khoa, đã quyết định đưa chàng về trường Võ Bị Đà Lạt để dùng tài năng cuả chàng cho đúng mức.
Đời Trụ đã tươi sáng trở lại ngày chàng lên Đà Lạt. Trụ cũng được mời để dạy thêm tại trường Chính Trị Kinh Doanh của Đại Học Đà Lạt. Chàng gặp lại Thăng nay đã là Đại Úy cảnh sát của chương trình Phượng Hoàng. Hai người bạn thân tương đối đã tạm ổn cuộc sống, thường xuyên mỗi đêm ra quán cà phê để đấu láo và bàn chuyện thế sự, chuyện những cấp trên tham nhũng, hách dịch và dốt nát.
Trụ vẫn không thể bỏ được thói quen phê bình và chế nhạo những cấp chỉ huy của chàng. Những buổi nói chuyện tán gẫu này được Trụ gọi là "hài đàm", danh từ chế riêng của chàng. Và cuộc đời tuy yên ổn nhưng vẫn nhiều xung khắc của Trụ với những sĩ quan khác trong ban giảng dạy của trường Võ Bị, đã được Trụ mệnh danh là "hòa nhưng không đồng". Trụ đành chịu yên hòa với những người chàng coi thường và không ưa của ban giáo sư trường Võ Bị, nhưng chàng vẫn khinh bỉ và cương quyết không bao giờ trở thành "đồng", giống như họ và theo những đường lối chàng không chấp nhận được của họ.
Tuy Trụ và Thăng yên ổn trên Đà Lạt nhưng cả hai người đều túng thiếu. Không thể làm được những chuyện bẩn để kiếm ra tiền, hai người chỉ sống vào đồng lương, không bao giờ đủ tiêu. Thăng gửi thư cho Tùng rủ bạn lên Đà Lạt chơi và nhân chuyện "tả oán". Tùng đã ra trường và làm việc ở Tây Ninh. Nhận được thư, chàng ra ngay bưu điện để gửi mandat tiền nguyên tháng lương vừa lãnh cho hai bạn. Vốn con nhà giàu, Tùng không bao giờ thiếu thốn. Ngay cả lương của chàng cũng chỉ vừa đủ để đổ xăng cho chàng chạy xe.
Nhận được tiền của Tùng gửi lên, Thăng gọi ngay Trụ để ra tiệm ăn sang nhất trên Đà Lạt ăn uống một bữa no say. Hai người ngồi uống rượu thả tràn để say khướt đến hơn nửa đêm mới về. Thăng cũng đưa tiền cho Trụ để mua đủ thuốc lá Pall Mall hút cho cả tháng! Trụ thiếu gì cũng được nhưng thuốc lá Pall Mall và rượu Johnny Walker, chàng không thể thiếu. Đã có lúc Trụ đem đồng hồ đi cầm để có ít tiền mua thuốc, mua rượu. Nhà chàng không có đồ gì không cầm cố ít ra hai ba lần những lúc thiếu tiền cho hai thứ ghiền này.
Ngày cả bốn người bạn gặp lại nhau là lúc Đà Lạt di tản chiến thuật và Trụ và Thăng đều chạy về được Sài Gòn. Cường và Tùng cũng đã có mặt tại Sài Gòn những tuần lễ cuối. Họ hẹn gặp nhau tại một quán cà phê và nói chuyện tìm đường để đi. Tùng được một người quen hứa đưa vào Tân Sơn Nhất để nằm chờ được phi cơ Mỹ bốc. Thăng và Cường bàn tính để ra Nhà Bè tìm đường biển để chạy. Riêng Trụ nhất định không đi. Chàng nói muốn ở lại để đối đầu trực tiếp với cộng sản khi chúng vào Sài Gòn. Chàng tiên đoán sẽ bị giết chết. Và chàng nói với ba người bạn thân: "Nếu chúng đem tao ra xử bắn, tao sẽ đòi một ân huệ cuối cùng. Là chúng đưa một tên lý thuyết gia giỏi nhất về chủ nghĩa cộng sản gặp tao để tranh luận tay đôi với tao về chủ nghĩa này!".
Họ không gặp lại nhau sau đêm ngồi quán cà phê đó. Cả ba người Tùng, Thăng và Cường đi thoát ngày 30 tháng 4. Và Trụ ở lại, bị bắt đưa đi học tập. Đúng như Trụ đã tiên đoán, chàng đã bị cộng sản đem ra xử bắn ngay trong trại học tập chỉ ít tháng sau đó. Vì chúng đã không thể đàn áp được chàng. Những nhạo báng và chống đối của chàng đã làm chúng điên đầu. Và cách xử lý dễ dàng nhất của cộng sản với những người bất khuất như Trụ là đem ra giết ngay. Ba người bạn sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ được tin Trụ bị giết chết trong trại học tập. Họ không biết Trụ có được thoả nguyện cuối cùng là một cuộc tranh luận với một tên lý thuyết gia của cộng sản trước khi bị bắn hay không. Chắc chắn là không, vì đời nào cộng sản chịu sự nguy hiểm và nhục nhã là một lý thuyết gia có hạng của chúng, cãi không lại với Trụ!
*
Chú rể tiếp tục cất tiếng cười ha hả. Ba người bạn nhìn nhau. Tiếng cười này họ khi nào quên được. Biết bao lần họ đã nghe Trụ cả cười như thế. Tiếng cười hào sảng, ngạo nghễ nhưng vẫn nồng ấm khi chung quanh là bạn bè. Và khinh bạc khi có mặt những kẻ Trụ coi thường. Giọng cười xoáy vào tim ba người bạn. Vì chàng thanh niên trước mặt, với mái tóc bồng và cặp kính trắng, là Trụ, là bạn thân của ba người, của những ngày hơn ba mươi năm trước đây.
Chú rể bỗng lắc mạnh người và mắt trợn lên, ngồi phịch xuống ghế. Hai tay và chân bắt đầu co giật mạnh. Tùng định tiến người lên để đỡ nhưng nhanh hơn, bà mẹ chú rể đã nhào lại, tay móc trong túi áo ra một viên thuốc nhỏ và banh miệnh chú rể nhét thuốc vào. Bà quay lại nhìn Tùng nói:
- Cháu nó bị kinh giật, phải uống thuốc Tegretol này. Đã lâu lắm không bị, không ngờ hôm nay lại lên cơn như vậy.
Chú rể gục đầu xuống chừng hơn nửa phút và bắt đầu mở mắt ngơ ngác nhìn quanh.
Bà mẹ nói:
- Con uống chút nước! Khổ quá, không chịu uống thuốc đều. May mẹ mang sẵn thuốc đi cho con.
Ba người bạn nhìn nhau. Dù Trụ là bạn thân, họ chưa bao giờ gặp vợ con Trụ. Và thiệp cưới chỉ đề tên bà mẹ và tên người chồng chắc hẳn là chồng sau. Tùng xem lại thiệp mời. Chàng bây giờ mới để ý tên chú rể là Khuất Nguyên, tên đứa con Trụ đã hãnh diện đặt tên theo một nhân vật Tàu thời cổ và đã kể cho Tùng nghe sự tích tên đứa con của mình.
Chú rể đứng dậy, xin lỗi mọi người và sau vài phút, tiếp tục cùng đoàn quan viên hai họ đi sang bàn khác chào bàn, như không có chuyện gì xảy ra. Tùng nhìn Thăng và Cường. Hai người chưa hoàn hồn, tiếp tục đứng yên như trời trồng, chỉ biết đưa mắt nhìn Tùng. Chàng lắc đầu:
- Đừng hỏi tao! Tao không thể giải thích được. Khuất Nguyên này đúng là con của Trụ rồi. Tao đoán là nó bị động kinh thuộc loại do thùy thái dương ở trên não bộ. Những ngưòi bị động kinh loại này hay có những ảo giác rất lạ trước khi lên cơn giật. Nhưng ảo giác biến thành lời nói và cử chỉ của thằng Trụ như thế thì tao cũng chịu không hiểu ra sao nữa.
Thăng và Cường lắc đầu, không nói. Tùng là người của khoa học. Chàng chỉ tin vào những gì có thể chứng minh được. Nhưng Tùng biết, Thăng, Cường đều như chàng, đã nhìn thấy những gì xảy ra khi chú rể ngưng cơn kinh giật. Họ đã thấy một bóng mờ, thoát ra từ hai bên thái dương của chú rể. Và bóng mờ đứng đó, trong khoảnh khắc, dơ tay chào ba người, miệng mỉm cười, trước khi tan biến như làn khói vào thinh không.
NGUYỄN ĐÌNH PHÙNG