uyến đậu chiếc xe gắn máy nơi góc đường như thường lệ. Hôm nay đã gần mười giờ sáng, nắng chói chan mà chưa có mối nào. Thường thường tới giờ này cô đã được ít nhất vài cuốc xe ôm. Mỗi cuốc như vậy kiếm được hai, ba chục ngàn. Xuyến bắt đầu sốt ruột. Sốt ruột vì không có khách. Không có khách thì không có tiền. Không có tiền thì không đưa má đi lọc máu điều trị thận được. Nghĩ tới chuyện kiếm sống và bịnh hoạn của má, rồi tới số phận của mình, cô không khỏi ngán ngẩm, chán nản với tương lai mù mịt. Má Xuyến bị suy thận mãn tính, mỗi tuần phải đi vô bịnh viện chạy thận nhân tạo ba lần. Mỗi lần như vậy rất tốn kém, còn phải cho cô y tá thêm vài ba chục ngàn để cô nhẹ tay với má, còn không cô ấy ngoáy cái kim thêm cho đau. Ba Xuyến trả hai phần ba chi phí chữa bịnh cho má, phần còn lại ba chị em cô chịu. Nói là phần của ba chị em chứ thật sự một mình cô phải lo hết. Con Lan đang đi học đại học, tối chạy bàn cho một quán ăn, ăn chiều tại chỗ, chỉ đủ lo cho phần của nó. Con Vân có chồng con, bữa no bữa đói. Cô chạy xe ôm nuôi cơm cho má, đứa con gái của mình cộng với phần ăn trưa của con Lan. Từ ngày có công ty xe ôm tổ chức qui mô, có gắn máy tính tiền, máy định vị GPS và giá rẻ hơn không cần phải mặc cả, Xuyến thấy khách vơi đi nhiều lắm. Cô phải chạy ngược xuôi vay tiền đưa má đi lọc máu. Vay mà không trả riết không ai cho vay nữa. Cô muốn đổi nghề nhưng chưa biết phải làm gì. Đêm khuya trăn trở, Xuyến suy nghĩ, phân tích lung lắm về lời của Thu, bạn cùng xóm, nhiều lần khuyên cô đổi qua nghề đấm bóp. Thu cắt nghĩa nghề đó có hai loại: một là đấm bóp chuyên nghiệp; hai là đấm bóp hương phấn… Mặc dù Thu khẳng định công việc của mình là đấm bóp chuyên nghiệp nhưng thành kiến về hai chữ “đấm bóp” đã làm cho cô chạnh lòng vì trong xã hội ngày nay lằng ranh giữa hai từ chuyên nghiệp và hương phấn mập mờ lắm. Ngày xưa gia đình Xuyến ở Vĩnh Long, ba má cô đi làm mướn, ai kêu gì làm đó. Đời sống quá khổ nên ông bà bán hết tài sản mọn, gởi ba cô con gái ở tạm nhà bà con, lần mò lên Sài Gòn kiếm sống. Ba đi khuân vác ở bến xe đò. Má mua trái cây gánh ra chợ bán. Khi đã tạm ổn hai ông bà đưa các con lên sống chung. Xuyến theo má bán trái cây, bữa nắng thì lời, trời mưa thì hay lỗ, trách nhiệm đè nặng trên vai ngày ngày làm nhan sắc của cô kém đi. Nhiều thiếu nữ từ quê lên làm nghề buôn phấn bán hoa, chụp giựt đồng tiền không kể tới lòng tự trọng, đạo đức, hoặc xã hội lên án. Còn Xuyến, ba má cô đã nhiều lần nhắc nhở, giấy rách phải giữ lấy lề, mang thúng bán bưng nhưng còn nhân phẩm. Lên Sài Gòn không lâu thì Xuyến lập gia đình. Anh cũng làm lao động. Lấy chồng năm mười chín tuổi. Cô không nhớ lấy vì yêu hay vì muốn chạy trốn cái khổ cực ngày ngày gồng lưng gánh hai thúng trái cây nặng trĩu, ngồi lê giữa chợ mời khách. Đứa con gái được sinh ra gần một năm sau đó. Đời sống gia đình Xuyến có phần đỡ hơn hồi còn ở nhà với ba má. May mắn có người chỉ vẻ, cô đổi sang nghề chạy xe ôm. Nhờ bộ óc trời cho, ngõ hẻm gần xa đi qua một lần Xuyến đều nhớ nên chạy xe ôm không khó lắm. Sau chi phí xăng nhớt... số tiền cô đem về gấp đôi tiền buôn thúng bán bưng trái cây. Xuyến chạy xe ôm khá hơn đi bán rong nhưng vì phải giúp má chữa bịnh nên tài chánh trong nhà thiếu hụt. Vợ chồng cãi nhau. Anh bắt đầu lê lết ở quán nhậu, về nhà say mèm, chửi bới, đánh vợ. Cô biết tình hình vợ chồng không cứu vãn được nên quyết định ly hôn, thấm thoát đã ba năm từ ngày cô đem con về ở với má. Tưởng như sẽ kéo dài đời sống tạm ổn thì má Xuyến bị suy thận càng ngày càng nặng, buộc phải lọc máu. Sức khoẻ yếu, bà không làm gì được mà còn cần nhiều tiền để điều trị. Ba cô phải buôn bán thêm để bù lấp sự thiếu hụt. Ông đi làm nhiều giờ, sáng đi sớm, tối về trễ, rồi dần dần không về nữa. Xuyến khám phá ba có vợ bé. Cô rất buồn nhưng chấp nhận sự thật không thể nào thay đổi mặc dù vợ bé của ba nhỏ tuổi hơn cô. Hằng tuần ba Xuyến vẫn đều đều đưa hai phần ba tiền chi phí lọc máu của má. Phần chi phí còn lại ông xin lỗi vì phải giữ để xây tổ ấm mới. Ông còn xin lỗi không tiếp tục sống với má vì má không còn đủ sức làm tròn nhiệm vụ làm vợ. Câu thề thốt trong ngày cưới sống cho đến răng long đầu bạc không có nghĩa lý gì khi ông đứng trước thử thách và cám dỗ. Xuyến bằng lòng với lời xin lỗi của ba. Cô cần tiền để đưa má đi bệnh viện. Xuyến chạy xe ôm từ bảy giờ sáng cho đến chiều tối. Trách nhiệm săn sóc cho má cô đổ lên đầu đứa con gái mười hai tuổi. Đi học về, nó lo cho bà ngoại ăn uống, nấu cơm cho cả nhà, giặt giũ, dọn dẹp,.. tối đến mới lôi bài vở ra học… Xuyến nhìn đồng hồ, đã quá trưa, không thể nào kiếm đủ tiền đưa má đi lọc máu chiều nay. Ngồi trầm tư trên chiếc xe gắn máy, suy nghĩ về đạo lý ba má đã dạy, Xuyến thấy mỉa mai thay. Ba cô đã phản luân lý, bỏ má cô trong lúc bịnh hoạn để chạy theo người đàn bà khác cho dù ông cố gắng tự bào chữa và viện cớ vẫn lo cho má bằng số tiền chữa bịnh hằng tuần hoặc viện cớ má không còn làm tròn trách nhiệm làm vợ… Xuyến buồn khi nghĩ đến Thu. Cô không muốn nghi ngờ nghề nghiệp của bạn mình, nhưng có một cái gì đó khiến cô không an lòng, có lẽ Thu tiêu xài, ăn diện hơi quá so với những người làm cùng nghề chăng? Ai người ta trong xã hội nghe nói tới phụ nữ làm nghề đấm bóp mà không nghĩ xiên nghĩ xẹo. Theo làm nghề như Thu, Xuyến không biết sẽ giữ mình như cánh sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn được bao lâu, hay thỉnh thoảng gặp một ông khách say sưa, tấn công táo tợn,.. một lần, hai ba lần rồi thì biết đâu cô sẽ thấy mọi chuyện cũng … bình thường, xảy ra như cơm bữa! Cô càng buồn hơn khi nghĩ tới đứa con gái của mình không có tuổi thơ, nghĩ má phải quằn quại, đau đớn mỗi khi đi bịnh viện trễ để chạy thận nhân tạo vì thiếu tiền, rồi nghĩ tới cô y tá ngoáy cây kim cho má đau hơn vì không được đút lót càng làm cho cô xót xa thêm. Xuyến nghĩ tới giấy rách phải giữ lấy lề, còn vấn đề sinh tử, đau đớn của má cô thì sao? Ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của mẹ thì sao? Và con gái của cô nữa, nó phải dành nhiều thì giờ phụ lo cho bà ngoại. Tuổi thơ của nó qua nhanh, Xuyến muốn nó có một đời sống bình thường, hồn nhiên … Cô biết mình cần phải làm ra tiền! Xuyến cầm điện thoại lên, bỏ xuống, ngần ngừ, cuối cùng cô bấm số của Thu. Xuyến nhắm mắt, cố nuốt hai giòng lệ. Cổ họng khô ráo, cô cố gắng tự nhiên nhưng nghe giọng mình nghèn nghẹn, đứt quãng: -Thu hả… Xuyến đây! Việc đấm bóp… Thu nói hôm nọ..../. Miên Kim