ăn nhà hàng ngày vốn tấp nập người ra kẻ vào mua mua, bán bán, nay vắng bóng chị bỗng quạnh quẽ, buồn hiu. Chị Ngân đã đi đâu cả tuần nay mà không cho ai biết. Mấy chị em tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm chị.
Bố mẹ tôi là những người công nhân bình dị. Bốn anh chị em tôi được sinh ra và lớn lên ở một phố chợ nghèo. Chị Ngân là lớn nhất, đến chị Nga rồi anh Thanh và tôi là đứa con gái út. Bố mẹ tôi đi làm suốt, ngoài giờ đi học, bốn chị em ở nhà phải tự trông nom lẫn nhau. Mới 8 tuổi, chị Ngân đã chăm sóc 3 sóc đứa em nhỏ. Nấu cơm, nấu cháo, tắm rửa, giặt quần áo… cho các em, chị đều làm hết. Những lúc đi chơi với bọn trẻ con ở xóm, tôi bé nhất nên được chị ưu tiên bế cắp nách, còn chị Nga và anh Thanh bám 2 bên sườn áo chị, dắt díu nhau chơi đùa cả buổi. Tuổi thơ bình yên của chị em tôi cứ thế trôi qua nếu không có một ngày trời mưa bão, bố lụi cụi đạp chiếc xe khung dựng vượt cả 2 cây cầu để đón mẹ ở nhà máy vì thương vợ phải đi bộ giữa trời mưa. Và chiếc xe tải nhỏ mất phanh đã cướp đi bố mẹ của chị em tôi vĩnh viễn. Ngày đó chị Ngân vừa mới thi đỗ vào cấp 3, còn tôi mới là đứa con nít 7 tuổi.
Chị Ngân phải bỏ học. Chị nghe lời mách bảo và sự giúp đỡ của người họ hàng, sắm đôi quang gánh để bán rau ở phố chợ. Để kiếm được nhiều tiền lãi hơn, hàng ngày chị Ngân phải thức dậy từ tờ mờ sáng, đến tận vườn nhà người ta để tự tay thu hái rau rồi mang ra chợ bán sớm. Ngoài 2 buổi chợ bán rau, chị tranh thủ giờ buổi trưa đi phụ việc cho những cơ sở làm bánh đa. Tối về, chị xoay ra cắt đế giầy, khâu giầy da công. Không biết có phải vì người ta biết hoàn cảnh mà thương chị tôi nên lúc nào chị cũng không hết việc. Vậy mà chị vẫn có thời gian để đi học võ. Ấy thế nên ở ngoài chợ, trong phố chẳng ai dám bắt nạt chị em tôi.
Đẵng đẵng tháng năm đi qua, chị tôi oằn mình để lo bữa cơm, quyển sách cho 3 đứa em dại. Chị không xinh đẹp như những thiếu nữ khác, da chị ngăm đen vì dãi nắng phơi sương, bàn tay xù xì, thô kệch, lúc nào cũng bám đầy nhựa rau, có khi lại phồng rộp vì cắt lượng đế giầy quá lớn. Bát cơm, quyển vở của 3 chị em lành hay rách đều trông cả vào đôi bàn tay của chị. Có hôm chợ ế, bữa cơm của chị em tôi chỉ có 3 quả trứng với đĩa rau luộc. Tôi và anh Thanh vô tâm cứ thế hồn nhiên bỏ tọt cả quả trứng vào bát cơm. Chị Nga biết vậy, bổ đôi quả trứng chia cho chị Ngân một nửa. Chị Ngân nhường nhịn: “Hôm nay chị đi làm được người ta cho ăn bát bánh đa rồi, em cứ ăn đi”. Vừa nói, chị vừa gắp lại miếng trứng cho chị Nga.
Sợ nhất là những đêm mưa bão. Gió cứ rú rít, gầm gào suốt qua các khe cửa. Cánh cửa gỗ mọt bấy lâu không có người sửa sang chỉ trực bung ra. Mái nhà nứt toác, dột hết chỗ này đến chỗ khác, nước mưa cứ thế theo nhau chảy thành dòng. Những đêm ấy, bốn chị em chẳng có chỗ ngủ, chỉ biết ôm nhau mà khóc. Thương các em, chị Ngân lại càng làm nhiều hơn. Có hôm đi chợ giữa trưa về, chị bị cảm nắng sốt cao đùng đùng, vậy mà cũng không chịu nghỉ. Thấy vậy, chị Nga và anh Thanh bảo sẽ nghỉ học để phụ giúp chị. Chị mắng: “Cứ lo vào học cho tốt, đấy không phải là việc của chúng mày”. Ngày một cũng qua dần, có chị, chúng tôi vẫn có cơm ăn, được đến trường bằng bạn, bằng bè.
Tham công, tiếc việc, lại biết lo toan, tiết kiệm, chị Ngân cũng mở được 1 cửa hàng tạp hóa nhỏ, buôn bán cũng tốt hơn, không phải phơi mặt ra nắng cả ngày như trước nữa. Cả chục năm qua đi, chị Ngân cũng đến tuổi cập kê. Nhưng không mấy ai đến với chị, vì họ chê chị tôi xấu xí, lại không còn cha mẹ, thêm gánh nặng một đàn em còn đang tuổi ăn học. Chị cũng chẳng mấy khi buồn mảy may nghĩ đến việc đó vì còn phải lo cho 3 đứa em. Không phụ công chị Ngân, 3 chị em tôi đều cố gắng học hành đến nơi đến chốn và xin được công việc tốt khi ra trường. Chị Nga và anh Thanh đều lập gia đình riêng.
Tôi đi làm xa, thỉnh thoảng mới về thăm chị. Đợt này, mỗi lần về nhà, tôi đều thấy một người đàn ông chân đi tập tễnh, chạc gần 50 đến chơi với chị. Tôi hỏi ai, chị bảo: “Một khách hàng quen của chị thôi, anh ấy là thương binh”. Nhưng thời gian này, chị Ngân vui vẻ và khác xưa. Thỉnh thoảng chị hát một mình, quần áo mặc chỉnh tề không xuề xòa như trước. Có đêm, chị cứ nằm trở trăn mãi không ngủ, định nói gì đó với tôi nhưng rồi lại không nói nữa. Tôi biết ý nên cũng không dám hỏi.
Hôm nay, là chủ nhật, không mấy khi cả 4 chị em lại có cơ hội tụ tập đầy đủ. Chị nấu rất nhiều món ăn ngon cho bọn tôi và lũ trẻ. Bữa cơm gia đình sum vầy thật đông vui, đầm ấm. Tôi thất ánh mắt chị Ngân rạng rỡ hơn thường ngày. Ăn cơm xong, chị ngần ngừ mãi mới nói: “Hôm nay chị có việc quan trọng này muốn nói chuyện với mấy đứa. Anh thương binh vẫn đến mua hàng thực ra là bạn trai của chị. Anh ấy là người Thanh Hóa. Anh ấy đã có 3 đứa con, vợ bị bệnh mất nên đưa các con ra đây làm ăn. Bây giờ chị muốn… đỡ đần cho anh ấy đỡ vất vả…”.
Chị Ngân lấp lửng chưa kịp dứt câu, anh Thanh đã tiếp lời: “Chị đã vất vả cả đời vì chúng em rồi, bây giờ chị về hầu hạ nhà người ta thì khổ lắm. Chị cứ ở nhà với chúng em, chúng em sẽ chăm lo cho chị. Nếu chị muốn lập gia đình thì tìm người nào khỏe mạnh, không vướng mắc con cái thì chị sẽ ổn hơn…”. Chị Nga cũng cảm thấy lo lắng không kém: “Việc chung sống với người có nhiều con riêng như vậy rất phức tạp chị ạ. Chị cứ nghĩ kỹ đi. Chúng em thương chị, không muốn chị vất vả thêm nữa”. Chị Ngân giọng trầm xuống: “Nhìn 3 đứa trẻ nheo nhóc không có me, chị lại nhớ cái cảnh côi cút của chị em mình ngày xưa. Chị thấy thương và muốn đùm bọc chúng”. Chị nói mà đôi mắt ngân ngấn nước. Cả 3 chị em lặng lẽ không nói thêm điều gì.
Hôm nay là ngày cuối tuần, tôi lại về với chị Ngân. Thấy cửa nhà khóa, tôi chỉ nghĩ có lẽ chị đi lấy hàng hay có việc loanh quoanh đâu đó. Mở cửa vào nhà, tôi đã thấy ngay 1 tờ giấy đặt ngay ngắn trên bàn uống nước với vài dòng nắn nót của chị Ngân: “Chị đi theo đoàn làm từ thiện để giúp đỡ cho những trẻ em mồ côi trên miền núi. Khi nào xong việc chị sẽ về. Không phải tìm chị nhé”. Đọc xong, lòng tôi như lửa đốt, lấy ngay chiếc điện thoại để gọi cho chị nhưng không liên lạc được. Lúc này chị Nga và anh Thanh mới biết chuyện. Mấy chị em tìm mọi mối liên lạc nhưng hỏi ai cũng không biết chị đi đâu.
Hai ngày ở một mình trong căn nhà trống trải, phần nào tôi mới hiểu được tâm sự của chị. Ngày mai, nhất định tôi sẽ nói chuyện với anh Thanh và chị Nga để tìm gặp anh thương binh ấy…
Xuân Hạ
 

Xem Tiếp: ----