
*
Đây nói về Hồ Hữu Tường, sau khi bị trận ghen oan và bị vợ hăm «đày» qua Tây, thì lấy làm thắc mắc, không biết vì sao mà có một cô quá bạo, quá kỳ cục, hun đại mình như vậy. Hắn còn suy nghĩ không tìm ra động cơ nào xúi giục nàng làm như vậy, thì được cái thơ đảm bảo với cái măng đa mười ngàn đồng bạc. Hắn liền tìm thấy ngay duyên cớ, cười xòa rồi tự hỏi một mình: - Độc giả ẩn danh này và cô hôm nọ chỉ là một. Nàng muốn đẩy ta vào một tình thế «biệt lập» để mặc tình dò la, xem xét, điều tra. Được. Ta cũng tương kế tựu kế một phen. Năm 1945, ta đã công khai tuyên bố ở Hà Nội rằng ta nghĩ làm chánh trị trong mười năm. Mà nghĩ làm chánh trị, lại ở ngay trên sân khấu chánh trị là Sài Gòn này, cũng ngứa ngáy lắm. Chi bằng dùng số tiền này mà đi phức qua Tây, ở ít năm chơi. Nói rồi sửa soạn đi lãnh tiền, đến Công an lo giấy tờ sang Pháp. Rồi hắn viết một bài tạm biệt công chúng để công khai báo tin rằng mình sắp sang Âu. Cô Kiều Yêu hay tin, lập tức gởi lên một văn thơ nữa: Giờ đây thật sự tếch sang Âu Khi đến Paris, công việc đầu tiên là hắn ta đến Thơ viện quốc gia mà tra cứu. Trong hơn tám triệu quyển sách của Thơ viên này, hắn ta không tìm sách mới xuất bản mà đọc, lại tìm tới tác phẩm cũ xưa của phương Đông. Sau một thời gian nghiền ngẫm, tra cứu, hắn ghi trong nhật ký những điều sau đây: Paris, ngày... 1949 «Vừa đến Paris, tôi lại Thơ viện quốc gia ngay. Để tìm một thắc mắc mà suốt mấy năm nay, tôi giãi ra không nổi. Vốn ông nội tôi, là Hồ Văn Điểu, là con nuôi của ông cố tôi, mà người mẹ đem cho lại không xưng tên họ, cũng không nói cha sanh ra là ai cả. Bà chỉ dạy nên thờ hai chữ «KẾ THẾ» và nói rằng sau này con cháu đứa nào thông minh sẽ tìm ra được tông tích của dòng họ mình. Tôi tự cho rằng có chút thông minh nên suốt mấy năm nay, tôi tìm mãi xem tôi từ dòng máu nào mà có. Năm 1945, tôi ra Hà Nội, có ý muốn tìm tới Thơ viện khổng lồ của trường Đông phương bác cổ những tài liệu có thể soi sáng được điểm còn mờ tối đó. Theo lời truyền khẩu, từ khi ông cố tôi qua đời, trong nhà không có tiền sắm quan tài, thì bà cố tôi đêm vật quí báu hơn hết trong nhà là cái hộp gấm đựng một quyển sách mà bán cho một người Tàu để lấy tiền trang trải đám tang: hộp gấm này của người đàn bà sanh ra ông nội tôi giao cho, để làm của gia bảo. Ngoài hộp gấm có đề bốn chữ: «Truyền thế chi bảo». Cuốn sách trong hộp tên là «Hoa dinh cẩm trận». Suốt mấy năm ở Hà Nội, tôi lục lạo ở Thơ viện của trường bác cổ, không thấy nói chi tới hai cái tên sách ấy. Nhưng trong lúc tôi tránh bom đạn, rời Hà Nội mà lánh ở nhà quê, tôi có gặp một ông già nói rằng đời vua Tương Dực nhà Lê, nhà Minh bên Tàu sai sứ sang nước ta, có gởi tặng vua Tương Dực một quyển sách tên là «Hoa dinh cẩm trận». Có phải là quyển sách do nhà Minh tặng cho vua Tương Dực chính là quyển mà bà cố tôi đã bán cho người Tàu hồi trước chăng? Và do duyên cớ nào mà quyển sách độc nhứt trong kho tàng của nhà Lê lại lọt vào gia đình tôi trong ít năm? Rồi bây giờ nó lại ở đâu? Trong tay ai? Nếu tìm ra quyển này, ắt rọi được một tia sáng vào vấn đề mà tôi thắc mắc. Paris, ngày... 1949 Tôi tìm mãi những tài liệu thấy được để áp dùng phương pháp mà sử học hiện nay gọi là khoa học. Mà không được. Tôi nhớ lại những lời tôi nói với Thu Hương về giá trị của những huyền thuyết. Biết đâu huyền thuyết lại nói được sự thật? Huyền thuyết mà tôi nghe nói hồi nhỏ là Ngọc Hân công chúa giả chết dắt con trai là Quang Thiệu trốn vào Nam. Nếu nhận huyền thuyết này là đúng, thì quyển «Hoa dinh cẩm trận» của đời Tương Dực được vua nhà Lê truyền đến Lê Hiến Tông, rồi sang qua tay Ngọc Hân công chúa. Khi công chúa dắt con đi trốn, bà đem theo của gia bảo này để đời sau biết người truyền của có dính dấp nhiều tới bà... Nếu theo giả thuyết này, thì ông nội tôi, Hồ Văn Điểu, là dòng của Quang Thiệu, con đẻ của Ngọc Hân chăng? Paris, ngày... 1949 Chánh phủ Anh vừa gởi tặng cho chánh phủ Pháp một cái hộp gấm mà chánh phủ Pháp vừa giao cho Thơ viện quốc gia cất giữ. Hộp gấm làm theo kiểu các hộp đựng sách của phương Đông, có chốt gài, gói trọn hai quyển sách ở trong. Người phụ trách mở hộp ra, trầm trồ khen là đẹp. Tôi ngồi gần đó, liếc mắt nhìn, thấy quyển nằm trên nhan đề bằng tiếng Anh: «Love’s battles», mặc dầu đóng kiểu theo cách Tàu. Còn quyển sách nằm trong hộp, khi đem ra, bày hàng chữ Tàu «Hoa dinh cẩm trận». Mắt tôi hoa lên. Quyển sách mà tôi tìm suốt mấy năm nay, bây giờ ở đây! Tôi đứng dậy bước lại xin phép xem thái qua. Người phụ trách đưa cho tôi cầm quyển «Love’s battles». Mặc dầu tôi rất dốt về Anh ngữ, tôi cũng ráng đọc và hiểu sơ sơ như sau: quyển «Love’s battles» là bản dịch ra Anh ngữ của quyển «Hoa dinh cẩm trận», dịch giả là một người Anh, làm nhân viên ngoại giao ở Nhựt, sau thế chiến thứ hai, mới được phép xem kho sách quí của Nhựt hoàng mà thấy được quyển «Hoa dinh cẩm trận» này. Sách viết từ đời nhà Minh, do một đạo sĩ trước tác cho vua nhà Minh xem, có phụ bản màu, do đạo sĩ vẽ, và chỉ có một bản cho vua xem mà thôi. Dịch giả cho rằng khi liên quân công hảm Bắc Kinh, mỗi nước đều cướp của quí về nước, thì quân Nhựt biết giá trị của quyển «Hoa dinh cẩm trận», nên đoạt lấy mà đem về cất trong kho của Nhựt hoàng. Nay Nhựt thua trận, các sứ thần nước Đồng minh mới được viếng kho này, thấy được sách quí, nên dùng phương pháp chụp hình tối tân mà xuất bản năm chục quyển, cùng bản dịch ra tiếng Anh, để tặng mỗi nước Đồng minh một quyển... Đọc lời dẫn của dịch giả mà tôi rất hồi hộp. Dịch giả nói rằng quân Nhựt lấy được quyển này khi liên quân lấy thành Bắc Kinh, có lẽ đó là một giả thuyết để cắt nghĩa do đâu mà quyển sách độc nhứt của nước Tàu lại sang tay người Nhựt. Còn tôi, tôi chấp nối cái huyền thuyết. Sách vua Minh tặng cho vua Tương Dực, truyền đến Hiến Tông. Vua này cho sách cho con gái là Ngọc Hân. Ngọc Hân trốn vào Nam, đem của gia bảo ấy theo. Của ấy lọt vào tay bà cố tôi một lượt với ông nội tôi. Bà cố tôi dốt đem bán rẻ cho người Tàu. Người này biết giá trị của sách, mang sang Nhựt mà bán cho vua Nhựt. Âu là một cái huyền thuyết, ai muốn tin thì tin. Không tin thì xem là một truyện tiểu thuyết, coi chơi đỡ buồn... Paris, ngày... 1949 Tôi được người giữ sách cho cái đặc ân được độc quyển «Hoa dinh cẩm trận». Có thể gọi sách ấy là «Ái tình kinh» vì sách dạy đôi nam nữ yêu nhau như thế nào cho đạt đến cái tuyệt đỉnh của hạnh phúc. Lúc tôi còn sinh viên, tôi đã đọc hàng mấy chục quyển sách do tác giả người Âu viết để dạy người ta «yêu». Những sách này, dựa vào «khoa hoc» không đưa con người thoát cái vòm của xác thịt. Nay đọc sách này, tôi thấy vị đạo sĩ đời nhà Minh dắt ta thoát xa cái vòm ấy mà lên thượng tầng của tình yêu, đưa cái tình lên hàng một cái «đạo». Và sách ấy được gọi là «kinh» cũng không phải là quá đáng. Rồi tôi cho rằng cái huyền thuyết nói rằng sách đã qua tay của Ngọc Hân có phần gần sự thật. Một nữ thi sĩ như Ngọc Hân mới có một tâm hồn tế nhị mà áp dụng cái đạo của ái tình. Và vua Hiến Tông cho sách cho con, ấy bởi có dụng ý rằng nàng công chúa sẽ làm cho Nguyễn Huệ đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc, rồi do đó mà nương tay đối với cơ đồ bên vợ. Paris, ngày... 1949 Hôm nay tôi dạo xóm La Tinh. Trên đường Saint Michel thình lình tôi gặp nàng đã hun lén tôi và đã gởi tặng tôi mười ngàn đồng bạc, nàng mừng tíu tít nói: - Tôi sang đây hơn tháng nay. Tìm anh mãi mà không gặp. Anh ở đâu? Anh dắt tôi lại phòng anh cho tôi biết để sau đến chơi. Nàng vừa nói, vừa liếc mắt đưa tình. Tôi biết rồi. Nàng đương dùng những tiểu xảo của «địch vận» mà bủa tôi vào lưới. Nàng có dè đâu, tôi đã đọc xong quyển «Hoa dinh cẩm trận» thì trong nghệ thuật của tình yêu, tôi có biết bao nhiêu bửu bối mà «địch vận» lại nàng... Vài tuần sau, báo «Sài Gòn Mới» khởi đầu đăng một tiểu thuyết dài nhan đề là Phi Lạc náo Hoa Kỳ, dưới chữ ký của Ý Dư. Người biết đọc văn ắt thấy rằng Ý Dư này không phải là người đã viết Phi Lạc sang Tàu. Vì Nga đâu phải là Thu Hương mà nàng đã hạ lịnh cho lực sĩ Tàu giết chết. Và quyển «Hoa dinh cẩm trận» đã công hiệu vì Nga mê họ Hồ cho đến nỗi họ Hồ vẽ làm sao, thì nàng viết y vậy. Họ Hồ biểu nàng bố cuộc dẫn đến Trung Cộng chờ thử bom nguyên tử, Phi Lạc hết kế, đòi đi tìm thầy mà hỏi, nàng cũng vâng theo mà làm y như vậy. Đây nói về phòng Thông Tin Cộng sản ở Mốt cu, sau khi Mao Trạch Đông toàn thắng ở lục địa Trung Hoa, thì phân vân bất nhứt. Bởi Mao đã cải lịnh của STALINE mà bạo động cướp chánh quyền, bây giờ không biết Mao sẽ đi theo đường lối nào. Bỗng nhiên viên thơ ký được một bức thơ, đóng dấu từ Paris gởi sang, viết bằng tiếng Việt. Cho dịch ra tiếng Nga, thì viên thơ ký đọc được thơ rằng: Paris, ngày... 1950 Chủ nghĩa Mác Lê của các ông cho rằng động cơ chính của lịch sử là cuộc giai cấp tranh đấu mà hình thức hiện đại là chiến tranh lý tưởng. Cái thuyết «thế giới hai phe» của Staline, dạy rằng thế giới chia ra hai phe: một phe tư bản, một phe cộng sản, hai bên chống đối nhau là áp dụng của chủ nghĩa Mác Lê cho tình thế sau chiến tranh thứ hai này. Tất cả cái đó đều sai lầm và sẽ dẫn nước Nga vào đường bại vong. Động cơ chánh của lịch sử là cái gì thường tại và to tát hơn sự giai cấp tranh đấu. Động cơ ấy là sự tranh giành giữa các dân tộc. Nước Nga sẽ thấy điều đó. Và nếu không sớm chuẩn bị, Nga sẽ chịu chua cay suốt mấy trăm năm. Năm nay, Mao Trạch Đông vừa thành công ở Tàu. Nga chớ nên tin rằng Tàu sẽ ở mãi một phe với Nga trong cái «thế giới hai phe». Trong mấy năm đầu, Tàu sẽ làm vờ như vậy: để tránh cái vạ bị cô độc. Song Tàu núp theo Nga cũng như đứa nhỏ tập lội mà ôm cây chuối, khi nó biết lội rồi, nó sẽ buông cây chuối mà lội một mình. Thì khi Tàu trưởng thành rồi, Tàu sẽ buông Nga mà đi con đường riêng của Tàu. Con đường riêng của Tàu là gì? Tàu là nước chậm tiến, dân số đông, muốn rượt kịp các nước tiền tiến, chỉ có lối là dùng số đông của mình mà cướp tài vật của các dân tộc khác. Con đường của tàu là con đường chinh phục. Chinh phục Đông Nam Á, Ấn Độ là xứ nghèo, việc ấy chưa làm đã khát vọng của mấy trăm triệu dân Tàu đâu. Hướng qua Đông để đánh Nhựt, đánh Hoa Kỳ, thì Tàu bị đại dương ngăn cách mà Tàu không có hạm đội hùng hậu để vượt biển. Điều kiện ấy bắt buộc Tàu đi theo con đường của Thành Cát Tư Hãn là Tây chinh. Nhắc tới Thành Cát Tư Hãn, dân Nga hãy còn nhớ đến cái ách đô hộ của Mông Cổ suốt hai trăm năm, từ thế kỷ thứ mười ba tới thế kỷ mười lăm. Nhưng lần này, nếu Nga bị Tàu đô hộ, Tàu sẽ áp dụng chánh sách độc tài mà chính Staline đã rèn ra để một thiểu số cai trị cả xứ Nga. Bây giờ với cái chánh sách độc tài ấy, sáu bảy trăm triệu dân Tàu dễ gì để cho hai trăm triệu dân Nga lật được? Nga chưa tin à? Thì cứ việc theo con đường lý tưởng mà ủng hộ cho Tàu ít năm đi, thì coi sự thể ra sao. Nhưng ngay bây giờ, phải chuẩn bị kế hoạch để chận Tàu, khi Tàu ló mòi xâm lăng. Gần đây có một người Việt có đăng trong Sài Gòn Mới một tiểu thuyết đề tên là Phi Lạc Náo Hoa Kỳ. Nói là Náo Hoa Kỳ, mà thật sự là để nói chuyện với Nga đó. Sở trường của Tàu là chiến tranh du kích, chiến tranh lý tưởng, chiến tranh biển người... bởi Tàu là số đông. Phỏng Tàu có bom nguyên tử, thì Nga dùng cái gì để cự lại nổi. Dân Nga còn nhớ cuộc xâm lăng của Hitler chăng? Nga còn nhớ cuộc xâm lăng của Napoléon chăng? Nhưng cái ấy không có gì tất cả, sánh với cuộc xâm lăng ồ ạt của Mao Trạch Đông đâu! Tác giả của Phi Lạc Náo Hoa Kỳ dự đoán rằng Tàu sẽ có bom nguyên tử. Người ấy là một người đàn bà, làm họa sĩ, hiện có mặt ở Paris tên là Nga. Biết như vậy, nàng ắt biết cách ngăn ngừa sự hùng cường của nước Tàu. Kế hoạch ấy có thể Nga mua chuộc được, nhứt là nàng có nhuộm ít nhiều tư tưởng cộng sản. Mua chuộc bằng gì? Bằng địa vị, tiền bạc, danh vọng và tình ái. Những cái này nước Nga có thừa thải để trả cho nàng bằng một cái giá cao, thật cao. Nga đã dám xài để mua bí mật nguyên tử, thì lẽ nào Nga không chịu tốn để ngăn đón sự tấn công ồ ạt của Tàu? Ký tên: Một người biết việc**
Khi Staline đọc bản dịch của thơ này, thi phản ứng đầu tiên là một sự giận dỗi, giận sao có thằng Việt dám lớn lối công kích thuyết giai cấp đấu tranh của Mác Lê và lý thuyết thế giới hai phe của mình. Song nằm suy nghĩ cả đêm, gẫm bức thơ nên nhiều điểm cũng có lý. Ví dụ những điểm này chỉ có một phần ngàn là đúng, mà cái phần ngàn kia lại hóa ra sự thật, thì làm sao? Chi bằng đề phòng là hơn. Staline bèn hạ lịnh cho đảng Cộng sản Pháp điều tra coi nàng họa sĩ tên Nga là người thế nào và đưa kế hoạch nào mà rước nàng sang Nga được. Đảng Cộng sản Pháp ha lịnh cho người Việt cộng sản ở Paris làm công tác ấy. Sau khi điều tra xong, họ nạp bản phúc trình như thế này: 1) Nga hiện là tình nhân của Hồ Hữu Tường. Vậy muốn cho nàng rời họ Hồ, thì gởi thơ cho hai bà vợ của họ Hồ ở Sài Gòn hay. Hai bà nổi ghen, lật đật sang Paris để bắt ghen. Nga sẽ sợ mà lánh đi. Tức nhiên nàng sẽ rời bỏ họ Hồ. 2) Khi nàng rời họ Hồ, thì dụ cho nàng sang mở cuộc triển lãm về họa phẩm. Nàng ham danh, sẽ chịu sang Nga. 3) Muốn buộc chân nàng ở Nga, thì mua chuộc nàng bằng địa vị và tiền bạc. 4) Còn muốn khai thác nàng để tìm bí mật giấu, thì nên dùng thuật tình ái. Cung cấp món này nhiều hơn họ Hồ đã cung cấp cho nàng, ắt nàng sẽ xiêu lòng. Staline xem phúc trình xong, chấp nhận cả. Vài tháng sau, vợ con Hồ Hữu Tường sang Paris. Quả nhiên kế thành. Nga bị lừa sang Mốt cu mà mở triển lãm. Bác sĩ riêng của Staline cho chọn trong đám thanh niên Cộng sản Nga một chàng, mà dùng theo thuyết duy vật, có điều kiện tối cao hơn hết để đem món tình ái mà dụ dỗ nàng. Độc giả chắc thừa hiểu rằng theo thuyết duy vật điều kiện ấy thế nào. Người kể chuyện không dám nói rõ chi tiết về khoảng này, sợ e rằng hai nhà phê bình ta là cô Phương Thảo và Dã Hoa sẽ cáo rằng Ý Thừa này thuộc môn phái văn chương của Chu Tử. Nhưng xin nói phớt qua rằng tư tưởng duy vật của thế kỷ XX cũng không hơn gì sự tính toán của Lữ Bất Vi khi chọn Lao Ái mà dâng cho mẹ của Tần Thủy Hoàng. Kết quả là mấy tháng sau, nàng Việt mảnh mai là Nga bị ho lao rồi từ trần, ôm luôn cái bí mật xuống suối vàng. Khi Nga chết rồi, chàng thanh niên cộng sản bị buộc tôi là «tả khuynh» đi quá mức trong nhiệm vụ, thành ra phá hoại công tác. Hắn bị bắt đày sang Tây Bá Lợi Á mà bị nhốt vào trại giam. Còn Hồ Hữu Tường, khi viết thơ sang Mốt cu cho phòng Thông tin Cộng sản để đề cử cho tình nhân mình làm du thuyết cho Staline, có dè đâu cách làm việc máy móc của bộ máy tổ chức của đảng Cộng, có dè đâu lý thuyết duy vật của vị bác sĩ, có dè đâu sự quá trớn của chàng thanh niên Cộng sản Nga, bao nhiêu sự kiện ấy hiệp lại mà đưa nàng vào cái chết, mà kế hoạch du thuyết hỏng đi. Chừng đó họ Hồ mới ăn năn. Một là thương xót người tình nhân bạc phận của mình, mặc dầu biết rằng nàng là một «địch vận». Hai là thấy rằng lý thuyết và hành động có những tương quan tế nhị lắm. Lý thuyết của mình lập ra, mà do mình thực thi, họa may mới đến kết quả mong muốn. Còn mình vẽ ra một lý thuyết đẹp cho đến bực nào đi nữa mà để cho kẻ khác thực hành, thì cứu cánh lại sai bét với ý định. Bởi nghĩ như vậy mà họ Hồ dẹp cái ý định mượn tay Nga mà chận đón sự bành trướng của Tàu ngay lúc Tàu chớm nở lực lượng. Còn Hồ Chí Minh khi nghe tin rằng Hồ Hữu Tường đem hết vợ con sang Pháp, cho rằng Hồ Hữu Tường bỏ cuộc một cách hoàn toàn và vĩnh viễn, nên không còn lo hậu hoạn về phía đó. Vả lại cuộc điều tra tư tưởng này đã làm mất hai nàng cán bộ có tài là Thu Hương và Nga, thêm cuộc kháng chiến chống Pháp quá bận rộn nên Hồ Chí Minh lần lần xao lãng và quên phứt vấn đề đã làm cho mình lo ngại. Thấm thoát mà thời gian trôi qua. Đầu năm 1954, thình lình từ trong Nam đánh điện ra báo cáo rằng Hồ Hữu Tường đề nghị «trung lập chế» Việt Nam. Hồ Chí Minh xoa tay cười và tự nói: «Tưởng đâu cái gì, chớ lý thuyết ấy không có gì đáng lo cả. Bây giờ ta điều định làm chủ miền Bắc mà lấy phần chắc. Rồi, sau vài năm, ta cho cán bộ phất cờ «trung lập» mà lấy miền Nam. Khi lấy xong, ta thanh toán cái màn «trung lập» mà xích hóa luôn cả vùng ấy...» Rồi Hồ Hữu Tường bị bắt, bị kết án tử hình. Một lần nữa Hồ Chí Minh xoa tay cười, chắc chắn rằng phen này không còn tay đối thủ và kế hoạch thôn tính miền Nam không còn bị trở lực, không dè mấy năm sau, cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Triều, rồi mấy tháng sau, thả Hồ Hữu Tường ra. Hồ Chí Minh có hơi lo. Song đọc được bản báo cáo nói rằng Hồ Hữu Tường bịnh nặng chưa chắc hoạt động được gì, thì yên trí rằng từ đây cho đến khi bịnh giảm thuyên và bình phục hẳn, ắt còn ngày giờ mà nghĩ kế. Mấy tháng qua, Hồ Chí Minh được một bản báo cáo tường tận như sau: Miền Nam, tháng chín 1964 «Chúng tôi có lợi dụng được một người thân tín của Hồ Hữu Tường mà điều tra về mưu định và kế hoạch của hắn. Và đây là kết quả của cuộc điều tra ấy. 1) Hồ Hữu Tường mất đứa con nuôi có tài là NGUYỄN PHAN CHÂU, mà trong đám em út của Châu lại không có người lỗi lạc khả dĩ thay thế cho Châu được, thành ra hắn thấy mình cô độc, đơn thương độc mã quá, mà thế cuộc lại bời bời. 2) Các chánh đảng, các đoàn thể, các lực lượng tôn giáo thảy đều không muốn hợp tác với Tường vì sợ lót đường cho hắn. Thành ra Tường không còn chút hi vọng tạo được một mặt trận để làm hậu thuẩn cho mình. 3) 4) Tường nhận thấy mình không cán bộ, không tổ chức, bị cắt đứt quần chúng nên biết phận mình không thể làm chánh trị được. Và hắn chủ trương viết tiểu thuyết mà thôi. 5) Công tác thành lại xúi người ta nườm nượp tới nhà Tường để «làm khách» bằng đủ mọi phương pháp: nào để hỏi thăm sức khỏe, nào để cho tin vịt, nào để hỏi ý kiến về chánh trị và văn chương. Thành ra Tường không làm gì được, mà cũng không viết tiểu thuyết nổi. «Vậy chúng tôi kết luận: Tường bây giờ nên kể là một con số không, chẳng đáng sợ, chẳng nên lo, kéo một đời tàn vô vị. Vả lại chúng tôi có nghĩ ra một kế hoạch. Hễ hắn hé cái gì, thì chúng tôi cho rải truyền đơn, tổ chức biểu tình để vu cho là hắn xúi dục. Người ta sẽ nghi hắn, bắt hắn mà an tri ở Côn Sơn. Đó là kế «điểu hổ ly sơn». Ra Côn Sơn, hắn sẽ chết mòn. Giỏi lắm là sẽ để lại một vài tiểu thuyết không ảnh hưởng gì cả.»Đọc xong bản báo cáo, Hồ Chí Minh nở một nụ cười khoái trá. Và nói rằng: «Phen này Hồ Hữu Tường có làm gì được nữa chăng?» Muốn biết Hồ Hữu Tường có làm gì được chăng, hãy xem đến hồi sau phân giải.