ừ trên cao nhìn xuống, con sông Columbia River chẻ thành phố thành hai phần không đều. Bên cát bồi, nước lấp xấp, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời được lọc qua biển lá của những khu rừng nguyên đại gồm toàn sồi, sến và lác... Cả một giải nước mênh mang, ánh bạc, như có hàng triệu con cá cơm tràn tới tận bờ cỏ, nhấp nhô, ngóc đầu lên thở. Phần còn lại, nâu thẫm, gập ghềnh, chông chênh tựa toàn thể mặt sóng, đã được lát bởi những vỏ cây khô, tróc.
Ph., nói, thượng nguồn của nó là Snack River, phát xuất từ Idaho, chảy ngược lên Washington State, trước khi nhập vào Columbia để đổ ra biển.
“Khúc sông, chỗ chúng ta đang ngồi đây, người ta còn gọi là dòng Willamette River. Mà, đầu nguồn của nó, dường ở tuốt Sacramento lận...”
Tôi không tin lắm khả năng địa lý, nhất là địa lý sông ngòi vùng Tây Bắc này của Ph. Tuy nhiên, giải thích của Ph., cũng khiến tôi cảm thấy gần gũi và, hiểu được phần nào đời sống của dòng sông, tuồng có tới hai thượng nguồn khác nhau này.
Có dễ cũng nhờ vậy mà ngọn Mountain Hood (nơi chúng tôi đang ngồi) đã mang lại cho tôi một (hay những) buổi trưa khác. Những buổi trưa bên kia ngọn núi Mountain Hood. Những buổi trưa không có trong ký ức Ph. / tôi / và, Hạnh.
Tất cả, đã biến mất, cùng với sự biến mất của Phoóng. Một biến mất tất nhiên. Một biến mất thanh thản, nhẹ nhàng như sớm mai, trở lại sân chơi, ta thấy chân trời và mặt đất, đồng mầu, lúc nhúc những mầm cỏ mới. Trong khi trước đó không lâu, chỉ một vài tiếng thôi, hàng nghìn mái đầu, hàng nghìn con người đã tụ lại. Họ đã đến, mang theo trong họ, biết bao hăm hở, hơ hớ mầm thanh niên và nhựa trẻ. Họ đã đi. Và, hẳn nhiên, họ cũng đã mang theo, những mầm xanh, và, những lá nõn. Đó là sự rút đi của những ngọn thủy triều. Sự lụi, tàn tiệm tiến, dần dà, từng chút. Sự vợi, vơi một vụng nước. Sự bốc hơi một đại hồ...
Sân chơi hay cuộc đời; đám đông hay, một người; tình yêu hay, đời sống, xã hội, kết cuộc, rồi cũng thế. Nhưng cuộc chơi, khi chỉ có hai đứa vầy vọc -- Chỉ có hai, để đứa này, trở thành mặt gương soi cho đứa khác. Để đứa kia làm thành nước mắt (trên vai,) nụ cười (trên áo,) đứa nọ thì, chỉ cần một trong hai kẻ, quay lưng, cúi đầu, bước lui, cuộc chơi lập tức chấm dứt.
Sự /chấm dứt đời sống một que diêm/ ngúm tắt một đốm lửa/ lụi tàn một mụn than. (Những hòn than không thể tự đỏ lấy hồn mình. Những đốm lửa không thể tự mồi sáng chính nó. Cũng như những que diêm, chẳng cách gì tự lóe cháy, để soi lấy dáng mình, dù có muốn.)
Từ trên cao nhìn xuống, con sông Columbia chẻ thành phố, thành hai phần không đều. Bên cát bồi, nước lấp xấp, lóng lánh dưới ánh mặt trời được lọc qua biển lá của những khu rừng nguyên đại gồm toàn sồi, sến và lác... Cả một giải nước mênh mang, ánh bạc, như có hàng triệu con cá cơm tràn tới tận bờ cỏ, nhấp nhô, ngóc đầu lên thở. Phần còn lại, nâu, thẫm, gập ghềnh, chông chênh, tựa toàn thể mặt sông đã được lát bằng những vỏ cây khô, tróc. Ph. bảo:
“Đố hai đứa bay, dòng sông đang chảy theo hướng nào. Dĩ nhiên bên tay phải chúng ta là cửa biển. Bên trái là đất liền. Xa lộ Năm, dẫn về Seattle, mày đã biết...”
Tôi nghe đâu đó bên tai / giữa lồng ngực / giữa trái tim / những tiếng chân chạy bạt ngàn của gió. Tiếng chân chạy của sóng rừng đốn cây, tróc núi, xa lộ Năm.
Cũng xa lộ Năm. Những đêm trăng, những chiều mưa, tôi chở Phoóng trên chiếc pick up ngược xuôi lộ trình bắc / nam San Jose -  Los Angeles. Những đường trường bên nhau, dù cửa kính quay lên hết, những cơn chuyển dạ của rừng, núi; hơi thở dốc của đường xa, tiếng mách bảo của hạnh phúc (và, bất trắc;) giọng thầm thào của hân hoan lén lút (và, đau khổ âm thầm) vẫn không buông tha tôi. Chúng vẫn thúc từng cơn. Chúng vẫn nổi từng hồi còi (báo nguy?) thê thiết.
Xa lộ Năm, những đêm trăng, những chiều mưa, đường trường, như thế, tôi không thể đoán biết hướng gió đến. Chúng sẽ đi tới đâu, tan biến trên ngọn đỉnh nào? Những đêm trăng, những chiều mưa, đường trường, như thế, chúng tôi cố tránh nói về tương lai. (Như những kẻ đi rừng tránh nói chuyện về cọp, đi đêm tránh nói chuyện về ma, vượt biên tránh nói về cái chết...)
Chúng tôi cùng ngầm hiểu, chúng tôi có tất cả. Trừ tương lai. Chúng tôi có, những buổi sáng mở mắt, (trong kinh ngạc nghẹn ngào) thấy nhau.
Chúng tôi có, những buổi tối, (dù hiếm hoi) ngồi chung một chiếc bàn, với những món ăn được làm bởi chính bàn tay thơm tho của Phoóng. Chén cơm bốc hơi, được nấu bởi tôi.
Chúng tôi có, những khuya khoắt, chia nhau từng hơi thuốc lá và, lau hộ Phoóng, những giọt lệ khi không, bật, ứa.
Chúng tôi cũng có thể có với nhau, những chuyến bay lẩn trốn mọi người, tới một nơi toàn người xa lạ. Giữa những nơi chốn và, đám người xa lạ kia, chúng tôi mừng rỡ nắm tay nhau, hớn hở hôn nhau (như hai kẻ tình nhân may mắn còn sót lại trên mặt đất.)
Chúng tôi hân hoan giới thiệu nhau, như vợ chồng. Như những cặp vợ chồng bình thường, rất mực bình thường... với những ngườii xa lạ.
Nhưng, cách gì, thủy chung, tương lai, vẫn là món hàng xa xỉ, chiếc bong bóng đỏ ngoài tầm tay hai đứa. Chữ tương lai, với chúng tôi, tựa ý niệm mơ hồ về kiếp khác!
Những đêm trăng, những chiều mưa, đường trường, như thế, trong yên ắng, tôi ưa tìm đôi mắt Phoóng. Như người thợ săn chăm chắm kiếm tìm đôi mắt con mồi. Tôi đi tìm nỗi tuyệt vọng thê thiết (và, thân thiết) đời mình.
Những đêm trăng, những chiều mưa, đường trường, như thế, trong yên ắng, Phoóng ưa lùa tay sâu trong cổ /ngực /thân thể/ tôi. Những ngón tay chở tuổi thơ ải, dòn như những mũi thuyền trôi lênh đênh cùng khắp cõi, miền tâm trí tôi bập bềnh nước lớn.
Bây giờ, tôi không thể nhớ chính xác, thời gian đó, Phoóng mười bảy hay mười chín. Bây giờ, tôi không thể nhớ chính xác, thời gian đó, tôi đã bốn mươi hay xấp xỉ.
Thật nực cười, nếu ta đặt hết sự tin cậy vào ký ức. Ký ức, đôi khi tựa tính khí bất thường của một người đàn bà trắc nết.
Những đêm trăng, những chiều mưa, đường trường, như thế, Phoóng ưa kể tôi nghe ngôi nhà kế bên Chợ Lồng, con sông Ba Xuyên, những chiếc thuyền thúng, mùa nước lụt. Ngôi nhà, Chợ Lồng, con sông, thuyền thúng, mùa nước lụt... Những bạn hữu, nhân chứng ở cùng Phoóng, suốt một tuổi thơ con trai, ngổ ngáo của nàng.
Những lúc cao hứng, không dằn được, Phoóng bảo, Phoóng rất muốn có một lần nào đó, đưa tôi về Ba Xuyên. Nơi sanh đẻ của nàng. Nơi làm thành câu đồng dao: Ba Xuyên đi dễ khó về - Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu.
Khi cơn cao hứng tàn, dịu, Phoóng chợt nhớ: Tương lai là món hàng xa sỉ, ngoài tầm tay chúng tôi. Chữ tương lai, với chúng tôi tựa ý niệm mơ hồ về kiếp khác.
Gặp trường hợp này, tôi hay choàng tay qua vai Phoóng. Kéo Phoóng ngã sát vào tôi, rồi vỗ vỗ lên vai nàng (thói quen tôi thường có, những khi muốn dỗ dành Cún ngủ.)
Tôi biết hành động của tôi chỉ thêm khêu, mở mạch nguồn nước mắt Phoóng. Nhưng tôi làm được gì(?!?) Bẩm sinh, tôi vốn vụng về, chậm đụt. Tôi cũng hiểu, càng cố tránh né nói về tương lai bao nhiêu, chuyện ấy lại thường bất ngờ, bật ra trong câu chuyện giữa hai đứa bấy nhiêu!
Không biết có phải, đó là phản ứng tự nhiên của những mơ ước bị ý thức ném xuống, nhốt kín trong một xó góc tối tăm nào đó, của tiềm thức? Nhưng sự giam nhốt kia đâu có nghĩa hủy diệt, triệt tiêu được chúng.
Một lần, cũng đường trường, cũng xa lộ Năm, như thế, ngồi giữa chúng tôi là Cún với mùa hè bắt đầu. Thục đồng ý cho Cún có một tuần ở với tôi. Tuần lễ thần tiên của ba đứa. Mùa hè, xa lộ Năm, đỉnh đèo Bakersfield, cánh đồng King County, đoạn đường tắt 152 còn lạnh, mát. Những rừng tóc khuynh diệp mới gội đầu, chưa khô. Những ruộng dâu bạt ngàn, còn chói gắt mầu xanh và, mùi phân hắc... Chúng tôi sống giữa nhau, với nhau, như những kẻ đến từ một hành tinh khác.
Những ngày này, bao lần tôi muốn bảo Phoóng, tôi đồng ý bỏ hết, gia đình, bà con, công việc..., theo Phoóng, bỏ đi biệt tích khỏi nơi này. Chúng ta về Oregon. Chúng ta qua Arizona. Chúng ta tới Utah, Michigan. Nơi nào cũng được. Miễn ít người Việt. Không đám đông. Không tiện nghi cơ khí. Chúng ta sẽ sống lẫn cùng những người làm ruộng, làm rẫy. Không ai dòm ngó ta. Không ai làm phiền ta. Không ai tìm hiểu chúng ta là ai, để có lời ra tiếng vào. Ta được quyền có những đứa con. Được phép nuôi chúng lớn giữa thiên nhiên, giữa trời đất, theo ý mình.
“Anh phải tin Phoóng có khả năng làm rẫy, làm ruộng. Anh phải tin Phoóng có khả năng đào ao, thả cá, nuôi heo. Phoóng đã từng. Phoóng tin mình có thể làm được hơn thế. Bởi chẳng thể có một địa ngục nào, tàn khốc, đáy cùng hơn địa ngục vượt biên, địa ngục trại đảo. Vậy mà, Phoóng còn vươn lên được. Vậy mà, Phoóng còn sống sót nổi, xá gì ba chuyện vất vả lẻ tẻ...”
Tôi không trả lời. Điều gì đã giữ tôi lại? Mặc cảm về khoảng cách tuổi tác? Thói quen ù lì? Sợ hãi phiêu lưu? Không biết. Không ai trả lời hộ tôi, những câu hỏi đó. Không một ai ngoài tôi.Có phải vậy?
Nhưng, tôi bất lực. Tôi, thường xuyên lẩn trốn chúng. Tôi bất lực /lẩn trốn/ nhưng tôi lại không thể buông bỏ Phoóng. Tôi yêu Phoóng. Tôi cần giữ Phoóng cho tôi, như giữ lấy cho riêng mình, niềm hạnh phúc tuyệt vời và, nỗi bất hạnh nhức, buốt.
Hãy cứ lẩn trốn chúng, ngày nào ta còn lẩn trốn được. Tôi vỗ về, an ủi lấy mình.
Những đêm trăng, những chiều mưa, đường trường, như thế, Phoóng ưa nghe tôi kể về tuổi thơ tôi. Phoóng muốn tìm hiểu thế giới tuổi thơ của con giai (để so sánh với thế giới con gái của nàng?)
Khốn đỗi, gần như tôi không có tuổi thơ, nếu hiểu tuổi thơ của một đứa con giai là đánh đinh / đánh đáo / đường phố / đánh lộn / nắng khét đầu tóc và, thịt da.
Tôi chỉ có thể kể Phoóng nghe, tuổi thơ tôi, có bóng rợp của một bà mẹ. Bóng rợp hiểu theo hai cách: Cụ thể, mái tóc bà dầy, rất dầy, dài chấm đất; và, trừu tượng: Những khoảng tối âm u của dĩ vãng tang chế, đời bà.
Phoóng rất thích nghe tôi lập lại chi tiết về mái tóc mây, dầy, dài chấm đất của mẹ tôi. Có thể, vì, Phoóng cũng có một mái tóc mây, dầy, dài gần chấm đất như thế. Có thể, vì, trong một chừng mực nào đó, Phoóng thấy nàng gần bà? Hoặc giả, cách nói của tôi, khiến Phoóng nghĩ, trong ghi nhận thầm kín /tôi /dường đã có một liên tưởng tốt đẹp nào đấy, giữa hai người đàn bà này.
Xa hơn, dễ chừng Phoóng muốn là người thay thế mẹ tôi. Phoóng muốn lo cho tôi, không chỉ như những ngày thơ ấu, mà, luôn phần đời dư thừa, sót lại của tôi. Cảm tưởng này, tôi có, sau những lần Phoóng hỏi han rất tỉ mỉ về những gì tôi có và, không thể có được từ mẹ tôi, ngày bà còn sống.
Có thể. Có thể. Có thể. Và, tất cả, chỉ là hai tiếng... có thể. Bởi, cuối cùng, chúng tôi xa nhau. Cuối cùng, cuộc chơi đã vắng đi một người. Mỗi chúng tôi, dạt về một phía.
Như con sông Columbia, chia đôi thành phố. Như Ph. cho biết, chỉ một con sông mà, tới hai dòng nước chảy.
Từ trên cao nhìn xuống, con sông Columbia chẻ thành phố, thành hai phần không đều. Bên cát bồi, nước lấp xấp, lóng lánh dưới ánh mặt trời được lọc qua biển lá của những khu rừng nguyên đại gồm toàn sồi, sến và lác... Cả một giải nước mênh mang, ánh bạc, như có hàng triệu con cá cơm tràn tới tận bờ cỏ, nhấp nhô, ngóc đầu lên thở. Phần còn lại, nâu, thẫm, gập gềnh, chông chênh, tựa toàn thể mặt sông đã được lát bằng những vỏ cây khô, tróc.
Hạnh bảo, khúc Willamette này làm nhớ tới Phá Tam Giang, những ngày cạn nước. Tôi hiểu Hạnh đang hồi tưởng thời kỳ cuộc tình còn non, ương của hai đứa. Từ Chợ Mai, chúng tôi đưa J. ra cửa Thuận thăm Nguyễn.
Thời điểm này, có thể Phoóng chưa ra đời, chưa tượng hình? Phoóng còn đâu đó trong cõi âm u nơi tầng trên trần thế. Thời điểm này, có thể Phoóng còn nằm nôi? Có thể Phoóng còn mặc quần thủng đít. Nàng còn khóc lè nhè mỗi sớm mai? Nàng còn đái dầm mỗi đêm... Nàng còn, còn, còn, còn, còn...
Ký ức như tính khí bất thường của một người đàn bà trắc nết. Nó không cho tôi những chi tiết chính xác về sự chia tay giữa hai đứa. Chỉ nhớ, lúc hình dung Phoóng một mình, trở về ngôi nhà dưới tàng hoa muồng, với vầng trăng khuyết như nỗi buồn có tới hai đầu (tựa hai mũi nhọn) sẵn sàng làm chảy những giọt máu tuyệt vọng. Những giọt máu hân hoan  và,  đau đớn / hạnh phúc và, kinh hoàng, đã chảy trên chiếc ghế nâu trải thẳng thành chiếc nệm nhỏ, trên mặt sàn gỗ, một đêm, khi cả hai, không còn kìm giữ nổi mình.
Chỉ nhớ những đêm thình lình thức giấc, giữa những nơi chốn, trong những căn phòng, trên những chiếc giường còn gắt nồng hơi hướm nhau, bây giờ, một mình tôi trơ trọi. Một mình tôi châng lâng, hiu quạnh, tôi hiểu, cách gì, thì, cuộc chơi rồi cũng sẽ chấm dứt.
Sự /chấm dứt đời sống một que diêm/ ngúm tắt một đốm lửa/ lụi tàn một mụn than. (Những hòn than không thể tự đỏ lấy hồn mình. Những đốm lửa không thể tự mồi sáng chính nó. Cũng như những que diêm, chẳng cách gì tự lóe cháy, để soi lấy dáng mình, dù có muốn.)
Tất cả đã biến mất cùng với sự biến mất của Phoóng.
Sự biến mất đương nhiên. Một biến mất thanh thản, nhẹ nhàng như sớm mai, ta trở lại sân chơi, thấy chân trời và, mặt đất đồng mầu, úc núc những mầm cỏ, mới. Nhưng, chẳng đương nhiên nào làm loãng tan trong ta nỗi đau đớn hay, niềm tuyệt vọng. Cũng chẳng đương nhiên nào, đốn ngã hộ ta, những rừng cây ích kỷ hờn, ghen. Những tàng rộng thói quen nhớ, thương và, thói quen sở hữu, bồng bồng vạm vỡ, lớn.
Trong tuyệt vọng, oán hờn (vô lối,) tôi viết xuống:
trăng khuyết như đời tôi
cũng thôi một kiếp người
em về, khuya có vui
đầy hồn tôi mưa bụi
tôi về, khuya thiếu... tôi
nhớ người môi tháng tám.
gió ngất, như lòng tôi
chiều thu, im tiếng rồi
những ngón tay mồ côi
đường ngôi không tiếng gọi
em còn trong cõi tôi
thoảng mùi hương tháng chín.
nắng xót như biển khơi
đường xa hút bóng người
nỗi buồn nào có đôi?
sao chiều tôi khép vội
tóc buồn rơi xuống vai
em nghìn năm mây, khói.
tôi đã khóc đêm qua
như đứa trẻ nhớ nhà
em ở đâu đêm qua?
quê-nhà-tôi, mất dấu
tôi ở đây đêm qua
mênh mông hồn nghĩa địa.
trăng khuyết như tình tôi
còn nhau không cuối đời?
em, một trời gió nổi
tôi, một trời mưa thôi
mắt người đêm tháng chạp
đắp buồn áo quan tôi.
áo người mưa tháng tám
gói hồn tôi khôn vui. 
kịp về không hỡi bé?
vầng trăng ta khuyết rồi. 
Cũng mười lăm năm rồi, kể từ ngày tôi viết bài thơ ấy. Kể từ một đêm, bất ngờ, V.Dzũng ôm đàn hát Trăng Khuyết, lần thứ nhất. Lần thứ nhất, Trăng khuyết, cùng những giọt lệ khuyết, lăn khỏi đôi mắt Dzũng trẻ thơ, trong sáng; tới bây giờ, vẫn còn là những lằn roi nắng, mưa nổi cộm, đỏ rần thần trí tôi.
Em về khuya có vui - đầy hồn tôi mưa bụi. Dzũng hát. Tôi hiểu, câu hỏi em về khuya có vui, chung cho cả hai anh em chúng tôi. Nhưng trong ký ức / hình dung / tưởng tượng/..., của mỗi người, lại bật âm những vang vọng khác.
Ở Dzũng, có thể là nỗi đau đớn tơi bung trong hình dung về A. Tưởng tượng A. trong vòng tay kẻ khác(?)
Em về khuya có vui, ở tôi, là hình ảnh Phoóng thất lạc trong chiếc xe lóc cóc trên khúc đường Katella / Euclid, giữa khuya khoắt với mái tóc suối mây đã cắt cụt, với hy vọng nhờ thế, đổi thay được định mệnh, như lời Phoóng giải thích!
Ở tôi, em về khuya có vui, chỉ là câu hỏi / lời chúc gượng cho một chia tay. Đúng hơn, một chia, lìa, biệt. Biệt.
Chia, lìa thấy trước, như Phoóng nói. Chia, lìa như Phoóng đã linh cảm, thật mạnh mẽ, thật sắc, buốt giữa lúc nàng leo lên chiếc bàn, chờ bỏ đi đứa con của hai đứa! (Đứa con Phoóng hằng khát khao, sôi nổi tính toán giữ lại, dù cho tôi có ngoảnh mặt.)
Đêm nay, ngồi giữa Porland, giữa tình thân của Hưởng, Vinh, Phố, Nhớ, Rừng, Đông, Lang, Hàm, Lan..., giữa Oregon, Tháng Bảy; giữa tiếng ngâm thơ theo điệu hò Huế của Lê Quang Vinh; giữa hàng trăm giọng nói, tiếng cười; giữa tiếng hát Khánh Vân lấp lánh quý kim... Hình ảnh Dzũng lẻ loi, hiu quạnh, nhắm mắt, cúi đầu trên những nốt nhạc như những giọt lệ (cũng lẻ loi, hiu quạnh) gập gềnh, chông chênh, chẻ tôi thành những phần không đều. Phân bố tôi thành những miểng, vụn rơi, trôi.
Hình ảnh Dzũng, Trăng Khuyết, hình ảnh Phoóng, H.A., những con sông (nhiều phần không là con sông Willamette của Ph.,) hình ảnh những cánh rừng (nhiều phần không là rừng nguyên đại gồm toàn sồi, sến và lác...,) nhấp nhô, lấp xấp, vùi, chôn tôi sâu trong những niềm bí mật mà, mỗi người, theo cách riêng, đã (sẽ,) nín, lặng, mang đi.
Tôi rất vui, khi biết H.A. trở thành người bạn đời của Dzũng. Tôi cũng rất vui, khi biết Phoóng đã lập gia đình, đã có con. Nàng đã chọn một người đàn ông ngoại quốc. Người đàn ông, như Phoóng kể, có thể chia sẻ với Phoóng bất cứ điều gì. Trừ vầng trăng nơi trái tim nàng, sớm khuyết! Trừ nắng, mưa trong tâm hồn nàng đã ngày, đêm mộ địa.
Đêm nay, ngồi giữa Portland, giữa tiếng hát bằng hữu cất lên, giữa trời đất mênh mang tạo lập trong những bài thơ, từ những giọng ngâm, đọc thân yêu. Đêm nay, ngồi giữa Phá Tam Giang của Hạnh đã cạn (cho một Phá Tam Giang khác, lênh láng nước ròng...) tôi chợt hiểu, (luôn luôn,) mỗi cuộc đời đều không chỉ có một con sông…Mà, còn có cho riêng nó, chí ít, cũng một vầng trăng. Rất khuyết.
Con sông và, vầng trăng khuyết, tật kia, không nhất thiết phải hiện hữu trên một mặt phẳng địa lý, một thổ ngơi, có thực. Bởi vì, đó là những con sông và, những vầng trăng khuyết, tật ta, riêng.
Đêm nay, ngồi giữa Oregon, giữa tiếng vỗ tay (những đợt sóng xô, táp ghềnh đá,) khi người ca sĩ bước xuống, tôi quay lại Ph., buột miệng:
“Trăng khuyết.”
Ph., hỏi:
“Mày nói gì?”
Tôi nhìn về phía cửa ra vào:
“Có người vừa bỏ đi.”
“Ai vậy?”
Tôi nói:
“Không. Họ mời mày lên sân khấu đấy.”
Phần trình diễn của Ph., nổi bật nhất. Nhiều người nín thở, nuốt ực từng nốt nhạc. Có người rưng rưng, muốn khóc. Tiếng bis đuổi theo Ph., về tận ghế ngồi. Riêng tôi, tìm mãi, vẫn không thấy một con sông hay vầng trăng khuyết, tật nào (của tôi,) quá giang nơi tiếng hát Ph.
1996
 

Xem Tiếp: ----