ừ khi có bà Tám dọn về ở cái xóm này đã nhiều việc xãy ra khiến cho nhiều người thích thú, việc đầu tiên bà cho sơn phết lại toàn bộ căn nhà với màu xanh két cái màu mà ít có ngôi nhà nào chủ nhân ưa chuộng, cả xóm tôi căn nhà bà như nổi bật hẳn lên, cũng vì cái màu sơn này khiến ông Sáu khều ngứa mắt, nên vào một sáng nọ sau chầu cà phê ở quán Bà Tư bán ngay đầu hẻm ông Sáu lò dò thả bộ đến trước cổng nhà bà Tám rồi ông réo lên:
- Chị Tám ơi! Có nhà không chị?
- Ai đó in như anh Sáu Khiều phải không? Sáng sớm tìm tui có gì không cha nội, may cho tui là bà giá chứ không khéo lúc ông chồng tui còn sống ổng ghen dàn trời, thấy ông tìm tui kiểu này ổng xữ đẹp ông liền đó nghe cha già Sáu.
Nghe bà Tám nói kiểu "kèo trên" ông Sáu hơi "quê độ" trong bụng, ông liền trả đũa:
- Cái bà này, bạn bè lâu năm với nhau ông Tám ổng rành cái bụng tui sáu câu vọng cổ bù lon luôn làm sao ổng ghen tuông với tui cho được, bà nói hơi lố rồi nhe bà chằn lửa. Hi hi hi
- Cái ông quỷ này, sáng sớm lại kiếm chuyện với tui hé, cũng may cho ông nhe, chị Sáu còn sống tui méc với bả là ông "Xí lắc léo" luôn chứ ở đó mà làm le với tui. Thôi không giỡn nữa ông kiếm tui có vụ gì hông?
- Có chuyện tui mới ghé chị chứ khi khổng khi không mắc mớ gì tui ghé qua đây chi cho mệt cái thân, cái nhà này hồi trước tui giới thiệu cho chị mua, cái màu sơn cũ tui thấy nó trang nhã vô cùng để vậy ở được rồi, chị sơn lại cái màu hổng giống ai, tui uống cà phê ngày nào cũng nghe thiên hạ xầm xì hoài, đại khái họ nói chị chơi nổi, nào là bà Sáu có tuổi rồi còn nhí nhảnh, chung quy họ không thích cái màu sơn nhà của chị.
- Anh Sáu ơi!Hơi đâu chấp nhất chuyện thiên hạ thị phi, họ có nuôi cơm tui ngày nào đâu, quyền tự do tui thích màu nào là chuyện của nhà tui, ai nhiều chuyện tui biết là tui đào m....
Bà Tám chưa nói dứt câu, thì ông Sáu Khều nhanh tay bụm miệng bà lại, rồi ông lấy ngón tay trỏ của bàn tay còn lại kê lên miệng ra dấu cho bà Tám im lặng,
Ông Sáu ngó dáo dác chung quanh may mà không có ai ở gần để nghe được sự đối đáp giữa hai bên, ông Sáu nói khẻ:
- Bà Tám ơi, có gì từ từ nói, bà nóng lên bà rũa xả thiên hạ, họ nghe được xúm lại dợt bà một trận là Sáu Khều này không bênh bà được đâu đó.
Vẫn chưa hết bực bội bà Tám tiếp tục:
- Mắc chứng gì phải sợ anh Sáu, mấy ông mấy bà đó ở không nhiều chuyện quá ai chịu đời cho thấu, mình mà hiền quá họ trèo lên đầu hồi nào không hay.
Thấy tình hình căng thẳng quá độ, xét vì cũng tại mình buôn chuyện cho bà Tám đã không được một tiếng cảm ơn mà còn thiếu điều muốn vạ lây vô câu chuyện này nên ông Sáu tính kế chuồn êm:
- Thôi chuyện không có gì, chị cũng đừng để bụng, họ nói riết rồi cũng chán, mai mốt uống cà phê tui nghe ai bàn ra tán vô vụ cái màu sơn nhà chị lần nữa thì không cần chị ra tay, lúc đó đích thân tui "dũa " mấy ông mấy bà đó liền một khi cho chị coi.
Nghe Ông Sáu Khều nói những câu khác chi "Anh hùng mã thượng " vuốt ve mình khiến bà Tám đỗi giận làm vui, bà cười giòn và xỡi lỡi nói:
- Chèn đéc ơi, nảy giờ lo đôi co với anh tui quên mời anh vô nhà uống miếng nước, dô đây anh Sáu tui pha bình trà hai anh em mình nhắc chuyện đời xưa cho vui.
Còn gì vui bằng và bà Tám gãi trúng chổ ngứa của ông Sáu, ông định vào nhà chuyện trò với bà Tám cho vui chứ về nhà giờ này ông cũng nằm chèo queo trên chiếc võng rồi ôm cái radio nghe suốt đến trưa, khi bụng đói cồn cào ông mới mò vô cái "Gạc măng rê" lôi cái nồi cơm nguội với mấy miếng khô cá tra cá sặc chiên sẳn lúc sáng để ăn, những lúc ấy ông Sáu mới nhớ về người vợ thân yêu nhất của mình...
*
Ngồi vắt vẻo đong đưa hai chân trên cây cầu khỉ nối liền con kênh, Sáu khều móc trong túi ra lá thư mà anh ta viết sẳn, dự định chút nữa gặp cô Phấn anh sẽ trao lá thư này, vốn tính tình hiền lành nhút nhát anh sáu Khều không đủ ngôn từ để diễn đạt tấm lòng của mình đối với cô Phấn, vì lẽ đó suốt đêm qua anh nặn óc viết viết rồi xé xé không biết bao nhiêu tờ giấy, có lúc viết gần xong lá thư anh nhẩm đọc lại thấy nó chưa đủ sức thuyết phục trái tim cô thôn nữ, anh viết lại lá thư khác, có nhiều chổ cần thổ lộ tình cảm mà anh không biết dùng lời lẽ như thế nào, bí qua anh bèn đến bên giường cô em gái dựng đầu em thức dậy để góp ý cho anh vì dù muốn dù không cô Bảy Nở so với anh sáu thì trình độ học vấn cao hơn ông anh mình nhiều, hơn nữa cô Nở còn được cha mẹ cho ra tỉnh học đến nơi đến chốn, còn anh Sáu thì sự học không được suôn sẻ cho lắm hơn nữa anh phải bỏ họ dở dang để đi vào quân ngũ, cuộc đời chinh chiến triền miên anh Sáu cũng như bao lứa thanh niên khác cứ miệt mài hành quân cho đến ngày rã ngũ trở lại quê nhà...
Cô Bảy xem quá lá thư rồi phá lên cười cho dù cơn ngáy ngủ vẫn còn, cô gạch gạch xóa xóa rồi viết lại những ý khác cho anh Sáu chép lại, khi xong lá thư cô Bảy liền đòi tiền công:
- Anh Sáu ngày mai phải bao em một tô hủ tíu Hoành Thánh của chú Ba bán ngoài chợ nghe.
Nghe cô Bảy nói, Sáu Khều như "Đĩa phải vôi " liền đáp ngay:
- Đâu có được Bảy, sáng mai anh hẹn chị Phấn rồi, bữa khác được hông?
- Hổng chịu đâu, lâu lắm em chưa được ăn hủ tíu của chú Ba, thèm lắm rồi.
- Thôi nè, cầm trăm đồng nhờ thằng Nam bạn em nó chở đi, nhớ thối tiền lại cho anh nghe, ông già tía mình mới cho anh hôm qua đó, em mà xài hết là anh húp cháo rùa luôn đó nghe.
- Cám ơn anh Sáu em biết rồi, thương anh Sáu nhất nhà.
Nói xong Cô Bảy ghì đầu Sáu Khều hôn lên má hai cái, khiến Sáu Khều cười nhẹ rồi nói:
- Con Bảy nhà này nịnh ác ôn luôn tía má ơi!
Hai anh em Sáu khều đồng cười vang lên khiến ông Hai tía Sáu Khều giật mình lên tiếng hỏi:
- Trời trời, khuya lơ khuya lắc mắc cái giống gì mà hai đứa làm um xùm vậy, má bây bả bệnh mới chợp mắt chút xíu bây chọc cho bả thức giấc bả "bố"cho cả đám là chết nghe bây, thôi tắt đèn đi ngủ dùm tui đi cô cậu....
*
Mặt trời gần đứng bóng mà chẳng thấy bóng dáng của của Phấn đâu, lòng như lửa đốt nên Sáu Khều không ngồi đong đưa chân nữa, Anh ta đi qua đi lại cây cầu khỉ không biết bao lần, đôi mắt thì chăm chú nhìn về phía con đường làng, mỗi khi có bóng người xuất hiện từ xa thì Sáu Khều cứ thấp tha thấp thỏm mong sao nàng tiên trong giấc mộng của mình mau chóng xuất hiện, vài người đi qua mà chẳng thấy bóng dáng cô Phấn trong lòng Sáu khều buồn vô hạng. Thẩn thờ nhìn xuống dòng kênh nước lờ đờ chảy, từng dề lục bình hoa tím nở thật đẹp trôi theo dòng nước, bất chợt nhìn vào sát mép nước dưới kênh, Sáu khều gặp hai con còng gió đang quấn quít bên nhau ra chìu thật hạnh phúc, bất chợt một trái dừa khô rơi xuống nước tạo con sóng thật mạnh đánh dạt hai con còng ra hai phía, tưởng chừng chúng sẽ bỏ cuộc hẹn hò kia sau cái tai nạn nọ, nhưng khi sóng lặng gió yên chàng và nàng còng gió kia tìm lại bên nhau để vui vầy Hạnh phúc, lúc này Sáu Khều cũng mong sao tình cảm của anh ta với cô Phấn sẽ viên mãn như tình của đôi còng gió nhỏ bé kia.
- Anh Sáu, chờ Phấn có lâu không? Vừa xách xe đạp ra khỏi nhà thì tía em kêu mua rượu nên có hơi trể. Xin đừng giận Phấn nghe.
Nghe tiếng Phấn gọi, anh Sáu hoàn hồn thôi mơ mộng để trở về thực tại.
- Ờ ờ có hơi lâu nhưng không sao, anh chờ Phấn được mà.
- Tội nghiệp anh Sáu của em, em mắc đền anh nè.
Phấn móc trong túi áo bà ba lấy ra cái khăn mù soa có thêu hình đôi chim liền cánh trao cho Sáu Khều, Phấn nói:
- Em thêu suốt đêm qua đó, tặng anh Sáu làm kỷ niệm, sau này có "dợ " cũng đừng có bỏ em buồn lắm đó nghe.
- Anh sẽ giữ mãi mãi bên mình, có "dợ " anh bắt "dợ " giặt giũ cho anh chớ làm sao bỏ được.
Anh Sáu và Cô Phấn dìu nhau đến ngồi dưới góc dừa cạnh bờ kênh, gió dưới kênh thổi thốc lên mát rượi, hai người lặng yên không biết nói thêm điều gì, một lúc sau lấy hết can đảm Sáu Khều móc lá thư có tẩm mùi dầu thơm trao cho Phấn:
- Anh gửi em cái này, anh viết suốt đêm qua, xem xong đừng cười nhe.
Cầm lá thư trên tay Phấn vội ép chặt lá thư vào ngực mình, nàng thỏ thẻ:
- Ai mà cười anh Sáu đâu mà sợ, ai cười hở mười cái răng, ha ha ha.
- Đó đó Em cười đó...
Mở lá thư ra, ngồi tựa lưng vào nhau Phấn đọc chậm rãi thỉnh thoảng nàng cười e thẹn khiến đôi má đỏ hây hây, còn Sáu Khều thì đang đánh lô tô trong bụng, anh chàng sợ lá thư kia chưa đủ sức chuyên chở tấm chân tình của mình dành cho nàng, nói dại nếu nàng mà lắc đầu khi đọc xong lá thư chắc Sáu Khều sẽ "Phong rong " xuống dòng kênh để trốn chứ mặt mũi nào để nhìn nàng nữa. Thời may xem xong lá thư Phấn quay lại ôm chầm người Sáu Khều làm cho Sáu ta như chạm phải dòng điện 110 volt, nhưng rồi phản xạ tự nhiên Sáu Khều cùng ghì chặc Phấn vào lòng mình, cả hai trao cho nhau những nụ hôn thật nồng nàng. Dường như hai thỏi nam châm hút nhau chẳng bao giờ rời ra nếu không có sự tác động của con người, đến khi có tiếng mái chèo khua nước và tiếng í ới nói chuyện với nhau của người qua đường thì hai anh chị mới bừng tỉnh thoát ra khỏi cơn mê tình ái.
Thư đi tin lại, hẹn hò nhau trao nhau những lời thệ ước, như trái chín trên cành rồi cũng đến ngày thu hoạc. Đám cưới của anh Sáu và cô Phấn thật tưng bừng, bạn bè trong xã ngoài quận bà con nội ngoại hai bên đông đủ, đôi tân lang và tân giai nhân rực rỡ trong ngày cưới, hai vợ chồng sau khi làm thủ tục trao nhẫn cưới và uống rượu giao bôi thì bắt đầu theo cha mẹ đi vòng vòng để chào bàn khách tham dự.
Khi đến bàn của vợ chồng Tám Tâm đôi bạn thân thiết của Sáu Khều và Phấn, vừa đưa ly rượu mời cả bàn nâng ly thì cô Tám đứng lên cầm ly rượu cụng mạnh vào ly rượu của Sáu Khều rồi hỏi:
- Sáu Khều nè, có con Phấn bạn tui nè ông hứa cho tụi tui nghe đi:
Biết Tám cũng còn tình cảm với mình mặc dù đã se duyên cùng Tâm, sẳn dịp đông người Tám muốn ghẹo Sáu Khều một phen cho vui, Sáu khều muốn khẳng định tình yêu với Phấn và sẳn có hơi men trong người, Sáu Khều nói ngay không cần suy nghỉ:
- Tui hứa với bà tui yêu Phấn trọn đời, sau này già yếu mà lỡ nàng có theo ông bà trước thì tui quyết ở giá trọn đời luôn.
Cả bàn tiệc vỗ tay rần rần, Tám cũng cười như mọi người trong bàn nhưng nếu tinh ý thì mọi người sẽ thấy nụ cười gượng gạo...
*
- Ông Sáu, nảy giờ làm gì như mất hồn vậy ông? Nhớ bà Phấn rồi phải không?
Sáu Khều với giọng buồn buồn:
- Tội lắm bà ơi, trước khi nhắm mắt lìa đời Phấn đưa cho tui cái khăn mù soa hồi xưa rồi bà nói tui quên lời thề nơi bàn tiệc hồi đó đi, vì hai đứa tui đâu có con cái gì đâu, Phấn kêu tui nếu được thì bước đi bước nữa, ráng kiếm đứa con cho vui. Nghe Phấn nói mà tui muốn đứt từng khúc ruột.
- Bà Phấn bả nói chí phải đó, giờ có một thân một mình ốm đau ai lo cho ông?.
- Tui sống vậy quen rồi bà ơi!
Ông Sáu thòng thêm một câu:
- Nói vậy chứ bi giờ ai đâu mà ưng tui, giờ cúp bình thiếc rồi mần ăn gì nữa bà ơi!
Bà Tám cười rân rồi đáp:
- Ông nói vậy chứ tui thấy mấy bà trong xóm này hay nhìn lén ông lắm nghe, được cái ông đẹp lão, ta coi bà nào hiền hiền hốt đại bả về đi cho có cật có ruột mới vui nhà vui cửa, ông ở cu ky một mình buồn lắm, tui được cái có con Mén nó thủ thỉ tối ngày nên không mấy lẻ loi.
- Bà thì sướng rồi còn nói cái giống gì nữa. À mai bà ra quán bà Tư uống cà phê với tụi tui đi, có mặt bà ít ra cũng bớt được vài cái miệng sàm tấu.
- Cũng được, cái thằng cha quỷ này giờ mới chịu kêu tui uống cà phê, chờ câu này mấy chục năm rồi đó.
*
Không biết có nhờ các ông bà bạn ngoài quán cà phê xúi giục hay không, hay lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, hoặc thấy cảnh cô đơn lâu ngày nên cần có đôi có bạn để an ủi nhau lúc ốm đau hoạn nạn nên Sáu Khều và bà Tám quyết định góp gạo thổi cơm chung.
Trong lúc ngồi ghi thiệp báo tin, bà Tám chọt một câu:
- Ông biết tại sao tui chọn màu xanh két để sơn nhà không, là ông Tâm đó mắc chứng gì ngày xưa ổng khoái mấy con két của bạn bè trên Ban mê thuộc tặng, sau này mua sắm đồ đạc trong nhà thứ nào ổng cũng xài cái màu này, ban đầu tui bực lắm nhưng lâu dần thấy cũng quen rồi nhiễm cái màu này và yêu nó luôn, ổng mất đi tui buồn lắm để nhớ lại kỷ niệm xưa tui mới sơn cái nhà màu này, người bên ngoài đâu hiểu chuyện cứ tưởng tui người cõi trên không hà.
- Thì ra là vậy, thôi cứ để y màu xanh két đi bà, vì ông bà mình có câu "Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta cứ vững như kiềng ba chân".
Bà Tám cười cười ra chìu tán đồng với câu nói trên của ông Sáu Khều, bổng dưng bà cắc cớ hỏi một câu khiến ông Sáu ú ớ nói không nên lời:
- Bây giờ ông tính sao với lời hứa hôm uống rượu cưới ở bàn tụi tui hồi đó.
- Ờ thì, ờ thì. Bà này muốn làm khó tui phải không?
Hai ông bà quá hiểu ý nhau sau câu ú ớ của ông Sáu Khều nên đồng cười vang, trên khuôn mặt hai người hiện rõ mùa xuân vừa trở lại...
Đêm 3.7.2015.