ả tháng nay tôi thấp thỏm, sau khi xem thông báo danh sách đoàn chuyên viên của Bộ tới kiểm tra, làm việc với nhà trường. Kể cả lúc này ngồi chấm bài, tôi lại nhớ đến bóng hình người ấy.
- Sướng nhé. Sắp được gặp nhau rồi. Cái mặt tơn tớn! Không giấu nổi thằng này đâu!
Đấy là lời của ông chồng tôi, đồng nghiệp dạy cùng trường, sinh viên đồng khóa, đồng hương cùng huyện. Mặc cho anh ta lảm nhảm, tôi tiếp tục cắm cúi công việc của mình.
- Mẹ ơi! Nó giật… của tôi!
Tiếng con lớn ré lên. Sau đó là tiếng thụi nhau uỳnh uỵch. Tôi bổ vào buồng – căn nhà tập thể xây dựng lâu ngày xuống cấp, xập xệ - hai đứa con tôi đang giằng giật nhau. Tôi kịp kéo thằng em, đẩy con chị, mỗi đứa ra một hướng. Con chị bị thằng em túm tóc giật, lúc này nhìn như con bú rù. Thằng em bị đẩy ra, vẫn còn giận dữ, giơ tay dứ dọa, tiếp tục hậm họe con chị. Thằng này giống y tính bố nó, cục cằn, chuyên dùng nắm đấm để đối thoại với chị; còn con chị, vũ khí là gào lên và khóc.
“Con máy cưa xoèn xoẹt. Đúng là mẹ nào con ấy” – đó là từ ngữ của ông chồng tôi, khi anh ta dùng để mắng chửi đám trẻ. Hai đứa con tôi suýt soát tuổi nhau, đứa trứng gà, đứa trứng vịt.
Giải quyết xong vụ việc, tôi quay lại tiếp tục công việc chấm bài và chẳng thấy ông chồng của tôi đâu nữa. Chắc anh ta ra ngôi quán đầu khu tập thể trường - vừa là quán rượu bia, kiêm luôn quán hát Karaoke. Chồng tôi sẽ uống và hát hò đến tận khuya mới về. Nhiều đêm tiếng hát của anh ta ông ổng vọng về khu tập thể: “Tình nà tình nhiều khi không mà có. Tình nà tình nhiều núc có như không…”
Tôi nghe nhiều quá, chả còn cảm giác ê chề trước đồng nghiệp, trước học trò. Có đêm tới mười một, mười hai giờ khuya, ông giáo say khướt, mới khật khưỡng lê bước về nhà và lải nhải độc tấu điệp khúc tiếp:
- Lày! Toàn các em xinh đẹp nhé! Không như hạng nhà cô đâu, noại yêu đương giẻ rách, quấn quýt thuê phòng trọ. Duyên, duyên cái đếch gì cơ chứ! Vô duyên thì có!
Ấy là ông chồng quý hóa của tôi đang nhiếc móc và nhắc nhở đến vợ, nhắc đến cái tên Duyên của tôi.
Chúng tôi yêu nhau vào cuối năm thứ hai. Chàng thư sinh, hát hay đàn giỏi. Đôi mắt chàng khắc biết bao em mê mết. Sao có thứ con trai âu yếm, nhẹ nhàng, đáng yêu đến thế. Bên cánh gà sân khấu hội diễn của trường, bất chợt bắt gặp ánh mắt đăm đắm của chàng nhìn ngắm tôi, ngay đêm đó tôi đã ngả vào vòng tay yêu đương nồng cháy ấy.
Kỷ niệm yêu của chúng tôi đầy ắp: ăm ắp túng tiền; tong tả ngược xuôi vay mướn, nợ tiền trọ, nợ nước, nợ điện,... nhưng nó tràn trề hạnh phúc, cả ấm cúng, da diết nhục dục. Khó khăn, thiếu thốn vậy, hai đứa vẫn cuồng nhiệt sống như những kẻ lãng du: sống trong ảo mộng, không bận lòng tới hoàn cảnh khốn khó của cặp đôi yêu dân tỉnh lẻ; tằn tiện, chắt bóp từng đồng xu, cắc bạc – những đồng tiền học bổng của thân phận tôi và bòn nhặt những đồng bạc đêm hôm chàng đi dạy dỗ thêm; khốn khó đối đáp, khất khứa nợ nần, nín nhịn chịu trận trước con mẹ chủ nhà béo tốt, như vắt chanh đều đặn hàng tháng đến giục réo, đòi, nã nợ.
Đấy, cuộc sống yêu của chúng tôi là vậy - cặp sinh viên quê nghèo giữa chốn phồn hoa đô hội: chung sống trong căn buồng ngăn ra như chuồng nuôi nhốt lợn giữa ngôi làng Cót cổ kính, bên dòng Tô Lịch thơ mông xưa - giờ đây nó không còn nên thơ, mà chỉ sặc lên mùi hôi thối nước thải cống rãnh. Nghèo túng thế, nhưng không hiểu sao, hai kẻ khốn khó chúng tôi vẫn yêu, vẫn sống, vẫn có những kỷ niệm êm đềm đẹp, bao chuyến lãng du: nay Chùa Keo tận Thái Bình, mai lễ hội đầu xuân Chùa Hương, hay trên rừng thông Côn Sơn vi vút gió. Chàng từng đùa tôi:
- Nếu không có Duyên, sau này anh sẽ làm thầy chùa, tu hành chốn thần tiên Côn Sơn nhá!
- Chỉ được gở!
Tôi vả những cái vả yêu tình tứ vào khuôn miệng đẹp như “tượng thần Đa vít” của chàng và hai kẻ quấn quýt, nồng cháy trong cơn nồng yêu mê dại, giữa cánh rừng thông già tĩnh lặng.
- Cụ Nguyễn Trãi ngày nhỏ sống với ông ngoại ở đây đấy. Rồi thời cụ ở ẩn nữa. Biết đâu khúc suối kia cụ từng ngồi câu cá, ngâm vịnh thơ phú cũng nên (chàng nói vậy).
Khi qua Bãi Rễ Côn Sơn, chàng kể về truyền thuyết rắn trả thù, giọt máu nhỏ xuống thấm ướt tới ba trang sách, để lại cái án oan khuất - tru di tam tộc.
- Người ta có kiếp số, nhân duyên đấy!
Chàng từng bảo thế.
- Thế chúng mình có duyên không? – tôi hỏi lại chàng vậy.
Hắn cùng quê tôi. Một kẻ cục mịch, thi thoảng có việc gì đó đến phòng trọ của chúng tôi. Hắn là đồng hương mà. Đôi khi hai đứa cùng chuyến xe khách về quê. Hắn bình thản nhìn cảnh chàng âu yếm đưa tiễn tôi ra bến xe. Bố hắn là chủ tịch huyện. Nghe nói ở quê, bố mẹ nhắm sẵn cho một cô văn thư Ủy ban. Tương lai của hắn: lấy vợ đã sẵn sàng công ăn việc làm; chồng là anh giáo trường huyện; tiếp đó là nhanh nhanh chóng chóng vọt lên chân hiệu trưởng, rồi lên tiếp nữa, trưởng phòng,… Con đường thênh thang, tương lai rộng mở trước mặt. Chính hắn từng có lần tâm sự vậy.
Đùng một cái tin loan ra, lan ầm khắp thị trấn phố huyện: Cô con dâu tương lai của ngài chủ tịch đi nạo phá thai vụng. Thủ phạm chẳng rõ là ai. Tức thì cô nàng ta bị cắt việc. Quả thật, gái chửa hoang sao xứng tầm làm vợ cậu công tử con ông quan đầu huyện. Tôi biết chuyện ấy khi về quê dịp đó với hắn. Cũng chả thấy hắn buồn, hay đả động tới chuyện đó. Hình như với hắn, không có gì đáng buồn, cũng chả thấy hắn vui thú chuyện gì, điều gì bao giờ.
Khi bước chân vào cổng trường đại học là tràn trề hoài bão, đầy ngập mộng mơ: sau này sẽ làm những công việc tát tát – toàn rời non lấp bể. Bao viễn cảnh được tô vẽ ra, để rồi sau mấy năm vật lộn, mải miết rong chơi, cùng bao thứ lo toan vụn vặt: thi thầy chạy cô; không ít cuộc mặc cả cả vật chất lẫn phi vật chất, phi đạo đức - nghe đồn có đứa phải cà phê đèn mờ, hay nhà nghỉ với thầy, mới qua nổi môn học.
Nay sắp ra trường, chỉ còn tã tượi trước một tương lai xám xìn xịt, đen tối hơn cả cơ cảnh nhà chị Dậu anh Pha. Nhiều cô cậu ra trường rồi, chả biết đi đâu, về đâu. Không nhẽ bao năm đèn sách, nay quay về chốn quê, ăn nhờ ở đậu cha mẹ? Đến gõ cửa xin việc bất cứ đâu, đều nghe lời cảnh báo chuẩn hơn cả chỉnh: có bao nhiêu “siền”? Mà nhưng nơi biên tuyển, họ có thèm ngõ ngàng đến kiến thức, hay đạo đức của kẻ xin việc đâu. Không ít đứa trụ lại Thủ đô, sống dật dờ như cái bóng, như xác chết rồi mà chưa được khuân đi chôn, hay đưa xuống đài Hóa thân hoàn vũ Văn Điển.
Cái thứ mác cử nhân sư phạm suông, bốn năm học chay của dạng tôi, lại gốc gác bố mẹ nông dân sịn, xin sao nổi trường công, còn thứ trường tư, hợp đồng ký như chứng nhận tạm cho một lũ thành ra ông thầy, bà cô giả. Nhà trường tuyển được học sinh, thì thuê mướn dạy, bằng không, thẳng cánh sa thải, biến ngay đám thầy cô thành ra lũ mất dạy. Còn nghe thì thầm, để được chân dạy chính thức trường này, trường kia, có đứa mất toi cả đời con gái bằng những cuộc mặc cả sỗ sàng.
Nghe mấy chị khóa trước thuê trọ trong khu kháo vậy, tôi rùng mình nhắc lại. Chàng sinh viên nghèo - người yêu của tôi, nhiều khi chán nản, buông xuôi:
-Thôi em! Mặc xác đời! Không nhắc tới chuyện ấy nữa!
Chàng ta lơ đãng nhìn qua cửa sổ, bập bùng cây ghi ta với khúc nhạc "Tuổi đá buồn", nghe mà thêm não lòng, não ruột.
- Anh! Em sốt ruột quá. Hình như ở nhà… có việc. Có lẽ em về quê xem sao!
- Còn tiền không? À, hôm qua gặp thằng bạn, nó chơi con đề, trúng mấy lít, chia lộc cho.
Trong khi hai đứa đang trao đổi, hắn đến.
- Duyên về quê không? Tôi đang định…
Thế là tôi cùng hắn về quê và biết chuyện đang ầm ĩ về cô vợ tương lai của hắn.
Hắn hẹn tôi đến nhà chơi. Nhà ông chủ tịch huyện tòa ngang dãy dọc, vườn cảnh bể cá. Đây cũng là lần đầu tôi bước chân vào nhà hắn.
- Tối nay ăn cơm nhà mình nhé!
Hắn mời vậy và rủ tôi ra vườn - khu khuôn viên cây xanh mướt mát, được chăm bẵm, tỉa tót cẩn thận. Nhưng lúc ấy tôi còn đâu tâm trạng để ngắm vuốt thiên nhiên. Bao điều đang ngổn ngang trong tôi: việc bố mẹ lo tiền chạy cho đứa em đi lao động nước ngoài - bố tôi tính bán mấy con bò và cắm ngân hàng tấm sổ đỏ mảnh đất thổ cư,… Lúc này có người tâm sự, chia sẻ, dù là hắn, vẫn vơi bớt đi phần nào.
- Tới đây… Duyên tính thế nào?
- Tính gì cơ?
- Còn gì nữa! Tương lai ấy: xin việc, gia đình...
- Duyên chả biết. Thôi, cứ mặc! Đến đâu hay đến đó!
Thế là hắn đặt thẳng vấn đề, chẳng quanh co úp mở. Nếu đồng ý cho hắn cưới, hắn sẽ lo toan cho tôi công việc. Ông chủ tịch huyện lo tốt việc làm cho hai đứa. Tôi sẽ cùng hắn về dạy ở trường trung học tại trung tâm huyện. Còn chỗ ở, khu dinh thự to rộng của nhà hắn thế này,.... Hắn nói y như đã tính toán kỹ lưỡng đường đi nước bước của đời tôi mất rồi!
Ngay sau đó một tháng đám cưới được tổ chức chóng vánh và rất ư là long trọng - xứng tầm tiệc cưới của con ngài chủ tịch huyện. Tôi không quay lên Thủ đô. Về dự đám cưới duy nhất có cô bạn thân cùng lớp.
Song số phận thật hẩm hiu, dù đã suy tính, sắp đặt trước đấy. Ngay sau ngày cưới được dăm tháng, ông bố chồng của tôi bị sa vào vụ kiện tụng tham nhũng, lính nó bật, ông ta bị tù tội, bị tịch biên gia sản. Vợ chồng tôi từ khu nhà nguy nga kia, đành ra cư ngụ ở khu tập thể ọp ẹp của nhà trường. Chúng tôi mấy năm liên tiếp hai đứa trẻ ra đời - gái đầu, trai út.
Nhà trường thông báo đoàn chuyên viên của Bộ xuống kiểm tra ở tỉnh, trong đó có trường tôi. Danh sách đoàn có tên chàng – cái tên họ rất độc, khó lẫn với ai.
Chiếc xe biển xanh từ từ chạy vào sân trường. Đoàn cán bộ lần lượt xuống xe. Tôi nhận ngay ra bóng dáng chàng, vẫn thư sinh, mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ. Tôi không dám nhìn tiếp, vội ngoảnh mặt đi. Biết đâu đấy, từ đâu đó, ông chồng quý hóa của tôi đang giám sát vợ. Sắp hết tiết học, thấy chồng tôi ngấp nghến trước cửa lớp, tôi tong tả chạy ra:
- Hôm nay cô về sớm, chuẩn bị cơm đãi khách. Tôi vừa gặp, hẹn rồi. Chiều muộn hắn đến đấy. Cô nhớ nhá! - chồng tôi bảo vậy.
Tôi luống cuống, không tin nổi vào tai mình. Phần tiết giảng còn lại người như trên mây, bồng bềnh, chỗng chễnh, chẳng biết giảng giải, nói năng những gì với trò. Tan buổi dạy, tôi ù nhanh ra chợ. Biết mua bán gì đây? Ngày trước chàng ưa món canh chua. Cá chuối nấu canh chua dứa, rau ngổ, món ăn pha trộn kiểu cách phương Nam. Còn gì nữa? Rau sống,… Những dịp phụ huynh trả thù lao dạy kèm cho con em họ, hai đứa thường tíu tít nấu nấu, nướng nướng...
Quãng sáu giờ chiều, chồng tôi ngất ngưởng đâu đó về. Hình như anh ta đã kỹ càng uống rồi, nhưng nách vẫn kè kè chai rượu:
- Xong chửa?
Chồng tôi hỏi vậy. Và đúng lúc ấy hai đứa trẻ lại trêu chọc nhau, con lớn ré lên và tiếng bố nó:
- Biến! Biến con mẹ chúng mày đi, để ông tiếp khách! Khách quý của con mẹ chúng mày đấy!
Chàng đến – đến đúng vào lúc ấy, khi chồng tôi đang xa xả mắng chửi con. Tôi biết chàng đến, khi nghe tiếng chào của chồng tôi với khách. Tôi không dám chạy lên, chỉ loáng thoáng nghe tiếng hai người đàn ông gượng gạo nói chuyện - hai kẻ từng cùng trường, từng quen biết nhau. Rồi tiếng chồng tôi vọng xuống:
- Nhanh nhanh lên! Cứ mân mê ra ấy!
Tôi cập rập bê mâm cơm lên nhà, lí nhí chào khách. Ánh mắt chúng tôi thoáng chạm nhau, tôi vội vã đánh sang hướng khác và ngập ngừng đặt mâm cơm xuống mảnh chiếu, mà chồng tôi vừa trải ra trên nền nhà - mảnh chiếu rách tã tượi, không thể cũ rách hơn được nữa. Thấy mâm cơm đặt xuống, hai đứa trẻ xúm lại. Chúng chả đũa bát, chả mời chào ai, tranh nhau bốc bả, nghiến ngấu nhai nuốt. Còn chồng tôi:
- Hừ! Như quân chết đói. Thôi, mặc xác nhà chúng mày!
Chồng tôi quay ra với khách:
- Hôm nay chúng ta làm trận say nhá. Không say, không về. Chục năm rồi còn gì. Ông giờ là quan to trên Bộ, tôi vẫn anh giáo quèn trường huyện. Ông biết không, tôi sắp bị đuổi rồi đấy! Dạy kém quá mà, lại rượu chè bê tha. Tới đây tôi sẽ thành ra kẻ mất dạy. Thôi! Uống, uống đi ông. Mặc xác đời nhà chúng nó!
Nghe vậy, tôi lại nhớ tới câu nói của chàng năm xưa, trước lúc chúng tôi vô tình biệt ly nhau. Có phải đó là điềm gở chăng? Bưng bát cơm trên tay, tôi không dám nhìn chàng, cứ cúi gằm xuống mà ăn, và và và cơm. Nhưng nào tôi có ăn uống nổi đâu. Miếng cơm như lặng tắc trong họng. Đôi lúc ngập ngừng tôi ngước mắt lên, lại vội vàng cụp ngay xuống, hay giả đò ngó nghiêng đâu đó: bức tường ẩm mốc; mái ngói hở hoác; cửa giả nứt mục,... Chợt nhớ những bữa ăn ngày nào của hai đứa - ríu rít gắp múc - tôi gắp múc cho chàng, chàng âu yếm gắp múc cho người yêu. Cố kìm giữ, mà nước mắt tôi cứ trào ra…
Còn chồng tôi lúc này liên tiếp rót, liên tiếp đưa chén rượu lên miệng, anh ta làm như chưa được uống bao giờ. Chỉ một chốc, giọng chồng tôi đã méo mó đi vì say:
- Nghe bảo,.... ông vẫn chưa vợ? Phòng không… thế đâm ra sướng! Còn tôi,..... ông tận mắt chứng kiến rồi nhá - kẻ đi ăn cướp tình yêu của người,..... Khốn khổ, nhục nhã chưa?
Đúng lúc ấy hai đứa con tôi lại chạnh chọe nhau, con chị ré lên khóc và tiếng chồng tôi, giọng méo mó của kẻ say… Quả là quá sức của tôi - sức nhẫn nhục, chịu đựng của người đàn bà – tôi bật lên khóc nức nở!
Tiếng kẻ say, tiếng gạnh gọ của hai đứa trẻ và cả tiếng khóc rấm rức của tôi, hòa quện vào nhau….
Chàng lặng nhìn, chả biết nói năng gì, từ từ đứng dậy. Tôi ngước cặp mắt nhạt nhòa trong nước mắt, trong vô vọng, bắt gặp ánh mắt đáp lại của chàng - xót xa, vô vọng, song vẫn còn đấy đau đáu yêu thương.
Ngập ngừng chàng bước ra cửa.
Tôi ngồi đó lặng không; không một lời tiễn biệt; chỉ biết chăm chắm nhìn theo; nhìn tận khi bóng người ấy tan loãng trong đêm tối mênh mông, chìm ngập giữa dòng nước mắt của đời tôi./.
Khai Xuân Ất Mùi, ngày mồng Tám, tháng Giêng (tức 26/02/2015), TP. Sơn La.