(Một ngày tôi nhớ đến ba mình)

     gồi bệt dưới bãi cỏ nơi bờ sông mắt  tôi dỏi nhìn theo cái phao đang nổi phập phìu trên mặt nước, chốc chốc cái phao bất chợt chìm xuống nhưng nó vụt trồi lên ngay khiến tôi nóng máu nói lầm bầm:
- Có cắn câu thì cắn đại cho rồi, tụi bây cứ nhấp nhấp hoài làm tao bực mình lắm rồi đó nha.
Lại thêm lần nữa phao chìm nhanh xuống nước, không đợi thêm phút nào tôi giật mạnh cần câu về phía sau, một chú cá Chạch nhỏ bằng ngón tay út của mình con cá ngo ngoe vùng vẫy, vói tay chụp sợi dây cước tay kia buông cái cần câu xuống đất để gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu, thả con cá vào cái xô nhựa xong tôi tiếp tục móc con trùng đất vô lưỡi câu rồi vung mạnh cần câu về phía trước và tiếp tục ngồi chờ thời.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp hưởng cái không khí yên bình nơi quê nhà, cái thú đi câu nó đã ngấm trong máu tự bao đời nay, vì phải bận bịu mưu sinh hàng ngày nên tôi đành gác lại cái thú vui này, ở thành phố sáng nào chạy xe đi làm trên những đại lộ mới mở sau này, bên cạnh những làn xe nối đuôi nhau hối hả ngược xuôi thì cũng có những người nhàn rỗi ngồi buông câu ở các con rạch chạy dọc theo đại lộ này, hai hình ảnh tương phản trong cuộc sống, những người tất tả lo toan cho công việc không đủ thời gian để hoàn thành nên khi thấy các tay đi câu nhàn tản kia, tôi thầm ao ước giá mà có thể bỏ tiền ra để mua được thêm thời gian để có giây phút rảnh rang như những người này thì tôi sẽ sẵn sàng không chút tính toán thiệt hơn.
Được sở làm cho nghỉ phép thường niên, thú thật tôi chờ đợi cái ngày này lâu rồi,  bao nhiêu tính toán dành thời gian cho những ngày phép quý giá này được tôi dự trù nào là giúp ngoại lợp lại cái mái nhà, tu bổ cái chuồng heo rồi lôi cái xe đạp sứt tay gãy gọng của ngoại ra để sửa lại để ngoại làm chân đi tới đi lui quanh làng. Rồi cái đám bạn lóc nhóc thuở tóc còn để chỏm đến giờ, tôi nhớ lắm những trưa hè trời như đỗ nắng thế mà cả đám quay quần nhau chơi những trò chơi, nào là đánh đáo, cờ gánh,chơi u, chơi năm mười, nhưng hai món lôi cuốn nhất là trò chia phe nhau đánh trận và chơi bông vụ. Còn cái thú không thể nào từ bỏ của tôi là cái thú đi câu.
Tôi còn nhớ dạo ấy khi đến trường vào mỗi sáng thì ngoài cổng lúc nào cũng đủ thứ hàng quán, người buôn gánh bán bưng, bà Tám thì sống bằng cái thúng xôi vò, chỉ cần hai cắc bạc thì đã no cành hông, ông già "cắc chú" lúc nào trên đầu cũng cái nón mây rộng vành che mát cả thân người, ông này chuyên dụ khị tôi và mấy bạn trút hầu bao để thưởng thức món cà rem bẹ, nào là cà rem đậu xanh, sữa, dừa, lá dứa. Cái mà tụi tôi khoái khẩu là món độc chiêu của ông bán là ổ bánh mỳ ngọt tròn tròn dẹp dẹp, ông lấy con dao nhỏ bén ngót ông rạch đôi ổ bánh mỳ nhưng không cho đứt hẳn, ông lấy cái vá tròn để múc kem cái vá này có dạng như cái tông đơ của thợ hớt tóc, múc một vá kem đủ màu trong đó, ông kê ổ bánh mỳ vào bóp mạnh cần cái vá thì viên kem tròn trỉnh nằm gọn trong ổ bánh mỳ, thường thì một ổ ông cho ba bốn viên kem tùy theo số tiền chúng tôi đặt mua, ông rắc vào một ít đậu phộng rang, rưới thêm một ít sữa đặc có đường hiệu ông Thọ, có đứa cắc cớ hỏi ông cắc chú:
- ông ơi! ông Thọ là đàn ông thì làm sao có sữa để bán vậy ông?.
Ông cười hiền và nói:
- Nị nhiều chiện quá, ở đâu kệ nó miễn ngon là được rồi, sau này lớn lên nị biết mà.
Ông rải thêm lớp dừa nạo thành sợi, rồi quấn lớp lá chuối gói cái bánh mỳ trao cho chúng tôi cũng là lúc ông thò tay lấy tiền của chúng tôi trả và bỏ vào học tủ nhỏ bên thành xe kem. Khi cho kem này vào miệng thì ôi thôi nó ngon không thể tả, cho đến tận giờ trong những cơn mộng mị tôi vẫn còn có lúc nhớ về ổ bánh mỳ ngọt dồn kem của ông cắc chú kia.
Về trò chơi cái bông vụ đây là cách gọi của trẻ con ở miền nam, còn theo người miền bắc thì gọi bằng con quay, bông vụ có vài loại tùy theo thị hiếu của đám trẻ con, tôi chắc rằng ngày xưa khi làm ra cái bông vụ này mấy ông chủ xưởng tiện thế nào cũng đi lòng vòng trong xóm làng để xem cách chơi của trẻ con, rồi về nghiên cứu thêm mẫu mới để moi tiền đám trẻ mê chơi như chúng tôi, mẫu mã cho mấy cái bông vụ  thì nhiều loại, có loại tròn mập như trái lê kiu ma nhỏ, có loại bầu bầu như trái lý, có loại thon dài và có những rãnh lớn để quấn dây vào. Nhưng tóm lại có hai loại bông vụ, một là có cái đinh tròn ngắn gắn sát vào phần gỗ của bông vụ,  loại này dùng cây cột mấy đoạn vải ngắn trên đầu bằng dây thun khi tạo cho bông vụ có lực quay ban đầu xong thì lấy cây này (giống cây phất trần của các ông tiên trong truyện cổ tích) quấc nhiều lần theo chiều quay của bông vụ, ai điều khiển bông vụ quay thật lâu không ngã thì thắng cuộc. Còn loại thứ hai thay vì xài cây đinh ngắn do nhà  sản xuất gắn dưới đáy cái bông vụ, chúng tôi tháo đinh ngắn của nhà sản xuất ra và gắn vào đó cây đinh bốn năm phân được cắt ngắn bớt độ dài còn nhô ra khoãng hai đến ba phân, dưới cùng chúng tôi đập dẹp ra giống như cây xà beng của thợ đào giếng, đã vậy có đứa mài cái xà beng này bén ngót. Chơi cái bông vụ này chúng tôi phải sắm một đoạn dây dù loại tròn nhỏ chiều dài chừng một thước đến thước hai là được, chúng tôi lấy dây dù quấn tròn quanh cái bông vụ và phải quấn từ dưới lên trên, đương nhiên phải quấn cho thật chặc tay  thì khi phóng cái bông vụ xuống đất mới có cái lực mạnh làm cho bông vụ quay tít. Cuộc chơi bắt đầu trước tiên vẽ vòng tròn nhỏ chứa bông vụ tùy theo số người chơi được chia làm hai phe, phe nào oảnh tù tì mà thua thì cho bông vụ vô nằm trong vòng  để phe thắng thi nhau "Mổ " bông vụ phe kia, có hôm nọ không biết thằng bên phe kia mổ thế nào làm cho cái bông vụ nằm trong vòng tét ra làm đôi đưa cái lõi trắng hếu nằm chỏng chơ lên trời y hệt như những địch quân bị hạ gục trên chiến trường, tiếc của nên thằng có cái bông vụ bị tét khóc hu hu và bắt thằng kia phải đền tiền cho hắn để mua cái khác, hai bên cãi nhau chí chóe, thằng mổ tét bông vụ thì nói:
- Có sức chơi, có sức chịu mầy ơi! Còn lâu tao mới đền cho mầy, mầy có ngon thì đi kiện cò bót đi tao sẽ đi hầu.
Nạn nhân thì cố cãi lại:
- Ai biểu mầy mài cái "xà beng"  bén ngót làm chi, nếu không đền tao về méc má mầy quánh cho một trận đó nghe con.
Nghe đối phương hăm he méc má của mình, thằng nọ hoảng quá chạy vại mượn đứa này đứa kia một ít tiền để trả cho nạn nhân, tuy trả tiền đó nhưng còn ấm ức thằng nọ nói với nạn nhân:
-Tao đền cho mầy nè, nhưng oa oa xịt nghỉ chơi mầy ra luôn, vậy nha tụi bây.
Nghe bị đòi nghỉ chơi,  thằng nhóc xanh mặt, nó sợ khi bị cả đám tẩy chay rồi thì biết chơi với ai, không lẽ đi nhảy lò cò với đám con gái, một thoáng bối rối nó cầm mấy cắc bạc trao lại cho thằng nọ rồi lí nhí nói:
-Tao không mắc đền mầy nữa, tụi bây đừng nghỉ chơi tao nghe.
Cả đám chúng tôi cười xòa, không những thằng nọ không lấy tiền lại mà còn an ủi nạn nhân bằng một câu mát ruột:
- Tao nói chơi thôi lỗi là do tao, tao mài cái xà beng bén quá mới ra nông nổi như vầy, mầy cứ cầm tiền mua cái khác mai mình chơi tiếp.
Nó vừa nói dứt câu chúng tôi vô  tay rần rần tán thưởng,  nhờ chúng tôi đối xữ có tình có lý trong các cuộc chơi nên tình bạn chúng tôi vẫn duy trì tốt cho đến tận giờ, ngày nay trò chơi cái bông vụ hầu  như "tuyệt chủng" tôi không còn thấy nó hiện diện trong cuộc chơi của con nít thời nay nữa rồi...
                                 * * *
Tiếp tục ngồi chờ cá đớp mồi, thời gian trôi qua chậm chạp mặt trời đang chẩm chệ trên cao rọi ánh sáng chói chang xuống đất, hơi nóng bắt đầu bốc lên khiến cho những hạt sương đêm le lói đậu trên cành cây ngọn cỏ bốc hơi tự bao giờ. Tôi ngó qua mấy người ngồi gần bên, họ cũng khắc khoải chờ đợi cá cắn câu, tâm trạng ai nấy dường như thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người, đoạn rạch này ngày xưa nổi tiếng rất nhiều cá ở quê tôi, tôi còn nhớ dạo ấy tôi chỉ là một nhóc tì chừng mười một mười hai tuổi, cái tuổi tò mò thích khám phá và nhất là thích thể hiện mình là người lớn, tôi thấy chú Út Ba trong xóm tôi ổng có biệt tài câu rê, nên những buổi không đi học tôi thường theo chú Út Ba đi câu cá để thọ giáo, nhiệm vụ của tôi là phụ xách cái xô nhựa đựng nước uống và thức ăn, có hôm là hai gói xôi hoặc bánh mỳ kẹp thịt, còn đồ nghề chú Út tự mang là cái cần câu dài ngoằng,  cái đục mang theo bên hông trong đó nhốt vài con nhái bén để làm mồi câu, khi ra đến đám ruộng rau muống cạnh con rạch này, chú Út thong thả bỏ đồ nghề xuống đất, không khí mát mẻ làm cho buổi đi câu thêm phần hứng thú, chưa vội móc mồi và buông câu chú Út thò tay vào cái túi áo móc bịch thuốc rê Gò Vấp ra quấn một điếu to bằng ngón tay cái, châm lửa và rít thật mạnh đưa vào buồng phổi, khi chú nhả khói tôi cứ tưởng như ống khói của đoàn xe lửa đang phun ra khiến tôi bật cười một mình với cái so sánh ngộ nghĩnh của mình, đang miên man liên tưởng thì chú Út làm tôi giật mình:
- Nó kìa Phương, con thấy nó mới táp móng bờ đê phía trước không, chú dám chắc con này ít ra cả kí lô chứ chẳng vừa đâu.
Nhìn theo hướng chú Út chỉ, tôi thấy một vòng tròn gợn sóng mỗi lúc càng to dần lên, chú Út liền xắn tay áo lên móc lưng con nhái bén vào lưỡi câu, dường như cảm nhận cái đau thấu xương khiến con nhái giật giật cả bốn chân liên tục, mà cũng ngộ đi câu mà không có mồi sống (cục cựa) thì khó lòng câu được mấy chú cá Lóc tinh ranh háu đói đang ẩn mình dưới làn nước đục ngầu bên dưới.
Chú Út cầm sợi nhợ có con nhái bén chú quay tròn nhiều vòng để lấy đà rồi chú vụt qua ra xa về hướng cá vừa đớp móng khi nảy, con nhái vừa chạm mặt nước tưởng đâu mình được tự do nó liền xải chân bơi nhanh thì cũng là lúc chú Út rê cái cần câu qua lại kéo theo chú nhái bén đang vùng vẫy trên mặt nước, bất ngờ tôi nghe tiếng Phụp mạnh vừa lúc ấy chú Út giật mạnh cần câu lên, quả y như rằng chú cá Lóc đen trui trủi vùng vẫy mạnh khiến cần câu cong vút, chú cá Lóc nằm gọn trên bờ hai mắt thao láu tôi thầm nghỉ chắc con cá lóc không hiểu tại sao nó lại nằm trên bờ như vậy, chiều hôm ấy nhà chú Út có nồi cháo cá thơm ngon do tài nấu nướng của thím Út tôi cũng được thím múc cho một tô cháo to, trên mặt tô cháo có đủ hành ngò và một ít tiêu bột, khi húp vào muỗng cháo đầu tiên tôi nghe ấm cả ruột, đang chăm chú húp tô cháo thì như muốn "thưởng công" cho tôi chú Út nói:
- Chú có hai cái cần câu để phía sau nhà, ngày mai thằng Phương mày muốn câu thì chú cho mượn đó, nhớ giữ cẩn thận không khéo nó bị gãy là uỗng lắm nghe bây, hai cái cần này chú mua tận Xuân Thới Thượng ở Hốc Môn lận đó, chổ này mới có loại trúc tốt để làm cần câu chứ mua ba cái cần câu bán ở Chợ Cầu dỡ ẹc hà, họ lấy ba cây trúc non rồi cũng hơ lửa làm ra vẻ trúc loại tốt, khi cá cắn câu giật lên thì cần gãy đôi còn cá thì lặn mất tiêu nhiều lúc tức ói máu luôn vậy đó.
Nghe chú Út dặn dò kỹ lưỡng tôi dạ rân và hứa giữ "đồ nghề làm ăn" của chú thật tốt, cái ý nghĩ  lần đầu tiên tôi sẽ được tự đi câu khiến tôi bồn chồn suốt đêm mong cho trời mau sáng để còn thực hiện cái sở thích của mình, cũng may cho tôi vì sáng hôm sau là ngày chủ nhật nên tôi không phải đến trường...
Mới năm giờ sáng, khi tiếng đại hồng chung của chùa Phổ Minh gần đấy điểm công phu tôi lò mò ra khỏi giường, nghe tiếng lục đục của tôi má tôi thức giấc bà hỏi:
- Hôm nay chủ nhật mắc cái giống gì bây thức sớm bửng vậy? Ngày thường kêu thức dậy đi học như kêu đò, năm lần bảy lượt bây mới thức, có vụ gì phải không?
Nghe má hỏi tôi điếng hồn vì bị phát hiện cách simh hoạt bất thường, tôi phân vân chưa biết trả lời sao để không bị cản trở cho buổi câu cá hôm ấy, nếu nói thật thì chắc chắn ba má tôi sẽ không cho vì ông sợ tôi mãi mê sông nước trượt chân xuống rạch thì nguy hiểm bởi trước đó ước chừng nửa tháng, xóm trên có hai thằng nhóc nổi hứng tập bơi ở con rạch này, mỗi đứa ôm một bập dừa nước nổi lềnh bềnh trên rạch, chẳng may có đứa hụt tay vuột cái bập dừa chìm dần xuống rạch khiến nó uống nước đầy bụng làm cho đôi mắt trắng dả vì  bất tỉnh nhân sự, thằng còn lại hồn vía lên mây la làng kêu cứu, may cho thằng nhóc kia Chú Út đi câu sớm nên chú nhảy ùm xuống rạch túm tóc kéo nó vào bờ, chú hô hấp nhân tạo cho nó liên tục,  hồi sau khi tỉnh lại nó quỳ lạy để tạ ơn chú Út như tế sao, nghe tin này ba má cắm tiệt tôi không cho léo hánh đến con rạch vì sợ con mình bị "ma da" kéo cẳng, bí thế và không kiềm chế được cái lòng ham muốn đi câu tôi đành phải nói dóc cho má tôi an lòng:
- Hôm nay lớp tụi con làm bích báo để chuẩn bị mừng xuân, con tới nhà thằng Xuân để phụ tụi nó.
- Nhà thằng Xuân thằng xuyết gì ở đâu? bây nói đi má kêu anh Thọ bây nó lấy xe đạp chở tới, chứ đi một mình xe cộ nguy hiểm lắm, chưa kể "Mẹ mìn" bắt cóc nữa.
Thấy bị má tôi "chiếu bí " tôi bèn xạo tiếp:
- Nhà thằng Xuân ở ngã tư chợ đó má, con lội bộ ra đầu đường đón xe ngựa lên đó có một cắc bạc là tới rồi, còn mẹ mìn hả má đừng lo vì ba thằng xuân là Cảnh sát mà nhà nó trong Cảnh Sát Cuộc đó mẹ mìn nào dám vô bắt cóc hả má.
Nghe tôi xạo cũng có căn, má tôi an tâm phần nào, tuy cho tôi đi nhưng cũng không quên thòng một câu:
- Ừa đi thì đi, nếu gặp nguy hiểm gì thì ghé vô Hội Đồng Xã kế bót cảnh sát có chú Xuân lính nghĩa quân đóng ở đó,  chú Xuân quen với ba bây lắm có gì thì chú giúp cho, nhớ chưa?
Tôi vâng dạ cho qua chuyện bởi trong lòng chỉ mong sao mau đến nơi con rạch nọ để câu cá cho thỏa lòng ao ước bấy lâu.
Tạt  ngang nhà thằng Răng bạn cùng xóm tôi rủ rê một hồi làm nó xiêu lòng nên cùng tôi đến nhà chú Út lấy đồ nghề rồi dông thẳng ra bờ rạch, trên đường đi chúng tôi cũng không quên mua hai ổ bánh mì nhét cá mòi hộp vào nhằm có cái nhét vào bao tử trong lúc chờ đợi cá đớp mồi, thằng Răng cũng nhanh nhẩu ghé tiệm cà phê của bà Tư mua bịch nước xá xị con Nai hiệu Phương Toàn để làm nước giải khát, buổi đầu đi câu mà chúng tôi cụ bị như vậy kể ra cũng phong lưu vô cùng.
Ngồi chẳng bao lâu kể từ khi thả mồi xuống con rạch, thằng Răng đúng là tay sát cá nó giật lia lịa lúc thì cá Trào, khi thì cá Rô, rồi thì cá Trê vàng ươm cũng cắn câu của nó, còn tôi thì chẳng thấy cái phao động tịnh nói chi cá cắn câu, đang chán nản với tình thế trên, đột nhiên cái phao cần câu của tôi nó mất hút khỏi mặt nước, từ lúc đi theo chú Út xem câu cá tôi chưa thấy tình trạng cá ăn mồi "hỗn" kiểu này, không chần chờ tôi nắm vội cần câu và giật mạnh lên, cầu câu bị sức nặng của con cá trì xuống làm cần cong vút, tôi cố sức kéo nó lên bờ, khi con cá trồi lên khỏi mặt nước tôi chưa kịp nhìn thì thằng Răng cười nắc nẻ rồi nó buông ra câu chọc ghẹo tôi:
- Cái thằng quỷ Phương này, mầy câu kiểu gì ngộ vậy, mầy chống con mắt lên ngó con cá Trê vàng kìa, câu kiểu "dậy" là đưa vô "Ghi nét" được rồi đó, ha ha ha.
Nghe thằng Răng cười giòn, tôi nhìn kỹ cái thành quả cũa mình khiến tôi cũng bật cười theo, các bạn biết sao không? chắc rằng ai cũng biết ý nghĩa của câu:
"Chó ngáp phải ruồi", câu này theo nghĩa bóng ám chỉ ai làm việc gì đó vô tình mà đạt được kết quả ngoài sự mong đợi mà không do thực lực khả năng của mình tạo nên thì người đời dùng câu này để mỉa mai. Hôm ấy trường hợp tôi câu được chú cá Trê vàng to và nặng cả ký lô gam là do "Chó ngáp phải ruồi", số là tôi móc con Trùn đất vào lưỡi câu quá sâu làm cho mũi nhọn của lưỡi câu nhô ra, chú cá Trê vàng bơi ngang tuy không cắn mồi nà mắc câu là do lúc bơi vô tình cái đuôi của chú dính vào cái lưỡi câu, có lẽ đau quá chú quẫy mạnh cái đuôi làm cho phao chìm thật nhanh và kết quả chú bị tôi lôi lên bờ với tư thế chỏng ngược cái đầu xuống đất. Mừng con hơn bắt được vàng, nhốt con cá vào cái đục tôi vội vàng hối thằng Răng mau mau trở về nhà, hai đứa đến nhà chú Út tôi trao con cá Trê chi chú rồi nói:
- Con câu được nó nè chú Út, Chú đưa thím kho cho mấy em để ăn chiều.
Chú Út ngỡ ngàng khi thấy con cá trê "khổng lồ"  do tôi tặng chú, chú Út chưa kịp hỏi han thì thằng Răng nó diễn tả lại y như cuộn phim chiếu chậm, nghe xong câu chuyện chú Út cũng vui lây, chú đến bên tôi chú ôn tồn nói:
- Mới ra nghề mà bây giỏi vậy, thôi chú cho hai đứa hai cái cần câu để dành đi câu cho vui, nhưng bây nhớ học hành đàng hoàng, ham câu quá bỏ bê học hành tía bây biết được mắng vốn là chú không vui đâu nhe.
Mừng còn hơn trúng số, tôi với thằng Răng cảm ơn chú Út có tấm lòng hào hiệp với con cháu vô cùng, khi tôi đem cái cần câu về nhà thì sự việc gian dối cũng đà bại lộ, tôi được ba tôi "thưởng" mấy cây " Chả lông gồi " đau điếng, ba tôi thủ tiêu cây cần câu khiến lòng tôi đau quặn, ba tôi còn nhắc:
"Cố gắng học hành đi con, sau này thành tài rồi mặc sức mà "câu".
Ba tôi nay đã trở thành người thiên cổ đã lâu, nhớ lại câu nói ngày nào của ba sau này tôi mới hiểu từ "câu" với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi chạnh nhớ đến ba mình, nếu không có trận đòn hôm ấy có thể cuộc đời tôi sẽ sang ngã rẽ nào khác chăng.
Hai Hùng SG
Sài gòn 14.7.2015

Xem Tiếp: ----