Dịch giả: Đặng Thu Hương
Lời tựa của Nhà xuất bản

    
ăn Phòng Ám Sát” là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp văn học của Jack London - “Nhà văn vô sản đầu tiên của thế giới phương Tây, ngôi sao chổi rực sáng phía chân trời của thế kỷ XX” (Irving Stowe)
“Văn Phòng Ám Sát” là dấu tích cuối cùng trong đời nhà văn Mỹ tiến bộ này. Ông đã không sống cho đến ngày hoàn thành tác phẩm. Nhà văn Robert L.Fish đã dựa trên các ghi chú chi tiết của ông để viết nốt phần kết của câu chuyện. 47 năm sau ngày ông tự vẫn, tác phẩm này mới được ra mắt độc giả Mỹ. Chẳng bao lâu sau đó, nó đã được dựng thành phim, và đón nhận sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả khắp mọi nơi.
Độc giả có thể nhầm lẫn xếp “Văn Phòng Ám Sát” với các tiểu thuyết hình sự, giết người máu me hay súng ống giật gân vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường sách báo Mỹ. Cuốn sách với cái tựa khá “kích động” này, tuy cũng chứa đựng các cảnh săn đuổi gay cấn và đấu trí phức tạp, thực sự chính là một tiểu thuyết Xã hội mang màu sắc Triết lý, trong đó có thể hiện tâm sự của chính tác giả.
“Văn Phòng Ám Sát” do Pazini - một thiên tài, một học giả uyên bác dựng nên, là một tổ chức hoạt động ngoài vòng Pháp luật, có khuynh hướng chống lại xã hội tư bản lúc bấy giờ. Các thuộc hạ trong tổ chức đều là những trí thức lỗi lạc, những nhà đạo đức nhiệt thành, những con người can đảm và rất đáng yêu. Dù có nhận tiền công sòng phẳng, Văn phòng ám sát không đơn thuần chỉ là một băng đâm thuê chém mướn. Pazini và các thuộc hạ của ông đều tin tưởng “Văn Phòng Ám Sát” là tổ chức của lẽ phải vì họ chỉ nhận thi hành các vụ ám sát được lương tâm đạo đức cho phép. Nạn nhân của họ có thể là bậc vua chúa hay hàng dân giả, nhưng nhất thiết phải là những kẻ đã từng gây tội ác: những tên nha cảnh sát dã man, những tên cai cường quyền, những tên lãnh đạo phản bội công đoàn, kẻ tàn bạo, kẻ cho vay lãi,... Pazini xem những hạng người đó như những mầm bệnh trong xã hội cần phải được trừ khử để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. “Ông thủ tiêu chúng khỏi bộ máy xã hội đúng như nguyên tắc của các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ các mụn nhọt ung thư ra khỏi cơ thể”.
Sự xuất hiện của Hall, đại diện cho một lực lượng tiến bộ khác trong xã hội Mỹ, đã thử thách lý tưởng của Pazini và giúp ông nhận thức được chân lý mới, chân lý ông đã nêu ra trong bức thư cuối đời mình: “... Việc bảo vệ lẽ công bằng không thể tồn tại như mục tiêu hành động của một thiểu số chọn lọc nào đó.... sự cứu rỗi phải được phát sinh từ một nền đạo đức lớn hơn mọi nền đạo đức mà ta đã đưa ra. Sự cứu rỗi phải được phát sinh từ mạch luân lý không ngừng phát triển trong lòng chính bản thân nhân loại”. Hiệp sĩ Pazini với con tuấn mã là “Văn Phòng Ám Sát” dù cố gắng thi hành nhiệm vụ trừ gian diệt bạo đến mức nào đi nữa thì cũng hoài công. Thủ tiêu những phần tử độc ác, xấu xa trong xã hội Tư bản chưa có nghĩa là đã thủ tiêu được nguồn gốc sâu sa sinh ra xã hội độc ác đó. Một xã hội công bằng, tốt đẹp chỉ có thể là kết quả của một phong trào cách mạng toàn dân, toàn nhân loại: Cuộc Cách mạng XHCN. Hoạt đọng của Văn phòng Ám sát nhằm thực hiện lẽ phải cuối cùng chỉ là một hành động tự phát. Nhận thức trên đã dẫn Pazini đến hành động tiêu diệt toàn bộ Văn phòng Ám sát và cả mạng sống của chính mình. Cái chết của Pazini ở cuối câu chuyện là cái chết của một người khao khát thực hiện lẽ công bằng trong một xã hội bất công, muốn thiết lập những lý tưởng đạo đức cao cả trong một xã hội đen tối, gian ác... nhưng thất vọng không tìm ra phương hướng đúng đắn.

Thất vọng của Pazini phải chăng cũng chính là nỗi thất vọng kín đáo của chính bản thân Jack London? Ông là người đã đọc các tác phẩm Cách mạng của Marx và Engels, và với bài giảng Cách mạng đã đi khắp các thành phố nước Mỹ ủng hộ nhân dân Nga, tỏ rõ niềm tin vào thắng lợi CM XHCN trên toàn thế giới. Nhưng cũng chính ông trong năm cuối đời mình, đã tỏ thái độ hoài nghi sự phát triển chậm chạp của giai cấp vô sản Mỹ bấy giờ và do đó từ bỏ Đảng Xã Hội vì: “Đảng này thiếu lòng nhiệt thành và tính chiến đấu, vì Đảng này đã không quan tâm đến đấu tranh giai cấp..., vì toàn bộ trào lưu của CNXH ở nước Mỹ trong những năm qua là là một trào lưu chủ trương không đấu tranh và thỏa hiệp”. Pazini sai lầm trong phương hướng thực hiện khát vọng về lẽ công bằng của mình và chọn lối thoát duy nhất là cái chết, thì Jack London cũng đau khổ thấy mình bất lực trước hoàn cảnh xã hội Mỹ bấy giờ. Còn quá sớm để đưa ra một kết luận khẳng định, nhưng phải chăng có một dây liên hệ nào đó giữa vụ tự sát của Pazini trong tác phẩm dang dở “Văn Phòng Ám Sát” với vụ tự sát đêm 22-11-1916 trong đời thực.
Đưa “Văn Phòng Ám Sát” đến với độc giả, Nhà xuất bản chúng tôi chỉ mong giới thiệu thêm một tác phẩm nữa trong sự nghiệp văn học của Jack London, nhà văn vốn đã được độc giả nhiều nước và độc giả trong nước rất yêu mến, và một phần nào giúp độc giả hiểu thêm các mâu thuẫn trong xã hội tư bản Mỹ vào đầu thế kỷ XX.
Nhà xuất bản Trẻ 1987