ó là đợt bệnh thứ ba trong vòng một năm. Bệnh già. Mỗi lần như vậy, khoản tiền nhập viện thuốc thang ngốn sạch mọi dành dụm trong nhà. Đi tong dự tính sửa lại cái trần la phông đã bị nước mưa làm sập một mảng lớn ngay phòng khách. Rồi còn ý định sơn nước toàn bộ căn hộ cho sạch sẽ cũng đành gác lại.Bây giờ mới đúng là bi kịch thật sự. Ngay hôm đầu tiên về nhà, ông già đã tè lên cái nệm salon, nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Thản nhiên như thể, đấy chính là nhà vệ sinh. Rồi ông lồm cồm bò qua ngồi bệt ngay trên trang thờ thần tài thổ địa, bàn tay mò mẫm níu lấy cái xe đạp trẻ con dựng gần đấy. Áo thì chẳng cho thay, nhưng quần thì nhất định không mặc. Cứ tồng ngồng như thế trong nhà…Chiều tối, Ngà đi làm về, thấy chồng mình nuy trăm phần trăm đang đứng ngay giữa phòng khách, thái độ có phần lu xu bu hốt hoảng. Nhìn qua lớp cửa kiếng, tuy không rõ lắm nhưng vẫn mồn một. Lẽ nào cái bệnh lẫn lãng khoe thân đã lây lan tới mức chồng nhiễm phải? Ngà hớt hải nhấn còi hối thúc, chồng vụt chạy vô phía bếp, vài giây sau lên mở cửa, trên người độc cái quần cụt. Nước nhỏ giọt tong tỏng. Trên sàn, con bé nhỏ vẫn đang lu loa méc mẹ chuyện gì đó không dứt. Ông già ngồi với cái tay xước chảy máu ở ngón trỏ. Sợi dây điện thòng xuống. Con bé lớn kể lại, ngôn từ lộn xộn. Con thấy ông nội leo lên cái bàn kiếng. Tay với sợi dây điện phía sau ti vi. Đồ đạc đổ loảng xoảng. Con la lên. Ba đang tắm chạy ra. Thật là kinh khủng đó mẹ!Xuất sắc. Vậy mà ông già không té ngã. May cái tủ sách không đổ úp xuống, đè lên con gái lớn. Chỉ tội hai con bé gái phải bất đắc dĩ trông thấy những điều mà lẽ ra, ở cái độ tuổi ấy, nó chẳng nên và chẳng phải chứng kiến.Con cái là tài sản chung. Cha mẹ là của riêng. Cái quy định ngấm ngầm ấy của nhà chồng làm Ngà phát tức. Phần phước hay tội nợ thì của ai nấy hưởng, thật sao? Không, Ngà chẳng cam lòng.- Lấy áo cột tay ổng lại cho đỡ phá phách!- Cột tay thì cột tới chừng nào? Cũng phải cho ổng tập tành thích nghi nữa chứ!Bà chị chồng ậm ừ không nói nữa trước lý lẽ của thằng em trai út đang lãnh trách nhiệm chăm bố. Chị nào giờ vốn không hay ý kiến ý cò gì, sao cũng được. Miễn không đụng chạm gì tới chị ấy, nhất là các khoản đóng góp. Nói nào ngay, phía chồng Ngà không có cái xì tai góp nhặt gì cả. Thằng nào ngu thằng đó lãnh. Ông bà già ở với ai thì nấy chịu, chứ biết góp là góp bao nhiêu, góp thế nào, liệu thật sự ông già có được hưởng cái phần đó hay không mà biểu góp?!Ngà hình dung ra, một ngày nào đó, ông già chết đi. Chị Hai sẽ nỉ non khóc lóc những lời thương cảm. Kể lể không thôi. Ừ thì, chị ấy cũng không phải mẫu nhân vật vô tâm bất hiếu. Nhưng cái cách phụng dưỡng của chị thật đơn giản: vài câu đãi bôi, giữ chặt lấy túi tiền của mình, chỉ sợ hư hao đi chút đỉnh thì tiếc lắm.Cảnh nhà có người già lẫn, ai cũng thốt lên lời thông cảm “Tội nghiệp, vậy là cực lắm”. Nhưng phải ở trong chăn mới biết hết cái cảm giác bất lực, điên cuồng, mỏi mệt. Nhoáy cái, ông già hất đổ ly thuốc kỳ cạch nghiền, pha, nêm đường cho bớt đắng. Chồng vừa đút từng muỗng sữa vừa nói liên mồm. Vừa thao tác tay vừa thao tác miệng. Lúc thì như dỗ trẻ con. Chuyển sang nạt nộ trách phạt. Lúc thì lại phát khùng vì quá tải. Bình thường, công việc đã nhiều như quân Nguyên, ập vào người, không tránh được. Giờ chăm thêm một ông già lú lẫn, dữ tính, chịu đời sao thấu!Ông nội đến già chết mà vẫn làm khổ con cháu. Có khi chúng ta mệt mỏi khổ sở quá mà đi trước không chừng! Hiếm thấy ai hung hăng đến vậy! Đó là kết luận của Ngà, đứa con dâu đã hơn mười năm chứng kiến và hứng chịu nhiều uất ức.Tạm thời ban ngày, nhà chị Hai sẽ cử người qua chăm sóc. Đâu thể còn đường binh nào khác. Được hơn nửa tháng thì chồng Ngà cương quyết thuê ô sin. Đằng nào cũng tốn tiền, chứ em tưởng nhờ không chị Hai đấy à? Lại còn phiền phức, mang ơn. Ngà chưng hửng, cứ tưởng lâu nay đã hiểu hết về bà chị chồng vốn ki bo chặt tay, nào ngờ vẫn còn đó nhiều điều bất ngờ, mới thế!Chồng làm tháng tám trăm đô, đóng thuế xong cũng còn kha khá. Vợ dân văn phòng, sáng đi chiều tối mới về, lương tháng cũng hơn chục triệu. Tính theo mấy bài báo nói về thu nhập, thì mức lương ấy của hai vợ chồng đã thuộc hàng kha khá rồi. Thế mà, vèo cái chẳng còn thấy đâu. Vợ ấm ức vì đã lâu chồng chẳng phụ mình được đồng bạc nào.- Người già như trẻ con. Con nít nó còn có đầu óc, biết sợ, biết vâng lời. Chứ ông già nay lú lẫn, chỉ biết hờn, biết đòi, biết nghịch biết phá, đừng nên la mắng, tội nghiệp. Vợ chồng Ngà im lặng trước lời “dạy khôn” của bà chị chỉ giỏi “đĩ miệng”. Nói thì dễ lắm, có ngon thì chị rước về mà nuôi, mà hầu! Cái ý nghĩ đó cứ chực chờ bật ra khỏi đầu Ngà.Không còn những bữa cơm đông đủ cả nhà. Sểnh ra là có chuyện, đành phải người ăn trước kẻ ăn sau, đặng trông chừng. Buổi tối chỉ mấy mẹ con thui thủi. Chồng nằm dưới nhà, canh ông nội. Con gái nhỏ thắc mắc, sao lâu rồi ba không ngủ với con hả mẹ? Ngà quay mặt đi, vờ như không nghe thấy, lòng băn khoăn bởi ý nghĩ, chắc tới chừng nào ông già “xong” thì cái nhà này mới bớt khổ đây mà…Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. Ngà tắc lưỡi nghĩ, thôi thì coi như chồng để đức cho con, làm gương sáng cho hai đứa trẻ. Rồi lại băn khoăn: đến đời hai đứa con gái mình, liệu chúng có đủ kiên nhẫn và cả tấm lòng để chăm sóc cha mẹ, chứ đừng nói đến việc chịu đựng cái cảnh bi thảm thế này...Ông cụ vẫn không chịu mặc quần. Tã thì đương nhiên, chưa được một phút ba mươi giây đã bị xé tan nát. Tiện tay thì hất đổ cái dĩa sứ to tướng loại tốt đang đựng thức ăn dành cho bữa tối của cả nhà. Leo lên cái kệ giày bằng nhựa ngồi vắt vẻo cho sập xuống, giày dép cũ mới tung tóe. Đỉnh điểm có lẽ là việc tháo cái chân giường bằng sắt, vật dụng duy nhất còn lại trong phòng, sau đó đứng lên giường, dùng chính vũ khí ấy phang tới tấp vào cái bóng đèn thước hai trên tường. Mảnh vỡ bay tung tóe, chốt hạ bằng miếng nhựa trắng cong vòng không kham nổi sức đập của một ông già vốn xuất thân là người lao động chân tay, bay cái rào xuống nền. Ngà dấm dúi đứng nhìn qua khe cửa hẹp bằng vải, lòng chao chát nỗi chán ngán ứ nghẹn.- Anh tính sao, chứ cứ thế này thì không ổn đâu! Nhà còn hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn nữa…Đó là ý kiến thăm dò của Ngà sau khi đã tâm sự với cô đồng nghiệp thân về gia cảnh có phần rối ren và phức tạp hiện tại của mình.Anh lặng thinh, nén tiếng thở dài. Tính sao bây giờ. Ở cái xứ này, cha mẹ có thể bỏ con, chứ con cái đâu thể mang cha mẹ vào viện dưỡng lão hay cái gì đó tương tự. Chỉ nghe đến cái danh từ đó thôi là đủ chẳng còn mặt mũi nào mà sống trên giang hồ rồi. Anh làm công chức. Ngà là dân văn phòng của một cơ quan nhà nước. Đâu phải đầu trộm đuôi cướp thất học mà nghĩ đến cái điều ghê gớm vậy. Người ta sẽ cười chê vào mặt, khinh bỉ nhổ vào mọi thứ tốt đẹp mà cả đời mình cố công gây dựng. Mình có cần phải sĩ diện hão như vậy không kia chứ? Anh bỏ vợ con được, chứ không bỏ được cha già chứ gì? Mà cũng đâu kêu anh phải bỏ. Gởi vào một nơi nào đó, người ta có chuyên môn, chăm sóc còn tốt hơn mình. Mình lo tiền nong. Cuối tuần vào thăm. Không. Anh không làm được. Ba anh còn được mấy thời gian nữa đâu. Để mặc ổng bên ngoài, anh sống còn có ý nghĩa gì?!- Mẹ con em cũng phải sống cho ra hồn người nữa chứ?!Sau câu hỏi chẳng có lời đáp ấy, chồng Ngà nhẫn nhục và cương quyết bỏ đi chỗ khác. Ngà ràn rụa nước mắt, cúi lượm mấy cái áo quần sặc sụa mùi nước tiểu mang ngâm giặt.