ếu không có cuộc điện thoại ấy, hẳn cái Tết của anh sẽ chỉ gói gọn trong bốn bức tường. Đó là buổi chiều mùng Hai, anh đã không ra khỏi nhà từ Giao thừa, đang ngồi nhắm rượu với ít giò thủ nhân viên gói biếu trong tiếng đối đáp của các Táo trên DVD Gặp nhau cuối năm. Chuông điện thoại reo, anh ngạc nhiên, suýt buông rơi cả chén rượu. Lâu lắm rồi không ai gọi điện thoại cố định cho anh…
Ở đầu dây bên kia, một giọng nữ hỏi tên anh.
- Vâng, tôi đây. – Anh ngờ ngợ.
Người kia xưng tên. Lần này, anh đánh rơi chén rượu thật. Thật may, chén chỉ rơi xuống đệm ghế, không phát ra tiếng động. Anh trấn tĩnh thật nhanh:
- Em đang ở đâu?
- Em ở khách sạn S. trên thị xã.
- Ra ăn Tết?
Hỏi xong anh mới nhớ, gia đình cô đã chuyển vào Nam cả, ở đây chỉ còn vài người họ hàng xa, xem chừng không phải ra ăn Tết. Như hiểu nỗi băn khoăn của anh, cô nói luôn:
- Không, em về hẳn, ở khách sạn mấy bữa, ra Giêng tìm nhà. Anh rảnh không, lên đây, em mời anh uống cà phê?
Anh nhìn chai rượu đã vơi kha khá, biết mình chẳng còn tỉnh táo để phóng xe máy qua ba chục cây số lên thị xã, chần chừ một thoáng rồi lấy cớ đang có khách để thoái thác, lại cố vớt vát một câu:
- Em đọc số di động cho anh, lát khách về anh gọi.
Cô cũng không căn vặn, đọc số, dập máy.
Anh nhặt chén rượu lên, rót đầy, uống cạn rồi tự nhủ: “Không có gì, chỉ là bạn cũ, ra đây thì gọi hỏi thăm, không có gì…”
Một lát, hơi rượu hơi tan đi, anh lại nghĩ ngợi mông lung. Cô gọi anh nghĩa là sao? Ba năm trước cô chia tay anh, theo gia đình vào Nam. Tại sao bây giờ lại sấp ngửa quay ra? Trong đó khó sống ư? Cô bảo cô về tìm nhà, tức là không phải ra ăn Tết, du xuân, thăm viếng, tảo mộ? Cô đã gặp chuyện gì? Anh lại muốn chạy luôn ba chục cây số lên thị xã gặp cô để hỏi rõ đầu đuôi…
Anh bần thần đứng dậy nhìn quanh nhà. Cây quất, đĩa xôi, hộp mứt, cân giò, DVD Táo quân… không khí Tết của anh hoá ra cũng không đến nỗi đìu hiu lắm. Thứ duy nhất không phù hợp với không khí vui tươi đầu năm này có lẽ là chính anh. Đã ba ngày nay anh chưa tắm gội, cạo râu. Anh lê bước vào phòng vệ sinh, nhìn gương mặt vẫn chưa hết đỏ của người đàn ông trong gương, nhếch mép cười thiểu não. Cái gọi là “không có cô, anh vẫn sống tốt” thực sự chỉ là để dối lòng mà thôi.

 

Chiều muộn, anh bấm số gọi cho cô. Không có người nhấc máy. Anh để lại tin nhắn. Mãi đến lúc trời tối hẳn, cô mới gọi lại. Thấy màn hình hiện lên số của cô, anh vội vàng hít sâu.
- Khách của anh về hết rồi? – Cô hỏi.
- Ừ. Độ một tiếng nữa em rảnh không?
- Em rảnh, hẹn ở cà phê dưới sảnh khách sạn luôn đi. Tầm này cũng chẳng có quán nào mở… À, em nói trước là em khác lắm nhé.
- Khác mấy anh cũng nhận ra được. – Anh cố nói thật bình thản nhưng biết là chẳng thành công.

 

Anh tới chỗ hẹn, nhìn lướt qua một cái là nhận ra cô. Cô có khác nhưng không phải khác lắm, chỉ là đầy đặn hơn, chín chắn hơn, quyến rũ hơn. Cô mỉm cười:
- Hôm 29 ra đến Hà Nội, em có hẹn vợ chồng nhà Cần, nhà Hưng đi ăn.
Đấy là đám bạn chung của anh và cô từ thời đi học. Mấy hôm rồi anh và chúng nó gọi điện nhắn tin qua lại chúc Tết mà chẳng đứa nào nói với anh về việc gặp cô, chứng tỏ chúng nó đều ngầm hiểu là anh chưa quên chuyện cũ. Không biết cô gặp chúng nó thì có nghe được gì về anh, có lẽ là đủ thứ thêm mắm dặm muối… Anh lắc đầu xua ý nghĩ lan man, vội hỏi cô:
- Sao em lại ra đây?
- Nhiều lý do lắm.
- Công việc ở trong đó không ổn?
- Thôi, anh đừng hỏi. Tết nhất nói mấy chuyện này mất vui.
Cô bưng cốc cà phê nâu rất ít sữa lên uống một hơi. Thấy anh nhìn, cô cười cười:
- Em còn uống đen không đường ấy chứ chừng này ăn thua gì… Anh thế nào?
- Anh bình thường.
- Xưởng vẫn chạy đều?
- Cũng tạm được. Đợt vừa rồi có xuất được mấy lô hàng sang Trung Quốc.
- Sao anh nói chuyện khách sáo thế?
Anh cười buồn. Lâu rồi chẳng trải lòng tâm sự với ai, anh chỉ quen thốt ra những câu cầm chừng vô thưởng vô phạt.
Chợt có người đến, là một bà lớn tuổi mặc đồ bộ kiểu giúp việc, bế một đứa bé chừng vài tháng tuổi đang ngủ gà gật. Bà ta giao đứa bé cho cô rồi bước đi.
- Con em đấy. – Cô đón lấy đứa bé. Nó rúc vào lòng cô, ọ oẹ mấy tiếng rồi im.
Anh sửng sốt nhìn, mãi mới hỏi được một câu không thể kém thông minh hơn:
- Em vào đấy rồi lấy chồng?
- Vâng.
- Sao anh không biết tin?
- Có ai biết đâu anh.
Đã không cưới xin đàng hoàng rồi sau đó lại đem con ra đây, là vợ chồng cơm không lành canh không ngọt hay ngay từ đầu cuộc hôn nhân đã bất ổn? Đầu óc anh tự nhiên rối bời.
- Vừa trông con cún này vừa phải đi tìm nhà, anh bảo có vất vả không? – Cô nựng con nhưng mắt lại nhìn anh.
Anh cúi xuống nhìn đứa bé, cố gắng bình tĩnh suy xét. Từ nãy đến giờ chưa thấy cô nhắc đến chồng. Có lẽ ba năm qua với cô cũng chẳng có gì tốt đẹp đáng lưu luyến. Anh quyết định không hỏi gì nữa.
Hai người trò chuyện thêm một lát rồi cô bế con đứng dậy.
- Em lên cho cháu ngủ đây. Anh trả tiền cà phê giúp em nhé.
- Ừ… – Anh ngập ngừng rồi hỏi – Hai mẹ con ở khách sạn có tiện không? Hay là xuống nhà anh ở mấy hôm, khi nào tìm được nhà trên này thì chuyển sau.
Cô mỉm cười không đáp. Anh thấy nụ cười của cô có cả sự kiên cường và cay đắng.

 

Trên đường từ thị xã về nhà, anh dừng lại nghỉ cả chục lần, không phải vì gió quá rét hay đường quá tối mà là vì đầu óc quá hỗn loạn.
Anh và cô yêu nhau từ thời phổ thông. Hoàn cảnh hai nhà tuy không chênh lệch về kinh tế, đều nghèo cả, nhưng khác nhau nhiều về cách nghĩ. Bố mẹ cô không ưng anh, thường đối xử với anh quá mức khách sáo. Mẹ anh cũng không thích cô, luôn vô tình cố ý so sánh cô với con gái nhà nọ nhà kia. Hết lớp 12, anh học trung cấp ngay tại huyện nhà rồi vay mượn vốn liếng mở xưởng chế biến thực phẩm. Cô học cao đẳng trên thị xã rồi vào làm một chỗ do gia đình sắp xếp. Tình yêu của hai người chịu đựng thứ thử thách nhè nhẹ như vậy qua vài năm, đến khi mẹ anh đổ bệnh thì chính thức rạn nứt. Thời điểm đó, anh chỉ đi qua đi lại giữa bệnh viện và xưởng, không dành nhiều thời gian cho cô. Nhiều lần, cô chủ động đến bên anh, vì quá căng thẳng, mệt mỏi, vì tự ái, anh còn xua đuổi, dằn hắt khiến cô khóc bỏ về. Dần dần, cô không tìm anh nữa. Sau khi mẹ anh mất không lâu, anh biết tin cả nhà cô sắp chuyển vào Nam.
Khi ấy, xưởng vừa mới đi vào sản xuất, nợ nần còn chồng chất, anh chẳng có gì để níu kéo cô, chỉ biết nhảy tàu vào Nam nửa tháng, đỡ đần cô và gia đình những công việc nặng nhọc, đợi đến lúc gia đình cô có chỗ ở ổn định thì nhảy tàu ra. Bạn bè từng vỗ vai bảo anh làm vậy là đáng mặt đàn ông, có trước có sau. Bố mẹ cô cũng vì vậy mà thay đổi thái độ, đối xử với anh thân tình hơn một chút. Anh nghe vậy thấy vậy cũng chỉ biết cười buồn. Thoáng một cái đã qua ba năm. Đúng lúc anh nghĩ cuộc đời mình cứ thế trôi đi trong góc tỉnh lẻ đìu hiu này thì cô trở lại. Tóc uốn xoăn, quen uống cà phê đen, nói chuyện thẳng tuột, còn mang theo con nhỏ, cô thực sự đã khác, không còn là cô gái trong sáng đáng yêu ngày xưa. Vậy mà sao anh vẫn xao xuyến không thôi?

 

Sáng mùng Ba, sau một đêm thức trắng, anh gọi cho cô rồi thuê xe lên thị xã. Ông lái xe hồ hởi bắt chuyện:
- Cậu đi lễ à?
- Không, cháu đi đón người nhà.
Ông lái xe nhìn qua gương chiếu hậu, nghi hoặc. Anh chàng chủ xưởng này có người nhà hả? Sao bấy lâu nay không thấy bà con trong thị trấn nhắc tới?
Anh không để ý đến ánh mắt của ông, nhắm mắt, ngủ bù.

Cùng lúc đó, ở quán cà phê dưới sảnh khách sạn S., một người phụ nữ trẻ đang nắm tay người phụ nữ lớn tuổi mặc bộ đồ kiểu giúp việc:
- Cảm ơn chị tối hôm qua giúp em. Sáng nay anh ấy gọi cho em rồi.
- Cô diễn trò như vậy liệu có ác với cậu ấy không?
- Hơi ác một chút, nhưng đáng giá mà chị.
- Cậu ấy là người tốt.
- Vâng.
- Chúc hai cô cậu lại ở bên nhau nhé.
Người phụ nữ trẻ gật đầu thay lời cảm ơn rồi bước ra khỏi khách sạn. Trên vỉa hè, đám trẻ con xúng xính váy áo đang chơi đùa. Cô nhìn chúng rồi bật cười. Bây giờ đã nghĩ đến chuyện có con, liệu có sớm quá không?
Truyện đã đăng trên Thế Giới Phụ Nữ số Tết Quý Tỵ 2013.

HẾT


Xem Tiếp: ----