e hỏa Lao Kay tới ga Hà Nội, Vân Anh tay xách cái va li bước xuống, đi thẳng ra đường, thuê xe về một hiệu thợ cạo. Ngồi trên xe chàng thấy trong lòng vui vẻ lạ thường. Không phải chàng vui là vì đã lâu nay mới được thấy phong cảnh Hà Nội, một cái phong cảnh mà chàng vẫn cho là thần tiên, đã hai năm nay bây giờ mới được dịp thấy lại, hay là vì đã được từ giã nơi rừng xanh núi đỏ, tịch mịch buồn rầu. Chàng vui là vui vì chốc nữa đây chàng sẽ được gặp mặt Bích Đào người vị hôn thế của chàng mà chàng sắp đem hết tâm hồn chí khí để hi sinh với người yêu ấy.
Bốn năm về trước, Vân Anh đương học ở năm thứ ba trường Sư phạm, bấy giờ chàng mới 18 tuổi, mẹ chàng đã hỏi Bích Đào cho chàng. Bích Đào là con gái thứ ba ông phán T. mới về hưu trí ở Hà Nội, là bạn cũ với cha chàng, mà đôi trẻ đã biết nhau từ khi còn bé.
Khi chàng mới đỗ ra, ông Phan gọi cho cưới ngay trước khi chàng bổ đi làm giáo học. Nhưng chàng nghĩ chưa được yên trí, vì rồi ra thế nào chàng cũng phải bổ lên thượng du dạy học trong một hạn là hai năm, Bích Đào phải vì chàng mà lận đận ở nơi rừng xanh nước độc, hay nếu không theo chàng đi được thì phải chịu cái cảnh gối lẻ chăn đơn chờ đợi. Bởi vậy chàng phải nói với ông Phan hãy hoãn lễ cưới lại, để cho chàng xin bổ lên thượng du dạy học đã, hết hạn hai năm về sẽ làm lễ cưới cũng chưa lấy gì làm muộn.
Chàng bỏ lên Lai Châu dạy học, trí chàng lúc nào cũng tưởng tượng đến Bích Đào, một cô gái hình vóc thướt tha kiều mị, một cô gái có cái khuôn mặt trái soan với cái mầu da trắng nõn mà lúc nào trên môi cũng hé một nụ cười tươi tắn, mà nụ cười ấy nó có thể an ủi được lòng chàng những khi chán nản. Ngoài ra cái sắc đẹp mà trời đã phú cho Bích Đào, Vân Anh lại còn yêu nàng về những đức tính hay, những đức tính mà các cô con gái nhà có giáo dục cần phải có. Tuy ở Hà Nội mà nàng không đua đòi bạn hữu ăn mặc theo lối tân thời lòe loẹt, nàng vẫn giữ cái khăn vấn bằng nhung, cái áo the với cái quần lĩnh thâm. Đối với các cậu con trai khác thì cách ăn mặc ấy bây giờ là cổ hủ, nhưng đối với Vân Anh thì chàng lại cho thế là đẹp, vì theo ý chàng thì người đẹp mà ăn mặc nhũn nhặn thì lại làm cho tăng thêm vẻ đẹp lên, chỉ có những người xấu xí mới cần phải làm đỏm mà thôi.
Nhan sắc cùng những đức tính của Bích Đào làm cho Vân Anh phải đem lòng kính phục. Chàng đã chắc sau này, nàng có thể giúp chàng gây nên được một cái gia đình êm ấm và chắc chắn, cho nên trong hai năm dạy học ở Lai Châu, chàng hết sức cần kiệm để gây lấy một cái vốn. Bây giờ trong tay đã có ngót nghìn bạc, chàng định đem số tiền ấy về cưới Bích Đào, còn thì để mở cửa hàng cho nàng buôn bán ngay ở phố huyện H. là nơi chàng mới bổ về dạy học. Chàng định bụng chàng thì đi dạy học, cứ tháng tháng lĩnh lương để dành, còn ăn tiêu thì đã có tiền lời buôn bán của vợ. Như thế trong 15 năm nữa, chàng sẽ có một cái vốn to, chàng sẽ tậu một khu ruộng rồi xin từ chức giáo học mà cùng vợ con về hưởng sự an nhàn vui thú.
Những ý tưởng tốt đẹp ấy chàng đã sắp sẵn ở trong trí ngay từ khi mới bổ đi dạy học. Trong mười phần công việc nay đã đạt được hai ba. Nghĩ đến cái tương lai rực rỡ, chàng lấy làm sung sướng lắm.
Xe kéo đến trước cửa một hiệu thợ cạo ở bờ hồ thì đỗ xuống. Vân Anh vào hiệu cắt tóc, cạo mặt và tắm rửa sạch sẽ, vì mấy hôm đi đường trường sợ cảm, không dám tắm. Rồi mở va li lấy cái áo trắng dài mà chàng đưa giặt là từ khi chàng còn ở Lai Châu ra mặt. Hôm ấy tuy là một ngày về tháng bảy, nhưng trời giở heo may, hơi lành lạnh, chàng phải lấy cái áo lương ba chi mặc ra ngoài, kẻo mặc một cái áo trắng sợ người ta bảo là «công tử tứ thời áo trắng» và đi vào đôi giầy tây đen không có cổ. Chàng cho trong lúc kinh tế khó khăn này mà ở vào cái địa vị chàng ăn mặc như thế là vừa phải.
Ngắm vuốt đâu đấy rồi, chàng xách va li đi lại nhà ông phán T. vừa đi vừa nghĩ những lời êm dịu để sắp nói với Bích Đào. 
Cánh cửa mở ra, Vân Anh bước vào. Cậu út con ông Phán vừa trông thấy chàng đã vội reo: «A A! Anh giáo đã về!» Rồi chạy ra ôm chặt lấy Vân Anh mà mừng rỡ và ngẩng đầu lên gác gọi ông Phán.
Cậu Út thân yêu Vân Anh như thế là vì khi Vân Anh còn học ở trường Sư phạm, sau khi đã hỏi Bích Đào rồi, chàng thường lại nhà ông Phán chơi. Mỗi khi lại chơi chàng âu yếm cậu út lắm, âu yếm như em ruột vậy. Có khi chàng xin phép vợ chồng ông Phán đưa cậu đi chơi hay xem chớp bóng.
Vân Anh chưa kịp hỏi chuyện cậu út thì vợ chồng ông Phán đã ở trên gác đi xuống.
Thấy Vân Anh về, vợ chồng ông Phán đều tỏ ý vui mừng. Sau mấy câu hỏi thăm chiếu lệ, ông Phán gọi người nhà pha nước và đi làm cơm cho Vân Anh ăn vì ông biết rằng chàng vừa về tầu Lao Kay thì chắc chưa ăn cơm chiều, Vân Anh cũng chẳng dám làm khách, vì chàng đói thực, vả lại chàng đã coi nhà ông Phán như nhà mình rồi, thì việc gì còn phải từ chối nữa. Chàng mở va li lấy ra một cặp nhung biếu vợ chồng ông Phán, rồi cùng ông Phán ngồi uống nước và nói chuyện.
Tuy ngồi nói chuyện với ông Phán, nhưng bao nhiêu tâm trí chàng để cả vào Bích Đào, vì từ lúc đến nhà ông Phán đến bây giờ, chàng chưa trông thấy Bích Đào đâu. Chàng tưởng nàng còn phải bận làm cơm ở trong bếp liền đứng dậy vờ vào nhà sau đi tiểu để nhìn mặt Bích Đào cho đỡ nhớ, nhưng cũng chẳng thấy, sau chàng đánh bạo hỏi cậu út:
- Chị đi đâu, em?
- Thưa anh, chị đi chơi.
Nghe cậu út nói, Vân Anh bán tín bán nghi, vì chàng vẫn tin rằng tối đến Bích Đào không hay đi chơi đâu bao giờ, chỉ trừ khi bà Phán có sai đi đâu thì bất đắc dĩ nàng mới phải đi mà thôi, nên lại hỏi lại cậu út:
- Đẻ sai chị đi đâu?
- Thưa anh, đẻ không sai chị đi đâu cả, chị lại chơi đằng kia.
Vân Anh bực mình vì câu trả lời viễn vông của cậu út, chơi ở đằng kia thì còn ai biết là chơi ở đâu, chẳng lẽ lại cứ hỏi gặng cậu mãi thì không tiện. Chàng có ý trách Bích Đào, vì hôm về đến Lao Kay, chàng đã gửi điện tín về báo cho vợ chồng ông Phán và nàng biết thế nào tôi hôm ấy chàng cũng về tới Hà Nội. Thế mà tối hôm ấy nàng không ở nhà đợi chàng về đã, lại nhẩy đi chơi.
Chàng ra nhà ngoài ngồi ăn cơm. Bữa cơm đáng lẽ ngon lắm, nhưng vì vắng mặt Bích Đào xem ra chàng ăn có chiều uể oải.
Chàng đương vừa ngồi ăn vừa nghĩ tới Bích Đào, thì chợt nghe thấy tiếng nàng vui vẻ chào bạn ở ngoài cửa. Nét mừng lộ ra trên mặt, chàng vội nhìn ra thì vừa thấy Bích Đào đi vào.
Bích Đào vấn tóc trần, rẽ ngôi lệch, đầu bôi nước hoa thơm nức, mặt đánh phấn, môi thoa son đỏ chót, tai đeo hoa đầm, mình mặt cái áo nhiễu tây mùi với cái quần bằng nhiễu tây trắng rất mỏng, trông thấy rõ cả ống chân, tay xách cái ví đầm, ỏng ẹo trên đôi giầy da đan cao gót đi vào. Nàng vừa đi đến bên Vân Anh vừa nhăn nhó nũng nịu nói:
- Kìa anh! Anh về lúc nào thế? Gớm em mong anh mãi. Lâu nay anh ở trên Lai Châu có được mạnh khỏe không? Anh hãy cứ ăn cơm cho xong đi rồi ta sẽ nói chuyện.
Nàng nói liến thoắng và làm những điệu bộ lẳng lơ khác nào như một cô đào nói với một quan viên vậy. Trong khi nàng nói, Vân Anh cứ chăm chú nhìn nàng, nét vui trên mặt chàng bỗng đổi ra vẻ sợ, chàng không ngờ nàng lại thay đổi chóng đến thế, thay đổi cả từ cái dáng điệu cho đến cách ăn nói, bao nhiêu những cái vẻ dịu dàng, êm đềm và e lệ khi xưa, bây giờ đã đổi ra những vẻ thô tục sỗ sàng. Tuy bụng hãy còn đói, chàng và vội và vàng hết bát cơm ấy, rồi chẳng kịp uống nước, chàng đứng dậy xách lấy va li và nói thoái thác xin phép vợ chồng ông Phán để lại nhà người bạn làm ở nha học chính lấy cái giấy đi đường mà chàng đã nhờ bạn lấy hộ, để mai đi sớm đến chỗ trường mới. Vợ chồng ông Phán cố nằn nèo giữ chàng ngủ lại đây, mai hãy lại nhà bạn, nhưng chàng nhất định không chịu ở. Mà từ hôm ấy chàng cũng không trở lại nhà ông Phán T. nữa.

*

Một tháng sau, bấy giờ Vân Anh đương dạy học ở trường huyện H., chàng nhận được thư của mẹ gửi đến, báo cho biết rằng ông Phán T. gọi cho cưới Bích Đào và giục chàng nhờ người chọn lấy ngày lành rồi sắp sửa xin phép mà về làm lễ cưới. Xem xong thơ, chàng trả lời vắn tắt mẹ rằng chàng không dám lấy Bích Đào nữa. Mẹ chàng tưởng trong khi chàng dạy học ở Lai Châu, chàng đã lấy một người vợ Thổ giấu giếm ở đâu hẳn, không thì cớ sao mà lại từ hôn Bích Đào. Bà cụ hơi có tính nghiêm khắc và không muốn trái ước với người bạn thân của chồng, liền tốc thẳng đến chỗ chàng dạy học để xem xét tình hình và hỏi chàng tại sao mà từ hôn Bích Đào. Bấy giờ chàng mới kể thực chuyện với mẹ rằng:
- Trước kia thì chàng thực không yêu ai bằng Bích Đào, nhưng bây giờ tâm tính nàng đã đổi khác. Bích Đào ngày nay không chín chắn và thùy mị như Bích Đào hai năm về trước. Bích Đào ngày nay chỉ thích ăn mặc theo lối tân thời cho đẹp, và chỉ thích ăn chơi chứ không thiết làm ăn gì cả. Chàng sợ lấy nàng rồi thì cái số lương tháng hơn năm chục đồng của chàng không đủ sắm quần áo và mua phấn sáp cùng nước hoa cho vợ.
Rồi chàng kết luận: một người đàn ông cần kiệm lương tháng lại ít thì không thể nào kết duyên được với một cô gái tân thời đã vô nghề nghiệp lại thích diện cho sang. 
Nghe Vân Anh nói, mẹ chàng cũng thuận cho chàng từ hôn Bích Đào. 
LÊ ĐỨC NHƯỢNG

Xem Tiếp: ----