ái Bàn Học luôn luôn thở than về những đêm khó ngủ. Lúc này lũ chuột thật quá quắt, cứ hay nhằm vào cái chân Bàn Học mà mài răng. Lũ chuột có thói quen mỗi khi răng dài là tìm những thứ gì đó cứng rắn để cạp mãi, cạp cho kỳ những cái răng phải mòn đi mới thôi. Thế là Bàn Học trở thành nạn nhân của bọn chúng, với những đêm hiến thịt cho những tên đồ tể không chút tình người.Lúc này là vào hè, tâm sự của Bàn Học biết nói cùng ai. Xung quanh chỉ toàn họ hàng, với hoàn cảnh cũng giống y như nhau, có thở than cũng vô ích.Thỉnh thoảng có hôm bác bảo vệ đi kiểm tra phòng ốc, đóng kín các cửa lại thì Bàn Học mới được yên. Nhưng hễ có ai bất cẩn, cửa nẻo không đóng kín thì trước sau lũ chuột cũng sẽ mò đến. Nhìn đi nhìn lại trong căn phòng rộng thênh thênh, Bàn Học chỉ thấy có đôi ba người quen, với hoàn cảnh cũng không hơn gì mình. Bác Chổi đã già cỗi nhưng lũ chuột cũng đâu có buông tha. Chị Ky méo mó bởi những đứa học trò tinh nghịch cũng không khá hơn. Còn chị Bảng thì nằm ở trên cao, họa hoằn lắm lũ chuột mới mò đến.Những lúc trở trời cái thân già đang đau nhức, lại thêm lũ chuột khốn kiếp đến quấy phá hoành hành, Bàn Học muốn kêu la lại thấy hổ thẹn với ngươi xung quanh. Ở đây ai mà chẳng thế! Đâu phải chỉ riêng mình mà kêu với… la…Nhớ những ngày trai trẻ, mới đến, Bàn Học tinh khôi với vóc hình đẹp đẽ rực rỡ màu sơn. Thế mà mới hơn một năm học đã ra thế này rồi! Ngày thường thì bị những đứa học trò ngỗ nghịch quấy phá, hết nhảy lên mình lại ngồi lên đầu. Đến lúc hứng chí chúng còn ngồi cả lên đít mới chết chứ! Những đứa bé ấy quên mất cả lời thầy cô dạy dỗ, phải biết tôn kính người già và coi đó là tài sản quý hiếm của quốc gia. Bởi vì người già thường tích lũy biết bao kinh nghiệm, với cái vốn sống to lớn mà còn lâu tuổi trẻ mới với tới.Những đứa học trò tinh quái chỉ biết đùa vui cho thỏa thích, chúng đâu cần nhìn xem Bàn Học đã được bao nhiêu cái xuân xanh… Thế là tai họa dồn dập, vừa bị chuột gặm nhấm, lại bị học trò quậy phá. Có lắm hôm hứng chí, Bàn Học còn bị chúng bẻ chân nữa cơ! Biết bao lần thợ thầy kéo nhau đến sửa sang cho dòng họ Bàn Học, nhưng mới được vài hôm thì mèo lại hoàn mèo…Lắm lúc nghĩ lại thấy ức, Bàn Học là một phương tiện hữu ích giúp cho học sinh có nơi ngồi thoải mái để tiếp thu bài giảng, thế mà những đứa bất trị cứ cải hóa thành những món đồ chơi theo kiểu “võ lâm truyền kỳ”. Có hôm chúng còn lật mông Bàn Học để tưởng ra một trò chơi quái ác hơn: “đua xe tử thần” với khối đứa chất lên lưng mới chết chứ!Rồi đây theo năm tháng, Bàn Học sẽ ngày một già đi với bao thế hệ học sinh đi qua. Trong những thế hệ đó, có rất nhiều cậu học trò sẽ trở thành tài năng của nước nhà, làm những điều ích nước lợi dân. Bàn Học tự hỏi: Những đứa quậy phá không biết sẽ đi về đâu, với cái tính cãi chầy cãi cối với cha mẹ, đi phá phách hàng xóm… Và cuối cùng, biết đâu sẽ thành… nỗi đau của xã hội…Có những cô, cậu rất dễ thương, vào đến trường thì học hành chăm chỉ. Ngồi lên bàn ghế cũng rất có ý thức gìn giữ tài sản chung. Họ là hình ảnh “tri thức” mà cả họ Bàn Học tôn sùng, dù rằng tuổi đời Bàn Học đôi khi lại lớn hơn. Các cô cậu đó đến trường là để học, để tiếp thu những điều hay từ bục giảng của cô thầy. Họ miệt mài học tập để trả ơn cơm cha, áo mẹ một cách thâm tình. Như thế mới đáng ngưỡng mộ biết bao…Mùa hè cuộc sống của Bàn Học thoải mái hơn, nhưng cũng buồn hơn. Không bị tụi học sinh quấy phá cũng yên được chút ít, nhưng nghĩ lại thấy buồn vì ở không lại đâm chán. Cuộc đời Bàn Học, sinh ra là để cho học sinh ngồi học, nếu không như vậy thì còn ý nghĩa gì nữa chứ.Bàn Học nhìn Bác Chổi đang đung đưa trong góc, rồi chợt lên tiếng hỏi:- Hôm qua bác ngủ có được không? Tôi thấy bác cứ sàn sạt suốt với mấy mớ bụi ở góc phòng…Bác Chổi thở dài nói:- Bụi bặm gì chú ơi! Mấy con chuột cứ đến quấy rối nên tôi mới động đậy cho chúng sợ hãi thôi. Cái cửa sổ không biết ai đã bất cẩn để hở ra, thế là chúng mò vào phá phách. Chị Ky mấy hôm nay cũng bị bọn chúng cắn xé, mình mẩy rách bươm ra, trông thật tội nghiệp. Cuộc đời chúng ta thật lắm rủi ro, những tai họa đúng ra đều có thể tránh được, chỉ tại con người mới ra nông nổi này. Nếu ai cũng ý thức với công việc của mình, tuổi thọ chúng ta đã khá hơn nhiều…Chị Ky nằm bên góc cũng lên tiếng thở than:- Cái thân tôi thì không cần phải nói ai cũng biết. Cuộc đời tôi không thể nằm yên như Bàn Học, cho nên bị bằm dập chút ít là chuyện thường tình, nhưng khi thấy hoàn cảnh của Bàn Học đôi lúc cũng bất bình. Những đứa trẻ quả thật vô tình và không biết thương xót cho Bàn Học chút nào. Cứ rảnh tay rảnh chân là bọn chúng lại nghĩ ra lắm trò phá phách nghịch ngợm. Nhìn hành động là có thể đoán được tâm tính, nhất định chúng học hành cũng chẳng ra làm sao…Bàn Học mệt mỏi nói:- Số tôi đã như vậy, có nói nhiều cũng không thay đổi được gì. Chỉ mong sao những đứa trẻ cố gắng học hành, có như vậy không riêng gì cha mẹ chúng, ngay cả tôi cũng vui lây. Được như vậy, mình có hi sinh chút ít cũng chả sao.Chị Ky thở dài:- Bàn Học thật vị tha. Nói được những lời ấy quả đáng bậc thánh hiền, hiếm ai có được. Nếu có dịp tôi nhất định nói mọi người ghi chép lại việc này. Sau này chúng ta già cỗi rồi chết đi, cũng lưu cho sử xanh về một tấm lòng bao dung khó ai có được.- Chị không nên nói quá! Tôi chỉ làm công việc của mình và muốn nhìn thấy thành quả là tất nhiên. Không lẽ trước khi chết đi, mình lại chẳng muốn làm một việc có ý nghĩa cho đời.Bắt đầu từ hôm ấy mọi người trong phòng thấy Bàn Học ít nói hơn. Nó thường xuyên ngồi ủ dột và tỏ ra sợ hãi khi nghĩ về những ngày sắp tới. Bàn Học nghĩ, không biết mình có sống đến ngày trông thấy những cô cậu học sinh lớp lớp ra trường, quay trở về thăm lại ngôi trường cũ với sự thành đạt lớn lao. Ngày đó chắc là vui lắm, vì Bàn Học đã sống và thấy được những điều mình mong muốn…Mấy năm nữa trôi mau, Bàn Học ngày càng rệu rã hơn bởi những trò tinh nghịch của tụi học trò. Nó cắn răng chịu đựng nỗi đau thể xác để trông chờ ngày ấy… Cái ngày mà Bàn Học có thể biết được mình đã đem ích lợi đến cho con người…Nhưng rồi bao thế hệ trôi đi, Bàn Học vẫn nằm đó trông đợi với sự mỏi mệt. Nó già lắm rồi, nhưng vẫn gắng gượng với một hy vọng thật nhỏ nhoi: Có một học trò cũ trở về thăm lại cái Bàn Học của năm nào, với niềm luyến tiếc về một khoảng thời gian thơ dại, nghịch phá, để rồi ân hận khi lớn lên… Chỉ bao nhiêu đó là Bàn Học đã mãn nguyện…Trời lại vào hè, với tiếng ve kêu và sắc màu hoa phượng đỏ. Vẫn căn phòng trơ trọi với những người quen biết mới. Bác Chổi và chị Ky đã không còn. Cuộc đời những người ấy chóng vánh và ngắn ngủi, không như Bàn Học. Họ không có thời gian để trông chờ và thấy những điều mà Bàn Học muốn thấy. Nhưng… biết đâu Bàn Học vẫn nằm đó đợi mong, và vẫn cố gồng mình chịu đựng những trò nghịch ngợm với một ước mơ… mãi mãi chỉ là ước mơ… Bình Tân. 17.10.2011. MacDung